Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

đọc thêm (2) : Thư trao đổi giữa nhà thơ Thi Vũ với chủ biên Gio-O/ Lê Thị Huệ về nhà thơ Phạm Công Thiện thập niên 1960 / Thi Vũ / Paris -- trích: Internet.

 



tập thơ của Phạm Công Thiện do Thi Vũ trình bày



THI VŨ

thư trao đổi giữa nhà thơ Thi Vũ với chủ biên Gió-O Lê Thị Huệ,

về nhà thơ Phạm Công Thiện thập niên 1960

 

Huệ thân mến,


Anh hồi âm trễ. Bốn năm ngày qua loay hoay với việc tái khám và chuẩn bị giấy tờ nhập viện. Do vài biến chứng của tuổi già, làm phiền Thơ.

Câu hỏi Huệ đặt ra anh khó trả lời. Hoàng Trúc Ly là tác giả anh muốn viết, bởi thấy vài loé sáng của thơ Việt qua Trúc Ly. Anh ấy lại tinh tế, thâm trầm, sắc nét với người nữ. Lạ là những kẻ đắm đuối sống tình trai – nhiều tính Cái – mới loáng lên tinh tế ấy. Xuân Diệu là ví dụ của muôn đời. Và nếu ta tin tiết lộ của Viên Linh trong trường hợp Hoàng Trúc Ly.

Nhưng hẩm hỉu thay anh chẳng có trong tay tập thơ hay tuyển tập thơ nào của Trúc Ly.

Biết đến thơ Hoàng Trúc Ly là do thời gian 1965 – 1966 Phạm Công Thiện sau khi bỏ học ở Hoa Kỳ sang Paris sống vất vưởng không nhà, anh đem về nuôi nơi gác trọ ở xóm La tinh (8 rue Guy de la Brosse – Paris 5) Thiện mê thơ Hoàng Trúc Ly thường ngâm nga Trúc Ly rồi đem giấy bút làm thơ. Cứ vài câu đây đó, sau gộp in chung vào tập « Ngày Sinh Của Rắn » do anh xuất bản lần đầu tại Paris, trước khi Thiện về lại Saigon. Nghe thơ Ly mãi cũng nhập tâm và lưu luyến.

Anh để ý thấy thơ Thiện làm thời ở Saigon, trước khi đi Mỹ, có hơi hướm Hoàng Trúc Ly. Nghĩa là có ảnh hưởng mạnh. Nhưng mạnh nhất trong Thiện là khao khát làm triết gia. Chẳng khác chi Nhất Hạnh khao khát làm Tổ sư hơn làm thi sĩ. Một ham muốn đáy, đốt cháy nửa chừng thơ.

Như anh từng kể, năm 1966 Hoà thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Phật giáo Vạn Hạnh, cùng một số giáo sư, khoa trưởng Đại học Saigon sang Paris dự Hội nghị UNESCO. Một hôm đang rề rà chuyện vãn với Thiện trong nhà, nghe tiếng gõ cửa. Mở ra, bất ngờ gặp giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đi cùng Thầy Minh Châu đến thăm. Gs Hoạch tháp tùng thầy nên ra về ngay, cũng là ý tứ cho Thầy nói chuyện riêng. Thầy Minh Châu vào phòng trọ tâm sự chuyện đại học Vạn Hạnh. Thầy bảo Vạn Hạnh đang gặp khó, Việt Cộng nằm vùng quậy sinh viên dữ quá. Anh Ái về giúp Vạn Hạnh một tay. Lại thêm bất ngờ khác. Nhân tiện có Thiện ngồi cùng chiếu. Anh nói dạ phải về giúp quý Thầy thôi, nhưng Thầy mời Nguyên Tánh cùng về luôn cho vui. Thầy Minh Châu đỏ mặt, ấp úng liếc qua Thiện : chú Nguyên Tánh đây à ?! Lúc đó Thiện đã ra đời, ăn mặc xi-vin, mặt béo tròn đỏ gay vì rượu hay vì bất ngờ. Thầy Minh Châu ừ, dẫn hai đứa cùng Vĩnh Ấn đi ăn tiệm. Nhưng lên Sứ Quán làm chiếu khán, thì Thiện song suốt, anh bị đì. Sứ Quán nói với Thầy Minh Châu : Ông Ái thường trả lời báo chí Pháp và lên truyền hình nói theo ý kiến các Thầy Viện Hoá Đạo bên nhà, nên chúng tôi không dám quyết định. Xin Thượng toạ can thiệp với Bộ Nội vụ thì dễ tính hơn. Về Saigon, Thầy Minh Châu can thiệp Bộ Nội vụ giấy tờ hồi hương cho anh. Mọi chuyện yên ổn. Nhưng anh mất hứng, không về nữa.

Thế là Thiện về một mình. Giấc mộng hồi hương của anh coi như trì hoãn mà nay thì biết không còn dịp. Bữa ăn cuối chia tay ở Paris, anh nói với Thiện : « Thiện là thi sĩ chứ không phải triết gia. Ông phải làm thơ, đừng bỏ ! ». Những năm sau này, hình như Thiện từng tuyên bố đâu đó bên Mỹ anh ta chính thực là thi sĩ. Những bài thơ trong tập « Ngày Sinh Của Rắn » tái bản sau này so với bản anh xuất bản lần đầu, Thiện sửa lại lối hành văn trong một số câu, bài. Anh nghĩ Thiện muốn phù hợp theo ngôn ngữ triết. Nhưng chúng mất đi chút ngây thơ, hồn hậu lúc ban đầu.

Trong khi ngồi chọn thơ xuất bản trên căn gác ở Guy de la Brosse, Thiện đọc cho anh nghe lần đầu 2 câu :

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông

Và cho biết sáng tác thời Thiện tu trên đồi Trại Thuỷ, chùa Hải Đức, Nhatrang. Thầy Trí Thủ đặc cách cho Thiện lên ở trong cốc của Ôn. Không ở chung với chúng điệu như lệ thường nhà chùa. Nhờ sự giới thiệu và gởi gắm của thi hào Quách Tấn mà có sự biệt đãi.  Dù ở chốn riêng biệt, Thiện thường trốn chùa ra phố nhậu nhẹt hay đến nhà Võ Hồng.

Anh khá tâm đắc 2 câu thơ trên. Định bụng khi viết về Thiện sẽ khởi đầu từ 2 câu ấy. Qua đó sáng loáng của Thiền chợt bay qua, rồi lay lắc mù tăm. Chất đạo hiếm thấy nơi tâm khảm núi lửa épicurien của Thiện. Hiếm thấy ngay cả trong thơ các ông sư làm « thơ thiền ».

Do không có trong tay toàn bộ thơ Hoàng Trúc Ly, thật khó để quy kết vấn đề mượn văn hay không của Thiện mà theo Huệ có số người bàn tán. Khi chưa có chi chắc qua văn bản, trích ngôn của Tường Vũ Anh Thi có thể là lối giải thoát bế tắc chăng :

Đời lê thê quá anh về muộn
Em ngủ một mình đêm gió mưa

Dù sao ảnh hưởng sâu đậm của Hoàng Trúc Ly trong thơ Phạm Công Thiện trước thời đi Mỹ (1964) vẫn lưu dấu cho kẻ đọc thơ. Loại trừ chuyện mượn văn, khi đọc 2 câu trên anh thấy phảng phất ảnh hưởng tươi mát của Níkos Kazantzâkis nơi tứ thơ Thiện. Thiện là người đọc nhiều sách, trí nhờ dai, lại có tài hô biến những bóng thoáng trần gian.

Bài Đặng Tiến « Nhớ thương Phạm Công Thiện » là một bài hay, ngoài những giai thoại đương thời làm sống khí hậu văn chương miền tự do, ngòi bút khá chân thành, tạc khắc được cá tính và nhân cách của hai nhà viết, không để thời cuộc neo theo. Có điều anh chưa hiểu được Đặng Tiến khi đọc lời bình của ông ấy : «chiều thứ bảy» trong P.C.T. là lấy ý tự kinh Phật. « Cây khế » cũng vậy».

Anh đọc Kinh Phật tuy chưa trọn. Nhưng những chi đọc được và cố nhớ, vẫn chưa tìm ra « Chiều thứ bảy » và « Cây Khế » « là lấy ý từ Kinh Phật » như Đặng Tiến diễn ngôn.

Điều thứ hai không đúng trong bài, là chi tiết « Dường như thời đó, anh sống nhờ vào giúp đỡ của nhà văn Henry Miller gửi từ Californi». Đúng là một hai lần nào đó đã lâu Henry Miller từng gửi tiền giúp Thiện. Tuyệt nhiên không có vụ  nuôi sống Thiện ở Paris, giữa thập niên 60 cũng như đầu thập niên 70.

Thiện bỏ học ở Hoa Kỳ lang bạc sang Paris cuối 1965, nhờ tự tay sửa giấy Thông hành. Thời ấy, có lúc VNCH không muốn cho cho viên chức nhà nước, sinh viên, giáo sư qua Paris, nơi Hà Nội ảnh hưởng mạnh, nên Thông hành ở trang ghi các quốc gia có thể đến không có nước Pháp. Thiện đã tự tay đề thêm chữ « Pháp » khá vụng về. Gặp nhân viên Sứ quán Cộng sản VN ngày nay, vốn được tiêm máu Công an, khó qua khỏi.

Thiện có người anh du học Pháp cư ngụ thành phố Rennes (Tây bắc Pháp) nên sang ở nhà anh. Anh em không hợp nhau, Thiện bỏ lên Paris sống cảnh Hippies. Giai đoạn này nhan nhản ở Paris những thanh niên thanh nữ Mỹ con nhà giàu, chán cảnh sống xa hoa quyền quý, lên đường lang bạc tìm cõi sống tâm linh ở Ấn độ và khắp cõi ta bà. Những kẻ gối đầu sách Jack Kerouac / On the Road, Krishnamurti, Ramakrisna… Họ trở thành những clochards của thành phố Paris. Ngày ngày làm đuôi trước quán cơm xã hội Pháp lãnh món xúp và mẩu bánh mì miễn phí. Tháng tháng làm đuôi ở các Nha bưu điện lãnh tiền cha mẹ từ Mỹ gửi sang chi phí. Trong số đó có Phạm Công Thiện. Thiện vốn người thông minh, tính toán giỏi, đi đâu, lúc nào cũng có quới nhơn phò trợ. Chưa hề thiếu rượu, cà phê, ăn nhậu trong đời. Chỉ đau khổ và thiếu thốn qua văn chương thôi.

Thiện gặp Trần Quang Hiếu, hoạ sĩ, mà Gió O từng có bài Tưởng mộ. Hiếu đem về nuôi ở phòng trọ đường Contrescarpe không xa mấy với Guy de la Brosse của anh. Nói kẻo quên, nơi anh ở thuở ấy số 8 rue Guy de la Brosse, Linh mục Kim Định từng cư ngụ số 6 rue Guy de la Brosse, Paris 5, một cơ sở Công giáo. Anh từng ghé thăm, hàn huyên.

Một hôm, anh và Vĩnh Ấn vào tiệm Lạc Hồng sau lưng điện Pantheon ăn hủ tiếu. Phòng ăn nhỏ thấy Hiếu và một người phốp pháp, vạm vỡ, mặt đỏ gay, ăn nói vung tay (không múa chân). Hiếu chào anh và Vĩnh Ấn. Cái ông ăn nói vung tay kia liền đứng dậy ôm chầm lấy anh ôm siết như mấy bà đầm xoè, miệng ta thán : “Ông Nguyễn Thái đây à ? Trời ơi, tôi tới Paris đi tìm ông muốn chết !”. Thập niên 50 anh bĩnh bút cho tạp chí Liên Hoa ở Huế dưới bút danh Nguyễn Thái nên giới Phật giáo biết nhiều qua tên này. Thế là Thiện dời về ở với anh cho đến cuối năm 1966 mới theo chân Hoà thượng Minh Châu về Vạn Hạnh.



Đầu năm 1970, trong tư cách Khoa trưởng Khoa Văn chương Đại học Vạn Hạnh, Thiện tháp tùng Thầy Viện trưởng Thích Minh Châu đi dự Hội nghị Văn hoá ở Tel Aviv, Do Thái. Một sáng đang làm việc ở nhà in, khoảng 9 giờ điện thoại reo hỏi ông Ái. Bắt máy alô ? Đầu giây kia : Ông Ái ! Tôi đây, Phạm Công Thiện. — Ủa ông ở đâu đó ? Saigon hả ? Có chuyện chi không ? — Không, tôi đứng ở Orly đây, ông làm ơn ra rước tôi giùm ! — Sao qua Pháp à, đi chuyện chi vậy ? — Ông ra đón tôi đi, tôi kể chuyện sau, hấp dẫn lắm… Hoá ra dự hội nghị mới xong một ngày, sáng hôm sau Thiện xách va-li rời khách sạn qua thẳng Paris. Chẳng báo, chẳng rằng, khiến Thầy Minh Châu ngỡ ngàng không biết ông Thiên lôi đi đâu, bỏ bê việc hội nghị.

Đó là năm Thiện trở về với anh, tá túc Nhà in Quê Mẹ (25 rue Jaffeux – Gennevilliers, ngoại ô bắc Paris) cho đến khi bắt được cô bồ con bác sĩ Lê Khắc Quyến, du học ở Bỉ cưới làm vợ mới dời nhà ra đi. Nói là nuôi Thiện thì không dám, nhưng chia sẻ nhà ở, ăn uống, bù khú, khi tỉnh rượu, lúc tàn canh…

Giai đoạn ở với anh thời 1965 – 66 ở Guy de la Brosse Paris quận 5, là giai đoạn Thiện thư từ thường xuyên với Henry Miller. Do trước khi đi Pháp Thiện qua California thăm Henry Miller. Có một thời của Phạm Công Thiện hoá thân Rimbaud. Rồi một thời của Phạm Công Thiện hoá thân Vivekananda.

Bây giờ nghĩ lại, anh thấy Henry Miller, tuy không là Phật tử nhưng vô cùng kính ngưỡng đức Phật, là một thiền sư đúng nghĩa. Hầu như tất cả những nhà thơ lớn, nhà văn lớn đều là Thiền sư đúng nghĩa như thế. Bởi họ có cái nhìn quán chiếu. Mắt họ ngó vào đâu như hải đăng nghìn lực quét vào xóm tối. Trực giác Henry thâm hậu. Anh ấy biết nhìn người và thu hồn họ rất nhanh. Biết họ mơ gì, liền tạo giấc mơ cho họ nhập, như những con đồng xập xình trước ngày tháng hư hao. Có lúc Henry khẳng định Thiện là hoá thân của Rimbaud lại có lúc là hoá thân của Vivekananda. Những lúc như thế Thiện mừng rơn, lớn cao như Phù Đổng. Thời ở với anh giữa thập niên 60 Thiện cứ đòi đi Tây Tạng vì muốn làm Milarepa ngồi tu thiền trong hang động, để có thể gây động chấn thế giới bằng tư tưởng siêu việt của mình. Đó là thời Henry Miller kích Thiện hình ảnh Đạo sư Vivekananda. Hằng tuần đều nhận thư Henry. Những buổi sáng như thế căn phòng sách  càng nhộn với biết bao là đại thế luận cà kê dê ngỗng.

Ôi con chim thời nhỏ bay ngang rồi.

Thăm Huệ siêng tay viết.

anh,


tv

[ THI VŨ ] 

 

Trên đây là thư hồi âm của nhà thơ Thi Vũ khi tôi hỏi ông thông tin về hai câu thơ được nhà văn Đoàn Nhã Văn nêu ra ở một trang Facebook của anh. Hai câu “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn. Cây khế đồi cao trổ hết bông” của Phạm Công Thiện và ảnh hưởng của nhà thơ Hoàng Trúc Ly trên hai câu thơ này. Ngày 2/6/2020 (lê thị huệ)

 

6/2020


THI VŨ

Paris


--------------

đọc thêm (1) : PHẠM CÔNG THIỆN [ 1941 - 2011 ] / Đặng Tiến / Paris- -- trích: Sài Môn Thi Đàn / Hoa Kỳ.

                                                   Phạm Công Thiện

                                           ĐẶNG TIẾN





        Duy Thanh - HueThu -  Pam Cong Thien 


Phạm Công Thiện (1/6/1941 - 8/3/2011) là một nhà văn, triết gia, học giả, thi sĩ và cư sĩ Phật giáo Việt Nam với pháp danh Nguyên Tánh. Tuy nhận mình là nhà thơ và phủ nhận nghề triết gia, ông vẫn được coi là một triết gia thần đồng, một hiện tượng dị thường của Sài Gòn thập niên 60 và của Việt Nam với những tư tưởng ít người hiểu và được bộc phát từ hồi còn rất trẻ.

Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho, rời Việt Nam từ năm 1970, chuyển sang sống ở Israel, Đức, rồi sống lâu dài tại Pháp. Năm 1983, ông sang Hoa Kỳ, định cư ở Los Angeles, giữ chức giáo sư Phật Giáo viện College of Buddhist Studies. Từ đó về sau, ông ở Mỹ và tiếp tục viết sách - phần lớn là nghiên cứu về đạo Phật. Ông qua đời ngày 8/3/2011 tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ.


 

Nhớ thương Phạm Công Thiện

 

Đặng Tiến

 

PCT

Phạm Công Thiện, mới qua đời tại Houston ngày 8.3.2011, với tôi là chỗ cố tri thân thiết, ngang trang ngang lứa, cùng tập tành bước vào nghề văn những năm đầu thập niên 1960.

Thời đó, Thiện đã có chút ít tiếng tăm vì từ 16 tuổi đã có soạn một từ điển tiếng Anh (Anh ngữ tinh âm Từ Điển, 1957) được Nguyễn Hiến Lê viết lời giới thiệu nồng hậu.

 

Trước tiên, chúng tôi là bạn chơi, tại Sài gòn, cùng thân thiết với nhà thơ Hoàng Trúc Ly, đàn anh hiền lành và hòa nhã. Cùng đi chơi đêm lúc ấy với Thiện, thường có Trịnh Cung và nhà thơ Ninh Chữ, có tiệm may trên đường Tự Do, thường là kẻ chi tiền, dường như thỉnh thoảng có cả Tuấn Huy. Là sinh viên bận học tôi không tham dự những cuộc vui chơi này, nhưng hôm sau được nghe kể lại cặn kẽ.

 

Tiếp theo là bạn làm báo. Khoảng 1962-1963 gì đó, anh Hoàng Minh Tuynh làm chủ báo Mai, Sài gòn, bán nguyệt san. Anh Tuynh là người công giáo tiến bộ, có uy thế lúc ấy, và ưa giao thiệp với các bạn trẻ mà anh tin cậy, chung quanh Nguyễn Hữu Thái là sinh viên kiến trúc. Thái kéo bè với đám bạn trẻ như Phạm Công Thiện, Quỳnh Tân, Lê Hiếu Đằng, Bửu Ý và tôi. Có lúc anh Tuynh sang Đức vài tháng, giao phó tờ báo cho chúng tôi « muốn làm gì thì làm ». Thái và Thiện viết vung vít sao đó, tòa Tổng giám Mục có lưu ý và anh Tuynh kiểm soát tại tòa soạn.

 

Thiện và tôi dường như có duyên nợ. Khoảng 1964, không hẹn mà chúng tôi cùng lên dạy học tại Đà Lạt. Thiện thích Đà Lạt : gia đình anh dường như trước đó, có trang trại ở Fin Nom. Thời kỳ êm đẹp : việc dạy học nhẹ nhàng, thành phố đẹp, đồng lương dư dả. Thiện khoe tôi bài thơ mới làm xong :

 

Mùa xuân bay thành khói
Tôi ca hát một mình
Suốt đời không biết nói
Nước chảy tràn con kinh.

 

Thơ hay thiệt hay.

 

Anh có cho xem bài « gió thổi đồi tây hay đồi đông » mà nói rằng thơ làm trong cơn mê ngủ.

Vì thân cận, chúng tôi thường bị ảnh hưởng thơ Hoàng Trúc Ly :

 

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh…

 

Thơ Phạm Công Thiện :

Cô đơn về trắng sương rừng
Ta nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm

 

Sau này, Thiện có sửa lại câu trước.

 

Thơ Hoàng Trúc Ly : 

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn,
Em ngủ một mình đêm gió mưa.

 

Thơ Phạm Công Thiện :

 

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.

 

Nội dung thì khác « chiều thứ bảy » trong thơ H.T.L. là một ngày trong tuần, trước chủ nhật. Còn « chiều thứ bảy » trong P.C.T. là lấy ý tự kinh Phật. « Cây khế » cũng vậy.

Dạo ấy, Thiện đi tu ở Nha Trang với thầy Trí Thủ, pháp danh Ngươn Tánh. Một hôm xuống chơi nhà Võ Hồng – mà anh rất thân – khi về chùa thì làm câu thơ này mà về sau anh tự dịch ra tiếng Pháp :

 

Je suis le Retour / il fait tard sur le Chemin
Sept jours après la pluie tombe
En haut du Temple
L’arbre est le Défleuri

 

Việt Nam giữa thập niên 1960 : chính trường biến động, chiến trường xao động và tâm lý dao động. Phạm Công Thiện xuất bản cuốn « Ý thức mới trong văn nghệ và triết học » và hằng chục sách khác trong khoảng 5 năm, đáp ứng với tâm trạng thanh niên. Phạm Công Thiện là nhà văn có tài, vô cùng bén nhạy, nắm bắt rất nhanh các luồng tư tưởng thế giới và tâm lý thời đại, hành văn bay bổng nhiều hình tượng độc đáo, đã gây ảnh hưởng lớn trong đời sống trí thức miền Nam trong thời kỳ khủng hoảng. Ra nước ngoài từ 1970, định cư tại Pháp rồi tại Mỹ, Phạm Công Thiện tiếp tục viết và xuất bản, nhưng dường như không còn quần chúng độc giả.

 

Thiện với tôi, duyên nợ vẫn tiếp tục : tôi ra nước ngoài, làm ngoại giao tại Thụy Sĩ, khoảng 1967. Một hôm đi làm về thì thấy Thiện ôm ba lô ngồi trước cửa. Thiện ở chơi dăm ba hôm gì đó, thường uống rượu say, rồi vác ba lô lên đường. Vài ba năm sau, tôi gặp lại anh tại Paris. Anh tá túc tại nhà in của Thi Vũ, chơi thân với họa sĩ Vĩnh Ấn. Thiện sống lang bang vất vả, có đọc cho tôi nghe bài thơ về cảnh chợ trời Montreuil :

 

Thân anh như con chó
Đứng đợi giữa chợ chiều
Một chiều em qua đó
Con chó đứng nhìn theo.

 

Dường như thời đó, anh sống nhờ vào giúp đỡ của nhà văn Henry Miller gửi từ California.

Sau đó cưới vợ, sang Đức, rồi trở lại Paris. Thỉnh thoảng anh đến tìm tôi, chiều thứ hai sau giờ tôi dạy học để cùng đi uống bia tại công trường Contrescarpe, khu Censier, nhìn những con chim đến đậu trên giây thép hay những cành trụi lá. Có hôm anh hỏi xin tôi bao thuốc lá. Tôi bảo « vậy tao mua cho mày cả tút » (cartouche). Thiện trả lời « vậy mày đưa tiền ấy cho tao mua sữa cho con ». Thời điểm này anh vợ con nheo nhóc, không giới hạn sinh đẻ vì theo…quy luật thiên nhiên.

 

Tình hình cải thiện khi anh tìm được chỗ dạy học tại Đại Học Toulouse, môn Triết học… Tây Phương.

 

Sau đó, khoảng mười năm không tin tức, cho đến ngày anh lại tìm tôi tại Paris tặng cuốn kỷ yếu song ngữ Việt-Pháp có nhiều hình minh họa đẹp.

 

Phạm Công Thiện là người tự học, vì vậy, mà cũng vì cá tính, có lối hành văn tự do, phóng túng, không theo phép tắc trường quy, như nhiều tác gia biên khảo khác. Ví dụ Nguyễn Hiến Lê, là người đầu tiên ca ngợi Thiện, cũng là người tự học, mà cũng vì cá tính, đã có lối viết khác. Cả hai đều có nhiều tác phẩm ăn khách, nhưng đóng vai trò hoàn toàn khác nhau trong xã hội Miền Nam khoảng 1965-1970.

 

Thiện viết theo cảm hứng và sống hết mình với từng câu viết. Đặc biệt là Thiện sống vừa thiết tha vừa hờ hững : ăn khách một thời, thậm chí có độc giả sùng bái, anh không lấy đó là điều quan trọng. Tác phẩm Phạm Công Thiện đánh dấu một thời đại, nhưng bản thân tác giả không mấy quan tâm. Có tự hào thì cũng không phải thời thượng, mà tự hào - vì một lúc nào đó - mình đã sống tận cùng những điều mình viết, dù rằng sau đó, Thiện có viết khác đi hay ngược lại. Vì vậy, trước những tác phẩm dồi dào, người đọc khó nói đến một « sự nghiệp » Phạm Công Thiện hay một Phạm Công Thiện « triết gia » vì tư tưởng không thành hệ thống. Cuộc đời bồng bềnh của Thiện cũng góp phần soi sáng điều này, như « đi cho hết đêm hoang liêu trên mặt đất ».

 

Phạm Công Thiện nổi tiếng về nhiều câu văn khẳng định, chắc nịch, có khi quá kích hay quá khích, nhưng bản thân anh là khách hoài nghi. Từ đó, nói về anh, viết về anh là việc khó, như đưa dòng suối vào chai thì cũng là nước suối đấy thôi, nhưng một triệu chai không làm sống lại con suối. Chỉ nên dành cho Thiện một kỷ niệm, chút tình cảm, và niềm suy nghĩ, vậy là đủ.

Cuốn sách văn học đầu tiên trong đời tôi được đọc, lúc 15 tuổi, là cuốn Việt Thi của Trần Trọng Kim, dạy phép tắc làm thơ. Và bài thơ thất ngôn tứ tuyệt được dùng làm chuẩn về niêm luật là thơ Bùi Kỷ :

 

Tôi cùng bác quen nhau đã lâu,
Khi thơ lưng túi rượu lưng bầu.
Trời đất thương tôi, tôi ở lại,
Non sông nhớ bác, bác đi đâu ?

 

Đặng Tiến

Bệnh viện La Reine Blanche
12.3.2011

Nghĩ về nhà thơ PHẠM CÔNG THIỆN / Phan Tấn Hải / Hoa Kỳ -- trích: Giác Ngộ Online.

 

Nghĩ về nhà thơ Phạm Công Thiện


                                PHAN TẤN HẢI

Phạm Công Thiện
Phạm Công Thiện
Giác Ngộ - Nhà thơ Phạm Công Thiện, pháp danh Nguyên Tánh, Tiến sĩ Triết học tại Đại học Sorbonne - Pháp, nguyên Giáo sư Triết học tại Đại học Toulouse - Pháp, nguyên Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn tại Đại học Vạn Hạnh… đã xả thân tứ đại vào ngày 8-3, tại thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ, hưởng thọ 71 tuổi.

- Mỗi người có một cách nhìn, nghĩ về ông khác nhau. Ảnh hưởng và những đóng góp của ông về tư tưởng, thi ca, nhất là đối với giới trẻ VN thời ông, là rất lớn. GN giới thiệu bài viết của cư sĩ Nguyên Giác - Phan Tấn Hải, một cách nghĩ về ông, để nhớ về con người tài hoa này.

Làm thế nào để hình dung về Phạm Công Thiện? Một lần tôi đã tự hỏi mình như thế. Và ngay lập tức trước mắt tôi hiện ra một cặp kính cận dày cộp và chòm tóc trắng phất phơ… Có lẽ, nếu vẽ vài nét trên giấy kiểu tốc họa thì thế như dường là đủ. Không, chưa đủ. Vậy thì nghe thêm giọng nói Nam Bộ đặc biệt của anh. Hay là thêm khuôn mặt tròn, và đôi mắt thơ ngây…

Nhưng tận cùng, Phạm Công Thiện là một nhà thơ và là một thiền sư - và đó là những phẩm chất rất khó hình dung, vì mỗi nhà thơ và mỗi thiền sư đều có những độc đáo riêng. Và tôi tin rằng, khi nào thân xác anh rời khỏi thế giới đời thường này, rất nhiều người sẽ gọi Phạm Công Thiện là một vị Bồ tát, một danh hiệu tôn quý trong Phật giáo và là một hạnh nguyện để chỉ một người tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác để giúp cho mọi người hiểu được thật nghĩa của vũ trụ. Trong những năm qua, rất nhiều Tăng Ni, Phật tử đã gọi nhà thơ Bùi Giáng là một vị Bồ tát, và tôi tin là sau này, Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn vinh như thế, bất chấp những đời thường bất toàn mà chúng ta đôi khi gặp nơi anh.

Thực sự, tôi đã nhìn anh như một vị Bồ tát từ những ngày tôi mới lớn, và ngay khi lần đầu đọc cuốn Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Lúc đó, tôi đang học lớp đệ tứ, hay đệ tam ở Chu Văn An, Sài Gòn. Bây giờ gọi là lớp 9 hay lớp 10. Đâu đó, khoảng giữa thập niên 1960. Dù là đọc ngấu nghiến, nhưng một ngày không đủ, và đọc một tuần cũng không đủ. Vì có những dòng tôi phải đọc đi đọc lại, không hoàn toàn vì tính bí hiểm triết lý, mà chỉ vì tính thơ mộng dị thường trong ngòi bút của anh. "Đi cho hết những đêm hoang vu trên mặt đất…". Thế đấy, tôi đã đi như thế từ bốn thập niên trước trên các trang sách của anh.

Tôi đã ngồi ở sân chùa Xá Lợi, dưới các tàng cây ngọc lan và bông sứ lần giở từng trang sách đó. Và rồi lại ngồi trong một quán cà phê cách Trường Chu Văn An vài mươi bước, ngay lối vào Ký túc xá Minh Mạng của các anh chị sinh viên lớn. Không phải chuyện ngồi đọc cho ra vẻ triết gia, mà thực sự vì có những đoạn văn trong cuốn Ý thức mới làm tôi run rẩy cả người. Từng trang một, giữa các dòng chữ của Phạm Công Thiện toát ra một hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận. Và tuy là văn xuôi, hầu hết, nhưng thi tính vẫn dày đặc kinh ngạc.

Lúc đó, tôi chưa từng gặp anh, nhưng lại có cảm giác Phạm Công Thiện phải là một cái gì có màu xanh, phải liên hệ tới màu xanh, thí dụ xanh da trời hay xanh lá cây. Không biết tại sao, nhưng trong trí óc tôi lúc đó, là một thiếu niên say mê đọc sách và cứ nghĩ tới triết gia Phạm Công Thiện là thấy hiện lên một màu xanh. Phải màu xanh mới lạnh chứ. Vì từng trang Ý thức mới... đều mang theo hơi lạnh đó. Trong đó, có hơi lạnh Đà Lạt, có sương mù Paris, có ngồi thiền trên đồi vắng, có chất vấn về triết lý với cái búa của Nietzsche, với hiện sinh Camus, và vân vân, và vân vân. Đủ thứ mà bây giờ tôi không thể nhớ hết. Cứ mở trang sách ra, là hơi lạnh của vũ trụ vô cùng vô tận lại toát ra từ các dòng chữ của anh. Bất kể lúc đó, tôi đang ngồi trong sân chùa Xá Lợi, hay vài tuần sau nữa tới la cà tại các quán cà phê trên đường Nguyễn Thiện Thuật, nơi đó có khi tôi ngồi ở quán cà phê Bình Minh và có khi bước sang kế cận ngồi ở quán Hoàng Hôn, và nơi đó cứ mỗi chiều trở về đêm là đèn đường hắt xuống màu vàng mờ nhạt làm tôi cứ ngỡ mình đang ngồi giữa Paris đọc sách.

Mới biết, văn chương mạnh như thế. Sau này, nhiều thập niên sau, khoảng đầu thập niên 1990, được cơ duyên gặp nhà thơ Phạm Công Thiện tại quận Cam, California, tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao thời mới lớn mình lại cứ hình dung anh ra một màu xanh. Nhớ lại mới ngạc nhiên. Đúng ra, nếu phải liên kết với màu sắc, nơi anh phải là một màu trắng. Tóc trắng một chòm, kính trắng dày cộp, đôi mắt cực kỳ ngây thơ, khuôn mặt bầu, lại thường mặc áo trắng hay màu sáng. Và toàn thân Phạm Công Thiện toát ra cả một màu trắng hồn nhiên, thơ ngây. Nhưng tới tuổi trung niên rồi, tôi không còn bận tâm chuyện màu sắc nữa, dù là người hay chữ, hay mực, hay giấy. Thêm nữa, khi đọc lại anh, tôi không còn nhiều rung động mạnh mẽ như thời mới lớn, dù là lòng tôn kính anh vẫn không mờ nhạt trong tôi.

Nếu phải giải thích, có lẽ cảm giác màu trắng sau này nhiều phần tôi có cũng từ một bài thơ của Phạm Công Thiện được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc. Trong bài thơ, tôi nhớ có những câu dị thường như:

… Mười năm qua gió thổi đồi tây

Tôi long đong theo bóng chim gầy

Một sớm em về ru giấc ngủ

Bông trời bay trắng cả rừng cây…

Và nhớ nhất là mấy chữ:

… Tôi đứng trên đồi mây trổ bông…

Thực sự, gọi Phạm Công Thiện bằng "anh" là điều không phải lẽ đối với tôi, trên nguyên tắc. Vì tôi đã từng trực tiếp nghe nhiều vị danh tăng gọi Phạm Công Thiện bằng danh xưng "thầy" rất là tôn kính, trong những vị gọi như thế có những Thượng tọa hiện là tác giả và dịch giả nhiều sách về Phật học. Dễ hiểu, Phạm Công Thiện đã từng dạy ở Đại học Vạn Hạnh, nơi đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni và trí thức Phật giáo.

Đứng về mặt đời thường, lý ra tôi cũng phải gọi anh là thầy. Vì thực tế, Phạm Công Thiện còn là thầy của vợ tôi - nàng kể lại rằng trong thập niên 1980 vẫn thường mỗi tuần sang chùa Liên Hoa, trên đường Bixby, thị xã Garden Grove, quận Cam, để nghe thầy Thiện giảng kinh Kim Cang.

"Không hiểu gì cả, nhưng ông Phạm Công Thiện dạy hay hơn mấy thầy khác nhiều, kể cả mấy thầy ở Đại học Vạn Hạnh hồi xưa". Đó là lời nàng kể, khi còn nhắc là năm 1974, nàng đã từng học miệt mài ở Đại học Vạn Hạnh…

Tại sao không hiểu gì hết, mà lại thấy hay? Tôi nghĩ, chỉ có kinh Phật và thơ mới thế thôi.

Như thế, đúng ra tôi phải gọi nhà thơ Phạm Công Thiện bằng thầy. Nhưng cơ duyên lại là, lòng anh Thiện rất mực thoải mái, không nghi lễ. Và tôi lại là bạn thân của các nhà thơ Lê Giang Trần, Phạm Việt Cường… những người thân tình và thường uống rượu với anh. Nói là uống rượu nghe có vẻ trần gian lắm, nhưng phải nhìn thấy Phạm Công Thiện mới thấy là hoàn toàn không có gì gọi là trần gian nữa. Tất cả thế gian quanh anh đều thoạt hiện ra như thơ, như văn, như nhạc, như họa… Và cả đôi khi tôi ghé nhà Lê Giang Trần ở trong một khu mobile home chật chội, u tối, tại Santa Ana và gặp anh Phạm Công Thiện đang ngồi trong nhà Trần với chai rượu trên bàn. Tất cả thế gian đều như mộng, như huyễn, như sương rơi, như điện chớp… Sự hiện diện của anh Phạm Công Thiện như dường để nhắc tới tính vô thường đó.

Khi tôi tới quận Cam năm 1990, anh Phạm Công Thiện đã tạm ngưng các lớp Phật học ở chùa Liên Hoa mấy năm rồi, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cơ may gặp nhà thơ dị thường này. Và nếu sau này có ai muốn biết về các chuyện đời thường của Phạm Công Thiện, tôi nghĩ rằng nhà thơ Lê Giang Trần có thể kể lại trên cả ngàn trang sách, vì cứ hễ anh Thiện về quận Cam thì chỉ nghe về ở nhà Lê Giang Trần, một nhà thơ cũng thơ mộng lạ lùng và dị thường. Còn thì, khi nghe tin anh đi Úc, khi nghe nói anh lên ngụ ở chùa Diệu Pháp ở Los Angeles, và khi thì nghe đủ thứ địa danh trên địa cầu. Nói thế, không có nghĩa Trần là bạn đời thường của anh Thiện. Thực sự, nhà thơ Lê Giang Trần nhìn nhà thơ Phạm Công Thiện như một vị Bồ tát. Một hóa thân, không thể khác hơn được, trong mắt của Trần.

Người ta không thể hình dung hết những tôn kính mà nhiều người dành cho Phạm Công Thiện. Bất kể là anh đã từng sống rất đời thường, hệt như bao nhiêu người khác giữa phố chợ trần gian. Bất kể là anh cũng viết báo lung tung, cũng một thời tranh luận từ trước 1975 tại Sài Gòn, và rồi lại viết báo tranh luận tại Los Angeles thời 1980 sau này. Và bất kể là anh uống rượu cũng tưng bừng, cũng mấy lần vợ con, cũng thích hút thuốc lá, cũng nhiều thứ rất trần gian… Nên thấy, trong những người tôn kính Phạm Công Thiện có nhiều vị sư, có nhiều nhà thơ, và tôi tin là không thể đếm hết.

Không phải những người đó tôn kính Phạm Công Thiện chỉ vì anh từng là giáo sư Đại học Vạn Hạnh (nơi này có cả trăm giáo sư chứ), hay vì anh làm thơ hay (trước và sau anh cũng có nhiều nhà thơ xuất sắc chứ), hay vì anh đã hùng biện để bảo vệ Phật giáo (đâu có mấy ai nhớ anh đã gây lộn với ai, và về đề tài gì), hay vì anh có thể vừa mới rời một quán nhậu nơi đường Westminster là bước vào ngôi chùa đường Bixby giảng kinh Kim Cang mà vẫn dạy hay hơn tất cả các ông sư trên đời này (có thể, nhưng chi tiết này cần phải kiểm chứng, vì các vị giảng sư chưa chắc đã đồng ý là có ai giảng kinh này hay hơn họ), hay vì anh mỗi lần vào thư viện Mỹ là mượn ra cùng một lúc 30 cuốn về đọc tốc độ còn mau hơn các thiếu niên Sài Gòn đọc truyện võ hiệp Kim Dung (tôi tin có người còn đọc nhanh hơn), và vân vân…

Có thể vì vai trò của Phạm Công Thiện trong sự phát triển Phật giáo cũng lớn lao? Thực ra, có nhiều vị đã đóng góp cho Phật giáo nhiều hơn anh nhiều. Thí dụ, như cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, HT.Minh Châu, HT.Trí Thủ, HT.Thanh Từ, HT.Nhất Hạnh, TT.Tuệ Sỹ, GS.Lê Mạnh Thát… Thực sự, Phạm Công Thiện không viết nhiều về Phật giáo.

Còn nói về các chức vụ chính thức thì Phạm Công Thiện cũng không hơn nhiều vị khác, dù anh từng là "nguyên Giáo sư Triết học Tây phương Viện Đại học Toulouse, Pháp quốc; nguyên Giáo sư Phật giáo Viện College of Buddhist Studies, Los Angeles, Hoa Kỳ; nguyên Giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1966-1968; nguyên Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1968-1970; sáng lập viên và nguyên chủ trương biên tập tạp chí Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh, 1966-1970" (theo phần chú thích trong bài "Hai vị thiền sư," Phạm Công Thiện viết tại California ngày 18.10.1988 về TT.Tuệ Sỹ và TT.Trí Siêu, vị sau này thường dùng tên là GS.Lê Mạnh Thát. Báo Nguồn Sống số 16-17, 1989, San Jose, California).

Vậy mà, cũng như nhà thơ Lê Giang Trần nói trên, tôi tin Phạm Công Thiện phải là một kiểu hóa thân Bồ tát. Nếu Tây Tạng có các hóa thân Đạt lai Lạt ma, Ban thiền Lạt ma, Karmapa, Rinpoche, vân vân… thì Việt Nam mình ngay trong thời này cũng có các hóa thân Bồ tát như các nhà thơ Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện… Bạn không tin? Hãy hỏi các vị sư Sài Gòn ở thế hệ trung niên trở lên, như dường cũng có nhiều vị sư chia sẻ niềm tin như thế.

Còn nói theo kiểu bây giờ, thì Phạm Công Thiện đã xuất hiện trong Phật giáo một cách "rất là ấn tượng." Chuyện Phạm Công Thiện trở thành nhà sư Thích Nguyên Tánh thì cũng có nhiều người biết, và vẫn được truyền tụng hoài. Nhưng nơi đây, để nghe tận nguồn, chúng ta hãy nghe nhà thơ Quách Tấn kể lại, trong "Hồi ký về Thượng tọa Thích Trí Thủ" (http://www.phatviet.com/vanhoc/vh008.htm), khi giới thiệu anh Thiện với Thượng tọa Trí Thủ (lúc giữ chức Giám viện Phật học viện Hải Đức, nơi thi sĩ Quách Tấn dạy các Tăng Ni môn Quốc văn), trích:

Khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện bị khủng hoảng tinh thần, ở Mỹ Tho ra Nha Trang an dưỡng. Lên chơi chùa Hải Đức, Thiện ước được sống trong cảnh u tịch trong ít lâu để lấy lại sức khỏe. Tôi liền đến xin Thượng tọa, và tỏ thật rằng Thiện là một thiên tài và là người Cơ Đốc giáo, mọi người trong chùa tỏ ý không bằng lòng. Thượng tọa cười:

"Không hề gì, có bác Quách bảo đảm".

Nhưng để "đề phòng", Thượng tọa cho dọn một căn phòng dưới xưởng làm hương để Thiện ở, trưa chiều lên chùa ăn cơm.

Được nơi ăn chốn ở vừa ý, Thiện bảo tôi:

"Để đền ơn ông, tôi xin hẹn trong sáu tháng sẽ đọc và hiểu được kinh chữ Hán".

Tôi không dám tin, nhưng cũng không dám ngờ.

Ở Trại Thủy, cả ngày Thiện nằm đọc sách. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Thiện và Thượng tọa Trí Thủ. Một hôm Thượng tọa bảo tôi:

"Anh chàng có đạo tâm".

Tôi cười thầm trong bụng: "Đạo Thiên Chúa hay đạo Phật".

Ba tháng sau, tôi lên Hải Đức, không thấy Thiện nơi xưởng hương. Hỏi người làm hương trong xưởng cho biết rằng Thượng tọa Trí Thủ đem anh lên ở nơi cốc của Thượng tọa hơn một tháng rồi.

Tôi bèn leo dốc lên cốc: một nhà sư trẻ đang ngồi xếp bằng ngay ngắn, mắt lim dim trên chiếc ghế dài nơi cốc. Nhìn kỹ thì là Phạm Công Thiện! Rõ là một nhà sư 100 phần trăm. Thiện ngồi yên, tôi lẳng lặng đi vào cốc. Thượng tọa Trí Thủ mừng rỡ, muốn gọi Thiện. Tôi "xin đừng". Sau mấy câu hàn ôn như thường lệ, Thượng tọa nói:

"Thiện quy y với tôi rồi, tôi đặt cho pháp danh là Nguyên Tánh".

Tôi không tỏ ý tán thành cũng không tỏ ý phản đối. Đối với Thiện quy y cũng thế mà không quy y vẫn thế.

Mấy tháng sau - tháng 9 năm 1964. Tôi lên Hải Đức một lần nữa. Cốc đóng - người trong chùa cho biết Thượng tọa cùng Thiện vào Sài Gòn, còn lâu mới về. Tôi cảm thấy bùi ngùi như nhớ nhung, như thương tiếc.

Tôi ngẫu chiếm một tuyệt:

Lịu địu

Áo giũ ngày sương gió

Lên chùa thăm cố nhân

Non nghiêng thềm nắng xế

Lịu địu bóng nhàn vân.

Sau nghe tin Thiện dạy học ở Đại học Vạn Hạnh, rồi đi Mỹ, đi Pháp. Còn Thượng tọa Thích Trí Thủ thì trụ trì chùa Già Lam, rồi được phong Hòa thượng, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm chùa cũ và nghỉ ngơi. Thiện thì từ ngày từ giã Nha Trang, tôi không còn gặp lại…" .

Bây giờ Phạm Công Thiện không viết nhiều như ngày xưa nữa. Những cuốn sách gần đây đa số là viết về Phật A Di Đà và Bồ tát Quan Thế Âm. Từ lâu, anh cũng không làm thơ nhiều nữa. Những tác phẩm thời trẻ của anh, khoảng hơn hai mươi cuốn, còn được quần chúng nhớ đặc biệt là vài cuốn, như: Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma, Tổ sư Thiền tông (1964), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965), Ngày sanh của rắn (1967)… Cuốn được nhớ tên nhất tại hải ngoại của Phạm Công Thiện, có lẽ là cuốn Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (1988)…

Nhưng đêm hoang vu của anh vẫn chưa hết, cho nên vẫn thấy anh đi liên tục. Để theo dõi bước đi một đoạn đời của anh, hãy trích một chút sau đây từ cuốn Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng của Phạm Công Thiện, xuất bản 1994 tại Los Angeles, từ Lời nói đầu:

"Quyển sách này được viết chậm rãi thong dong từ trên 10 năm nay, từ năm 1983 tại Los Angeles và tại những vùng phụ cận Los Angeles, California, Hoa Kỳ. Từ năm 1970 cho đến 1983, tôi đã sống ở Do Thái, rồi ở Đức quốc và ở lâu dài tại Pháp quốc; đến năm 1983, qua một cơn chuyển động toàn diện của tâm thức viễn ly, tôi đã trở lại Hoa Kỳ, trở lại thành phố Los Angeles sau một thời gian xa vắng gần 20 năm; từ năm 1983 cho đến năm 1994, trên 11 năm nay, lại qua nhiều cơn chuyển động toàn diện liên tục của tâm thức viễn ly, tôi vẫn tiếp tục sống ở thành phố Los Angeles; sau vài chuyến lui về vùng đồi núi im lặng ở Úc châu, tôi vẫn trở lại thành phố Los Angeles như trở về tập sống hồn nhiên tự tại với những cơn động đất thường xuyên của đời mình…".

Bây giờ Phạm Công Thiện vẫn còn đi. Và đôi khi vẫn còn viết - như một nghiệp tiền định của anh.

Nếu bạn nhớ rằng Phạm Công Thiện sinh năm 1941 thì mới kinh ngạc, khi biết rằng anh in cuốn Tiểu luận về Bồ Đề Đạt Ma năm 1964, nghĩa là khi mới 23 tuổi. Nơi đây, chúng ta không nói chuyện cuốn sách anh viết đã có giúp gì cho ai về mặt giác ngộ hay không (chuyện này, khó có thước đo), nhưng chỉ nói về đề tài để khảo sát, suy nghĩ và viết xuống thì đã là một điều hết sức dị thường. Tôi từng đọc rằng khi anh còn ở tuổi vị thành niên, anh đã soạn một cuốn Tự điển Anh ngữ tinh âm, nhưng vì tôi chưa bao giờ đọc cuốn này cho nên không dám bàn. Nhưng ở tuổi 23, mà anh viết sách Thiền tông thì phải có một tâm hồn rất mực thơ mộng, một khát khao trí tuệ rất mực mãnh liệt, dù là, đối với Thiền tông, đúng hay sai và mê hay ngộ cũng là chuyện rất mực khó dò…

Nhưng vì sao một người đời thường lại được cả các Tăng Ni tôn kính? Mà người đời thường này, anh Phạm Công Thiện, lại không hề biết cách kiếm tiền… Tôi nghĩ, nhiều phần là trong các kiếp trước, Phạm Công Thiện đã từng là thầy, từng là bậc tôn túc của các vị Tăng Ni kia, và của nhiều cư sĩ đời thường như tôi…

Và tôi tin rằng, khi Thiền sư Thi sĩ Phạm Công Thiện từ trần, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi anh là Bồ tát, một danh hiệu rất mực tôn kính trong nhà Phật, chỉ đứng sau danh hiệu Đức Phật. Tại sao như thế? Tôi không thể trả lời chính xác. Nhưng nhà thơ Bùi Giáng đã được tôn xưng là Bồ tát, và tôi tin, chắc chắn rằng Phạm Công Thiện cũng sẽ được tôn xưng như thế. Thêm nữa, kinh Pháp Hoa cũng viết rằng tất cả mọi người đều là Phật - và bây giờ nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc với cách Phật giáo Tây Tạng gọi ngài Đạt lai Lạt ma là Bồ tát Quan Thế Âm, gọi ngài Ban thiền Lạt ma là Phật A Di Đà hóa thân…

Để trả lời cho bớt vẻ thần bí hơn, có lẽ nên nói rằng nhà thơ Phạm Công Thiện đã đánh thức được nơi rất nhiều người niềm say đắm với cuộc đời. Bất kể là nhân loại thường trực đối diện với biết bao nhiêu là hố thẳm và hoang vu, chính niềm say đắm này đã và đang dẫn chúng ta đi qua biết bao nhiêu là ngọn đồi mây trắng…


Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

đọc thêm (4) : NGƯỜI TRĂM NĂM CŨ / Ngô Nhân Dụng [ i.e. Đỗ Quý Toàn 19 xx ] -- Hoa Kỳ -- Blog Ngô Nhân Dụng , 22/ 06/ 2021.

 Tìm

 
Người Trăm Năm Cũ

Người Trăm Năm Cũ


Từ trái: Các nhà thơ, nhà văn Trần Mộng Tú, Linh Bảo, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Doãn Quốc Sỹ. (Hình: Nhà báo Phạm Phú Minh cung cấp)
Từ trái: Các nhà thơ, nhà văn Trần Mộng Tú, Linh Bảo, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Doãn Quốc Sỹ. (Hình: Nhà báo Phạm Phú Minh cung cấp)

“Người Trăm Năm Cũ” là tên một cuốn tiểu thuyết của Hoàng Khởi Phong, kể chuyện lịch sử thời Đề Thám chống Pháp. Tôi nhớ cái tựa đề này khi đến thăm nhà văn Linh Bảo, gặp cả nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã tới trước. Hai người đều gần 100 tuổi. Bà Linh Bảo thì còn trẻ, mới 95. Ông Doãn Quốc Sỹ mấy lần nói mình đã 100 tuổi. Doãn Cẩm Liên cải chính: Bố mới 98. Cụ cứ nói mình đã 100, mấy lần, cô con gái đành chịu thua!

Linh Bảo trí nhớ còn tốt nguyên. Năm 18 tuổi bà đã bỏ nhà đi sang Trung Quốc. Nhưng bây giờ nói “tiếng Huế” vẫn còn rất đúng giọng. Tôi đọc cuốn Gió Bấc của bà khi 15 tuổi, bây giờ vẫn còn nhớ mấy chuyện vui, đem kể lại cho tác giả nghe.

Doãn Quốc Sỹ bắt đầu quên từ hơn 10 năm nay. Trí nhớ cụ được xóa bớt dần dần những chuyện vụn vặt. Mươi năm trước, gặp nhau cụ còn hỏi: “Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan hay Hoàng Cầm nhỉ?” Hoặc, “Quê Toàn ở Bắc Ninh phải không? Bà mẹ cụ Nguyễn Du cũng quê Bắc Ninh.” Doãn Quốc Sỹ nhớ bút hiệu Tô Giang Khách, vì nhà ở gần sông Tô Lịch. Rồi kể sau này về thăm, con sông Tô đã biến mất. Lại đọc thơ Trần Tế Xương: “Sông kia nay đã nên đồng – Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô, khoai ...” Trong mười mấy năm, trí nhớ cứ thế nhẹ dần, nhẹ dần; giờ không nghe Doãn Quốc Sỹ hỏi đến Màu Tím Hoa Sim, đến Bắc Ninh nữa.

Nhưng có một chuyện Doãn Quốc Sỹ lâu lâu vẫn nhắc lại. Đó là hai câu thơ của Tú Mỡ có đủ tên tám người con. Doãn Quốc Sỹ lấy người con thứ ba của nhà thơ trào phúng trong Tự Lực Văn Đoàn. Trước ngày cưới, ông bố vợ hỏi nhỏ chàng rể: Anh có biết lễ không? Câu thơ Tú Mỡ viết: “Năm trai, ba gái, tám con – Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vỹ, Cường.” Doãn Quốc Sỹ ngậm ngùi: “Bây giờ chỉ chú Cường còn sống, ở Hà Nội.” Mấy năm sau, ngậm ngùi hơn: “Chú Cường cũng mất rồi.”

Ngày hôm qua thấy Doãn Quốc Sỹ còn nhớ nhiều lắm. Tôi hỏi trong hồi ký Cát Bụi Chân Ai “Tô Hoài nói anh đã dùng tên hiệu Quan Sơn, đúng không?” Ông nhớ liền: Quan Sơn. Dương Quan Sơn, vì có ba chữ DQS giống như tên thật. Tô Hoài kể “Doãn Quốc Sỹ người Cầu Giấy, gần làng tôi. Chúng tôi quen nhau khi mới cầm bút.” .

Thời 1970 Tô Hoài phụ trách một mục “địch vận” mang tên “Thư Hà Nội” trên đài phát thanh. Tô Hoài viết thư cho Quan Sơn, đó là tên Doãn Quốc Sỹ ký trên báo Tiểu Thuyết Thứ Năm khi đăng truyện ngắn đầu tiên.

Tô Hoài viết cuốn hồi ký năm 1990, đặt câu hỏi về Doãn Quốc Sỹ: “Chẳng biết cách mạng có nợ tiền, nợ máu gì với gia đình … này không, tin là không, thế mà sao Doãn Quốc Sỹ viết chửi cộng sản hăng thế?” Đọc mà buồn cho Tô Hoài. Sống kiểu cộng sản lâu năm quá nên nhiễm cái thói suy nghĩ hẹp hòi.

Bao nhiêu người chống chế độ cộng sản, nêu ra những sai lầm của chủ nghĩa cộng sản, đâu phải vì thù oán cá nhân. Doãn Quốc Sỹ bài bác cộng sản, ông không “chửi.” Chưa bao giờ nghe ông chửi ai một tiếng nào. Ông đúng là một nhà giáo. Thấy cái gì tốt thì khen, cái gì xấu thì nói cho mọi người biết để tránh. Không chửi bới. Những người trăm năm cũ vẫn được ông bà cha mẹ tập cho thói quen đó.

Đọc Tô Hoài kể chuyện Tú Mỡ thì thấy hai người, nhà thơ bố vợ và nhà văn chàng rể, tính tình, tư cách rất giống nhau.

Tô Hoài kể những đợt “chỉnh huấn” từ 1951 “theo phương pháp Hoa Nam” của Trung Cộng; rồi tới đợt các văn nghệ sĩ đi “đấu tranh cải cách ruộng đất” hồi 1954. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm tham gia đợt đấu tranh giảm tô ở Thái Nguyên. Cả tuần lễ Nguyễn Tư Nghiêm không “bắt rễ” được một bần cố nông nào, chỉ lo bị phạt “ngồi chuồng trâu kiểm thảo.” Hoảng quá, phát dại, ông không nhớ đường về xóm mình ngụ, “Suốt ngày ở ngoài đồng bắt cào cào châu chấu ăn.”

Tô Hoài làm tổ trưởng một nhóm có những Phan Khôi, Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Văn Cao, Trần Đức Thảo, Bác sĩ Đặng Vũ Hỉ. Phải đấu tranh, kiểm thảo gắt gao trong nhóm. Tô Hoài kể, “Người khó đánh đổ không phải bác Phan Khôi ương bướng mà … lại là bác Tú Mỡ hiền lành, củ mỉ, ít nói.”

Được “học tập” kết án Nguyễn Tường Tam về những tội hại dân hại nước, lập đảng Đại Việt, phản bội, kẻ thù dân tộc, vân vân, Tú Mỡ nói, “Nhưng tôi không quên được Nguyễn Tường Tam đã có ơn với tôi. Nói thẳng, không có Nguyễn Tường Tam thì không có Tú Mỡ!” Cứ như thế mãi, sau cùng, Tú Mỡ đấu dịu, “Các anh phân tích thế thì tôi đã nghe ra …” Nhưng, nếu mai sau có bắt được “cái thằng chết chém” ấy mà tình cờ có Tú Mỡ ở đấy thì… xin chính phủ đừng cử Tú Mỡ ra chém Nguyễn Tường Tam! Tô Hoài viết: 

“Nghiêm nghị, Tú Mỡ nói, không nhìn ai: ‘Tôi đề nghị các anh thế.’”

Giữa thế kỷ trước, Bà Linh Bảo cùng các thanh niên Việt Nam qua bên Trung Quốc “làm cách mạng.” Họ được chính phủ Tưởng Giới Thạch cấp học bổng chín năm, học Đại học Quảng Châu. Khi Cộng sản chiếm hết Trung Quốc, bà chạy qua Hương Cảng. Ở đó bà gặp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, đưa ông coi tập nhật ký của mình. Nhất Linh đem xuất bản. May mắn, bà không sống trong chế độ cộng sản để phải chịu trận như Tú Mỡ.

Sống giữa một thế giới tàn ác, gian trá, quỷ quyệt, Tú Mỡ vẫn suy nghĩ, nói năng, cư xử với tấm lòng chung thủy, thật thà, đôn hậu. Ông bà, cha mẹ dạy như thế từ thuở ấu thơ. Sau khi đình chiến Tú Mỡ trở về Hà Nội và được đề nghị “kết nạp” vào đảng; nhưng “ở trên” không cho. Tô Hoài có nhiệm vụ báo tin buồn này; còn đề nghị Tú Mỡ “lên gặp trên” nữa. Nhưng “Tú Mỡ bắt tay tôi, về hể hả.” Ông ở hiền gặp lành, trước khi chạy khỏi Hà Nội đi kháng chiến, ông gửi căn nhà ở Cầu Giấy cho một gia đình ở. Lúc trở về, người ta trả lại, theo Tô Hoài thì “nhà cửa, vườn tược gần y nguyên.”

Tôi lại nhớ câu chuyện một người trăm năm cũ khác. Thân phụ một người bạn tôi, làm công chức từ thời Pháp thuộc. Năm 1945 Nhật đảo chánh, người Pháp bỏ Hà Nội đi tị nạn. Ông thân sinh bạn tôi được một người Pháp trong sở đem tới nhà nhờ giữ một cái hộp. Cụ nhận lời. Mấy năm sau, người “sếp cũ” trở về, đến thăm. Cụ đưa trả cái hộp, còn niêm kín. Lúc đó người chủ hộp mới cho biết trong hộp đầy vàng bạc, châu ngọc, và tiền mặt. Cụ không bao giờ nghĩ đến chuyện mở ra coi, và cũng không nhận một món quà đền ơn nào.

Những người trăm năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Doãn Quốc Sỹ nhiều lần nhắc lại tác giả hai câu thơ trên, Vũ Đình Liên, là một thầy giáo dạy mình thủa nhỏ.

Thực ra không cần đi đâu tìm linh hồn những người trăm năm cũ. Họ vẫn còn sống. Chúng ta vẫn thấy họ, ở quanh mình. Lắm lúc tôi nhìn trong gương, tự hỏi trên mặt mình có những nét nào giống bố lúc về già không. Năm tôi 30 tuổi mẹ tôi vẫn xoa đầu tôi nói,

“Hói, lại giống Thầy ngày xưa.” Nhưng tôi nhớ bố nhất mỗi khi đắn đo trong việc cư xử trong cuộc đời. “Mình làm như vầy thì bố mình có vui hay không? Hay là sẽ buồn?”

Người Việt mình không dành mỗi năm một ngày mừng “Ngày Của Cha” như phong tục người Mỹ. Tôi không đếm coi mỗi tháng, mỗi năm tôi nhớ đến bố mình bao nhiêu lần, nhưng chắc là nhiều. Tôi mồ côi khi chưa đầy 5 tuổi nên biết rất ít về cụ. Mẹ tôi thường kể chuyện. Mẹ không bao giờ nói về thầy như “ông ấy,” “ông cụ,” hay “thầy các con;” mà lúc nào cũng như chúng tôi, gọi là Thầy. “Với các con lớn bao giờ Thầy cũng gọi là anh, là chị. Thầy không bao giờ mày, tao, thằng này, con kia. Nói chuyện với ai Thầy cũng “vâng,” và “dạ.”

Khi gặp những người gần 100 tuổi mà tôi quen gọi là anh, là chị, như anh Doãn Quốc Sỹ, chị Linh Bảo, ngẫm cuộc đời họ đã sống, nhìn cách họ nói năng, cư xử, tôi vẫn yên tâm. Những người trăm năm cũ sẽ còn với chúng ta mãi mãi.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.