thi ca - thi nhân & cảm nhận : hoài khanh / lê ngọc trác - 4
hoài khanh : từ lục bát ' nâu' đến lục bát' thiền ' 4
lê ngọc trác
' Tôi lớn lên ven bờ sông Cà Ty
Với giữa hai triền núi Cú và Tà Zôn
Lưu luyến nhìn biển cả gọi hồn
đi vào tám hướng ...
Cha tôi một nơi, mẹ tôi ngã và súng nổ
làm chúng tôi ôm nhau khóc hoài
Giữa cánh đồng mà vài tấm tranh
không làm sao che nổi
Cơn gió bấc cũng như tôi lớn lên sau này
không sao che nổi buồn đau đớn
trên gương mặt rầu rĩ của tôi ...'
Đó là những câu thơ tự sự, Hoài Khanh viết về quê hương gia đình của ông trong 1 thời ly loạn.
Hoài Khanh tên thật là Võ văn Quế, sinh ngày 13 tháng 06 năm 1933 tại Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. ( có tài liệu ghi ngày sinh Hoài Khanh là ngày 20-03 1934 ?)
Từ 1957, Hoài Khanh đã hiện diện trên bầu trời thi ca Việtnam với thi phầm Dâng rừng. Tính đến nay, Hoài Khanh đã [ cho ] xuất bản , về thơ có : Thân phận ( 1962), Lục bát
( 1968), Gió bấc- trẻ nhỏ - đóa hồng & Dế ( 1970) , Hương sắc mong manh ( 2006).
về văn : Trí nhớ hoang vu & Khói ( tập truyện, 1970 ).
Trước 1975, Hoài Khanh viết báo, làm thơ. Ông là người chủ trương và điều hành
Nhà xuất bản Ca dao, một trong những nhà xuất bản rất uy tín , có nhiều ấn phẩm giá trị, thu hút được đông đảo người đọc. Hiện nay, Hoài Khanh thường trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Từ thuở đôi mươi, Hoài Khanh đã viết những câu thơ mà khi đọc xong, nhiều người cảm nhận như có 1 cơn gió lạnh thổi qua tâm hồn mình :
... Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung ...
Khi đọc 2 câu trên trong Dâng rừng / Hoài Khanh - Bùi Giáng, nhà thơ, nhà giáo và nhà biên khảo, phải kinh ngạc, thốt :
"... Anh chưa quá 20 tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du , Nguyễn khắc Hiếu tái sinh nghe được, phải lạnh mình trước cái vĩ đại, hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu. Cái vẻ ngây thơ thăm thẳm của lời thơ, chỉ những thiên tài xuất chúng mới có được ..."
Quả thật vậy, qua thời gian, Hoài Khanh là 1 nhà thơ tài hoa. Nhưng, thơ của ông mang 1 nỗi u hoài. Phải chăng khi lớn lên, Hoài Khanh đã sớm chứng kiến những cảnh khổ đau của thời đất nước chìm trong chiến tranh, loạn lạc - nên trong thơ Hoài Khanh viết nhiều về nỗi buồn. Thơ lục bát của ông nhuần nhuyễn, mang đậm hồn dân tộc. Nhưng là những bài lục bát nâu - một mầu nâu buồn mênh mông sâu thẳm . Chúng ta bắt gặp trong thơ Hoài Khanh nỗi đau thương của 1 kiếp [ làm] người :
'Cõi nào giọng khởi nguyên vang
Nhánh khô trời muộn trôi tan mộng thầm
Súng còn vọng mãi trời căm
Rưng rưng mắt lệ nghìn tâm sự nào ?
Mộng đời nát ngọc chìm châu
Bến mê vẫn rợn mấy màu trầm luân
Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Bấy nhiêu rồi nhỉ hỡi trần gian kia ?
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một quê nhà bao dung ?
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng
Trong cơn trường mộng vô cùng thời gian .'
LỤC BÁT, 1968
Và, còn bắt gặp nỗi buồn của thời gian, nỗi buồn mông mênh của dòng sông :
'Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian
... Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi '
Rất nhiều người yêu thơ mãi đến nay vẫn còn say mê bài Ngồi lại bên cầu / Hoài Khanh. Có lẽ, với bài thơ này, Hoài Khanh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền thi ca Việtnam, ở hậu bán thế kỷ XX :
'Người em xưa trở về đây một bận
Con đường câm bỗng ánh sáng diệu kỳ
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi .
Em - thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa .
Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân đã bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy.
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ.
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu .
THÂN PHẬN
Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, chúng ta tiếp tục thưởng thức thơ Hoài Khanh- thơ ông vẫn còn nguyên hấp dẫn như thuở ban đầu. Nhưng, ta bắt gặp Hoài Khanh với những ý thơ mới hơn, trong sáng hơn. Hoài Khanh ở giai đoạn này không còn là những bài luc bát nâu , mang nỗi buồn mênh mông sâu thẳm. Ý thơ của ông khác xa với thời kỳ trước. Trong thơ, Hoài Khanh hướng tới những điều tốt đẹp, ảnh hưởng thiền Phật giáo đậm nét :
'Hiểu ngầm sen nở đầm xa
Là nhân gian hỡi Thích Ca đã về
Người về đánh thức cơn mê
Ác gian, thù hận tràn trề khổ đau
Người về với ánh nhiệm mầu
Mấy ngàn năm đã qua cầu tử sinh
Đạo vàng ôi sắc hiển linh
Muôn đời vẫn vọng câu kinh độ trì
Muôn đời ánh đạo từ bi
Sẽ xua quỷ dữ, sân si , bạo tàn
Sẽ đem trả lại nhân gian
Cuộc sinh tồn ngát hoa vàng từ tâm '
ĐIỀM TRIỆU CỦA SẮC VÀNG
Hoài Khanh đã viết những dòng lục bát, đọc xong, chúng ta tưởng chừng là tâm kinh :
'Nhớ câu' vô sớ tùng lai
Diệt vô sở khứ' trần ai nhãn tiền
Con từ sa cõi phân duyên
Nếm mùi nghiệp chướng lụy phiền não nhân
Tham sân như cát sông Hồng
Đắm mê bông sắc quên thân phận mình
Một hôm sực nhớ câu kinh :
'Không phải chỗ trụ mà sinh tâm mình '
SÁM HỐI
Qua thơ Hoài Khanh, chúng ta nhận thấy cuộc đời rất an nhiên :
' Cái gì hễ mất lại còn
Hễ không là có, hễ tròn là lăn
Ngày xưa có một dấu chân
Bước qua bãi cát sông Hồng nhẹ tênh '
Từ lục bát nâu , Hoài Khanh chuyển sang lục bát thiền. Phải chăng qua những bão giông, khổ đau, cô đơn tận cùng trong cuộc đời , Hoài Khanh hướng đến.
Và, đưa vào thơ những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
( kỳ sau : Kiên Giang - Hà Huy Hà )
lê ngọc trác
-----
* Tài liệu tham khảo:
- Thơ Hoài Khanh.
- Những nhà thơ hôm nay / Nguyễn đình Tuyến ( Saigon, 1967 )
- Hoài Khanh, người thi sĩ đi tìm lại nguồn cội của một dòng sông / Hiếu Tâm
( tập san Pháp luân, 2008)
nhà văn hậu chiến 1950 - 1956 / thế phong - 21
nhà văn hậu chiến 1950 -1956 21
thế phong
--------------------------------------------------------
Chương 3
Tiết 1.- KHÁI QUÁT VỀ NHÓM NGƯỜI VIỆT
Tiết 2.- Tiểu mục :
1.- TRẦN THANH HIỆP
2.- NGUYỄN SỸ TẾ
3.- DOÃN QUỐC SỸ
4.- NGUYÊN SA
Tiết 3.- MAI THẢO
Tiết 4.- QUÁCH THOẠI
Tiết 5.-THANH TÂM TUYỀN
-------------------------------------------------------
Tiết 1.-
NHÓM NGƯỜI VIỆT- SÁNG TẠO
Sau 20- 7- 1954, một số cây bút trong nhóm sinh viên đại học Hànội di cư vào Nam, như : Trần thanh Hiệp, Nguyễn sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, thêm Quách Thoại từ Huế vào, và Nguyên Sa ở Paris về nhập nhóm.
Mai Thảo, cây bút độc lập gửi bài lai cảo tới báo Người Việt , Doãn quốc Sỹ làm chủ nhiệm Thanh Tâm Tuyền phụ trách tòa soạn cho đăng ngay. Có thêm nhà văn tiền chiến Trọng Lang ( bút hiệu Ông Tưởng Tốc ) , Trần việt Hoài, Nguyển sỹ Tế , Trần thanh Hiệp đóng góp bài vở. Về lý luận chính trị, luật sư tập sự Trần thanh Hiệp đảm nhiệm, văn học giáo khoa là Nguyễn sỹ Tế, , văn thơ Thanh tâm Tuyền, Quách Thoại, sau cùng Nguyên Sa - ba nhà thơ chủ lực đồng sáng dị mộng, chủ trương các lối thơ khác nhau.
Chúng tôi sẽ phân tích trong tiết bàn về khuynh hướng mỗi nhà thơ ở phần sau. Phụ họa vào tờ báo ban đầu có Lữ Hồ, sau thêm Duy Thanh, Thái Tuấn... Về lập trường, nhóm Người Việt dựa vào thế dân tôc tự quyết, phẩn văn nghệ khái thác hình tượng đối kháng mác- xít, đề cao nếp sống dân nhược tiểu; ngả về môn phái sinh tồn + phi lý không lý do ( absurde non de cause ) .
Mai Thảo chuyện viết tạp văn diễn đạt lối văn cảm giác ( style d' inspiration) , hình tượng khai thác xung quanh trục tiểu tư sản trí thức. Ông thành công trong Đêm giã từ Hànội, Tháng giêng cỏ non, qua lời văn diễn đạt tân kỳ, độc đáo.
Doãn quốc Sỹ giải thích sự kiện lịch sử, tạo thành những truyện cổ tích dã sử trong Sợ lửa.
Nguyễn Sỹ Tế chuyên về biên khảo văn học giáo khoa, bởi, ông là hiệu trưởng tư thục chuyên khoa Trường sơn. Bút danh Người sông Thương ký dưới những bài thơ tự do, truyện ngắn, không mấy đặc sắc và là soạn giả sách giáo chuyên khảo về Nguyễn Du, Chu mạnh Trinh, Hồ xuân Hương v.v... với một nét nhìn mới.
Thanh tâm Tuyền muốn đưa ra một lối thơ tân kỳ, nên , lùi hẳn hình bóng thi ca cũ đăng trên tuần báo Nói thật ( Hànội, 1953) - tung ra một loạt thơ tự xưng thơ tự do : không vần điệu, nội dung phi lý, không chủ đích, chịu ảnh hưởng non nớt từ các nhóm Existentialisme, Surréalisme, Dadaisme *, ít truyền cảm , khó lĩnh hội . Và, Tôi không còn cô đôc xuất bản ( 1956) tuần báo Văn nghệ tiền phong riễu cợt gọi là ' thơ tự do hũ nút'.
thơ Quách Thoại có nhạc điệu, tư tưởng hòa nhịp âm vận ( assonnance).
Khoáng 1955, Nguyên Sa ở Paris về, nhập nhóm, làm thơ theo kiểu thơ tình Jacques Prévert rất được tán thưởng .
vể họa, họa sĩ Lữ Hồ, Duy Thanh trình bày, cuối 1956, nhóm Người Việt trở thành 2 phe ( clique ) : Mai Thảo nhờ có viện trợ Mỷ, xuất bản tạp chí Sáng tạo , nhà xuất bản Sáng tạo do Doãn quốc Sỹ trông nom.
------
* tạm dịch : Hiện sinh, Siêu hiện thực, Đa-đa ( nhóm canh tân ý tưởng, ngôn từ văn chương , thi ca, có từ đầu thế kỷ XX ở Pháp).
Tiết 2.-
1. TRẦN THANH HIỆP
Sinh năm 1928 ở Bắc Phần, cây bút lý luận chính trị , đặt cơ sở cho nhóm Sáng tạo. Có 1 bài được gọi là thơ, chép thơ tây dịch sang ta ( thơ Aragon : Persienne / Persienne/
Persienne / Cửa sổ / Cừa sổ / Cửa số ) + 1, 2 bài văn xuôi, được gọi là truyện ngắn, ít gía trị văn học .
2.- DOÃN QUỐC SỸ
Sinh 3- 2- 1923 ở làng Hạ Yên Quyết, làng Cót ( huyện Hoàn Long, ngoại thành Hànội) .
Tác phẩm : Sợ lửa ( Người Việt xb, Saigon 1956) , U hoài ( 1957), Gánh xiếc ( 1958),
Gìn vàng giữ ngọc, Dòng sông định mệnh ( 1959 ), Hồ Thùy Dương , Cánh tay nối dài
( 1960) Trái cây đau khổ ( 1963), Đốt biên giới ( 1966), Sầu mộng ( 1970 ) v.v...
Viết cho các báo Dân chủ, Người Việt, Sáng tạo, Lửa Việt ... bút danh ban đầu ký
Dương Quan Sơn * v.v...
-----
* theo Tô Hoài ( truyện Dấu chân trên cát ) - Doãn Quốc Sỹ viết văn cùng thời Tô Hoài . Bút danh khởithủy Dương Quan Sơn ký dưới truyện ngắn đầu tay, viết về trưởng nữ Tú Mỡ - Hồ trọng Hiếu - sau là phu nhân Doãn quốc Sỹ.
( Chú thích sau ).
Ngoài truyện cổ tích viễn tưởng, còn viết truyện ngắn dã sử Sợ lửa.
Sợ lửa gồm : Con mèo trèo cây cau, Con thuyền ma, Mộng xà vương, Pho tượng thần, Con tinh đời Trần Phế đế. Truyện đặc sắc nhất Pho tượng thần, mang hình tượng điền hình thời đại, cũng như Con thuyền ma + Truyện con tinh đời Trần Phế đế.
trong Con thuyền ma phơi bẩy được nhiều hình tượng chuyển biến trong xã hội, đề cao lòng yêu thương, dù ở bất cứ xã hội nào, tình yêu thương , định luật bất biến.
Mùa xuân đi lấy gươm thần lập lại tề gia, trị quốc, bình thiên hạ , truyện mang luận đề rõ ràng , có điểm làm cho người đọc, đọc xong, tự hỏi: khi Thứ Lang đến xin đạo sĩ thanh kiếm, đạo sỉ chỉ hỏi 1 câu' cái gì mỏng nhất ? - căn cứ vào đấy để biết được giá trị kẻ cầm mệnh dân tộc - e rằng hơi dễ dãi, nông cạn. Đành rằng truyện cổ tích, nhưng Doãn quốc Sỹ mượn hình tượng quá khứ , nói chuyện hiện tại, vẫn cần phải chú trọng đến hình tượng so sánh có ý thức, để đánh giá trị kẻ cầm vận mệnh dân tộc.
Không thê dùng hình thái trừu tượng mơ hồ để thể hiện gía trị trừu tượng.
Nhóm Người Việt- Sáng tạo có một duy nhất văn sĩ Doãn quốc Sỹ giải thích lịch sử qua truyện cổ tích, lối đi độc đáo. Mỗi truyện cổ tích đều ngụ ý riêng, đọc xong, liên tưởng đến hình ảnh thời đoạn sống hiện tại. Thuật ôn có trí tân , Doãn quốc Sỹ thường dùng, như Vũ khắc Khoan viết truyện Nhập thiên thai. Doãn quốc Sỹ viết loại truyện dự tưởng rất đạt, Trái tim lửa * tác giả tiến xa hơn về bút pháp, hấp dẫn , lôi cuốn người đọc hơn kỹ thuật viết trước: khô khan, thiếu hấp dẫn - khiến nhớ đến nhà văn tiền chiến Nguyễn đức Quỳnh viết tự truyện Thằng Cu So.
-----
* in trong Đất đứng ( Nxb Quan điểm loại mới, Saigon 1956)
3.- NGUYỄN SỸ TẾ
(1922 - Hoa Kỳ, 2005)
Sinh năm 1922 ở làng Cựu Hào, tổng Hồ Sơn, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. năm 1954, di cư vào Nam , kế đó, chủ trương báo Lửa Việt, tờ báo của sinh viên, học sinh miền bắc di cư. Viết cho các báo : Hòa bình, Dân chủ, Người Việt, Sáng tạo v.v...
Tác phẩm : Hồ xuân Hương ( Nxb Người việt tự do, Saigon 1956), và nhiều luận đề sách giáo khoa do Nxb Thăng Long ấn hành. Ông còn viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo do ông chủ trương. Thơ + truyện ngắn ký bút danh Người sông Thương không mấy xuất sắc.
Dòng sông xanh ( tuyển tập Đất đứng, Saigon 1956) tả tâm trạng dân Hung-gia- lợi
( Hungary) tị nạn chạy sang Áo, truyện viết khô khan, lý luận nhiều, thiếu hình tượng sống, không thấy người viết có phong cách 1 tiểu thuyết gia, người đọc vượt tới trang cuối là một sự cố gắng phi thường !
Khi Hungary bị Liên Xô lùa quân sang chiến đóng vào 1956 - thí có ngay 3 cây viết nhóm Sáng tạo dùng đề tài chống Cộng , viết truyện ngắn , làm thơ.
Dòng sông xanh / Người sông Thương qua truyện ngắn Dòng sông xanh, Thanh tâm Tuyền qua bài thơ Hãy cho anh khóc bằng mắt em - riêng bài này khá cảm động , lại đáp ứng đúng tiêu chuẩn vào thời kỳ hô hào toàn dân chống Cộng . Và Trần thanh Hiệp cũng viết truyện ngắn, lập trường chống Cộng đạt tiêu chuẩn ,còn nghệ thuât viết truyện thì chưa !!!
Tác phầm Hồ xuân Hương / Nguyễn sỹ Tế gồm 7 chương, có thể thâu tóm 4 mục tiêu chính:
- con người của nữ sĩ với hoàn cảnh thời đại
- cứu xét nguồn gốc + tư tưởng nữ sĩ.
- nhận đinh về tư tưởng nữ sĩ.
- khuynh hướng thi ca của nữ sĩ.
Trước Nguyễn sỹ Tế, nhiều tác giả viết về Hồ xuân Hương- như Hoa Bằng- Hoàng thúc Trâm viết Hồ xuân Hương, nhà thơ cách mạng - Nguyễn sỹ Tế đả phá lập luận Hoa Bằng ( tr. 53) , sau cùng lại thừa nhận Hoa Bằng có nhận xét đúng đắn.
Người đọc chưa nhìn thấy Nguyễn sỹ Tế đứng trên lập trường nào để viết về thân thế, sự nghiệp Hồ xuân Hương.
từ trước tới nay, có 5 lập luận phân tích về Hồ xuân Hương :
- phái thứ nhất : ông Nguyễn hữu Tiến trong Giai nhân dị mặc cho nữ sĩ Hồ xuân Hương ở phái tự nhiên .
- phái thứ nhì : ông Dương quảng Hàm cho nữ sĩ ở phái vì thân thế mà xuất khẩu thành chương.
-phái thứ ba: Trương Tửu trong Kinh thi Việtnam cho rằng dân tộc tính tạo thành nữ sĩ.
- phái thứ tư : Nguyễn văn Hạnh với lối dùng phân tâm học ( pyychanalyse / Freud ) cho rằng : vì tình dục mà nữ sĩ làm thơ.
- phái thứ năm : Hoa Bằng mổ xẻ Hồ xuân Hương - kết luận - nhà thơ cách mạng.
Hồ xuân Hương / Nguyễn sỹ Tế, ông viết rất công phu, nhưng, chưa đưa ra lập luận nào mà ông đánh giá, phân tích, mổ xẻ - vậy thì, ông chỉ làm công việc tổng hợp lập
luận , đúng hơn. mới chỉ biết cách khai thác nghệ thuật chắp vá : ' lấy cái hay của người làm của mình'.
Một nhà viết khảo luận giáo khoa , lại có tâm hồn thơ văn như Nguyễn sỹ Tế / Người sông Thương là một điều đáng xưng tụng, tiếc rằng giá trị chưa toàn hảo - chẳng hạn -ở Pháp có Louis Aragon vừa là nhà khảo luận vừa thi sĩ nổi danh, hoặc một người nữa, Benjamin Goriély , nhà khảo luận số một phê bình văn học mác xít ,còn là tác giả bài
thơ Conservation d' amour tuyệt hay ... - cả 2 hai điều này chưa thấy trong trang viết Người sông Thương/ Nguyễn sỹ Tế .
4. NGUYÊN SA
(1932 - Hoa Kỳ ,1998)
Tên thật Trấn bích Lan . Sinh năm 1932 ở Hànội.
Tác phẩm : Thơ Nguyên Sa ( Saigon, 1959) , Quan điểm văn nghệ & triết học ( Saigon, 1960), Một bông hồng cho văn nghệ( Saigon, 1967), Mây bay đi ( 1967), Một mình môt ngựa ( 1970 ) v.v...
Chủ trương tạp chí Hiện đại, viết cho các báo Sáng tạo, Thế kỷ XX, Gió mới, Trình bầy, Đất nước v.v. ...
Nhà thơ ngoài 30 tuổi hoạt động văn nghệ khoảng 2, 3 năm trở lại đây ( 1954- 56 ) , tuy chưa có một tác phầm nào xuất bản. Nhưng thơ ông đăng khá nhiều trên các báo Người Việt, Sáng tạo, Gió mới ... tạo được chỗ đứng nhất định. Gọi là thơ tự do, nhưng đúng hơn tự do phá thể , thơ có tiết tấu, âm vận mượt mà, hình ảnh đẹp, chịu ảnh hưởng từ hơi thơ trữ tình nổi tiếng số 1 của Pháp, Jacques Prévert.
Thơ Nguyên Sa cũng trữ tình tương tự Prévert, có hình tượng mới thời đại, băn khoăn, ý tưởng thành khẩn, lời chau chuốt , mượt mà. Là nhà thơ trữ tình như
Xuân Diệu, chuyên thơ tình, có lối đi riêng. Nếu thơ Jacques Prévert, ngoài tình yêu ra, còn mang hình ảnh, tâm tưởng, khắc khoải cuộc sống - thì, trong thơ tình thuần nhất Nguyên Sa chi có một khía cạnh nhỏ ' thơ tình thuần nhất ' .
có phải em về đêm nay
Có phải em về đêm nay
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngỏ
Ngọn đèn dấu bấc lụi mắt long lanh
Có phải em về đêm nay
Cho lòng anh trở lại với lòng anh
Như lá vàng về với lá cây xanh
Trong những chiều gió đưa về cội
Có phải em về đêm nay
để phá tan
những nụ cười thắt se sầu tủi
như anh vẫn cười mà đau đớn bao nhiêu
Không biết đời người có đưa đến tin yêu
những ngón tay có đưa đến bàn tay
những mùa thu có đến gió heo may
hay ngày mai là bốn bề tuyết lạnh
Có phải em về đêm nay
giữa lòng chiều im lặng
cho anh đùng tìm thấy anh
đo đếm thời gian
bằng những điếu thuốc lá tắt trong đêm
nhưng đã bao nhiêu lần đêm khuya
đầu gối trên cánh tay
để giấc mơ đừng tẻ lạnh
Em đừng trách anh đã quá lo âu
đời người hiu quạnh
Làm thế nào khi lòng mình nứt rạn kia em
dù không muốn gục ngã trong đêm
nhưng đã bao nhiêu lần đêm khuya
anh không biết đã làm thơ
hay đã chọn âm thanh làm độc dược
Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
đến ngại ngùng dù nắng dù mưa
sao em không về
để dù nắng dù mưa
dù trong thời gian có sắc màu
của những thiên đàng đổ vỡ
ngủ say mềm
Vì lòng anh ( em đã biết )
Có bao giờ thèm khát vô biên
Có bao giờ anh mong đừng chết
- dù để làm thơ
nên tất cả chỉ là yêu em
và làm thơ cho đến chết.
Em sẽ về, phải không em
có gì đâu mà khó khăn, trắc trở
chúng mình lại đi
trên con đường chạy dài hoa cỏ
là những đơn phương ngự của tình yêu
mỗi ngón tay em
anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
và anh sẽ trở lại nguyên hình
một anh chàng làm thơ
mà suốt đời say rượu cúc
Có phải em sẽ về
dù bầu trời ẩm đục
hay bầu trời trang điểm bằng mây
anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay
trong những chiều gió thổi .
TRÍCH SÁNG TẠO, 1957
thơ nguyên sa
( kỳ sau : MAI THẢO )
nhớ nơi kỳ ngộ : trường bưởi / lãng nhân - 2
nhớ nơi kỳ ngộ : trường bưởi 2
lãng nhân
Khi xưa [ Bưởi] là trường duy nhất ở Bắc Việt dạy chương trình trung học sơ cấp * - để sau 4 năm lên Cao đẳng chuyên khoa : y khoa, pháp chính, sư phạm, v.v...
Năm 1921, Lương Danh Môn và tôi lấy xong bằng Cơ thủy ** , thi đậu vào Bưởi, thì gặp trường mơi mở 2 lớp C, D, thêm vào A và B của năm thứ Nhất. [ Lương danh ] Môn được chỉ định vào A, tôi vào D. Cách mặt mà chẳng xa lòng, chúng tôi lại được dịp kết thêm bạn mới. Tôi gặp Lê tài Trường mà tôi mến ngay, cũng như mến Môn, 2 anh đều thông minh, mẫn tiệp, lại có phong độ khác người. Từ đó, chúng tôi tìm nhau học hỏi
trong niềm chân thành của tuổi thanh niên, yên trí sẽ giắt tay nhau cùng nhóm bạn nối khố: Vũ đình Nguyên, Trần đức Vượng, Lê văn Trương ... ung dung bước đến mãn khóa để lên Cao đẳng.
Nào ngờ, ngày 22 tháng 12 năm 1923, không hiểu từ đâu, bỗng tung ra cái tin 1 học sinh năm thứ 4 bị xử ức gì đó, đã gây lộn với giám thị, bị thưa lên đốc Lomberger, mà chúng tôi gọi tắt là Lom. Lom đùng đùng nổi giận , giơ tay chuối mắn tát học sinh và quát mắng sale race ( giống nòi nhơ nhớp ) . Thế là anh em nhao nhao lên phẫn nộ, hò nhau bỏ lớp , tràn ra sân, hô những khẩu hiệu chống đối. Các giám thị hết lời khuyên giải không xong, học sinh ùn ùn kéo nhau bỏ trường, trong khí thế sôi nổi. Chỉ nhóm lưu trú lầm lũi lui về tẩm thất, vì không có gia đình ở Hànội.
Sáng ngày 23, học sinh vẫn tới trường đầy đủ, nhưng tụ tập ngoài cửa, trống đánh rối, mà chẳng ai chịu vào. Nhìn qua dẫy lớp, thấp thoáng vài giáo sư đi đi, lại lại, đăm chiêu, ban giám thị lủi thủi ngoài sân, vẻ mặt len lét. Thỉnh thoảng có tiếng Lom la hét trong văn phòng. Từng nhóm học sinh ồn ào bàn tán dọc theo hàng rào, chốc chốc lại có tiếng giận dữ nổi lên: ' ... đuổi cổ thằng Lom về Pháp '. Cho đến chiều , tình trạng vẫn căng thẳng, không thấy bóng Lom. Khi các giáo sư ra về, học sinh cũng khoác tay nhau trở gót trong niềm hân hoan , phấn khởi.
Song, chỉ được có ngày hôm ấy.
Sáng ngày 24, trường mở chỉ có buổi sáng, vì đến trưa là bắt đầu tuần nghỉ lễ Giáng sinh. Tuy học sinh vẫn đến , tề tựu đông nghẹt ở cửa trường, nhiều bạn năm thứ 4 vẫn đi vòng vòng, vẫn hăng hái cổ võ- nhưng chừng hơn 10 giờ, đã có nhiều người lục tục rút lui, để thu xếp hành trang cho kịp chuyến tàu về gia đình ở tỉnh nhỏ, như thường lệ mọi năm. Sau, chỉ còn chừng 40 dân Hànội ngồi lại đến giờ trường đóng cửa. Ngồi lại để tiếp tục bãi khóa, và cũng để chia xẻ nỗi lo âu : sự chia tay đằng đẵng cả tuần là 1 nguy cơ cho tinh thần đoàn kết, liệu khi tựu trường, anh em có còn sát cánh nhau để tranh đấu hay không ?
Nỗi lo âu quả nhiên không hão huyền.
Qua 1 tuần đoàn tụ, nhiều bậc phụ huynh nghe biết sự tình, sợ thành to chuyện, nên đã chuẩn bị để ngày tựu trường, đích thân kèm con em vào tận lớp, dưới sự hỗ trợ của cảnh binh. Thành ra ngót ngàn học sinh chỉ còn nhóm Hànội kiên quyết bãi khóa. Lom thấy tình thế không đáng ngại nữa, bèn thẳng tay khai trừ hết nhóm này, trong đó có Trần đức Vượng . Lê văn Trương, Vũ đình Nguyên và tôi [ Phùng tất Đắc ] cùng vài bạn nữa thuộc năm 3 D. Cả trường, thì có hơn 40 người bị đuổi, có bạn Lương danh Môn ở ban A.
Một cuộc nổi dậy nhỏ nhoi như cuộc ' Lom ' này, chỉ mới manh nha đã tan vỡ, đối với đại cục trong nước, thật không đáng kể, nhưng đối với chúng tôi là đánh dấu một khúc ngoặc quan trọng trong đời học sinh.
Bây giờ, ngoài Bưởi, không có trường trung học công lập nào khác, mà trường tư chỉ có Trường Minh Sanh, giáo sư bằng cao, nhưng không rành khoa sư phạm, kỷ luật lại lỏng lẻo. Chúng tôi theo mấy tháng rồi cũng chán, chỉ có Lương danh Môn chịu khó ngồi lại, sau lên đại học. Còn thì ai cũng lăm le tìm tin tương những ' tự do, bình đẳng', những Voltaire, Rousseau [ J.J.] ...
Chúng tôi xuống Hải- phòng, lần mò làm quen với mấy công nhân bến Sáu kho, mong xin được cuốn sổ hàng hải cần thiết để được nhận làm thư ký dưới tàu biển. Hãy xuống tàu đã, rồi tìm cách đổ bộ lên đất Pháp sau ! Thì chỉ một Trần đức Vượng may mắn, lênh đênh vượt biển ... Còn anh em bị gia đình tìm về kiềm thúc, không muốn cho tuổi non dại dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc.
Sau đó, Lê văn Trương và Vũ đình Nguyên thi vào sở Bưu chính, Nguyên được bổ đi nhà giây thép Vũng tàu, Trương đi Nam vang. Tôi phải về Nam định để thi vào tòa đốc lý. Ở đây, tôi gặp 2 đồng sự cũng là bạn bãi khóa : Sĩ Thọ và Long, đã đổi tên ra Xuân Thụ và Khánh, để tránh sổ đen ...
Làm 1 tên công chức nhỏ, ngày tháng rộng dài, đôi khi cao hứng câu thơ ,vần phú, hùa theo trào lưu lãng mạn ...
------
* đến 1926, trung-học-sơ-cấp mới thêm 2 năm tú-tài bản -xứ cho đầy đủ chương trình trung học.
** cơ-thủy: tiếng Pháp' Certificat de fin d' études primaires ' .
(Chú thích : Lãng Nhân ).
[...] chữ của Biên tập.
phong trào lãng mạn
Những câu thơ trữ tình Lamartine, Musset đã thổi vào lòng anh em, một ngọn gió lãng mạn, thích than hoa, khóc bướm, thích trồng cây si, thích phá thành sầu , nên ở năm thứ 3 D, từng họp nhau làm 1 tập văn thơ, không biết do ai đặt tên là Giọt sương buổi sáng- trong đó, luận thuyết, truyện ngắn, chuyện vui, thơ ... bài của ai, người ấy tự viết tay trên 1 quyển vở cỡ lớn. Cũng tưởng chỉ là ghi những cảm nghĩ viển vông của tuổi học trò, làm thú tiêu khiển, vậy thôi. Không ngờ, xảy ra bút chiến. Hai tuần sau, ở ban khác, đã xuất hiện một tập vở tương tự, đặt là Hạt lụy đêm khuya, mục nọ, mục kia đối nhau chan chát ! Ra được 2 kỳ thì đụng phải vụ bãi khóa, giọt sương khô luôn, hạt lụy cũng ráo nốt ...
Trào lưu lãng mạn chỉ hời hợt, thế thôi ! Đầu óc tuổi thơ nào đã ý thức được gì về đất nước. Cất tiếng khóc ban đầu vào lúc Pháp đã củng cố thế lực, rồi trong cuộc Âu chiến, họ lại dùng báo chí đánh lạc hướng dư luận, đến nỗi năm 1924, báo Trung Bắc đăng trong mục tin vặt : ' Sở Cảnh sát vừa bắt được 1 người tên là Phan bội Châu ..'. - anh em cũng thản nhiên, cho đây là 1 thường phạm. Đến khi nội vụ ra tòa, cụ Phan bị tuyên án tử hình, bấy giờ bỗng nổi lên ùn ùn cao trào xin ân xá. Tình hình sôi động, Pháp cử Varenne sang làm Toàn quyền. Varenne bị dón tiếp bằng những biểu ngữ quyết liệt chưa từng thấy : ' Đả đảo chính sách thực dân bằng gậy gộc ' / A bas le colonialisme à là trique ' . Tiếp đến, là vụ truy điệu cụ Phan chu Trinh trên toàn quốc, thúc giục thanh niên vào cuộc đấu tranh đòi độc lập. Lúc này, dân chúng mới được biết những vụ Cần vương, Đông du, Đông kinh Nghĩa Thục, và những câu hô hào bi tráng của những nhà ái quốc:
Nghĩ lắm lúc thâm gan tím ruột
Muốn vạch trời mà tuốt gươm ra
Cũng xương, cũng thịt, cũng da
Cũng hòn máu đỏ con nhà Lạc Long ...
Cớ sao chịu trong vòng trói buộc
Bao nhiêu năm nhơ nhuốc lầm than ...
Mặc cảm tự ti trước mặt người Pháp không còn nữa, lớp trẻ hăng hái xung phong vào cuộc đối kháng ngấm ngầm và công khai. Ngấm ngầm như Lê văn Phúc ( bạn hồi tiểu học ) , như Phó đức Thục đã bỏ ngang năm thứ 2D, đổi tên là Chính, thi vào Trường Công chính, 3 năm sau tốt nghiệp bổ tham tá. Đến năm 1930, Phúc bị đày [ ra ] Côn đảo. chính nằm dưới máy chém, ngửa mặt lên nhìn lưỡi dao phập xuống ! Còn cuộc đối kháng công khai đâu đã hết, nhưng phải ôn hòa hơn, vì phải lách qua luật pháp. Đối kháng công khai bắt đầu bằng sự canh tân báo chí.
báo chí
Trước đó ngoài [ báo] Nam Phong là một tạp chí chuyên về khảo cứu, các báo hàng ngày như : Trung Bắc, Thực nghiệm, Ngọ báo đều ra 4 trang lớn , mỗi trang chia 4 cột- trang đầu, cột rưỡi bên trái đăng 1 bài xã thuyết, rồi đến mục hài đàm, mục thường thức. Qua trang 2 là tin tức Hà thành , những thay đổi trong ngạch quan lại, việc vặt các tỉnh, tiểu thuyết dài ( dịch Tàu hoặc Pháp ) , trang 3 và 4 dành cho quảng cáo.
Bài xã thuyết là tác phẩm của 1 trong mấy cụ cách mạng đã hồi chánh, được nhà báo dùng tiền trợ cấp đài thọ cho một số lương hưu dưỡng; các cụ tránh né những gì liên quan đến chính trị, đề tài chỉ quanh quẩn trong việc đả phá hủ tục, như đốt mã rằm tháng 7, đeo chỉ ngũ sắc mùng 5 tháng 5 ... bằng 1 lối văn - mà chúng tôi gọi đùa là tứ thời. Nghe như ông [ Nguyễn văn ] Vĩnh có lần phàn nàn : một hôm xem bài đả kích thủ tục đốt mã, ông ngờ ngờ như đã từng đọc qua, liền giở tập báo năm trước ra soát, thì đúng bài rằm tháng 7 năm ấy đem in lại !
Hỏi ra mới biết, hôm qua nhà in giục bài để xếp chữ, đúng lúc tác giả đang trong cuộc tổ tôm, nên lục đưa bản cũ. Cho nó tiện !
Mãi đến năm 1928, báo chí mới dần dần cải tiến, từ hình thức đến nôi dung. bắt đầu là tờ Ngọ báo, do công trình của 2 nhân vật mới ở Pháp về : Đỗ Văn + Hoàng tích Chu .
( kỳ sau: Nguyễn văn Vĩnh )
lãng nhân
( Nhớ nơi kỳ ngộ / Lãng Nhân - Nxb Ziên Hồng/ Zieleks / Texas / USA , 1997 - tr. 23- 27 )