Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

" bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - người chữa bệnh bằng văn chương :/ Đỗ Thu Thảo - Mộc Miên -- trích :https://tuoitre.vn >

 

29/08/2012 17:13 GMT+7

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - người chữa bệnh bằng văn chương

ĐỖ THU THẢO - MỘC MIÊN
ĐỖ THU THẢO - MỘC MIÊN

TTO - Sáng 29-8, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã có buổi giao lưu với hơn 100 độc giả nhân dịp ra mắt tập sách Thấp thoáng lời kinh (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book ấn hành).

Giao lưu với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

oEJbg4D8.jpgPhóng to

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (phải) chia sẻ những cảm nghiệm trong buổi giao lưu - Ảnh: Mộc Miên

“Tôi viết sách là những thể hiện riêng tư và chiêm nghiệm của tôi. Khi mới ra trường, tôi viết cho học trò như người bạn, người anh viết cho bạn mình, em mình. Khi tôi có con, tôi viết cho những bà mẹ sinh con đầu lòng. Đến 50 tuổi, tôi cảm thấy chút heo may già và tôi viết Gió heo may đã về. 60 tuổi về hưu, tôi viết Già ơi chào bạn - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ về “nghiệp” viết của mình.

Với cuốn sách Thấp thoáng lời kinh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bộc bạch: “Đây là những cảm nghiệm riêng tư, rất chủ quan của người thầy thuốc, bấy lâu tìm kiếm, thử nghiệm trên mình rồi mới dám sẻ chia cùng bạn bè tương lân".

Câu chuyện tại buổi giao lưu còn được mở rộng ra chủ đề lo lắng - lạc quan, mạnh - yếu, trẻ - già, sống - chết, sức động viên tiềm ẩn trong những cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc...

7YGnu1Ux.jpgPhóng to

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (bìa trái) ký tặng sách cho độc giả - Ảnh: Đỗ Thu Thảo

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc kể: “Chị tôi được con mua cho máy đo huyết áp để thỉnh thoảng đo kiểm tra sức khỏe dù vẫn khỏe mạnh. Nhưng từ khi có máy, chị càng đo càng thấy huyết áp tăng rồi sinh ra lo sợ, sinh bệnh này nọ. Bệnh đó là do tâm không tịnh thì phải chữa bằng tâm. Tôi kêu kệ nó, quẳng máy đi là hết bệnh và thế là hết thật”.

Trong buổi giao lưu, để trả lời cho câu hỏi: “Làm sao để trẻ mãi?”, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói: “Tôi xin trích tựa đề một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên Đóa hoa vô thường. Cuộc sống là vô thường, ai cũng phải già đi. Muốn trẻ vĩnh viễn thì chỉ có thể sống trong môi trường không có thời gian như Từ Thức tới động tiên. Nhưng già mà vẫn khỏe thì có sao, còn già mà không khỏe, đau khổ thì mới cần chữa trị”.

Chia sẻ trong buổi giao lưu, độc giả Trần Vinh Thắng (TP.HCM) làm nhiều khán giả rơi nước mắt với câu chuyện về đứa con trai lâm trọng bệnh và vừa ra đi vĩnh viễn. Đó là anh Trần Nguyễn Nguyên Khôi - 29 tuổi, cựu sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM, là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

“Đó là đứa con trai hiếu thuận, hiếu học và là niềm tự hào của gia đình, trường lớp. Tiếc rằng cháu ra đi sớm quá. Sau khi cháu mất, trong đau khổ, tôi đọc được những cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc với những lời nói từ trái tim. Tôi hiểu ra rằng con trai tôi mất đi nhưng cháu đã kịp để lại rất nhiều những công trình cháu nghiên cứu, tình cảm với gia đình, bạn bè và đặc biệt là hai đứa con sinh đôi sắp chào đời” - bác Trần Vinh Thắng xúc động.

Gia đình bác Trần Vinh Thắng cũng quyết định lấy hai câu trong cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để đặt lên mộ phần của con trai mong con an nghỉ bình yên: Con trong tất cả/ Tất cả trong con.

Anh Dụng Minh Phương Tâm cũng đến chương trình để gửi lời cảm ơn của cả gia đình mình về những hướng dẫn chữa bệnh, rèn luyện sức khỏe rất dễ nhớ, dễ thực hiện mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thường hướng dẫn bằng những bài báo, website của mình.

Một độc giả đến từ Hà Nội nhận xét: “Tưởng chừng như khó có mối liên hệ nào giữa thầy thuốc và nhà văn. Nhưng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã cho ra lò một cuốn sách ghi lại những cảm xúc chân thành của một người thầy thuốc luôn muốn sẻ chia những điều lợi ích cho đời, cho người”…

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Ông tốt nghiệp tiến sĩ y khoa quốc gia, Y khoa Đại học đường Sài Gòn năm 1969.

Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm với nhiều chủ đề như viết cho tuổi mới lớn, viết cho các bà mẹ, tùy bút, tạp văn, thơ… Nhiều tác phẩm của ông được công chúng yêu thích như: Già ơi chào bạn, Gió heo may đã về, Thư gửi người bận rộn…


--------------------


lời bàn THẰNG PHẢI GIÓ


-  Quán Tí Nị (  gần Đài Phát Thanh Tp. HCM ) , nhà thơ Trần Thiện Hiệp & phu nhân  ở Mỹ về , mời một số bạn bè văn chương tời dự. Tôi là người đến sau cùng(  bữa đó, bụng  hơi đau ),tôi lên sân thượng nằm võng đu đưa ngắm đàn chim bồ câu nuôi & đàn gà lúc nhúc gần 20 con, một gà mẹ với 11 chú gà con  tung tăng chạy nhảy, kiếm mồi.

 Thật vui mắt, ấm lòng, cười thầm trong bụng. 

 Điện thoại reo liên hồi -- " hoạ sĩ tự do" Mặc Trí ( con trai cố nhà văn Mặc Thu- Lưu Đức Sinh nổi danh ở Sài Gòn thập niên 60's ).  ới ới gọi " anh tới ngay đi, bữa tiệc ăn sáng" hoành tráng" đã  bày biện  dưới cây cọ cao vút  hiếm có ở Sài Gòn  của Quán Tí Nị.  

- " phải đi thôi,"  tôi nhẩy phóc lên Xe Honda / Wave tới nơi hẹn. 

Đường lên dốc quán vẫn như xưa,  lâu quá trở thành lạ lẫm, gặp một người nữ, bèn hỏi: 

'thưa cô, đây  là Quán Tí Nị " --  người nữ gật đầu. 

 Vào bàn tiệc thịnh soạn, , dăm bẩy văn nhân  có mặt:

- nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên -- dịch giả  tài năng Thiếu Khanh --  Trần Thiện Hiệp &  Lệ Hiền phu nhân  ( người ngâm thơ siêu đẳng 14 tuổi đã  vang danh trên Đài Pháp Á  xưa kia) -- bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng  Ngọc --  tôi được xếp chỗ ngồi kế cận. 

. Anh xoa đôi cánh tay hãy còn chắc nịch, hỏi tuổi tác,  đang viết sách, quyển gì--  mỗi lần gặp,  Đỗ Hồng Ngọc  nhẮc" bọn trẻ vẫn đọc ông đấy,  tôi biết Trần Trung Phương  chuyên viết  " thơ  thiếu nhi, nhi đồng" là nhờ đọc Nhà Văn Hậu Chiến / Thế Phong.  Sinh hoạt hàng ngày của anh ra sao?  cơm ăn  bữa mấy bát, ngủ  và thức dây lúc mấy giờ , tập thể dục  vẫn chạy đều đều mỗi sáng-- và,  ,vợ, con  ra sao? 

Trần Thiện Hiệp ngồi bên trái tôi, áo đen, râu bạc, tóc dài cũng bạc, mũ bê-rê đen  ngâm thơ liên hồi, những bài thơ mới làm , nhiều bài đăng trên Việt Văn Mới của Từ Vũ ở Paris " hồng trần, hồng trần " , dạo này thơ tôi đẫm chất" hồng trần ' đấy !".  Đôi  bài thơ mới làm, có khi quên câu này, câu kia; lại được phu nhân Lệ Hiền nhắc, trí nhớ  của người nữ sinh 1941, quả là  ' siêu quần "! 

Mặc Trí rút ra một tấm vẽ chân dung Trần Thiện Hiệp  hút "ống vố Ropp " rất đẹp, chàng "hoạ sĩ tài tử" này hình như không tốt nghiệp  trường hội hoạ nào, thì phải? -- chàng  ta,  người  bạn trẻ thân thiết  gần gũi với vợ chồng Trần Thiện Hiệp  nhất đấy !

Quay sang Nguyễn Phú Yên, nghe kể chuyện về nữ sĩ Hoàng Hương Trang của những ngày cuối đời, xuống Long Xuyên ở với bà dì, chết ở đó,  tro cốt được đưa về Huế -- và,  anh là người viết nhiều bài báo về 'con hùm xám hoạ sĩ, thi nhân Sài Gòn  thập niên 60's (*)  , từng ồn áo đòi" úp váy lên mặt một  linh mục, chủ báo thi nhân, "tực danh' Đinh Xuân Nguyên.  ( Thanh Lãng,  Chủ tịch Pen Club Sài Gòn) hồi nào !  

--------

(*) - Hoàng  Hương Trang sinh năm 1938 ( cầm tinh con Hổ).-- (Bt)


Bữa tiệc " hoành tráng" ( chữ  Trần Thiện Hiệp) sẽ cò còn nữa, trước khi chúng tôi về Mỹ, xin mời quý vị có mặt hôm nay đừng vắng mặt, Ại nghe tôi ngâm " thơ hồng trần, " hay tuyệt cú mèo" ( tự khen mình như Lỗ  Tấn " văn mình, vợ người"!". 

  Cuộc vuii nào cũng  chấm dứt, 12 giờ trưa,  Đỗ Hồng Ngọc xin phép về trước, chúng tôi theo sau, 

 Về tới nhà,  tự hỏi :

" ... chảng biết vợ mì nh đã tha thứ lỗi lầm chưa, nàng giận hờn mắng riếc ;

 " ...ông là thằng vũ phu,  đúng như thằng Hùng ( em con bà cô ruột-- Kts Dương Mạnh Hùng 1942- chết) )  nói, vậy mà tôi đã sống với thằng vũ phu này đã 56 năm". -- (  nghe thật xót  ruột về tôi lỗi bản thân , như Kinh Thánh từng chỉ ra 77 lần chưa hết , còn phải nhân lên gấp bội)

" Chúa ơi! " Đời,  C' est la vie, -- buồn quá ;   thôi thì  cho con về nước Chúa sớm đi !" .


THẰNG PHẢI GIÓ

Sài Gòn , 1/4/ 2023.


===========


bài đáng đọc: " "Nhà Văn Võ Hồng [ 1923- 2013 ) -- Mười Năm Mây Bay "/ Lê Đức Dương -- trí ch: vanhocsaigon : 31/ 03/ 2023.

 

Nhà văn Võ Hồng – 10 năm mây bay

LÊ ĐỨC DƯƠNG


Cách đây tròn 10 năm, ngày 31.3.2013, nhà văn Võ Hồng ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ chiều xuân dưới bóng cây khế đong đưa thoang thoảng ở ngôi nhà số 51 Hồng Bàng – Nha Trang hưởng thọ 92 tuổi.

Võ Hồng, sinh ngày 21.01.1923 (ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm Tuất) nhưng ghi trên giấy tờ ngày 5.5.1921, tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trong truyện “Mái Chùa Xưa” của ông có đề cập đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình: “Làng tôi có ba ấp, mỗi ấp có một ngôi chùa. Tôi ở ấp Quảng Đức, lên năm tuổi đã biết tên chùa là Châu Lâm… Chùa Châu Lâm có một cái tên nôm là Chùa Đồn Mạ”.  Ông là anh cả trong gia đình có hai em trai và bốn em gái. Mồ côi mẹ lúc mười một tuổi, được thân phụ nuôi dưỡng, cho học hành thành tài.

Năm 1940, sau khi đậu tú tài, Võ Hồng đi làm công chức cho chính phủ Trần Trọng Kim và sau này là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1949, Võ Hồng giã từ công việc của một viên chức nhà nước, ông chuyên tâm vào công việc dạy học và viết văn. Võ Hồng cầm bút khá sớm. Từ năm 1939, Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay “Mùa gặt” đăng trên “Tiểu thuyết thứ Bảy” với bút hiệu Ngân Sơn. Trong cuộc đời sáng tác, Võ Hồng còn sử dụng các bút danh: Võ An Thạch, Võ Tri Thủy.

Nhà văn Võ Hồng (1923 – 2013)

Năm 1959, Võ Hồng xuất bản tập truyện ngắn “Hoài cố nhân“. Tác phẩm vừa ra đời đã được người đọc đón nhận nồng hậu. Từ năm 1959 đến năm 1993, Võ Hồng đã sáng tác và xuất bản hơn 20 tác phẩm, gồm: “Hoài cố nhân” (1959), “Lá vẫn xanh” (1962), “Vết hằn năm tháng” (1966), “Con suối mùa xuân”( 1966), “Khoảng mát”(1969), “Bên kia đường” (1968), “Những giọt đắng” (1969), “Trầm mặc cây rừng” (1971), “Trong vùng rêu im lặng” (1988), “Thiên đường ở trên cao” (1988), “Vẫy tay ngậm ngùi” (1992), “Chia tay người bạn nhỏ” (1991), “Một bông hồng dâng cha” (1991), “Thương mái trường xưa” (1993), “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”…

Ngoài tư cách nhà văn, Võ Hồng còn là một nhà giáo được nhiều thế hệ học trò yêu quý. Thời kháng chiến chống Pháp, ông làm Hiệu trưởng trường Trung học Lương Văn Chánh, nay là trường chuyên của tỉnh Phú Yên. Từ năm 1956 đến năm 1982 Võ Hồng làm nghề giáo ở thành phố biển Nha Trang.

Về văn nghiệp của Võ Hồng nhiều học giả đã đánh giá là cây bút xuất sắc tiêu biểu của văn học miền Nam cùng với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy… Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có nhận xét Võ Hồng là một nhà văn xuất sắc, là “một cây bút hàng đầu trong 20 năm văn học đô thị miền Nam”. Nhà văn Nguyễn Khải cũng tâm đắc: “Không ngờ Võ Hồng viết hay thật!”

Tuy nhiên ở một góc khuất ít người để ý là những khoảnh khắc cô đơn  miên man hơn nửa cuộc đời sau của Võ Hồng. Trước tiên là người vợ yêu của ông mất năm 1957 để lại cho ông giáo chưa đến tứ tuần 3 đứa con thơ đầy nheo nhóc. Bà Phan Diệu Báu vợ Võ Hồng  là người phụ nữ con gia đình quyền quý ở Đà Lạt. Theo chị  Võ Thị Diệu Hằng – con gái lớn nhà văn kể lại: “Mẹ tôi khi còn con gái biết chơi  dương cầm. Nhà có hai chiếc: một cái đặt ở phòng ngủ, cái đặt phòng khách để mẹ chơi. Mẹ tôi học trường Couvent dé Oiseux Đà Lạt nhiều lần gặp bà Hoàng hậu Nam Phương vì cùng trường. Má hay đàn hát thánh ca ở nhà thờ Con Gà được báo chí khen có giọng hát kim cương…”

Họ gặp nhau trong thời chiến tranh loạn lạc. Bà Diệu Báu theo ông về quê rồi sơ tán khắp nơi : Phú Yên, Ninh Thuận, Đà Lạt cuối cùng về Nha Trang đến khi bà ra đi.

Về phút giây người vợ ra đi bỏ lại người chồng trẻ cùng đàn con thơ đứa thật thê thảm. Thầy giáo Võ Hồng cùng bạn bè, những học sinh của mình rồng rắn đưa tiễn người vợ đến nghĩa trang Phật giáo Hòn Chồng, Nha Trang. Nước mắt Võ Hồng lã chã rơi trong đau khổ của mùa hè chói chang phố biển (tháng 7 năm 1957). Trước đó Võ Hồng đã đưa vợ đi khắp nơi để chữa bệnh tim cho vợ nhưng không kết quả.

Chị Võ Thị Tri Thủy – con út của nhà văn Võ Hồng kể: “Khi mẹ mất khi đưa ra nghĩa trang. Cha tôi không cho tôi đi vì sợ say nắng  bởi tôi mới 3 tuổi. Tôi vẫn nhớ một thời gian dài, những buổi chiều sau buổi đi dạy học về, hoặc những lúc ăn cơm xong cha tôi nằm trầm ngâm trên chiếc ghế bố đặt ở sân. Tôi leo lên ngực cha ôm thật chặt. Ông vuốt tóc tôi êm đềm. Bỗng những giọt nước mắt rơi lã chã  lăn dài trên gò má cha. Chắc cha đau đớn lắm! Nhưng cha giấu không muốn hai đứa con lớn thấy niềm xót xa của mình…” Sau này nhà văn có viết truyện ngắn “Lạnh tuổi thơ” để vẽ cảnh” Gà trống nuôi con” của mình thật xúc động.

Nhà văn Võ Hồng ký tặng sách. Ảnh: LĐD

Có một điều lạ, dù vợ mất khi mới 34 tuổi. Là thầy giáo khả kính, một trí thức hàng đầu với văn tài quá nổi tiếng mà sao Võ Hồng vẫn còm cõi một mình cùng đàn con thơ?  Trong văn chương của mình, chính Võ Hồng cũng bày tỏ mình rất đa cảm và đa tình chứ không phải khô khan khiêm cung. Truyện ngắn “Thơm ngát hương cau” đăng trên báo Tuổi trẻ chủ nhật tháng 12 năm 1989 đã thể hiện điều  đó.  Đây là truyện ngắn đầu tiên ông “tái xuất” trên báo chí sau giải phóng với cái tên Võ Hồng. Tác giả “ngượng ngập” kể lại chút “gió thoáng hương bay” của mình với một phụ nữ tên Huấn ở xóm nhỏ Gò Cau, Bồng Sơn ( Bình Định) khi tản cư lánh nạn phải giấu thân phận một thầy giáo nổi tiếng để làm thợ hớt tóc.

Theo lý giải của những người con của Võ Hồng việc lựa chọn ở vậy nuôi con chính là lòng yêu thương bao la của ông. Bởi ông sợ các con sẽ khổ khi cha đi bước nữa. Ông bày tỏ với các con: “Cha sợ mẹ kế sẽ không thương các con!” Hình ảnh thầy giáo Võ Hồng cao lêu khêu, chuyên đi chiếc xe gắn máy Velo Solex tiếng kêu bình bịch chạy từ trường về ngôi nhà nhỏ gần chợ Xóm Mới, Nha Trang thực sự thân thương  ấm áp làm sao. Do cảnh nuôi con nhỏ nên Võ Hồng phải nhờ nhiều những “ người bạn gái ”- đó là những người đồng nghiệp, bạn đọc yêu văn chương quý mến ông  giúp tư vấn dạy dỗ con mình. Theo chị Võ Thị Tri Thủy đích thân cha hay lo lắng từ giấc ngủ cho đàn con, dẫn con đi tắm biển, đưa con đến trường mình dạy để tiện về chăm sóc. Hình ảnh ông giáo – nhà văn trong mắt các con lúc giống con gà trống lộc ngộc ngơ ngác trong mưa chiều. Lúc giống như con chim cánh cụt đầy cô đơn trên băng giá. Tuy nhiên người cha luôn vui vẻ hài hước, lạc quan với các con không bao giờ cáu bẳn hay tức giận. Bởi thế sau này khi các con lớn khôn đi du học và định cư tất cả ở nước ngoài ông vẫn vui vẻ  chấp nhận sống cô đơn ở ngôi nhà nhỏ của mình ở Nha Trang như một định mệnh.

Là người trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống từng đi là Bí thư tòa Tổng đốc Đà Lạt của chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, làm trưởng ty Bình dân Học vụ tỉnh Phú Yên thời kháng chiến, Hiệu trưởng trường Lương Văn Chánh ( Phú Yên) năm 1949, cuối cùng vẫn là ông giáo thuần khiết. Một ông giáo có tri thức đầy sang trọng và nhân cách lớn. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban từng là học trò Võ Hồng ở trường Bồ Đề (Nha Trang) những năm 1950 kể lại, thầy Võ Hồng ngoài là nhà sư phạm mẫu mực, thầy rất uyên bác vì thầy dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và cả tiếng Hán. Thỉnh thoảng thầy dạy sinh học nữa. Đặc biệt thầy có cách dạy rất độc đáo: vừa vui vừa dễ hiểu. Với thầy mọi thứ phức tạp mấy cũng đơn giản và hài hước, chất humour (hài hước) trí tuệ luôn có sẵn ở tâm hồn ông.

Với môn văn của thầy học trò tha hồ được“trải nghiệm” các trò chơi như Nối điêu – một dạng thay đổi đoạn kết câu truyện để học sinh được tưởng tượng sáng tạo; thầy dạy làm thơ viết văn. Thấy học trò nào có năng khiếu thầy khuyến khích động viên sáng tác. Một học trò khác của ông là Trần Hữu Cư chia sẻ: “Những ngày tôi bắt đầu bước chân học vào trung học. Hình bóng thầy Võ Hồng đã trở thành thân yêu nhất, thân yêu không phải vì ông là giáo sư dạy hay, dạy giỏi mà chính là nhân cách và tâm hồn phiêu bồng của ông”.

Những năm cuối đời sống ở Nha Trang thầy giáo Võ Hồng tiếp hàng trăm lượt khách đến thăm trong đó phần lớn đều là học trò và nhiều người không phải là học trò nhưng mến văn tài qua những tác phẩm văn chương của ông mà nhận làm học trò. Trước đó trong tác phẩm “Trầm mặc cây rừng” xuất bản năm 1971. Võ Hồng đã kể tình cảm thầy trò thời kháng chiến rất xúc động. Vì thế lớp lớp các bạn đọc nhớ mãi về thầy Võ Hồng với sự ngưỡng mộ kính trọng.

Nếu như với học trò cũ, Võ Hồng rất thân thiết thì với bạn văn ông có một sự dè dặt và cẩn trọng mặc dù tính ông rất nhã nhặn. Theo lời kể của nhà văn Lê Ký Thương, năm 1984 Hội Văn nghệ Nha Trang được thành lập. Thầy Võ Hồng khi đó đã nghỉ hưu thường xuyên đến chơi thăm vào buổi sáng. Thầy ăn mặc chỉnh tề như một viên công chức đến cà phê tâm sự với các “bạn văn lớp trước” như Thế Vũ, Lê Ký Thương, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Hoàng Thu… có lẽ đã trải qua những thăng trầm nên Võ Hồng rất ít nói. Với lớp nhà văn sau ngày đất nước thống nhất, ông rất dè dặt và có phần e ngại như con chim sợ cành cong.

Sau 1975, tác phẩm của ông không được phép ấn hành, cho đến năm 1987, truyện dài “Thiên đường trên cao” mới được in (tác phẩm nầy được hoàn thành năm 1974 và NXB An Tiêm ấn hành năm 1975 nhưng chưa phát hành). Ngay cả Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mãi ông mới được kết nạp, trước đó chỉ là “dự bị”. Với ngành giáo dục dù dạy học ở Nha Trang gần 50 năm nhưng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cũng do Sở Giáo dục Phú Yên đề cử và được trao sau đó!

Các đại biểu chụp ảnh lưu tại Hội thảo Khoa học quốc gia Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Hồng ở Phú Yên, tháng 4.2022.

Sau thập niên 1990, đó là thời kỷ đổi mới, Võ Hồng thấy vui vẻ lạc quan, ông viết báo viết truyện liên tục. Bởi cái tên Võ Hồng thực sự đem lại niềm cảm mến vô cùng với mọi người, nhất là những người đã trải hai thời kỳ chiến tranh. Ngoài sách được in lại Võ Hồng còn viết thêm nhiều cuốn mới như: “Chia tay người bạn nhỏ” (1991),“Một bông hồng dâng cha” (1991), “Vẫy tay ngậm ngùi” (1992), “Thương mái trường xưa” (1993), “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”… Những truyện ngắn của ông viết trên các báo  thiên về ngụ ngôn nhưng đầy triết lý sâu lắng nhưng rộn tiếng cười thâm thúy.

Ở Nha Trang thời điểm đó có 3 nhà văn nổi tiếng còn sống. Cao tuổi nhất là thi sỹ “Mùa cổ điển” Quách Tấn, tiếp tới Võ Hồng và nhà thơ Giang Nam. Nếu như Quách Tấn thì dù ở sát với chợ nhưng rất tiếc những năm cuối đời cụ bị lòa nên ít tiếp khách. Nhà thơ Giang Nam lại làm quan chức to không dễ gặp. Chỉ có mỗi Võ Hồng là công chúng bạn bè thấy thân thiết dễ gần nên tấp nập thăm viếng. Theo bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc thì Võ Hồng là người kỹ tính nhưng rất mến khách và lịch thiệp. Nhiều người biết nơi ở của Võ Hồng nhưng đứng trước ngôi nhà đường Hồng Bàng – gần chợ Xóm Mới, Nha Trang thì sẽ e ngại vì không biết ông nhà văn nổi tiếng này có chịu tiếp mình không? Thì Võ Hồng đã đánh tan nỗi e ngại nghi hoặc đó bằng tấm bảng treo trên chiếc cửa sắt nhỏ của con hẻm giữa hai ngôi nhà có số 51 và 53 Hồng Bàng. Ông viết dòng chữ “Kéo chuông gọi Võ Hồng”. Chính người viết bài này đã nhiều đến thăm nhà văn. Ban đầu thấy ngỡ ngàng trước “cái chuông” của Võ Hồng. Đó là cái lon sữa bò thả mấy viên sỏi để khi cầm dây lắc nó kêu rộn rã, ai cũng thấy vui vui vững tâm vì sự ngộ nghĩnh. Khi còn khỏe nhất định Võ Hồng sẽ từ trên gác xuống đón khách với sự ân cần, lịch thiệp của một ông giáo cổ điển.

Về ngôi nhà của Võ Hồng có nhiều điều rất lạ. Võ Hồng ở trên căn phòng nhỏ trên lầu 1 ngôi nhà số 51 đường Hồng Bàng, Nha Trang. Phía trước có khoảnh sân thượng đặt vài chậu cây nhưng xung quanh hàng xóm ngả sang nào khế, mận, ô ma… và Võ Hồng nhận đấy là của mình để ông sáng tác những chuyện “cây vườn” rất đặc sắc. Căn phòng nhỏ của ông là “sự bừa bộn với mọi người nhưng là sự ngăn lắp với ông” – chữ của nhà văn Nguyễn Hoa Lư. Võ Hồng dù ở nhà khi tiếp khách, viết văn viết báo đều đội cái mũ ca nô, hay mũ len mùa gió, mặc áo ghi lê và ngồi thoải mái trên chiếc ghế mây lưng rộng như một nhà hiền triết.

Nhà văn Võ Hồng ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ trưa vào lúc 14h chiều 31.3.2013, nhằm ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ, hưởng thọ 92 tuổi. Tuy nhiên khi ông ra đi mà không có một người con cháu nào bên mình. Thật  đúng “Vẫy tay ngậm ngùi”.

Tiễn ông đi, trời Nha Trang rải một cơn mưa xuân nhẹ êm đềm. Nhà văn an nghỉ tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cùng gần với thi sỹ Quách Tấn.


LÊ ĐỨC DƯƠNG


------------------------