tạp ghi ' Ấm Lạnh Quê Người ' : " Huy Phương bỡn cợt xót xa " / bài viết Phan Tấn Hải ( Hoa Kỳ) -- source: https://vietbao.com/
Đã quen thuộc với độc giả nhiều năm qua các bài tùy bút và tạp ghi trên nhật báo Người Việt, Huy Phương là một tên tuổi không cần giới thiệu nhiều. Và những tác phẩm của ông đều đặn phát hành ra các tiệm sách vẫn được độc giả tìm mua nồng nhiệt.
Nơi đây thử trích lại lời của nhà văn Phan Nhật Nam khi nhận định về tuyển tập tạp ghi Đi Lấy Chồng Xa của Huy Phương do nhà Nam Việt xuất bản 2006: "Huy Phương đã viết tận chân tình… viết vì bổn phận của người được sống sót…. Với chữ nghĩa trầm lắng, nhân hậu…"
Đó là những lời khen nồng nhiệt từ nhà văn họ Phan vốn rất kiệm lời. Và tuần sau, một tuyển tập khác của Huy Phương sẽ lại được ra mắt, và chắc chắn cũng sẽ được đón nhận nồng nhiệt tương tự, và lần này với các chủ đề sôi nổi hơn, thời sự hơn.
Theo chương trình, tuyển tập tạp ghi "Ấm Lạnh Quê Người" của Huy Phương sẽ ra mắt vào 2PM ngày thứ bảy 11-8-2007. Tại hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster. Diễn giả: Bùi Bảo Trúc - Vũ Ánh. MC: Đinh Quang Anh Thái. Văn Nghệ bỏ túi- Uống trà thân hữu. LL: Huy Phương (949) 654-7715
Tuyển tập Ấm Lạnh Quê Người dày 310 trang, gồm 41 bài tạp ghi và một bài thơ dịch. Đây cũng là một điểm độc đáo của tuyển tập này: một bài thơ dịch nằm giữa hàng trăm trang văn xuôi.
Bản chính bài thơ là "To Our Dear Child," của tác giả Vô Danh, được Huy Phương dịch ra Việt ngữ tựa đề "Gởi Con Yêu Dấu," và rất là bùi ngùi khi đọc trong mùa lễ Vu Lan Báo Hiếu này. Nơi đây trích vài đoạn đầu của bài như sau:
"Nếu một mai thấy cha già mẹ yếu
Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân.
Những lúc ăn mẹ hay thường vung vãi
Hay tự cha không mặc được áo quần.
*
Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu
Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế bồng.
Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa
Cho con nằm trong nệm ấm chăn bông.
*
Cũng có lúc con thường hay trách móc
Chuyện nhỏ thôi mà mẹ nói trăm lần.
Xưa kia bên nôi, giờ con sắp ngủ
Chuyện thần tiên mẹ kể mãi không ngưng…"
Rất là bùi ngùi. Đúng là "chữ nghĩa trầm lắng, nhân hậu…" như Phan Nhật Nam đã nhận định.
Vài dòng tiểu sử về Huy Phương được nhà văn Đỗ Văn Phúc viết như sau:
"Huy Phuơng là một bút hiệu rất quen thuộc. Ông tên thật là Lê Nghiêm Kính
[ 1938- ] , nhà giáo động viên vào khoá 16 Thủ Đức. Từng là Biên tập viên báo chí và đài phát thanh Quân đội, Tổng thư ký toà soạn Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hoà và tạp chí Tiền Phong, Trưởng phòng Tâm Lý Chiến và Chính Huấn tại Tung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau 1975, bị 7 năm tù cải tạo; hiện định cư tại Orange County, California. Ông cộng tác với nhiều báo, tạp chí ở hải ngoại. Ông viết thường xuyên phần Tạp Ghi cho nhật báo Người Việt tại California. Sách đã xuất bản: Mắt Đêm Dài (thơ), Mây Trắng Đồn Xa (truyện ngắn), Nước Mỹ Lạnh Lùng (tạp ghi), Đi Lấy Chồng Xa (tạp ghi)…"
Bây giờ lại thêm một tác phẩm mới phát hành từ Huy Phương. Tuyển tập mới Ấm Lạnh Quê Người của Huy Phương vừa phát hành tuần này cũng nói về rất nhiều đề tài, nơi đây chúng ta thử trích về chuyện thường gặp nhất: đi đám cưới, nhiều người ngại ngồi gần nhau… Đó là chuyện không lớn lao gì, nhưng có thể làm một số người mất vui. Đó là bài "Một Chỗ Ngồi," trang 153, trích vài đoạn đầu với văn phong nhân hậu của Huy Phương như sau:"MỘT CHỖ NGỒI"
Cuối tháng sau, tôi được mời đi dự tiệc cưới của con gái một người bạn cũ, nhưng tuần nay, bạn tôi đa điện thoại hỏi tôi có nhận lời đi hay không và đây mới là câu hỏi quan trọng: "Ông muốn ngồi với ai, có kỵ thằng nào không, để tôi con sắp chỗ".
Thật tình tôi rất thông cảm với bạn tôi về chuyện này. Tổ chức một đám cưới cho con thì chuyện bàn bạc với thông gia, mua lễ vật, tổ chức giờ giấc, mời bà con đi họ, in thiệp cưới, thuê chụp ảnh quây phim... đều là những việc nhỏ, chỉ duy có việc sắp chỗ ngồi trong tiệc cưới mới là... đau đầu, và chính tôi cũng có nhiều kinh nghiệm về vụ nay sau khi dựng vợ gả chồng cho con cả chục năm về trước. Bây giờ chỉ con đi đóng hụi... chết, chứ chẳng phải lo lắng gì nữa việc tổ chức cưới hỏi cho con cái.
Trong số quan khách, bà con, bạn bè đủ loại qua rất nhiều thời gian giao hảo, có thằng bạn nối khố quen nhau cả nửa thế kỷ trước, có người mới biết trong một cuộc hội họp gần đây, mình đâu có biết trong các nhân vật nay, ông nào ghét ông nào, bà nào không chịu ngồi chung với "con mẹ" nào.
Không những ghét, mà có người con thề "không đội trời chung" với người khác nữa, người chủ nhà đâu có biết nguyên do, lai lịch những chuyện đấm đá, thu hận thương ghét giữa những "ốc đảo" nay để thu xếp cho trọn vẹn, nên cố gắng hỏi thật tinh người khách mời, để thà "mất lòng trước được lòng sau" là chu đáo nhất. Không phải có người chỉ kỵ ngồi chung bàn thôi mà còn kỵ cả chung tiệc nữa: "Ông mời nó, thì chừa tôi ra, ông nhá! Thấy cái bản mặt nó là tôi chịu không nổi rồi!".
Tôi xin kể một câu chuyện mà hình như đã kể với bạn rồi để minh chứng cho chuyện này. Trong một buổi ăn nhậu tất niên của một hội đoàn tại địa phương nay, địa phương có tới những hai ba đại diện "cộng đồng", lẽ cố nhiên mỗi cộng đồng phải có một ông hay bà chủ tịch. Ông Chủ Tịch Cộng Đồng B, khi bước vào cửa, đến bàn tiếp tân, câu hỏi đầu tiên ông là:-"Có ông X., chủ tịch cộng đồng A. trong này không?"
Cô tiếp tân, sau khi rê ngòi bút trên danh sách quan khách, bèn lễ phép trả lời:
"- Thưa Ông có, ông X. ngồi chung bàn với ông, số 13.". Thế là ông Chủ tịch Cộng Đồng đến sau hầm hầm quay gót trở ra cửa, vừa đi vừa nói chủ ý cho người khác nghe: "Xin lỗi, có thằng chả là không có tôi"…
Vậy đó, văn phong của Huy Phương hiền lành như vậy đó. Nói về một chuyện thường gặp mỗi tuần, chuyện chỗ ngồi trong bàn tiệc cưới… Ong không đề ra giải quyết nào, nhưng là nêu lên những đạo lý giữa cõi người… Đó là những dòng chữ cần được đọc chậm rãi, trầm lắng. Nghĩa là, phải đọc cùng một tầng giao cảm trầm lắng với tác giả.
Trân trọng kính mời độc giả tới dự buổi ra mắt tuyển tập tạp ghi "Am Lạnh Quê Người" của Huy Phương vào lúc 2PM ngày thứ bảy 11-8-2007. Tại hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster.
Nơi đó, sẽ có rất nhiều tấm lòng hơn là chỗ ngồi, và trên cõi văn đầy chân tình này sẽ không một ai nghĩ gì tới chuyện kiêng kỵ gì ngồi bên nhau…
Nơi đó, trên những trang sách của Huy Phương, nói theo nhà phê bình Đỗ Văn Phúc là,
"…cảm ơn nhà văn Huy Phương đã nói lên giùm rất nhiều điều mà tôi vẫn ấm ức muốn viết ra nhưng không có khả năng làm sống động trên các trang giấy. Trong những điều mỉa mai, bỡn cợt có một giọt nước mắt xót xa, cay đắng…" (trang 303)
Bỡn cợt với nước mắt xót xa".
Xin mời độc giả tự lật ra từng trang để tìm… ./.
PHAN TẤN HẢI
source : vietbao.com>
===========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ