Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

đọc thêm (4) : " vĩnh biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa - vị khách nhiệt tình của Văn Học Sài Gòn "/ Phan Hoàng ( tphcm) -- nguồn: vanhocsaigon

 

Vĩnh biệt nhà văn Lê Văn Nghĩa – vị khách nhiệt thành của Văn Học Sài Gòn


PHAN HOÀNG

Nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa, tức Hai Cù Nèo, vị khách nhiệt thành, người anh đáng quý trọng luôn có mặt trong những cuộc gặp gỡ, sinh hoạt của Văn Học Sài Gòn đã từ giã cõi đời ở tuổi 69 vào lúc 22h25 đêm 25.7.2021.


Nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa (1953 – 2021)

Mặc dù chống chọi bệnh ung thư hết sức đau đớn, nhưng anh Lê Văn Nghĩa luôn tỏ ra lạc quan, không bao giờ than thở khi gặp bạn bè. Tham dự nhiều cuộc giao lưu, chiêu đãi của Văn Học Sài Gòn, anh nhiệt tình đăng ký và chuẩn bị rượu Tây chiêu đãi lại anh em, nhưng do đại dịch Covid-19, chưa tới lượt… thì anh đã vĩnh viễn ra đi.

Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20.5.1953 tại tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc TPHCM, tham gia phong trào đấu tranh học sinh – sinh viên bị địch bắt bỏ tù, đày ra Côn Đảo.

Đất nước thống nhất, từ năm 1975 đến năm 2015 anh thuộc thế hệ đầu tiên làm báo Tuổi Trẻ, sau đó phụ trách tờ Tuổi Trẻ Cười. Anh có duyên với thể loại trào phúng, viết dưới các bút danh quen thuộc: Hai Cù Nèo, Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề,… đặc biệt là Hai Cù Nèo ký dưới các bài viết “ăn khách” khi phê phán thói hư tật xấu và những vấn đề thời sự nóng bỏng được bạn đọc quan tâm.


Nhà văn Lê Văn Nghĩa (bên phải) và nhà thơ Phan Hoàng

Sau khi nghỉ công tác quản lý tờ Tuổi Trẻ Cười, Lê Văn Nghĩa chuyên chú hơn vào sáng tác văn chương. Những tác phẩm mang tính hồi ức, tự truyện của anh về thời niên thiếu học dưới mái trường Bình Tây, tức trường Nguyễn Huệ ở quận 6 ngày nay, đã lần lượt ra đời: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ (2014), Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020) và riêng Mùa hè năm Petrus (2012) thì kỷ niệm thời trung học của anh được dựng lại quyến rũ và xúc động ở ngôi trường nổi tiếng Petrus Ký, nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở quận 5.

Có thể nói Lê Văn Nghĩa là một trong những “quái kiệt” của Sài Gòn, từ làng báo đến làng văn anh đều để lại dấu ấn riêng biệt. Là người lưu giữ và tái hiện sinh động đời sống văn hóa Sài Gòn – Chợ Lớn trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là những ký ức tuổi thơ, nhà văn Lê Văn Nghĩa xứng đáng được ghi nhận là cây bút tiêu biểu viết cho thiếu nhi, bên cạnh mảng trào phúng đặc sắc của Hai Cù Nèo.


Một số hình ảnh kỷ niệm đáng nhớ của nhà văn Lê Văn Nghĩa với Văn Học Sài Gòn

Năm ngoái Văn Học Sài Gòn đột ngột tiễn biệt nhà thơ Văn Lê đáng kính, bây giờ đến lượt nhà văn Lê Văn Nghĩa đáng trọng. Những tài năng văn chương Sài Gòn lần lượt rời chốn trọ trong niềm tiếc thương khôn nguôi của người thân, đồng nghiệp và bạn đọc.

Xin chia buồn với chị Minh Hạnh và toàn thể gia đình!

Kính chúc anh thanh thản miền cực lạc!

PHAN HOÀNG

đọc thêm (3) : " nhà văn LÊ VĂN NGHĨA để lại " gương mặt biết cuồi lặng lẽ " / Lê Thiếu Nhơn -- nguồn: Blog Lê Thiếu Nhơn (tphcm)

 

Nhà văn LÊ VĂN NGHĨA để lại gương mặt biết cười lặng lẽ


LÊ THIẾU NHƠN



Nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa ra đi vào tối 25/7, ở tuổi 68, trong những ngày TPHCM phong tỏa nghiêm ngặt. Không chỉ là một cây bút trào phúng trứ danh, nhà văn Lê Văn Nghĩa còn được yêu mến với các truyện dài thiếu nhi và những cuốn tạp bút có tính chất biên khảo.

 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20/5/1953 tại Chợ Lớn - Sài Gòn. Thời trai trẻ, anh đã có mặt trong phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh đô thị. Đất nước thống nhất, nhà văn Lê Văn Nghĩa trở thành một nhà báo chuyên nghiệp và tạo ra dấu ấn quan trọng trong lịch sử báo chí nước nhà với đặc san trào phúng mang thương hiệu Tuổi Trẻ Cười. Không chỉ thể hiện vai trò cá nhân qua các tiểu phẩm ký tên Hai Cù Nèo, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã tập hợp ở Tuổi Trẻ Cười những cây bút chuyên viết thể loại độc đáo này như Hoàng Thiếu Phủ - Hoàng Phủ Ngọc Phan, Đồ Bì - Vũ Đức Sao Biển, Đông Ki Rét - Trần Từ Duy…

Với những đóng góp cho Tuổi Trẻ Cười, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã có một sự nghiệp đáng kính trọng. Thế nhưng, nhà văn Lê Văn Nghĩa không chỉ là Hai Cù Nèo. Từng viết kịch trước khi làm báo, anh luôn có cảm giác nợ nần với văn chương. Vì vậy, khi bắt đầu phát hiện bản thân mắc bệnh nan y, anh quyết định ngồi xuống và viết về những hồi ức tuổi thơ Sài Gòn năm cũ. Liên tục những truyện dài thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa ra mắt và nhanh chóng chiếm được cảm tình độc giả như “Mùa hè năm Petrus”, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”“Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ”, “Mùa tiểu học cuối cùng”…

Không thể phủ nhận, những truyện dài thiếu nhi của nhà văn Lê Văn Nghĩa có những nét riêng biệt. Cảnh và người trong quá khứ cứ nối nhau trên từng dòng, từng trang của anh, như những chất liệu quý báu mà một người gắn bó với Sài Gòn cả cuộc đời mới có được. Thế nhưng, điều làm nên sự thú vị vượt trội của phong cách văn xuôi Lê Văn Nghĩa chính là ngôn ngữ dí dỏm. Đặc biệt, anh lưu giữ được cả kỷ niệm lẫn cách nói của tuổi học trò thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa tự thấy những truyện dài thiếu nhi  vẫn chưa đủ để cảm tạ mảnh đất đã nuôi dưỡng mình, nên anh viết thêm những tạp bút nhằm hé lộ những buồn vui với Sài Gòn. Các cuốn sách “Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian”, “Sài Gòn dòng sông tuổi thơ” và “Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ” không chỉ là những trang tư liệu của một nhà khảo cứu, mà còn là những trang tâm tình của một người trọng tình. Nhà văn Lê Văn Nghĩa thể hiện đầy đủ phẩm chất một nhân chứng tha thiết yêu Sài Gòn, đồng thời anh biết cách đối chiếu các nguồn tài liệu, để tài liệu báo chí và tài liệu văn học được tương tác và tôn vinh nhau. Đọc “Rạp hát - những thiên đường tuổi nhỏ”, người ta ngỡ ngàng vì bây giờ Sài Gòn đang mất dần các địa chỉ văn hóa lừng lẫy một thời như Vĩnh Khánh, Nam Quang, Thủ Đô, Lệ Ngọc, Đại Đồng, Long Vân… Đọc “Mua một giấc mơ”, người ta thích thú vì hiểu thêm về nghề bán vé số ở Sài Gòn từ ngày nghệ nhân Trần Văn Trạch còn hát “triệu phú đến nơi, chỉ mươi đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi”… Đọc “Đi ngược về những cái tên”, người ta bồi hồi về những địa danh đang phai mờ theo tốc độ công nghiệp hóa, từ Xóm Lách, Xóm Cải, Xóm Chỉ, Xóm Củi đến Lò Siêu, Lò Gốm, Lò Lu, Lò Than…

Một tác phẩm mà nhà văn Lê Văn Nghĩa dành nhiều tâm huyết là “Văn học Sài Gòn - 1954-1975, những chuyện bên lề”. Anh đã mất hơn 10 năm ngụp lặn trong các nguồn tài liệu khác nhau để có được cuốn sách này. “Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề” không sắp xếp theo trình tự thời gian hay khu biệt tác giả, mà được thể hiện ngẫu hứng như những câu chuyện nhàn đàm đắc ý. Độc giả vì vậy có thể đọc bất chợt một đề mục nào đó hoặc một nhân vật nào đó khi mở cuốn sách.

Nhiều năm qua, trên các diễn đàn văn hóa, đã có không ít ý kiến về việc đánh giá lại một cách nghiêm túc hơn về những đóng góp của văn chương miền Nam trước ngày đất nước thống nhất. Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã đưa ra cuốn sách “Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề” như một sự khai mở: “Tác giả không mong (và cũng không đủ sức) làm một nhà lý luận để nhận định hay ghi lại tiến trình văn học của Sài Gòn. Chỉ là cóp nhặt trong thời đại làm biếng, lười lẫm khi có máy tính với các nút chức năng cắt và dán. Tác giả chỉ có chút xíu công trạng là đọc, viết và chép lại, trích đoạn những hồi ký, tạp chí, sách vở. Mọi sự kiện, dù chính xác hay không đều nằm ngoài tầm tay và kiến thức của người chép. Nếu hồi ký của một nhà văn, bài báo nào đó trung thực, chính xác thì những điều ghi lại trong sách này sẽ đúng, nhưng còn ngược lại thì người chép bó toàn thân chấm com luôn. Nói trước vậy cho nó lành!”.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã mắc bạo bệnh hơn 10 năm nay. Thế nhưng, anh không bi quan và cũng không sợ hãi. Sau mỗi đợt hóa trị, anh lại tiếp tục viết. Sau mỗi lần ra viện, anh lại phóng chiếc xe máy cà tàng đi gặp gỡ bạn bè. Anh đã nỗ lực để không uổng phí ngày nào, và cũng không từ chối bất cứ lời đề nghị giúp đỡ nào của đồng nghiệp. Cách đây không lâu, anh nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi - Hội Nhà văn TPHCM và làm giám khảo cho một cuộc thi, với thổ lộ “tui cố gắng đến phút cuối cùng, nhưng hãy chuẩn bị nhân sự thay thế nhé”. Và bây giờ, anh lặng lẽ chìm vào xa vắng, để lại một gương mặt biết cười lặng lẽ trong làng văn - làng báo nước nhà./.

                                                                  LÊ THIẾU NHƠN


                    

đọc thêm (2) : " viết Nhân Nghĩa, sống Nghĩa Tình "/ nhà văn Bích Ngân ( chủ tịch Hội Nhà văn tphcm ) -- nguồn: https://sggp.org.vn>

 022

Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Viết nhân nghĩa, sống nghĩa tình


BÍCH NGÂN


SGGP 
Dẫu biết hơn 10 năm qua anh đã kiên cường chống chọi với bạo bệnh, dẫu biết tình yêu chữ nghĩa mãnh liệt đã giúp anh vượt lên để bền bỉ sáng tác… nhưng khi hay tin nhà văn Lê Văn Nghĩa ra đi, tôi và bạn bè anh không chỉ bàng hoàng, tiếc thương mà còn thấy rõ khoảng trống mà một nhà văn viết nhân nghĩa, sống nghĩa tình để lại. 

 Nhà văn Lê Văn Nghĩa trong buổi ra mắt hội đồng chuyên môn thuộc Hội Nhà văn TPHCM

Nhà văn Lê Văn Nghĩa trong buổi ra mắt hội đồng chuyên môn thuộc Hội Nhà văn TPHCM


1. Nhà văn Lê Văn Nghĩa từng có một thời gian đến với lĩnh vực sân khấu. Anh mê nhiều kiệt tác hài kịch của thế giới. Anh có thể thuộc lời thoại và nằm lòng những câu nói của những kịch tác gia mà anh yêu thích như Molière, Bernard Shaw… Điều này phần nào lý giải vì sao anh dốc sức cho Báo Tuổi Trẻ Cười, một tờ báo cười duy nhất của Việt Nam tồn tại, duy trì gần 40 năm qua.

Sân chơi hài hước đó cũng giúp Lê Văn Nghĩa nhiều lúc hóa trở thành những nhân vật như Điệp viên không không thấy, Đại Văn Mỗ, Thằng Hề… Những nhân vật này đang được Nxb Tổng hợp chọn in vào 2 tập truyện trào phúng Điệp viên không không thấy và Đại Văn Mỗ; Điệp viên không không thấy và nhà thơ thần giáng.

Chị Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nxb Tổng hợp, khi biết tin anh đang hấp hối, vội đưa bìa 2 quyển sách và viết ngay trên trang cá nhân: “Em đang hết tốc lực. Ráng chờ tụi em, anh Lê Văn Nghĩa ơi! Anh sắp chạm vào đứa con tinh thần của mình, anh ơi!”. 

Nhân vật truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa không chất chứa tiếng cười ra nước mắt như Kép Tư Bền, nhưng cái sự tưng tửng, cà khịa, cái thứ gì cũng biết, cũng thấy của Không Không Thấy, hay cái sự tham lam đểu giả vô hạn độ của Đại Văn Mỗ, góp phần phản ánh một góc hiện thực mà chỉ có thủ pháp dùng tiếng cười mới có thể thấy rõ hơn những ngóc ngách tối tăm, để từ đó có thể nhận diện, mổ xẻ và tìm cách rọi vào đó thứ ánh sáng mà trước nhất, ánh sáng nơi tâm hồn người viết. 


2. Mười năm lâm trọng bệnh là thời gian nhà văn Lê Văn Nghĩa dồn sức làm việc, làm việc “trối chết”. Những quyển sách ghi dấu ấn văn chương của Lê Văn Nghĩa đều ra đời trong khoảng thời gian này. Đó là những truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, tản văn, bút ký, ghi chép… về Sài Gòn, còn lại, đọng lại trong ký ức và tình cảm sâu lắng của một người Sài Gòn yêu tha thiết mảnh đất mình sinh ra và lớn lên cùng với những thăng trầm được mất của nó. 

Những Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ; Mùa tiểu học cuối cùng… tuy viết về trường lớp, về thầy cô, về tụi học trò phá như quỷ, nhưng Lê Văn Nghĩa, bằng sự trải nghiệm gần cả cuộc đời gắn bó Sài Gòn - TPHCM và bằng cách thể hiện qua ngôn từ bình dị, gần gũi, tự nhiên, nhẹ nhàng, đặc biệt là sự hài hước dí dỏm vốn có, đã phần nào khắc họa được cốt cách của con người nghĩa khí và vẻ đẹp nghĩa nhân của một đô thị lớn nhất phương Nam. 

Rồi gần đây, những quyển sách mà Lê Văn Nghĩa cho mình chỉ là người lượm lặt đây đó chuyện hay chuyện lạ của người Sài Gòn - TPHCM trong những quyển tạp bút Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ… rồi quyển  sách mà nhà văn Lê Văn Nghĩa dành nhiều tâm sức Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề, càng cho thấy rõ hơn phẩm chất cao đẹp ở một người cầm bút. Nhà văn không chỉ khắc họa phần nào vẻ đẹp nhân nghĩa của con người, của một vùng đất trải qua bao biến cố, mà muốn qua đó rút ngắn những cách biệt, mở rộng biên độ thấu hiểu, bao dung và nỗ lực gắn kết giữa con người với con người. 


3. Khi được Hội Nhà văn TPHCM mời làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi nhiệm kỳ mới, nhà văn Lê Văn Nghĩa cân nhắc khá lâu rồi mới nhận lời. Tôi nhớ anh nói dứt khoát: “Không biết trước đây thế nào, nhưng tôi giữ vị trí này thì đề nghị các thành viên hội đồng không gửi tác phẩm dự giải. Phải độc lập và khách quan”. Hôm Hội Nhà văn TPHCM ra mắt các hội đồng chuyên môn, anh nói: “Tôi có thể không tham gia được hết khóa, nhưng còn sức tới đâu, tôi làm hết mình tới đó”.  

Thật không ngờ, chỉ sau hơn một tháng ra mắt Hội đồng Văn xuôi, nhà văn Lê Văn Nghĩa gửi đến Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM lá đơn xin từ nhiệm. Anh viết: “Tôi được Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa VIII tin tưởng mời tôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi. Không thể phụ lòng tin yêu này, nên tôi đã nhận lời đảm trách. Nhưng với thời gian, tôi hiểu rằng mình không đủ sức khỏe để đảm trách tốt công việc này - một công việc cần sự cần mẫn, công tâm và mất nhiều thời giờ cũng như đủ sự minh mẫn…”.

Kèm theo đơn từ nhiệm là một quyển tiểu thuyết và một mẩu giấy viết tay: “Có thời gian nằm đọc hết quyển sách này. Tôi đề nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn và Hội đồng Văn xuôi đưa vào danh sách đề cử cho giải thưởng năm nay”. 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa là vậy. Hết lòng với bè bạn, với đồng nghiệp, tận tâm với công việc, luôn khao khát làm được nhiều việc giúp ích cho văn chương, cho cuộc đời, ngay cả khi vật vã trên giường bệnh.


Tang lễ nhà văn Lê Văn Nghĩa được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng tại TPHCM (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp). Do TPHCM đang trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình nhà văn tổ chức tang lễ đơn giản và mong mọi người hãy tưởng niệm nhà văn, thay vì đến viếng trực tiếp.

Nhà văn BÍCH NGÂN