Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

về thi sĩ, văn nhân tiền chiến "độc nhất vô nhị" NGUYỄN VỸ [ Quảng Ngãi 1912- 1971 Mỹ Tho.] -- blog phan nguyên



Saturday, 5 March 2016

Nguyễn Vỹ (1912 - 1971)

























Nguyễn Vỹ
(1912 - 4/2/1971) 
Quảng Ngãi
-hưởng dương 59 tuổi
-nhà thơ, nhà văn, nhà báo
-các bút hiệu khác : Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. 













Gởi Trương Tửu 

 (trích...)

 Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà vẫn coi tiền như cỏ rác!
Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang,
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang,
Xáo lộn văn chương với chả cá,
Chửi Đông, chửi Tây chửi tất cả,
Rồi ngủ một đêm, mộng với mê,
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!!

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh! 


 ......



Nguyễn Vỹ là tác giả hai bài thơ: "Gởi Trương Tửu" và "Sương rơi", từng gây tiếng vang trong nền thơ ca đương thời. 













  
Tiểu sử (1)

Nguyễn Vỹ sinh tại làng Tân Hội (sau đổi là Tân Phong, năm 1945 lại đổi là Phổ Phong), huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông tên Nguyễn Thuyên[2] từng làm quan ở huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định, nhưng sau từ chức để chống Pháp. Mẹ ông là bà Trần Thị Luyến.

  
Ông học Trường Trung học Pháp - Việt, Qui Nhơn (1924) và khi đang học năm thứ 3 (1927) thì bị đuổi vì tham gia phong trào bãi khóa.

Ra Hà Nội học, đậu tú tài toàn phần (1932), ông dạy tại Trường Thăng Long, Hà Nội và viết cho các tờ như La Patrie Annamite, L’Ami du Peuple Indochinois, Tiếng dân, Văn học Tạp chí, Đông Tây Tuần báo, Phụ nữ Tuần báo, Tiểu thuyết Thứ năm...


Năm 1934, ông xuất bản tập thơ đầu tiên, tên là Tập thơ đầu, gồm hơn 30 bài thơ Việt và thơ Pháp. Thi phẩm này in ra không được nhiều thiện cảm, bị cho là rườm rà, "nhiều chân" và là đối tượng chê bai chính của Lê Ta (Thế Lữ) trên các báo. 

Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ Việt-Pháp lấy tên là Le Cygne, tức Bạch Nga. Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn nổi tiếng bấy giờ là Trương Tửu cộng tác. Sau do Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp nên tờ báo bị đóng cửa, bị rút giấy phép vĩnh viễn. Còn bản thân ông bị kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia, bị tòa án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3.000 quan tiền. 


Năm 1939, Nguyễn Vỹ mãn tù lúc Pháp thất trận, quân Nhật vào chiếm đóng nước Việt. Nguyễn Vỹ lại tranh đấu chống Nhật, bằng cách soạn và cho xuất bản hai quyển sách chống chế độ quân phiệt Nhật là: Kẻ thù là Nhật bản, Cái họa Nhật-Bản. 


Lần này, Nguyễn Vỹ lại bị nhà cầm quyền Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê (sau này trong tạp chí Phổ thông bộ mới, Nguyễn Vỹ có kể lại những ngày sống trong tù ngục với tựa bài Người tù 69). 


Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra tù, sống và sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo này bị đóng cửa. 


Sau đấy, Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản ở Ðà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Ðại. Tồn tại chẳng bao lâu, đến lượt tờ báo trên cũng bị đình bản. 


Năm 1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân ta, sống được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa như các tờ báo trước. 


Mãi đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ Thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông Lúa, tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm. 


Năm 1956, Nguyễn Vỹ được mời làm cố vấn cho chính quyền thời bấy giờ, nhưng chỉ ít lâu sau ông rút lui. Trong khoảng thời gian này ông được phép tái bản nhật báo Dân ta (bộ mới) nhưng đến năm 1965 cũng lại bị đóng cửa và từ 1967 Nguyễn Vỹ chỉ còn chủ trương tạp chí Phổ Thông mà thôi. 


Vào ngày 4 tháng 2 năm 1971, ông qua đời do tại nạn xe hơi trên đoạn đường Tân An (thuộc tỉnh Long An)-Sài Gòn, hưởng dương 59 tuổi.















Tác phẩm












 1
Tập thơ đầu - Premières poésies
(thơ Việt và Pháp), tác giả xuất bản, Hà Nội, 1934












2
Đứa con hoang
(tiểu thuyết)
Nhà xuất bản Minh Phương, Hà Nội, 1936












3
Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên
(tập truyện ngắn Việt Nam bằng Pháp văn)
Nhà xuất bản Đông Tây, Hà Nội, 1937












4
Kẻ thù là Nhật Bản
(luận đề chính trị)
Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 1938












5
Cái họa Nhật Bản
(luận đề chính trị)
Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 1938












6
Đứng trước thảm kịch Việt Pháp-Devant le drame Franco Vietnamien,
(luận đề chính trị bằng Việt và Pháp văn)
tác giả xuất bản, Đà Lạt 1947












7
Hào quang Đức Phật
(luận đề tôn giáo)
tác giả xuất bản, Đà Lạt 1948












8
Thi sĩ Kì Phong
(tiểu thuyết, 1938)












9
Chiếc Bóng
(tiểu thuyết)
nhà xuất bản Cộng Lực, Hà Nội 1941












10
Chiếc áo cưới màu hồng
(tiểu thuyết)
nhà xuất bản Dân Ta, Sàigòn 1957












11
Người yêu của hoàng thượng
(tiểu thuyết)
nhà xuất bản Minh Phương, Hà Nội 1958)












12
Giây bí rợ
(tiểu thuyết)
nhà xuất bản Dân Ta, Sàigòn 1957












13
Hai thiêng liêng I
Hai thiêng liêng II
(tiểu thuyết)
nhà xuất bản Dân Ta, Sàigòn 1957












14
Hoang vu
(thơ)
nhà xuất bản Phổ Thông, Sàigòn 1962












15
Mồ hôi nước mắt
(tiểu thuyết)
nhà xuất bản Sống Mới, Sàigòn 1965












16
Những đàn bà lừng danh trong lịch sử
(biên khảo)
nhà xuất bản Sống Mới, Sàigòn 1970












17
Tuấn, chàng trai nước Việt I
Tuấn, chàng trai nước Việt II

(chứng tích thời đại)
nhà xuất bản Triêu Dương, Sàigòn, 1970












18
Văn thi sĩ tiền chiến
(ký ức văn học)
nhà xuất bản Khai Trí, sàigòn, 1970












19
Buồn muốn khóc lên
(thơ)
1970












20
Mình ơi
(văn hóa tổng quát)
1970












21
Thơ lên ruột
(thơ trào phúng)
1971




































Thơ Nguyễn Vỹ


Hoang vu 
(thơ, Phổ thông tùng thư/ 1962)








Đêm sầu về


Ta muốn được những cánh tay êm thắm
Ru hồn ta như đứa trẻ trong nôi
Một quán trọ trong lòng ai êm ấm
Khi lạc loài trên nẻo vắng xa xôi

Gót phiêu lãng còn vương thề muôn dặm
Bình nước non chưa cạn hết ly bôi
Sao Bắc đẩu tít mù xa thăm thẳm
Kiếp tài hoa còn hận mãi chưa thôi

Bao nhiêu đêm không bến bờ cô quạnh
Ta âm thầm ôm khóc ánh sao rơi
Nếu ta biết một khu trời Vạn Hạnh
Trăng không tàn mà hoa cũng không trôi

Ôi giếng thẳm biết bao giờ mới tạnh?
Nắng muôn chiều đã chết lịm trên môi
Tim đọng tuyết rã rời tan những mảnh
Đêm sầu về tê lạnh lắm, đêm ôi!





 Cũng thế thôi

Lắm lúc tôi buồn tôi bảo tôi:
nói làm chi nhỉ? Phí lời thôi
Kệ thây thời thế, thời là thế
Trống ngược kèn xuôi, cũng thế thôi

Tả hữu xun xoe, dở lắm mòi
Cũng người xuống chó, kẻ lên voi
Cũng phường lòi tói năm ba chữ
Múa mép rùm beng cũng thế thôi

Bán lợi buôn danh chật chợ trời
Rộn ràng hôm sớm bóng ma trơi
Say sưa ngất nghểu ngày tan chợ
Phủi áo ra về, cũng thế thôi

Cứ điếc, cứ câm, cứ mặc đời
Mặc thời, mặc thế, để buông trôi
Mặc người khôn dại, còn hay mất
Ai mất, ai còn, cũng thế thôi





Chim hấp hối

Một con chim xanh,
Đang hót trên cành,
Bổng vang tiếng súng!
Lìa cành rơi xuống!…
Đôi cánh mong manh…

Thôi, chim chết rồi!
Máu chảy trên trời,
Rơi từng giọt đỏ,
Nhuộm sẫm không gian.
Rơi từng giọt nhỏ…
Loang lỗ nắng vàng.

Chim con chết oan,
Chíp chíp kêu van,
Hai chân run rẩy…
Đôi mắt đục ngầu,
Đôi dòng lệ chảy…
Tìm ổ chim đâu?

Tiếng chim lâm ly
Nhìn ta biệt ly;
Não nùng bi đát!
Than ôi, chim con
Chết còn muốn hát.
Trên nấm cỏ non.

Ta cũng như chim,
Mang một trái tim
Đìu hiu, tan tác.
Nặng vết sầu thương
Mà ta vẫn hát,
Hết kiếp tơ vương!

Chim con véo von
Trên cành xanh non,
Vui ca hớn hở,
Hỡi tiếng súng vang!
Than ôi, sao nỡ…!
Hỡi người dã man!

Này đây xác chim.
Lại đây mà xem!
Chim nằm hấp hối…
Hỡi ai, sao đành
Giết loài vô tội,
Giết con chim xanh?

nguồn: 'Việt Nam thi nhân tiền chiến'/ ,Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, NXB Xuân Thu , 2000






 Gửi Trương Tửu
(viết trong lúc say)

Nay ta thèm rượu nhớ mong ai!
Một mình nhấp nhém, chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài mặt đỏ sẫm.
Nay một mình ta, một be con:
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!

Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà vẫn coi tiền như cỏ rác!
Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang,
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang,
Xáo lộn văn chương với chả cá,
Chửi Đông, chửi Tây chửi tất cả,
Rồi ngủ một đêm, mộng với mê,
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!!

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh,
Đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh!

Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng?
Tôi làm Trạng nguyên, anh Tể tướng?
Rồi anh bên Võ, tôi bên Văn,
Múa bút tung gươm hả một phen?

Cho bõ căm hờn cái xã hội
Mà anh thường kêu mục, nát, thối?
Cho người làm ruộng, kẻ làm công
Đều được an vui, hớn hở lòng?
Bao giờ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho Lịch sử?
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hất mồ nhỏm dây cười say sưa
Để xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên Đất Nước?
Để cho toàn thể dân Việt Nam
Đều được tự do muôn muôn năm?
Để cho muôn muôn đời dân tộc
Hết đói rét, lầm than, tang tóc?
Chứ như bây giờ là trò chơi,
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con từu, văn chương cóc!
Con tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán Văn, ngày tháng qua!

Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Đời còn nhố nhăng ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,
Bực chí thàng say mấy cũng vừa!
Mẹ cha cái kiếp làm Thi sĩ!
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ!
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rốt cuộc chỉ còn... mộng với mơ!

(viết rồi hãy còn say)
báo Phụ nữ.

nguồn: 'Hoang Vu', Phổ thông tùng thư ấn hành, Nguyễn Vỹ, 1962






 Hai con chó

Nguyễn Vỹ có viết hai quyển sách "Cái hoạ Nhật Bản" và "Kẻ thù là Nhật Bản" bị quân đội Nhật ở Hà Nội bắt giam chiều 30 Tết trong hầm kín của Sở Hiến binh Nhật, Kampetai. Ông cùng bị giam với bốn người Việt khác. bài thơ này làm trong phòng ngục tử hình, thấp và chật, như cái chuồng chó, đêm giao thừa Nhâm Ngọ, 1942.



Chuồng ngục tối om, kìa bốn xó 
Bốn thằng bơ bơ như bốn chó 
Chẳng được nói năng, chẳng được cười 
Hai chân chồm hỗm ngồi co ró 

Lưng rít mồ hôi, không dám cọ 
Ngứa ngáy tay chân không rậy rọ 
Rệp bò lên cổ, leo lên đầu 
Muỗi bay khiêu vũ, kêu ó ó 

Một tên linh Nhật ngồi ngay đó 
Nét mặt hầm hầm, tròng mắt lỏ 
Đeo chiếc gươm dài, cầm roi da 
Thỉnh thoảng quất lên bốn đầu sỏ 

Hắn uống rượu gì màu đỏ đỏ 
Như uống máu tươi trong cái sọ 
Kìa nó gật gù, đầu ngả nghiêng 
Máu nhểu quanh môi từng giọt nhỏ 

Hai mắt đỏ hoe xoay tròn ngó 
Thằng tù lim dim trong một xó 
Hắn sả ba roi lên đỉnh đầu 
Thằng tù rụt vai, mặt mếu mó 

Một thằng tù khác ngồi nhăn nhó 
Tay run cầm cập, răng gỏ mỏ 
Sốt rét lên cơn, không dám nằm 
Cúi đầu lạy lạy như xin xỏ 

Thằng tù thứ ba ngồi nhóc mở 
Da mặt xanh lè, mắt tho lỏ 
Hắn bị tra điện hồi đầu hôm 
Giờ như cái xác con ma xó 

Thằng tôi chờ chết, ngồi co ró 
Làm thơ âm thầm lấy vần "chó" 
Bỗng một chó Nhật vừa đi qua 
Đứng ngoài song sắt trố mắt ngó 

Nó nhìn thằng tôi, tôi nhìn nó 
Thông cảm cùng nhau hai đứa chó! 
Bỗng dưng tôi cười ha! ha! ha! 
Nó cũng vẫy đuôi cười hó! hó! 

Tên lính Nhật hoàng la xí xó 
Đạp giày lên lưng xua đuổi nó 
Rồi quật roi da lên đầu tôi 
Ào ào ạt ạt như Thần gió! 

Chó Nhật ẳng ẳng chạy gần đó 
Quay lại vẫy đuôi đứng lấp ló 
Rồi tôi nhìn nó, nó nhìn tôi 
Thông cảm cùng nhau hai đứa chó! 

Hà Nội mừng xuân năm Nhâm Ngọ 
Pháo nổ tưng bừng đèn sáng tỏ 
Chó Nhật vẫy đuôi chờ tôi ngâm 
Dăm chục câu thơ mừng kiếp chó! 

Ôi tôi ôi, tôi ôi là tôi! 
Ôi chó ôi, chó ôi là chó!

nguồn:' Hoang Vu', Phổ thông tùng thư, 1962.







Hai người điên

Một xó Sài Gòn
Một căn phố con
Hoang vu thanh vắng
Bốn bề phẳng lặng

Nàng, tôi, hai người
Chỉ ôm nhau cười
Không nói
Ôm nhau nằm lăn
Cả ngày không ăn
Không đói

Không ăn
Không nói
Chỉ hôn nhau
Thật lâu
Từng sợi tóc
Và cắn nhau
Thật đau
Để cho khóc
Rồi hai người
Ôm nhau cười
Lăn lóc

Nàng và tôi
Hai đứa
Thật xứng đôi
Vừa lứa
Nàng với tôi
Đều mồ côi
Gặp nhau
Rồi yêu
Rồi nhớ
Rồi kêu
Rồi mớ
Suốt đêm suốt ngày
Trưa hôm nay
Chúng tôi say
Nằm thiêm thiếp
Vừa một chập
Hai nàng Tiên
Bay qua đấy
Trông thấy
Sẽ nhủ:
"Để yên
Hai người điên
Đang ngủ!"






Hoa phượng
 

Trên đường nắng ngập tràn hoa phượng đỏ 
Em bui ngùi không nỡ bước, anh ơi!
Những cánh hoa hiu hắt rụng bên trời
Chép trong gió mấy đời hoa vĩnh biệt!

Xác hoa rụng phải chăng hồn hoa chết?
Sắc hoa tàn tan tác một đời hoa?
Bao mảnh tim rỉ máu, lệ chan hoà
Là những vết thương lòng đang nức nở.

Gió tàn nhẫn trút hoa như thác đổ
Trên tóc em, ngập xuống cả làn môi
Một giấc mơ rời rã lững lờ trôi,
Em muốn vớt ôm về chôn nếp áo.

Kẻo gió bụi mịt mù trong nắng ảo
Dập vùi hoa, ảo não mảnh hương trinh,
Khách qua đường vội vã, quá vô tình
Giẫm lên cả hồn hoa trên xác máu!...

nguồn: 'Hoa trong thi ca'-- tuyển thơ nhiều tác giả, NXB Hội nhà văn, 2007








Hoàng hôn

Một đàn
       Cò con
                 Trắng nõn
                       Trắng non
                          Bay về
                                     Sườn non
                                          Gió giục
                                   Mây dồn
                            Tiếng gọi
                         Hoàng hôn
               Buồn bã
        Nỉ non
Từ giã
             Cô thôn...
                 Còn con
                      Cò con
                                 Trắng non
                      Nào kia
             Lạc bầy
     Lại bay
Vào mây

            Ô kìa!

1950






 Một mình

Một trời, một biển bao la,
Một mây, một gió, một ta, một mình!
Trần ai một kiếp lênh đênh,
Trăm thương, nghìn nhớ, một mình, một ta!

Nha Trang, 1960
nguồn: 'Hoang Vu/ thơ Nguyễn Vỹ/'  Phổ thông tùng thư, 1962






 Mơ tuyết


Tôi biết thời gian quá ỡm ờ
Rải trăng rãi gió ngập vần thơ!
Đêm nay tan tác giàn Sao rụng:
Tuyết trắng âm thầm ngập giấc mơ!

Tuyết nở muôn hoa dưới nguyệt đình
Tuyết ươm rào rạt áng hương trinh
Tuyết buông tha thướt trên cành gió
Tuyết rũ màn tơ xuống bóng mình...

Tôi mở lòng hoa chép một bài
Nhưng hoa tuyết rụng ngập trần ai!
Vần thơ mơ tuyết còn trong trắng
Tôi hái mơ về... để tặng ai?

rằm tháng hai Kỷ Hợi







Mưa rào

Mưa
Lưa thưa
Vài ba giọt...
Giọt lệ tình đau xót?...
Nhưng mây mờ mịt gió đưa
Cây lá rụng xào xạc giữa trưa.
Mưa đổ xuống ào ạt, mưa, mưa, mưa!
Thời gian trôi tan tác theo tiếng mưa cười!
Không gian dập vùi tan tác theo thác mưa trôi,
Đàn em thơ nhào ra đường, giỡn hớt chạy dầm mưa!
Cỏ hoa mừng nên vận hội, ngả nghiêng tắm gội say sưa!
Nhưng ta không vui không mừng, lòng không ca không hát!
Ta đưa tay ra trời, xin giòng mưa thấm mát
Tưới vết thương lòng héo hắt tự năm xưa!
Nhưng ô kìa! Mưa rụng chóng tàn chưa!
Trời xanh xanh, mây bay tan tác.
Ai còn ươm hạt mưa đào,
Lóng lánh trong tim Hoa?
Ai ươm mưa sầu,
Ôi mong manh,
Trong tim
Ta!

Bài thơ được trình bày theo dạng một hình thoi. Từ câu đầu một chữ, rồi hai, ba, bốn chữ, v.v,... tăng đến một cao độ rồi số chữ trong câu giảm dần, câu cuối chỉ một chữ. Tác giả diễn tả một cơn mưa thoạt đầu vài giọt, rội đổ ào như trút, rồi thưa thưa dần chỉ còn một giọt và tạnh hẳn. 

nguồn: Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, Nxb Xuân Thu








Sương rơi

Sương rơi 
Nặng trĩu 
Trên cành 
Dương liễu... 
Nhưng hơi 
Gió bấc 
Lạnh lùng 
Hiu hắt 
Thấm vào 
Em ơi, 
Trong lòng 
Hạt sương 
Thành một 
Vết thương!.. 

Rồi hạt 
Sương trong 
Tan tác 
Trong lòng, 
Tả tơi 
Em ơi! 
Từng giọt 
Thánh thót, 
Từng giọt 
Điêu tàn 
Trên nấm 
Mồ hoang!... 

Rơi sương 
Cành dương 
Liễu ngả 
Gió mưa 
Tơi tả 
Từng giọt, 
Thánh thót 
Từng giọt, 
Tơi bời 
Mưa rơi, 
Gió rơi, 
Lá rơi, 
Em ơi!...
 
theo Tạp chí văn học, 1935
nguồn: Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007






Tiếng Việt

Tiếng ta ngày mỗi mới 
Dân ta ngày mỗi lên 
Dân ta càng tiến tới 
Tiếng ta càng dâng lên 
Cao trào ào ạt tới 
Biển học rộng vô biên 
Tiếng ta như gió mới 
Dân ta như con thuyền 
Buồm căng bay phấp phới 
Mang sự nghiệp Rồng Tiên 
Bơi đua cùng Thế giới 
Khắp phương trời mông mênh 
Dân ta càng quật khởi 
Tiếng ta càng vươn lên! 
Dân ta càng tiến tới 
Tiếng ta ngày vươn lên!

1962








Mưa trong tù 


Mưa róc rách
Ngoài vách
Mưa tuôn
Suốt đêm trường
Mưa vương
Lòng thương
Quê hương
Xa cách,
Mưa róc rách
Ngoài vách
Mưa tuôn
Giọt đàn mưa
Khi thưa
Khi nhặt
Rơi tí tách
Lòng khách
Réo rắt
Tơ buồn.

Mưa rỉ rách
Ngoài vách
Mưa tuôn.
Mưa trên mái
Mưa hoài
Mưa mãi.
Mưa ngoài
Quan ải
Mưa khắp
Bốn phương.

Suốt đêm trường
Mưa vương
Sầu thương
Quê hương
Xa cách
Mưa rỉ rách
Ngoài vách
Mưa tuôn.
Mưa, mưa, mưa!
Những mưa
Đêm xưa
Ồ ạt xối về!
Những mưa
Đêm xưa
Đêm nay tràn trề!

Trong tù quạnh hiu
Ta nằm buồn bã
Nghe mưa
Đêm xưa
Trôi về.

Bao nhiêu
Tình yêu
Phiêu lưu
Tan rã!
Bao nhiêu
Giọt lệ
Anh hùng.
Bao nhiêu
Ai oán
Não nùng.
Bao nhiêu
Sầu hận
Non sông
Trôi về
Mênh mông!

Mưa xào xào
Đổ vào
Song sắt
Đổ vào
Xa lắc
Trong hố lòng hoang
Mưa lắc rắc
Hiu hắt
Không bến, không bờ
Bao giờ
Mưa tan?
Bao giờ
Gió đưa
Giòng mưa
Trôi về bến xưa
Bao nhiêu năm xưa
Lòng chưa
Hết mưa! 







Quảng Ngãi – quê hương tôi 

Nhiệm màu guồng xe nước
Tha thướt chập chùng
Lên men đồng lúa mướt
Lả lướt mênh mông
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Thương thương làn mây trôi
Mơn cảnh đồi Thiên Ấn
Vương vương sầu tơ nắng
Nút Bút vùng phương khôi
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Dòng sông rạo rực
Lưng Rồng uốn khúc
Rực rỡ ánh dương ngời
Trùng trùng gấm vóc
Huyết lệ sử dân Hời
Từ Chiêm Thành khai quốc
Dâng về ngôi Đại Việt
Trọn ân tình Chúa, Tôi
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Dân tình bất ly
Dân trí bất nhược
Dân đức bất suy
Dân tâm bất khuất
Khí thiêng nung đúc
Văn chương kiệt phách hào hoa
Bất chấp cường quyền, uy vũ

1970

















 Nguyễn Vỹ [1912- 1971.]












Đánh giá

Bên cạnh những tập sách biên khảo có giá trị như Văn thi sĩ tiền chiến, Tuấn-chàng trai nước Việt… Nguyễn Vỹ còn viết nhiều bộ tiểu thuyết, nhưng được đánh giá là không thành công[3]. 

Riêng về thơ, ông nhận được nhiều lời khen chê. Trong Tập thơ đầu (1934), Nguyễn Vỹ có đăng vài bài theo lối 12 chân (alexandrins), một lối thơ mới trên thi đàn Việt Nam, nhưng không lạ gì đối với thi đàn phương Tây: Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng...(Gửi một thi sĩ của nước tôi, Hà Nội báo, số 23, 1936) 

Vì lẽ đó, Thế Lữ cho rằng ông có ý định toan lòe và bịp mọi người[4], còn Vũ Ngọc Phan thì viết: Với thời gian, không một ai có thể bị cám dỗ mãi về những cái tầm thường, chỉ cầu kỳ có bề mặt[5]. 

Giới thiệu Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh và Hoài Chân cũng đã viết như sau: Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì... 

Chê bai, nhưng ngay sau đó hai ông cũng phải nhìn nhận: Một bài như bài "Sương rơi" được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt lệ...Nhưng "Sương rơi" còn có vẻ một bài văn. "Gửi Trương Tửu" mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người.[6]. 

Khác với các ý trên, Lan Khai trong báo Đông Phương, Phạm Huy Thông trong báo L’Annam nouveau (báo của Nguyễn Văn Vĩnh), Lê Tràng Kiều trong Hà Nội báo (số 23, ngày 10 tháng 6 năm 1936) đều hết sức khen ngợi thơ Nguyễn Vỹ. 

Ở Sài Gòn, trong quyển Hồn Thơ nước Việt thế kỷ XX[7] tác giả Lam Giang đã nhận định như sau: Phê bình Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh phát biểu một ý kiến võ đoán: "Nguyễn Vỹ chí lớn mà tài nhỏ nên hay lập dị, chứ thật sự ít có thành tích văn chương". Tôi thiết tưởng cái công du nhập đầu tiên lối thơ nhạc vào thi đàn Việt Nam, giữa lúc rất nhiều người chỉ chăm lo đả kích Luật Đường, chứ chưa sáng tạo được một thể điệu gì mới, cũng đáng cho chúng ta nhìn tác giả với một nhãn quang nhiều thiện cảm hơn. 

Năm 1962, tập thơ thứ nhì mang tên Hoang vu ra đời. Bình luận về tập thơ này, nhà văn Thiết Mai trong tờ Sáng dội miền Nam viết: Nguyễn Vỹ đã nếm mùi tân khổ, gian lao...lại ở vào cảnh giao thời của hai thế hệ, trong tình trạng bi đát nhất của lịch sử nước nhà, nên Nguyễn Vỹ đã trở thành con người rắn rỏi, yếm thế...rồi đi đến tâm trạng căm hờn, biếm nhạo, khắt khe, chua chát...Nhưng lúc trở lại với bẩm tính vốn có, chúng ta thấy ông hiền dịu, đa tình, đa cảm, thiết tha với một đời sống êm đềm...Về tài thơ, ta thấy thơ của ông được cấu tạo dễ dàng, không gò ép...Điều đáng chú ý là ông như muốn đưa những thể mới, có tác dụng gây xúc cảm, có âm điệu du dương, hợp tình để gợi tình và tả chân mạnh hơn. Thể mới ấy được thấy trong các bài thơ: Sương rơi, Mưa rào, Tiếng chuông chùa...Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo (Hai người điên, Hai con chó, Trăng, Chó, Tù, Đêm trinh...). Điều này khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng... 

Đề cập đến Nguyễn Vỹ, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Thượng) có đoạn: Nguyễn Vỹ góp mặt vào làng thơ tiền chiến từ năm 1934, thời kỳ thơ mới đang hồi phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, phần đông thi sĩ thường đem khung cảnh lãng mạn, chuyện tình ái vào thi ca...Nhưng với Nguyễn Vỹ, có thể nói nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng, vì thế thơ ông có một đường nét độc đáo riêng biệt.Đọc Nguyễn Vỹ, người ta cảm nhận những điều mỉa mai, chua chát...là sự tức tối như muốn phá vỡ cái gì trong hiện tại đang bị dồn ép, uất ức để nói lên nỗi thống khổ của kiếp người...Thời tiền chiến, thân phận Nguyễn Vỹ đã thế, nhưng với ý chí phục vụ văn nghệ, trung thành đường hướng vạch sẵn, ông, một nhà thơ từng chịu nhiều cam go trên đường tạo lập văn nghiệp, đã kiên trì xây dựng lại Trường thơ Bạch Nga trong bán nguyệt san Phổ Thông từ Trung thu năm 1962 và được nhiều bạn đọc hưởng ứng, chứng tỏ lời nói trước kia của Lê tràng Kiều là đúng: "Người ta công kích ta, chỉ chứng tỏ là ta sống". Vậy, Nguyễn Vỹ ngày nay hãy yên ổn với trường phái của mình."Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài. Ông có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm họa; hòa lẫn vào đấy là tình thương yêu đồng loại. Tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương.[8]


 &


 Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân đã từng viết đề tựa trong phần về Nguyễn Vỹ:  

“Nguyễn Vỹ đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoè inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì.

Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm thường. Khi Nguyễn Vỹ hô hào:
Ta hãy truyền một thi hứng mới cho thế kỷ hai mươi,
Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiếm.
người có biết rằng trong hai câu này không có lấy một chút "tình sâu ý hiếm", và mặc dầu cái lốt mới rềnh ràng của chúng, chúng vẫn có thể nằm sắp hàng với những câu sáo nhất xưa nay mà không chút... ngượng. Tránh tầm thường mà lại rơi vào tầm thường là thế.

Nguyễn Vỹ quả đã muốn loè những kẻ tầm thường là bọn chúng ta. Thực ra, chúng ta cũng dễ bị loè. Nhưng ở chỗ nào khác kia. Chứ trong văn chương thì hơi khó. Một hai người có thể lầm; năm mười người, trăm ngàn người có thể lầm, chứ cả đám người mênh mông không tên tuổi kia ít khi lầm lắm. Chúng ta có thể lầm trong một hai năm, chứ lầm luôn trong năm bảy năm hay lâu hơn nữa, là chuyện thảng hoặc mới có.

Tôi tin rằng linh hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những thơ văn có giá trị. Một bài như bài Sương rơi được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ.

Nhưng Sương rơi còn có vẻ một bài văn. Gửi Trương Tửu mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật loè đời. Người đã quên những câu thơ hai chữ. Người dùng một lối thơ rất bình dị, rất xưa, lối thất ngôn tràng thiên liên vận và liên châu. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy cho đi là họ không có gì xuất chúng; thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to lớn khác thường. Nhưng đời không chiều họ; đụng vào sự thực, những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt bỏ thây ở dọc đường hay trong một căn phòng bố thí.

Nguyễn Vỹ đã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn giận vì cái nghiệp văn chương. Những ai cùng một cảnh huống xem thơ tưởng có thể khóc lên được. Trong lời văn còn chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại. Nhưng ta đã xa lắm rồi cái kiêu ngạo phi thường của Lý Bạch, chỉ biết có văn chương còn khinh hết thảy:

Khuất bình từ phú huyền nhật nguyệt. 
Sở vương đài tạ không sơn khâu. 
Hứng cam lạc bút giao ngũ nhạc, 
Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu.
Với Nguyễn Vỹ, chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu ngạo ấy và ngơ ngác thấy sắp cùng hàng với... chó.

Cái lối sắp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý Tản Đà. Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ:“Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?”




  
Chú thích 


1.Tiểu sử Nguyễn Vỹ, căn cứ theo Văn Thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ (NXB Văn Học, 2007) và Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng) của Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng (NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968)
2. Năm sinh ghi theo Từ điển Tác gia Văn hóa Việt Nam (Nxb VH-TT, 1998) và Việt Nam thi nhân tiền chiến (sách đã dẫn). Từ điển Văn học (bộ mới, Nxb Thế giới, 2004) ghi ông sinh năm 1912.
3. Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn hiện đại, tập hai, NXB KHXH, 1989
4. Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, sách đã dẫn, tr.442
5. Nhà văn hiện đại, tr.1146
6. Thi nhân tiền chiến, NXB Văn Học, 1988, tr.107-108
7. Hồn Thơ nước Việt thế kỷ xx. NXB Sơn Quang, Sài Gòn, 1967
8. Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng), tr. 438, 448,460.


Sách tham khảo

Hoài Thanh-Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam. Nhà xuất bản Văn học in lại năm 1988.
Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn hiện đại (tập hai) Nhà xuất bản KH-XH, 1989.
Nguyễn Vỹ, Văn Thi sĩ tiền chiến. Nhà xuất bản. Văn Học in lại năm 2007.
Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng). Nhà xuất bản. Sống Mới, Sài Gòn, 1968.
Từ điển Tác gia Văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản VH-TT, 1998.
Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.


















thủ bút  Nguyễn Vỹ
















Về một bài trong quyển Thi nhân Việt Nam

bài viết:  Nguyễn Vỹ 



Ông Hoài Thanh xuất bản quyển Thi nhân Việt Nam năm 1943 mà mãi 14 năm sau, đến năm 1957 tôi mới được đọc. Quyển sách ra đời trong thời gian tôi ở tù 5 năm, rồi sau đó trong nước có chiến tranh, sách báo không lưu hành được dễ dàng, và tôi hoàn toàn không biết có quyền sách ấy cho đến năm 1957 mới trông thấy nó, lần đầu tiên, do một người bạn cho mượn. Quyển sách đã rách nát hết bìa, chỉ còn trên một trăm trang ruột.

Lật sách ra coi, tôi hết sức ngạc nhiên về bài nói đến tôi. Ông khởi đầu bằng một lời phê bình lạ lùng: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai…”

Không biết ông Hoài Thanh lấy theo tài liệu lịch sử nào mà ghi chép như thế? Quyển Tập thơ Đầu ra đời năm 1934 – lúc bấy giờ sự thật tôi mới có 22 tuổi, chỉ là một cuộc trình diễn rụt rè và im lặng.

Tập thơ Đầu – Premières: Poésies chỉ gồm có năm sáu bài thơ Việt và sáu bài thơ Pháp, mà tôi làm chơi, chép lẫn lộn trong một xấp giấy. Trương Tửu trông thấy, lấy đưa Lưu Trọng Lư xem, rồi chính Lư đưa nhà in Tân Dân in dùm mà tôi không có tiền trả. Lưu Trọng Lư cũng không có tiền. Trương Tửu cũng vậy. Thành thử từ khi Tập thơ Đầu được in chịu và chỉ phát hành ở Hà Nội thôi, mãi hai năm sau tôi mới trả được tiền in cho ông chủ nhà in, Vũ Đình Long. Sách in ra gởi bán, không có một quảng cáo nhỏ và toàn thể báo chí Hà thành cũng im lặng trong một tháng trời, không có một lời giới thiệu. Tập thơ mỏng mảnh, không có tranh vẽ, không có màu mè, cũng không có một lời tựa của tác giả hoặc của ai. Lưu Trọng Lư muốn có mấy lời giới thiệu nơi trang đầu tập thơ, tôi không bằng lòng.

Như thế, trong quyển Thi nhân Việt Nam, ông Hoài Thanh bảo “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai…”, thì thật là sai hẳn với thực tế lịch sử hồi đó.

Bỗng dưng, một tháng sau, tờ báo đầu tiên ban cho tôi một hân hạnh đặc biệt là tờ tuần báo Pháp văn L’ Annam Nouveau của cụ Nguyễn Văn Vĩnh.

Trong một cột dài, tờ báo ấy khen nhiều bài trong Tập thơ Đầu, cả thơ Việt văn lẫn thơ Pháp văn. Tôi nhớ báo ấy trích cả đoạn dài của bài Débris d’aile et Desbris d’Ell và bài Đức thánh Đồng đen. Cách mấy số sau, cũng trong L’ Annam Nouveau, Nguyễn Nhược Pháp viết một bài phê bình rất có cảm tình nồng hậu.

Tôi thật cám ơn hai bài báo ấy. Nhưng, tiếp sau đó, Thế Lữ với một bài dài đăng trong tuần báo Phong hóa, đả kích nhiệt liệt mấy bài thơ Việt văn của tôi. Ông bảo tôi “dốt”, ông chê tôi “bất tài”. Rồi mấy chàng “Thi sĩ” vây cánh với Thế Lữ – hiện nay hình như không còn được mấy người – cũng nhao nhao nổi lên viết trong vài tờ báo khác những bài mạt sát tôi và mấy bài thơ của tôi. 



Cuộc đả kích đột ngột và tàn nhẫn ấy có mục đích đánh cho tôi quỵ xuống và dìm tôi xuống đất bùn. Nhất là bài của Thế Lữ, viết với giọng ngạo nghễ, kiêu căng, tự cao tự phụ. Thế Lữ lúc bấy giờ là ông trùm của một phe “thi sĩ” chuyên môn tâng bốc anh chàng để được chen chân vào Tự lực văn đoàn.

Cuộc đả kích hỗn xược và ồn ào ấy, đối với tôi chỉ là một thử thách nhất thời mà tôi phải chịu đựng. Nhưng nhiều bạn làng thơ, làng văn, tỏ lòng phẫn nộ. Trong số đó, có một thiếu nữ xa lạ mới 18 tuổi, ở tận rừng núi Phủ Lạng Thương, tên Mộng Sơn gởi bài công kích Thế Lữ, nhưng Thế Lữ không đăng. Để hưởng ứng với tôi, và trả lời cuộc đả kích hằn học của Thế Lữ, Mộng Sơn gởi đăng trong các báo văn nghệ ở Hà Nội những bài thơ của Mộng Sơn theo lối thơ riêng của tôi, nhất là trong báo Đông phương và Văn học tạp chí. Lan Khai, Trương Tửu, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Huy Thông, Vũ Trọng Phụng, là những bạn làng văn, làng thơ ở Hà Nội, đã công kích Thế Lữ và bênh vực tôi. Tôi rất cảm ơn mấy bạn ấy. 


Riêng tôi vẫn im lặng. Mãi về sau do sự giục của Lan Khai, tôi chỉ viết một lời phi lộ trong báo Đông phương để xác minh một vài chủ trương của tôi về thơ ca Việt Nam hồi bấy giờ.

Sau đó, Trương Tửu diễn thuyết ở nhà hội Khai trí Tiến Đức, về thơ của tôi. Cuộc diễn thuyết này rất sôi nổi. Đêm diễn thuyết tôi không đi nghe, nhưng các báo tường thuật cho biết thính giả rất hoan nghênh. Duy có Thế Lữ là mạt sát hăng hơn nữa. Thơ tôi lại bị anh ta đem ra làm mắm, giữa tiếng hoan hô hùa theo của các thi sĩ che tàn nhóm “văn phiệt”.

Có lẽ ông Hoài Thanh, bạn của nhóm Thế Lữ, thấy mấy bài thơ của tôi (sự thực hồi đó mới chỉ có năm ba bài thôi) đã gây ra một cuộc sóng gió xôn xao trong làng thơ Bắc Việt mà ông phao vu ngay rằng tôi “đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng…” chăng? Chiêng, trống, xập xoèng, là do người ta đánh lên đấy chứ, mà nhứt là do tay Thế Lữ, như thể một cuộc báo động kinh khủng vậy! Chớ riêng tôi, chỉ lặng lẽ đưa Tập thơ Đầu mỏng mảnh kia ra, không hề dám ho lên một tiếng!

Tài liệu lịch sử văn học hồi đó còn để lại rành rành chứ nói bá xàm bà láp được ư?

Tôi biết ông Hoài Thanh là một người phục thơ Thế Lữ, nhưng phục thơ Thế Lữ thì ông cứ tự do ca tụng nhà Thơ ấy, chứ sao ông lại hùa theo chàng mà vác gậy đập tôi? Đập tôi, sau rồi lại vuốt ve tôi?

Ông Hoài Thanh muốn mạt sát tôi, ông phê bình tôi có “cái lối ăn mặc và điệu bộ lố lăng”… Lối ăn mặc của tôi hồi ấy là lối ăn mặc của một người sinh viên nghèo. Tóc không có brillantine để chải cho bóng, quần áo của bạn bè giúp cho, sơ mi rách vá, giày tây há mồm. Ông Hoài Thanh là nhà tư bản giàu sang, y phục bảnh bao, thấy tôi áo quần xốc xếch như vậy thì cho rằng tôi “ăn mặc và điệu bộ lố lăng”?? Có phải “điệu bộ lố lăng” là điệu bộ của một chàng thanh niên trời rét mướt không có áo trench-coat như ông, không có pardessus, không có mũ, đi đâu cũng phải đút hai tay trong quần cho đỡ lạnh mà vẫn run run cầm cập? Có phải thế không?

Ông giới thiệu tôi như thế với người của thế hệ, thì thật là vinh dự cho tôi quá!

Nhưng dù sao, ông Hoài Thanh viết một quyển sách văn học sử, mà ông phê bình cả lối “ăn mặc lố lăng” và “chiêng, trống, xập xoèng”, thì tôi thấy ông đi quá mức rồi đó. Ông viết một quyển sách để lại cho hậu thế mà y như ông viết một bài báo cho độc giả nhất thời, để thỏa mãn một thái độ cá nhân của ông, thì ông kém cả lễ độ văn hóa vừa nhận xét chủ quan quá đáng, không xứng đáng một tác giả ký tên trên một quyển sách nhan đề Thi nhân Việt Nam.

Về phần giá trị văn thơ của tôi, ông mâu thuẫn với ông một cách rất bất ngờ. Ở đoạn trên, ông viết: “Lúc đầu, ta thấy con người ấy không có gì”, “rất tầm thường”, rồi đoạn dưới ông viết: “người ta thấy Nguyễn Vỹ sáng tạo ra một nhạc điệu riêng…” Rồi ông lại viết: “Bài Gửi Trương Tửu thật là một kiệt tác”. Ủa! Té ra “con người rất tầm thường” kia, “chỉ lòe với những kẻ tầm thường” mà lại có thể “sáng tạo ra một nhạc điệu riêng” và viết ra “một kiệt tác” như ông nói ư? Ông lại viết: “Ta xem thơ, có thể khóc lên được”. Thưa ông, tôi không dám ạ, ông khen quá lời. Nhưng ông Hoài Thanh khóc thật à? Ông vừa mới cười tôi là “lố lăng”, ông vừa trề môi khinh khi tôi là “tầm thường”, rồi đọc bài thơ Gửi Trương Tửu, ông rỉ rả hai giòng châu lệ?

Ông Hoài Thanh giống hệt Thế Lữ. Viết chửi tôi thậm tệ hôm tháng trước, rồi tháng sau đi với Vũ Hoàng Chương đến nhà tôi mà xin lỗi và khen tôi “thâm trầm cảm động”! Tôi không phục thái độ phi văn hóa ấy.

Tập thơ Đầu xuất bản năm 1934. Ông Hoài Thanh viết về tôi trong Thi nhân Việt Nam năm 1941, năm 1941. Trong thời gian vỏn vẹn 7 năm qua, tôi bị tù một lần sáu tháng (1937) và một lần 5 năm (1940 -1945). Thành thử ngoài Tập thơ Đầu chỉ có 5 hay 6 bài, bị Thế Lữ công kích nhiệt liệt, nhất là bài Đức thánh Đồng đen, tôi chỉ còn đăng rải rác trong hai tờ tuần báo Văn nghệ bài Gửi Trương Tửu và Sương rơi, và một vài bài gì nữa thôi. Ngoài ra, tôi bận công việc khác, không có thì giờ làm thơ đăng báo.

Một lý do nữa là hồi đó tôi mới có 22 tuổi gì đó thôi và tôi tin rằng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm về đời, chưa sống nhiều, chưa đau khổ nhiều, tâm hồn chưa rắn rỏi, tư tưởng chưa cô đọng, thi tứ chưa phong phú, tình cảm chưa dồi dào, thì không nên làm thơ vội.

Mãi đến khi ở tù ra lần sau này, tôi mới đáp lại tiếng gọi của tâm hồn thơ rạo rực từ lâu. Tôi đã viết vài trăm bài mà đến nay vẫn chưa có điều kiện in thành sách được. Vậy thì ông Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam “Trường thơ Bạch Nga của Nguyễn Vỹ chỉ còn lưu lại một bài Sương rơi”, tôi sợ ông nhận xét có hơi vội vàng quá chăng? Ông ấy làm như thể tôi đã chết năm 1941 rồi, không còn ở trên trần gian để làm thơ được nữa! Tôi mới bị đi ở tù, chớ đã rục xương đâu, mà ông ấy đã quả quyết như đã đậy nắp hòm cho tôi rồi vậy! Cứ nói đến 1941, thì ông chỉ kể 1 bài Sương rơi, vậy chớ bài Gửi Trương Tửu, mà ông vừa đọc vừa khóc thảm thiết đó, không phải là Thơ Bạch Nga của Nguyễn Vỹ ư? Té ra ông ấy cũng chẳng hiểu Thơ Bạch Nga là gì! Thế mà ông ấy dám viết sách về văn học sử. Ông Hoài Thanh táo bạo thật!




Tôi viết bài này chỉ đáp lại thịnh tình của một số đông bạn làng thơ của thế hệ ngày nay, đã nhiều lần yêu cầu tôi cho biết ý kiến về bài nói đến tôi trong quyền Thi nhân Việt Nam.

Lâu nay, tôi đã chủ trương nhiều tờ báo và tạp chí văn nghệ, nhưng tôi không muốn nói đến quyển sách ấy. Vì tôi nghĩ không cần phải vội xác minh thái độ đối với một chương sách nói đến tôi từ năm 1941, trong lúc tôi bị tù. Và tôi nghĩ rằng sớm hay muộn tôi cũng sẽ ra mấy quyển thơ, trong đó tôi sẽ đặt dấu chấm trên chữ i.

Ngày nay, tôi rất tiếc ông Hoài Thanh không có mặt ở Việt Nam tự do (Sài Gòn trước 1975- LLVH). Nhưng tôi có phần tin chắc rằng bằng cách này hay cách khác tạp chí Phổ thông vẫn lén lút ra đến Hà Nội. Vậy nếu đọc bài này ông Hoài Thanh muốn trả lời trên một tờ báo nào ở ngoài ấy, tôi sẽ tìm đọc ông. Và nếu ông muốn, tôi sẽ đăng bài trả lời của ông trên tạp chí Phổ thông.

Có điều xin ông biết rằng ngày nay ông không thể dìm tôi được nữa như hồi 1941. Chứng cớ là lúc quyển sách ra đời thì tôi bị ở tù nhưng 18 năm sau, đến nay tôi vẫn có cơ hội chỉ những chỗ sai lầm ác ý của ông và nhận xét chân tướng của quyển sách vô giá trị kia.

(Phổ thông số 9, ngày 15 tháng 4 năm 1959)









(...)


----------------------------------------------------------------
trích một phần từ blog phan nguyên
============================================