thơ ý nhi qua gương mặt ..
gương mật / thơ ý nhi -
nxb trẻ, tp. hcm, 1991.
thơ ý nhi qua gương mặt
1. bay đêm
nhân đọc bay đêm SAINT. EXUPÉRY *
Giã từ căn phòng nhỏ rủ rèm trắng
giã từ hoa violet trong bình
giã từ tách cà phê ấm nóng
giã từ người phụ nữ yêu dấu
Anh bay vào đêm
Giã từ thành phố rực rỡ
giã từ xóm mạc hiền hậu
giã từ mặt đất
anh bay vào đêm
Giã từ ánh sáng thường nhật
anh bay vào đêm
Từ Patagoni
từ Chi lê
từ Paraguay
đến Buenos Aires
qua đại dương
qua núi
qua sa mạc
qua bão tuyết
qua lốc xoáy
anh đơn độc .
Trong những phán đoán khốc liệt
những câu hỏi không lời đáp
trong nỗi chua chát của tuyệt vọng
trong kiêu hãnh của sự khước từ
anh đơn độc.
Nhưng đó là sự lựa chọn của chính anh
đó là số phận của người mở đường .
1985
2 . lời từ biệt hànội
Tôi đem theo bức tranh của họa sĩ bùi xuân phái
một hànội ngói nâu
lặng lẽ trời mây
Như thế kia ư
không bom đạn không đau thương
không ly tán
không khó nghèo
chi im lặng im màu ngói dưới trời mây
Như thế kia ư
Không phản trắc, không oán hờn
không lo sợ âm thầm
Không tan vỡ
chỉ lặng im màu ngói dưới trời mây
Lặng im - yêu
lặng im - đứng cao hơn hết thảy
ơi những nhà mái nâu
những phố dài hoa sửa
Lặng im - giã từ
1987
3. tháng mười
Một mình qua lối cũ
gặp hàng cây bên đường
đứng lặng trong chiều gió
giữa đất trời mù sương
Chẳng cùng ai gĩa từ
không cùng ai gặp gỡ
mỗi bước một xót đau
như đặt chân trên lửa
Niềm vui vừa xa khuất
như chiếc lá lìa cành
run run tay đón lại
nào đâu còn màu xanh
Lòng chợt buồn ngơ ngác
như người không quê hương
lạc bước trong chiều gió
giữa đất trời mù sương.
1984
4. tưởng niệm họa sĩ nguyễn sáng
một
Rắn rỏi và mềm mại
Bông sen\ Người thiếu nữ
Chói lọi và hiền hòa
Bông sen
Người thiếu nữ
Cổ xưa và hiện đại
Bông sen
Người thiếu nữ
Xác thực và siêu nhiên
Bông sen
Người thiếu nữ
Ôi vẻ đẹp
được tạo ra từ Nguyễn Sáng
hai
Cuộc hành trình đã đến hồi kết thúc
chặng đường dài sao
Ngọt nhu rượu
đắng như tượu
Vui như tiệc cưới
buồn như tiệc cưới
Ấm cúng như căn nhà
lạnh lẽo như căn nhà
Thoáng đãng như Tự do
Ràng buộc như Tự do
Từng ngày
từng tháng
từng mùa
từng năm trôi qua
ôi chặng đường dài sao
Quán nhỏ phố Sinh Từ
một hình dang đau thương ,đơn độc
lung linh chén rượu ngày đông
Cuộc hành trình đã đến hồi kết thúc
ôi chặng đường dài sao.
1. 1988
5 . khánh
Giữa cái nơi người ta sống bám vào tên tuổi
Khánh la người vô danh
Giữa cái nơi người ta nói oang oang bao lời lẽ cao vời
Khánh im lặng bước đi
lo sao cho ấm trà đừng sánh nước
Giữa cái nơi người ta to nhỏ, thì thầm
mỗi sớm mai
Khánh nhẹ nhàng mở tung từng cánh cửa
Giữa cái nơi mọi bàn tay đều đã nhúng chàm
Đôi tay Khánh trắng tinh
dịu dàng
kiên nhẫn
Giữa những tâm hồn tối tăm ham muốn
Khánh
hồn nhiên
thủy chung
trong trắng .
9. 1989.
6. khóc bác bùi xuân phái
Thưa bác
cháu thắp nén hương này
xa hànội hàng nghìn cây số
và xa bác biết chừng nào
Hànội bao thắng trầm
phố thuốc Bắc cũ xưa
đã ồn ào chợ búa
căn phòng nhỏ đã quá những chật chội
bác mãi giữ gìn một hànội thanh cao
góc phố thưa người
ngói nâu buồn lặng lẽ
Đời bác bao thăng trầm
bác ngặt nghèo, buồn khổ
bác vẫn đem bức tranh mới nhất làm quà
vẫn đón bạn bè với chén rượu trên tay
vẫn nhẹ bước qua những phố mùa đông quạnh vắng
Mùa đông này rồi sẽ quạnh vắng hơn
những phố dái hànội rồi sẽ chẳng có gì bù đắp nổi
mỗt phần hànội đã ra đi
Thưa bác
từ rất xa
cháu xin thắp nén hương này
7. 1988.
7. về cái chết Don Quichotte
Giá mà ông có thể chết
trong vòng tay của người thiếu phụ
với ý nghĩ nàng là một người lâm nạn
Giá mà ông có thể chết
khi bước qua vòm cổng một thành phố lạ
với ý nghĩ nhân dân đang chờ ông giải phóng
Giá mà ông có thể chết
trong ngách đá lạnh lẽo kia
và nghĩ mình đang cứu chuộc thế gian
Gia mà ông có thể chết đi trong cuộc giao tranh
với gã khổng lồ cới xay gió .
1. 1990
8 . về cái chêt của bác sĩ Zhivago
Đã đến hồi lìa bỏ
cái chuyện xe chật chội, chậm rì này
Đã đến hồi từ giã
cái chặng đường cơ cực, mù mờ này
Đã đến hồi vỡ nát
trái tim nặng yêu thương
Đã đến hồi lịm tắt
niềm hy vọng đắng cay
Lìa bỏ
từ giã
vỡ nát,
lịm tắt
úp mặt trên đường
Lặng im - trăn trối
9. 1989.
9. dương bích liên - mùa đông 1988
họa sĩ dương bích liên đã sống và làm việc một cách lặng lẽ giữa hànội trong nhiều năm. Mùa đông 1988, ông lâm bệnh và mất đi một cách hoàn tòn bình tĩnh tại nhà riêng .
một
Gió
vẫn chỉ có gió
lưu lại cùng ta
trong căn phòng nhỏ hẹp này
Đã bao mùa đông rồi
qua ô cửa kia
gió đến và lưu lại
ôi ngọn gió từng rì rầm trong tán cây .
hai
Chiếc lò sửơi trống không
ta chì một lần nhóm lửa
chỉ một lần thấy cái lạnh thấu xương
chỉ một lần
gương mặt tái xanh của người thiếu nữ
bừng sáng giữa chiều đông
Ngày đã muộn rồi
hãy thứ lỗi cho ta
chẳng thể có một lần nào nữa
chẳng thể có một chiều đông
ta lại nhóm giữa lòng người ngọn lửa
ba
Họ đã nói bao điều không hề nghĩ
ta đã nghĩ bao điều mà không nói
kiêu ngạo chăng
bất nhẫn chăng
nhưng mà ta biết nói cùng ai
Họ cứ ra đi, ra đi, ra đi
và ta không níu giữ
nghĩ cho cùng
nào ta có gì để đem cho họ
nghĩ cho cùng
trên đường kia, họ bước dễ dàng hơn .
bốn
Có lẽ em chẳng biết rằng ta sắp ra đi
em còn mải mê với niềm vui
còn mải mê với nỗi buồn
cầu ước cho em được bình yên
Cấu ước cho em hiện ra giữa cuộc đời
như đã hiện ra trên mặt vải
trắng trong, lo âu, chờ đợi
Cầu ước một lần nào
giữa hạnh phúc, lòng em chợt nhớ
một chiều đông
Có lẽ đây là giọt cuối cùng chăng
rượu mới ngọt làm sao
đắng làm sao
chua chát làm sao
Đời ta cũng đã cạn rồi
Có lẽ đây là giọt cuối cùng chăng
12. 1989.
10. hànội, tháng 5 . 1987
một
Sau một mùa đông không hề buốt giá
hoa loa kèn nhiều và rẻ
đến nỗi tôi không còn muốn cắm hoa như lệ thường
hai
Giá gạo cao chóng mặt
người ta đánh sồ đề và chơi xổ số
đường phố la liệt hàng ăn
la liệt hàng mỹ phẩm
các anh chàng mới phất, phóng cúp đỏ ào ào qua phố
tại hàng buồm
một họa sĩ lão thành chết vì bệnh đau tim
tay còn giữ bản thăm luận' thẩm mỹ môi trường hànội'
ba
báo' văn hoá thể thao' đưa tin
chiều 17 tháng 5 tám bẩy ( 1987)
tại thành phố Turino
Michel Platini giã từ sân cỏ
Ra đi từ đỉnh cao danh vọng
người ấy chỉ có thề là Platini
hiện thân của cái Đẹp
hiện thân của Tài năng
cầu thủ không coi việc làm bàn là mục đích
bốn
Mẹ ơi.
nhiều khi con muốn được về nhà
muốn nhỏ dại. bình yên bên mẹ.
Nhưng con đã đi rất xa rồi
và thường khi con vẫn một mình
chịu đựng đắng cay
chịu đựng bao dày vò, hiềm khích
và thường khi con vẫn một mình
đi qua mong ước .
năm
Anh không phải bạn tôi
chỉ thảng hoặc trong đời tôi nghĩ đến anh
vậy mà chiều nay lòng tôi trĩu nặng
nghe anh qua đời
sao ta cứ phải mất đi những con người tốt nhất .
Lặng lẽ
thơ ngây
yêu thích cái đẹp
anh sống thật nhọc nhằn
giữa giả trá, ồn ào, ác hiểm
và tôi biết,
cũng thật là cay đắng
khi ta bị bủa vây
bởi những người được coi là bạn
Tội xin được viết những dòng này
lên tấm bảng nhỏ của vòng hoa
Vĩnh biệt
sáu
Một người làm thơ trẻ
da tái xanh vì thiếu ăn
đang viết những câu thơ đầy dự cảm
thi đàn hôm nay
chật ních những kẻ bất tài, những kẻ lỗi thời
họ giống như những người đàn bà không biết mình đã qua thì xuân sắc
cứ tỏ vẻ, nói cười, giở mọi trò ngạo ngược
Họ hợm hĩnh nhìn anh
Anh quay đi
giấu kín đói khát
giấu kín đau đớn
giấu kín những câu thơ
như người ta nén chặt chất nổ kinh hoàng trong vỏ bọc.
bẩy
Phượng bừng sáng trân đường
mùa thi lại bắt đầu
lại bắt đầu lo âu
bắt đầu niềm vui
bắt đầu thời khắc của số phận
cứ như thế
thành đạt
vấp ngã
khóc, cười một mình
Rồi lại có thể bắt đầu khi ngẩng nhìn lên
gặp màu hoa phượng
Hànội 5. 1987.
thơ ý nhi
( nxb trẻ, tp, hcm . 1991)
Lời dẫn:
- cuốn thơ mỏng khoảng 60 trang, khổ 13 x 19 cm- bìa tới 2 người vẽ: đỗ duy ngọc, bìa 4 - , bía 1 : nguyên hạo.
- nguyên hạo, đỗ duy ngọc .. vẽ mũi đàn ông ta , như trịnh cung vẽ người nữ việt, mũi đầm aquilain - có lẽ các tay vẽ việt ghét mũi tẹt, cả trên khuôn mặt đàn ông việt xấu, hay cả tới đàn bà việt đẹp ?
- riêng tôi , rất thích tập thơ, tâm tư một người nữ mới xa hànội vào saigon - có lần nào ý nhi , nghe ca khúc văn phụng ( khi mới giải phóng ) có lời cho pin ngày xưa ? .
- vì Chopin viết chữ thường, mà các ca sĩ đất bắc khi ấy , thì lại chẳng hề biết
' thằng cha Chopin , nhạc sĩ bất tử, báu vật thế gian muôn đời ' ( bởi, viết chữ thường ) nên có thể , chỉ coi như một cục pin ngày xưa , chẳng hạn - cứ khơi khơi hát ' cho pin ngày xưa ...' .
- người biết , cảm thấy xót xa , nặng đầy nét buồn câm !
- tiện , xin lỗi ý nhi, tôi tự ý đổi cách phiên âm tên tác giả, như AD XANH EXDUPERY, BUÊNỐT AYRET, vv... - vì - chẳng mấy đọc giả biết tác giả : thằng cha-căng chú-kiết là ai ?" - thôi, thì cứ viết theo tên cha mẹ đặt và được chính kẻ mang tên thuộc tên nhất, rồi tới bạn hữu, đọc giả- và nếu được là tác giả, thì đọc giả tất biết tên anh ta trên tác phẩm.
-Ý Nhi mới rời hànội vào saigon - ý tưởng thơ khi ấy mới tinh khôi , như phút đầu tiên một ngày mới - tôi , một đọc giả rất ưa thích tập thơ mỏng tang này , phản ánh rất trung thực gương mặt ý nhi lời gọn, tứ hay - một ' phương nam hành lập nghiệp. - thập niên 80.
ĐƯỜNG BÁ BỔN
Saigon, 29 -11- 2012.
ý nhi: giới thiệu bùi giáng đầu tiên ở saigon sau 1975
những gương mặt / những câu thơ / ý nhi
nxb văn nghệ tp. hcm, 2008.
Lời dẫn:
cuối 1992, anh Lữ Quốc Văn, ( từng là hiệu trưởng một trung học ở Biên Hòa trước 75, bài báo viết đầu tiên đăng trên tạp chí Trình Bày ) - lúc đó - luôn luôn vác theo máy ảnh chụp chân dung văn nghệ sĩ. Chẳng biết anh ta quen nhà thơ nữ Ý Nhi từ bao giờ , lúc này Ý Nhi, Trưởng chi nhánh Nxb Hội nhà văn tại tp HCM. Anh đưa tôi tới giới thiệu với Ý Nhi. Và sau, tôi gặp Bùi Giáng ở đây - và trước đó 1, 2 năm - Bùi Giáng thường lui tới nơi bán mũ nón của vợ tôi, trước trường Hai Bà Trưng, tìm gặp tôi . Rồi anh xưng nhận tin Chúa , mục sư Hồ Hiếu Hạ quản nhiệm Hội thánh Tin lành Trần Cao Vân cầu nguyện danh xưng đức tin . Có lúc, anh ghé chỗ bán nón vợ tôi, vay nóng 200 Vnđ, rồi đi, ít ngay sau, trở lại trả nợ nhiều hơn , rất đàng hoàng - dáng điệu bình thường, vợ tôi nói : ' ai bảo anh Bùi Giáng không bình thường, cần xét lại '.
Trong' Thư viết ở Saigon ( Văn Uyển, xb, San José, California, 2000 ), có 1 đoạn nhỏ tôi viết về BG , và nhắc tớiÝ Nhi, người đầu tiên tái bản tập thơ MƯA NGUỒN ( 1993, nhạc sĩ Quốc Bảo trình bày bìa) , ruột in giấy Bãi bẵng 56 gr, bìa trang nhã - thời kỳ khó khăn này , cả giấy phép cấp tái bản sách in trước 75 còn phải có hội đồng thẩm định , và chi phí in ấn loát đắt đỏ, phát hành hạn chế , thâu tiền về nhỏ giọt - bỏ vốn ra nhiều.
Ấy thế mà Ý Nhi làm được, quả người nữ cầm hầu tinh này đã làm được chuyện bất thường ( Giáp thân, 1944) - gan lớn hơn hầu tinh Tố Hữu ( Canh thân, 1920 ) vùa là một Voronsky Xô viết non tay , là tội đồ xắn tay bóp chẹt văn nghệ miền bắc - thì , nữ thi sĩ cầm hầu tinh sinh sau, đẻ muộn , lại là ân nhân , mở đầu cho phong trào văn chương miền Nam hồi sinh ồ ạt tái bản '. ( Mưa nguồn / thơ Bùi Giáng tái bản đầu tiên 1993 ) ).
Một số văn nghệ sĩ miền Nam , hoặc đã học tập cải tạo trở về ( Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ ngại ngùng , khi được rủ tới thăm Ý Nhi, chỉ rón rén tới cửa, mà chân không bước vào ngưỡng cửa 371 / 16 Hai Bà Trưng, quận 3) - mạnh dạn hơn' cậu thiếu tá VNCH ĐinhThành Tiên 1938 - ' - thì không chi tới 1 lần mà vô số kể, và cậu' binh bớp VNCH học tập cải tạo tại chỗ 3 ngày, Nguyễn Đình Toàn liều mạng cùi, cóc sợ đứa nào theo, cứ lê la cà phê cà pháo mòn quần, trước quán Chi nhanh NXB Hội Nhà văn'.
Riêng văn sĩ Nguyễn Đình Toàn còn giới thiệu 1 bản thảo của 1 nhạc sĩ VNCH - để Ý Nhi in được 1 tập nhạc của nhạc sĩ này, nhà ở tận Bà - Rịa - Vũng Tầu - lời ca khúc có đôi guốc mộc gì đó ... - ' trí nhớ quá tồi, xin lỗi, tôi quên phéng tên chàng nhạc sĩ kia !
Vậy là Ý Nhi công đầu trong việc mở lối cho ' văn chương miền Nam trước 75 ' được tái sinh trên thị trường sách, báo ở miền Nam sau 1975.
Được hỏi thơ Bùi Giáng tái bản, tôi đáp :
' ... không có Ý Nhi ,thì danh xưng Bùi Giáng, cùng giá trị tư tưởng Bùi Giáng vẫn xếp só trong bếp nguội, tro tàn, dù văn chương nghĩa lý có hay ho đi nữa ! '
.
Ấy là tôi chưa nói tới tác phẩm đầu tay Khi người ta trẻ của 1 tác giả trẻ vô danh Phan Thị Vàng Anh ( 1966 - ) được Ý Nhi in ấn, phát hành, tổ chức ra mắt sách - và tác giả này trở thành 1 nhà văn nữ có tầm cỡ.
Ý Nhi còn cho tái bản một số thi phẩm chọn lọc của các nhà thơ tiền chiến , in đúng theo nguyên bản, không biên tập ( sách trước 1945 muốn tái bản cũng phải Hội đồng thẩm định) - và mỗi lần sách ra, tôi bắt gặp phu quân, tiến sĩ Nguyễn Lộc cột sách phía sau xe gắn máy Honda , đèo phu nhân đến Câu lạc bộ Lao động ra mắt sách.
Mời bạn đoc bài viết của Ý Nhi về Bùi Giáng, chàng thi sĩ ' đếm tiền rành mạch, phân biệt từng con số trên giấy bạc, đưa ngón tay nhấp nước miếng đếm từng tờ chậm rãi , từ tay cô Hà, thư ký trao tiền, khi lãnh nhuận bút tập thơ tái bản MƯA NGUỒN ở phòng khách Chi nhành NXB Hội Nhà văn- mà chính tôi được chứng kiến !".
Đứa nào dám bênh vực : ' bọn thi sĩ coi đồng tiền to không hơn núi ! " ( câu tôi nói, rất thực lòng, khóng có ý châm biếm !'.
ĐƯỜNG BÁ BỔN
Saigon Nov, 25, 2012.
ý nhi viết về bùi giáng :
' buồn đau như thể thân mình /
ai chia nửa máu, ai giành nửa xương '
THƠ Ý NHI
bài : ý nhi
'
1.
Trong số tài liệu tôi còn giữ được, khi làm tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, có một ít giấy tờ, thư từ liên quan đến Bùi Giáng.
Ngày 7- 7- 1993, tôi đại diện Nhà xuất bản gửi đến ông xin phép in lại tập thơ Mưa nguồn của ông. Tôi gửi 2 bản , nghĩ rằng ông sẽ giữ 1 bản; nhưng ngày hôm sau, ông đã gửi lại tôi cả 2 bản , với 2 câu trả lời khác nhau . Ở tờ thứ nhất, ông ghi :
"... Xin trân trọng chuyện này với niềm tri ân vô tận."
- ở tờ thứ hai, ông lại ghi :
" Xin chấp nhận đầy đủ 2 tay ".
- phần dưới thư, ông ghi thêm :
" Gửi cháu Ý Nhi, nếu thấy bài nào trong' Mưa nguồn' cháu thích thì xin đề tặng Ý Nhi. Có lẽ nên tặng cháu bài cuối cùng trong tập ' Em về mấy thế kỷ sau / Nhìn trăng có thấy nguyên mầu ấy không ? '
- Ngày 29 / 5/ 1995, tôi lại gửi thư đến ông xin phép in lại tác phẩm Syvia Souvenirs du Valois của Gerard de Nerval , do ông chuyển ngữ, với tựa tiếng việt là Mùi hương xuân sắc. Ông trả lời bằng 2 câu thơ :
'Kinh thưa nương tử Ý Nhi
Toàn nhiên quyết định cái nhu mì của con '
...tháng 10 / 1993, sau khi Mưa nguồn in xong, ông viết thư cho tôi :
" Thân gửi Ý Nhi,
' Thấy tập thơ Mưa nguồn in thật đẹp, tôi thật cảm động. Tôi có đến Hội Nhà văn hai lần, không gặp cô. Nay tôi nhờ chú Thanh Hoài ( là cháu rể ) rất thân của tôi đến thăm cô bàn với cô vài câu chuyện. Thanh Hoài đàng hoàng lắm, không luẩn quẩn như tôi. Kính mong cô niềm nở nói chuyện với Hoài, và vân vân ...'.
- sau đó, ông lại gửi 1 thư khác :
'... nghe anh Trúc nói chuyện nhiều về Ý Nhi, câu chuyện thật cảm động. Chú xin cầu chúc gia đình cháu mọi sự ... vân vân... Cháu tùy ý làm gì cũng được cả, tác phẩm thơ đó củia chú nghe xa xôi quá, cũng như những kỷ niệm về ba má cháu. Chú thình thoảng có gặp thầy Huỳnh Lý và cô Lý. Con đầu thấy Lý tên là Tùng ...'
( Trúc là anh ruột con dì ruột tôi, bạn vong niên của Bùi Giáng. Huỳnh Lý là giáo sư Huỳnh Lý, em ruột ông nội tôi, bạn của Bùi Giáng .
Huỳnh Lý là giáo sư Huỳnh Lý, em ruột ông nội tôi , bạn của Bùi Giáng từ ngày trước. Thực ra, con đầu lòng của giáo sư Huỳnh Lý tên Lễ, đã hy sinh ).
Vài lần khác, ông ghé lại nhà xuất bản, không gặp tôi, thì gửi lại thư, bằng thơ , một bức viết :
Chiêm bao xẻ ngọn chia ngành
Buồn vui vô tận
Biến thành như không
Hẹn gặp cô Ý Nhi lần khác .
bức kia là :
Cậy em vô tận bây giờ
Ý Nhi từ buổi sơ đầu gặp nhau
Anh đi như gió phai màu
Bưồn vui như thể mộng đầu éo le
Bùi Giáng thường viết chữ to, chỉ vài câu đã hết một trang giấy. Nét chữ ông cứng cỏi, phóng khoáng.
2
.
Tôi có nhiều mối quan hệ họ hàng với Bùi Giáng. Một người cậu ruột và một người dì ruột của tôi thành thân với 1 người chị ruột và 1 người anh ruột của ông. ( bà Bùi thị Dung và ông Bùi Luân). Tuy vậy, tôi chỉ được nghe kể về Bùi Giáng, sau khi in Mưa nguồn, tôi mới được gặp ông. Có lần, Bùi Giáng cho người vào cơ quan gọi tôi ra quán nước đầu hẻm. Ông bảo việc này ( việc xin tục bản Mưa nguồn) nên bàn ở bên ngoài tiện hơn. Rồi ông cười, nụ cười móm mém, hóm hỉnh, ánh nhìn hấp háy, tinh anh.
Thường thì ông vào thẳng văn phòng nhà xuất bản ở 371/ 16 Hai Bà Trưng. tại đây, ông gặp Tô Thùy Yên, Thế Phong, Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đức Sơn và nhiều bạn bè văn nghệ khác. Có lần, ông và họa sĩ Nghiêu Đề đứng đổi áo ngay chỗ cửa ra vào. Cả hai đều có vẻ hoan hỉ vị cuộc' Yêu nhau cởi áo cho nhau ' . Nghe nói Nghiệu Đề đã đem chiếc áo của Bùi Giáng về Mỹ để khoe với bè bạn.
Trong bài viết Đi thiêm thiếp cõi mai sau lạ lùng', viết cho báo Phụ nữ tp. HCM, tôi nhắc lại hình ảnh Bùi Giáng : những lần ghé lại nhà xuất bản Hội nhà văn :
"... Chân đất lấm lem, dép đeo lủng lẳng trước ngực, áo xống lôi thôi, quần đem quấn quanh đầu ... lúc thì lặng lẽ đem tặng một chậu cảnh, lúc lại hét lên từ ngoài cửa . Đỡ Trẫm xuống ...'
Mỗi lần đến, ông hay đòi giấy bút để làm thơ . Cô nhân viên thường trực đã chuẩn bị sẵn cho ông 1 cuốn vở học trò, để ông ghi lại nhũng câu thơ chợt đến, với nét chữ ngày một run rẩy. Lúc nhận nhuận bút Mưa nguồn, ông ghi hay chữ ' Zách ồ' vào chỗ ký nhận , ông bảo nhiều tiền quá, nên ghi vậy.
Có lần, ông hỏi thăm ba mẹ tôi, hỏi thăm Trinh Đường. Ộng bảo:
" Trinh Đường tên thật là Trương Đình .."
vì lúc ấy ở Quảng Nam có Nguyên Đình làm thơ, nên Trinh Đường mới đổi bút danh như vậy. Ông còn nhớ Trinh Đường con ông bà nào, ở đâu. Nghe kể lại, Trinh Đường làm lạ về trí nhớ của Bùi Giáng.
Mỗi lần, ông đến, tôi thường biếu ông ít tiền để đi xe. Có hôm tôi đi vắng, ông hỏi cô nhân viên : làm gì ở đây. Rồi ông bảo nhân viên : ' có, thì cho Trẫm 20 ngàn . Ý Nhi thì phải cho 50 ngàn '.
Bùi Giáng cũng thường nói đến bệnh điên của chính mình .
Thấy ông quấn quần dài quanh đầu, tôi hỏi :
" chú sao vậy ?
Ông đáp :
" bị đánh".
hỏi ai đánh, ông bảo :
" mấy đứa thanh niên ."
hỏi sao lại bị đánh, ông đáp :
" ...điên, nói bậy , nên bị nó đánh..."
Có lần ông bảo tôi :
" ..ông Hoàng Châu Ký lúc trẻ đẹp trai lắm. Con vợ Trẫm, nó mê ổng. Trẫm buồn, thế lá Trẫm điên luôn ".
Rồi ông phá lên cjười. Ông thừa biết rằng, cô Ninh, vợ ông, là bà con dì của ba tôi. Cô Ninh còn co họ hàng bên mẹ tôi, gọi mẹ tôi bằng cô ruột.
Vài tháng trước khi mất, ông ghé lại chỗ tôi . Thấy ông gầy yếu, tôi hỏi :
" chú có khỏe không ? "
Ông đáp :
" đỡ điên rồi nhưng yếu lắm ".
rồi ông chỉ vào bịch ny- lông đựng rượu ở túi áo ngực, nói tiếp :
" .. cũng ít uống rồi "
Nghe tôi nói đến việc chọn bài Phụng hiến cho tuyển tập thơ Trăm năm thơ đất Quảng, ông kêu lên :
" Trời ơi, sao lúc nào cũng Phụng hiến được, Phụng hiến , chọn bài khác đi. Thơ của Trẫm phải có cái gì nghịch nghịch, vui vui "
3
Lúc Bùi Giáng mất, nhà thơ Hoàng Hưng có nhờ tôi viết bài cho báo Lao động. Bài viết đã được in, với tựa đề : Bùi Giáng - vẫn sẽ có những bận quay về và được biên tập ít nhiều. Tôi muốn giữ lại bài viết ấy, như bản viết tay, mà tôi còn lưu , kể cả tựa đề :
Buồn vui như thể thân mình
Ai chịa nửa máu, ai giành nửa xương
Đó là nỗi buồn của Bùi Giáng, nỗi buồn vui khốc liệt, bi thảm của 1 thân phận khác thường.
Người ta biết đến Bùi Giáng, bởi những khảo luận văn học, như những cuốn viết về Truyện kiều, Chính phụ ngâm , Lục Vân Tiên ... bởi những những khảo luận triêt học như Tư tưởng hiện đại, Tư tưởng hiện đại và Heidegger ... [ và ] những bản dịch tuyệt vời các tác phẩm của St Exupéry, A. Camus, G. de Nerval ...
Nhưng người ta yêu thơ ông hơn cả:
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ em yêu
Đó lá lời giải thích giản dị, minh bạch nhất cho những ai muốn đọc Bùi Giáng, muốn hiểu thơ ông. Một sự sáng suốt phải trả giá như vậy, hẳn phải có điều chi đặc biệt, hẳn dã tạo nên 1 giá trị riêng biệt.
Mỗi khi đọc những câu thơ hay của Bùi Giáng, tôi lại nhớ đến tiếng đàn rỏ máu năm đầu ngón tay của Thúy Kiều. Những câu thơ như được chắt ra, từ máu huyết, từ nỗi khắc khoải khôn nguôi, về thân phận con người, về sợi dây nối kết vừa bền vững, vừa mong manh giữa kiếp người với cõi trần gian. Ít ai trong số các nhà thơ Việtnam hiện đại lại viết nhiều về cõi trần gian như Bùi Giáng. Lúc thì nguyện:
Yêu trần gian nguyên vẹn
lúc thi :
Sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
lúc khác lại :
Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy
Đời chúng ta là mấy trăng tròn
yêu tha thiết cõi trần gian, nhiều khi ông nhìn trời đất như đứa trẻ :
Ngàn mây về cuối mãi trời xa
Nước có bằng lòng đứng đợi ta
nhiều khi ông bập bẹ :
Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hương cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn
nhiều khi ông thảng thốt :
Ồ gót chân anh đứng ngó như ngây
ông òa khóc, không gìn giữ :
Em ra đi đời bưng mặt khóc òa
Nhưng Bùi Giáng là đứa trẻ biết rằng :
Diều đứt giây trẻ cũng cầm bằng
Thơ ông, từ bài này đến bài khác, từ trang này đến trang khác, thấm đượm nỗi lo âu cho :
Những thân đau khổ, những đời rã riêng
Những nỗi đau về chẳng hẹn giờ
ông là con người:
Nghe Trời đầy xuống hai vai
ông gánh chịu gánh nặng đó suốt cả cuộc đời đơn độc của mình . Có khi ông cô đơn, như một gã say :
Đời dại khờ như một giấc chiêm bao
có khi ông lắng nghe :
Mấy đời ly biệt vì đau trong mình
có khi ông van nài :
Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi cho ta nắm tay em .
và nhiều khi ông phập phồng, lo âu :
Nhưng em hỡi trần gian ơi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi
và :
Đài Vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi
Dường như mỗi cảnh, mỗi vật đều in dấu nỗi lo âu. phấp phồng , nào là :
Đường vất vả vó ngựa chồn lảo đảo
nào là :
Tờ cảo thơm như lệ ứa pha hồng,
nào là :
Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng
Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm
nào là :
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai ...
Giờ, thì con người luôn yêu thương, lo lắng cho cõi người ta ấy đã ra đi. Có lẽ, trước lúc an nghỉ, ông vẫn còn mơ ước :
Còn không một bận quay về
Vườn xưa ngó bóng trăng thề vàng gieo
vẫn giữ nguyên lời nhắn giữ, niềm mong mỏi :
Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình người đi lại lang thang
Còn ghì giưã ân tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì hẹn với trăng ngàn.
4.
Thi hài Bùi Giáng được quàn tại Nhà tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, trong 2 ngày 9 và 10 tháng 10 năm 1998. Đến vĩnh biệt ông là những người bà con ruột thịt, những bạn thơ, những người từng yêu quý mến mộ ông. Nhiều người đã đến và ở lại rất lâu. Nhiều người đã thức thâu đêm để nhắc nhở những kỷ niệm về ông, để đọc những câu thơ của ông. Nhiều ngôi chùa đã gióng chuông tiễn biệt ông.
Giản dị, lặng lẽ, sâu lắng. Đó, thực sự là cuộc tiễn đưa một nhà thơ .[]
SAIGON 6- 2007
ý nhi
( NHỮNG GƯƠNG MẶT / NHỮNG CÂU THƠ / Ý NHI -
nxb văn nghệ tp. hcm, 2009 - tr. 31- 37. )
nhà văn nguyễn thụy long ( 1938- 2009 - saigon )
nguyễn thụy long
(
9-8-1938 hànội - 3 -9 -2009 saigon )
bài viết: sa giang- trần tuấn kiệt
Làm văn nghệ , viết văn, viết báo [ là ] do sự tình cờ. bắt đầu viết khi còn đi học, nhưng bỏ hẳn đi 1 khoảng thời gian gần 10 năm. ( thời gian kẹt lính Không quân ). Ra khỏi quân đội, sau khi bị tù vì lý do kỷ luật. Giải ngũ làm đủ nghề để kiếm sống. Từ nghề phu phen, bến tàu, đến nghề dạy học tư gia. Bắt đầu viết văn lại vào khoảng 1962, nổi tiếng, sau mấy truyện ngắn đăng trên tuần san Ngàn Khơi, nhật báo Dân Việt.
Sống hẳn [ với ] nghề , làm báo Sống của Chu Tử. Truyện dài đầu tiên là Loan mắt nhung, cuốn tiểu thuyết này đã đưa Nguyễn Thụy Long lên địa vị nhà văn ăn khách nhất thời đó.
Sau Loan mắt nhung, hàng loạt tiểu thuyết khác của Nguyễn Thụy Long ra đời, hầu hết đều bán chạy.
Tác phẩm Nguyễn Thụy Long :
1) VÁC NGÀ VOI
2) LOAN MẮT NHUNG
3) VANG TIẾNG RUỒI XANH
4 ) KINH NƯỚC ĐEN
5) SẦU ĐỜI
6) BÀ CHÚA TÁM CỬA NGỤC
v. v. ...
1) LOAN MẮT NHUNG :
Ông viết về đời 1 tay anh chị lừng danh một thời. Một tên du đãng, đặc biệt có cặp mắt đẹp như mơ, trong sáng.
Vì hòan cảnh đẩy đưa, sự phá sản của đời sống gia đình, đã đưa Loan, một học sinh hiền lành ra ngoài đời sống kinh khủng, đầy đe dọa, bất công, bất trắc. Phản ứng lại đời sống ấy, Loan trở thành một tay anh chị khét tiếng. Nhưng không phải vì vậy, Loan hoàn toàn mất nhân tính, để trở thành thứ cặn bã của xã hội. Bàng bạc trong suốt tác phẩm, tác gaỉ cho thấy tình người trong con người kinh khủng ,mang danh Loan mắt nhung.
Đọc kỹ tác phẩm , độc giả sẽ thấy rắng: tác giả không hề đề cao du đãng, tôn du đãng lên hàng thần tượng, như 1 số người đã hiểu lầm. Tội ác của bất cứ hạng người nào trong xã hội cũng phải được phán xét, bằng hình thức này hay hình thức khác
2) KINH NƯỚC ĐEN :
Viết về đời sống hạlưu, thấp kém của lớp người lao động hạ lưu, sống dọc theo kinh Tàu Hũ, Chợ Cầu Muối, Cầu ông Lãnh.
Ông Sáu Họ, một nông dân miền Bắc lưu lạc vào Nam làm phu cao su cạo mủ đồn điền cao su. Kết hợp với một thiếu nữ miền Nam, sinh ra 5 đứa con trai và 1 con gái.
Tác phẩm nhấn mạnh về đời sống đám con cái , sau khi ông [ bị ] kiệt lực , chết , trong một tai nạn khuân vác.
Các tác phẩm khác của ông đã in thật nhiều trong khoảng thời gian gần đây.
Ông là một cây bút viết nhanh, chẳng khác nào Lê Văn Trương thời tiền chiến . []
trần tuấn kiệt
( TÁC GIẢ / TÁC PHẨM / TRẦN TUẤN KIỆT-
SAIGON, VIỆTNAM, 1973 - tr. 167 - 169 )
viết về tô thùy yên + nguyễn đức sơn ...
tác giả, tác phẩm / trần tuấn kiệt -
saigon, việtnam, 1973 .
tô thùy yên :
' canh bạc nhỏ thì thắng, còn lớn thì thua '
nguyễn đức sơn
' có khe, suối vọng, có trời đất hỏi ...
'
bài viết: sa giang- trần tuấn kiệt
tô thùy yên, nguyễn trung, mai chửng *
Phải thành thật mà nói, trong số bạn bè như Mai Chửng, Nguyễn Trung, Tô Thùy Yên - một người điêu khắc. một người làm thơ; thì Nguyễn Trung có lẽ là 1 tay nhậu cừ hơn cả.
Thỉnh thoảng, Tô Thùy Yên lái xe đưa anh em đi nhậu, nầy một cái cánh nó đi ... kìa, cái đầu nó đi, nọ, cái gan, mề nó đi ... Mặt đỏ, miệng cười, ăn nói, không có dáng dấp văn nghệ lớn, văn nghệ bé gì cả.
Nguyễn Trung có lần gõ mõ cho đức Phật, anh dịch loại [ sách ] gì đó của đạo Phật, do DAISETZ TEITARO SUZUKI, khoảng 10 năm sau, thì An Tiêm xuất bản , bản dịch Trúc Thiên, [ tựa] sách là
Cốt tủy của đạo Phật.
Mai Chửng thì buồn [ về ] nghề điêu khắc, vì không có phương tiện để đục núi [ làm] tượng, nên sau này quay ra nuôi [ chim ] cút chơi.
Nghe nói, Tô Thùy Yên, cũng trúng một mối [ chim ] cút lớn, mà sau này có tiền làm xuất bản ( ?) . Điều này phải hỏi lại.
Đời là 1 canh bạc - tôi nhớ, [ đã ] đọc 1 truyện nào đó của Tô Thùy Yên đăng đã lâu. Canh bạc nhỏ thì thắng ở đây, ớ đó, rồi gom lần để thua sạch, vì một canh bạc lớn.
Tuy nhiên, điệu đánh bạc của Dostoievski ấy, không phải là nghề tay phải của anh đâu ?
Anh [ có ] nghề lắm , ở 1 canh bạc lớn lao , mà lịch sử thời gian, không gian bị bỏ lại. Thời gian , không gian cũng không tương đối; nhưng cũng chẳng bất di, bất dịch , cũng chẳng dịch, chẳng hư ; không chẳng là vĩnh thể, chẳng là cái mô hình gì đó cả. Cái sân khấu bi hài kịch, cái viễn tượng mịt mù trong Tô Thùy Yên , anh phất tay áo xua tan tro bụi của ngày mai. Than ôi ! thứ nghệ thuật trang trí của xã hội ngày mai, ắt là không dễ khiến cho người [ làm] văn hóa này hy vọng, tin tưởng dấn thân đến, phi thân lùi.
Hãy nhìn từ Chợ Cũ ( nay là đường Hàm Nghi, quận 1 ) , tới Chợ lớn mới. Trong Chợ lớn cũ có hàng vịt quay thơm ngát, mùi hương bay thấu 9 tầng trời, bay thấu 18 tầng địa ngục.
18 tầng địa ngục thì có 10 cửa, rặt bọn du côn, du đãng, trộm cắp, bất nhân, bất hiếu. Địa ngục của đạo Phật lập ra, để nhốt môn đệ cụ Khổng. Còn Thiên đàng đạo Khổng lập ra, để bắt môn đệ đạo Lão nấu thuốc tiên , hái nhân sâm [ nấu ] rượu [ đãi ] tiệc bàn đào gì đó . Nghĩa là môn đệ Lão Đam thì làm bồi cho các Thần thánh của Khổng Khâu .
Tụi này không khoái mấy chỗ đó, khoái Chợ Cũ, khoái Tản Đà hơn ! Nên ngoài giờ làm việc, hay lấy rượu ở mấy chỗ đó làm vui, đó cũng là những mảnh đất Hứa giữa cõi đời này vậy, chứ chẳng mong ngóng cái đất Hứa, cái quê chung ở đâu trên Trời, dưới Đất xa xôi.
Với Tô Thùy Yên, có lẽ anh không cảm thấy có vùng đất Hứa ở đâu cả, bây giờ và mai sau .
nguyễn đức sơn
Đôi khi người ta biết cúi mình xuống với mọi người một chút, để cho lễ nghĩa nâng mình lên. Những thứ đó, người ta gọi là hạng Nho hương nguyện, hạng nhà Nho vườn tược, nho thù tạc.
Nhưng trong thế giới thời chiến, vây phủ bôn bề, trên, dưới- đ6i khi hình ảnh những con người giống như hình ảnh' con nai bị chiều đánh lưới không biết đi đâu ngồi sầu bóng tối ', như câu thơ xưa.
Nguyễn Đức Sơn không sầu bóng tối, mặc dầu quá thông cảm với cái hư vô. Ông là một người, biết một vài điều thông cảm với mọi người. Tôi còn nhớ mãi câu nói của Sơn :
" Mầy cần sống nên mầy phải hạ mình viết nhiều thứ, tao hiểu ".
Câu nói lúc đi ngang qua đường Phan Đình Phùng ( nay Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 ) , hai đứa chúng ta gặp nhau, và từng hiểu nhau .
Nhưng, 1 thời gian qua. ta đã nhận thấy tinh thần ta mỗi lúc một sa sút, còn Sơn- anh trở thành một vùng sương bóng kỳ bí giữa đất trời.
Chung quanh Nguyễn Đức Sơn toàn mây, núi, anh ca hát với Thánh thần trên đỉnh núi vọng về đời mà đôi khi ta lắng nghe được. Ta giật mình, tỉnh ngộ, như đứa trẻ đạt Thiền, hốt nhiên cười ré lên, rồi khóc.
Nói đến Thiền, ta xem như các việc lặt vặt của tư duy - Nguyển Đức Sơn e ngồi co gối trên mái nhà, nhìn trăng mà cười khào !
Nhưng quanh vùng sương bóng của Nguyễn Đức Sơn, còn có khe , suối vọng, có Trời Đất hỏi ? Có rừng núi kêu gọi. và anh giải đáp. Rằng nọ, rằng kia, vốn là có, là không; chớ nên lao xao gơn thiệt, luận bàn !
Viết đến đây, ta cũng xin ngưng.,
Chẳng muốn bàn thêm gì nữa ! Càng ghi nhiều càng viết bậy về thơ .
Ta nói chơi cho có chuyện nơi trang giấy này đôi chút vậy ! []
----
* tựa nhỏ của biên tập.
trần tuấn kiệt
----------
( TÁC GIẢ / TÁC PHẨM / TRẦN TUẤN KIỆT
saigon, việtnam, 1973- tr. 73 - 77 )