Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

-HÀO HOA LÀ LÍNH KHÔNG QUÂN .. ANH CÓ CÁI QUẦN ANH CŨNG BÁN ĐI ... / Thế Phong Sài Gòn -- Việt Văn Mới, 25/04/2024 -Troyes-France.

 Việt Văn Mới

      


HÀO HOA LÀ LÍNH KHÔNG QUÂN..
ANH CÓ CÁI QUẦN ANH CŨNG BÁN ĐI ..


kỳ 4


G ặp lại nhiều bạn học cũ ở Hà Nội xưa, nay lại trong quân đội. Như Khoa Đen, An, Vượng..., đứa thì phi công thượng thừa, đứa lái khu trục, đứa F.5; đứa làm Liên đoàn trưởng Yểm cứ Không đoàn 41 ở Đà Nẵng. Vẫn quen lối xưng hô, tao, mày, như khi còn học ở Hà Nội ; nhưng trong quân đội là kỳ cục đối với người ngoài nghe chuyện. Sĩ quan xưng hô với lính tao mày, chuyện thường tình; nhưng lính đeo cấp bậc thấp xưng hô tao, mày với sĩ quan; thật tình làm cho người nghe khó chịu ra mặt. Lại càng hơn thế nữa - một buổi- Ẩn, trung tá phi công, hiện giữ chức Trưởng phòng Hành quân Chiến cuộc Bộ Tư lệnh Không quân lái xe díp đến nơi làm việc của tôi, hất hàm gọi:

- Phong ơi, sáng nay mà không có việc gì làm, đi với tao sang Cục Tâm ly chiến, được không?

Tôi quay sang phía đại úy Khải, sếp; như ý muốn hỏi xin phép; thì đại úy Khải rất thông minh, chẳng cần phải ngỏ lời trước- ông ta cười cười ra lệnh mà lại giọng bè bạn:

-Ông cùng sếp Ẩn đi đi. Chắc trung tá lại sang bên ấy đưa đăng báo Tiền Tuyến chứ gì? Ẩn gật đầu.

Phùng Ngọc Ẩn, tác giả tập truyện Bay trong hoàng hôn , từng là chỉ huy trưởng Căn cứ 92 (tiền thân Sư đoàn VI KQ) xuề xòa, góp ý:

-Này Khải, cảm ơn mày thật nhiều, cái đếch gì mày cũng biết trước. Cảm ơn mày nhé, tao với thằng Phong đi đây.

Ẩn, một vợ, dăm sáu đứa con lóc nhóc; nhà trong khu cư xá gia binh, nghèo rớt mùng tơi. Nhớ có lần ra cửa tiếp anh, khi nghe tiếng gọi ơi ới, giọng xin nài rất tự nhiên:

-Phong ơi, nhà mày còn gạo thì súc cho tao ít lon, nghe mầy?

Giọng nói miền Nam, dân Sóc Trăng, nghe vừa ngọt ngào, dễ thương, và không một chút mặc cảm. Có lần cả nhà tôi đi nhận xác chuẩn úy Nguyễn Quốc Văn, em vợ, lính Dù (tên mà tôi cử làm đại sứ cầm thiệp cưới về Dalat đưa cho Khê, bố mẹ nàng lại chưa có lời nói trước) - cậu ta mới chết trận ở Hóc Môn- thì anh em Không quân, như trung úy không quân Phát, trung tá Ẩn sốt sắng giúp đỡ tận tình. Nguyễn Văn Phát trước là trưởng Trạm hàng không quân sự Đà Lạt, kỳ Mậu Thân đợt hai vừa qua, anh và tôi chung số phận hiểm nghèo- bị phục kích ở đèo Prenn, nơi thác Dattanla mà không biết

Buổi sáng hôm ấy, tôi từ Đà Lạt cùng với Phát về Saigon bằng máy bay quân sự. Phát lái xe díp đưa tôi lên sân bay quân sự Cam Ly, chờ phi quân sự đáp là ưu tiên về Saigon. Đến phi trường trong khi chờ đợi máy bay, tôi gặp một thiếu phụ trẻ, ôm đứa con đỏ hỏn trên tay, mặt mếu máo, nước mắt quanh mí, chít khăn đại tang. Chẳng cần phải hỏi, tôi cũng biết là cô ta mới đi chôn chồng tử trận. Nghe tôi hỏi han, cô ta kể lể, đường bộ không thể đi được rồi, Việt Cộng đắp mô, phục kích; nên chỉ còn một phương tiện duy nhất là xin pắc (chữ tắt passenger ) mà mấy ngày nay chờ máy bay lại không tới lượt mình; tiền ăn đã cạn, lại không có thân thích ở Đà Lạt này. Mủi lòng, tôi nói với Phát, liệu có thể nhường chỗ của tôi cho cô ta đi trước chăng? Phát đồng ý ngay, và anh cho biết máy bay quân sự hôm nay không thể đáp xuống Cam Ly- thay vào đó sẽ đáp ở Liên Khương.

Đồ đạc của tôi chỉ có một handbag (túi xách nhẹ dành cho phi hành) đoàn ) áo field jacket không quân đã vứt lên xe Dodge 4 - lát nữa đây, Phát, tôi và tài xế xuống thẳng phi trường Liên Khương. Phát quay sang , trả lời bằng lòng để cô thiếu phụ chết chồng đi luôn thể. Khi báo tin này, cô ta đang thút thít, bỗng nở nụ cười ngay tức thì tỏ vẻ biết ơn. Rồi Phát nói tiếp- hay là để cô ta đi trước cùng trung sĩ của Trạm, còn anh và tôi đi xe díp xuống sau. Vậy là đồ đạc của tôi trên Dodge 4 khỏi cần phải đem xuống, chẳng mất đâu mà sợ, vì đã có trung sĩ trạm trông giùm. Xe Dodge 4 đi trước, Phát lái xe díp chở tôi nới theo đuôi. Thả dốc, chạy ào ào, đến cây xăng bờ hồ Xuân Hương bỗng dưng khựng lại. Phát nhìn vào đồng hồ xăng, kim chỉ E (Empty: hết xăng) , quẹo vào cây xăng dân sự đổ, thì xe Dodge đi trước mất hút. Tiếp tục lên dốc đường Nguyễn Trường Tộ, Phát cho chạy nhanh hơn cốt đuổi kịp, nhưng không bắt kịp xe Dodge . Gần đến thác Dattanla cũng vẫn mất bóng, Phát nói đùa, sao xe Dodge chạy nhanh như máy bay vậy? Trên xe, hai chúng chỉ có duy nhất khẩu Carbine , gọi là để đề phóng bất trắc, nhưng khẩu súng này không thể đương đầu với bất trắc lớn xảy ra. Ấy là tôi nói đùa với Phát vậy. Phát cười cười trả lời , ở Đà Lạt này làm gì có bất trắc lớn đâu mà ông lo sợ chứ, nếu có thì ở khoảng Đèo Chuối hoặc cây số 135, Việt Cộng thường đắp mô, phục kích .

Chúng tôi đến sân bay Liên Khương, bỗng nghe tiếng xì xào của một số người kể xe Dodge Không quân bị phục kích , bị đạn B40 bắn ở đèo Prenn. Trung sĩ bị cụt giò, vì máu ra nhiều quá, đã đưa vào trạm xà rồi . Nghe tới đây, tôi lạnh xương sống, đảo mắt xem có thấy cô thiếu phụ và đứa con không? Thật may, cô ta vẫn đứng ôm con ở cổng vào sân bay Liên Khương. Hú vía! cảm ơn Bề trên phù hộ mẹ con cô ta. Cô ta mếu máo kể lại, cô và ông Không quân ngồi trong ca bin; khi xe đang lao dốc đến thác Dattanla, bỗng một trái B40 lóe lửa ở vệ đường, chọc thủng ca bin xe ngọt ngào, tiện đứt một ống quyển ông không ngồi giữa. Ông ta gục xuống, xe khựng lại, và anh lính lái xe cố kềm tay lái điều khiển xe khỏi lao vào sướn đồi. Cô ta làm dấu Thánh, bề trên độ trì mẹ con cô; bởi cô ngồi bìa ngoài ca bin, một chân chống len thùng xe, một chân khoanh trên ghế cho đưa bé ngồi trước lòng. Vậy là cô thoát được tai nạn này.

Tôi nhìn sang phía Phát, và như có ý nói với anh; nếu chúng tôi đi xe Dodge 4, ba người ngồi trên ca bin; thì ai sẽ là người bị tiện cụt chân: Phát, tôi hay anh trung sĩ kia. Cô thiếu phụ còn kể tiếp, quả thật Bề trên đã phù hộ mẹ con cô, vì lúc đầu ông trung sĩ trước khi bị tiện ống chân cứ nằng nặc đòi ngồi ngoài; mãi sau chịu nhường cho, vì đứa bé ngồi giữa bị hơi máy nong tỏa ra không chịu nổi. Tôi không mấy tin vào số mệnh, nhưng hình như qua câu chuyện nhỏ xảy ra, hẳn có bàn tay vô hình nào sắp đặt trước mọi sự rồi.

-Mày nghĩ gì mà không nói năng chi vậy, Phong? Ẩn bất giác hỏi.

-Không, tao nhớ lại một chuyện nhỏ thôi.

Khi hai chúng tôi vào Cục Tâm lý chiến, người gặp đâu tiên là Tạ Tỵ. Chàng họa sĩ tiên phong tốt nghiệp khóa chót Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời tiền chiến, nay trong bộ quân phục trung tá, lon lá xum xuê, quân phục chỉnh tề, vẫy chúng tôi lại ngồi cùng bàn với anh. Anh quay sang tôi, cho biết chân dung tôi qua nét phác họa của anh mấy bữa trước xong rồi, rất đẹp; hiện đang để trong phòng. Bởi, anh đang sửa soạn viết phê bình Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (sau Lá Bối xuất bản, Saigon 1972) trong đó có tôi. Anh còn nói thêm ; đại để là tôi viết về ông, một số anh em nhà văn già không tán thành, ý cho rằng không xứng đáng. Tôi chỉ nghe, không có ý kiến, vừa lúc ấy, người phục vụ bàn đến hỏi chúng tôi uống gì. Tất nhiên là cà phà đen. Ẩn cũng vậy. Ba chúng tôi đang tán gẫu chuyện văn chương, thì một trung niên, kính trắng, dáng nho nhã, sơ mi trắng, quần xẫm mầu, giầy đen bóng ,bước vào câu lạc bộ rồi đi thẳng vào bàn chúng tôi. Tạ Tỵ giới thiệu, hướng về phía trung tá Ẩn:

-Đây trung tá Ẩn Không quân, tác giả Bay trong hoàng hôn ; còn đây là chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến.

Phạm Xuân Ninh, đương kim chủ nhiệm nhật báo quân đội Tiền Tuyến , nguyên Giám đốc Nha Vô tuyến Truyền thanh, nôm na sếp Đài phát thanh Việt nam Cộng Hòa, hiện trung tá, nói giọng Thanh hóa- ôn tồn nói với Ẩn:

-Tôi có biết anh, qua sự giới thiệu của Phúc khi đăng truyện của anh. (trung tá Phan Lạc Phúc, chủ bút Tiền Tuyến , thường ký bút hiệu Ký giả Lô Răng ) .

Quay sang tôi, anh ninh vào đề ngay, khi nhìn tôi mặc quân phục, đeo lon trung sĩ nhất Không quân.

-Ngày xưa (giọng kể cả) tôi trả cậu lon chuẩn úy đồng hóa, cậu không chịu; chắc cậu cho là nhỏ. Đến như Mặc Thu, Nguyễn Mạnh Côn mà cũng chỉ có thể cho mang lon thiếu úy đồng hóa. Bây giờ cậu vào Không quân, chịu nhận lon trung sĩ quèn sao? Quả thực Không quân các ông (quay sang như phân bua với trung tá Ẩn) hào hoa nên cậu ấy chịu chứ gỉ?

Quay trở lại khúc phim cách đây nhiều năm, dạo ấy tôi định lấy vợ, xin cưới một nữ thi sĩ làm cán sự xã hội mang lon quân đội, chẳng lẽ mình lấy vợ mang danh phu quân nữ thiếu úy sao? Người đẻ con là mẹ, còn bố không nghề ngỗng mang "hàm " văn sĩ ở nhà nấu nướng và trông con sao? Nên khi đó tôi qua Nha Tác động Tinh thần thuộc Bộ Quốc Phòng, hồi ấy anh Ninh là đại úy đồng hóa ( được Tống thống Ngô Đình Diệm đích thân ký nghị định theo đề nghị Bộ trưởng Phụ tá Quốc Phòng. Đến giờ, tôi còn nhớ lời anh Ninh phán: "... bạn cậu, Huy Sơn thương sĩ I, còn cậu thì chuẩn úy được rồi còn đòi gì hơn nào ?" (.....)*

--------------------------------
*(TÁC GIẢ TỰ Ý BỎ KHI ĐỌC LẠI)
--------------------------------

Tạ Tỵ bèn phán với giọng trọng tài:

-Ấy Thế Phong mói viết thủ bút cho tôi, trong đó cậu ấy viết như thế này: "... Anh Tạ Tỵ ơi, anh vẫn thường trách tôi là tên tiều phu độc ác thích đốn cây trong khu vườn văn chương." Ai mà cậu ấy chẳng phang, hôm nọ Cục trưởng T. bảo tôi nếu gặp cậu Thế Phong thì mới cậu vào chơi với ổng. Cậu ấy đi với tôi, rồi cậu ấy phang ổng tối tăm mày mặt.

Cái khéo xử thế của Tạ Tỵ là như thế!

Nhớ một bữa tôi đến thăm anh ở Cục, anh mời tôi uống bia, và người được gọi mang thức uống tới, chính là một nhà văn thiếu tá Bộ binh, Nguyễn Ái Lữ ( cũng họ hàng với anh Ninh, phía bên vợ của Nguyễn Ái Lữ) . Khi anh Tạ Tỵ là Trưởng phòng kỹ thuật Cục (một chức vụ tương đương Tham mưu trưởng) quyền hành đầy mình,anh Tỵ lại rất hách đối với thuộc cấp.Khi thiếu tá nhà văn Ái Lữ đứng ở tư thế đứng nghiêm ,trong lúc tôi là bạn Ái Lữ lại ở tư thế ngồi đang uống bia. Tôi bèn với một chiếc ghế khác ở trước bàn Tạ Tỵ, mời Ái Lữ ngồi cùng uống. Nhưng thiếu tá Nhâm chưa ngồi vào ghế ngay, liếc mắt qua phía thượng cấp chờ có ý được chấp thuận. Tạ Tỵ cũng rất thông minh, lại nhanh ý, nhìn thuộc cấp qua cái nhìn chấp thuận. Ái Lữ ngồi xuống rồi, vồn vã hỏi tôi về sinh hoạt văn chương Không quân.

Tạ Tỵ giục tôi cạn ly bia, sau đó anh rủ tôi lên thăm Cục trưởng Cục Tâm lý chiến H.N.T. cũng làm thơ với bút hiệu C.T. Tôi bảo anh Tỵ, tôi chưa quen ông, chỉ biết mà thôi; nên có điều không hào hứng gì khi gặp gỡ. Anh Tỵ vẫn năng nặc buộc tôi đền gặp ông cho bằng được. Tôi nể anh, theo đi.

Buổi ấy, tôi mặc dân sự, chiếc áo sơ mi vàng có sọc rất huê dạng, lả lướt; tăng sự làm đỏm thêm lên. Anh Tỵ đi về phía văn phòng Cục trưởng, tôi theo sau. Nhưng khi đi qua Phòng Ấn họa của thi sĩ Hà Huyền Chi, thằng này gọi giật lại, và ý muốn ghé nói chuyện với anh ta dăm ba câu. " ... này lên thăm ông T. hả ?" Tôi gật đầu, thế là anh nói ngay : ".. tao biết mà, ông Tỵ dắt mày đi là có ly do, tao bảo cho mày biết, ổng mới được Cục trưởng cấp cho hàng trăm ram giấy" blanc fin," chính tao mới cấp phiếu xuất kho" . Anh Tỵ thấy tôi nói chuyện với Hà Huyền Chi, anh hỏi ngay rằng nó nói gì; tôi cười cười, chả có gì đâu, hỏi thăm thôi. Anh bước vào văn phòng đại tá thi sĩ, qua một viên chánh văn phòng ngồi ngoài, anh này theo đúng thủ tục, hỏi lý do; anh Tỵ trả lời ông này (chỉ vào tôi) khách mời của đại tá. Bước vào văn phòng làm việc, cũng là phòng khách của ông, thoáng ngợp vì tiện nghi, sang trọng. Giới thiệu xong, ông mời chúng tôi ngồi, rót trà qua ly nhỏ từ ấm tích, như kiểu mời trà thời cổ Trung quốc xưa, hay gần hơn là Nguyễn Tuân tả cách uống trà trong truyện Chiếc ấm đất . Tôi có chủ ý, không thân với khách mới quen, theo đúng cách xưng hô trong quân ngũ; ông đeo lon đại tá, tôi xưng hô theo cấp bậc; ông làm thơ, tôi thêm hai danh từ "thi sĩ" ghép lại: thưa đại tá thi sĩ. Ông đi lính trước, và làm thơ không chuyên nghiệp, gọi ông là đại tá thi sĩ đã là hơi lạm dụng danh từ; nhưng gọi đại tá làm thơ , nghe không được xuôi tai mấy. Tôi không quên câu đầu tiên ông hỏi ; khi thấy tôi mặc dân sự, với áo sơ mi màu vàng sọc rất huê dạng đã nói ở trên. Sao hôm nay không mặc quân phục? bây giờ là giờ làm việc. Đúng là kiểu quan to, súng dài; ra cái điều với những người lính mang cấp bậc dưới. Tôi bật nhớ ra, đây lần thứ hai gặp ông. Lần trước trong một buổi đưa tang Tam Ích ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, khi Tạ Tỵ giới thiệu tôi ; ông đứng thẳng người xiết chặt tay trong tư thế biết mình lon lá cao hơn người được bắt tay . Tôi nói ngay với ông: -.... quả thực trung tá (lúc ấy ông mang lon trung tá, chưa thăng đại tá ) , tôi rất bất mãn khi thấy chính cục trưởng trung tá dự thi văn chương Tổng thống mà lại không được giải. Còn thượng sĩ Phụng (cùng mẹ khác cha với thi sĩ Xuân Diệu ) tòng sự tại Cục Tâm lý chiến lại được giải khuyến khích văn chương Tổng thống. Như thế quả là đúng với nhận xét của một nhà văn Ba Lan, tác giả Con voi - trong một tạp văn, ông ta giễu rằng trong quân đội, văn thiếu tướng phải hay hơn văn chuẩn tướng, đại tá văn hay hơn trung tá, cứ như vậy mà xếp hạng. Trường hợp này ở nước ta lại không vậy, văn thượng sĩ Ngô Xuân Phụng chắc là hay hơn văn trung tá nên mới được giải thưởng, còn văn trung tá Cục trưởng hẳn là kém văn thượng sĩ nên bị loại ; như thế là bất công, và không đúng với tinh thần hệ thống quân giai của quân đội rồi!

Chẳng hiểu tại sao, khi gặp Cục trưởng lần đầu, lại biết rằng ông từng làm chánh văn phòng cho đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Chính đại tướng này đã phạt nhà văn trung úy Lê Tất Điều, tự Kiều Phong ( khi viết potin ) 15 ngày, vì tôi viết báo sỏ lá gọi ông ta là đại tướng hai hòn .( ai cũng biết hai hòn là hai hòn... gì ) Hẳn lúc này, chánh văn phòng có tham gia vào vụ phạt này, đúng như vây rồi; nên tôi đã không mấy có cảm tình với ông mang tên đã Cao còn Tiêu , tiêu cay ở độ cao, thật hết chịu nổi! Có thể ông C.T. này còn nhớ buổi nào tôi đùa ông ta cách xách mé vậy, bây giờ gặp gỡ tất phải có đi có lại thôi mà. Trả lời ông:

-.... trong quân đội, số quân rất quan trọng, và phân biệt cho biết rành mạch từng quân, binh chủng. Như Lục quân số 1 đầu, Không quân mang số 6 đầu , Hải quân số 7 . Hiện nay tôi mang số quân 56 / 600.595, hai số đầu cho biết năm sinh của tôi, bằng cách trừ đi 20; số 6 chứng tỏ tôi thuộc quân chủng Không quân; còn đại tá số quân không là số 6 đầu , vậy số 1 Lục quân thôi. Tôi nhấn mảnh điều này, chứng tỏ dầu chúng ta cùng trong một quân lực; nhưng đại tá khác tôi, và tôi khác đại tá. Đại tá đi lính từ thời Pháp còn trên đất nước này, tây đặt cho lính ta là bataillon vietnamien - nghĩ về đại tá tôi nhận ngay ra sự kiện này. Quân lực chúng ta hôm nay lớn mạnh, nhờ đại tá đã góp sức vào đấy, từ hình ảnh một partisan đến chiến binh quân lực; kể cà làm văn thơ nữa; có phải vậy chăng, thưa đại tá thi sĩ ?

Anh Tạ Tỵ lấy chân khều chân tôi báo hiệu câu chuyện có vẻ nặng nề. Thì tôi lắc đầu, ý cho biết, chưa đâu?

-... vậy thưa đại tá, Không quân khác Bộ binh, làm việc trên trời, kết quả ở dưới đất. Tôi cũng vậy, làm việc như đi chơi, đi chơi như làm việc. Mặc dầu tôi là hạ sĩ quan (thời chiến, cấm quân như bây giờ) không được quyền mặc thường phục; kể cả lúc nghỉ ngơi, hoặc lên giường làm việc dung tục; may mắn được cấp công vụ lệnh cho phép mặc thường phục, mang theo máy chụp hình, được vào khu vực cấm, được phỏng vấn quan chức Không quân; như vậy đại tá còn có điều gì phiền không?

Ông đại tá lắc đầu, và lần này, ra một chiêu bậc trưởng thượng loại thượng thừa; cho biết ông rất thân với Tư lênh Không quân. Rồi thao thao kể lại, thân với Tư lệnh Minh ra sao- dặn tôi tối hôm tổ chức buổi tiệc ra mắt cuốn thơ, nhạc mà chính ông là tác giả- in màu rất đẹp, lại có chú thích bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp, chiêu đãi tại nhà hàng chả cá nổi tiếng Như Ý ở Tân Định., thì Tướng Minh phải hiện diện Ông còn nhấn mạnh, đây là tác phẩm của tôi, tập thơ lần đầu tiên được dịch ra Anh, Pháp; người trông coi morasse cẩn thận nhất là Nguyễn Đình Toàn, nên sách tuyệt đối không có lỗi nhà in? Và ông cũng đã gửi thiệp mới tới Tư lệnh Không quân, chiều nay tôi về, đầu giờ hãy lên báo cáo với Tướng, thế nào cũng phải có mặt. " Còn bạn ( chỉ vào tôi , và quay sang Tạ Tỵ) các ông in ít thiệp mời, nên bây giờ không còn một tấm nào để mời bạn này". Đại để thôi, mời miệng vậy, hỏi tôi có biết quán chả cá Như Ý nổi tiếng này ở đâu không? Chỉ một mình ông nói về ông, tôi lắng tai nghe, và hỏi lại:

- .." thưa đại tá thi sĩ, bây giờ ông có thể cho tôi một chút thời giờ, để làm gì; thưa đại tá, để tôi thưa lại với ông điều ông nói, vừa có tính cách nhờ vừa như ra lệnh của thượng cấp chỉ huy. ( ông gật đầu, còn anh Tỵ cười mím chi, cũng không tham gia, nháy mắt ngụ ý tôi không nên nói câu gì làm mất lòng đại tá. Tôi chậm rãi châm điếu thuốc lá, và nhấp trà lần hai, ôn tồn, lễ độ thưa lại lễ phép) Đại tá từng nổi tiếng, ai ai cũng biết, nhất là trong Lục quân; nhưng Không quân hẳn chỉ có một vài người biết , như Tư lệnh Không quân chẳng hạn. Khi đại tá có thân tình với tướng ấy, hẳn đại tá nhớ cái nhà trắng nhỏ đầu não Bộ Tư lệnh, nơi Tướng Minh làm việc. Ông tướng cho thiết kế một phòng nhỏ, đúng nghĩa cabinet d'aisance , nơi làm con người được dễ chịu, như bí tiểu vào phòng ngay là một điều dễ chịu; hẳn chẳng ai lại không thích trong sự khoái cảm dễ chịu ở trong phòng dễ chịu. Ông tướng Không quân này mắc bệnh trĩ, cũng đúng thôi, là luôn ngồi lâu trong toa-lét, nên ông cho trang bị nhiều phương tiện tối tân phục vụ cho sự dễ chịu càng hơn lên. Nào xà bông quái quỷ gì của Mỹ, tôi nhớ ra rồi Safeguard thì phải , rửa tay một lần thơm hằng giờ, thuốc lá Pall Mall trắng hàng tút, đầy rẫy sách vở mà ông Tướng ưa thích. Trong số sách vở, tiếng Pháp có, Anh có, Việt nhiều nhất, sách tặng , sách mua nữa- tôi chỉ là thuộc cấp nhỏ, lại chưa được liệt vào tri kỷ, sách tôi tặng ông chưa bầy ở rayon; riêng sách chiến hữu làm văn thân thiết tặng, tôi thấy tập thơ Đăng Trình gì đó, những bài thơ mà đại tá sang Đài loan thăm cảnh vật, tức cảnh sinh tình, viết ngay trong khách sạn Evergreen. Thưa đại tá, có đúng vậy không?

Anh Tỵ lại lấy chân khều chân tôi báo hiệu nên tốp lại; tôi xin lỗi anh như không hay biết, tiếp tục thưa chuyện với ông đại tá thi sĩ.

-,.. chẳng hạn trong quân ngũ, từ cấp binh nhì đến đại tướng, thống tướng; đại khái trên ba mươi nấc, tôi chỉ được đứng vào nấc, cách sáu nấc, từ cuối đếm lên.Nên điều đại tá nhờ tôi chiếu nay đầu giờ báo cho Tướng Tư lệnh Không quân, chắc chắn không thể thi hành trước báo cáo sau, bởi dễ gì tôi xin gặp được Sao cao nhất bấu trời không gian. Và xin lỗi đại tá điểm này; theo tôi nên gọi điện thoại cho đại tá Đỗ Văn Ry, chánh văn phòng tiện lợi, hữu hiệu nhất. Ông đại tá này cũng hách xì xằng với lính tráng, nhung nếu lính tráng có chút máu văn nghệ, ông ta rất dễ thông cảm, lại xử sự rất bình dân. Vì thưa đại tá, ông ta là con trai của nhá xuất bản nổi tiếng thời tiền chiến, nhà Mai Lĩnh ở Hà Nội xưa kia. Thứ hai, việc đại tá ưu ái cho tôi đước tham dự buổi ra mắt tập thơ, nhạc giao duyên, nhạc của nhạc sĩ tải danh, họa của họa sĩ tài thượng thừa, như anh Tạ Tỵ đây, và các đại úy, thiếu tá, trung tá ,văn thi sĩ quân đội chăm sóc kỹ thuật- nào thi sĩ nổi tiếng Du Tử Lê. còn mô -rát giao cho Nguyễn Đình Toàn chuyên trị, như đại tá vừa nói- Hà Huyền Chi, Phạm Huấn, Nguyễn Đạt Thịnh, Văn Quang, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc vv.. góp sức, và tổ chức ở tiệm chả cá danh tiếng số một Saigon , tiệm Như Ý ở Tân Định đã rất lâu đời.

Cũng xin thưa với đại tá, tiệm Như Ý là một trong hai tiệm của người Bắc ở đất Saigon này mà tôi được biết khi vào Nam- không phải bằng tàu há mồm của Mỹ, mà do tiền túi mua vé tàu thủy Ville de Saigon, với giá một ngàn năm trăm đồng, đến Saigon đúng trưa ngày 4 tháng 5 năm 1954. Sở dĩ phải thưa với đại tá lai lịch dài, lẽ rằng cái tiệm cơm nấu theo kiểu người Bắc ở đường Gia Long chỉ duy nhất ngon là tiệm Ngọc Sơn, còn tiệm chả cá của người Bắc cũ trước năm 1945 là Như Ý. Trong đời ,tôi khó quên hình ảnh buổi tối hôm ấy, khi đến đây ăn vào tối đầu tiên đến Saigon. Cá tanh , chảo mỡ sôi, giội trên mớ thì là. thì mùi tanh cá mất đi, trở lại ngon miệng. Nên một khi đại tá ra tập thơ, nhạc . họa giao duyên kim cổ, Tây, Mỹ này ở tiệm ấy; chắc phải mất hàng vài chục ký thì là, hàng chục lit mỡ sôi, cũng vẫn chưa chắc làm nhạt nhòa mùi tanh của cá? Rồi khi thực khách ra về cầm theo tập thơ đặc biệt được tặng; tấ t nhiên hương vị chả cá quyện vào khó làm nhòa nhạt. Tôi vô cùng đội ơn, cảm kích sự được xin lỗi tử chối lời mời của đại tá.

Không hiểu ông đại tá nghĩ thế nào, nhưng anh Tạ Tỵ nhìn đồng hồ, ra hiệu cho cuộc gặp gỡ cần được chấm dứt ở đây. Và tôi nói với anh, chính tôi cũng đang chờ đợi.

Anh Tạ Tỵ vẫn nhớ trước khi đến văn phòng thăm ông đại tá, thì Hà Huyền Chi, trưởng phòng Ấn họa có gọi tôi, rồi trao đổi dăm chuyện bá vơ, mà theo anh Tạ Tỵ, chắc không chỉ chuyện thăm hỏi suông. Anh hỏi lại, tôi lại trả lời theo kiểu quốc âm ba lối:

-Kỳ này chắc Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, bản thường chắc cũng in giấy tốt, phải không anh? Chắc anh cũng sẽ cho tôi một bản giấy thật tốt, phải vậy không anh Tạ Tỵ?

-Tất nhiên rồi, nhưng sao cậu lại hỏi vậy ? Hôm nay, tôi rất không hài lòng, vì đã đưa cậu vào thăm Cục trưởng.

-Đúng, vì với quân đội, ông ta là nhà văn đại tá; với nhà văn thì ông là đại tá nhà văn. Tôi chỉ nhại theo câu nói lý thuyết gia mác xít tây Henri Lefèbvre bàn về vai trò Jean-Paul Sartre như thế này. Với chính trị gia, J.P. Sartre là nhà chính trị văn nghệ; còn với nhà văn thì J.P. Sartre là nhà văn chính trị gia .
Chỉ vậy thôi anh Tạ Tỵ ạ.

Ẩn đưa bài cho báo Tiền Tuyến kiếm được tôi giục ra về. Ẩn lái xe díp; tôi ngồi bên anh ta. Trung tá phi công cũng không hài lòng , khi anh nghe câu chuyện tôi nói với anh Phạm Xuân Ninh. Còn anh Ninh chẳng bảo tôi :" cậu có giọng nói thật ba que xỏ lá. "Thì có chối đâu, tôi chỉ thưa lại với anh; chính nhờ câu nói có ba chữ ba que dành cho tôi ; mà anh không ngờ lại được nhìn trên quốc kỳ cũng có ba sọc đỏ ; hỡi ông nguyên giám đốc Nha Vô tuyến Truyền thanh, và nay trung tá đương kim chủ nhiệm nhật báo quân đội Tiền Tuyến, và cơ quan hậu cần vẫn phải đặt ở hậu phương.



Trích Hỡi Linh Hồn Tôi

VVM.24.5.2024-NVATP.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ