Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

" ghi lại một vài chuyện đã quên, lại nhớ trong chuyến về THĂM LẠI SAIGON, ... " / tạp văn : ngọc tự -- source : t-van.net/?p=40669



 ghi lại một vài chuyện đã quên, lại  nhớ... trong
 chuyến về  thăm lại sàigòn,  ... 

[ tựa chính: ' dòng chữ đánh thức những điều chuyện ' ]
 ngọc tự



Mới rồi, tôi đã có chuyến về Việt Nam hơn 3 tuần lễ để thăm gia đình con cháu .  Có lẽ đây cũng là lần đi để dối già .

Đã gần 13 năm qua, kể từ ngày đến ngụ cư  tại Houston hồi cuối năm 2006-- trong 1 chuyến tàu vét được mở lại thuộc ' Chương trình định cư tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ' , dành cho các sĩ quan QLVNCH phải đi  Tù Cải Tạo dưới chế độ CS sau ngày 30. 4. 1975 -- tôi chưa bao giờ được thuận dịp để có thể về như lần này, dù rằng vẫn hằng luôn mong mỏi trong lòng.

Gia đình con trai, con gái với các cháu nội ngoại và nhiều thân bằng quyến thuộc của tôi vẫn còn ở lại Sàigòn .

Cùng trong chuyến về thăm quê nhà này, ngoài các sinh hoạt sum họp gia đình, thân tộ; tôi có 9i đến một vài nơi hỗ đây đó ở xa Sài gòn. Tôi cũng đã được gặp gỡ những thân tình bằng hữu quý mến trong nỗi xúc động khôn nguôi.

Khi quay lại Houston, được nhiều bạn hữu hỏi han gợi nhắc, tôi khởi thảo một bài viết; định tâm ghi lại những hồi cảm, chút tâm tình bâng khuâng vụn vặt về nơi chốn cũ ấy, sau những năm xa lìa .

  Có những khuôn mặt thương yêu hằn sâu mãi trong ký ức tho thời gian .

 Có những nơi chỗ lưu giữ đầy ắp kỷ niệm, bây giờ đã hoàn toàn đổi thay lạ lẫm cả hồn lẫn xác  -- như cái xóm nhỏ cố cựu ven bờ kênh Nhiêu Lộc của tôi , rồi khắp cả thành phố Sài gòn, hoặc một Đà Lạt của biết bao nhung nhớ ngày tháng cũ .

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn bày tỏ đôi điều về chuyện đời, chuyện đạo , chuyện liên quan đến quê hương đất nước,trong suy nghĩ và nhận định của một người Việt tha hương xứ người, vừa mới tìm về  cố quận .

Rất thật lòng,tôi dễ dàng và mau chóng nhận ra rằng mình đã trở thành một người khách xa lạ ở ngay cố thổ,quá đỗi lạc lõng cô đơn giữa từng dấu vết còn bàng bạc chút gì thân quen, gần gũi đâu đó của tháng ngày những năm xưa . Hụt hẫng quá, như thế tôi vừa bị lấy mất một thứ gì đó; mà sao vẫn không thể nhìn thấy rõ được cái thứ đã bị mất ấy .  Cũng may là còn nguyên vẹn những thương yêu gắn bó, để nhắc nhở về cội nguồn chưa bị lãng quên .

Bài viết đã được gần 5 trang chữ, bỗng dưng tôi bỏ dở dang nửa chừng, dù nguồn cảm hứng vẫn còn nguyên vẹn . Tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại như vậy .  Có lẽ tôi muốn lặng thinh ôm giữ lấy mọi thứ cho riêng mình, không muốn một bày tỏ, phơi trải nào chăng. Cũng  có thêm đôi chút ngần ngại vì nghĩ rằng một vài nội dung được nói đến, sẽ tạo ra phản ứng tranh luận  không cần thiết; dù chỉ trong vòng bạn hữu hạn hẹp.

Thỉnh thoảng bạn hữu thân quen có ý nhắc, vẫn cứ đinh ninh đợi chờ bài viết của tôi; rồi thất vọng dần trong quên lãng.

Tôi cũng quên bẵng mấy trang viết còn nằm trong 'computer' . Đây không phải là lần đầu tiên .

Tôi đã từng để 2, 3 bài viết dở dang khác rồi bỏ lửng, không hoàn tất cho xong như vậy . Cũng từ một lý do vu vơ bất chợt nào đó chẳng rõ ràng; nhưng thường là do tình trạng tự nhiên đâm ra lười chán với nhiều thứ chung quanh, mà đâu hiểu tại sao .  Trong đó có việc bỗng cảm thấy không còn mấy hào hứng và tha thiết với chuyện văn chương chữ nghĩa của mình như trước nữa -- dù chỉ lả thứ văn chương lẻ loại hạng bét, ăn đong vặt vãnh nữa .

Hình như nói theo ngôn ngữ "văn chương hậu hiện đại " gì đó -- có thể tôi đã bị rơi vào tình trạng"liệt dương" hay " bất lực với chữ nghĩa" cũng nên .

Tôi cũng đã già (*) và cũng không phải là một ông thi sĩ đàng hoàng thứ thiệt; nhưng rất thấm thía đoạn văn trong một tác phẩm của ông thi sĩ Rilke người Áo ( 1875- 1926), đại ý thế này :

-------
(*) - Ngọc Tự ( Trần ) sinh năm 1947 -       ]  (tư liệu do tác giả Khải Triều ung cấp ).
 (BT)

"Nếu đời sống thường nhật trở nên nhạt nhẽo nghèo nàn đối với ông thì ông đừng bao giờ qui trách nó .  Ông hãy tự trách chính ông rằng ông không đủ tâm hồn thi nhân để mà gợi dậy trong lòng mình tất cả sự phong phú miên man của đời sống thường nhật ."

[ trích từ Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi/ Rainer Maria Rilke  -- bản dịch Hoàng Thu Uyên  .]
  ( bút hiệu khác của Phạm Công Thiện, nxb An Tiêm, Sài gòn, 1969. ) .

Thế rồi hơn 3 tháng trôi qua, mới đây anh Thế Phong,  phục vụ cùng đơn vị Chiến tranh Chính trị/ Bộ Tư lệnh Không quân (CTCT/BTLKQ) ngày trước, và cũng là một nhà văn tên tuổi quen thuộc trên văn đàn, gửi 'email' báo tin đã bắt đầu viết lại trang 'blog' mà anh đã tạm ngưng ngắn hạn nhiều lần -- và phải ngưng rất lâu từ năm ngoái < thang-phai.blogspot.com VIRGIL GHEORGHIU > ; vì vấn đề sức khoẻ tuổi già .

  Anh cũng nói thực hiện được việc này là do cảm hứng từ buổi tôi đến thăm anh và chuyện trò hàn huyên; trong lần tôi về Việt Nam đó .

 Thật ngạc nhiên và bất ngờ cho tôi .

Rất thật lòng, theo dõi trang 'blog' của anh trong suốt thời gian qua, tôi đã bắt gặp nhiều điều thích thú.

Bất chợt như có một sự đánh thức, rồi tác động mạnh mẽ vào từng gợi nhớ và thôi thúc; tôi cũng nghĩ ngay đến việc tiếp tục bài viết nửa chừng, để ghi lại một vài điều chuyện quên nhớ trong chuyến về ấy. Thì cũng chỉ viết cho riêng mình để thử tri tưởng xem sao, và thêm nữa, cho các bạn hữu thân qúy, như từ trước tới nay vậy thôi .

Hình như có một tài liệu nghiên cứu phổ biến lâu rồi , đã khuyến khích người trẻ, lớn tuổi nên sử dụng 'computer' thường xuyên để trao đổi 'emails' , truy cập và tìm đọc các thứ trên mạng; hay , thình thoảng thử viết một cái gì đó ... sẽ giúp cho trí não luôn được vận động, là cách tốt cho việc ngừa chống 'Alzheimer' , thường gặp nơi tuổi già . Tôi chưa đến nỗi lú lẫn vì bệnh này, nhưng có dấu hiệu bắt đầu hơi 'tơ-lơ-mơ'.  Vậy chắc phải nghe theo lời khuyên như thế để mà cố gắng áp dụng, dẫu cho trình độ loại 'i-tờ net', hãy còn phải mày mò lõm bõm nhiều thứ .


 *

Quả thật, chuyến về thăm quê nhà sau hơn 12 năm xa cách, đã để lại trong tôi thật nhiều nỗi xao xuyến bồi hồi và thật nhiều cảm xúc lẫn lộn khác nhau .

Trong bài viết này, tôi không nói gì đến phạm vi riêng tư nơi gia đình, con cháu; hay, những vấn đề liên quan tới chính sự, xã hội, tôn giáo; mà chỉ vụn vặt quanh vài chuyện tình nghiã thân thiết gần xa của mình với bạn hữu anh  em .

Bởi vì như dự định lúc đầu, có lẽ cũng rất thường tình giống như nhiều người khác, làm sao tôi có thể tránh khỏi việc không có suy tư và muốn bày tỏ về những điều chuyện đã nhận biết và cảm nhận chung quanh hiện trạng quê hương đất nước.

Như chuyện chính sự và kinh tế, văn hoá, xã hội cũng như giáo dục ... trong nước hôm nay, đang trong tình trạng phát triển bất cân xứng và lệch lạc với nhiều điều mâu thuẫn nghịch lý đầy rối ren, làm băng hoại nhiều thứ, tiềm ẩn những đợt sóng ngầm nào đó.

Thế nhưng đối sánh với các sinh hoạt ( len án hay phản kháng, đấu tranh ... ) của người Việt tại hải ngoại, có thật nhiều những vấn đề để nói tới.

Dường như mọi thứ đang diễn ra ở ngoài này mới chỉ là những tiêu ngữ, khẩu hiệu của phong trào theo từng giai đoạn .  Có hình thành được chưa một tiêu đích chung nhất như thế nào, cụ thể và khả thi, với nỗ lực phải đồng tâm đạt cho được, bằng một hệ thống tổ chức chủ đạo, kỷ luật chặt chẽ, hiệu quả và bền bỉ; hay, tất cả vẫn còn đang tiếp tục loanh quanh trong sự hô hào, giữ các vụn rời phân hoá.

Tuy nhiên, có lẽ nên tránh nói tới những chuyện như vậy; vì dễ gây ra tranh luận mà tôi đã tự nhắc chừng.

Và [ tôi]  cũng rất dễ bị ngộ nhận là muốn làm một vị  tuyên uý chính trị .

Còn nữa, trong đời sống và sinh hoạt nhà đạo ở một, hai, nơi chỗ quen thuộc rất nổi tiếng mà tôi biết có ghé đến  như'  ' Giáo Điểm Tin Mừng Nhà Bè' với phong trào ' Lòng Chúa Thương Xót" ; nay đã thôi sinh hoạt  -- hay ' Trung Tâm Hành hương cha F.X. Trương Bửu Diệp', dưới Giá Rai, BạcLiêu ...) ; qua một vài quan sát thực tế rồi tìm hiểu đôi chút; tôi suy nghĩ cũng như cảm nhận đức tin chân chính; hay, đức tin theo cảm tính,trong cách biểu tỏ lòng đạo đức bình dân, dễ xa rời chánh tín, của sô đông người tại mấy nơi đó .

Đây là vấn đề thuộc phạm vi thần học tin ;ý đức tin trong tôn giáo.  Nếu cứ đi xa quá trong luận bàn thiển cận chủ quan, dễ đưa đến sự xét đoán theo ý mình là điều không nên và không được phép .

Kinh thánh dạy rằng; " Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán". 
( sách  Mat-thêu: 7, 1 ) .

Hay hơn cả, thôi thì chỉ nên nói về các điều chuyện liên quan đến quanh mình.  Cũng là học theo ông [ thi sĩ]  Rilke, nơi một đoạn văn khác, cùng trong tác phẩm đã giới thiệu bên trên , viết rằng:

" Hãy tìm cách dùng những sự vật vây quanh mình để tự diễn đạt mình, những hình ảnh của mộng mị, những sự vật của kỷ niệm xa xôi ." ( sách đã dẫn ) .

Hoặc nữa:

"Vì thế hãy tránh những chủ đề to lớn và chỉ nên chọn những chủ đề mà đời sống tầm thường hàng ngày cống hiến cho ông; hãy nói lên những nỗi buồn, những khát vọng, những tư tưởng thoáng hiện trong hồn ông và niềm tin của ông vào một vẻ đẹp mênh mang nào đó . Hãy nói lên những cái ấy với lòng chân thành thắm thiết, lặng lẽ và khiêm tốn . " ( sách đã dẫn ) .

Xin được vụng về  trải lòng lẩn thẩn về những điều nhỏ nhoi, nơi một lần tôi quay bước chân tìm về cố lý xa xôi, trong tâm niệm phần nào tương tự như thế .

*

Tôi nhớ mãi cái tâm trạng chẳng biết sao cứ ngẩn ngơ và xao xuyến quá; rồi bỗng có lúc cảm thấy như thế mình đã vấp phải một lỗi lầm mơ hồ mông lung nào đó, trong việc chọn lấy sự ra đi .

Trước đây, dù đã từng có thể ra đi vào thời điểm những ngày cuối đầu sôi động của tháng 4/ 1975-- hay sau này, khi  chương trình quen gọi là H.O. được mở ra lần đầu hồi 1990, tôi không bao giờ nghĩ đến việc rời khỏi đất nước.

Tôi đã bắt gặp thật nhiều nỗi vui và có những điều tự tiếc trách, vì không thực hiện được tất cả mọi chuyện như đã dự trù.  Những năm tháng xưa cũ ấy vẫn luôn luôn mãi như đang còn hiển hiện tiếp nối, bạn hữu anh em tôi đã dành cho tôi biết bao  thương mến . Quên sao được nỗi bịn rịn lưu luyến khi nói lời từ biệt trước lúc chia tay nhau  hôm nào mà tưởng như mới đây .

Tôi đã đi thăm hỏi, được mừng vui gặp gỡ chuyện trò hàn huyên với các hiền huynh và những anh em huynh đệ quý mến, dù chưa đầy đủ tất cả như mong muốn .  Mỗi người  một tình trạng sức khoẻ khác nhau, khi bước vào tuổi hoàng hôn cuộc đời . Dường như không một ai còn khoẻ như hồi còn trẻ; hoặc ít ra như ngày giã từ nhau hơn 12 năm trước đây ( đương nhiên tôi cũng thế thôi) . Thậm chí có người đã phải nằm phều phào một chỗ trên giường bệnh từ bao giờ , như Bùi Đức Dung, ông sĩ quan viết văn, làm thơ thuộc ' Lực Lượng  Đặc Biệt ' , lẫy lừng cao to thuở nào .

Tôi nhận được thật nhiều ân cần chăm chút, ngập đầy tình cảm và nhiều nỗi vui nơi mỗi cuộc hạnh ngộ, với người này người kia; hay từng nhóm bạn hữu huynh đệ khác nhau .

Và trong quãng thời gian ly tán, đã có những bằng hữu huynh đệ giã từ cuộc đời; để lại trong tôi một khoảng trống lặn buồn  biết mấy.  Ngoài buổi tối đến nhà cháu út Dương Phụng Hoàng bên Phú Thọ, để thắp nhang cho anh chị Dương Hùng Cường (*) ; tôi cũng chỉ tìm đến được vài nhà bạn hữu khác, đứng nhìn lên di ảnh bàn thờ, nghẹn ngào cầm nén hương tưởng nhớ, nước mắt ứa ra .

----
(*) - Dương Hùng Cường, cựu sĩ quan Không quân QLVNCH,  nhà văn nổi tiếng ở miền Nam , tác giả ' Buồn Vui  Phi Trường", ' Vĩnh Biệt Phượng '  v.v. ... bị  CS giam giữ  ngay sau 30 /4 /1975 trong một hoạt động chính trị với 
Ngọc Tự ( Trần) + một nữ nhân viên tại Bưu điện Sài gòn, Nguyễn thị Nhạn (bị bắt sau) đã  giao dịch với Trần Tam Tiệp ở Pháp  + 1 đôi lần bị giam cùng  với  văn nhân, thi sĩ Sài gòn cũ  Phan Đăng Lưu, Khám Chí Hoà  v.v.  .

  -theo tư liệu của Ngộ Không: "  Dương Hùng Cường sinh ngày 1. 10. 1934 tại  Hà Nội, qua đời tại nhà tù

 Phan Đăng Lưu  ngày 21. 11. 1987 . (Saigon-Gia Định) "  . 

Tôi bồi hồi nhớ đến từng khuôn mặt huynh đệ thân quen của những tháng năm dài ngập tràn nhắc nhở , biết bao kỷ niệm ấy  -- này một Tô Duy Khiêm, Hoàng Vũ Đông Sơn, Phổ Đức, Nguyễn Mai, anh Nguyễn Thuỵ Long, anh Hồ Nam, anh Lữ Quốc Văn ... rồi nữa Nguyễn Văn Thuyết, các anh Đặng Khuyến, Võ văn Thời, Nguyễn văn Hảo ... cùng ở  khôi CTCT/ BTLKQ ngày xưa -- và vẫn còn liên lạc, gặp gỡ, gắn bó với nhau cho tới ngày tôi chào từ giã lên đường đi định cư .

Hãy dấu kín nỗi buồn để nói về những điều vui đã trở thành từng dấu ấn đậm nét nơi những khuôn mặt vẫn đi theo cùng năm tháng.

Anh Khải Triều, dù bất ngờ và thoáng xúc động khi nhìn thấy tôi, vẫn giữ một phong thái trầm tĩnh điềm đạm quen thuộc như xưa .  Cũng thế, anh Hồ Phong vẫn vô cùng sôi nổi trong cách chuyện trò và nhất định bắt tôi phải cùng uống cạn mấy lon bia để giải khát. Đây là 2 trong số các hiền huynh giao tình thân với tôi quanh sinh hoạt báo chí, nơi tháng năm quân ngũ tại căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất .

Một buổi gần trưa, tôi đến thăm anh Thế Phong gặp lúc anh còn đang ngồi gặm nốt cái đùi gà.  Nhìn đĩa đựng xương gà trên mặt bàn chưa dọn đi, tôi tỏ ý thán phục quá . Anh nói nhờ 2 hàm răng ngoại thật tốt, do một ông cựu sĩ quan Quân Y đi tù cải tạo về, đã làm cho từ rất lâu, để thay thế toàn bộ 2 hàm răng cơ hữu có vấn đề, nên việc ăn uống luôn được dễ dàng bình thường . Nhìn anh vẫn khoẻ mạnh, tuy dáng vóc có vẻ hơi gầy so với trước đây, chắc vì nhiều lần phải ra vào bệnh viện.

Thoắt vèo, anh cũng đã gần 90 rồi còn gì .  Trong đầu tôi thoáng hình dung rất nhanh một vài hình ảnh đánh dấu từng chặng đường trên hành trình cuộc đời anh .  Từ chàng trai trẻ đang lớn, vạm vỡ to khoẻ, phóng ngựa vun vút dọc ngang những nương đồi, khe suối vùng Nghĩa Lộ/ Yên Bái .  Rồi tuổi thanh niên bắt đầu vào làng văn xóm chữ Hànội đầu thập niên 50.  Và thành danh như một chân dung văn nghệ riêng biệt thật đa dạng, phong phú trên văn đàn Sàigòn suốt chiều dài thời gian, từ 1954 cho đến nay .

Tôi nhớ mãi dáng người anh hồi biết anh lần đầu tiên, những năm 1966- 1967 tại nhà anh Cao Thế Dung, một hiền huynh của tôi.  Rồi thời gian gặp anh hàng ngày ở đơn vị trong phi trường Tân Sơn Nhất, từ cuối năm 1969 khi tôi mãn khoá Thủ Đức về trình diện.  Rồi những thời điểm khác nhau sau Tháng Tư năm 1975 và bây giờ . Tôi thoáng bồi hồi với một chút bâng khuâng khi cũng vừa nhớ đến tháng năm đời mình .

Chúng tôi hỏi nhau và trao đổi ít chuyện văn chương chữ nghĩa, về trang ' blog' của anh, nhắc đến những thân quen nơi này nơi kia . Anh ngỏ ý muốn rủ tôi  đi uống cà phê, chắc để có thể chuyện trò nhiều hơn . Biết tình trạng sức khoẻ của anh và giữa thời tiết mùa hè Sàigòn hôm ấy, quá oi nồng nắng nóng gay gắt, tôi tỏ ý ngần ngại không dám nhận lời.

Khi tôi chào và chuẩn bị ra về, anh lên gác lấy xuống một quyển sách to và dày, bìa cứng rất đẹp, ngồi ghi mấy dòng chữ lưu niệm tặng tôi.  Đây là quyển sách mới xuất bản năm rồi, giới thiệu bộ tranh sơn mài của một hoạ sĩ có tiếng tăm, được chụp ảnh lại để in ấn; mà tác giả đã trân trọng ký tặng anh . Anh tặng lại tôi để ghi nhớ ngày gặp nhau . Xin cám ơn anh thật nhiều, thưa anh Thế Phong.


                                                                                                                        (còn tiếp )

ngọc tự










0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ