nhà văn hậu chiến : 1950-1956 / thế phong - 17
nhà văn hậu chiến : 1950 -1956 17
thế phong
Tiết 2.
HOÀI MINH
Tiểu sử.- Tên thật Nguyễn Thế Khâm. Sinh 2. 11. 1924 tại Gò Công ( Nam Phần) . Cùng với Thanh Thanh, Xuân Huyền, Như Trị ( Bùi Chánh Thời ) ... trong nhóm Xây dựng , hoạt động văn nghệ ở Huế, chúng tôi đặt vào phần thi ca miền Trung, giai đoạn : 1950 - 1954.
Phân tích.- Tác phẩm đã xuất bản : Nhạc ngày xanh ( Nxb Xây dựng, Huế 1951), viết chung với Thanh Thanh, Xuân Huyền, Như Trị. Một số bài thơ khác đăng trên báo Đời Mới ( Saigon ), Mùa lúa mới ( Huế ) .. Về Bình minh, bài thơ mang hình tượng mới, rung động, hồn thơ có xúc cảm; nói lên thân phận một thiếu phụ bị sa ngã trước bả sa họa cua đô thị, lãng quên người chồng đang chiến đấu ngoài mặt trận kháng chiến. Tác giả dùng thể thơ kể chuyện, diễn đạt chuyện bằng thi ca. Phải là tác giả có chân tài như Hoài Minh mới thành công trong loại kể chuyện bằng thi ca . Thời kháng chiến, Hoàng Lộc thành công với bài thơ Viếng bạn, Hữu Loan với Mầu tím hoa sim, Hoàng Cầm với Ai về bên kia sông Đuống ... với Hoài Minh là Lửa binh tàn lụi. Đây là bài thơ hay, truyền cảm, làm xúc động người đọc :
... Trút áo phù hoa
Tôi về quê cũ
Tìm anh
Siết chặt bàn tay
Nhìn sâu giếng mắt
Môi nở tâm tình
Ngậm ngùi kể chuyện ngày xanh
Góp sức dựng ngày tươi sáng
Có mầu trắng
Có nắng vàng
Có đồng lúa xanh ngút ngàn
Có cô thôn nữ hò vang giọng hò
Anh không là nông nô
Lều tranh vách đất
Vợ yếu con gầy
Tôi không là địa chủ
Ruộng cả ao sâu
Nhà cao, mái đỏ
Ruộng chia từng mảnh nhỏ
Cho tất cả dân cày
Lúa vàng lên sóng mắt
Nắng rụng xuống bờ dâu
Mồ hôi tôi tẩm đất màu
Cho dưa kết nụ, cho bầu đơm bông ...
( trích tuần báo Đời mới (Saigon, 1954)
HOÀI MINH
Kết luận .- Tâm trạng diễn biến qua ý thức hệ tư tưởng song hành với biến chuyển thời cuộc. Có nghĩa, ông nhìn thấy được giai đoạn phân hóa kháng chiến mất thực chất. Và ở miền Quốc gia, đất quê hương đang sống chưa là một chính quyền thực sự. Bài thơ Về bình minh phản ánh qua thơ, ông lên án xã hội bị sa đọa hóa là thất. Miền đất Quốc gia khi ấy; có tiếng chim hót có hay thật, thì chim vẫn nằm trong lồng son Liên hiệp Pháp. Nhìn sang đới sống chính trị bên kia , đấu tranh giai cấp sang hành động, ông viết bài Lửa binh tàn lụi.
Thơ Hoài Minh không là thơ công thức; một loại thơ được làm theo yêu cầu tuyên truyền; nhưng chính là thơ rung động của một nhà thơ sáng suốt ý thức .
Trích thơ.-
VỀ BÌNH MINH
Thôi con nhé !
Lặng im đừng khóc nữa
Mẹ về đây, tim ủ giá lòng côi
Mẹ về đây, hồn ngập bóng xa xôi
Để thoát khỏi vũng bùn nhơ nhầy nhụa
Ánh điện cháy ngập tràn muôn lối nhựa
Xây đài mơ đốt vạn cánh thiêu thân
Mẹ về đây, đôi bước nhỏ ngại ngần
Xa con dại, mẹ xa đời quang đãng
Môi đỏ mọng đang lên giờ dâm loạn
Má hồng tươi pha nhạt ý mầu xanh
Vạn hồn nhơ trụy lạc bốc xây thành
Ngàn gió lộng mùa thu đầy anh dũng
Tha cho mẹ, hỡi con dòng máu nóng
Ủ hồn đơn, nguồn ấm của lòng thơ
Mẹ về đây dập tắt của cuồng mơ
Và lãnh đạm trước nguồn say rạo rực
Thoảng vạn cánh lá vàng gieo tiếng nấc
Lòng giá băng trào ngập ý thu xưa
Một mùa thu nhạt bóng tự bao giờ ?
Hồn tội lỗi nghe vang lời chinh chiến
Mùa lá ấy non sông bừng rung chuyển
Cha say sưa lòng nhẹ chuyện thê nhi
Vẻ hiên ngang hướng bóng ngọn quốc kỳ
Mẹ tiến bước tim sầu căng suối lệ
Nhưng khôn tắt lử lòng trai thế hệ
Mẹ bâng khuâng e ngại hỏi " Ngày về"
Cha mỉm cười nhìn mây trắng lê thê
Và khẽ bảo đến khi tàn binh lửa
Mẹ đã hứa trên hồn thiêng lá úa
Cùng cha con sẽ dạy dỗ trẻ thơ
Khoá lòng xuân, vạn thuở vẫn mong chờ
Lòng mẹ dõi bóng mây niềm quan tái
Hương mong nhớ mang ướp lòng con dại
Mẹ sầu, mơ ngày rũ bụi nhung y
Một ngày tươi che rợp bóng " Tinh kỳ"
Con và mẹ đón người cha anh dũng
Nhưng ảo mộng, mẹ xây tràng ảo mộng
Một chiều thu trời nhỏ vạn hàng mưa
Mẹ hay tin cha bị sa cơ
Hình đá lạnh khép nhìn đôi cánh rộng
Sau những tháng giữa tường cao thu bóng
Cha bị đày ra đảo vắng xa xôi
Đếm thời gian, ôm mới hận câm lời
Bao diễm mộng chừ đây đang đổ vỡ
Sống giữa chốn ngạt mùi thơm cám dỗ
Mẹ nghiêng dần dẫn bên vực thẳm truy hoan
Và say mê trong cuộc sống huy hoàng
Hồn nhạt bóng người chồng vương thảm cảnh
Cha co quắp giữa tường rêu giá lạnh
Mẹ duỗi mình trên nệm ấm giường cao
Cha xót lòng lùa vội bữa cơm rau
Mẹ thừa thãi thức cao lương mỹ vị
Cha nuốt hận xây hờn nơi dũ lý
Mẹ tươi cười hết mộng giữa xa hoa
Cha tả tơi gió bấc tái màu da
Mẹ tha thướt trong quần tơ áo lụa
Cha cay đắng tai nghe lời chửi rủa
Mẹ mơ màng đôi khúc nhạc du dương
Và đã bán linh h ồn cho thú dục
Bỏ lạc lõng mảnh lòng non côi cút
Con thơ ơi ! Kẻ tội lỗi về đây
Tìm nguồn vui bên cạnh trẻ thơ ngây
Đừng khóc nữa, con ơi ! đứng khóc nữa ! ...
( trích thi phẩm "Nhạc ngày xanh " )
HOÀI MINH
( 1951)
Tiết 2.-
THANH THUYỀN
Tiểu sử.- Tên thật Nguyễn Định. Sinh 1933 ở Huế. Bạn học của thi sĩ Diên Nghị, Tạ Ký, Kiêm Đạt ... Tác giả nhiều bài thơ trên tuần báo Đời mới từ 1952 ( Saigon ) , Nguồn sống mới ( Saigon )...
Phân tích.- Thanh Thuyền chưa xuất bản thi phẩm nào, chi có nhiều bài đăng tải trên báo, thơ có bản sắc riêng, đích thức là một nhà thơ tài năng. Thơ viết nhiều bắng cảm giác, rung động thực, ẩn dụ, thiết tha với thiên nhiên, cây cỏ, cảnh vật. Thơ nhuốm vẻ tiêu cực, tiêu cực đây không phải vô duyên cớ. Chẳng hạn, bài thơ Cách biệt hao hao không khí thơ Lạc loài của Huyền Chi. Tiếng thơ Thanh Thuyền là tiếng thơ nghẹn ngào vì thời thế ... chính tác giả tự nhận, ông không thể mạnh chân cất bước lên đường
dấn thân hành động, trước cảnh tha hóa thành thị đoạ lạc , vì đất nước chưa có chủ quyền hoàn toàn.
Kết luận.- Thé giới thơ Thanh Thuyền giàu âm thanh, ngôn từ mượt mà, nội dung phong phú, tư tưởng tiến bộ. Xuân thế hệ đọc lên, cảm được luồng cảm khí bừng bừng tuôn qua mạch máu, phát sinh hơi ấm trong tâm hồn. Một ý khác, đánh giá tiêu cực trong thơ Thanh Thuyền , ở chỗ, có thể hơi thơ còn yếu, chưa đạt đỉnh cao, tạo sức mạnh tiêu cực vũ bão như Maxime Gorki chẳng hạn. Nha văn Nga này có thể góp công lật đổ Nga hoàng qua văn, thơ, nhất là, khi đọc truyện La mère ( bản pháp ngữ) .
Như vậy, không thể cho rằng thơ Thanh Thuyền chỉ than mây, khóc gió như thơ thời tiền chiến, trốn mình trong vỏ sỏ tình ái, khi non sông nghiêng ngửa. Và thơ ông, có khác đây, là tiếng nấc nghẹn ngào thương cảm thời thế.
Trích thơ.-
1.- CÁCH BIỆT
Anh một phương trời, tôi một phương
Núi mờ chia biệt mấy biên cương
Ở đây mây trắng buồn hiu hắt
Lá rụng mùa thu đỏ dặm đường .
Ở đây nắng tìm mầu thương nhớ
Gác trọ mênh mang gió cuộc đời
Thơ trắng sầu hoen dòng bấc lụn
Võ vàng, trăng lạnh lắm anh ơi !
Đêm nay biên giới mờ sương khói
Ai hát bài ca giữa núi rừng
Áo bạc vai gầy nghe lá rụng
Mầu chiều bên ấy có rưng rưng ?
Ai đi đêm ấy trời sao biếc
Mắt ướt lênh đênh bóng nguyệt vàng
Sương đổ bờ tre, buồn dậu thắm
Nhạc mua quê cũ chớm âm vang .
Cánh mộng ngày xanh chưa nhạt lối
Tâm tình chưa mướt mấy trang thơ
Biên cương ngút lửa mờ trăng gió
Sắc phấn hoàng hôn ngập bóng cờ.
Tôi ở phương này thương nhớ anh
Đêm đêm chợt lắng khúc quân hành
Cố đô mấy khói trời vân vũ
Kẻ núi rừng thương kẻ thị thành.
Máu lệ chia đôi bờ cách biệt
Nỡ nào nghẹn chết cả dòng thương
Tâm tư, núi biếc ngăn đường mộng
Người ở phương trời, kẻ cuối phương.
Đêm nay chợt tỉnh trong mây gió
Gối lạnh còn vương mộng " thái hòa "
Tám hướng đời không còn cách biệt
Biên thùy chim trắng, nắng dâng hoa .
( trích tuần báo Đời mới ( Saigon )
2.- XUÂN THẾ HỆ
Đời chưa chết một mùa xuân thế hệ
Nên dòng thơ vẫn ướt giữa làn môi
Đời chưa hát bài kinh sầu tận thế
Nên hôn thơ sáng rực ánh sao ngời.
Cửa thiên đường trần gian còn khép chặt
Máu trần gian còn đỏ ngập đường đi
Ta ngửa mặt chờ mùa xuân nguyên thủy
Liệm đau buồn trong giếng mắt lưu ly
Xuân không nở, nhưng máu đời nở thắm
Bờ không gian quằn quại giữa biên thùy
Trong đêm tối, hồn xuân về lướt thướt
Nhạc muôn đời vang vọng khúc phân ly.
Những biên thùy, những biên thùy rớm lệ
Người cuối sông khóc biệt kẻ đầu sông
Dựng thành trì những trời mây ngạo nghễ
Tình ngăn, bờ âm hưởng nhạc chờ mong.
Đêm nay say, xuân về trên gối lạnh
Ta lắng nghe ý nhạc tự muôn đời
Cửa thiên đường trấn gian còn khép cánh
Nhưng hồn thơ ánh rực sáng sao ngời.
Xuân tượng hình, xuân tượng hình trinh bạch
Trời kỷ nguyên xao xuyến nhạc ngàn xưa
Mùa xanh nở, mùa xanh lên huyền diệu
Đường trần gian biêng biếc mộng gây vừa.
Vì em ơi, khúc kinh sầu tận thế
Chưa âm vang lặng lẽo giữa trần gian
Vì em ơi, vườn đời đang ướt lệ
Nhưng ngày mai ai bảo nắng không vàng ?
Những biên thùy, những biên thùy rướm máu
Hát lên em, đời nở trắng hoa lê
Trên gối mộng, ta say trời hợp tấu
Dìu biên cương giữa biển nhạc xuân về.
( trích tuần báo Đời mới ( Saigon )
thanh thuyền
( kỳ sau: tiểu mục : HỒ ĐÌNH PHƯƠNG, XUÂN HUYỀN, THANH THANH, TẠ KÝ ).
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ