Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

nhân ngày giỗ nhà văn thanh tâm tuyền / bài viết: đặng tiến [ 1940- ] -- trích từ 'blog từ hoài tấn'



            Nhân ngày giỗ THANH TÂM TUYỀN

                                                                                                   bài viết: đặng tiến



thanh tâm tuyền [ i.e. dzư văn tâm 1936- usa 2006]

Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền qua đời trưa ngày 22 tháng 3-2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi.

Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học miền Nam, trước 1975, và góp phần tạo nên một khúc quành cho văn học Việt nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp lửa.

Ông du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn nhà thơ lúc trước. Ảnh hưởng phương Tây do đó có tính cách trực tiếp, tự do và sáng tạo. Ngược lại, ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật: thơ, văn, nhạc, hoạ, như ở các nước phương Tây.

Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.

Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo.


*


Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư văn Tâm, sinh ngày 13 (có nơi ghi 15) tháng 3 năm 1936, tại Vinh, Nghệ An/ Trung bộ. Trong bài 'Thơ mừng năm tuổi', làm năm Nhâm Tý 1972, ông đã kể chi tiết tiểu sử [1] . Từ 1952, ông đã đi dạy học, trường Minh Tân, Hà Đông và có truyện đăng báo Thanh Niên, Hà Nội.

Sau đó, hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, cùng với những người sẽ trở thành bạn văn nghệ về sau: Doãn quốc Sỹ, Nguyễn sỹ Tế, Trần thanh Hiệp, cùng chủ trương nguyệt san Lửa Việt, rồi vào Nam.

Tại Sài gòn, 1955, ông viết cho các tuần báo Dân ChủNgười Việt và nổi tiếng từ những tác phẩm đầu tay, tập thơ Tôi không còn cô độc, 1956, và truyện Bếp lửa, 1957. Thời điểm này, ông tích cực tham gia biên tập báo Sáng Tạo (1956-1960) do Mai Thảo đứng tên, và ông thường được xếp vào 'nhóm' Sáng Tạo, có ảnh hưởng lớn trên văn học miền Nam suốt một thập niên.

1962, bị động viên vào Trường Sĩ quan Thủ Đức, được giải ngũ, rồi tái ngũ trong Quân lực Việt Nam Cộng hoà, phụ trách chủ yếu việc huấn luyện văn hoá, «tám năm quân ngũ chưa nổ một phát súng với địch» (1972), cấp bực cuối cùng là đại uý. Sau 1975, bị bắt đi học tập, trong hơn mười năm, tại nhiều trại cải tạo miền Bắc. Cuổi cùng sang định cư tại Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1990. Ông qua đời vì ung thư phổi, tại nơi cư ngụ.

Thanh Tâm Tuyền là tác giả khoảng mười đầu sách; ba tập thơ: Tôi không còn cô độc (1956), Liên - Đêm - Mặt trời tìm thấy (1964, Sài gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ). Ba truyện: Bếp lửa (1957), Khuôn mặt (1964), Dọc đường (1967). Ba tiểu thuyết: Cát lầy (1966), Mù khơi (1970), Tiếng động (1970). Một vở kịch ngắn: Ba chị em (1965). Một phiếm luận Tạp ghi (1970). Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, ví dụ như tiểu thuyết Ung thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, từ 1964, là một tác phẩm quan trọng.

Miền Nam Việt nam [VNCH] những năm 1955 -1960 bừng lên một sinh khí văn hoá. Hằng triệu người từ Bắc di cư vào Nam, những người từ nông thôn bước vào, hay trở về thành thị sau chiến tranh, tình hình an ninh và giá cả ổn định, các trường trung và đại học phát triển, sách báo, điã nhạc, nhập khẩu ào ạt với giá rẻ nhờ ngoại viện. Thơ Thanh Tâm Tuyền xuất hiện trong bối cảnh đó. Ít người mua và cầm trong tay tập thơ Tôi không còn cô độc, nhưng nhiều người, nhất là giới thanh niên, đọc thơ ông trên tạp chí Sáng Tạo, bên cạnh thơ hiện đại khác của Tô Thuỳ Yên, Quách Thoại, Nguyên Sa, Trần thanh Hiệp, Người Sông Thương.

Người đọc theo dõi, tìm hiểu, chứ thật sự yêu thích thì không nhiều; cũng có người, có bài báo chê trách là thơ lập dị, bí hiểm, hũ nút.

Mười lăm năm sau, 1973, khi sự nghiệp thơ văn Thanh Tâm Tuyền đã an vị, báo Văn đã ra một số đặc biệt về đề tài này, ngày nay là tư liệu hiếm quý. Trên báo này, Lê Huy Oanh, nhà biên khảo chuyên về thơ, có hai bài: một bài kể lại quá trình tiếp xúc thơ Thanh Tâm Tuyền, từ chỗ ghét bỏ đến yêu thích; một bài giải thích 'lối thơ Thanh Tâm Tuyền' qua bài 'Phục sinh' nổi tiếng trong sự khen chê, với những câu: «Tôi buồn khóc như buồn nôn… Tôi buồn chết như buồn ngủ…»

Tôi không còn cô độc có lẽ chỉ là lời tâm nguyện như khi nhà thơ nói «tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ», hay «có người cầm súng bắn vào đầu / đạn nổ nhịp ba / không chết». Người đọc bực mình vì những lời lạ lẫm như thế thì ít, nhưng nhiều người phẫn nộ vì lời thách thức in ở đầu sách:

«Ở đây tôi là hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi, người hoàn toàn tự do. Để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ. Người hoàn toàn tự do. Và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ

Lê Huy Oanh kể lại rằng: «Trước đó tôi đã quẳng tập thơ qua cửa sổ, rồi lại nhặt lên, trân trối nhìn nó một hồi lâu trước khi từ từ, rất từ từ ấp nó vào ngực» (báo Văn đã dẫn, tr. 8). Dĩ nhiên đây là cách nói tượng trưng.

Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Tâm Tuyền nhất định phải biết câu thơ phá thể thời 1946, như 'Nhớ máu' của Trần Mai Ninh, 'Đèo Cả' của Hữu Loan, 'Sáng mát trong như sáng năm xưa' của Nguyễn Đình Thi. Nhưng dù phá thể, câu thơ này vẫn còn giữ vần điệu. Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra 'diễn ca', còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.

Dựa trên lời Nietzsche, ông gọi đây là quan niệm nghệ thuật Dionysos đối lập với quan niệm Apollon, «nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm».

Câu này trong bài «Nỗi buồn trong thơ hôm nay», Thanh Tâm Tuyền viết năm 1955 - khi ông 19 tuổi - là một văn kiện cơ bản, trong lý luận về thơ. Trong chừng mực nào đó, nó tiếp nối bài 'Mấy ý nghĩ về thơ' của Nguyễn Đình Thi năm 1949, về nguyên tắc và lý thuyết. Về mặt nội dung và thực tiễn sáng tạo, Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn.

Chất hiện đại trong thơ ông một phần do ảnh hưởng thơ thế giới, chủ yếu là thơ Pháp, từ Rimbaud, Lautréamont đến Apollinaire, nhất là thơ siêu thực của nhóm Breton, Éluard, mà ông tiếp thu trực tiếp, mà không kinh qua nhà trường Pháp thuộc như thế hệ đi trước. Thanh Tâm Tuyền không học đúng bài bản như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, cho nên tự do hơn. Xuân Diệu, về già, vẫn mơ ước làm một Ronsard. Thanh Tâm Tuyền thạo tiếng Pháp, ham đọc, nên tiếp xúc được với nhiều tác giả trên thế giới từ Gorki, Plekhanov, Marx, Trosky đến những tác giả mới hơn như Laurence Durrell hay Solzhenitsyn qua tiếng Pháp. Từ đó, thơ ông có chất quốc tế, trong nền Cộng hoà Thế giới:

Các anh Cộng hoà đã chiến đấu cho Tây Ban Nha
Xứ sở Lope de Vega Garcia Lorca
Một Bréton tình điên còn nức nở
Mà Hy vọng Malraux còn thổn thức
Và mãi Ernest còn tiếc thương
Andalousie đói quên khiêu vũ
Việt Nam ốm yếu quên ca dao 

Câu «quốc tế ca» của Thanh Tâm Tuyền nhiều người thuộc nhất có lẽ là hai câu đầu dùng làm tựa đề cho bài thơ, đăng trên báo Sáng Tạo, số 4 tháng Giêng 1957:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest 

Bài này làm vào tháng 12-1956, một tháng sau khi Hồng quân Liên Xô, nhân danh khối liên minh quân sự Warszawa tràn ngập Hungary và thủ đô Budapest. Sau đó ông còn làm tiếp «Bản anh hùng ca Budapest» cũng đăng trên Sáng Tạo.

Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam cho đến ngày sang Hoa Kỳ định cư vĩnh viễn. Nhưng thơ ông đầy những thành phố: Warszawa, Berlin, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Moskva, Praha, Paris, Madrid, Brussel, Genève. Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố: thơ Pháp, đến Prevert là hoàn toàn đô thị hoá; thơ Việt Nam, đến Thanh Tâm Tuyền cũng quành vào đô thị. Xưa kia, Nguyễn Bính đã mơ Phường chèo làng Đặng; gần hơn, Đinh Hùng còn nhớ tháng giêng quê bạn hội đêm rằm; đến Thanh Tâm Tuyền «Tôi không còn cô độc» là tên một bài thơ dưới dạng hợp xướng hiện đại, với nhiều giọng hát, và có giọng thi sĩ:

Tôi đã chết nghẹn ngào
ôm tình yêu tự do chật ngực
tôi chết và chối từ
đừng ai gọi tôi là thi sĩ
(…)
Hôm nay tôi dự hội
hôm nay dùng mắt nhìn
hôm nay dùng lời dịu
cô độc phút tan tành
tôi không còn cô độc

Ông già: tôi không còn cô độc
Hợp xướng: tôi không còn cô độc
Em gái: tôi không còn cô độc
Hợp xướng: không ai còn cô độc
không ai còn cô độc 

Thơ Thanh Tâm Tuyền khi ngân vang hợp xướng, khi u uẩn tiếng kèn đồng:

Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng 

Những dòng nước mắt:

Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tuỷ của hờn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lối rừng mãi trống không
(…)
Vì blues không xanh, vì điệu blues đen
Trên màu da nức nở

(«Đen», Sáng Tạo, số 8, tháng 5-1957) 

Thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền, ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét. Ví dụ trong thơ Tô Thuỳ Yên, chủ yếu ta thấy thảm kịch Việt nam; thơ Lê Đạt chủ yếu phản ánh tâm cảnh người dân châu thổ sông Hồng; thơ Dương Tường đưa vào nhiều tiếng nước ngoài, thảnh thót giọt mưa dương cầm tím mộng scheherazade, vẫn là cái liếc nhìn ra thế giới, không phải là tầm nhìn sâu thẳm, xâu xé, xoáy vào thân phận làm người, chủ yếu là người nhược tiểu. Nói như vậy, không có ngụ ý rằng thơ Thanh Tâm Tuyền nhẹ tính cách dân tộc. Phân biệt dân tộc với nhân loại là phiến diện: trong thế giới có Việt Nam và trong Việt Nam có thế giới. Trong 'Guernica' của Picasso có Bến Tre, trong tranh khắc gỗ đình làng Việt Nam có Picasso. Tôi nói thơ Thanh Tâm Tuyền trong hình thức và nội dung là một bước ngoặt trong nghệ thuật và tâm thức Việt Nam là vậy.

Tuy nhiên cũng phải ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ là lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế. Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ ở đâu xa cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết. Dù sao ông đã mở ra những chân trời mới và cách tân quan niệm thi ca.




*


Câu thơ, bài thơ mới, đọc qua thấy ngay. Câu văn, cuốn truyện mới, khó nhận ra hơn. Người bình luận phải phân biện: mới so với cái gì, và mới ra sao. Nhưng điều cụ thể nhất lại là: người đọc đương thời có nhận ra nét mới ấy không?

Thưa rằng có. Nhà văn Nguyễn quốc Trụ, 1973, trên báo Văn, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền đã dẫn, có một bài viết căn cơ trình bày giá trị, nghệ thuật và tính chất súc tích của truyện Bếp lửa, 1957. Ông trích dẫn cặn kẽ nhiều văn bản, nhiều tham khảo, để lại một chứng từ chính xác [2] .

Tôi còn một chứng từ riêng: bạn tôi là Đinh ngọc Mô, nhiều người biết vì có thời phụ trách mục Đố vui để học trên truyền hình Sài gòn, quen nhau từ 1965 tại Đà Lạt, gặp lại nhau 1970 tại Paris. Lúc ấy, Mô sống vất vả, lang bang, đi đàn hát trong các nhà hàng Việt nam để mưu sinh. Một tối về khuya, dọc Boulevard des Italiens, Mô đã đọc thuộc lòng cho tôi nghe những trích đoạn dài của Bếp lửa mà anh tâm đắc và cho là tân kỳ. Thuộc thơ Thanh Tâm Tuyền đã là khó, thuộc văn xuôi lại không dễ. Vắng tin nhau khá lâu, có người mách là Mô đã qua đời, đã tự tử bên Canada. Tôi không muốn tin, nhưng mỗi lần mở truyện Bếp lửa, là tôi tìm lại những đoạn Mô đã đọc, cho đến bây giờ sách đã vàng ố, tả tơi, rách nát như cuộc đời của chúng tôi. Trước khi kể lại chuyện này, tôi rà lại tin tức, thì bè bạn bốn bể năm châu đều xác nhận chuyện buồn. Mà tôi vẫn chưa tin, và muốn hỏi Mô: Mô ơi, thật à? Cậu ấy vui tính, hay đùa.

Bạn đọc cho là tôi lạc đề. Thân tình thì biết tôi chỉ mới lạc dòng, lạc giọng, mà không lạc đề.


*


Tiềm năng độc giả thời đó là học sinh trung học: sinh viên đại học chưa nhiều. Và chúng tôi thiếu sách để đọc. Văn chương quốc ngữ thời đó, bỏ ra một kỳ nghỉ hè, có thể đọc hết toàn bộ.

Sách Tự Lực [văn đoàn], Vũ Trọng Phụng thì đọc cả rồi… Các tác gia ở lại miền Bắc ít được tái bản. Và chúng tôi khao khát cái mới, các truyện ngắn của Doãn quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Thao Trường (*). Những 'Chiếu hoa cạp điều', với 'Hương gió lướt đi'Thậm chí, chúng tôi còn bất công với cái cũ: tạp chí Văn hoá Ngày nay của Nhất Linh bán chạy được hai số, rồi thôi. Đoán già đoán non: các vị Đinh ngọc Mô, Nguyễn quốc Trụ, cũng như tôi, đã đọc Bếp lửa trên ghế trường trung học, trước khi hư thân mất nết ở nơi khác.
---
* ban đầu Trần duy Hinh, tác giả truyện ngắn đầu ' Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp' ký THAO TRƯỜNG; sau ở miền Bắc (VNDCCH) có một tác gia đã ký bút danh THAO TRƯỜNG; nên đổi bút danh la THẢO TRƯỜNG. (Bt).

Bếp lửa là một truyện vừa, vừa một trăm trang. Thanh Tâm Tuyền viết liền mạch, rất nhanh, trong vài tháng, xong tháng 10-1956, đưa đi kiểm duyệt và xuất bản ngay [3] . Không có độ lùi để sửa chữa. Sau này, khi tái bản, ông muốn sửa chữa, nhưng không làm được và viện dẫn Malraux: người ta không viết lại được một cuốn sách. Nhưng có một truyện ngắn «Đại lộ», nội dung na ná, in lại trong tập truyện Khuôn mặt, 1964.

Truyện được viết từ ngôi thứ nhất «tôi». Người kể, «tôi» tên Tâm, cùng tên với tác giả, đi dạy học tại một trường Công giáo tại Bắc Ninh, còn tác giả dạy tư thục ở Hà Đông, khoảng 1952.

Tuy nhiên Bếp lửa không phải là tự truyện, đại khái như tác phẩm Kẻ dưng, l’ Étranger của Albert Camus, bắt đầu bằng câu nổi tiếng: «Hôm nay mẹ tôi mất», nhưng chính bà mẹ Camus lại sống lâu hơn tác giả. Trong Bếp lửa, Tâm mồ côi bố từ nhỏ, sau đó mồ côi mẹ, trong khi bà cụ tên thật là Thạch Thị Kim thọ rất lâu, ở Long Khánh. Tính cách mồ côi ở đây là một ẩn dụ, như ở Kẻ dưng hay Cũng đành của Dương Nghiễm Mậu sau này.

Không phải là tự truyện, nhưng Bếp lửa phản ánh tâm trạng tác giả, và một số thanh niên đồng lứa vào thời điểm trước hiệp định Genève, 1954, tại Hà Nội, và vùng phụ cận dưới sự kiểm soát của Pháp. Chủ yếu là những nét chấm phá nhẹ nhàng, nhưng rất sắc về tâm thức chính trị của con người lúc đó qua những nhân vật: ông Chính, đảng viên Quốc dân Đảng, còn hoạt động; Bảo có tham dự phong trào Ngũ xã nhưng nay đã tuyệt vọng; Đại say đắm chủ nghĩa mác-xít và chuẩn bị ra khu; Hoà nhân viên Phòng nhì; Ngọc hoàn toàn hư vô và chối từ tổ quốc… Giữa họ là những nhân vật nữ, hiền lành, vô tội, như chị em Thanh và Minh, em họ Tâm; Hạnh; Thịnh vào ra giữa hai vùng… Còn Tâm? Anh xê dịch giữa đám người đó, không thân không sơ, và nói như Meursault, nhân vật Kẻ dưngkhông biết rõ mình muốn gì, nhưng biết rõ những điều mình không muốn. Khi Tâm bị ông hiệu trưởng cho thôi việc, «ngạc nhiên một chút rồi rửng rưng ngayTôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đã quên không nói cho tôi biết… Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc rất say» (tr. 90).

Trong thế giới ấy, quan hệ tình cảm cũng mong manh, sắc sắc không không, như giữa Tâm và Thanh, một cô em họ, cũng mồ côi cha mẹ. «Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, giây thân thích giữa cúng tôi không đáng kể (…) nhưng chưa bao giờ tôi nói ý nghĩ của tôi cả» (tr. 12).

Quan hệ tính dục cũng nhẹ nhàng thôi. Tâm gặp lại Hạnh, một cô bạn học cũ, đi cùng một chuyến xe chở hàng từ Bắc Ninh về Hà Nội. «Đến Hà nội, mưa lớn hơn, chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau. Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn» (tr. 72). Chấm dứt chương 4. Bước sang chương 5: «Tôi có cùng về Hà Nội với Hạnh một vài lần. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh – hay chỉ cần sự đe doạ của chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương (…). Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường, Hạnh có vẻ ngượng ngùng. Có một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng nói: Anh có khinh em không?» (tr. 76).

Dĩ nhiên là các vị Nam Tào văn truyện kiêm Bắc Đẩu lịch sử sẽ có người bắt bẻ, hạch hỏi: chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, hay bảo vệ tự do, chỉ có kích thích tính dục người phụ nữ hay sao? Bếp lửa là một trước tác nghệ thuật, và Thanh Tâm Tuyền đã có lần nói: «Người nghệ sĩ đưa sinh mệnh mình để đảm bảo sự thành thật của tác phẩm», thì ắt không buồn quan tâm đến những vấn nạn ấy. Điều chúng ta ghi nhận là nét hững hờ, lãnh đạm của Tâm đã thổi dạt Bếp lửa trôi xa, không những với Dòng sông Thanh Thuỷ của Nhất Linh mà còn xa với Khu rừng lau của Doãn Quốc Sỹ hay Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan đồng hội đồng thuyền.

Một thắc mắc, nhỏ thôi: không khí Hà Nội khoảng 1950-1952 nhất định phải khác xa không khí Sài Gòn 1970-1972. Nhưng về cơ bản, tâm lý thanh niên trí thức có khác nhau nhiều không?

Ngày nay, ngọn lửa chiến tranh vẫn còn tàn phá nhiều nơi trên thế giới; và giữa tiếng kêu la thất thanh của trẻ con, vẫn có lời vinh danh Thượng đế. Trong Bếp lửa, Thanh Tâm Tuyền đã viết, «theo tôi có những lúc người ta cần giải quyết giữa người và người và Thượng Đế không nên có mặt ở lúc ấy (…) Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấn thảm kịch riêng tư của loài người và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại» (tr. 67).

Tại Việt nam, một dải đất còm cõi đau thương, năm 1956, một thư sinh mặt trắng, 20 tuổi, đã viết dõng dạc được một câu như thế, kể cũng là lời tiên tri lạ lùng và cao siêu đấy chứ?


*


Về phong cách, Bếp lửa là một tác phẩm làm mới văn chương chữ nghĩa theo nhận định của Nguyễn Quốc Trụ trong bài đã dẫn. Vậy mới, là so với cái gì, và mới ra sao?

Trong một bài viết tưởng mộ Nguyễn Đức Quỳnh, tác giả Thằng Kình, Thanh Tâm Tuyền 1974 đã viết: «Cùng với Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, Thằng Kình là quyển tiểu thuyết quan trọng đối với tôi. Đó là quyển sách đã vỡ lòng, đã mở mắt (…) Tôi không phải là người của một vài quyển sách. Trước và sau khi đọc Thằng KìnhNhững ngày thơ ấu, tôi đã đọc hầu hết tiểu thuyết Việt Nam, tôi hiểu được giá trị, tôi cảm được cái hay của nhiều tác giả khác nhưng chỉ có hai tác giả Nguyễn Đức Quỳnh và Nguyên Hồng gây được ở tôi lòng ngưỡng mộ. Văn chương phát sinh từ lòng ngưỡng mộ. Nên tôi không bao giờ quên ơn người đã khơi dậy lòng ngưỡng mộ nơi tôi». [4]

Một lời tình tự như vậy, ở một người ít tự sự như Thanh Tâm Tuyền là quý hoá, là một chìa khoá đưa ta vào thế giới tiểu thuyết, mối hạnh phúc đau đớn, bắt đầu từ Bếp lửa, rồi đến Khuôn mặt, Dọc đường, Cát lầy, Ung thư, Mù khơi, Tiếng động…

Đối với Thằng Kình (1942, Hàn Thuyên, Hà Nội), niềm ngưỡng mộ có lẽ dừng lại ở nội dung mới lạ của tác phẩm, thêm chút tình riêng với tác giả. Chứ nhân vật Kình, khỏe mạnh, tự tin, tích cực, rất xa với nhân vật truyện Thanh Tâm Tuyền; hành văn rậm rạp của Nguyễn Đức Quỳnh cũng xa với lối viết trần trụi trong Bếp lửa.

Gần nhau hơn là Những ngày thơ ấu, Nguyên Hồng viết năm 1938, khi 20 tuổi, như trường hợp Bếp lửa, dưới dạng tự truyện ở ngôi thứ nhất. Bằng giọng văn đơn giản, Nguyên Hồng kể lại tuổi thơ cơ cực, một cách thành thực, như chuyện người mẹ ngoại tình bị gia đình nhà chồng hắt hủi mà đứa con một mực yêu thương. Nhưng cơ bản thì hai truyện khác nhau: Những ngày thơ ấu là tự truyện của một người, dĩ nhiên là mang nét xã hội; Bếp lửa là truyện một thế hệ thanh niên ưu thời mẫn thế, mang nặng chất trí thức và chính trị. Nguyên Hồng viết đơn giản, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những đoạn văn chương, ví dụ ngay ở chương I (Tiếng kèn): «Những buổi chiều vàng lặng lẽ… Buổi chiều nào cũng vậy…», không hề có trong Bếp lửa. Và trong một bài báo, «Nhân nghĩ về hội hoạ», 1956, Thanh Tâm Tuyền khước từ lối «văn chương có thể đặt tên là văn chương của bài tập đọc, luận mẫu cho học trò» (Văn 11/1973, tr. 78). Từ đó, đem Bếp lửa ra giảng dạy ở học đường là việc khó, vì khó tìm ra một vài trích đoạn tiêu biểu gọi là «trích diễm». Kinh nghiệm của tôi: yêu cầu sinh viên phải đọc toàn bộ tác phẩm, rồi đưa ra những chủ đề tổng hợp, về hình thức, nội dung. Ví dụ lối kể chuyện đơn tuyến, một mạch theo dòng thời gian, không một lần quay lại quá khứ – cho dù có rơi rớt một vài kỷ niệm – về người mẹ và bà ngoại. Lối dùng từ bình dị, ưu tiên cho từ đơn âm, ít từ kép, càng ít từ Hán - Việt. Lối đặt câu ngắn, có khi cụt ngủn, có khi lược từ. Câu văn cô đúc, có lúc khó hiểu, như là lời nói nén chặt nội tâm: "Một bên đường cỏ hoang và núi đóng đồn binh'"(tr. 47). «Ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về dữ dội» (tr. 87). Câu được nhiều người nhắc: «Buổi sáng mùa đông ngây ngất vào lối 10 giờ» (tr. 11). 'Buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã' (tr. 28).

Nhưng nét mới quan trọng là không khí chung của toàn truyện Bếp lửa, không phân biệt nội dung, tư tưởng, hình thức, nghệ thuật và ngữ pháp. Thậm chí người đọc có thể hỏi: Bếp lửa, bếp lửa nghĩa là gì?

Với tôi, có lẽ thêm vài kẻ bạn, Bếp lửa là một bài hát.

Bài hát «chỉ được nghe một lần trong đời. Bài hát xưa lắm, những người thích nó kẻ đã chết, người còn sống thì quên không nhắc lại. Riêng tôi, tôi thường thì thầm với chính mình những phút cô đơn» [5] .

Có ai đó đã viết đâu đó về âm hưởng nhạc blues trong thơ Thanh Tâm Tuyền, tôi chỉ biết ông đã thiết lập quan hệ mật thiết giữa các bộ môn nghệ thuật. Điều này, ngày xưa, nhóm Tự Lực đã làm, nhưng còn hời hợt, dù rằng nhà văn Nhất Linh, nhà thơ Thế Lữ, khởi đầu là những sinh viên trường Mỹ thuật. Thời đó, họ chỉ đặt những tác phẩm nghệ thuật bên cạnh nhau. Hoạ hoằn lắm mới có bài Nguyễn Tuân về tranh Nguyễn Phan Chánh. Ở Việt Nam, không có nhà thơ sành hội hoạ như Baudelaire, cũng không có tình bằng hữu giữa các nhà thơ như Aragon, Éluard với hoạ sĩ Picasso hay Chagall ở Pháp. Thanh Tâm Tuyền thật sự muốn bắc cầu giữa các bộ môn nghệ thuật, nhất là giữa thơ và hội hoạ, và thân thiết với các hoạ sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, bài 'Nhân nghĩ về hội hoạ' viết năm 1956 - hai mươi tuổi - ông đề tặng ba người ấy.

Hoạ sĩ Thái Tuấn kể lại rằng trong một cuộc triển lãm năm 1958, ông có bức sơn dầu vẽ một người đàn ông đội mũ đeo ống sáo trên vai, chừng mực nào đó, là một chân dung tự hoạ; ông không biết đặt tên là gì. Thanh Tâm Tuyền đề nghị gọi là 'Hoá thân', Thái Tuấn rất tâm đắc. Ý nhà thơ: anh vẽ cái gì thì cũng là hoá thân vào bức hoạ, tranh nào rồi cũng thành chân dung hoạ sĩ. Nghe chuyện, tôi cứ nghĩ Thanh Tâm Tuyền mượn ý từ một tựa đề tiểu thuyết của Kafka. Đọc lại bài báo nói trên, tôi mới vỡ lẽ ông tham chiếu vào một chuyên khảo về nghệ thuật của Malraux Những hoá thân của Apollon – les Métamorphoses d’Apollon, 1951, và ông thường tâm đắc với Malraux.

Ông viết trong bài 'Nhân nghĩ về Hội hoạ':

«Tôi công nhận nghệ thuật như một nghề như mọi nghề khác khi tôi hiểu rằng muốn làm được nghệ thuật người ta cũng cần học hỏi, luyện tập như tập sự bất cứ nghề gì. Đến đó thôi. Khi những nhà nghệ sĩ chân chính, để bảo đảm sự thành thực của tác phẩm, đã mang sinh mệnh chính mình ra thách đố, thì lúc ấy nghệ thuật không còn là một nghề nữa, nó là hành động siêu việt của nhân loại trong cuộc tìm kiếm đời sống chính đính» (Văn, số đặc biệt đã dẫn, tr. 78).

Đoạn trích văn này có thể tóm lược quan niệm và sự nghiệp văn thơ, nghệ thuật của Thanh Tâm Tuyền, và làm kết từ cho bài này.

Chúng tôi gửi thêm vào đó niềm kính trọng và thương tiếc khôn nguôi với một Lòng Suối Trong Xanh đã lẫn sâu vào lòng đất, trở về cõi thuỷ chung. Một dòng thơ đời đời thao thiết nuôi dưỡng Tình Yêu và Quê Hương trong mỗi chúng ta, cho mỗi chúng ta, trong thân phận làm người, làm người trong hay ngoài đất nước, luôn luôn trong nhân loại.

Trong truyện Bếp lửa, sáng tác năm hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã hạ một câu kết, để đời, – khi hiu hắt, khi ngời sáng, trong tâm thức thế hệ chúng tôi:

«Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng ».

Đời người, vô cùng rồi cũng đến vậy thôi.

Vô cùng Thanh Tâm Tuyền.

Thanh. Tâm. Tuyền.

Thanh Tâm

Tuyền.
[]

đặng tiến
ngày giỗ Trịnh công Sơn
Orléans, 01-4-2006

-----

[1]Thanh Tâm Tuyền, Văn, số 199, tháng 4-1972, Sài gòn.
[2]Văn, số đặc biệt Thanh Tâm Tuyền, tháng 11-1973, Sài gòn. Nhóm Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư dự tính in lại nguyên văn số báo để tặng bạn đọc, liên lạc qua e-mail tranhoaithu@verizon.net 
Hoan hô Trần Hoài Thư.
[3]Thanh Tâm Tuyền, Bếp lửa, nxb Nguyễn Đình Vượng, 1957, Sài gòn, Chúng tôi trích đoạn từ bản này.
[4]Thanh Tâm Tuyền, Văn, Giai phẩm, tháng 6-1974, tr. 21-22, Sài gòn.
[5]Thanh Tâm Tuyền, 'Buổi sáng ngoài bãi biển', trong Khuôn mặt, tr. 98, nxb Sáng Tạo, 1964, Sài gòn.

-----
nguồn: - bài sắp đăng trên tạp chí Văn, số đặc biệt về Thanh Tâm Tuyền, tháng 5 & 6. 2006. Bản đăng trước trên talawas với sự đồng ý của tác giả và tạp chí Văn.

------------------

      (...)
    (trích từ 'Blog Từ Hoài Tấn' (tp. HCM)

về nhà văn+ nhà thơ+ nhạc sĩ ... hà thúc sinh [ 1943- ] / huỳnh ái tông -- blog phamcaohoang

HÀ THÚC SINH
(1943-…)


Hà Thúc Sinh by Tạ Tỵ
                                       hà thúc sinh  [i.e. phạm vĩnh xuân 1943-    ] 
                                                                            ( photo courtesy of newvietart.com )
                                          


Nhà thơ Hà Thúc Sinh tên thật là Phạm vĩnh Xuân, sinh năm 1943 tại Thanh Hóa/ Trung bộ.

Năm 1954, cùng gia đình di cư vào Nam. Ông có bài vở cộng tác  trên tạp chí Văn.

Là cựu sĩ quan Quân lục Việt nam Cộng hòa.

Sau năm 1975, ông phải đi học tập cải tạo từ năm 1975 đến năm 1980.

Năm 1981, ông đến Mỹ định cư tại California, tiếp tục sang tác, sinh hoạt văn nghệ.

Ngoài thi ca ra, Hà Thúc Sinh còn sáng tác nhạc, dịch sách.

tác phẩm:

-  Đá vàng (thơ, 1967)
-  Trí nhớ đau thương (thơ, 1969)
-  Tuyển truyện Âu châu (dịch 9 tác giả, Vươn Lên, 1970)
-  Điệu buồn của Chúng ta (thơ, Khai Phá, 1972)
-  Dạo núi mình Ta (thơ, Đồng Dao, 1972)
-  Tình em vỗ cánh (dịch I.B.Singer, Kỷ Nguyên Mới, 1973)
-  Người nô lệ (dịch I.B.Singer, Kỷ Nguyên Mới, 1973)
-  Trận chiến trong thành phố (dịch John Toland, Kỷ Nguyên Mới, 1973)
-  Cát bụi trần gian (dịch Yael Dyan, Kỷ Nguyên Mới, 1974)
-  Kiếp người cô quạnh (dịch I.B.Singer, Kỷ Nguyên Mới, 1974)
-  Đại học Máu (bút ký, Nhân Văn - Hoa Kỳ, 1985)
-  Thơ viết giữa đường (thơ, Tân Văn, 1988)
-  Chị Em (truyện dài, Tân Văn, 1988)
-  Ông H.O. (tập truyện, Thế Giới, 1993)
-  Cố hương (tập truyện, Tú Quỳnh, 1994)
-  Hoà Bình và Tôi (thi tập, HTĐ Việt Báo, 1994)
-  Red File: 50 Years of Violations of Human Rights in Communist Vietnam (biên khảo, hợp soạn VNHMRW,  1995)
-  Dưa Cà Mắm Muối (tập truyện, Văn Mới, 1996)
-Về (tập truyện, Văn Mới, 1996)
-  Đêm hè (tập truyện, Văn Mới, 1997).
-  Tống biệt Hai mươi (tuyển tập 50 truyện, 1 kịch, 10 thơ, Xuân Thu, 1999)
nhạc:
-  Tủi nhục ca (11 tù khúc, Khánh Ly hát, 1982)
-  Hẹn em Sài Gòn (12 ca khúc, Phong Trào Hưng Ca hát, 1986)
-  Người em Quận Cam (12 tình khúc, Hồng Hạnh hát, 2005.)
-  Sinh ca (tuyển tập 56 ca khúc, Văn Mới, 2003)

trích văn:
Xử Nữ

Người xinh, tính khép, tuy dáng đi hơi vẹo như có thương tật nơi chân, Nhi trọ nhà trên đường Chapel, sáng sáng đáp chuyến buýt sáu giờ lên trường, đã bốn năm. Ngoài bến đợi nàng hay kín đáo mở sách ôn bài, bữa nào chia trí lắm mới lọt tai chuyện của đám đồng hành chung quanh.

Bà Juanita người Mễ, tròn như hạt đậu đỏ hôm nào cũng vui như ngày Cinco de Mayo.Giống tờ báo sống bà biết làu làu mọi chuyện. Bà cân nhắc vụ án O.J. Simpson như một bồi thẩm lý tưởng vì “đây không đen cũng không trắng.” Bà bảo California dám đói vì “đội Rams chuồn khỏi quận Cam nay đến Raiders khỏi Los Angeles, điềm nào gở hơn cơ chứ?” Bà khen Clinton bảnh trai, nhưng “nếu con Maria cháu tôi mặn mà như Natalie Wood được tổng thống chọn làm bí thư, tôi sẽ khuyên nó nghĩ lại đấy nhé!” Ấy nhưng thấy Nhi bước đến là bà đổi ngay câu chuyện. Bà thích nàng, và do đó có vẻ cố tình lôi nàng ra trước “ánh sáng công chúng” dù chỉ bằng những quan tâm kỳ quặc. Thí dụ, “Cưng ơi, Jean mua đâu đẹp thế?” Nàng nghĩ bụng chiếc quần mình mặc có gì là đẹp nhưng vẫn thành thực, “Target đó, có mười hai đồng.” Thế là bà Jennifer, bà già Mỹ có máu da đỏ, hút thuốc liên miên, người duy nhất ở Mỹ nàng thấy có chiếc răng vàng, giật phéng lấy phần ngạc nhiên của bà Juanita, “Tôi đeo kính đấy chứ,” Bà nói. “Y như quần Guess ở Robinsons--May ấy thôi.” Giá ở quê nhà chắc Nhi đã chết vì ngượng. Ai đời mấy bà già xúm lại kéo cái quần cô gái đang mặc ra mà thảo luận bao giờ!

Nhưng đám trẻ như con Toni xem ra bất cần, thậm chí cả những thứ nó có bên trong. Nó như biểu tượng của một nền văn hoá trống trải mà sự diêm dúa không che giấu được gì, không bao bọc được gì, nhưng thiếu nó, thiếu những thế hệ tiếp nối như nó sợ nền văn minh này lại không trọn vẹn. Toni tóc vàng, mắt xanh, đẹp như thiên thần nhưng Nhi kinh nó như một loài hoa ăn thịt ong bướm dù có lần trò chuyện nàng biết nó cùng tuổi xử nữ với mình. Toni bảo, “Bạn trai cháu ư, đếm không xuể đâu bà Jennifer.”Bà Juanita kêu lên, “Dóc mày!”Toni nhún vai.“Thật đấy dì Juanita,” Nó nói.“Cho nhau quả táo còn tươi không hơn đợi lúc nó khô quắt đi à?”Nó đụng bức tường đạo đức u trán?Không, chẳng ai nhìn nó bằng ánh mắt ghê gớm cả, cười thông cảm thôi, có thắc mắc là chỗ không biết bao giờ con nhỏ nó báo tin lấy chồng.Tuy thế bà Juanita vẫn khẽ kêu lên, dù giọng khôi hài chứ không cay đắng, “Chúa ơi, đây rồi trinh nữ như loài thú hiếm tuyệt chủng trên địa cầu.” Chỉ Nhi thầm nghĩ xứ này không ai phá huỷ được người nữ trừ chính họ.

Một lần trên xe bà Juanita đùa hỏi, “Cưng tới tuổi có bạn trai chưa?” Nhi cười, “Tôi băm tư rồi, bà ạ.” Thế là bà ta lại lôi nàng ra trước ánh sáng công chúng. Bà cười rộ bảo mấy bà bạn, “Con nhỏ này tính khai gian tuổi ra ứng cử thị trưởng sao đây! Chúa ơi nó nói với tôi như với một trinh nữ mười ba vậy á. Há há há há... Nó bảo nó đã băm tư.”

Mặt tiền tiệm hoa Conroy's Flowers góc đường Atlantic thường bày sớm lắm loại rực rỡ, nhưng Nhi ít thấy loại nàng vốn yêu. Chút liên tưởng xa vời như hạt cát chui vào giày, hồn Nhi cộm một cảm xúc khó chịu. Ngày lên, trần gian rầm rập sức sống, vậy mà nàng vẫn nghe rõ hơn sự rùng mình dấy từ chiều sâu chịu đựng của lòng mình.

Nếu bà Jennifer hay than xe chật thì Nhi còn thấy xe nhớp, vì thế nàng thu mình nhỏ hơn trong chỗ ngồi. 


Ba ngày liên tiếp Nhi thấy ông ta lên xe ở trạm Fremont--Valley, luôn ngồi vào chỗ phía sau băng ghế dành cho người già cả tàn tật, chỉ cách nàng lối đi giữa. Đây đầu đen nhiều nhưng không hiểu sao nàng cứ đinh ninh ông ta phải là người đồng hương, không thể là Tàu, Phi, Nhật hay Đại Hàn. Sao thế?Ăn mặc giản dị? Lặng lẽ trong đám đông? Bị một tên Mễ hung hăng lấn chỗ vẫn vui? Cười một cách rất dĩ hoà vi quý với một thằng bé Mỹ nghịch ngợm ném giấy kẹo vào người? Nhớ đến mấy ông đồng hương lối xóm Nhi bật cười thầm. Đàn ông mình kỳ. Họ có thể hùng hổ như lãnh chúa trên diễn đàn cộng đồng, quyền uy như vua với vợ con trong nhà, nhưng ra đường bị cảnh sát Mỹ nhét giấy phạt vào tay, đôi khi oan uổng trông thấy, lại nhã nhặn lí nhí cám ơn!

Tấm lòng dịu dàng của Nhi bất ngờ nổi tiếng kèn chiến thắng hơi ác khi xe dừng ở trạm đường Mission. Y chang! Hai thiếu niên Mỹ đen phóng lên xe, hung hãn như giặc, lôi hộp sơn xì ra xì tùm lum lên trần lên vách xe. Cảnh quen, chẳng ai cự nự kể cả bác tài nếu như chúng đừng xịt trúng họ. Nhưng một đứa quá tay, trước khi phóng chạy đã xịt một vệt trúng vai ông. Chiếc sơ mi trắng như ứa máu.Hành khách ái ngại âm thầm. Và Nhi cũng ái ngại âm thầm. Nhưng may. Ông ta chịu đựng nổi.Nàng rút tấm khăn giấy trong cặp đưa cho ông.Ông nhìn nàng bằng ánh mắt cảm kích.

Nhi hỏi nhỏ bằng tiếng Anh:

“Ông... người Việt?”

Ông ta từ tốn lau vết sơn, kéo nàng về tiếng mẹ đẻ:

“Thấy cô tôi cũng đoán vậy.”

Thế là quen.Xe chuyển bánh.Nhi lại hỏi:

“Ông sợ?”

Ông cười:
“Những người da trắng trên xe không sợ, sao mình sợ?”

“Sao ông biết họ không sợ?”

“Mặc cảm là trí khôn kẻ tự tử.Có thể người da trắng sẽ bắt đầu sợ khi người da đen biết ngưng phá huỷ.”

Xuống trạm đường Zonal thả bộ vào trường, Nhi hơi tiếc không hỏi gì thêm về ông. Chỉ vài chi tiết mơ hồ sót lại. Ông quãng năm mươi, đeo kính cận nhẹ, người tầm thước, tóc hơi dày chưa bạc, mặt hồng hào, tai to.

Đôi ba ngày sau không gặp lại Nhi quên ông nhanh chóng. 


Một cuối tuần ngôi chùa trong vùng tổ chức lễ tế độ cho thuyền nhân bỏ mình trên biển Đông. Bà chủ nhà rủ Nhi đi. Nghĩ tới góp nén hương cho bao người không may là điều nên, Nhi vui vẻ. Bà chủ lại có chân trong ban tiếp tân thì nàng thoát sao khỏi sự chia việc của bà. Nàng giữ chân châm trà đãi khách.Đang loay hoay với mớ ấm tách, vị sư dẫn một người đàn ông đi qua. Ông ta!

“A,” Nhà sư dừng chân vui giọng.“Giới thiệu ông một đồng nghiệp tương lai nhé. Đây cô Nhi, học Y trên USC. Đây bác sĩ Hoặc, người cùng quê tôi đấy, cô mời hộ tôi một tách trà đậm đậm chút nhé.”

Vị sư bận tiếp khách.Sau một thoáng bối rối của kẻ bị bỏ lại, ông ta nói lơ lửng, “Trong lòng chảo thung lũng có khác.” Rồi ông thản nhiên lấy khăn tiếp Nhi lau thêm mớ tách.

Nhi thăm dò:

“Bác sĩ mở phòng mạch vùng này?”
Ông giơ cao chiếc tách nhìn kỹ một vệt đen, giọng ôn tồn:

“Có phòng mạch phòng miếc nào đâu. Thế chuyên khoa cô tính chọn...”

“Dạ Tâm Thần.”

“Á... đau đầu lây đấy.”

Tìm cách xưng hô cho là phổ thông và thích hợp nhất, Nhi cởi mở:

“Vì vậy chắc theo cách chú, ra trường cháu kiếm việc bệnh viện cho đỡ đau đầu hơn.”

“Tôi cũng đã tính như cô, có điều...”

“Thế...”

“Trâu chậm cô ơi!Tôi đã cố nhưng giờ không đâu nhận nội trú nữa.”

Nhi hiểu. Trường hợp này không chỉ riêng ông, nhiều. Chuyện xoay sang chiều hướng khác. Lan man mà thân mật. Và khi đủ thân mật, ông hỏi, “Nhi ở với gia đình đấy chứ?”Mất chữ cô khách sáo rồi.Nhi nhìn ông thật nhanh. Không hiểu sao đôi tai to của ông giúp nàng sự yên tâm khá vô cớ, và nàng quyết định, “Dạ một mình thưa chú!” Ông lấn tới, “Diện gì thế, lâu mau rồi?”Nàng cười chỉ ra bàn, đề nghị, “Chú uống trà kẻo nguội.”Nhìn xuống sân đông khách một lát ông buột miệng, “Nhanh. Mới hôm nào cây mận góc kia chỉ ngang tầm tay, mùa rồi đã có trái. Ba năm như ba ngày.”Nàng hỏi, “Gia đình chú sao?”Ông cười ngặt nghẽo.“Cũng như Nhi,” Kế thẳng thắn bảo.“Các cô dựng hàng rào phòng thủ dày quá có khi tự làm rách áo.Gọi khác đi.”Nhi hơi sầm nét mặt, khẽ gắt, “Trời đất, gọi sao nữa đây?” Ông thẳng thắn đến chối tai, “Có anh có em dỗ nhau khi buồn.”

Khi chùa hành lễ, ở góc sân có người đàn bà còn trẻ ngồi lại nơi chiếc ghế đẩu khóc rấm rứt.Ông Hoặc bảo đã thấy bà ta vài lần như thế, ngồi cùng chỗ, khóc cùng tiếng khóc, không dỗ được.Ông kể qua câu chuyện thương tâm trên biển của bà và gia đình bà.“Ấy là nghe nói thế, chuyện đã cũ nhiều năm,” Ông ngẫm nghĩ.“Mà như vậy thì đáng sợ thật vì chẳng có gì tự phá hủy hơn.”

Lời ấy ghim trong óc Nhi lâu lắm. 


Họ tiếp tục gặp lại, lúc chỗ này, khi chỗ nọ toàn do tình cờ; nhưng dù tình cờ những câu chuyện vẫn như tơ như chỉ, cứ thoải mái rối vào nhau đến quên thời gian, dù trước một siêu thị hay trong một tiệm ăn. Một lần gặp nhau trong hội chợ Tết do người Tàu tổ chức trên đường Valley, tránh một đám đông ùn ùn kéo nhau đến xem đấu võ, ông và Nhi ra quán gọi nước ngồi xem diễn hành xe hoa.

Ông Hoặc nói:

“Lạ, đám đông thường nhắc tôi về một đám đông trước 75.”

“Ngày thay đổi chế độ?”

“Lại nói thời 75... lúc ấy Nhi ở đâu ha?”

“Dạ Sài Gòn,” Rồi để tránh dĩ vãng như tránh hòn đá, nàng nói lảng. “Anh đang nói chuyện đám đông.”

Ông hơi sửng, chợt nhớ, à một tiếng:

“Nhất là đám đông kiểu đốt Los Angeles.Nhi có đó?”
“Dạ lúc ấy còn học ở UCI, chỉ coi qua truyền hình.”

“Tôi mới đến, đang tạm trú nhà người bạn ở khu South Central.”

“Sợ không anh?”

“Phân vân thôi.Hôm ấy đứng trên ban-công nhà anh bạn nhìn xuống. Bạo động nào cũng na ná nhau. Kẻ tham dự không còn là chính họ mỗi ngày. Cũng đánh đấm túi bụi, rượt đuổi, hò la, súng nổ. Cảnh y như cảnh tôi chứng kiến hai mươi năm trước.”

“Sài Gòn?”

“Đúng hơn ở quãng ông Tạ--Bảy Hiền, trước một hiệu bán gạch ngói.Họ biểu tình chống chính phủ và tôi có đó.”

“Anh...”

“Không, kẹt xe thôi.Tôi vừa gắn lon là xuống trình diện trại Hoàng Hoa Thám ngay.Chiếc Vespa khi không oan mạng.Nhưng chẳng vì thế mà nhớ đâu, nhớ là vì dịp ấy tôi cứu nạn nhân đầu tay ngoài đường.”

Nhi thăm dò:

“Một người biểu tình?”

“Kẻ trong cuộc mình gọi nạn nhân có xúc phạm họ không, dù là viên cảnh sát hay người biểu tình? Không, một con bé.”

“...?”

“Mươi mười hai tuổi, chắc đứng xem bị lạc viên ngói vào hông, máu ra nhiều. Con bé thật lạ. Xin lỗi, tôi kéo quần nó xuống tìm vết thương nhưng cứ giữ cứng, nhất định không cho. Mà nào phải búp bê búp biếc gì cho cam, thương tích như thế vẫn cứ ôm chặt trong tay một bó huệ đã héo rũ. Tôi đành băng bó qua loa, bỏ xe bế nó chạy một mạch xuống Vì Dân.”

“Sau đó?”

“Nào biết.Trình diện xong ra trận ngay, mấy tháng sau mới có dịp về lại Sài Gòn.”

Khi không Nhi đổi đề tài:

“Hồi gặp anh mấy lần trên xe buýt, anh đi đâu thế?”

“À... à...”

Ông Hoặc không buồn đáp. Những chuyến xe hoa lộng lẫy lôi hồn ông theo rồi.

Trên đường về Nhi đùa:

“Xe hoa nhiều giai nhân quá, chọn được ai không?”

Ông đùa lại, khá sỗ sàng:

“Chắc mấy anh lùn thế nào chả táy máy, bằng không cô Bạch Tuyết yêu được!”

Lời ấy ghim trong tim Nhi lâu lắm. 

*

Có lần chàng than nàng không hiểu chàng, Nhi cười, lục ngăn kéo lấy ra một tấm ảnh, ngắm nghía, nhất định không cho chàng xem. Như hai đứa trẻ họ vật nhau trên giường và chàng giằng được.Nàng nhìn chàng ngơ ngác trước trò chơi của mình.Chàng bảo, “Nghịch quá!”Nàng đáp, “Đã thấy hết ruột gan sao bảo không hiểu?”Lần ấy nàng cắt ảnh chàng, lấy đầu gắn vào một thân thể vẽ bộ phận tiêu hoá.

Nhi biết chàng muốn một đứa con nhưng tự cưỡng, dù đôi phen đã suýt mềm lòng. Có gì gần với sự sợ hãi. Nàng không sao có được sự rạo rực đủ để hiến chàng hưởng trọn cái rùng mình xấu hổ của một thân thể đàn bà. Thậm chí những lúc chàng liều lĩnh rúc vào nàng như đứa bé, nàng vẫn chỉ nuông chiều ở một chừng mực đáng ghét. Nàng mơ hồ thấy mình như bị liệm sống trong một tấm áo không khuy.

Những khi chàng bình tĩnh ra về Nhi càng thêm bấn loạn. Chàng đã chẩn đúng bệnh nàng?Chàng cũng hiểu không gì dễ sợ hơn những tấm ảnh dĩ vãng không hạnh phúc chẳng lục lọi mà cứ lòi ra?Và chàng là lương y, vẫn kiên nhẫn tìm sự hợp tác nơi chính nàng cho sự chữa trị đến thành công?Mình có vô lý khi bảo giở thêm trang mới không chữa được pho thảm kịch cũ?Ít nhất một lần chàng bóc quýt nàng ăn, nàng nhăn mặt bảo, “Để nguyên trái cho em, gì cũng bóc ra, ghê lắm!”Một lần khác giỗ mẹ nàng, chàng đem đến bó huệ, nàng nhìn nhanh, lạnh nhạt hỏi, “Sao lộn hoa gãy thế này?”Mới đây nhất nhân sinh nhật nàng chàng mua tặng một hộp nhạc có tượng Bạch Tuyết, nàng nhìn chàng trân trân, không nói.

Một đêm Nhi ngồi nhìn trăng, chợt hiểu. Tình yêu hai người như tuần trăng Thợ Săn Tháng Mười tráng lệ, soi tỏ lần cuối mặt đất buồn tênh cho mùa đông giá sớm muộn sẽ tràn về. Nàng không trốn được cảm giác khốn khổ đời làm hỏng của nàng một đêm thủa chưa ham vui, làm phí một thời thủa chưa biết tiêu, làm nhạt một mặn nồng thủa chưa muốn hưởng!

Làm sao giải thích chàng hiểu có một cuộc tình như đêm trăng, ngắm thôi, không ôm được vào lòng? 


Cái chết đột ngột của một cô gái làm rộn khu phố nhỏ. Bà chủ nhà thì lắc đầu bảo, “Thiệt... con nhỏ điên”; ở bến xe bà Juanita cố nhớ lại điều gì, rồi lẩm bẩm, “Nó học bác sĩ mà, người ta bảo nó lạm thuốc là sao”; còn Toni thầm thì chi đó với bà Jennifer ngồi trầm ngâm điếu thuốc lá, và nó chỉ ngưng khi bà reo thầm, “Xe tới, vậy là hôm nay trống một chỗ ngồi”; riêng ở trường Y chắc có nhiều tin tức chính xác hơn, do thế người ta xầm xì nhắc lại chứng đột tử “đi trong giấc ngủ” mươi năm trước thấy xuất hiện trong cộng đồng Lào, H'Mong và Thái; còn ở chùa bá tánh lại gặp nhau ở chữ tội nghiệp, và sự tội nghiệp ấy xem ra còn có kín đáo đính thêm những dấu hỏi vào câu chuyện tình của hai người đồng hương. Ông Hoặc cúi đầu nhận sự chia buồn như nhận mớ hoa giả ném xuống mồ. Ông hiểu, nhưng nói làm sao nguồn cơn của tai biến, thành ra ông yên lặng, một sự yên lặng chì chiết làm bạc nhanh mái tóc ông cách không ngờ.

Đời ông cũng mất mát nhiều, quá nhiều, chẳng sót gì nguyên vẹn, có thể cả lòng trung thành với một hình bóng; phải vì thế chỉ sau lần giỗ đầu cô gái được ông đứng ra tổ chức ở chùa với tràn ngập hoa huệ, người đồng hương không ai gặp lại ông nữa trong thành phố thung lũng San Gabriel những ngày sau đó?./.

trích thơ:

Nghinh địch hành

Giao thừa đâu mà vội
Hay khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
Mà ăn uống cho say

Ta cũng người như chú
Cũng nhỏ bé trong đời
Có núi sông trong bụng
Mà bất lực hôm nay
Chiến chinh trời cũng sợ
Chỉ còn lại hai bên
Vội vàng chi cho cực
Cứ thong thả nghỉ đêm

Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào

Nếu chú có cha mẹ
Ta chẳng những người thân
Còn mang thêm lắm nợ
Với rượu và gió trăng

Chú cứ ăn cho đủ
Mai chết sẽ chết no
Ta cũng cần đêm cuối
Từ giã gió trăng xưa
(Dạo Núi Mình Ta – 1972)

Thả Xuân

Len dưới rừng cây cuối tháng Ba
Miệng em son đỏ lẫn vào hoa
Tóc em như khói cay cay mắt
Áo mỏng vân lên màu ngọc ngà
Mùa rét gió chui tê sống áo
Về đây bên lửa cởi đời nhau
Mở cho nhau những thân thể mới
Ta thả nghìn chim bốc trắng đầu
Sớm Xuân khi nắng đem vàng đổ
Lòng đôi ta ấm lòng tách trà
Giấc mơ đau khổ sẽ đằm thắm
Lúc mình len lỏi dưới rừng hoa
Cứ như thế chúng ta có nhau
Trắng phau phau một trí nhớ cũ
Mớ chỉ rối thôi kéo về sau
Chuyện ngày qua dẫu đằm lệ nhỏ
Cứ như thế tháo lỏng dây đời
Cho cơn vui bốc lên trời vắng
Anh sẽ giữ môi son em tươi
Còn ý tưởng gửi chùm hoa trắng

Bóng dưới núi PASADENA

Trăng như da thịt một mỹ nhân
Mây che những phần ngại tỏ lộ
Giữa khi khối óc thôi lang thang
Dường như quanh chàng có nỗi nhớ.

Sâu góc núi nổ tiếng ầm lớn
Lòng nghiêng nghiêng lòng như mưa rừng
Róc rách trong hang tựa dĩ vãng
Không thấy hoa mà cảm thấy hương.

Tay gậy chống không vững cuộc đời
Dốc thoai thoải đổ như hiện tại
Nghe kinh mang sinh nở cơn vui
Giữa một đoá lòng chàng tê tái.

Đọc sách cũ ba nghìn quyển đủ
Gió một tờ có thấy chi đâu
Trăng một khoảnh thịt xương xa lạ
Núi vẫn là hoang tưởng đời sau.

Ôi chiều nay không hiểu trời đất
Vì chàng đâu có đứng đó đâu...

Lễ Lao động ỏ Hàm Tân

Rắc trấu lưng người mặt trời lửa
Mây sà xuống suối vướng cành buông
Tiếng cuốc tiếng búa im một cõi
Hai ngàn tù đội nắng giữa sân

Anh cán bộ đôi giầy khập khiễng
Chui khỏi mồm lời như bầy giun
Lao động là thước đo yêu nước
Tù ngu ngơ uống lấy vinh quang

Bài diễn văn giữa trại tù lao động
Là tặng phú ông thêm một đồng xèng
Chới với có thằng đổ sập xuống
Thêm bộ xương bị chứng nắng ăn

Chen giữa kẻng tù tiếng trống lễ
Buồn như hạ huyệt kẻ đồng hành
Lao xao khói bếp chuyển mùi mỡ
Lễ vào thấm thía trong tâm can

Quán bên đường

Nằm chui khóm lá chiếc bàn thấp
Lề đường một lũ tụm quanh nhau
Ếm sâu hơi thuốc vào gan mật
Bất giác phà ra nỗi dãi dầu

Trung tá xích lô thầm hỏi bạn
Chợ trời dược sĩ sao về không
Cười như nước mắt nói như bỡn
Nó bố trưa nay còn cái quần

Ông giáo sử mấy năm vá lốp
Đồ nghề lỉnh kỉnh nặng trên lưng
Một anh văn sĩ ngồi lê hỏi
Thời xưa phong kiến kém hơn chăng

Gió chiều thổi tốc người nghi ngại
Mỗi hồn hiện một nét công an
Lá khô thôi chạy cây thôi động
Vừa lúc đêm lên khắp Sài Gòn

Ngồi nhìn mưa trên biển Thái Bình Dương

xa như một kỷ niệm đời
mù cơn mưa đổ giữa trời tà huy
mắt nào hóa kiếp vô tri
khói sương nghe cũng hồ nghi đất trời
dẫu lòng sâu đáy biển khơi
đôi khi úp mặt bùi ngùi thanh niên
mưa đây.chết lặng.ngồi nhìn
hồn ta quằn quại tựa nghìn năm đau

Trần Văn Sơn [bình] về thơ Hà Thúc Sinh:

Non nửa thế kỷ làm thơ, trải qua một cuộc hành trình dài dằn dặt, Hà Thúc Sinh đã dần thân vào những biến động kinh hoàng xảy ra cho dân tộc Việt Nam.Thi sĩ là chứng nhân của thời đại. Ngưòi ta có thể thay trắng đổi đen, bóp méo lịch sử nhưng không thể nào thay đổi được sự thật. Thơ Hà Thúc Sinh là sự thật, chân thành, chân tình, đầy ắp tình người tình quê hương dân tộc.

tài liệu tham khảo:


(Hà Thúc Sinh Web: newvietart.com)

Huỳnh Ái Tông
(Văn học miền Nam [VNCH]1954- 1975).
------------
(trích từ Blog Phạm cao Hoàng (USA)