Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

" Sài Gòn Buồn "/ Đỗ Văn Trọn ( San José) -- source: https://www.dutule.com / author ... >

 ĐỖ VẪN TRỌN - Sài Gòn Buồn

31 Tháng Bảy 202111:05 SA(Xem: 12)
ĐỖ VẪN TRỌN - Sài Gòn Buồn
Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
Tiếng hàng rao tắt lịm trong đêm
Những em bé đánh giày không còn thấy
Người bán vé số, người ăn xin giờ co cụm ở đâu đâu?
Những con hẻm, những con đường
Im ỉm tiếng thân quen
Buổi sáng sớm được tin em đã mất
Sài Gòn buồn nhỏ lệ thương đau
Xác em giờ ở mãi nơi đâu
Hay hỏa táng một phương trời vô định
Không tang lễ, không người đưa tiễn
Không họ hàng bái biệt thương linh
Sài Gòn giờ giới nghiêm
Sài Gòn u tịch phảng phất trầm hương

Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
Vườn Tao Đàn vắng hẳn bước chân vui
Công viên buồn nhớ bước chân qua
Dáng em ngồi hờ hững giữa mùa thi
Phố đi bộ chào quên người viễn khách
Nguyễn Trãi về trống vắng hơi đêm
Phố xá đìu hiu, trống trải
Tiếng còi xe như ngừng thở đêm qua

Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
Buổi chiều hẹn không còn nắng rực
Bến Bạch Đằng gió lộng theo sau
Hoài mong chờ người qua bến đỗ
Em đâu rồi!
Biền biệt nơi đâu?
Nhớ Sài Gòn, lòng giăng nhiều cảm xúc
Những bạn bè, hàng quán thân quen
Những trưa về đón đợi ở Gia Long
Bao nhan sắc làm cho người khốn đốn

Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
Chuông giáo đường không còn lời ngân thánh
Đức Bà buồn quy tích trăm năm
Tan lễ về theo em xuống phố
Chủ nhật hồng bừng lên trong mắt đẹp
Bụi đường, xe cộ, đèn đỏ, đèn xanh
Lê Thánh Tôn yên ắng lạ thường
Bàn Cờ, Tân Định hiu hắt đêm về
Phạm Ngũ Lão buồn xo người khách lạ
Duy Tân đổ bóng chiều hoang phế

Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
Sài Gòn những cơn mưa buổi chiều
Không còn dòng người vội vã
Xe cộ chen nhau hối hả về
Dù che, áo mưa đủ màu, đủ kiểu
Cả mặt đường chỉ mỗi tiếng mưa rơi
Sài Gòn thả bộ trên đường phố
Bóng em về òa vỡ hân hoan
Sân trường cũ tóc dài bên áo trắng
Anh đứng nhìn quên cả tiếng chuông vang
Hàng phượng vỹ ngập đầy trong ánh nắng
Con đường về dẫn lối lá me bay
Nhớ Sài Gòn như lòng đang chảy máu
Nước mắt rơi theo từng người lâm bệnh
Sài Gòn của tôi, Sài Gòn của em
Giờ như chiếc lá vàng ủ rũ
Người quét đường ngơ ngẩn nhìn theo
Sài Gòn ơi! Sài Gòn đầy kỷ niệm
Góc thiên đường còn mãi đâu đây

Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
Sài Gòn đầy thương nhớ!
Sài Gòn bật khóc
Sài Gòn im lặng đáng sợ!
Sài Gòn của tôi đâu?
Bóng kiêu hãnh giai nhân huyền thoại
Ủ rũ lòng một thoáng nhớ hương xưa
Sài Gòn, nhịp sống như ngừng thở
Kẻ tật nguyền mất hẳn trong đêm

Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
Những chiếc xe nối đuôi về quê cũ
Tìm an bình nơi những cánh đồng xanh
Mơ Sài Gòn lặng lẽ hồi sinh
Thầm ao ước một ngày trở lại
Sài Gòn buồn như chưa từng có
Khắc khoải lòng thương nhớ, Sài Gòn ơi!

Đỗ Vẫn Trọn
San Jose, ngày 28 tháng Bảy năm 2021

=============

bài đọc thêm (4) : " nhà văn Trần Nhã Thụy " -- nguồn : www.vanchuongphuongnam.vn>

 

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ

1313

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Trần Nhã Thuỵ tên thật là Trần Trung Việt, sinh năm 1973 ở Quảng Ngãi. Từ năm 1991 đến nay học và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn – báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Từng làm việc tại Ban Văn hoá – văn nghệ báo Tuổi Trẻ, Trưởng đại diện báoTuổi Trẻ & Đời Sống tại TP.HCM, Trưởng chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM, Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra kiêm Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM khoá VII nhiệm kỳ 2015-2020. Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011.

Nhà văn Trần Nhã Thụy

 

Tác phẩm đã xuất bản:

– Lặng lẽ rừng mai (tập truyện ngắn)

– Thị trấn có tháp đồng hồ (truyện dài)

– Những bước chậm của thời gian (tập truyện ngắn)

– Gối đầu trên mây (tập tạp văn)

– Sự trở lại của vết xước (tiểu thuyết)

– Chàng trẻ măng ở phố treo đầu (tập truyện ngắn)

– Cuộc đời vui quá không buồn được (tập tạp văn)

– Mùi (tập truyện ngắn và tạp văn 2012)

 Hát (tiểu thuyết 2014)

– Triều cường, chân ngắn và rau sạch (tạp văn 2014)

 

Giải thưởng văn học:

– Giải thưởng Truyện ngắn trẻ (báo Văn Nghệ Trẻ – Hội Nhà văn Việt Nam 1998).

– Giải thưởng Truyện ngắn Văn học cho tuổi trẻ (NXB Thanh Niên – báo Văn Nghệ- Hội Nhà văn VN 2003).

– Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM cho tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước(năm 2009).

Quan niệm về văn học:

‘Viết, là tự lưu đày bản thân’ như Linda Lê nói, hay ‘tự sát thương’ mình, theo tôi cũng là theo nghĩa đó. Quả là buồn khi người đọc chỉ chăm chú theo dõi truyện kể gì, mà không hề để ý tới việc tác giả ứng xử với câu chữ như thế nào.

Tác phẩm trên Văn Chương Phương Nam – Hội Nhà Văn TPHCM

Ảnh tư liệu:


Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

bài đọc thêm (3) : " sức đọc, sức mua chậm đi một cách đáng lo ngại " / phỏng vấn: Việt Quỳnh -- nguồn: báo Đại Đoàn Kết ( Hà Nội)

 

Sức đọc, sức mua chậm đi một cách đáng lo ngại

VIỆT QUỲNH (THỰC HIỆN)

Đối với nhà văn, sự thay đổi về nhận thức là rất quan trọng. Nếu như không có sự thay đổi từ bên trong thì nhà văn chỉ tiếp tục trượt dài như chơi trò lướt ván trên bãi cỏ mênh mông của cuộc đời mà thôi”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy.
Nhà văn Trần Nhã Thụy.

Một năm qua, nếu nhìn bên ngoài, cuộc sống của tôi không có gì mới, nhưng sâu vào bên trong, thì có thể nói là nhiều biến chuyển về tâm trạng và nhận thức. Đối với nhà văn, sự thay đổi về nhận thức là rất quan trọng. Nếu như không có sự thay đổi từ bên trong thì nhà văn chỉ tiếp tục trượt dài như chơi trò lướt ván trên bãi cỏ mênh mông của cuộc đời mà thôi”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ về cuộc sống, công việc của cá nhân anh cũng như tình hình văn học, xuất bản trong năm qua: “Biết bao người đã chết vì dịch bệnh, vì thiên tai… Cho nên, tôi nghĩ mình thật may mắn khi còn sống khỏe mạnh, sống một cuộc sống bình thường, vẫn có công việc để làm, kinh tế cũng tạm đủ trang trải cho gia đình, lo cho con cái học hành…”.

Vài năm trước, nhà văn Trần Nhã Thụy may mắn dành dụm mua được một căn nhà vườn ở Long Mỹ (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ban đầu anh nghĩ cứ mua để đấy, khi nào về hưu, khoảng mười năm nữa thì sẽ về sống, làm vườn và viết lách. Thế nhưng khi dịch bệnh bất ngờ diễn ra, cả xã hội sống trong sự cách ly và tự giãn cách, do không phải đến cơ quan thường xuyên, nên nhà văn Trần Nhã Thụy có thời gian để về nhà vườn, chăm sóc sửa sang nhà cửa, trồng hoa trái, trồng rau. Do không có điều kiện cũng như chẳng thể có “một cục tiền” để làm nhà vườn như mong muốn, nên nhà văn Trần Nhã Thụy làm theo kiểu “nhà quê”. Và tuần nào anh cũng nhảy xe đò về dọn dẹp nhà cửa, trồng tỉa cây cối. “Ở đó, chúng tôi cũng làm quen với những người dân địa phương, vợ chồng tôi có nhờ vợ chồng một bác hàng xóm ngó chừng nhà, tưới cây mỗi ngày, thù lao ít thôi, nhưng họ quý vợ chồng tôi nên giúp đỡ cũng nhiều”, anh chia sẻ.

Cứ thế, sau vài tháng, gia đình anh đã có một ngôi nhà sơn xanh và mảnh vườn xinh xắn. Với nhà văn Trần Nhã Thụy, đó là điều đáng nói nhất, cũng là niềm vui của anh trong năm vừa rồi.

Có thể thấy Trần Nhã Thụy là một nhà văn đa tài và rất nhiều nghề, dường như anh luôn muốn thử sức mình ở mọi lĩnh vực, dù là trong hoàn cảnh khó khăn: “Tôi không khiêm tốn đâu. Nhưng nói “đa tài” thì hào phóng cho tôi quá”. Nhà văn Trần Nhã Thụy trò chuyện với tôi vào những ngày cuối cùng của năm 2020 đầy biến động: “Tôi nghĩ mình chỉ là người bình thường, thậm chí rất bình thường, chả có tài cán gì. Tôi cũng không làm nhiều nghề lắm đâu. Nghề chính của tôi, hiện giờ vẫn là viết lách. Tôi vẫn kiếm tiền chính nhờ viết lách. Chắc nói ra không ai tin nổi là trong một năm qua, tôi đã chấp bút hai cuốn sách cho hai người, và đã hoàn thành nó một cách xuất sắc. Tức làm cho khách hàng rất hài lòng.

Cho nên, nếu có chút gì tự hào thì đó là khả năng “chịu cày” của tôi. Tôi làm việc nhiều, cày ải bền bỉ, và ít khi nghĩ tới chuyện chơi bời đàn đúm… Đó dường như cũng là tính cách của người miền Trung vốn nghèo khó.

Còn chuyện tôi bán hàng online, làm shipper này nọ, cũng là thật 100%. Nhưng thực ra là tôi bán hàng giùm cho bạn bè là chính. Chuyện này có lần tôi đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình rồi”.

Làm kênh Vlog cũng là một trải nghiệm thú vị của nhà văn Trần Nhã Thụy trong thời gian giãn cách xã hội. Khi ấy, cả gia đình anh thường về Bà Rịa, các con học online, và hai cậu con trai của anh bắt đầu “bày trò” làm Vlog. Anh kể:

“Cậu con đầu có năng khiếu ảo thuật, nên làm những clip về ảo thuật. Cậu út thích đọc sách, xem phim nên làm kênh review sách và phim. Chúng tự học trên mạng rồi tự làm từ A-Z. Sau đó chúng bày cho tôi làm.

Tôi suy nghĩ mãi nên làm kênh gì? Thực ra ban đầu tôi muốn làm một kênh về… nấu ăn, nấu các món dân dã nhà quê. Nhưng nếu nấu ăn không thôi thì nhiều người làm rồi, nên tôi mới làm mở rộng ra, lấy tên Vlog là: “Tôi là người nhà quê”. Tôi muốn chia sẻ về văn hóa làng quê Việt Nam.

Nhưng làm được vài cái video thì tôi bận quá. Lúc này tôi phải làm vài dự án khác, cũng là cơ hội để làm kinh tế, cho nên tôi tạm gác Vlog lại. Chắc là sau Tết tôi sẽ làm lại. Song song với kênh này, tôi muốn làm một kênh kiểu như hài độc thoại (Stand-up comedy). Nhân đây cũng xin nói thêm, nhiều người cứ nghĩ tôi thuộc loại sâu sắc và nghiêm trọng, nhưng thực sự tôi là người rất mau quên hay rất thích hài hước.

Khi tôi làm Vlog, có nhà báo hỏi tôi rằng, anh có nghĩ tới chuyện kiếm tiền không? Tôi trả lời ngay là “Có chứ”. Thực ra là tôi nói đùa thôi. Tôi làm Vlog cho vui thôi. Như một kiểu giải trí, làm mới mình, thử sức mình ở một lãnh vực khác xem sao, xem mình có thể… nhí nhố tới mức nào?”

Con trai của anh mỗi khi làm video đều ngồi viết kịch bản cẩn thận, nhưng nhà văn Trần Nhã Thụy thì không thích viết kịch bản. Anh thích kiểu nói ngẫu hứng, mà với anh, nói ngẫu hứng có khi hay có khi lại rất tệ. Vì thế, nhà văn Trần Nhã Thụy làm Vlog có khi nhanh mà có khi rất lâu, vì phải quay đi quay lại nhiều lần.

“Như đã nói, tôi làm chơi là chính, nên cũng không “nghiên cứu” nhiều về các kênh Vlog khác. Tuy nhiên xem qua thì tôi thấy, ở Việt có 2 dạng Vlog được người xem rất đông: 1/ Vlog nói chuyện chính trị; 2/ Vlog nhảm nhí giật gân. Tính thông tin trong Vlog là nhiều. Nhưng thông tin thật và kiến thức thật thì rất ít.

Còn với tư cách một nhà văn, khi làm Vlog, tôi tự thử sức mình kể một câu chuyện bằng chính cái giọng mình thì sẽ như thế nào”.

Về hoạt động văn học, nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ: “Một năm qua chúng tôi (phối hợp với nhóm Văn học Sài Gòn) tổ chức được hai buổi tọa đàm: “Sài Gòn trong tạp văn” và “Nhà văn mùa Covid-19”. Đó cũng đồng nghĩa với nỗ lực xã hội hóa hoạt động văn chương. Tôi luôn nghĩ, trong khả năng của mình, làm được gì tử tế thì làm. Vậy thôi”.

Thời gian này, nhà văn Trần Nhã Thụy đang viết một vài truyện ngắn đề tài nông thôn. Và, anh sẽ triển khai một tiểu thuyết mới. và có lẽ như anh chia sẻ, “mong muốn tột bậc” của anh trong năm Tân Sửu sắp tới, là viết được một kịch bản phim điện ảnh ưng ý   ./.


VIỆT QUỲNH

thực hiện


==========

bài đọc thêm (2) : " nhà văn Trầ n Nhã Thụy : tự bán sách để ... gần hơn với độc giả " / phỏng vấn : Văn Bảy -- nguồn : Thể Thao & Văn Hóa ( 25/ 02/ 2020)

 

Nhà văn Trần Nhã Thụy: Tự bán sách để... gần hơn với độc giả


VĂN BẢY
thực hiện phỏng vấn

Thứ Ba, 25/02/2020 08:17 GMT+7

    (Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Trần Nhã Thụy vừa làm một thử nghiệm thành công: Tự phát hành tác phẩm Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác (NXB Hội Nhà văn). Với một cây bút có tiếng tăm, truyện ngắn thường sẽ dễ thu hút các đơn vị làm sách. Vậy, vì sao Thụy chọn hướng này?

    Nhà văn Trần Nhã Thụy “kết model” thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

    Nhà văn Trần Nhã Thụy “kết model” thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh


    Ngoài viết báo, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết… ít người biết Trần Nhã Thụy còn là một cây bút trào phúng “ngoại hạng” với các bút danh: Hai Đầu Méo, Ký Giả Lang Thang, Tang Văn Tình.
    “À tôi muốn thử bạn đọc của mình như thế nào, nếu tôi tự in, tự bán thì sẽ bán được bao nhiêu cuốn” - Thụy trả lời.

    * Hẳn trên đây không phải là lý do duy nhất?

    - Đó là lý do gần, ngoài ra còn có lý do hơi sâu xa. Vài năm nay, như anh biết, tôi tham gia vào làng xuất bản, cho nên cũng hiểu nhiều chuyện mà trước đây mặc dù làm phóng viên chuyên viết mảng sách, tôi cũng chỉ hiểu một cách đại khái.

    Thực ra, sách văn chương rất khó bán. Trong khi đó để đầu tư cho một đầu sách với số lượng chừng 1.000 - 2.000 bản, thì đơn vị làm sách phải bỏ ra từ 50 tới 100 triệu đồng, gồm cả tiền xin giấy phép, biên tập, thiết kế, in ấn, tiền tác quyền. Nếu muốn thu hồi vốn và kiếm lời chút đỉnh thì phải bán hết chừng ấy sách. Và cũng cần nói thêm, chiết khấu phát hành hiện nay là 50% giá bìa, do vậy mà không “dễ ăn” như nhiều người tưởng.


    Cho nên, mặc dù bản thảo của mình cũng không đến nổi khó “gả”, tôi vẫn không muốn làm gánh nặng cho ai đó. Hơn nữa tôi cũng không muốn ràng buộc hợp đồng - thông thường là 5 năm, một thời gian khá dài. Tự mình làm thì tôi có quyền chủ động theo ý của mình. Cũng may là cuốn sách đầu tiên tự làm này, tôi nhận được nhiều lời khen từ độc giả, để có thêm chút tự tin rằng sau này có thể tiếp tục tự làm sách của mình rồi đi bán.

    Chú thích ảnh
    Nhà văn Trần Nhã Thụy

    * Đến nay anh đã bán được bao nhiêu bản?

    - Do tôi xin giấp phép 500 bản, nên đã cho in đủ 500 bản, hiện bán cũng gần hết rồi. Thực ra thì sau Tết, do tình hình dịch cúm ảnh hưởng nặng nề tới đời sống sinh hoạt nên tôi cũng gần như ngưng việc bán sách.
    Như đã nói, mục đích tôi bán không phải là để kiếm tiền hay làm giàu gì cả. Tôi trực tiếp bán sách là để có thể chạm gần tới độc giả của mình. Thực tế thì có người chuyển khoản trả cao hơn giá bìa, nhưng cũng có nhiều người nhận sách rồi mà… quên trả tiền (cười). Nhưng tôi sẽ không đòi đâu. Có nhiều độc giả dễ thương lắm, nhận sách rồi, họ nhắn tin hỏi tôi số tài khoản, nhưng tôi chậm nhắn lại, hoặc quên nhắn, họ bảo tôi sao bán sách mà có vẻ không cần tiền. Thực ra, cái mình cần là người đọc, chứ không phải là tiền. Anh không biết chứ người giàu thì luôn cần tiền, còn người nghèo như tôi thì thỉnh thoảng mới cần tiền (cười).

    * Từ việc bán này, anh nghiệm ra điều gì về mối quan hệ giữa tác phẩm văn chương và đời sống hiện nay?

    - Như đã nói từ ban đầu, việc bán sách của tôi còn xuất phát từ một suy nghĩ nghiêm túc: Tôi muốn mọi người hãy bỏ tiền ra mua sách về đọc thay vì bắt tác giả phải tặng. Thói quen đọc sách không thể có nếu như không có thói quen mua sách. Nhiều năm qua, tôi thấy rất nhiều tổ chức làm công việc tặng sách, nhưng tôi có cảm giác việc làm này không thành công ở khía cạnh nâng cao văn hóa đọc. Nếu người ta không cần sách thì dù có để sách trước mặt họ cũng thờ ơ. Còn nếu cần thì họ ắt phải tìm mua. Suy nghĩ ấy có thể đúng hoặc sai, nhưng thực tế nhiều năm nay, nếu thấy bạn văn ra sách thì tôi tự động đặt mua mà không chờ đợi tặng nữa. Khi mình chủ động bán sách thì mình thấy vấn đề không phải là tiền. Độc giả nếu thích thì giá cả không thành vấn đề. Bởi thực ra sách luôn rẻ.
    Chú thích ảnh
    Tập “Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác” của Trần Nhã Thụy

    * Vậy thì, nếu chỉ còn có 50 độc giả thực sự muốn đọc anh, anh có tiếp tục viết không? Tại sao?

    - Nhà văn Heinrich Boll có viết một cái truyện khá hài hước có tựa là Đi tìm độc giả. Truyện kể về một nhà xuất bản lập một chiến dịch truyền thông cho một nhà văn tài năng. Nhưng tiếc là sách của nhà văn này chỉ in ra vài chục bản. Do vậy mà nhà xuất bản nọ mở một cuộc thi Đi tìm độc giả. Khi sách phát hành, nếu độc giả nào gửi thư về nhà xuất bản thì sẽ nhận được “combo quà tặng” là một vé tàu lửa về thành phố, được ở một đêm ở khách sạn và thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn với nhà văn.
    Thế rồi, sau nhiều ngày, cuối cùng họ cũng tìm ra được một độc giả. Theo đúng kịch bản, tác giả và độc giả gặp nhau. Thế nhưng, có một sự éo le không nhỏ là độc giả này cũng chính là một tác giả, hay nói đúng hơn là một người đang tập viết văn. Ông ta mang bản thảo tới nhờ nhà văn nổi tiếng kia đọc để góp ý giùm.
    Nhà văn nổi tiếng khuyên độc giả là đừng làm mất đi “tính độc đáo” của mình, tức bấy giờ, làm độc giả mới là độc đáo, chứ làm tác giả thì quá bình thường, hơn nữa khi để “lộ diện” mình là tác giả thì sẽ bị mất giải thưởng. Nhưng ông người đọc kia vẫn khăng khăng, vì cái ông muốn thành là tác giả chứ không phải là độc giả.

    Truyện này hình như được viết từ những năm 1940, nhưng tới nay tôi thấy tinh thần và tính hiện thực của nó vẫn còn nguyên. Như xung quanh tôi đây cũng đầy những tác giả, có lẽ ai cũng muốn người nào đó là độc giả chứ không phải là mình.
    Nhà văn viết trước hết là vì mình cho mình rồi mới nghĩ tới độc giả. Nếu chỉ có 50 độc giả, tôi còn viết không? Tôi nghĩ là vẫn còn. Nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu 50 người này thuần túy là người đọc, còn khi tất cả họ đều có “âm mưu” trở thành tác giả thì đâu còn gì độc đáo nữa (cười).
    Chú thích ảnh
    * Nói sứ mệnh thì sợ sáo rỗng, nhưng theo anh thì vì sao nhà văn phải viết?

    - Mỗi nhà văn, có lẽ đều có một quan niệm về nghề. Có người bảo khi sống họ cảm thấy mắc nợ. Nợ dân nghèo, nợ quê hương…, họ viết để đấu tranh hay truyền tải những thông điệp nhân văn nào đó. Còn tôi thì sao? Thành thật mà nói thì tôi không có những quan niệm to tát như vậy.
    Anh hỏi vì sao nhà văn phải viết? Đơn giản, nếu không viết thì đâu phải nhà văn. Nhà văn, bằng khả năng ngôn ngữ của mình, là người kể chuyện, mang đến cho người đọc những câu chuyện khiến họ thích thú, làm họ xáo trộn, dẫn họ vào những vùng cảm xúc rất con người… Nói như Sándor Márai thì nhà văn là những người thợ kim hoàn, là những người lao động chữ một cách công phu nhất. Tôi nghĩ nhà văn không phải là nhà đạo đức, mà là người phàm trần.

    * Có tác phẩm nào mà anh đang ấp ủ hoặc viết rồi mà chưa in?

    - Tôi đang có vài ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết mới. Những ý tưởng này cứ thay đổi liên tục nên chưa thể nói trước được gì. Nhưng, có lẽ tôi sẽ viết một cuốn với chủ đề thiện và ác. Tôi là người rất thích cuốn Của chuột và người của John Steinbeck. Có lẽ tôi sẽ “bắt chước” viết một cuốn như vậy. Tiểu thuyết mỏng nhưng chuyện có vẻ dông dài và kỳ khôi.  ./.

    * Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
    Văn Bảy (thực hiện)

    ===================