bài đáng đọc: " "Nhà Văn Võ Hồng [ 1923- 2013 ) -- Mười Năm Mây Bay "/ Lê Đức Dương -- trí ch: vanhocsaigon : 31/ 03/ 2023.
Nhà văn Võ Hồng – 10 năm mây bay
Cách đây tròn 10 năm, ngày 31.3.2013, nhà văn Võ Hồng ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ chiều xuân dưới bóng cây khế đong đưa thoang thoảng ở ngôi nhà số 51 Hồng Bàng – Nha Trang hưởng thọ 92 tuổi.
Võ Hồng, sinh ngày 21.01.1923 (ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm Tuất) nhưng ghi trên giấy tờ ngày 5.5.1921, tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trong truyện “Mái Chùa Xưa” của ông có đề cập đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình: “Làng tôi có ba ấp, mỗi ấp có một ngôi chùa. Tôi ở ấp Quảng Đức, lên năm tuổi đã biết tên chùa là Châu Lâm… Chùa Châu Lâm có một cái tên nôm là Chùa Đồn Mạ”. Ông là anh cả trong gia đình có hai em trai và bốn em gái. Mồ côi mẹ lúc mười một tuổi, được thân phụ nuôi dưỡng, cho học hành thành tài.
Năm 1940, sau khi đậu tú tài, Võ Hồng đi làm công chức cho chính phủ Trần Trọng Kim và sau này là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1949, Võ Hồng giã từ công việc của một viên chức nhà nước, ông chuyên tâm vào công việc dạy học và viết văn. Võ Hồng cầm bút khá sớm. Từ năm 1939, Võ Hồng đã có truyện ngắn đầu tay “Mùa gặt” đăng trên “Tiểu thuyết thứ Bảy” với bút hiệu Ngân Sơn. Trong cuộc đời sáng tác, Võ Hồng còn sử dụng các bút danh: Võ An Thạch, Võ Tri Thủy.
Năm 1959, Võ Hồng xuất bản tập truyện ngắn “Hoài cố nhân“. Tác phẩm vừa ra đời đã được người đọc đón nhận nồng hậu. Từ năm 1959 đến năm 1993, Võ Hồng đã sáng tác và xuất bản hơn 20 tác phẩm, gồm: “Hoài cố nhân” (1959), “Lá vẫn xanh” (1962), “Vết hằn năm tháng” (1966), “Con suối mùa xuân”( 1966), “Khoảng mát”(1969), “Bên kia đường” (1968), “Những giọt đắng” (1969), “Trầm mặc cây rừng” (1971), “Trong vùng rêu im lặng” (1988), “Thiên đường ở trên cao” (1988), “Vẫy tay ngậm ngùi” (1992), “Chia tay người bạn nhỏ” (1991), “Một bông hồng dâng cha” (1991), “Thương mái trường xưa” (1993), “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”…
Ngoài tư cách nhà văn, Võ Hồng còn là một nhà giáo được nhiều thế hệ học trò yêu quý. Thời kháng chiến chống Pháp, ông làm Hiệu trưởng trường Trung học Lương Văn Chánh, nay là trường chuyên của tỉnh Phú Yên. Từ năm 1956 đến năm 1982 Võ Hồng làm nghề giáo ở thành phố biển Nha Trang.
Về văn nghiệp của Võ Hồng nhiều học giả đã đánh giá là cây bút xuất sắc tiêu biểu của văn học miền Nam cùng với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy… Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có nhận xét Võ Hồng là một nhà văn xuất sắc, là “một cây bút hàng đầu trong 20 năm văn học đô thị miền Nam”. Nhà văn Nguyễn Khải cũng tâm đắc: “Không ngờ Võ Hồng viết hay thật!”
Tuy nhiên ở một góc khuất ít người để ý là những khoảnh khắc cô đơn miên man hơn nửa cuộc đời sau của Võ Hồng. Trước tiên là người vợ yêu của ông mất năm 1957 để lại cho ông giáo chưa đến tứ tuần 3 đứa con thơ đầy nheo nhóc. Bà Phan Diệu Báu vợ Võ Hồng là người phụ nữ con gia đình quyền quý ở Đà Lạt. Theo chị Võ Thị Diệu Hằng – con gái lớn nhà văn kể lại: “Mẹ tôi khi còn con gái biết chơi dương cầm. Nhà có hai chiếc: một cái đặt ở phòng ngủ, cái đặt phòng khách để mẹ chơi. Mẹ tôi học trường Couvent dé Oiseux Đà Lạt nhiều lần gặp bà Hoàng hậu Nam Phương vì cùng trường. Má hay đàn hát thánh ca ở nhà thờ Con Gà được báo chí khen có giọng hát kim cương…”
Họ gặp nhau trong thời chiến tranh loạn lạc. Bà Diệu Báu theo ông về quê rồi sơ tán khắp nơi : Phú Yên, Ninh Thuận, Đà Lạt cuối cùng về Nha Trang đến khi bà ra đi.
Về phút giây người vợ ra đi bỏ lại người chồng trẻ cùng đàn con thơ đứa thật thê thảm. Thầy giáo Võ Hồng cùng bạn bè, những học sinh của mình rồng rắn đưa tiễn người vợ đến nghĩa trang Phật giáo Hòn Chồng, Nha Trang. Nước mắt Võ Hồng lã chã rơi trong đau khổ của mùa hè chói chang phố biển (tháng 7 năm 1957). Trước đó Võ Hồng đã đưa vợ đi khắp nơi để chữa bệnh tim cho vợ nhưng không kết quả.
Chị Võ Thị Tri Thủy – con út của nhà văn Võ Hồng kể: “Khi mẹ mất khi đưa ra nghĩa trang. Cha tôi không cho tôi đi vì sợ say nắng bởi tôi mới 3 tuổi. Tôi vẫn nhớ một thời gian dài, những buổi chiều sau buổi đi dạy học về, hoặc những lúc ăn cơm xong cha tôi nằm trầm ngâm trên chiếc ghế bố đặt ở sân. Tôi leo lên ngực cha ôm thật chặt. Ông vuốt tóc tôi êm đềm. Bỗng những giọt nước mắt rơi lã chã lăn dài trên gò má cha. Chắc cha đau đớn lắm! Nhưng cha giấu không muốn hai đứa con lớn thấy niềm xót xa của mình…” Sau này nhà văn có viết truyện ngắn “Lạnh tuổi thơ” để vẽ cảnh” Gà trống nuôi con” của mình thật xúc động.
Có một điều lạ, dù vợ mất khi mới 34 tuổi. Là thầy giáo khả kính, một trí thức hàng đầu với văn tài quá nổi tiếng mà sao Võ Hồng vẫn còm cõi một mình cùng đàn con thơ? Trong văn chương của mình, chính Võ Hồng cũng bày tỏ mình rất đa cảm và đa tình chứ không phải khô khan khiêm cung. Truyện ngắn “Thơm ngát hương cau” đăng trên báo Tuổi trẻ chủ nhật tháng 12 năm 1989 đã thể hiện điều đó. Đây là truyện ngắn đầu tiên ông “tái xuất” trên báo chí sau giải phóng với cái tên Võ Hồng. Tác giả “ngượng ngập” kể lại chút “gió thoáng hương bay” của mình với một phụ nữ tên Huấn ở xóm nhỏ Gò Cau, Bồng Sơn ( Bình Định) khi tản cư lánh nạn phải giấu thân phận một thầy giáo nổi tiếng để làm thợ hớt tóc.
Theo lý giải của những người con của Võ Hồng việc lựa chọn ở vậy nuôi con chính là lòng yêu thương bao la của ông. Bởi ông sợ các con sẽ khổ khi cha đi bước nữa. Ông bày tỏ với các con: “Cha sợ mẹ kế sẽ không thương các con!” Hình ảnh thầy giáo Võ Hồng cao lêu khêu, chuyên đi chiếc xe gắn máy Velo Solex tiếng kêu bình bịch chạy từ trường về ngôi nhà nhỏ gần chợ Xóm Mới, Nha Trang thực sự thân thương ấm áp làm sao. Do cảnh nuôi con nhỏ nên Võ Hồng phải nhờ nhiều những “ người bạn gái ”- đó là những người đồng nghiệp, bạn đọc yêu văn chương quý mến ông giúp tư vấn dạy dỗ con mình. Theo chị Võ Thị Tri Thủy đích thân cha hay lo lắng từ giấc ngủ cho đàn con, dẫn con đi tắm biển, đưa con đến trường mình dạy để tiện về chăm sóc. Hình ảnh ông giáo – nhà văn trong mắt các con lúc giống con gà trống lộc ngộc ngơ ngác trong mưa chiều. Lúc giống như con chim cánh cụt đầy cô đơn trên băng giá. Tuy nhiên người cha luôn vui vẻ hài hước, lạc quan với các con không bao giờ cáu bẳn hay tức giận. Bởi thế sau này khi các con lớn khôn đi du học và định cư tất cả ở nước ngoài ông vẫn vui vẻ chấp nhận sống cô đơn ở ngôi nhà nhỏ của mình ở Nha Trang như một định mệnh.
Là người trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống từng đi là Bí thư tòa Tổng đốc Đà Lạt của chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, làm trưởng ty Bình dân Học vụ tỉnh Phú Yên thời kháng chiến, Hiệu trưởng trường Lương Văn Chánh ( Phú Yên) năm 1949, cuối cùng vẫn là ông giáo thuần khiết. Một ông giáo có tri thức đầy sang trọng và nhân cách lớn. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban từng là học trò Võ Hồng ở trường Bồ Đề (Nha Trang) những năm 1950 kể lại, thầy Võ Hồng ngoài là nhà sư phạm mẫu mực, thầy rất uyên bác vì thầy dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và cả tiếng Hán. Thỉnh thoảng thầy dạy sinh học nữa. Đặc biệt thầy có cách dạy rất độc đáo: vừa vui vừa dễ hiểu. Với thầy mọi thứ phức tạp mấy cũng đơn giản và hài hước, chất humour (hài hước) trí tuệ luôn có sẵn ở tâm hồn ông.
Với môn văn của thầy học trò tha hồ được“trải nghiệm” các trò chơi như Nối điêu – một dạng thay đổi đoạn kết câu truyện để học sinh được tưởng tượng sáng tạo; thầy dạy làm thơ viết văn. Thấy học trò nào có năng khiếu thầy khuyến khích động viên sáng tác. Một học trò khác của ông là Trần Hữu Cư chia sẻ: “Những ngày tôi bắt đầu bước chân học vào trung học. Hình bóng thầy Võ Hồng đã trở thành thân yêu nhất, thân yêu không phải vì ông là giáo sư dạy hay, dạy giỏi mà chính là nhân cách và tâm hồn phiêu bồng của ông”.
Những năm cuối đời sống ở Nha Trang thầy giáo Võ Hồng tiếp hàng trăm lượt khách đến thăm trong đó phần lớn đều là học trò và nhiều người không phải là học trò nhưng mến văn tài qua những tác phẩm văn chương của ông mà nhận làm học trò. Trước đó trong tác phẩm “Trầm mặc cây rừng” xuất bản năm 1971. Võ Hồng đã kể tình cảm thầy trò thời kháng chiến rất xúc động. Vì thế lớp lớp các bạn đọc nhớ mãi về thầy Võ Hồng với sự ngưỡng mộ kính trọng.
Nếu như với học trò cũ, Võ Hồng rất thân thiết thì với bạn văn ông có một sự dè dặt và cẩn trọng mặc dù tính ông rất nhã nhặn. Theo lời kể của nhà văn Lê Ký Thương, năm 1984 Hội Văn nghệ Nha Trang được thành lập. Thầy Võ Hồng khi đó đã nghỉ hưu thường xuyên đến chơi thăm vào buổi sáng. Thầy ăn mặc chỉnh tề như một viên công chức đến cà phê tâm sự với các “bạn văn lớp trước” như Thế Vũ, Lê Ký Thương, Nguyễn Âu Hồng, Nguyễn Hoàng Thu… có lẽ đã trải qua những thăng trầm nên Võ Hồng rất ít nói. Với lớp nhà văn sau ngày đất nước thống nhất, ông rất dè dặt và có phần e ngại như con chim sợ cành cong.
Sau 1975, tác phẩm của ông không được phép ấn hành, cho đến năm 1987, truyện dài “Thiên đường trên cao” mới được in (tác phẩm nầy được hoàn thành năm 1974 và NXB An Tiêm ấn hành năm 1975 nhưng chưa phát hành). Ngay cả Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mãi ông mới được kết nạp, trước đó chỉ là “dự bị”. Với ngành giáo dục dù dạy học ở Nha Trang gần 50 năm nhưng huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cũng do Sở Giáo dục Phú Yên đề cử và được trao sau đó!
Sau thập niên 1990, đó là thời kỷ đổi mới, Võ Hồng thấy vui vẻ lạc quan, ông viết báo viết truyện liên tục. Bởi cái tên Võ Hồng thực sự đem lại niềm cảm mến vô cùng với mọi người, nhất là những người đã trải hai thời kỳ chiến tranh. Ngoài sách được in lại Võ Hồng còn viết thêm nhiều cuốn mới như: “Chia tay người bạn nhỏ” (1991),“Một bông hồng dâng cha” (1991), “Vẫy tay ngậm ngùi” (1992), “Thương mái trường xưa” (1993), “Hồn nhiên tuổi ngọc”, “Thời gian mây bay”… Những truyện ngắn của ông viết trên các báo thiên về ngụ ngôn nhưng đầy triết lý sâu lắng nhưng rộn tiếng cười thâm thúy.
Ở Nha Trang thời điểm đó có 3 nhà văn nổi tiếng còn sống. Cao tuổi nhất là thi sỹ “Mùa cổ điển” Quách Tấn, tiếp tới Võ Hồng và nhà thơ Giang Nam. Nếu như Quách Tấn thì dù ở sát với chợ nhưng rất tiếc những năm cuối đời cụ bị lòa nên ít tiếp khách. Nhà thơ Giang Nam lại làm quan chức to không dễ gặp. Chỉ có mỗi Võ Hồng là công chúng bạn bè thấy thân thiết dễ gần nên tấp nập thăm viếng. Theo bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc thì Võ Hồng là người kỹ tính nhưng rất mến khách và lịch thiệp. Nhiều người biết nơi ở của Võ Hồng nhưng đứng trước ngôi nhà đường Hồng Bàng – gần chợ Xóm Mới, Nha Trang thì sẽ e ngại vì không biết ông nhà văn nổi tiếng này có chịu tiếp mình không? Thì Võ Hồng đã đánh tan nỗi e ngại nghi hoặc đó bằng tấm bảng treo trên chiếc cửa sắt nhỏ của con hẻm giữa hai ngôi nhà có số 51 và 53 Hồng Bàng. Ông viết dòng chữ “Kéo chuông gọi Võ Hồng”. Chính người viết bài này đã nhiều đến thăm nhà văn. Ban đầu thấy ngỡ ngàng trước “cái chuông” của Võ Hồng. Đó là cái lon sữa bò thả mấy viên sỏi để khi cầm dây lắc nó kêu rộn rã, ai cũng thấy vui vui vững tâm vì sự ngộ nghĩnh. Khi còn khỏe nhất định Võ Hồng sẽ từ trên gác xuống đón khách với sự ân cần, lịch thiệp của một ông giáo cổ điển.
Về ngôi nhà của Võ Hồng có nhiều điều rất lạ. Võ Hồng ở trên căn phòng nhỏ trên lầu 1 ngôi nhà số 51 đường Hồng Bàng, Nha Trang. Phía trước có khoảnh sân thượng đặt vài chậu cây nhưng xung quanh hàng xóm ngả sang nào khế, mận, ô ma… và Võ Hồng nhận đấy là của mình để ông sáng tác những chuyện “cây vườn” rất đặc sắc. Căn phòng nhỏ của ông là “sự bừa bộn với mọi người nhưng là sự ngăn lắp với ông” – chữ của nhà văn Nguyễn Hoa Lư. Võ Hồng dù ở nhà khi tiếp khách, viết văn viết báo đều đội cái mũ ca nô, hay mũ len mùa gió, mặc áo ghi lê và ngồi thoải mái trên chiếc ghế mây lưng rộng như một nhà hiền triết.
Nhà văn Võ Hồng ra đi nhẹ nhàng trong giấc ngủ trưa vào lúc 14h chiều 31.3.2013, nhằm ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ, hưởng thọ 92 tuổi. Tuy nhiên khi ông ra đi mà không có một người con cháu nào bên mình. Thật đúng “Vẫy tay ngậm ngùi”.
Tiễn ông đi, trời Nha Trang rải một cơn mưa xuân nhẹ êm đềm. Nhà văn an nghỉ tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cùng gần với thi sỹ Quách Tấn.
LÊ ĐỨC DƯƠNG
------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ