Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

29 - thư của 30 nhà văn, nhà báo trong nước + ngoài nước gửi thế phong ở thập niên 90 ' s : MAI TRUNG TĨNH [ 1937- 2002 ] -- ( kỳ 2: HẾT }

thư của 30 nhà văn, nhà báo trong nước gửi 
Thế Phong, ở thập niên 90 : 's :



MAI TRUNG TĨNH
[ Nguyễn Thiệu Hùng 1937 hanoi - 2002 maryland/ usa ]


( kỳ 2: hết )

...
...
...


thư mai trung tĩnh gửi thế phong

4 - 


NGUYỄN THIỆU HÙNG
MAI TRUNG TĨNH

                                                        Annapolis, MD   02/   18/   97

                                                         Thế Phong thân, 

Sau tết Đinh Sửu tao mới nhận được thư mày. Cám ơn lời chúc dù đơn giản mà vẫn chân tình và hàm ý nhắc nhở nhẹ nhàng nhiều cảm động ma buồn, của mày .  Trong thư trước mày gửi cho tao có tấm hình mày chụp chung với Hoàng Thư , Lê Văn [ Vũ Bắc Tiến ] (*) trong một buổi thờ phượng  Chúa. tao càng nhìn tấm hình đó càng nhớ mày quá, cùng với những liên hệ, kỷ niệm giữa tao với mày,hồi còn ở trong nước . Có gặp Hoàng Thư và Lê Văn cho tao gửi lời thăm 2 anh ấy cũng như lời khen anh lê Văn trông rất đẹp lão .  Những điều mày muốn nhắn Phan Diên, tao đã làm đầy đủ cho mày .

Còn bài của C. M. Nhân [ Cao Mỵ Nhân ] (*) viết, mày gửi cho tao không phải là " gửi củi về rừng "  đâu  . Vì ở đây tao chưa đọc bài đó . Thất đấy !  ( lý do : không có tờ Saigon Times trong tay ) .  Tiện đây, tao cũng báo tin cho mày biết là cái ông bạn mi quen ở Annapolis
 ( iửửư đã có lần tao nói với mày ) ,người vẫn thường cho tao các tập báo của ông ấy đã đọc rồi,ông đã " move " về Cali rồi, nên từ đây tao sẽ chẳng còn báo để theo dõi tin tức và sinh hoạt văn nghệ nữa .  Chỉ còn có 2 người ( Nguyên Vũ và Phan Diên ) có gửi cho tao cái gì, thì tao được đọc cái đó thôi .  Riêng ông Nguyên Vũ, nếu có gửi thì chỉ gửi sách thì chỉ gửi sách của Nguyên Vũ viết và báo chí thì duy nhất có " Quốc Dân " .  Tết Đinh Sửu năm nay không thấy Nguyên Vũ gửi cho tao giai phẩm Xuân Quốc Dân .  Không biết vì lý do gì, Nguyên Vũ cũng chưa nói gì với tao về chuyện nảy .Còn 2 mảnh báo tao chưa gửi cho mày trong các kỳ trước, tao gưi nốt cho mày kỳ này . Từ đây, nếu  mày thấy lâu tao không thấy tao gửi gì về cho mày, thì mày đã hiểu lý do. 

Đầu năm, tao chúc mày và gia đình an khang, hạnh phúc trong ân sủng của Chúa. Và riêng Thế Phong  thì : " sẽ tiếp tục phát triển và thành công rực rỡ trong việc in sách . " 

                                                                                                          Thân

                                                                                                            TĨNH

-----------
(*)-  chữ trong [ ..... ] là của Biên Tập .


5 - 


NGUYỄN THIỆU HÙNG
MAI TRUNG TĨNH                                     ANNAPOLIS, MD October 09,97

                                                                    Thế Phong thân, 

Việc mày nhờ gửi cho H.H. Thuỷ thì tao đã làm ngay , sau khi nhận được thư mày .  Nhưng cho đến nay chưa thấy sách của HHThuỷ gửi.

Còn Thái Thuỷ khi đặt chân tới Mỹ đã viết thư cho tao rồi .  Tao và bà Thảo  cám ơn mày đã gửi cho tấm hình.

 Bà Thảo nói với tao là nhìn " chị Khê mặc cái áo nhung đẹp quá  " -- và lại khiến cho bà ấy nhớ lại hình ảnh của chị, hồi chị bán hàng ở  trước cửa  trường Bà Sơ Thiên Phước Tân Định cùng với mấy cháu, lúc ấy còn nhỏ .  Ngay từ hồi đó bà Thảo đã thường nói với tao :  rất khen mấy cháu trai cuả mày. Vừa giúp mẹ mà vẫn lo lắng học hành.  " (*) 

Mày đọc bài phúc trình của Trần Thanh Hiệp và " Thông Cáo của Văn Bút Việt Nam hải Ngoại " ; thì hẳn mày cũng thấy là " mấy anh cầm bút ở hải ngoại đúng là không ra làm sao cả . "  Đó cũng là lý do mà tao không muốn ghi tên gia nhập một hội đoàn nào cả . 

Chúc mày và gia đình luôn được tràn đầy ân sủng của Chúa  Ki- Yo6 . (**)

                                                                                         Thân

                                                                                           TĨNH

-----
(*)  - sau 30 / 4 /1975,   gia đình chúng tôi từ Trại Gia Binh Không quâ Tân Sơn Nhất ra Tân Định sống, hàng ngày vợ tôi và  2 đứa con trai lớn đẩy chiếc xe " cắt cỏ biến cải tành xe bán  mũ ( nón) trước   trương Bà Sơ Thiên Phước Tân Định( trên đường Hai Bà Trưng, quận 3) , thì cháu Đỗ Nhị Tường Khê
 ( thứ nam) rất chăm học, vừa giúp mẹ bán hàng  vừa cầm sách để học. ( năm 1994 đã  tốt nghiệp  bác sĩ đa khoa). 

Sáng nay ( thứ  tư 25 September,  vợ chồng tôi hiệp nhau cầu nguyện với đấng Christ trước khi ăn
  sáng- và sáng nay  tới phiên vợ tôi. Tôi lắng tai nghe :

 "... Chúa ơi,   chúng con chẳng thể nuôi nổi 5 đứa con  sau ngay 30/ 4/ 75, tới nay các con chúng con  đã trưởng thành, đứa là kỹ sư, đứa là bác sĩ, đứa ở ngoại quốc với công việc làm  được hưởng lương  rất cao -- đó không phải là công lao chúng con, mà là Chúa  đã  làm cho chúng con. Tạ ơn Chuá vô cùng, tới nay chúng con  ở  độ tuổi mà Kinh Thánh  chỉ ra  "  Tuổi tác chúng tôi đến được 70/  Còn nếu mạnh khoẻ thì đến 80" ( Thi Thiên 90: 10 a)  - và , chúng con đã ngoài 80 cả, chồng con ở tuổi 87 , con 83. Chúng con còn khoẻ mạnh là nhờ ơn Chúa ban cho sự sống lâu trên đất để hầu việc và thờ phượng Ngài một cách phải lẽ , cho tới ngày Chúa gọi chúng con về ... "

(**) gia đình MTT theo đạo Thiên chúa giáo . 

      ( TP chú thích ) . 





6 - 

NGUYỄN THIỆU HÙNG
MAI TRUNG TĨNH                                   ANNAPOLIS    May / 99

                                                                  Thế Phong ơi ,

Tao nghĩ: hẳn mày cũng đã được nghe và biết tao vừa trải qua mộ " ca" giải phẫu óc cực kỳ nguy hiểm. Nhưng nhờ ơn Chúa, tao đã được " tai qua nạn khỏi"-- và sau ít ngày phải nằm lại ở nhà thương để họ " check" lại đủ thứ cho được an toàn, thì tao đã được cho xuất
 viện . " để về nhà, chờ dần dần phục hồi sức khoẻ .

Cho đến hôm nay thì co thể nói : " everything is hunky -dory " ( mọi việc đều tốt đẹp như ý ( Đây là 1 kiểu nói của người Mỹ, mỗi khi thấy mọi việc diễn ta suôn sẻ êm đẹp. Chữ
 " Hunky dory" là một " slang" của Mỹ . Để hiểu rõ chữ này mày có thể xem trong cuốn 
" Amercan Slang" .  Và hôm nay, thấy trong người khoẻ khoẻ lại một chút , lại thêm nhớ mày lắm -- nên tao cố ngồi viết cho mày vài chữ đây .  

Và, nhân tiện ó bài viết về tao của nhà văn Lê văn Phúc, (*) tao gửi cho mày luôn thể để mày đọc. Anh Phúc là một trong những nhà văn mới nổi, từ khi ra hải ngoại -- nhờ mấy cuốn " Tôi làm tôi mất nước " được rất nhiều người nói đến . 

Tao mong  là gia đình mày vẫn bình thường vui vẻ trong ân sủng của Thiên Chúa .

                                                                                                Thân

                                                                                                TĨNH

--------------
(*) - xem bài đăng  kèm  1 & 2 .





                                              -------------------------------------------------------------


                         
                                       

                                     NHÀ THƠ MAI TRUNG TĨNH

                                                      LÊ VĂN PHÚC


Cuộc đời tôi  đầy rẫy những chuyện tình cờ : Tình cờ... lấy vợ -- tình cờ ...  thi đỗ , tình cờ ... trở thành Đốc sự ( mà không học Trường Quốc Gia Hành Chánh ngày nào ), tình cờ ... đi lính, tình cờ ..,. di tản, tình cờ ... bơm xăng làm chuẩn , tình cờ dọn từ Florida về Houston -- miền Nắng ấm ... .

Nhưng vui nhất là tình cờ quen biết với một số văn nghệ sĩ , lão thành thì như cụ Phạm Cao Củng, cụ Phùng Tất Đắc, cụ Bùi văn Bảo .. . -- trên dưới tuổi tôi thì như Thanh Nam, Tuý Hồng, Hà Huyền Chi, Phạm Huấn, Song Hồ ..., nhỏ đôi chút thì có Nhật Tiến, Lê Tất Điều, Hoàng Ngọc Ẩn, Nguyễn Tất Nhiên ...

Trong giới ca nhạc, tôi cũng tình cờ quen biết hoặc thân với một số người, như : Bố Già Phạm Duy, Tuấn Khanh, Phạm Mạnh Đạt ..., ca sĩ thì như Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Huỳnh công Ánh ...

Sở dĩ tôi liệt kê có vẻ dài dòng như vậy, để độc giả thấy rằng tôi cũng mon men  " đá gà văn nghệ văn gừng "  với các thi sĩ văn nhân, ra vẻ " ta cũng nòi tình  ..." !  Cũng chính vì vậy, từ nhiều năm qua trong đầu tôi nẩy ra cái ý viết một loạt bài bài kể bạn đọc nghe, do sự tình cờ nào mà tôi quen biết, thân thiết với các cụ, các ông, các bà, các mợ ấy .  Những chuyện thực, rất tình cờ mà như gắn bó với nhau thành cái duyên văn nghệ .

Như bài viết khởi đầu này, tôi nhắc đến một sự tình cờ ; " Tại sao tôi lại chơi với nhà thơ Mai Trung Tĩnh ? " . 

Có phải anh ấy được giải " Văn chương Toàn quốc  1960 1961 " ? Có phải là anh ấy điển trai như tài tử" xi-la- ma", khiến kẻ lùn tì như tôi ước ao thèm muốn ?

Không ! Câu chuyện tình cờ tôi chơi thân với Mai Trung Tĩnh như vầy :

" Năm 1963, chiến cuộc tại miền Nam bỗng sôi động . Bộ Quốc Phòng ra lệnh động viên những ai có bằng Tú Tái 1 trở lên . Không phân biệt dân sự, cựu quân nhân gì cả . Danh sách in từ máy điện toán, thiếu kiểm chứng, nện rất đông các vị nữ lưu cũng b... động viên vào Trường Võ Khoa Thủ Đức -- vì cái tên không có vẻ đàn bà tí nào ; chẳng hạn : Bùi Thu Phong, Dương Mỹ Đức ...

Quí vị nữ lưu ấy bèn khiếu nại với Nha Động Viên , và mọi việc thoả đáng .  Riêng cái " ca" của tôi, đã là cựu quân nhân, thì tôi chả thắc mắc gì; vì nó không rơi vào " ca "  nào để đi lính" sốt cả ".  Bởi vì, chính phủ muốn tôi đi lính thì trước tiên phải gọi tôi tái ngũ.  Xong rồi, tôi muốn đi sĩ quan, thì tuỳ tôi nạp đơn xin đi Thủ Đức; chứ không ai bắt buộc tôi vào trường một cách ngang xương được ...

 Ấy vậy mà tôi cứ phải" khăn gói quả mướp"   trình diện Quân Vụ Thị Trấn Sài gòn. leo lên xe GMC nhà binh trực chỉ Trại Nhập Ngũ  Số 3 chờ khám sức khoẻ để nhập quân trường . Vì luật nhà binh là " Thi hành trước khiếu nại sau ".

Trong quân trường, tân sinh viên sĩ quan đã có tới 4 đại đội lính mới bắt đầu hát bài " Sinh viên sĩ quan Thủ Đức hùng anh "-- bài ca của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Thanh ( cùng ngành Quân Nhu với tôi, sau này mới biết)  -- nhưng vì tình hình nóng  bỏng,nếu cho đám ở trại nhập ngũ về nhà, e có chuyện rắc rối biểu tình, chống đối chính phủ thì khốn đốn ! Nên đám chúng tôi phải nằm ụ chờ dài người ở trại này cả tháng .

Trại Nhập Ngũ Số 3 có hàng rào vây quanh, với những căn nhà chia mỗi căn vài chục người.  Giường 2 tầng bằng gỗ có nệm, nhưng không mấy vệ sinh, vì chả khi nào thấy ai thay nệm, giặt khăn trải giường.

Chung trại với tôi có võ sư Lê Bảo Hùng (*) cùng Môn Phái Vovinam-Việt-Võ -Đạo, nên anh em chúng tôi nằm cạnh nhau  ở giường phái dưới .  Giường trên dành cho ai vào sau, hoặc muốn đôi chút riêng tư. Rệp đủ cỡ là mới đe doạ ho sự ngứa ngáy, ớn lạnh.

Giường trên ngay chỗ chúng tôi nằm, có một anh chàng to con, đeo kính cận khá nặng, nom hiền lành, ít nói.  Anh này sau bữa cơm đạm bạc của trại là leo lên giường năm đọc sách tiếng Tây  dày cộm .  Bọn chúng tôi chả đứa nào biết mt câu tiếng Pháp, nên nhòm anh chàng này mà đâm hãi và kính nể ra mặt.

Lê Bảo Hùng hỏi tôi : " Anh chàng giường trên là ai vậy cà ? "

Tôi đáp : " Tớ cũng chẳng rõ nữa !  Nhưng nghe mấy đứa đánh đáo ở ngoài sân gọi nó là 
" nhà thơ " thì phải ".

Hùng bảo : " Thế thì để " moa" chọc một cú xem có đúng không nhá ?" .

-Ừa, nhưng cậu định chọc thế nào ? "

Hùng rỉ tai cho tôi nghe 2 câu thơ, xong nói lớn :
 " Vú em nếu phải đỉnh đồi / Thì anh lên đỉnh anh ngồi làm thơ ". 

Hùng đọc đâu 2, 3 lần ; thì ở giường trên có tiếng người chõ xuống: " Anh đọc thơ gì mà tầm bậy tầm bạ như thế ". 

Lê Bảo Hùng chỉ đợi có thế, đáp ngay : " Đâu phải là thơ tôi, thơ đăng trên báo đấy !" 

" Báo nào, anh đưa tôi coi  ..."

Lê Bảo Hùng rút ngay tờ bao cất dưới nệm, đưa cho anh chàng giường trên coi .

Anh ta coi xong, tủm tỉm cười, hoá ra chuyện này là thực . Anh vui vẻ " hạ thổ", hỏi han chúng tôi ở đâu, làm gì ... 

Tôi trả lời ngon ơ rằng chúng tôi là võ sư Võ- Việt- Nam- Việt- Võ -Đạo, là công chức, là sinh viên . Hỏi tên anh ta, mới biết chính là nhà thơ Mai Trung Tĩnh -- mà thiên hạ từng đồn đại rằng"cái tên Mai Trung Tĩnh thì chúng tôi mến mộ từ lâu rồi.  Nay nhờ có vụ " Ta đi tòng quân " mà hoá ra được gần nhau . Vây thì khi nhập đại đội nào,cả 3 ta cùng hẹn rằng sẽ bám đuôi nhau trong một tiu đội, để lúc nào cũng có nhau, cùng chia sẻ nắng mưa, ấm lạnh quân trường .

Ấy thế là khi vào Thủ Đức, chúng tôi thuộc Đại Đội 3, tiểu đội  XYZ.  Những khi đeo ba-lô, xẻng cuốc lên đồi 20, 30 học chiến thuật, địa hình, súng ống; chúng tôi đều là những sinh viên đi sau cùng, lẹt đẹt mãi ở đằng sau , có khi xe cứu thương phải vớt để chở lên đồi cho kịp giờ học .

Sĩ quan huấn luyện viên có sỉ vả về sự chậm trễ cố ý  kia; thì chúng tôi cũng cắn răng chịu trận . Bởi vì, bọn tôi lững thững vừa đi vừa nghe nhà thơ Mai Trung Tĩnh đọc thơ chàng !


                                                               ***

Mãi sau này tôi mới biết rằng Mai Trung Tĩnh ( tên thực : Nguyễn Thiệu Hùng) là con giáo sư Nguyễn Thiệu  Lâu.  Anh tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài gòn với 2 bằng Cử nhân Văn khoa và Cử nhân  Giáo khoa Triết,  là nguyên giáo sư Triết và Văn chương trường Kỹ Thuật Cao Thắng  và một số tư thục khác; nguyên Trưởng ban Chương trình đài Tiếng Nói Quân Đội.  Đó là những học vị và danh vị mà chúng tôi rất kính nể ! 

Ngoài một số thơ và truyện ngắn đăng rải rác trên các  báo, Mai Trung Tĩnh có 3 tập thơ đã xuất bản :

 - " 40 bài thơ " ( in chung với Vương Đức Lệ) , giải thưởng Văn chương Toàn quốc 1960 1961 .
  - " Ngoài  Vườn Địa Đàng " ( in năm 1962 ) 
  - " Những bài Thơ Xuôi" (  Đại Ngã xuất bản, Sài gòn 1969) .

Mai Trung Tĩnh kẹt lại Việt Nam, bị đi cải tạo 2 lần, tổng cộng 11 năm . Anh mới qua Mỹ vài năm và hiện cùng gia đình ở vùng Annapolis, MD. Tinh trạng ức khoẻ sa sút, nhưng tinh thần anh vẫn còn minh mẫn và hồn thơ thì lúc nào cũng đầy ắp tủi gờn pha với thương 
đau ...
.
(...) -  tạm lược  khoảng 2 trang rưỡi trích thơ Mai Trung Tĩnh ( xem ở phần sau ) .

Khi Mai Trung Tĩnh và gia đình định cư tại vùng Annapolis, tôi đã cùng Lê Bảo Hùng rủ nhau đến thăm người bạn cũ vào đầu năm 1998 .   Những kỷ niệm ngày xưa  nơi " quân trường đổ mồ hôi .." lại ồ ạt hiện về trong câu chuyện hàn huyên quanh chén trà đượm hương sen nơi xứ lạ quê người; để nhớ về quê cũ, về quân trường Thủ Đức, về hình bóng Sài gòn .

Nơi quê hương yêu dấu ấy còn đầy ắp kỷ niệm bạn bè, kỷ niệm những ngày quân ngũ, kỷ niệm một thời đất nước điêu linh ...

Lê Bảo Hùng  (*) và tôi cầu mong Mai Trung Tĩnh mau hồi phục để trải rộng tiếng lòng trong những vần thơ rất đẹp của anh   ./. 

 LÊ VĂN PHÚC
(  tạp chí  CON ONG số 62 /1999 , phát hành ở Hoa Kỳ ) .


------------------
(*) -   Khi tôi xem tấm ảnh do bà THAO VU ( Vũ thị Thảo,  phu nhân Mai Trung Tĩnh gửi  )t ôi nhận ra Lê Bảo Hùng tơi thăm Mai Trung Tĩnh trên giường bệnh, là bạn học cùng một lớp với tôi ở Hà nội ( thập niên 50' s .)
 Nhà anh khi ấy ở  phố Hàm Long, cũng đã nhiều lần tôi tới rủ anh lên   sân vận động 
SEPTO( Hàng Đẫy) trên phố Trịnh Hoài Đức tập thể dục  và tôi thì học  boxing  với võ sư Vĩnh Tiên.

Tôi không ngờ sau này, Lê Bảo Hùng lại trở thành võ sư VoViNam . 

Anh là anh trai của nữ ca sĩ nổi danh một thời: Lệ Thanh ( lấy chồng rồi nghỉ hát hẳn) .  

Khoảng thập niên 90' s anh hùng cùng gia  đình về  Sài gòn có tới thăm gia đình chúng tôi trong suốt những ngày ở Sài gòn .  ( anh và gia đình thuê khách sạn ở đường Trần quang Khải/ Tân Định, sát cạnh nhà tôi ở đường Trần Khắc Chân.)


                                        TÔI CŨNG BỊ LẦM
                                         LÊ VĂN PHÚC


Thưa bạn đọc, số báo trước, tôi có viết bài về : NHÀ THƠ MAI TUNG TĨNH"--  và nói rằng anh Nguyễn Thiệu Hùng là con của giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu  (*).

Sự thực không phải như vậy.

Khi anh Nguyễn Thiệu Hùng nhận báo biếu, anh gọi điện thoại cám ơn người bạn đồng khoá 16 Trường Võ Khoa Thủ Đức, đã đem cả nhiệt tâm, nhiệt tình viết về một người đang lãng quên đời, kẻ ở miền xa, mãi tận Annapolis.

Tuy nhiên, anh cười đùa mà nói rằng : " Không hiểu sao, ngay trong giới văn học nghệ thuật, nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ vẫn cứ gán cho tôi là con trai của giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu ? Chắc vì cái họ và đệm cùng NGUYỄN-THIỆU nên anh em phỏng đoán rồi đưa lên báo, chẳng cần kiểm chứng gì nữa . Thế nên , anh cũng tin vào mấy anh em trong văn giới mà viết vậy. Tôi xin nói rõ là bậc thầy khả kính ấy, tôi luôn luôn quý trọng; nhưng không dám vô lễ nhận mình có liên hệ huyết tộc
 với Cụ ". 

Nhà thơ Mai Trung Tĩnh còn nói thêm rằng thân phụ của anh chỉ là một người bình thường và mất khi anh mới 10 tuổi. (*)

Vậy tôi xin nói lại cho thật rõ, là nhà thơ Mai Trung Tĩnh có tên thực là NGUYỄN THIỆU HÙNG không có liên hệ gì với giáo sư NGUYỄN THIỆU LÂU cả . ...


LÊ VĂN PHÚC
( Tạp chí CON ONG số 62,  ngày 9 tháng 4/  99 )

-------
(*) - không  chỉ riêng tác giả Lê văn Phúc lầm, kể cả trong giới văn nghệ, có cả nhà văn Hoàng Hải Thuỷ cũng bị lầm vậy.  Thật chính xác, Nguyễn Thiệu Hùng là con ông Nguyễn văn Minh, đã qua đời khi  " anh mới 10 tuổi".   Cụ bà thân sinh ở vậy nuôi  con, sau này đều trưởng thành, ngoài Mai Trung Tĩnh còn có  người em trai  là luật sư, tên Tường,  Cụ bà dắt lũ con di cư vào Nam, mua nhà ở mạn Phú Nhuận, dựng vợ ,gả chồng, các con đều thành đạt, có vai vế trong xã hội .   (TP chú thích ) . 



 một vài bài thơ MAI TRUNG TĨNH
 do tác giả LÊ VĂN PHÚC  sưu tập


  CUỘC SỐNG

  Tôi ngẩng cao đầu ngoi nhìn bốn phía
   Chẳng cạnh bờ nào cho ngón tay tôi bấu vịn
  Cuộc đời thản nhiên trơn như vết loang dầ
   Đẩy tôi đi trên những đường vô định

   Trong nghiên son, tôi con muỗi mắt đã sa vào
   Cánh đập mạnh từng hồi, chân quẫy đã tê gân
   Hết sức bình sinh rướn lên, tôi lấy đà hớp thở
  Chỉ một hồi tôi lại sấp mặt nằm yên
   Mơ hồ thấy đồng bọn cũng chập chờn ngắc ngoải

   Và ngày tháng như lửa bốc trong tôi, khắp ngả to dần
   Hốt kinh tôi bỏ chạy đi tìm một chiếc giếng sâu
   Tôi trốn vào đậy nắp, rồi dấn mình cho nước vã đầy thân
   Dập tắt khối tinh vân bừng hung hãn

   Nhưng chẳng tìm ra nên tôi vẫn vật vờ dốc thở
   Ngó lại xem giờ nơi ghi tàn tích cuộc huỷ thiêu
   Tôi kéo lê thân để mọi người trông khủng khiếp
   Em cũng nhìn tôi, xong vội vã lánh nhanh đi .

    
    TRONG TRẠI CẢI TẠO NGHE TIẾNG CÒI TÀU HOẢ


    Bỗng dưng vẳng tiếng não lòng
    Tai nghe tàu gọi mà không thấy tàu
    Đến đây ngay tự buổi đầu
    Chỉ mong một chuyến lên tàu về thôi

    Ta về như trở lại đời
    Ta về tìm lại tiếng hơi gia đình
    Ta về tìm lại chính mình
    Ở đây chỉ gặp bóng hình của ai
     Đêm là đêm của thở dài
     Ngày là ngày của kẽm gai thân tù
     

     Tàu đi rồi, bỏ ta  ư ?
     Đời ta chắc sẽ như " Giờ hăm lăm "  !
     Thân tàn qua các trại giam
     Thương chàng " Mô-Rít" lầm than tháng ngày (*)
     Hôm nay còn ở nơi này
      Ngày mai biết sẽ lưu đày nơi đâu ? 

      ----
       (*) - Moritz, tên nhân vật trong tiểu thuyết" Giờ thứ 25" của C.V. Gheorghiu.



       BẢY NĂM ĐI CẢI TẠO VỀ LẠI SÀI GÒN


       Đã bẩy năm trời ta trở lại
       Nhìn xem thành phố ấy ngay xưa
       Đã bẩy năm trời ta sống lại
       Ngẩn ngơ nghe quá khứ mơ hồ

       Trông lên bảng lạ, tên đường lạ
       Ta biết thôi xong hết cả rồi
       Thôi thế là xong rồi, tất cả
       Lòng ta sầu ngự mãi không thôi

       Những thằng bạn cũ thuở nào đâu ?
       Biết có còn ai để gặp nhau
       Kẻ dưới đại dương, người viễn xứ
       Đứa thân tù tội chết thương đau !

        Giờ ta như kẻ mất quê hương
        Dù vẫn còn đang ở phố phường
        Nhưng đớn đau thay: người lạ mặt !
        Tủi thân như một gã  tha phương !

        Ta đi quanh quẩn trong thành phố
        Nước mắt bao lần muốn đổ mưa
        Một nỗi nghẹn ngào dâng choáng váng
        Hết ri, tất cả đã xa xưa !

          MAI TRUNG TĨNH




             ---------------------------------------------------------------------------------
                   kỳ sau:   nhà phê bình văn học tiền chiến:
              THƯỢNG SỸ [ Nguyễn đức Long 1906- 2007 tp. HCM )
             -----------------------------------------------------------------------------------


    



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ