Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

bài đáng đọc : NGÔI NHÀ ĐỎ TRONG KÝ ỨC HỖN MANG "/ Trương Vũ / Virginia -- trích : phố văn blog/ nguyễn xuân thiệp ( Mỹ ).

 

Saturday, April 29, 2023

NHÀ NGÓI ĐỎ TRONG KÝ ỨC HỖN MANG

Trương Vũ



Chân dung Trương Gia Vy và Nguyễn Xuân Hoàng.
Sơn dầu Trương Thị Thịnh
 
Cách đây hơn hai tuần, tôi nhận được tin chị Trương Gia Vy ra đi. Chị là hiền thê của nhà giáo/nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Anh cũng đã ra đi, trước chị gần chín năm. Chuyện tình của họ được biết nhiều trong giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật và báo chí. Họ lấy nhau năm 1973, được tiếng là người đẹp lấy người đẹp, và có với nhau bốn con. Tôi quen chị Vy qua Nguyễn Xuân Hoàng. Chị là một phụ nữ dễ mến, tận tụy với chồng con ngay cả trong thời gian mang bệnh, mà là một bạo bệnh. Tin chị ra đi, dù là tin buồn nhưng bạn bè mừng cho chị chấm dứt những đau đớn thể xác kéo dài hàng chục năm. Trên FaceBook, tôi có ghi vài giòng chữ này: “Mừng cậu Hoàng gặp lại người tình năm xưa”. “Cậu Hoàng” là chữ NXH thường dùng cho mình trong những trò chuyện thân mật với bạn bè.

Nguyễn Xuân Hoàng là một bạn vong niên của tôi, thuộc lớp trên ở trung học Võ Tánh, Nha Trang. Anh tốt nghiệp Sư Phạm Triết, Viện Đại Học Đà Lạt. Sau khi ra trường dạy Triết ở trung học Ngô Quyền, một năm sau chuyển về dạy ở Pétrus Ký cho đến 1975. Anh chị và các cháu sang Mỹ năm 1985 theo diện đoàn tụ gia đình, định cư ở San Jose từ đó cho đến ngày mất. Tuy xuất thân nhà giáo nhưng NXH dấn thân vào văn học và báo chí nhiều hơn. Anh từng đảm nhiệm những vai trò quan trọng trong các tạp chí văn chương hay báo chí nổi tiếng như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Người Việt, Viet Mercury, Viet Tribune, v.v. Anh được nể trọng, được biết đến như một nhà văn hơn nhà giáo. Anh viết nhiều, xuất bản nhiều. 

Những tác phẩm chính: Mù Sương (tuyển tập truyện ngắn, 1966), Sinh Nhật (tuyển tập truyện ngắn, 1968), Ý Nghĩ Trên Cỏ (tiểu luận, 1971), Khu Rừng Hực Lửa (truyện dài, 1972), Kẻ Tà Đạo (truyện dài, 1973), Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu (tùy bút, 1974), Người Đi Trên Mây (truyện dài, 1987), Sa Mạc (truyện dài, 1989), Căn Nhà Ngói Đỏ (tạp ghi, 1989), Bụi Và Rác (truyện dài, 1996), v.v.

Năm 1994, khi làm đồng Chủ Biên tuyển tập văn chương chiến tranh The Other Side of Heaven, tôi chọn truyện ngắn Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự của NXH, biên tập đôi chút, nhờ Thái Tuyết Quân chuyển ngữ, rồi đưa vào tuyển tập. Theo tôi, đây là truyện ngắn hay nhất của NXH, xây dựng một nửa từ hư cấu một nửa từ cuộc đời thật. Tôi thích câu kết:

“… Vào những buổi sáng cuối tuần, đi bách bộ trong khu công viên Mile Square Park ở Quận Cam, tôi như thấy mình đang trở lại thời sống với cha ở một vùng núi miền Trung. Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó.” (Only on the weekends, as I perform my ritual in strolling in Mile Square Park, am I reminded that part of my childhood I spent with my father in the mountains of Central Vietnam. As on many autumn mornings in the highlands, the sunrise uncovered a forest thick with white fog. The wind billowed through the cold trees, touching off the melancholic calls of the birds. Walking over ground covered with glittering dew, puffing on a damp cigarette, I had felt old. Now, forty years later, I am just as old as I was then.)

Khi tham gia vào những sinh hoạt văn học, tôi có nhiều liên hệ và gần gũi với NXH. Tuy nhiên, tôi trở thành bạn thân của anh lại do những yếu tố khác. Do chia sẻ với nhau nhiều kỷ niệm sâu đậm về thời thơ ấu. Do cái “chất Nha Trang” của NXH. Cái “chất Nha Trang” của những học sinh hiền lành tỉnh nhỏ nhưng muốn vươn mình lên để đuổi theo những đổi thay của một thế giới đang hồi sinh sau thế chiến. Và, do tình yêu dành cho một thành phố mà ở đó cả hai chúng tôi cùng lớn lên, và bây giờ, cùng ở quá xa. Cùng muốn trở về nhưng cùng đương đầu với bao mâu thuẩn. Những mâu thuẩn của tôi có khác, nhưng tôi hiểu và chia sẻ được với anh, cả cái ngọt ngào lẫn cay đắng trong tình yêu đó. Hãy đọc vài câu trong bài Nha Trang Hang Động Tuổi

 Thơ của NXH:

“Tôi sẽ trở lại thành phố đó.
Nơi tôi đã chào đời, lớn lên và sống những ngày ấu thơ
buồn thảm.
Quê hương của những hàng cây muồng hoa vàng nghệ
Ảm đạm xấu xí, lùn thấp và rất ít bóng mát
Nơi có bãi cát vàng chạy dài mút mắt và rừng dương xanh
rợp lá không hơi hám người
Tôi sẽ trở lại thành phố đó chớ!
Tại sao không?
Chắc thế nào tôi cũng sẽ phải trở về
Nơi có ngôi nhà mái ngói màu đỏ
Có những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ tôi
Có mùi rượu nồng nặc của cha tôi
Có nỗi đau của một đứa bé tự ôm hôn vết thương
trên da thịt mình
…..”
Nha Trang cũng là một hang động tuổi thơ của tôi. Dù có khác.
Anh chị NXH là một trong rất ít cặp vợ chồng được chị tôi, hs Trương Thị Thịnh vẽ chân dung cho cả hai. Chân dung anh được thực hiện tại nhà tôi, vào mùa hè 2008, nhân một họp mặt bạn bè ra mắt hai tập thơ của Hải Phương. Tôi không biết chị Thịnh vẽ TGV ở đâu nhưng tôi đoán là tại căn hộ của chị Thịnh ở San Jose, bốn năm trước đó. Khi đến chơi nhà anh Hoàng, tình cờ thấy bức chân dung của chị tôi vội chụp dù không đủ ánh sáng và thiếu khoảng cách.

Ở San Jose, thỉnh thoảng anh chị Hoàng đến chơi với gia đình con gái tôi, Trương Lê Bảo Trâm. Vào khoảng giửa năm 2012, cháu Bảo Trâm báo cho tôi biết bác Hoàng thố lộ với cháu là bác sẽ ra đi sớm. Tôi không tin lắm vì trước đó thấy anh còn rất khỏe, rất vui vẻ với bạn bè. Sau này mới hay, anh chỉ mới biết mình mang trọng bệnh trước đó không lâu, một chứng ung thư xương rất khó chữa. Khi gặp lại anh, thấy thần sắc thay đổi không ngờ. Từ đó, mỗi lần về San Jose, vợ chồng tôi đều đến thăm anh chị.  Vài tuần trước khi anh mất, tôi đi cùng anh chị Hải Phương + Quận đến. Chị Quận mang cho anh tô bún mà anh thích nhất, anh rất vui, ăn ngon lành, rất hồn nhiên, rất dễ thương. Hải Phương có chụp ảnh tôi với NXH. Bức ảnh đó, cho đến nay, tôi không muốn đưa bất cứ ai xem. Anh mất ngày 13 tháng 9, 2014.

Một thời gian sau khi NXH ra đi, nhân dọn dẹp tủ sách, thấy rớt ra tuyển tập Căn Nhà Ngói Đỏ, tôi lật ra xem lại. Nhiều hình ảnh trở về trong ký ức. Tôi nhớ đến thời học trung học, vói bài tản văn của Jean Jacques Rousseau “Si j’étais riche” (Nếu Tôi Giàu). Đại khái, “Nếu tôi giàu… tôi sẽ có một căn nhà nhỏ trên một sườn đồi ở nhà quê… mái nhà lợp bằng ngói đỏ… Nếu gần đó có một nông phu, buổi chiều đi làm về sau một ngày nặng nhọc với đồng áng, tôi sẽ mời anh vào uống với tôi một ly vang, để làm nhẹ chút nào gánh nặng của anh… và tôi có thể tự nhủ…mình vẫn còn là một Con Người.” Tôi cũng nhớ lại thời sinh hoạt Hướng Đạo, thường đạp xe đi lên đi xuống con đường Nha Trang - Diên Khánh. Hai bên đường còn nhiều ruộng nương và xa xa có vài căn nhà ngói đỏ. Tôi nhớ Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi nhớ “hang động tuổi thơ’. Tôi nhớ chuyện này, chuyện kía, người này, người nọ. Lẫn lộn nhau. Một ký ức hổn mang. Hôm đó, tôi lấy sơn vẽ lên bố, một bức tranh trừu tượng, mang tựa đề “Nhà Ngói Đỏ Trong Ký Ức Hỗn Mang”. Bức tranh đó được chụp lại và post lên nhiều tạp chí mạng, nhưng không hiểu sao tôi không tin cho chị Vy biết và cũng không email cho chị hình bức tranh.

Vài tháng sau, khi về San Jose, hai vợ chồng tôi đến thăm chị. Chị cho biết có thấy trên mạng bức tranh đó với lời ghi “Tưởng nhớ Nguyễn Xuân Hoàng’, và chị đã cho in ra trên giấy để làm kỷ niệm. Tôi cảm động nhưng cũng khá ngượng về sự vô tình rất vô duyên của mình.

Chúng tôi vẫn thỉnh thoảng đến thăm chị hoặc gặp chị trong những họp mặt với bạn bè chị Thịnh. Ai cũng cảm phục khả năng chịu đựng và sức mạnh tinh thần của chị vì biết bệnh chị trầm kha và kéo dài quá lâu. Lần cuối cùng đến thăm, chi đã bệnh nặng lắm, phải nằm trên giường tiếp khách. Nhưng, vẫn nói người vui vẻ một cách tỉnh táo như mọi khi.

Chị Trương Gia Vy mất ngày 9 tháng 4 năm 2023 tại San Jose, California.

TRƯƠNG VŨ
Virginia, ngày 24 tháng 4, 2023
 
 

NHÀ NGÓI ĐỎ TRONG KÝ ỨC HN MANG
tưởng nhớ Nguyễn Xuân Hoàng

(sơn dầu trên ván épTrương Vũ thực hiện năm 2016)

 

 

  

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

' Nỗi Buồn Còn Kéo Dài Mãi Mãi"/ Trần Thị Bông Giấy 1950- / thư gửi TP , từ San Jose: April 24/ 2023 .

 

TRAN THI BONG GIAY

00:51 25 thg 4, 2023 (4 ngày trước)
đến ChauDienKínhSonPeterNguyentôiVaniTuong-Vy

NỖI BUỒN CÒN KÉO DÀI MÃI MÃI

(Tâm Bút TTBG)

[]

 

San Jose, thứ Hai April 24, 2023

Trời đã vào Xuân. Buổi sáng nắng chiếu chói chang nhưng ban đêm vẫn lạnh. Ngồi bên đàn soạn các bài cho học trò cuối tuần lại nhớ tháng 8 năm ngoái bắt liên lạc với Lê Đức Cường. Tôi từng vài lần nói với Lê Đức Cường: “Không phải chỉ một mà là hai lần, TV nhận ơn Lê Đức Cường; lần đầu tháng 7/1986 và lần này, tháng 9/2022.”

 

Con người âm u ấy có lẽ chẳng hiểu sâu được lời tôi nói, mà thật, các ca khúc viết, như một hình thức đưa tay níu Lê Đức Cường đứng lên (dạo tháng Chín năm ngoái) là lần thứ hai giúp tôi “sống dậy” từ sau sự chết tâm hồn theo cuộc bỏ đi của Âu Cơ.

*

* *

Tôi rất ít khi có thì giờ đọc lại các bản văn đã viết, trừ ra lúc ngồi sắp xếp những con chữ thành trang, mới ngỡ ngàng với những giòng “đẹp nhưng buồn quá!” (nhiều độc giả nhận xét).

 

Văn chương biểu tượng cái đẹp, cuộc đời luôn kết hợp những điều bất toàn. Gom chung hai thứ ấy thành một, tất không tránh được tiếng vang não nuột vọng từ đáy tim một kẻ luôn đắm mình trong văn chương.

 

Năm ngoái, ở một lớp dạy sáng thứ Bảy, tôi nói với ba học trò: “Cô biết sẽ có ngày các em quay lưng với cô.”

Cả ba ngẩn ra.

Tôi cười: “Hai chữ quay lưng là điều cô luôn nhận biết trong tất cả mọi tình cảm giao thiệp, nên sẽ không buồn nếu bây giờ trong tình thầy trò xảy ra lần nữa.”

 

Xét cho cùng, không phải thiên hạ quay lưng mà chính tôi là đứa thường quay lưng trước. Câu thư anh Nguyễn Ngọc Thùy viết năm 1968: “Mọi thứ trong đời đều tầm thường và con người sống được là do sự tầm thường ấy.” (Thuở xưa, tâm hồn còn nông cạn quá, làm sao ngẫm ra cho sâu lời anh nói?)

 

Nghĩ thì có vẻ rắc rối nhưng đó là một sự thật. Thời tuổi trẻ, tôi thường dứt bỏ dễ dàng mọi thứ; hoặc cũng có thể gọi là tính vô tâm bù trừ của Thượng Đế dành cho một định mệnh long đong không ngừng đang chờ phía trước.

Bây giờ, ở những đêm dày vò hối hận mới nhìn ra mọi nỗi.

Cái gì quá đà cũng trở thành xấu. Ở tôi, chữ quá đà được hiểu qua tình cảm chân thật. Tôi chân thật quá! Từ nhỏ đã thế. Tâm hồn cho đi dễ dàng nên trái tim dễ dàng bị tổn thương đến phải tự quay lưng.

*

* *

Bất cứ ai cũng có cảnh khổ riêng mình. Đọc trên báo, thấy biết bao cảnh đời nát tan, nghiệt ngã. Khác một điều: cái khổ của nhà văn ghi thành con chữ thường mang được tính cách dịu dàng nhu thuận, không sỗ sàng trần truồng làm ô uế thêm cho cái nhìn con người về cuộc đời.

 

Những bài giảng của đức cha Nguyễn Văn Khảm Sàigòn càng đào sâu trong tôi niềm tin rằng con đường dài tôi đi trước đó không phải là vô ích. Những con chữ vẫn đem được chút nào an ủi cho kẻ khác; hay chí ít là cho tôi, kẻ mang số phận đứng mũi chịu sào, hứng nhận tất cả mọi sóng gió (còn kéo dài đến tận hôm nay).

 

Mỗi khi lắng lòng úp mặt vào âm thanh, con chữ, tôi vẫn thấy tâm hồn dịu lại, mọi ưu phiền tan biến. Vì vậy mới có thể ngồi suốt đêm bên đàn (như đêm qua) để ghi rõ ràng bài học hòa âm cuối tuần, quên đi những cái bất như ý trong sự giao thiệp thầy trò; vì vậy mới luôn bào chữa và sẵn sàng chấp nhận nỗi đau mới của tình mẹ con, trong khi vết sẹo nỗi đau cũ còn sờ sờ chưa phai.

 

Có phải rằng lòng khoan dung cũng ắp đầy như lòng chân thật là nguyên nhân tạo nên cho tôi sự đau khổ trên hết?

 

Mười ngày trước, bỗng nhận qua email: “Lâu không nhận được tin. Nhớ thì hỏi thăm thôi. Thế Phong. 13/4/2023”, tôi đâm sững sờ.

 

Một tháng trước, theo vợ chồng đứa con trai xuống Santa Ana thăm em gái Kiều Mỵ. Bảy tiếng đồng hồ lái xe ròng rã, đến nơi đã là 11 giờ đêm. Vậy mà đứa em vừa thấy là đã nổi điên đuổi mọi người ra khỏi nhà.

 

Sau hồi lâu đứng ngoài trời giá lạnh, lái xe trở về San Jose trong cơn mưa tầm tã lúc gần 12 giờ đêm, nghe con dâu nói, điệu ý nhị:

“Ít ra đây cũng là dịp cho ba mẹ con ở gần nhau suốt 14 tiếng!”

Tôi gật:

“Đúng vậy! Cửa này đóng, hẳn sẽ có cửa khác mở ra.”

Nói, mà hình dung ngay sự đau khổ của đứa em khi chiếc xe lăn bánh, thấy từ ánh đèn cửa sổ lầu hai (nhìn xuống sân để xe) cái dáng em đang ngồi gục đầu.

San nói: “Chắc Bu hối hận lắm!”

Tôi nói: “Lẽ ra mình không nên bỏ đi liền mà ở lại chờ cho cơn khủng hoảng của Bu qua đi.”

Về tới San Jose, gọi cho Kiều Mỵ. Em bắt máy liền (điều thật lạ!)

Giọng tôi:

“Nếu hôm qua Bé không nổi giận, mấy mẹ con ở ba ngày, sẽ đưa cho Bé nghe những bản nhạc chị viết và Lê Đức Cường làm hòa âm. Tiếng guitar buồn lắm.”

Tức thì cô em la lên:

“Anh chàng làm hôn thú cho chị ở lại Mỹ năm nào phải không?” (Cười gằn) “Rồi chị định trả ơn anh ta cách nào? Có tính đến 10 năm trường Nhạc và ba năm đại học khổ nhọc lồng trong đó?”

Tôi nghe tiếng cười mà ớn, nghĩ liền trong óc: “Thêm một cú buông khác!”

Dứt phone, gọi qua Uyên Thao, nhờ anh điện thoại trò chuyện cho Kiều Mỵ khuây khỏa. Tôi nói: “TV nghĩ là xả nghiệp (như anh từng dạy), nhưng không biết có quên nó nổi không.”

 

Không quên thật, nên đắp chăn nằm suốt ngày ròng.

*

* *

Bạn ạ, tôi không có tài hư cấu; các câu chuyện kể của tôi chỉ là điển hình cho bất cứ câu chuyện đời nào của độc giả. Ví dụ chuyện Kiều Mỵ.

 

Ngày xưa, tôi luôn luôn có cách giải quyết khi đứng trước bất cứ khó khăn nào; bây giờ thì đành dằn lòng trong những lời cầu nguyện. Thân ốc không mang nổi vỏ ngoài, nói gì mang giùm thân kẻ khác.

 

Thời gian sau này tự nhận thấy tôi đã buông được nhiều thứ thực tế. Và vẫn có nhiều thứ khác chưa buông nổi. Vì vậy mới còn những đêm trắng lạnh dài như vô tận, tôi cứ giương mắt ngó đỉnh trần căn phòng.

 

Rõ ràng, như Van Gogh nói: “La tristesse durera toujours”. (Nỗi buồn còn kéo dài mãi mãi). 

[]

 

Trần Thị Bông Giấy

bái đáng đọc: " Lê Thiện : " Tôi được chăm sóc từng cúc áo khi đóng phim Hollywood" -- trích : VnExpress 29/04/ 2023.

 

Thứ bảy, 29/4/2023