Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

nhà văn tác phẩm cuộc đời / thế phong - 13



                                  nhà văn tác phẩm cuộc đời     13
                                            tự-sự-kể : thế phong

                                                         5

    Một cái tết nguyên đán  đau đớn nữa đến với tôi , đầu năm 1961, Uyên  Thao đã dọn đi nơi khác.  Tội còn ở lại nhà bà mẹ đẻ của Trâm.  Những sự khó chịu, vì không có tiền; với bà mẹ nuôi thì không sao; nhưng khó chịu từ cô con dâu cả ở nhà . ( vợ Phó Minh Long, bạn của Thao và của tôi )   Buồn chán, tôi mò tới  thăm  một bạn quen khác, 
Vũ Ngọc. Đó là một buổi gần tết nguyên đán, khoảng 4 giờ chiều.  Vũ Ngọc trước kia ,  lính trong quân  đội Pháp , bây giờ anh là  tư chức.  Khi   tôi lại  chơi, anh rủ tôi đi hớt tóc , hớt xong, 2 chúng tôi tới một quán cà phê nhỏ ở gần sân bay Tân Sơn Nhất , uống xong, anh đưa cho tôi 100 đồng .  Dạo ấy thẩm phán Đào minh Lượng được tôi  dẫn đến nhà Vũ Ngọc chơi,  bắt gặp vợ Ngọc ,  Minh, cô gái dáng người thon thon,da trắng muốt,  con gái một viên chánh tổng ,tên Thóc -  Lượng đã có cảm tình ngay từ lần gặp gỡ đầu  tiên.    Ngọc tuy đã có 2 mụn con , nhưng vẫn đẹp thon thả, thích trưng diện thời trang.  Vũ Ngọc thấy tôi  sống lêu bêu, bữa đói, bữa no,  bảo tôi nên dọn về ở với vợ chồng anh.  Và Minh, vợ anh cũng đồng ý  như vậy.  

    Một buổi, bạn bè tôi, một bọn trí thức, văn nhân  vào ngày cuối tuần, không  rút xì-phé, đánh chắn,  xem xi-nê,  uống cà phê tán phét ở  La Pagode; thì tụ tập đến căn nhà vợ chồng Vũ Ngọc.    Dần dần, Đào minh Lượng mê sắc  đẹp, nét duyên dáng của Minh, anh tới thăm tôi luôn  luôn , chỉ là cái cớ được nhìn thấy vợ của Ngọc .   Minh  liếc mắt sang Lượng, như tâm đấu ý hợp, ra chiều lơi lả, gợi ý muốn vay Lượng một số tiền, bằng cách rủ chơi hụi.     Và không biết cách  nào, mẹ  của Lượng biết  chuyện Lượng mê vợ 1 người bạn quen tôi, bà hỏi  chuyện .   Đành  phải  nói thật , tôi rất quí trọng bà như xưa kia tôi từng  yêu kính mẹ tôi .    Với  đời sống tình cảm riêng, tôi chẳng muốn ai tư vấn chuyện tình cảm , nên vấn đề   của Lượng,  tôi không muốn xen vào, một khi anh ta chưa   muốn ai biết chuyện.  Từ  câu chuyện này,   tôi đến ở với vợ chồng  Ngọc, nên Lượng mới quen Minh, mẹ của Lượng dò hỏi tình cảm  con mình dan díu  với người đàn bà có chồng con, làm sao tôi dám  nói thật cho bà biết ?   Điều bất tiện nữa, tôi ở nhà vợ chồng Ngọc,  vì tôi đang túng quẫn, trong khi bạn mình  có tiền, có chức mê vợ bạn mình,tội lỗi này do chính mình gây ra. Hay  là tôi trở về ăn bám, ngủ nhờ nhà  bà mẹ nuôi, có phải tốt hơn không ? Nhưng, tôi không có tiền đưa cho mẹ Trâm , khiến vợ Phó Minh Long khó chịu,  bây giờ muốn trở lại phải có tiền .  Mà tôi đang không có việc làm,  bài viết  không cho chổ đăng,làm sao có tiền được ?     Thôi thì, cứ muối mặt ở nhờ nhà vợ chồng Ngọc vậy.  Ngọc quí tôi, ngoài  văn chương, lại được   thẩm phán Lượng  trọng  nể.  Bởi, tôi viết tựa cho tập thơ Vô cùng cho ông tòa Lượng và   nhờ  tôi,   anh được tiếp   luật sư, quan tòa  giáo sư, văn nhân, thi sĩ  ở nhà anh . Ngọc ví von, nhà anh   như gia đình người Thái trên Tây bắc, có con gái đẹp, nhiều  trai trẻ quây bủa, được tiếp đãi họ là một vinh dự.

    Nhưng sau , không hiểu từ một sự giận dỗi  nào,  Lượng  và Minh giân  nhau , Lượng  ít qua  lại.   Điều bí mật này chỉ có 2  kẻ biết với nhau thôi.  Đào minh Lượng  mê Minh với tình yêu platonique ,  chưa một lần  anh dám đụng đến bàn tay người  đẹp mà anh yêu mến, hẳn điều này khiến đàn bà, con gái thất vọng, cho rằng không thật lòng yệu họ.  

     Một buổi tối, không dễ quên,   vợ chồng Vũ Ngọc cãi nhau kịch liệt, sau đó Ngọc ra phòng khách ngủ chung  với tôi.   Chỉ một lát, khi Vũ Ngọc đang nằm cạnh tôi, thì Minh xách cả một thùng nước giội ào về phía chúng tôi.  Bị bẽ mặt đêm ấy, tôi đành phài đi tìm chỗ khác ngủ nhờ.    Hóa ra Vũ Ngọc lấy vợ  đẹp , giàu có, vừa được người lại được của , căn nhà hiện tại ở do tiền  Minh đứng tên mua .   Chưa lần nào, tôi cảm thấy nhục nhã hơn lấn ấy, nghĩ, thương cho đoạn đới làm văn nghệ của mình và thương 
Cao Mỵ Nhân đã yêu mình.  Khi  bạn bè  vui cười,   tôi  yên lặng,  họ  cho tôi rằng tôi đang  nhớ cô nào phơn phớt hoa đào, chứ không sai; nhưng, những phút thầm lặng  kia,  chính là tôi  tự thương xót thân phận  mình !  

     Bỏ nhà vợ chồng  Vũ Ngọc, tôi đi lang thang đâu đó được ít ngày,  đành quay trở lại nhà bà mẹ nuôi.

      Ít lâu sau,  tôi  nghe tin  Minh bỏ Ngọc, đi làm vũ nữ ở Baccara .  Không ngạc nhiên mấy , có 1 buổi tồi, tôi bắt gặp Minh đi vào nhà hàng Brodard cùng một người đàn bà trẻ,   bây giờ Minh thay đổi hoàn toàn, từ quần áo đến lối trang sức.   Các nàng ngồi ở một  bàn khác, tôi thấy   Minh  liếc nhìn đồng hồ nhiều lần ,  ngoái cổ ra phía cửa như có ý chờ đợi ai .  Một lát sau, một  người trai trẻ ngoại quốc, chắc  chắn  chú Sam, không thể sai ,  lừng lững đi vào ngồi bàn ấy, do người bạn gái của Minh ra đón .  Người Mỹ kia quay sang nói chuyện với Minh, qua sự thông ngôn của người đàn bà kia.  Chỉ được vài câu  thôi, hết câu trước tới câu sau, tôi thấy  người Mỹ kia quàng tay qua cổ Minh  âu yếm ngay trong nhà hàng, đúng lúc ấy, tôi đứng dậy liền mở cửa đi ra.

   Hình ảnh đau đớn kia ám  ảnh tôi mãi mãi; tôi nghĩ, cũng may,  Minh không trông thấy người quen.  Cho nên, mỗi lần tôi được nghe ai kể chuyện lấy vợ đẹp,  lại giàu có, là một lần tôi nghĩ tới hình ảnh Minh , vợ người ban đáng thương kia !  Còn 2 đứa con vô tội , chúng có cha mẹ cũng như  không .  Cha nó có thể đã lấy vợ khác, mẹ chúng mắc bận trong bộ váy xống trắng  nõn nà mà bên trong chẳng còn gì  trong trắng nữa !

   Tháng 7 năm 1961, sau 1 năm, tôi được tuyển  làm giảng viên chính trị Bộ Công
dân vụ.   Bộ trưởng Ngô trọng  Hiếu   cử tôi làm giám học khóa sinh. Tôi nói với anh Nguyễn đức Quỳnh , cố vấn bộ trưởng,  nợ nần quá nhiều, muốn xin vào làm dăm tháng để có tiền trả nợ áo cơm.  Gặp lại ông chủ nhiệm xưa kia ( Ngô trọng  Hiếu ) , nay là  bô trưởng,  người thân tín  cạnh  tổng thống Ngô Đình Diệm ,  người đầu tiên vào  dinh Độc lập vấn an  gia đình họ Ngô, sau lần  đảo chính hụt năm  1960.   Chỉ có Paulus  Hiếu,  xưa  quốc tịch Pháp , chóng vánh giữ tên, đổi  sang họ Ngô . Ngô trọng  Hiếu có ý nghĩa " Hiếu trọng Ngô "    Lại được  chủ soái nhóm Hàn Thuyên tiền chiến  làm cố vấn , lợi biết bao, bởi một  số nhà văn, nhà báo  bướng bỉnh, nổi tiếng bất trị ,  chống chế độ, như tôi chẳng  hạn, vây quanh trục đó, tất ông Ngô trọng Hiếu sẽ được tiếng với cấp trên, đã có tài  cải tà quy chính, khiến   bọn chống đối quy hàng .  

     Một buổi , tôi ngồi ở La Pagode,  gặp Lê văn Thái, ông chủ sự duy nhất Sở Nghiên cứu chính  trị xã hội của  trùm mật vụ  Trần Kim Tuyến , dám gọi các tổng, bộ trưởng bằng
 " anh" ,  xưng " tôi"  bình đẳng.   Lê văn Thái cho biết, ông bộ trưởng Hiếu báo cáo cấp trên ,  đã dùng được những tên trí thức, nhà văn, nhà báo bướng bỉnh nhất  ở dưới trướng .   Tôi  im lặng nghe,  Lê văn Thái nói tiếp,  tại sao ông bộ trưởng  Hiếu lại buộc chúng tôi, những văn nghệ sĩ  phải đi làm 2 buổi như công chức vậy ?  Chẳng là, hồi ấy, có họa sĩ Vị Ý , Nguyễn Trung  các nhà văn, nhà báo   Thanh Hữu, Trần dạ Từ, Trần tuấn Kiệt , Mai Sử   Giương  *, Uyên Thao , Duy Sinh làm ở bộ Công dân vụ.  Dầu là  cộng tác viên đi nữa , đều được  bộ Công dân vụ trả lương, đa số anh em đều có viết, vẽ,  trong bán  nguyệt san " Sống"  , chủ nhiệm  Ngô trọng Hiếu. 
------
*   còn là  tác giả tập truyện" Dạ khúc"  ký Nguyễn Nghiệp Nhượng .  

     Mỗi lần gặp  Lê văn Thái ở ngoài  công chúng, y như rằng mật vụ  vây quanh , có kẻ họ thì thầm  : " Thế Phong đấy !"  Tôi  liếc  thoáng qua, và coi như không nghe thấy. Ông Ngô trọng Hiếu trả lương Duy Sinh ( Nguyễn đức Phúc Khôi, trưởng nam Nguyễn đức Quỳnh) ,  bà Lê thị Phúc ( phu nhân Nguyễn đức Quỳnh)  8000 đồng / tháng . còn tôi  và họa sĩ Vị  Ý là  5000 đồng ,những vị khác thì  không được biết.  

     Hàng ngày, tôi đi làm, chiều về thẳng nhà bà mẹ nuôi.  Lúc này Trâm đã đi làm  cho Huê Kỳ, sửa soạn lấy chồng quân đội Mỹ.  

     Tôi phụ trách  giám học trông coi khóa sinh đầu tiên  của bộ Công dân vụ, Vị Ý , Thanh Hữu là giảng viên chính trị.   Duy Sinh, Trần dạ Từ  phụ trách "  Ban Mật "  công tác tại Đài phát thanh .  Uyên Thao, Mai sử Giương được cắt cử  làm công tác phát thanh tại Đài   Ban Mê Thuột, họa sĩ Nguyễn Trung và Trần tuấn Kiệt  công tác ở Ba Xuyên trông coi đài phát thanh địa phương.  

    Tôi giới thiệu 2 bạn trẻ, Kiều thệ ThủyNguyễn văn Ngơi ( con chủ nhà tôi thuê ở xứ đạo Bắc Hà xưa kia)  vào học lớp khóa sinh cán bộ , sau hai bạn trẻ được chuyển học khóa đào tạo  Địa điểm trưởng tại bộ  Canh Nông.  

     Tuy mang tiếng làm việc ở bộ Công dân vụ, nhưng chỉ là một cách giữ nhau, vì trước đó, tôi và anh Nguyễn đức Quỳnh có xích mích  trong vụ tranh luận thái độ, lập trường sống.  Tôi lên án Nguyễn đức Quỳnh trước mặt mọi người, không còn lai vãng tới đàm trường; trừ lúc còn ở báo Đời mới, có cả  Trần văn Ân chủ nhiệm và  Hồ Hán Sơn.  Mỗi khi đến thăm anh Quỳnh, đàm trường đang họp anh em văn nghệ,  tội đứng ngoài đợi, nhất định không   tham dự.  

     Làm ở bộ Công dân vụ đâu được 3 tháng, tôi vẫn chưa được trả lương 5000 đồng / tháng, chỉ được tạm ứng 2000 .  Tôi giục  nhân viên hành chính, họ  cho biết chưa được  lệnh bộ Tài chánh duyệt.  

    Tôi và  ông Đoàn Thêm quen nhau ,  ông cho biết , Phủ tổng thống không nhận được hồ sơ mang tên tôi  gửi lên,  mà chỉ có bà Lê thị Phúc, Nguyễn-đức Phúc Khôi ( Duy Sinh)  + vài người khác nữa.   Như vậy ,  tôiNguyễn hoàng Tâm ( Vị Ý ) bị gạt ra ngoài lề . 
       
      Đáng thương  cho Duy Sinh, mới được vời vào làm cho bộ trưởng Hiếu, đã lên mặt với anh em văn nghệ bên ngoài, đi đâu cũng tự nhận mình đại diện bộ trưởng  Công dân vụ. Cả đến nhân viên  bộ  Công dân vụ cũng ghét,  anh ta hạch hỏi Ban kỹ thuật  không cung cấp đồ pièces, vỏ,  ruột xe thay thế cho chiếc xe hơi cà tàng Hillman  kia, thì làm sao  anh ta có thể đi công tác v.v...   Họ  báo cáo lên văn phòng bộ trưởng nhiều lần, khiến  bộ trưởng phải thuyên chuyển Duy Sinh sang làm Trưởng phòng thương mại bên Tổng nha thông tin. 

    Anh em văn nghệ, báo chí trước kia viết cho bán nguyệt san Sống , bây giờ làm ở bộ Công dân vụ , rất ít khi gặp nhau bù khú, cà-phê, cả-pháo.   Trừ tôi ,  họa sĩ Vị Ý gần nhau suốt ngày về công việc, kể cả bữa ăn trưa ở câu lạc bộ.   Vi Ý phụ trách khối anh chị em khóa sinh người việt gốc Hoa; còn tôi trông nom 180 khóa sinh việt thuần chủng và người việt gốc Khmer.   

      Làm ở bộ được 2 tháng, tôi  dọn nhà ra ở riêng, thuê một căn nhà tôn ở xóm đạo di cư Tân sa châu, địa phận cha xứ Mai ngọc Khuê cai quản .  Tôi có dự định xin cưới Cao Mỵ Nhân, vì chỉ còn vài tháng nữa nàng tốt nghiệp Khóa Nữ cán sự xã hội Caritas.   Giám đốc khóa học Lưu Hùng ( chủ bút báo Sống xưa kia)   gợi ý muốn đưa tôi đi  kèm các cán bộ Công dân vụ sẽ  tốt nghiệp mai đây về miền Đông công tác.  Tôi hỏi, ai  gợi ý , thì giám đốc Hùng cho biết: đó là ý kiến bộ trưởng và cố vấn Quỳnh .   Tôi khước từ không chấp nhận , lẽ rằng ,với đồng lương 5000 đồng / tháng, tôi không dại gì mua cái chết đến sớm .    Tâm sự với hoạ sĩ Vị Ý  như thế, nếu làm mercenaire, thì số  lương quá ít, nếu  phục vụ lý tưởng thì đồng lương kia quá nhiều, mà  làm gì có lý tưởng để theo đuổi.   Họa sĩ Vị Ý cũng  cho biết, anh được cử đi theo cán bộ  mãn khoá về miền Tây, hệt công tác  của tôi ở miền Đông Nam Bộ. 

     Hai chúng tôi chẳng ai bàn với ai, đều đồng ý với nhau ,  không nhận việc điều động đi xa , đây là  ý tưởng từ cố vấn Nguyễn đức Quỳnh đề xuất với bộ trưởng Công dân vụ, đẩy những tên ngang bướng đi xa, để chúng nó đỡ phá đám .  Một khi , không nắm được chúng nó, khó yên  tâm  làm việc.  Trường hợp  đẩy Uyên Thao đi  xa , một thí nghiệm  của 2  vị  thành công .

     Trước kia, trưa thứ 7 nào, tôi cũng tới Trường  Caritas ở 38 Tú Xương đón  Cao Mỵ Nhân, nhưng mấy tháng nay, các khoá sinh sắp mãn  khóa  , tôi bận,  nên Cao Mỵ Nhân sang Bộ Công dân vụ đón tôi.  Chúng tôi cùng đi ăn trưa với nhau , Mỵ biết  tính tôi rất ít muốn  xin faveur ai  một điều gì, nhất là  xin cho   người thân.  Và  nàng tự động đến nhà anh Nguyễn đức  Quỳnh, gặp bà Lê thị Phúc, nhờ can thiệp,để  nàng được  biệt phái sang  làm ở bộ Công dân vụ, thì cơ hội lập gia đình  chúng tôi  sẽ thuận lợi hơn.  Hình như, ông bà Nguyễn  đức Quỳnh từ chối, Cao My Nhân không cho tôi bết chuyện này , mãi tới khi tôi được biết , là lúc tôi đã  thôi làm ở bộ Công dân vụ.   Nàng  cho biết thêm, tôi đã xin cho 2 bạn Kiều thệ ThủyNguyễn văn Ngơi vào làm khóa sinh cán bô Công dân vụ, và  Cao Mỵ Nhân không muốn  nhờ tôi can thiệp với bà Lê thị Phúc để xin biệt phái .    Tôi qui Cao Mỵ Nhân ở điểm này, nàng chính  là tâm-hồn-bạn  , giả thử, nếu nàng buộc tôi xin can thiệp, hoặc nhờ cậy,  tôi sẽ chối từ thẳng cánh .   Và cũng không  ranh mãnh về thủ đoạn chính trị, giả thiết, nếu ông bà Quỳnh + Phúc can thiệp xin thiếu úy  nữ trợ tá xã hội Cao Mỵ Nhân về Bộ Công dân vụ, thì sau này chưa chắc tôi đã thoát khỏi xiềng xích của họ, đến nay vẫn còn chịu ơn ; hoặc, tôi trở thành cộng sự viên đắc lực cho chế độ nhà Ngô  không chừng ?!  Và nếu vậy, sự nghiệp văn chương của tôi + cuộc đời, đã kết thúc từ
 lâu  !  Bây giờ, chẳng ai nhắc tới tên tôi cách kính trọng về sự xuất bản liên tục những tác phẩm rô-nê-ô không giấy phép,  đề xướng văn chương phải được tự do hoàn toàn,   thì, ông bộ  trưởng Hiếu đã bất chiến tự nhiên thành,  khỏi cần phải dặn dò ,  khi tôi  mới vào làm 
" ...từ nay  Thế Phong thôi in rô-nê-ô đi nhé, có sách, cứ đưa tôi in tại Quốc gia ấn quán...".

     Buổi ông bộ trưởng Công dân vụ Ngô trọng Hiếu ra mắt trước 400 anh em văn nghệ, báo chí, trí thức tại nhà hàng Đồng Khánh, ông lại  nhắc :  "... chúng ta có Nhà in Quốc gia  mà có anh em văn nghệ phải in rô-nê-ô ..." , báo chí đăng lại,  đọc rồi, tôi  vẫn    im tiếng, tiếp tục  in sách rô-nê-ô , dầu mỗi lần ông  bộ trưởng về muộn, đi qua phòng giám học, vẫn nghe được tiếng đánh máy chữ. Ông  bộ trưởng dừng lại, hỏi, tan sở ,  sao chưa về  nghỉ và đang  đánh  máy cái   gì, tôi đáp  : ".. đánh xtăng -sin in sách rô-nê-ô ..." 

     Khi tôi dọn nhà về Tân sa châu, Cao Mỵ Nhân mua chiếc chiếu trải giường , còn tôi mua chiếc chăn hồng; hy vọng rằng đó là chăn  tân lang + giai nhân trong tiệc cưới . 

     Cười 1961, tôi vẫn chưa được lĩnh lương 5000 đồng, và tự hiểu rằng chẳng bao giờ được lãnh, quả, tôi bị lừa, đúng như  ông phó đổng lý phủ tổng thống Đoàn Thêm  đã cho biết  .   Tôi cảm thấy bị bóc lột, không xứng đáng với công việc chăm sóc 180  khóa sinh, khóa đầu tiên đào tạo  cán  bộ Công dân vụ , và ,  tôi làm đơn xin thôi việc.  Bằng  một lá đơn theo thủ tục hành chính , phản đối ông bộ trưởng CDV  chỉ cho tôi hưởng  lương cán bộ  2000 đồng / tháng  - mà tôi có  nhận làm cán bộ đâu?  Tôi chửi thẳng  mặt chánh văn phòng bộ trưởng, tên Hậu  :  ".. Salauds, vous êtes prefides".   Rồi,  viết nguyên câu này  trong lá thư gửi cho anh Nguyễn đức Quỳnh, cố vấn bộ trưởng, như gián tiếp  chuyển tới tai  bộ trưởng  Hiếu.

     Khi ấy , đúng dịp Phan văn Tạo  cho xuất bản tập truyện Cái bóng bóng lợn*, tác giả , đổng lý bộ Công dân vụ.   Hình như có một lần, ông Tạo  xuống  phòng giám học ; tất cả giảng viên đứng dậy nghiêm chào.  Riêng tôi, vẫn ngồi nghiễm nhiên như không biết  chuyện gì xảy ra.   Sau, nhà văn Thanh Hữu cho biết, đó là ông đổng lý - tôi trả lời:  
 " ... chỉ  mới biết bộ trưởng "recruter" tôi và  tham chánh văn phòng trả lương tạm
 ứng  ; còn ông đổng lý thi chưa ai giới thiệu, làm sao biết ?"   Một gỉang viên khác nhắc, ông đổng lý không chỉ là đổng lý thôi đâu, còn là nhà văn, vậy sao tôi cũng  không biết ?  Đó là một thiếu sót lớn.   Lại trả lời kiểu  " ba que, sỏ lá " -  "nếu mời tôi lên phòng đổng lý với danh hiệu Thế Phong nhà văn , thì ông Phan văn Tạo chưa đáng xách giầy cho tôi, tôi sẽ  không lên.  Nếu mời lên với tư cách giảng viên, tôi bằng lòng chịu nhục, vì đó là nhiệm vụ, tôi sẽ lên; nhưng, bây giờ đang bận chấm bài kháo sinh tốt nghiệp".

       Họa sĩ Vị Ý nghe rồi , chỉ còn cách lắc đầu nhìn tôi, cười ruồi. Cho tới   khi đổng lý sai trung úy Dương cầm cuốn sách Cái bong bóng lợn  tặng , mời tôi  lên gặp ông đổng lý nói chuyện văn chương, thì tôi chỉ ầm ừ .  Mãi đến khi giám đốc  huấn luyện Lưu Hùng khuyên tôi nên tới gặp  tác giả, tôi đành phải lên.  Buổi ấy có họa sĩ Vi Ý, tôi trả lời qua loa một vài kinh nghiệm văn chương, rồi chúng tôi vội trở lại phòng giám học .
-------
*  Cái bong bóng lợn,  / Phan văn Tạo - Nam Chi tùng thư xuất bản, Saigon 1961. 

     Thời kỳ này, ông bộ trưởng Công dân vụ định  tổ chức  Hội ký giả Hội Nhà văn để kiểm soát  tư tưởng nhà văn, nhà báo  chặt chẽ hơn.  Chắc đây  là ý kiến  cố vấn bộ trưởng, ông Nguyễn đức Quỳnh , bởi  ông Quỳnh  thừa hiểu  Pen Club Việtnam không  thu hút được  nhiều  cây bút  hàng đầu , bắt chước   kế hoạch  nhà nước 1945, áp dụng phương thức động viên văn nghệ sĩ , quân đội hóa  họ, để phục vụ đường lối chính trị, kể cả  sách lược kềm chế các văn nghệ sĩ  không theo đường lối  văn nghệ , báo chí phục vụ chính trị.  

    Cái  hội được mệnh danh Hội Ký giả, anh Nguyễn đức Quỳnh giới thiệu nhà cách mạng già Nguyễn đắc Lộc chủ nhiệm báo  Tân dân, làm hội trưởng.  Còn Hội Nhà văn  sẽ giao cho nhà từ điển Đào Đăng Vỹ . Ông Vỹ sẽ  được bổ nhiệm làm  Văn tác  vụ trưởng .  Văn tác vụ trưởng sẽ điều động một văn, thi sĩ có tiếng tăm làm chủ tịch, kiểu chủ tịch  danh dự, như  ở  ngoài khu, công việc lại  giao cho phó chủ tịch điều hành quyết định công việc.   Có ý kiến đề nghị thi sĩ Đông Hồ, gốc Nam bộ , làm hội trưởng, sẽ lôi kéo được ảnh hưởng Nam bộ ủng hộ manh mẽ hơn.  Tôi  dự đoán, lập hội hè kiểu này sẽ rất khó  làm việc, không thể thành công.  Ở điểm, cho rằng chính phủ Ngô đình Diệm đã mạnh,  thống nhất được hành động; nhưng bộ này làm nhiều, hoặc tốt hơn, tất bộ khác sẽ phá đám  , nghĩa là phá lẫn nhau.  Y như rằng vậy,  Văn tác vụ định thay thế   Văn hoá vụ ,  khởi điểm đã bất thành, chương trình đưa lên,  phủ tổng thống không  duyệt .  Chẳng là, Văn hóa vụ  do người  lãnh chúa miền Trung Ngô đình Cẩn  chỉ huy,  rất khó mà  gạt bỏ hoặc thay thế Nguyễn duy Miễn.   

     Hồi ấy, tôi   cho đăng một thiên ký sự văn nghệ trên tuần báo  Tân dân ,  Nguyễn Đắc Lộc chủ nhiệm.    Ban kiểm duyệt Tổng nha  Thông tin  cắt bỏ gần hết, ông bộ trưởng Công dân vụ  can thiệp ( cấp trên Tổng nha thông tin )   chỉ thị   ông Trần văn Thọ, tổng gíam đốc  sẽ tiếp ( Thọ em vợ  bộ trưởng Ngô trọng Hiếu ), để tôi giải thích loat bài
 bị " đục " bỏ kia. 

      Khi gặp ông Trần văn Thọ,   ông ta  vẫn giữ nguyên  ý kiến  Ban Kiểm duyệt báo chí, bác bỏ chỉ thị của  bộ trưởng  Hiếu.   Trở về bô Công  dân vụ, bộ trưởng Hiếu gọi  lên báo cáo kết quả, tôi đáp:

      " ..Nếu bộ Công  ân vụ  đặt giải thưởng văn chương 100 ngàn đồng, thì Văn hóa vụ sẽ treo giải 300 ngàn" ,  vì vậy,  nếu có trình bày bài  bị" đục" vô lý,  thì ông Thọ sẽ bỏ ngoài tai ,  kể cả bá cáo  " chỉ thị  cấp trên,  là bộ Công dân vụ ".  

        Thâm tâm tôi như muốn dò xét phản ứng bộ trưởng Hiếu ra sao, ông  trả lời : 

       "...Rồi ra vài ba năm nữa, có ai nhắc đến ông bộ trưởng Ngô trọng Hiếu, hay ông Thọ đâu; nhưng anh thì 10 năm sau ,vẫn còn người nhắc tới đấy !..."  

    Tôi thấy, một viên bộ trưởng  tồng thống Diệm sảo quyệt, khôn ngoan, phản ứng nhanh, lẹ, chẳng kém  lề ăn thói nói   cán bộ ngoài kia  là bao ?  Rồi khi  Nguyễn đức Quỳnh làm cố vấn bộ trưởng Hiếu, anh em văn nghệ, nhân viên trong bộ Công dân vụ đều nhất loạt  réo tên  " ông cố vấn " ; tôi thấy ngay  , nếu  ông Nguyễn đức Quỳnh làm chính trị, thì đây là một thái độ thất sách, vì lẽ, làm phật lòng ông cố vấn tổng thống Ngô  đình Nhu  không ít ?! Tâm lý một người làm chính trị, đầu óc độc tôn, rất ít muốn ai trùng hợp chức danh của họ .   Nếu có thể, họ sẽ tìm cách khử địch thủ, hoặc tìm một cách nào đó làm mất tích tiếng tăm người kia. 

       Cái mộng của anh Nguyễn đức Quỳnh, làm cố vấn cho một vị bộ trưởng, mai đây có thể làm cố vấn cho một tân tổng thống tương lai mang tên Ngô trọng Hiếu.    Lý do giải tán Hội nạn nhân Cộng sản do Ngô trọng Hiếu chủ tịch hội, bởi, hội tụ tập nhiều tù nhân từ Trại Lý Bá Sơ,đa số tù nhân gốc Thiên chúa giáo có lòng tin chống Cộng mãnh liệt hơn ai hết,  họ bảo vệ  đấng Christ tuyệt đối , chẳng dễ gì những  cán bộ mác xít  làm họ lung lay tư tưởng. Ngoài ra, Hội còn nhiều hội viên cừ khôi, thông  lý thuyết , giỏi thực hành ;  nếu Hội  nạn nhân Cộng sản tồn tại lâu dài,  họ sẽ tổ chức từ xã,  huyện, quận tỉnh, thành phố chặt chẽ, hẳn,  hiểm họa kia sẽ không có lợi cho  chế độ  Ngô đình  Diệm  .   Thí dụ thôi nhé, dầu  mộ cha ông ông  Ngô trọng Hiếu không  táng  hàm rồng,  không có số làm bộ trưởng,  mà có ông  Nguyễn đức Quỳnh làm  cố vấn, tất nhiên  ông Ngô trọng Hiếu " sẽ
 phải làm bộ trưởng  " , trái với số mệnh an bài.  Tôi gọi  là kỹ thuật đào tạo bộ trưởng,  do nơi chủ soái đàm trường viễn kiến Nguyễn đức Quỳnh đào tạo.   

     Mặt khác, ông Hiếu làm bộ trưởng, tất  nhiên Hội nạn nhân cộng sản, báo Sống đều phải giải  tán , đóng cửa,  để trừ mầm hậu họa từ ông Hiếu, đó là  sách lược chính trị của cố vấn tổng thống Diệm , ông Ngô đình Nhu bày  trò . 

                                                                   ( còn tiếp )
    thế phong

 ( Nhà văn tác phẩm cuộc đời /  Thế Phong - Đại  Ngã tái  bản, Saigon 1970 - tr. 167-  180- bài đã tu chỉnh -  )

   
    

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ