tháng 10/75 ở saigon, chúng tôi xuống cà mau, vác cây tràm xây 'trại nuôi heo' giá rai'/ nguyễn thụy long (hồi ký trên 'gác bút', văn nghệ xb, usa 1999)
hồi ký viết trên'gác bút'/
nguyễn thụy long
nxb văn nghệ, usa 1999
tháng 10/ 1975 ở saigon, chúng tôi xuống cà mau,
vác cây tràm xây 'trại chăn nuôi heo giá rai'
nguyễn thụy long
(bìa khánh trường/ nxb văn nghệ california 1999)
(...)
nguyễn thụy long [1938- 2009]
(ành: internet)(...)
Nhà văn nữ Lê Hằng thấy hoàn cảnh đói rách của tôi; chị hứa tìm cho một việc làm -- dĩ nhiên việc làm là có ngay, nhưng phải đi xa. Một công việc lao động, tôi chấp nhận.
Tổ hợp Việt nam kỹ thuật của 'ngài cựu tài phiệt' Nguyễn văn Ngơi.
Công trình của ông Ngơi rất to lớn, ông ta đang kiến thiết đất nước tận Cà mau, nhập tỉnh Bạc liêu Cà mau lại thành một tỉnh lấy tên chung,tỉnh Minh hải. Các công trường ở khắp mọi nơi. Ngay cả thị xã Cà mau, huyện Giá rai, đê biển thị xã Bạc liêu; hàng ngàn công nhân năng nổ làm việc ngày đêm.
Thế là tôi được xuống Cà mau; sau khi tôi đã phải viết một đề án công tác bảo vệ kho. Tôi được làm trưởng ban bảo vệ công trường. Nhà văn Thế Phong làm tổ trưởng thi công. Nhà văn Cung Tích Biền làm [phó] ban hành chánh. Chúng tôi được điều về huyện Giá rai; nơi ây bắt đầu xây dựng một trại chăn nuôi heo.
Tại sao lại toàn những nhà văn, nhà báo làm cái nghề này? Chúng tôi quen biết nhau cả, nếu không nói là thân nhau . Cùng cảnh khó khăn hết trong lúc đổi đời. Trên danh nghĩa là trưởng ban nọ, trưởng ban kia; thật ra là làm cu-li. Ông chủ nhiệm Nguyễn văn Ngơi với chúng tôi, chẳng phải ai xa lạ. Ông ta từng là người tài trợ cho nhật báo Sóng thần, cả bao nhiêu triệu đồng; khi tờ báo èo uột tưởng chết. Chúng tôi nhong nhỏng ở công trường Giá rai; khuân vác bao xi măng, vài bó cây cừ tràm.
Riêng tôi có tài lái xe jeep. Nên công việc phụ của tôi là mỗi tuần lái xe về Sài gòn. Chiếc xe tôi lái thuộc Công ty nông nghiệp tỉnh Minh hải. Đi qua các trạm kiểm soát kinh tế dễ dàng; và, chẳng bao giờ bị xét hỏi. Tôi không uên mang về cho gia đình: thịt, mỡ, gạo trắng. Dân Sài gòn lúc đó thèm những thứ này lắm; vì, bị bóp mồm, bóp miệng theo đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đói vêu mõm; mà có ai dám kêu, dám xuống đường biểu tình đâu.
Mỗi tuần tôi từ Cà mau về thành phố Sài gòn, mang về cho gia đình; thịt, mỡ, gạo trắng [như đã nói ở trên] ...
Tội tha hồ vênh váo khoác lác. Cũng thời gian đó; tôi tìm ra 2 đứa con , từ trại mồ côi ra.* Con gái tôi mút miếng thịt heo đến bã ra; con em nó ngậm miếng cơm trắng nhão thành bột, mới dám nuốt. Ly nước mía bố cho uống thay cho kem; 2 đứa con tôi uống, nhắm tịt cả mắt. Chúng khen ngon quá; cả đời chưa được uống nước mía bao giờ (!) . Tôi ngẩn ngưởi; vì con tôi mới nứt mắt ra, mà đã điêu toa; nhưng tôi dằn tức bực lại ngay. Vì trước đây, tôi có cho con tôi uống nước mía bao giờ đâu, tôi chỉ cho chúng uồng nước cam nguyên chất, ướp lạnh; ăn kem 3 màu và sữa tươi nguyên chất, kem thì là kem Givral. Để chuộc lại lỗi lầm của kẻ làm cha; tôi lái xe đưa cháu ra rạp hát Moderne Tân định, xem phim 'Ba hạt dẻ cho cô bé lọ lem'. Mẹ tôi thì có quà, là những dúm tôm khô, tôi mua ở Hộ phòng Giá-rai; một can mỡ heo, tóp mỡ, nồi thịt kho; và, những hạt gạo trắng long lanh, như những hạt ngọc. Vài chục bạc tiền lương để gia đình tiêu xài. Mẹ tôi có thể xúc vài lon gạo châu báu đó, biếu bà con lối xóm; để cụ được tăng phúc, tăng thọ. Mẹ 2 đứa trẻ, tôi không cần phải nói đến; vì là bà là con cái nhà cách mạng, lại là con nhà nòi liệt sĩ. Đối với bà ta; bây giờ tôi là người xa lạ hết thời; chỉ đơn giản vậy thôi. Đơn giản như cái sự đời ... *
---
* cái sự đởi... tác giả muốn nhắc tới ' sự đời như cái lá đa / ..../. " bà vợ Nguyễn thụy Long là một trong những' đứa con nuôi' của nhà văn kiêm chủ báo Chu Tử [Chu văn Bình [1917- 30/4/ 1975] nuôi cô con gái này làm thư ký ở tòa soạn nhật báo Sống ( 116 Gia Long, Saigon 1). Cùng khi ấy nhà văn Nguyễn thụy Long, biên tập viên cừ khôi báo ấy, cưới cô ta làm vợ. Tay viết báo này có xe hơi, nhà lầu ở đường Nguyễn phi Khanh (Tân định, Saigon 1). Sau ngày 30/4/ 75, cô ta lộ mặt 'con nhà nòi liệt sĩ,' khinh miệt chồng, rồi lại đi theo một' chàng Tây lai bá vơ nào đó xuất cảnh', bỏ chồng, gửi 2 con vào Cô nhị viện. Mất nhà ở đường Nguyễn phi Khanh, nhà văn, nhà báo Nguyễn thụy Long về ở căn nhà của mẹ ở ấp Đông ba , Phú nhuận [nay thuộc phường 7, quận Phú nhuận, tp. HCM], rồi vượt biên đôi lần, rồi bị tù tội. Sau mẹ Nguyễn thụy Long được con bảo lãnh, sang định cưở Mỹ; nhà để lại cho con trai. Căn nhà có một gác gỗ nhỏ, Nguyễn thụy Long làm 'phòng văn' -- và chính hồi ký này được viết trên đó, tác giả đặt tựa 'Hồi ký viết trên' gác bút' . (Bt)
Sài gòn thiếu lương thực trầm trọng. Hiện là thời hoàng kim của những nhân vật, như bà Ba Thi, sếp sòng của ngành lúa gạo. Ai cũng phải nói đến tên bà; và ai cũng phải ngưỡng mộ bà; khi mọi người phải đứng xếp hàng mua lương thực, nói chung; mua gạo, nói riêng. Thuở Sài gòn trong thời 'gạo châu củi quế'; đói thì đầu gối phải bò; tôi là nhà văn, nên tất là ngây thơ vô tội. Tôi chẳng có tí mánh mung nào hết.
Buổi chiều ngày thứ 6, các bạn tôi Thế Phong và Cung Tích Biền chạy nháo lên, ra chợ Giá rai mua vét thịt, cá, gạo để 'làm hàng' gửi tôi mang về Sài gòn, trao lại cho gia đình. Tôi không phải lo chuyện ấy; vì 2 người bạn tôi đã làm giùm. Tôi ngồi ở quán cà-phê có tên là Nhớ, tán tỉnh cô Thủy, con gái chủ quán, cho đã cái tật 'đĩ mồm'. Cô bé Thủy ngây thơ, mở cho tôi nghe băng nhạc có bài Hà nội niềm tin và hy vọng/ Phan Nhân; rồi bàiTiếng chày trên sóc Bom bo/ Xuân Hồng. Tôi tỏ ra hào sảng với cô nàng
" Ngày mai anh về Sài gòn, có về chơi thành phố không, anh có xe ...".
Thủy lưỡng lự lắc đầu:
" Nhưng em không có người quen ở thành phố."
" Về ở nhà với anh."
" Trời, về với anh để vợ anh xé xác em ra à? Thôi anh về một mình 'ên' đi".
Thế là bể mánh. Gái quê mà cũng có cảnh giác cao. Tôi thử lại chiếc xe jeep một lần nữa, trước khi về lán trại. Các bạn tôi bày ra một chầu tiệc nhậu, với mồi là một rổ tóp mỡ, mớ ba-khía chiên giòn, lít rượu nếp, tôm nhúng nước dừa chấm muối, chanh ớt. Đồ ăn làm mồi bắt đáo để. Sáng ngày mai tôi phải lên đường sớm, bạn bè khuyên nên uống ít thôi. Tôi đi công tác; nhân tiện mang lương thực về thành phố cho gia đình, bạn bè. Thế Phong nói với tôi:
" Mày mang can mỡ này về đưa cho vợ tao, cả nồi thịt kho và ít gạo. Tôi nghiệp các con tao; có ít tiền tao gửi luôn;' mẹ nó, thằng tài vụ đòi trừ lương tao, tao 'bốc xê' nó thấy mẹ. Đã mang thân đi al2m cu-li; mà cũng không yên với chúng nó.' "
Cung Tích Biền gửi những thứ tương tự, không quên dặn:
" Sau khi mày đưa 'hàng' xong; nhớ đưa thằng Ky nhà tao lên xe hơi; đi chơi một vòng nhé."
Tôi biết quá rõ thằng bé này; mà, nhớ cả ngày nó được sinh ra đời. Ôi kỷ niệm tuyệt vời; và, thật đángt hương làm sao. Tôi nhớ ngày hôm ấy 28 Tết; đường xá đông đảo; tôi lái xe hơi luồn lách mãi, mới về đến trại gia binh Go vấp, nơi Cung Tích Biền ở. Cũng đêm đó, trại bị pháo kích; may là gia đình Biền được vô sự. Đương nhiên tôi phải thương quí các bạn tôi. Bây giờ chúng tôi đang ở bên nhau, cùng chung hoàn cảnh.
4 giờ 30 phút sáng tôi đã dậy, đồ đạc được xếp sẵn trên xe. Anh chủ nhiệm Nguyễn văn Ngơi đã chờ tôi; anh đưa tôi ra trạm xăng, lấy đầy một 'phuy' xăng như thường lệ chở theo. Anh nói câu cố hữu:
" Anh có thể bán xăng dọc đường, coi như tiền công tác phí; miễn còn đủ xăng để chạy về lại Cà mau vào chiều thứ 2. Anh phải hoàn thành công tác trong ngày chủ nhật. Này, tiện thể; mang cái cặp này giao cho vợ tôi ở Bình triệu. Cái này anh phải giữ luôn bên mình; vật bất ly thân; nhớ là giao tận tay vợ tôi...."
đó là một chiếc cặp samsonite xinh xinh, mà cũng nằng nặng, tôi còn thắc mắc:
" Tôi nhờ là vợ anh ở Bạc liêu cơ mà?"
' Không phải, đó là bà 2 của tôi. Bà ở Bình triệu là bà cả."
Toi biết thêm về mình không phải là thằng tham lam lợi dụng vào lòng in kẻ khác; để làm bậy.
Anh Nguyễn văn Ngơi mặc áo sơ mi trắng , cụt tay; một quần kaki vải Nam định, màu cứt ngựa, dép râu. Và; tôi biết anh làm cách nào để có cái mũ cối. Anh có chiếc xe hơi riêng + tài xế. Nhìn anh lúc này ra vẻ một cán bộ lớn, việc giao thiệp của anh rộng rãi; toàn là những vị cán bộ có tầm cỡ. Anh tới cơ quan nào cũng lọt. Tôi chỉ có thể kết luận về anh; một người khôn ngoan, xứng danh một tay tài phiệt chuyên làm ăn lớn; và, có lẽ chưa chịu dừng lại.
5 giờ sáng, tôi khởi hành từ Giá rai. Nơi đó có những địa danh, tên nghe thật vui. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao lại có những cái tên ngộ nghĩnh ấy nữa. Tắc Vân. Hộ Phòng. Cây Gừa. Cầu Nọc Nạn. Giá rai. Gành hào ... Ngay chính những nơi đó đã xảy ra những cuộc chiến đẫm máu. Người dân thì thật thà, chân thật; người Việt, người Miên ở chung với nhau; những bữa nhậu Miên Việt say bí tỉ, chén
chú, chén anh. Những buổi hát tuồng 'Thạch Sanh chém chằng tinh' cùng chung niềm vui trong đêm hội. Những cô gái Miên ngây thơ, chân thực, những tiếng cười giòn tan; khi thanh niên người Việt buông lời chọc ghẹo. Họ hiền hòa, chân thật. Tôi từng bật cười, khi ngồi nhậu với một ông giá, nghe ông nói:
" Tao có mấy đứa con gái đó, mày ưng đứa nào thì tao gả cho. Mày có tiền thì làm một heo, nếu không; thì giết con gà làm bữa nhậu, cũng xong. Một đôi bông tai ...
Tôi chỉ đĩ cái lỗ miệng; chứ đâu dám Sở khanh dối trá, với những con người chân thật ấy.
Một mình tôi và chiếc xe jeep về đến Bạc liêu. Trời sáng bạch. Xe tôi chạy vào thị xã; những chiếc xe lôi chạy theo tôi, xin 'để lại' cho ít lít xăng. Tôi ngồi ở chợ nhà lồng, ăn tô bún nước lèo thơm ngon; mua ít kí lạp xưởng về làm quà, cùng các loại quà bánh khác: trái cây mùa nào thức ấy của đồng bằng sông Cửu long. Tôi yên tâm mẹ và các con tôi tạm thời no đủ, được ăn gạo trắng, thịt, cá, bánh, kẹo. Khi đó Sài gòn hầu hết ăn bo bo, mì sợi thay cơm, khai lang 'sùng' đắng nghét. Tôi đã thấy thằng Thùng, con cô Năm xóm tôi; mỗi lần ăn mì sợi thay cơm, nó khóc ré lên, dãy đành đạch. Sài gòn thiếu lương thực trầm trọng; trong khi các tỉnh thì thứa mứa. Tôi cũng nghe nói: có gia đình mua gạo lậu; nấu một nồi cháo, đổ thuốc giết chuột, ăn như bữa cuối cùng. Chuyện đó bị cải chính kịch liệt; không biết có hay không; hay, chỉ là luận điệu phản động chống phá cách mạng. Trường hợp thiên hồi ký này, tôi xin gác chuyện chính trị ra ngoài. Tôi chỉ nói đến hiện tượng ắt phải có, trong buổi giao thời -- đang từ một chế độ này bước sang một chế độ khác . Thời ký quá độ của nền kinh tế cho là đúng; vì có nền móng kinh điển chủ nghĩa làm mẫu mực, và chỉ đạo. Chuyện không đúng như vậy là sai trái, bước đến phạm pháp không mấy xa.
(...) - tạm lược trên dưới 60 dòng. (Bt)
Hàng tuần, tôi vẫn giữ nhiệm vụ lái xe về Sài gòn công tác. Khoảng 5 giờ sáng, tôi đến bạc liêu. Tội gặp 3 người đàn bà chửa, xin quá giang xe. Các bà mồm 5, miệng 10:
" Thưa chú, chúng tôi chưa sinh được; bởi chúng tơi phải lao động cục nhọc quá, nên động thai. Bây giờ, mỗi tuần phải lên thành phố để bác sĩ ở 'trển' săn sóc., khám thai thường xuyên. Cũng phải nửa tháng mới sanh ..."
Tôi lại chở 3 bà bầu lên Sài gòn, nhưng tới xa cảng miền Tây; các bà đổi ý, đòi xuống. Tôi ngồi lại ở quán, uống cà-phê cho tỉnh ngủ; bỗng tôi thấy 3 bà ở trong chợ đi ra. Cai bụng xẹp lép; 3 bà bị công an giong đi, với 3 giỏ thịt heo tang vật.
[Rồi chẳng hiểu 3 bà ấy có nói gì với công an không]; chính tôi cũng bị 'ốp', bị lên lớp , học tập bài phải biết kẻ gian lợi dụng; cán bộ tiếp tay cho chúng làm điều xằng bậy, như thế là có tội với cách mạng.
May là cá đồng chí làm nhiệm vụ kiểm soát kinh tế chỉ cảnh cáo tôi, không giam xe; buộc tôi phải làm một tờ kiểm điểm, nhận tội ngu của mình có mắt như mù. Rồi các đồng chí tha tôi để tôi tiếp tục hoàn thành công tác, trách nhiệm cấp trên đã giao phó.
Thấy tôi nói giọng Bắc kỳ, anh bạn kiểm soát kinh tế thân mật, vỗ vai:
" Đồng chí nên đặt sự cảnh giác lên hàng đầu. Cách mạng đang gặp nhiều khó khăn, lơ mơ là bọn dân Ngụy này qua mặt đó. Người cách mạng vốn dĩ chân thật như đồng chí đây, chúng nó buôn lậu thịt heo, chứ chẳng phải 'bầu bì' gì; chúng độn thịt vào bụng, giả làm bụng mang, dạ chửa."
(...) - tạm lược 5 dòng. (Bt)
***
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Âm mưu kẻ trốn chạy khỏi quê hương nhiều đau khổ của tập đoàn Nguyễn văn Ngơi không thành công. Kế hoạch 'đánh quả' bị lộ, không biết từ đâu. Lễ Giáng sinh năm đó, Nguyễn văn Ngơi bị bắt, cả tập đoàn bị tan rã. Tội và một số anh em trở lại Sài gòn . Thế Phong xin được một chân làm ở Công ty xe buýt thành phố; Cung Tích Biền buôn bán; rồi làm giàu. Tôi lang thang chợ trời; gia đình tôi tan rã. Tôi về sống với mẹ, ở ấp Đông 3 Gia định; miếng ăn kiếm được; thì, bữa no bữa đói ...
Ngồi ở dốc cầu Bông, tôi nhìn thấy người vợ đầu gối tay ấp của tôi; nay, ngồi sau xe của một thằng Tây lai, mặt đầy trứng cá chở đi. Nàng làm thủ tục kết hôn; dĩ nhiên nàng được xuất cảnh ra đi theo chồng, diện con lai. (...)
nguyễn thụy long
(trích một đoạn trong' Hồi ký trên 'gác bút')
cung tich biền [ i.e. trần ngọc thao 1937- ]
(ảnh chụp tại Gò vấp, 2006)
"Thế Phong xin được một chỗ làm ở Cty xe buýt thành phố HCM..."
(ảnh chụp Tp ngồi trước bàn viết, gõ máy chữ bản thảo
'Hồi ký ngoài văn chương'
( nxb Đồng văn + Văn nghệ xb, California 1994)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ