Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

"bài đọc thêm: " Mỹ nhân & Danh tướng " / tạp ghi: Huy Phương -- source: nguoi-viet.com>

 

Mỹ nhân và danh tướng

HUY PHƯƠNG

tạp ghi Huy Phương

Người xưa có câu thơ về cái chết trẻ của những người đẹp và tướng giỏi: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu!” Dịch sát nghĩa là: “Người đẹp từ xưa như tướng giỏi. Chẳng hẹn chờ ai thấy bạc đầu!”


Những tấm thẻ bài tượng trưng cho các quân nhân Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam tại cuộc triển lãm ở National Vietnam Veterans Art Museum ở Chicago, Illinois, hồi năm 2005. (Hình minh họa: Tim Boyle/Getty Images)

Chúng ta xem đây là một lời than tiếc hay chính là định mệnh của con người, tướng giỏi thường chết sớm ngoài trận địa và người đẹp ít khi sống đến già.

Những câu thơ này phát xuất từ Trung Hoa không phải là sai. Cả “tứ đại mỹ nhân” nổi tiếng nhan sắc khuynh thành của Trung Hoa đều chết yểu, không những chết sớm mà còn bị chết “bất đắc kỳ tử!”

Tây Thi sau khi nhà Ngô bị diệt, bị phu nhân Câu Tiễn cột đá dìm sông; Vương Chiêu Quân uống thuốc độc tự tử; Điêu Thuyền bị Quan Võ chém;  Dương Quý Phi được Đường Huyền Tông “ban” cho một giải lụa trắng để kết liễu cuộc đời. Đúng là “hồng nhan bạc mệnh!”

Sáu danh tướng trong Tam Quốc Chí thì chỉ có Tào Thực sống đến 40, còn thì Tôn Sách, Quách Gia, Bàng Thống, Chu Du… không ai được “hưởng thọ” mà chỉ được đến… “hưởng dương.”

Ngày trước, thuở thiếu niên, tôi mê tướng Hạng Võ thời Đông Chu, có tài “bạt sơn cử đỉnh,” một người đánh thắng vạn người,” cuối cùng tận đường, không qua Ô Giang để về Giang Đông, phải tự sát trong khi mới có 31 tuổi. Lãng mạn, bi hùng biết mấy với những màn kịch “Hạng Vũ biệt Ngu Cơ” hay “Tiếng dịch sông Ô,” “Hận Ô Giang.”  Tướng tài phải chết trẻ.

Napoleon Bonaparte sống được 51 tuổi nhưng phải chết trong cảnh tù Ðày. Alxandre Đại Đế chỉ sống được 31 năm. Quang Trung lẫy lừng chiến tích, cũng mất khi mới 39 tuổi.

Ngày nay, tướng lãnh không còn phi ngựa ra trước hàng quân, giữa trận tiền, trước lằn tên mũi đạn như trong các cuộc chiến ngày xưa, nhưng miền Nam chúng ta có những vị tướng lãnh lỗi lạc, cũng phải chết vì trận mạc, vì tai nạn trực thăng, tất cà đều còn rất trẻ, chưa qua được tuổi 50. Đó là Tướng Đỗ Cao Trí tử nạn năm 42 tuổi, Tướng Nguyễn Viết Thanh năm 39 tuổi, và Tướng Trương Quang Ân, khi còn rất trẻ, chỉ mới 36 tuổi. Phải chăng danh tướng từ xưa đến nay, không qua được định mệnh “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu!”

Bài này lấy ý từ những cái chết gần đây của Tướng Lê Minh Đảo, Lâm Quang Thi và các ca sĩ Quỳnh Giao, Thái Thanh, Mai Hương, Lệ Thu…

Ông Lê Minh Đảo, Lâm Quang Thi không phải là những vị tướng còn trẻ, Thái Thanh, Lệ Thu…cũng đã bước đến tuổi già. Ca sĩ cũng được xem như mỹ nhân, vì trong nghiệp ca cầm, ít nhất phải có chút nhan sắc mới thành được ca sĩ.

Ca sĩ là người của công chúng, tướng lãnh là người của lịch sử. Họ được người đời hâm mộ và yêu mến, nên khi chết đi, đã để lại cho đám đông những ngậm ngùi thương tiếc.

Xót xa biết bao khi chúng ta có dịp được gặp lại những ca nghệ sĩ lừng danh một thời, hiện nay đáng sống ẩn khuất, cô đơn lặng lẽ, bị bỏ rơi, quên lãng trong một nhà già lập nên cho giới nghệ sĩ sân khấu nào đó. Nhưng hơn hết, khi các bạn có dịp đi thăm để gặp lại một vị tướng lãnh oanh liệt một thời, nay phải thúc thủ với số mệnh, trên chiếc xe lăn, sống cô quạnh ở trong một ngôi nhà dưỡng lão, ảm đạm buồn nản thiếu một không khí ấm cúng của một mái ấm gia đình.

Tướng lãnh, phải chăng nơi nằm xuống của họ là chiến trường, không phải như sự ví von “da ngựa bọc thây,” thì cũng phải với một lá cờ tổ quốc, và chung quanh là chiến hữu, đồng đội. Buồn thay là những vị tướng lãnh về già, sống trong sự quên lãng của mọi người, âm thầm chịu đựng những cơn đau của thể xác và nỗi đau cô đơn của tinh thần.

Võ Nguyên Giáp, viên tướng Cộng Sản vẫn thường được đề cao trên sách vở bên kia, “hết nửa đời sau,” đã phải sống trong sự ( ...)  (*) 


----------

(*)  - tạm lược một số chữ . ( Bt)


Nhìn lại cuộc chiến Quốc Cộng vừa qua, chỉ là một tên lính vô danh, trước nỗi thất trận, bất lực đành chịu nhục nhã trong cảnh đầu hàng, phải bị bắt làm tên tù binh biệt xứ, tôi đành cam chịu, nhưng khi nhìn thấy những vi tướng lãnh của mình, bị chính sách trả thù ... (*) đưa ra Bắc, phải lao động vất vả, gánh phân, cấy lúa mỗi ngày, lễ phép dở nón chào những tên lính Bắc Việt, mặt còn non choẹt ngồi trên chòi canh, lòng tôi cảm thấy bất nhẫn và thương cảm cho những người anh niên trưởng của mình.

-------

(*) - tạm lược một vài chữ.   (Bt) 

Nói ra chỉ thêm đau đớn, nhưng thà làm một tướng chết trẻ ngoài trận mạc, hay kết thúc đời mình bằng một viên đạn trong ngày thất trận 30 Tháng Tư, để cho đời sau thương tiếc khóc than còn hơn!

Theo tôi, đoạn kết buồn của một tướng lãnh là phải sống lưu vong xứ người, chết bệnh tật, già nua trong nhà dưỡng lão, đoạn kết buồn của một mỹ nhân là sống đến tuổi già, mà không dám nhìn khuôn mặt mình trong tấm kính soi.

Nhưng nhiều người muốn sống thêm mà không được sống, nhiều người muốn chết mà số mệnh chẳng cho, đành phải trôi nổi theo số phận an bài.  ./.


HUY PHƯƠNG



Tuyển Tập Huy Phương,

tác phẩm mới xuất bản của nhà văn Huy Phương.

Xin liên lạc:

 NxbNamviet@gmail.com hay gọi (949) 241-0488


source; nguoi-viet.com>


------------------------


tạp ghi ' Ấm Lạnh Quê Người ' : " Huy Phương bỡn cợt xót xa " / bài viết Phan Tấn Hải ( Hoa Kỳ) -- source: https://vietbao.com/

 

Tạp Ghi ‘Âm Lạnh Quê Người’: Huy Phương Bỡn Cợt Xót Xa…

05/08/2007

Đã quen thuộc với độc giả nhiều năm qua các bài tùy bút và tạp ghi trên nhật báo Người Việt, Huy Phương là một tên tuổi không cần giới thiệu nhiều. Và những tác phẩm của ông đều đặn phát hành ra các tiệm sách vẫn được độc giả tìm mua nồng nhiệt.


Nơi đây thử trích lại lời của nhà văn Phan Nhật Nam khi nhận định về tuyển tập tạp ghi Đi Lấy Chồng Xa của Huy Phương do nhà Nam Việt xuất bản 2006: "Huy Phương đã viết tận chân tình… viết vì bổn phận của người được sống sót…. Với chữ nghĩa trầm lắng, nhân hậu…"


Đó là những lời khen nồng nhiệt từ nhà văn họ Phan vốn rất kiệm lời. Và tuần sau, một tuyển tập khác của Huy Phương sẽ lại được ra mắt, và chắc chắn cũng sẽ được đón nhận nồng nhiệt tương tự, và lần này với các chủ đề sôi nổi hơn, thời sự hơn.


Theo chương trình, tuyển tập tạp ghi "Ấm Lạnh Quê Người" của Huy Phương sẽ ra mắt vào 2PM ngày thứ bảy 11-8-2007. Tại hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster. Diễn giả: Bùi Bảo Trúc - Vũ Ánh. MC: Đinh Quang Anh Thái. Văn Nghệ bỏ túi- Uống trà thân hữu. LL: Huy Phương (949) 654-7715


Tuyển tập Ấm Lạnh Quê Người dày 310 trang, gồm 41 bài tạp ghi và một bài thơ dịch. Đây cũng là một điểm độc đáo của tuyển tập này: một bài thơ dịch nằm giữa hàng trăm trang văn xuôi.


Bản chính bài thơ là "To Our Dear Child," của tác giả Vô Danh, được Huy Phương dịch ra Việt ngữ tựa đề "Gởi Con Yêu Dấu," và rất là bùi ngùi khi đọc trong mùa lễ Vu Lan Báo Hiếu này. Nơi đây trích vài đoạn đầu của bài như sau:


"Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu
Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân.
Những lúc ăn mẹ hay thường vung vãi
Hay tự cha không mặc được áo quần.
*
Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu
Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế bồng.
Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa
Cho con nằm trong nệm ấm chăn bông.
*
Cũng có lúc con thường hay trách móc
Chuyện nhỏ thôi mà mẹ nói trăm lần.
Xưa kia bên nôi, giờ con sắp ngủ
Chuyện thần tiên mẹ kể mãi không ngưng…"


Rất là bùi ngùi. Đúng là "chữ nghĩa trầm lắng, nhân hậu…" như Phan Nhật Nam đã nhận định.


Vài dòng tiểu sử về Huy Phương được nhà văn Đỗ Văn Phúc viết như sau:


"Huy Phuơng là một bút hiệu rất quen thuộc. Ông tên thật là Lê Nghiêm Kính

[ 1938-   ] , nhà giáo động viên vào khoá 16 Thủ Đức. Từng là Biên tập viên báo chí và đài phát thanh Quân đội, Tổng thư ký toà soạn Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hoà và tạp chí Tiền Phong, Trưởng phòng Tâm Lý Chiến và Chính Huấn tại Tung Tâm Huấn Luyện  Quang Trung. Sau 1975, bị 7 năm tù cải tạo; hiện định cư tại Orange County, California. Ông cộng tác với nhiều báo, tạp chí ở hải ngoại. Ông viết thường xuyên phần Tạp Ghi cho nhật báo Người Việt tại California. Sách đã xuất bản: Mắt Đêm Dài (thơ), Mây Trắng Đồn Xa (truyện ngắn), Nước Mỹ Lạnh Lùng (tạp ghi), Đi Lấy Chồng Xa (tạp ghi)…"


Bây giờ lại thêm một tác phẩm mới phát hành từ Huy Phương. Tuyển tập mới Ấm Lạnh Quê Người của Huy Phương vừa phát hành tuần này cũng nói về rất nhiều đề tài, nơi đây chúng ta thử trích về chuyện thường gặp nhất: đi đám cưới, nhiều người ngại ngồi gần nhau… Đó là chuyện không lớn lao gì, nhưng có thể làm một số người mất vui. Đó là bài "Một Chỗ Ngồi," trang 153, trích vài đoạn đầu với văn phong nhân hậu của Huy Phương như sau:"MỘT CHỖ NGỒI"


Cuối tháng sau, tôi được mời đi dự tiệc cưới của con gái một người bạn cũ, nhưng tuần nay, bạn tôi đa điện thoại hỏi tôi có nhận lời đi hay không và đây mới là câu hỏi quan trọng: "Ông muốn ngồi với ai, có kỵ thằng nào không, để tôi con sắp chỗ".

Thật tình tôi rất thông cảm với bạn tôi về chuyện này. Tổ chức một đám cưới cho con thì chuyện bàn bạc với thông gia, mua lễ vật, tổ chức giờ giấc, mời bà con đi họ, in thiệp cưới, thuê chụp ảnh quây phim... đều là những việc nhỏ, chỉ duy có việc sắp chỗ ngồi trong tiệc cưới mới là... đau đầu, và chính tôi cũng có nhiều kinh nghiệm về vụ nay sau khi dựng vợ gả chồng cho con cả chục năm về trước. Bây giờ chỉ con đi đóng hụi... chết, chứ chẳng phải lo lắng gì nữa việc tổ chức cưới hỏi cho con cái.

Trong số quan khách, bà con, bạn bè đủ loại qua rất nhiều thời gian giao hảo, có thằng bạn nối khố quen nhau cả nửa thế kỷ trước, có người mới biết trong một cuộc hội họp gần đây, mình đâu có biết trong các nhân vật nay, ông nào ghét ông nào, bà nào không chịu ngồi chung với "con mẹ" nào.


Không những ghét, mà có người con thề "không đội trời chung" với người khác nữa, người chủ nhà đâu có biết nguyên do, lai lịch những chuyện đấm đá, thu hận thương ghét giữa những "ốc đảo" nay để thu xếp cho trọn vẹn, nên cố gắng hỏi thật tinh người khách mời, để thà "mất lòng trước được lòng sau" là chu đáo nhất. Không phải có người chỉ kỵ ngồi chung bàn thôi mà còn kỵ cả chung tiệc nữa: "Ông mời nó, thì chừa tôi ra, ông nhá! Thấy cái bản mặt nó là tôi chịu không nổi rồi!".


Tôi xin kể một câu chuyện mà hình như đã kể với bạn rồi để minh chứng cho chuyện này. Trong một buổi ăn nhậu tất niên của một hội đoàn tại địa phương nay, địa phương có tới những hai ba đại diện "cộng đồng", lẽ cố nhiên mỗi cộng đồng phải có một ông hay bà chủ tịch. Ông Chủ Tịch Cộng Đồng B, khi bước vào cửa, đến bàn tiếp tân, câu hỏi đầu tiên ông là:-"Có ông X., chủ tịch cộng đồng A. trong này không?"


Cô tiếp tân, sau khi rê ngòi bút trên danh sách quan khách, bèn lễ phép trả lời:

"- Thưa Ông có, ông X. ngồi chung bàn với ông, số 13.". Thế là ông Chủ tịch Cộng Đồng đến sau hầm hầm quay gót trở ra cửa, vừa đi vừa nói chủ ý cho người khác nghe: "Xin lỗi, có thằng chả là không có tôi"…


Vậy đó, văn phong của Huy Phương hiền lành như vậy đó. Nói về một chuyện thường gặp mỗi tuần, chuyện chỗ ngồi trong bàn tiệc cưới… Ong không đề ra giải quyết nào, nhưng là nêu lên  những đạo lý giữa cõi người… Đó là những dòng chữ cần được đọc chậm rãi, trầm lắng. Nghĩa là, phải đọc cùng một tầng giao cảm trầm lắng với tác giả. 


Trân trọng kính mời độc giả tới dự buổi ra mắt tuyển tập tạp ghi "Am Lạnh Quê Người" của Huy Phương vào lúc 2PM ngày thứ bảy 11-8-2007. Tại hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster.


Nơi đó, sẽ có rất nhiều tấm lòng hơn là chỗ ngồi, và trên cõi văn đầy chân tình này sẽ không một ai nghĩ gì tới chuyện kiêng kỵ gì ngồi bên nhau…


Nơi đó, trên những trang sách của Huy Phương, nói theo nhà phê bình Đỗ Văn Phúc là,


 "…cảm ơn nhà văn Huy Phương đã nói lên giùm rất nhiều điều mà tôi vẫn ấm ức muốn viết ra nhưng không có khả năng làm sống động trên các trang giấy. Trong những điều mỉa mai, bỡn cợt có một giọt nước mắt xót xa, cay đắng…" (trang 303)
Bỡn cợt với nước mắt xót xa".


Xin mời độc giả tự lật ra từng trang để tìm…  ./.


PHAN TẤN HẢI


source : vietbao.com>



===========

" Tuý Hồng, viết như một cách ân ái với sự thật "/ bài viết: Lê Thị Huệ ( Hoa Kỳ) -- source: http://wwwgio-o.com>

 





 

Lê Thị Huệ

Túy Hồng, viết như một cách ân ái với sự thật

tản mạn


Sống dậy thấy mình thành người đàn bà quá quắt
chỉ ân ái với sự thật
”  (Kẻ Ám Ảnh Sự Thật, thơ Lê Thị Huệ)

 

Túy Hồng là người gửi thư qua đường bưu điện làm quen tôi trước.

Thuở ấy chị còn sống ở Othello Street, Seatlle. Washington.   Chưa dọn về SW 162 Place, Beaverton, OR.  Nhà văn chồng Thanh Nam mới qua đời, Túy Hồng đang đi làm thư ký bán thời gian ở nhà băng. Chị viết và gửi bài cho các báo Làng Văn, Tiền Phong, và những tờ báo ở Tây Bắc Hoa Kỳ, vùng Seatlle, Canada.

Tôi có cảm tưởng, vi tôi đã gửi chuyện ngắn Cuộc Nghỉ Hè Của Một Thiếu Nữ cho tờ Đất Mới –Seattle năm 1982 lúc Mai Thảo và Thanh Nam chồng chị chủ biên. Ông Mai Thảo đã chú ý tôi.  Và vì ông Võ Phiến giới thiệu bài viết của tôi trên bìa sau của tờ Văn Học năm 1979 nên chị mới viết thư làm quen tôi. Nếu tôi được chú ý bởi hai nhà văn khác mà không phải từ hai người đàn ông tên Võ Phiến và Mai Thảo thì có lẽ Túy Hồng không bao giờ viết thư làm quen Lê Thị Huệ.

Túy Hồng có một cá tính mà tôi gần nhất với chị. Là tính thẳng ruột ngựa. Không biết cái ruột ngựa nó thẳng như thế nào, nhưng câu “thẳng ruột ngựa” là câu cao nhất về sự tình một người nói thẳng băng những điều họ muốn nói. Thẳng kinh khủng chứ không chỉ thẳng thường thường. Cái chân tình của những người thẳng băng ruột ngựa là chúng tôi lại thích nghe những lời nói của những người ruột ngựa thẳng băng kia. Chị nói với tôi là người kia người nọ không thích chị vì chị không có khiếu ăn nói. Tôi nói em hợp với chị vì cái tính nói thẳng không ngán ngẩm chi ai của chị. Vì tính em cũng giống tính chị. Túy Hồng nói vậy là em cũng có nhiều người không ưa giống chị rồi. Tôi nói hàng ngày em trao đổi Sự Thật với vài chục sinh viên. Cái nghề này của em chỉ thể nói thật. Không ai ngăn được Sự Thật trong tay em. Chúng ta là những người may mắn chị ạ.  

Ngoài tính ngay thẳng, chúng tôi còn rất hợp với nhau là ghiền Sự Thật.

Như khi tôi viết vài giòng tiểu sử về chị từng theo học “Đại Học Sư Phạm Huế”. Túy Hồng bèn sửa một chi tiết nhỏ, “Sư Phạm 1 năm”. Chị gửi i meo:

2011/11/11 TONY TRAN <tuyhong@msn.com>

Hue.,
     Ve phan tieu su cua chi, co chut it khong that, xin Hue lam on sua lai cho dung: Tot  nghiep lop su pham 1 nam (mot nam ) tai Hue.
      Sang My, duoc di hoc  Anh van va hoc lop thu ky cap toc mot nam.
Xin Hue lam on sua lai, cho chi yen tam. Ngay xua o Dai hoc Hue, co hai lop Dai hoc su pham : 1 nam va 3 nam.
  Con ve phan tac pham, bao chi Vietnam nay song mai chet, minh vua viet duoc may bai, thi to bao chet ngum. Chi chua co y kien. Xin thong cam. TH


Tôi rất lấy làm khó chịu khi thấy cô em sửa tiểu sử năm sinh từ 1957 thành 1961 và cố tình khai tên lót sai. Điều khiếp hơn là khi tôi nói với hai ông chủ biên hai trang văn học nghệ thuật. Hai ông hứa sẽ chỉnh lại.  Nhưng sau cả hai ông không sửa và nói không thể vì tác giả yêu cầu ghi như vậy. Từ kinh nghiệm đó cọng thêm vài kinh nghiệm khác, tôi khám phá ra một ổ láo toét vĩ đại trong thế giới những kẻ bất tài háo danh của thế giới văn chương quanh tôi. Và chúng họ thì đầy may mắn đầy bi kịch như câu thơ của Czeslaw Milosz mà tôi đã đọc"Fortune spreads a red carpet before the sinner in a morality play".  

Những người như tôi và Túy Hồng chúng tôi yêu thương Sự Thật đến tận từng chi li tế bào. Chúng tôi hiểu rõ bi kịch của Sự Thật trong từng vết thương vĩ đại nứt ra từ da thịt nhau. Và chúng tôi có khả năng đùa giỡn trên các bi kịch chết người ấy.

Tôi được nghe kể cuộc tình của chị với nhà văn Võ Phiến từ nhà văn Lôi Tam, tác giả Tên Đời. Nhà văn Lôi Tam và tôi từng làm cùng học khu San Jose Evergreen Valley College District vào năm 1982. Nhà văn Lôi Tam là bạn lâu năm của ông Võ Phiến ở Sài Gòn. Tuy nhỏ tuổi hơn nhưng về phương diện công vụ nhà văn Lôi Tam tốt nghiệp trường Quốc Gia Hành Chánh, nên ông có cấp bậc cao hơn nhà văn Võ Phiến. Ông hóm hỉnh kể cho tôi nghe có lần Võ Phiến đang đọc thư tình của Túy Hồng, bất ngờ bà Võ Phiến bước vào. Thế là nhà văn Võ Phiến vội vo tròn mảnh perlure thư tình – một loại giấy cực mỏng và cực nhẹ - đưa lên miệng và nuốt ực vào bụng luôn.

Sau này Túy Hồng viết bài "Võ Phiến" gửi riêng cho Gió O.

Tôi nghĩ quan hệ giữa Túy Hồng và Võ Phiến là quan hệ hoàn toàn có tính cách trai gái. Trong cảm nhận của tôi Võ Phiến mê văn tài của Túy Hồng hơn là Túy Hồng ngưỡng mộ văn chương Võ Phiến.

Túy Hồng rất cao ngạo về tài năng mình. Con người này biết rất rõ tài năng của mình được quần chúng ưa chuộng. Chị hiểu rất rõ chị có quyền lực trên ngòi viết của mình. Với quyền lực ấy Túy Hồng chấp tất cả những ai không ưa cõi viết của chị.

Khi được hỏi về sự đồn đãi nhà văn Võ Phiến là người nâng đỡ 4 trong 5 cây bút nữ của Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 gồm: Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng. Cả bốn nhà văn nữ này thời gian mới chập chững vào nghiệp viết, đều bắt đầu đăng nhiều bài ở tờ Bách Khoa, nơi Võ Phiến là một thủ lĩnh văn học. Túy Hồng trả lời:

2012/10/7 TONY TRAN <tuyhong@msn.com>

Hue oi, Vo Phien la mot nguoi rat quy thi gio, khong bao gio bo ra mot phut giay nao nang do ai het. Lam o Bo thong tin phai tiep xuc nhieu, moi lan co nguoi den phong van, tham van, VP thuong tiec thi gio phai mat vi khach den ngoi lau qua, VP nhan nho, than tho no an cuop cua toi mot buoi sang, no nuot cua toi hai tieng dong ho, no tieu xai thi gio cua nguoi khac ...VP  cung nhieu luc noi chuyen voi dan ba, nhung khong viet thu khich le, nang do, gioi thieu.. nhung dan ong dan ba duoc noi chuyen voi nhau la vui roi.  


Ở  Seattle những người hàng xóm quanh nhà chị chỉ thấy đây là một người đàn bà nghèo khổ bị bó chân bó cẳng với 4 đứa con trông thật vất vả.

Ai có thể ngờ người đàn bà 4 con ru rú ở nhà ấy đã từng tham gia một nhóm chính trị định làm “Cách Mạng” ở một quốc gia kia.

Năm 1964. Túy Hồng cô giáo trẻ xinh xinh, con một giáo sư dạy Pháp Văn thủ đô Huế, từng là “trưởng ban giao tế” cho một nhóm thanh niên nam nữ trí thức đầy tham vọng chính trị ở Huế thời đó, gồm Lê Văn Sâm, Chu Sơn, Ngô Kha, vợ chồng Đỗ Long Vân – Quỳ, Nguyễn Hữu Ngô, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Khắc Cầm, Phan Duy Nhân, Trần Quang Long… Họ gặp gỡ và sinh hoạt trong một quán tên là “Quán Bạn”. Theo tài liệu của nhà văn Chu Sơn thì Quán Bạn lấy ý tưởng từ quán "Le Café Des Copains" ở Paris, “là địa điểm giải trí và giao lưu của những sinh viên tự do không đồng tình với lập trường chính trị của phe De Gaul chủ trương tái chiếm Đông Dương, phục hồi đế quốc Pháp”

Thời gian đầu mới quen Túy Hồng, tôi hồn nhiên tưởng các nhà văn nữ Huế giao thiệp với nhau. Tôi hỏi thăm chị về các bà Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, tôi thấy Túy Hồng câm như hến. Sau này có lần Lai Hồng nói với tôi: “Oh no. Túy Hồng thời 1964 chơi thân với nhóm Hoàng Phủ Ngọc Phan. Mà Nhã Ca lại viết chuyện Giải Khăn Sô Cho Huế tố Hoàng Phủ Ngọc Phan rước Cọng Sản về Huế. Cô nghĩ làm sao hai bà này chơi với nhau cho được”.

Túy Hồng là một người cực kỳ quan tâm đến Chính Trị. Thời tướng Hoàng Cơ Minh mới thành lập Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam ở Hải Ngoại. Chị hỏi tôi nhiều chi tiết về tổ chức này và hăng hái ca ngợi Mặt Trận Hoàng Cơ Minh một cách đặc biệt. Một lần tôi đi Seattle trùng vào ngày Mặt Trận Hoàng Cơ Minh tổ chức một sinh hoạt vào chiều thứ Bảy.  Tôi chưa bao giờ gia nhập Mặt Trận Hoàng Cơ Minh nhưng hay … ke ké các sinh hoạt. Chị nhất định đòi tôi chở đến buổi sinh hoạt ấy. Tại buổi sinh hoạt, chị mở ví rút túi đưa 50 đô la cho anh An và chị Lệ Đá, hai người mà tôi giới thiệu là người của Mặt Trận.   

Ở Portland có lúc chị đầu tư lâu dài để viết một quyển tiểu thuyết về cuộc đời Hồ Chí Minh. Những quyển sách tiếng Anh về Hồ Chí Minh chị đọc kỹ, và đưa những chứng cớ ra bàn cãi với tôi. Sau này Túy Hồng rất giỏi tiếng Anh. Đọc sách tiếng Anh vèo vèo. Tôi rất quý khả năng tiêu hóa kiến thức của người đọc Túy Hồng. Một người đọc hết sức độc lập, không a dua theo những lập luận trong sách vở. Chị đưa ra những nhận xét có khi trái ngược với những điều trong sách vở viết và thường hỏi tôi: “Em nghĩ sao”.  Rất tiếc là tác phẩm "Hồ Chí Minh" đã không chào đời.

Năm 1986 Túy Hồng và Trần Thị Lai Hồng, dưới sự bảo trợ tài chánh của một vị bác sĩ ở Seattle,  rủ tôi đồng chủ bút tờ Phụ Nữ Ngày Nay. Đây là thời gian chúng tôi thư từ và điện thoại cho nhau ba bốn lần một tuần.

Tôi bật ngửa người ra khi nghe chị có lần nói: “Đáng lẽ Võ Đình cưới chị chứ không phải cưới Lai Hồng”. Lai Hồng và Túy Hồng sít soát tuổi nhau. Lai Hồng lớn hơn. Họ chơi với nhau thời Thanh Nam, Mai Thảo, Túy Hồng, Lai Hồng viết cho báo Đời Mới ở Seattle. Sau khi Thanh Nam chết, Túy Hồng chơi thân với Lai Hồng hơn. Và trong thời gian này, Lai Hồng đang có chồng mà Lai Hồng vẫn liên lạc mật thiết với  Võ Đình. Dẫn đưa đến việc Lai Hồng ly dị chồng để đi theo tiếng gọi ái tình với Võ Đình ở Maryland. Nhưng tôi biết cả ba người Võ Đình, Túy Hồng, Lai Hồng là những nòi tình xứ Huế. Mà Võ Đình và Túy Hồng lãng mạn tình ái hơn Lai Hồng. Như vậy Võ Đình lúc đó phải cũng rù quến cả Lai Hồng lẫn Túy Hồng chứ chẳng vừa. Khi nghe tin Võ Đình cưới vợ, nhà văn Hồ Trường An gửi thư cho tôi giỡn: "Võ Đình cưới Túy Hồng hay cưới Lai Hồng?".

Trong một bài tôi viết về ngôi nhà của Võ Đình và Lai Hồng ở Florida khi Ngọc Phụng, Lệ Liễu, và tôi, bay từ California, từ Houston sang thăm vợ chồng họ. Tôi mô tả tiếng reo “Hồng Ơi” là hạnh phúc của Võ Đình trong căn nhà uyên ương ấy. Túy Hồng lập tức email cho tôi:

On 7/10/09, TONY TRAN <tuyhong@msn.com> wrote:

> Hue oi, chi Laihong be cai lam: Truoc ngay ong Vodinh chet, ong ay keu len

> hai tieng "Hong oi", nghia la Tuyhong oi, Tuyhong oi..chi Lahong phong tay

> tren toi.. Ca chon qua!

Hai lần tôi bay lên Seattle thăm Túy Hồng và Lai Hồng là hai lần chị làm nư mặt giận với tôi. Chị luôn miệng nói, “Em thương Lai Hồng hơn thương chị”. Đến lúc tôi rời Seattle chị lại rối rít xin lỗi tôi là đã có thái độ giận hờn như thế .  Ai đọc vài cái thư chị gửi cho tôi dễ lầm tưởng Túy Hồng là người đồng tính với Lê Thị Huệ.

Một số bạn văn thấy Túy Hồng và tôi có dạo thân nhau và vì Túy Hồng gốc Huế, nên hỏi có phải tên "Gió O" xuất phát từ sinh hoạt ấy. Nhưng xin xác nhận tên "Gió O" do riêng mình tôi chọn và không hề có cuộc trao đổi nào với Túy Hồng. Đấy là một tên xuất phát từ kinh nghiệm và nguồn gốc gia đình. Cha Mẹ tôi gốc Hà Tịnh, thường ngày dùng từ "O" để chỉ "Cô". Mẹ tôi một thiếu nữ hiền lành xinh đẹp nổi bật có biệt hiệu "O Linh Còng". Em trai tôi nhà thơ Lê Nghĩa Quang Tuấn từng làm một nhà xuất bản lấy tên "O Linh".

Túy Hồng là một người đàn bà Huế rất quyến rũ đàn ông. Chị có cái nồng nàn trong ánh mắt, lời nói, miệng cười. Sự thông minh ở người đàn bà này là vũ khí cực kỳ quyến rũ đàn ông. Bên dưới nét nóng bỏng nồng nàn gái Huế ấy, Túy Hồng tiêu biểu là một người đàn bà thông minh biết cách “thống trị” những ai ở trong giang sơn của bà. Túy Hồng ở đâu, bà chỉ muốn mình và có khả năng làm cho mình thành nữ tướng. Hay nói theo kiểu “xít ra” của Túy Hồng, chị là “Chúa Tể Sơn Lâm” nơi nào mà chị ngự. Tuy mộng ước cao rộng, nhưng đời Túy Hồng lại bị trói gô bởi trách nhiệm “làm con, làm chị, làm mẹ” của người đàn bà truyền thống xứ Huế. Tôi không chắc Túy Hồng chu toàn vai trò ngươi vợ Việt Nam cổ điển với nhà văn Thanh Nam.

Túy Hồng thường viết cợt nhã về nhan sắc của mình nhưng thực sự ra khuôn mặt chị có những nét xinh đẹp. Đôi mắt như hai viên bi tròn xoe, nói theo nhà văn Viên Linh là “sáng quắc”. Cặp mắt Túy Hồng vừa hồn nhiên vừa thông minh nên rất lôi cuốn.  Chị có chiếc miệng thân thiện, nụ cười khá tươi và nghịch ngợm. Chị gầy và rất nhỏ con. Tóc dày và xoăn.  Khi tôi gặp chị, thì có chút khuyết điểm là vì sửa mũi thời ở Sài Gòn nên sau này chị có vẻ cực kỳ mặc cảm về việc sửa mũi ấy.  Tôi nghe Lai Hồng nói vào những năm cuối  đời Túy Hồng đã tháo sụn sửa mũi ra, nên không muốn gặp ai. 

Túy Hồng có máu tiếu lâm của một con người cực kỳ thông minh. Nhìn sự đời với con mắt hai tròng. Vừa khổ đau vừa khôi hài. Đó là lý do tại sao tôi đã ghép thành chân dung đôi của chị . Túy Hồng mang đầy lưỡng tính cuộc đời trong một bộ óc rất thông minh. Nhiều người đọc thấy chị ca cẩm gái già không ai theo, tưởng là thế. Nhưng thực sự chị được đàn ông theo cả đàn, già lẫn trẻ. Túy Hồng rất kinh nghiệm và rất tự tin khả năng hút đàn ông của mình. Nhưng Túy Hồng có máu tiếu trong người nên ưa xoăn xéo nói biến ra về mình như thế. Dĩ nhiên là đối với dư luận Huế thời đó 28 tuổi chưa chồng thì bị gọi là Gái Già. Nhưng nói Túy Hồng mặc cảm về thân phận gái già của mình thì tôi không tin. Nếu không muốn nói là Túy Hồng rất tự tin vì biết mình có khả năng đong trai ở bất cứ lứa tuổi nào.

Sau khi Thanh Nam qua đời, Túy Hồng từng tâm sự với tôi về mối liên hệ với một người nhạc sĩ ở Nam Cali. Có lần ông ấy lên Seattle thăm chị . “Ông dẫn chị vào hotel và hun chị hơn 100 cái em ơi”, chị kể với tôi. Túy Hồng là thế. Nói chuyện với Túy Hồng là chuẩn bị nghe những câu quái đản không giống ai. Chị rất hợp với câu mà chị từng viết “Sự thật thì ít nhưng chúng ta đã xít ra cho nhiều.  Sự thật thì bé nhưng chúng ta đã xé ra cho to”  

Thời Túy Hồng đồng chủ biên tờ Phụ Nữ Ngày Nay ở Seattle, chị phụ trách mục "Chuyện Cấm Đàn Ông" với bút hiệu Phong Tứ Nương. Túy Hồng đẻ ra một kho chuyện tiếu lâm. Túy Hồng rất hào hứng sáng chế ra những chuyện tiếu lâm cho tờ báo. “Ngủ Với Vợ” là một trang báo tôi tình cờ giữ được.  Nhân cái chết của Túy Hồng tôi đưa lên Gió O như ghi dấu một kỷ niệm.

Việc viết văn với Túy Hồng đã mang lại lợi nhuận và danh vọng.

Túy Hồng kiếm rất nhiều tiền qua việc viết phơi tông cho các báo ở Sài Gòn trước năm 1975. Túy Hồng kiếm tiền gấp 10 lần Thanh Nam, chồng chị. Lai Hồng đã nói với tôi như thế.

 

Túy Hồng là trường hợp nhà văn đã trộn lẫn cái thật của chính đời mình vào văn chương trong nhiều tác phẩm. Trộn bằng máu thịt và tưởng tượng. Trộn một cách văng mạng. Trộn một cách tài tình. Trộn một cách sung sướng lẫn đớn đau. Trộn một cách văn chương. Trộn một cách đôi khi làm độc giả dội ngược vì sự thật ấy.

Sự thật thì ít nhưng chúng ta đã xít ra cho nhiều.  Sự thật thì bé nhưng chúng ta đã xé ra cho to” là một mệnh đề văn chương quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Túy Hồng.

Sau khi chị đăng chuyện ngắn Vô Đề lên Gió O, Lai Hồng gọi cho tôi nói cái truyện đó Túy Hồng viết về "cô ... " đấy. Túy Hồng trả lời:

TONY TRAN <tuyhong@msn.com> Mar 17, 2009, 6:28 PM

To LeThiHue…

Hue oi, tu nay se khong viet loai bai nay nua: vi, tinh cua Tu va minh khac nhau, tinh cua Tu chi thich hop voi Bich Ha thôi va chi thân voi BH thôi. Giu kin. 

Khi Túy Hồng gửi cho tôi bài “Chống Cọng”, chị đã viết về vụ "Lai Hồng Chống Cọng". Thế là Trần Thị Lai Hồng nổi đình nổi đám đòi kiểm duyệt.

Laihong Tran artonsilk...@gmail.com

Jan 13, 2013, 7:44PM

Cảm ơn LêthịHuệ đã forward bài viết của chị TúyHồng có nhắc đến phó thường dân này.
Mời đọc vài cái mails tui gửi chị TúyHồng, để thấy là tui mô có gửi mails cho cả 300 người !!!!!  Nhận thì cả ngàn nhưng tui chỉ lọc lại kể cả edited chính tả và typo, và gửi đi chừng 10 tin là nhiều,và mỗi mail cũng khoảng nhiều lắm là 30 mống thôi và toàn là chọn lọc,(và rất ít khi gửi TúyHồng) và không có chuyện mấy chục cái dấu !!!!!!!!!!!! trừ vài slogan hô hào chống cộng.  Đúng, tui chống cộng nhưng với phong cách riêng, không ồn ào chửi mắng ..Tui deleted gần hết mails nên chỉ nhặt được một số này thôi, xin mời đọc.  Cảm ơn chịu khó ...
Xin chị Túy Hồng từ nay không nhắc đến tên LaiHồng này trong bài viết của chị, dù biết là chị rất "ưu ái" đối với tui, nhưng tui thấy không nên như vậy. 


Tôi đưa lá thư này ra để thấy nhà văn Trần Thị Lai Hồng không đồng ý tản mạn ấy của Túy Hồng và làm áp lực bắt Túy Hồng cắt bỏ đoạn ấy. Nhưng tôi là bạn của cả hai, tôi “chấp nhận” được “giọng văn chương” của Túy Hồng mô tả cảnh "Lai Hồng Chống Cọng" vào giai đoạn ấy.  Cường điệu văn chương của Túy Hồng ở đây có cơ sở.  Chính tôi là người chuyển bài cho Lai Hồng đọc và tôi đã cắt bỏ đoạn ấy theo lời yêu cầu của Lai Hồng khi đưa lên Gió O lần đầu. Nay sau khi Túy Hồng qua đời tôi đưa lên lại nguyên thủy bài "Chống Cọng" của nhà văn Túy Hồng.  

Tôi tin là nhiều trang viết, Túy Hồng đã lôi đời thật của nhiều người người chung quanh vào văn chương. Mai Thảo có lần nhỏ nhẹ nói với tôi: “Tôi từng bảo cô ấy (Túy Hồng) bỏ cái thói lôi các bạn của chồng vào trong truyện đi”

Trong đời thường có thể chị có cách nhịn nhục những người đàn ông, những chế độ phu-phụ của Khổng Tử . Có thể chị thấy mình bất lực vì con cái không còn là người Việt yêu tiếng Mẹ Viêt Nam của chị. Và khi viết chị tuôn ra những giòng chữ như những chiếc búa nện vào thảm chữ. Chị tung hê như bóc từng tế bào văn chương trong người vứt vào tác phẩm. Và kệ chúng ra sao thì ra.

Tôi gọi đấy là văn chương văng mạng của Túy Hồng. Nhưng chị có độc giả . Đấy là tài năng của Túy Hồng.

Trong 5 nhà văn nữ đồng thời với chị thì Túy Hồng là nhà văn nổi bật nhất với một giọng văn đa chữ đa ảnh đa so sánh.

Giọng văn chính là tài sản của Túy Hồng. Độc giả yêu Túy Hồng vì giọng văn.

 Hơi Thở Rướn Cong là cái tựa rất văn dâm thị Túy Hồng. Dâm tính trong các tác phẩm của Túy Hồng rất sáng tạo rất văn chương.  Đạt được điều mà chúng ta gọi là “fine art”.

Văn Túy Hồng là dâm thân nhập dâm chữ và nhảy lan man như khiêu vũ trên trang sách. Muốn hiểu mức độ yêu dâm, thăng hoa dâm, và chán ngán dâm của thế giới phụ nữ nên tìm thưởng ngoạn văn dâm thị Túy Hồng.

Túy Hồng rất nữ quyền trong giọng văn dâm. Loại dâm lan man toàn thân. Cái sướng của văn dâm thị Túy Hồng là nó lan man trong cơ thể phụ nữ và nhấm nháp lên từng cơn động cỡn của chữ.  Túy Hồng viết dâm rất đàn bà. Muốn hiểu dâm của phái nữ nên nghiên cứu món văn dâm thị Túy Hồng.

Đấy là thành công vĩ đại của Túy Hồng. Một giọng văn đầy lõa lồ hô hê thân xác phụ nữ. Nói Túy Hồng viết văn dâm mạnh bạo thì có. Mà nói Túy Hồng viết dâm sống sượng thô tục hạ giá cơ thể phụ nữ thì không. Đấy là nghệ thuật dâm siêu sao rất đàn bà Việt Nam của Túy Hồng. 

Nhưng vì mải mê chinh chiến với giọng văn quá nên các tác phẩm Túy Hồng xuất sắc về giọng văn, lại thiếu chiều vĩ đại và sâu thẳm suy tưởng cho nội dung môt tác phẩm văn chương rộng lớn.

Là một nữ tác giả lẫy lừng của văn học Miền Nam Việt Nam như Túy Hồng. Và tôi là một người em văn chương hiếm hoi chị rút ruột tâm sự nhiều chuyện với. Vậy mà ngày chị qua đời, tôi không được nghe ai báo tin một lời. Không hề thấy mẫu ai tín mẫu phân ưu nào trên các tờ báo lớn ở Hải Ngoại. Tôi nỗ lực tìm cách liên lạc với người nhà chị từ hải ngoại cho đến trong nước, nhưng không nhận được một hồi âm từ ai cả. Năm năm cuối đời Túy Hồng, tôi không còn liên lạc được với chị. Điện thọai và email không trả lời.  Mấy năm qua tôi lại làm nhiều chuyến du lịch dài ngày ở ngoài nước Mỹ nên chưa có dịp bay lên Portland thăm chị.

Tôi muốn gửi đến Túy Hồng một chùm hoa tang hồng thắm đầy nhớ nhung và yêu thương.  Nhưng không biết gửi về đâu!

Viết những giòng này cho chị, mà ngậm ngùi!

“Thấy người nằm đó biết sau thế nào

   . . .

Trông ra ngọn cỏ gió cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về" ... (thơ Nguyễn Du)  ./.

 

Lê Thị Huệ

Tháng 7. 2020

 

Tài liệu tham khảo:

https://tvtsonline.com.au/vi/chuyen-nganh-vi/lich-su-chinh-tri-ton-giao-van-hoa/cuu-thieu-ta-canh-sat-lien-thanh-trinh-cong-son-va-nhung-hoat-dong-nam-vung-4/

http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p4/c17/n24924/Nhan-ngay-gio-dau-cua-Dinh-Cuong-nho-Do-Long-Van-va-cat-bui-que-nha.html

https://groups.google.com/forum/#!topic/soc.culture.vietnamese/GNpVtK7LORg

http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p4/c17/n8998/Tran-Quang-Long-va-Quan-Ban.html


source: gio-o.com>


=================

'Tưởng nhớ nhà văn TUÝ HỒNG / bài viết: Tuấn Khanh' s Blog ( Tp. HCM) -- trích : nguoi-viet-com>

 

Tưởng nhớ Nhà Văn Túy Hồng

(phần giới thiệu & ảnh của báo NGƯỜI VIỆT  (Bt)

 

Nhà văn Túy Hồng, tên thật Nguyễn Thị Túy Hồng, sinh ngày 12 Tháng Mười, 1938, tại Chí Long, Phong Ðiền, Thừa Thiên.
Bà tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm 1 năm tại Huế, sang Mỹ năm 1975 học Anh Văn và lớp thư ký cấp tốc một năm.
Giải Nhất Văn Học Nghệ Thuật Sài gòn 1970, bộ môn Văn với tác phẩm “Những Sợi Sắc Không.” Bà viết văn từ năm 1962, định cư tại Seattle Washington Hoa Kỳ từ 1975, và là vợ của nhà văn Thanh Nam.

Nhà văn Túy qua đời ngày 19 Tháng Bảy, 2020, hưởng thọ 82 tuổi.

*Tác phẩm đã xuất bản:

-Thở Dài, nhà xuất bản Đời Mới 1965, Kim Anh tái bản 1966;
-Vết Thương Dậy Thì, nhà xuất bản Kim Anh 1966;
-Trong Móc Mưa Hạt Huyền, nhà xuất bản Đồng Nai 1969;
-Tôi Nhìn Tôi Trên Vách, nhà xuất bản Đồng Nai 1970;
-Mùa hạ huyền, Văn Khoa 1971;
-Những Sợi Sắc Không (Giải Nhất Văn Học Nghệ Thuật Sài gòn 1970, bộ môn Văn), nhà xuất bản Khai Trí 1971;
-Biển Điên, nhà xuất bản Văn Khoa 1971;
-Bướm Khuya, nhà xuất bản Đồng Nai 1971…

Đã cộng tác với: Văn Hữu, Bách Khoa, Lập Trường, Văn, Văn Học, Tin Sách, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh, Con Ong, Diều Hâu, Tia Sáng, Độc Lập, Tin Sáng, Thần Phong, Thời Nay, Đời Nay, Khởi Hành, Tiền Tuyến, Vấn Đề… 

 

Nhà văn Túy Hồng. (Tranh: Choé)

============

 

Nhà văn Túy Hồng, chứng nhân tình yêu và cuộc đời. 

Tuấn Khanh

Nhà văn Túy Hồng, qua đời vào 19-7-2020 tại Mỹ, ở tuổi 82. Nghe tin mà nhớ lần được gặp bà, trong một chuyến đến Seattle nhiều năm trước.

Năm 1975, cùng dòng người ra đi khỏi Việt Nam bởi kết cục của một cuộc chiến, nhà văn Túy Hồng đến bên kia biển và ở lại, như nhiều danh tài khác của miền Nam Việt Nam.

Túy Hồng là một trong nhóm các nhà văn nữ nổi tiếng trước năm 1975 bao gồm Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương (Nguyễn Thị Thái), Nguyễn Thị Thụy Vũ, Lệ Hằng… Thời của một nền văn chương tự do và lộng lẫy đã tạo điều kiện cho rất nhiều nhà văn nữ xuất hiện, nhưng nhóm các nữ sĩ kể trên được coi như là tiền phong với những phong cách, cũng như đề tài của họ đầy cá tính và khác biệt.

Nhà văn Nguyễn Thị Túy Hồng, tên cũng là bút danh. Bà sinh ngày 12-10-1938 tại Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, viết văn từ năm 1962.

Trong một thời gian khoảng hơn 10 năm ở Saigon, nhà văn Túy Hồng đã tung ra hàng loạt tác phẩm, khiến người đọc cũng như giới phê bình kinh ngạc về sức sáng tác của bà, với các tác phẩm như Thở dài (NXB Đời Mới 1965, Kim Anh tái bản 1966), Vết thương dậy thì (NXB Kim Anh 1966) Trong móc mưa hạt huyền (NXB Đồng Nai 1969), Tôi nhìn tôi trên vách (NXB Đồng Nai 1970), Mùa hạ huyền (Văn Khoa 1971), Những sợi sắc không (Giải nhất Văn chương toàn quốc 1970 – NXB Khai Trí 1971), Biển điên (NXB Văn Khoa 1971), Bướm khuya, (NXB Đồng Nai 1971)…

Bà còn là một cây bút cộng tác thường xuyên với: Văn Hữu, Bách Khoa, Lập Trường, Văn, Văn Học, Tin Sách, Nghệ Thuật, Kịch Ảnh, Con Ong, Diều Hâu, Tia Sáng, Độc Lập, Thần Phong, Thời Nay, Đời Nay, Khởi Hành, Tiền Tuyến, Vấn Đề… với thể loại nào, nhà văn Túy Hồng cũng đều bộc lộ sự sắc sảo trong nghiệp chữ nghĩa của mình.

Chữ nghĩa của Túy Hồng đầy yêu đương và trần tục, khao khát và ẩn ức, đàn ông và đàn bà đều tuyệt vời ở giống cái và giống đực.

Nhà văn Túy Hồng có đoạn mang chút tình lãng mạn, ngắn như đủ đậm với nhà văn Võ Phiến lúc ở Dalat, mà bà viết kể lại trong Những Sợi Sắc Không (1970).

Được biết nhà văn Võ Phiến thố lộ với bà rằng “Anh không ham muốn em từ phút ban đầu, cũng không ham muốn em sau cái phút anh nhìn em qua cửa kính cư xá Bùi Thị Xuân, mà anh chỉ yêu em bởi vì những câu văn đầu tay em viết trong truyện ngắn gửi đăng báo… Yêu đời sống, chúng ta hãy đầu cơ khả năng, thì giờ và lòng thành vào văn chương. Anh cho nghệ thuật tất cả tài sản tinh thần của anh. Con đường anh đi là con đường văn nghệ, chấp nhận sống và chết, trừu tượng và cụ thể. Anh không phải là họa sĩ, nhưng anh có màu sắc nét vẽ; anh không phải là nhạc sĩ nhưng anh có âm thanh tiếng động.”

Nhưng mọi thứ tan vỡ khi Võ Phiến thú nhận ông đã có gia đình. Và khi viết lại mọi thứ, ở bất kỳ chuyện gì, bà Túy Hồng vẫn viết rõ tên và các câu chuyện của mình, đến mức nhà văn Võ Phiến phải than thở “Em không bằng Nguyễn Thị Hoàng, em thua kém Nguyễn Thị Thụy Vũ. Họ kính nể người yêu, họ không oán trách người tình, không căm giận những người đàn ông mà họ đã thương. Còn em, em không tốt, em nói xấu anh dữ dội trong truyện ngắn em viết.”

Câu chuyện yêu đương đó, nhà văn Túy Hồng viết trong Những Sợi Sắc Không và gửi dự thi Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc năm 1970 cùng với Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ. Mà trêu gan nhất là hội đồng giám khảo gồm Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo và Võ Phiến.

Nhưng trong một bút ký của bà, người ta nhìn thấy bà viết về Võ Phiến như sau “Tôi chưa thấy một người đàn ông nào thương vợ nhiều như thế, yêu vợ kỹ như thế. Vợ anh, vợ anh… cái miệng cứ tía lia vợ anh vợ anh, làm như người ta sắp lấy mất. Bà Võ Phiến tên cúng cơm là Viễn Phố”. Yêu, cay đắng và công bằng như vậy, chỉ có Túy Hồng.

Sau năm 1975, nhà văn Túy Hồng bị xếp vào thành phần nguy hiểm do các bài nhận định, bình luận chính trị… Trên các tạp chí, báo của người Việt hải ngoại. Trả lời trên Gió-O (2005) về việc phải ra đi và một nhà văn thì còn giá trị hay sứ mạng gì, bà nói lúc này “nhà văn chỉ có thể là nhân chứng”. Một trong những tác phẩm cuối cùng của bà ở hải ngoại, là nói về cuộc đời trí thức lưu vong có tên là “Trong Cuối Cùng.”

Truyện của nhà văn Túy Hồng không khó tìm trên internet, với các ấn bản điện tử, với những ai muốn đọc lại.

Nhân dịp thêm một ngôi sao được gắn lên khoảng trời vô cùng của văn học tự do miền Nam.

Xin kể lại, để biết và để nhớ.  ./.

Tuấn Khanh

( Tuấn Khanh’s Blog)


==========