nhà văn tác phẩm cuộc đời / thế phong - 12
nhà văn tác phẩm cuộc đời 12
tự-sự-kể : thế phong
4
Mỗi lần có triền nhuận bút, tôi lại đến thăm Cao Mỵ Nhân và tuy không tỏ cho nàng biết nỗi lo âu của tôi; nhưng không giấu nổi , qua đôi mắt đen, nàng đang lo lắng cho tôi . Tôi dự định sẽ trốn sang Pháp mấy lần , bắng lối đi qua Cao Miên ( Campuchia) . Tôi đã gói những bản thảo lai , nhờ Cao Mỵ Nhân giữ hộ. Bao nhiêu ảnh ngày xa xưa, biết báo kỷ niệm dĩ vãng của tôi, hiện Cao Mỵ Nhân giữ hết. Tôi hiểu rằng Mỵ yệu tôi, nàng phải hy sinh rất nhiều tai tiếng từ phía tôi mang lại. Ngay cả trong đại gia đình nàng tới bè bạn và cả ngoài xã hội nữa. Nàng thường kể cho tôi nghe về ông cụ thường phán xét về tôi ra sao :
"... thằng ấy có tài, nhưng nó kiêu lắm, chẳng lẽ tao phải rước nó lên bàn thờ mà thờ hay sao ..."
thì nàng lại biện hộ : "... anh ấy có đánh con đi nữa thì sau lại thương con hơn ..." .
Mỵ thường mơ mộng và viết những mẩu truyện ngắn về đôi lứa chồng vợ hạnh phúc co, lo âu có ; chồng thường bỏ nhà theo gái, vợ ở nhà chung thủy và thương xót chồng. Hẳn rằng ít lâu sau, người chồng cảm phục vợ, trở về nhà, tha thứ và sống hạnh phúc như xưa. Nhiều câu chuyện tương tự như vậy, tôi thường đọc thấy, ký tên nàng, đăng trên trang phụ nữ nhật báo Ngôn luận.
Mỵ là một tác giả làm thơ rất nhanh, nhiều và hay nữa. Nhưng lần đi chơi với nhau, sau đó, Mỵ có thể sáng tác hàng chục bài . Cái mẫu người con gái , dáng gầy gầy, thon thon; nhất là cái duyên ăn nói rất hợp " gu" ( gou^t) , thì tôi có chết vì họ được. Đúng là người-yêu-định-mệnh của tôi rồi . Phải thú nhận, Mỵ là một trong nhiều mối tình đẹp nhất, trên cả với Diệu Viên . Mỵ là cô gái rất tần tiện, mỗi lần chi tiêu hàng ngáy, nàng đều ghi vào sổ tay. Không chỉ là tâm-hồn-bạn thôi đâu , nàng có thể và tất vậy, còn là người vợ đem lại hạnh phúc gia đình. Những ai đi-gió-về-mưa * lo lắng cho nhân quần xã hội , dân tộc, xứ sở này sẽ ngẩng cổ nhìn lên : vì có một người vợ như Cao Mỵ Nhân - trong những ngày chồng tranh đấu lao lung, hẳn được an ủi nhiều. Song, Mỵ chỉ có một điều mà nàng không thể có, và tôi lại như muốn đòi hỏi giá thử mà nàng có, đó là khuôn dáng con người ấy không có một chút gì được gọi là đàn bà xinh đẹp. Hình như, Mỵ cũng biết thế. Có một lần, Mỵ tới thăm tôi ở nhà bà mẹ nuôi Uyên Thao, đúng ra là đôi ba lần , nàng chê trách tôi bị nhiều tai tiếng vì đàn bà, con gái . Nàng ghét nhất điều này, giả thử tôi được như lối sống của bạn tôi sẽ tốt biết chừng nào ? Tôi nhận là đúng, Thao có dáng dấp ở bề ngoài nghiêm nghị, đứng đắn trước mặt phụ nữ .
-------
* thơ Nguyễn Bính .
---------
Mối tình giữa tôi và Mỵ có lúc rạn nứt, lúc se sắt , nên đã kéo dài tới 5 năm, thì đâu đây có 1 sáng chia lìa ! Bao nhiêu kỷ niệm và biết bao ân tình !
Tôi còn nhớ lần ra Vũng Tàu vào năm 1960, dịp này Cao Mỵ Nhân cũng ra ngoài đó nghỉ hè cùng mấy cô bạn. Chúng tôi gặp lại nhau, tôi đưa nàng ra Eo Quắn . Khi 2 người bạn gái thấy Mỵ trượt chân ngã soải trên sườn đồi - Mỵ thường trêu tôi, cho đó là một nửa đương đi xuống * cheo leo, sao không vấp ngã kia chứ . Thì 2 cô bạn của Mỵ nhìn sang phía tôi, không thấy đỡ Mỵ dậy, một cô bảo : "... anh lại đỡ Mỵ đi chứ ...".
Trả lời :
"...đời này đâu có phải ai cũng sống theo nhân vật trong tiểu thuyết Lê Văn Trương , đàn ông chỉ chờ có cơ hội bắt gặp người yêu ngã, chàng nâng nàng dậy; và có lẽ từ đấy mối tình sấm sét nẩy nở ... " .
-----
* Nửa đường đi xuống / Thế Phong ( Saigon 1959, Đời Mới tái bản 1968 ).
------
Ngay khi đó, tôi đã tiên liệu , đây, thêm một lần đánh mất cơ hội đụng chạm thân thể nàng rồi; nhưng, tôi vẫn không thể làm vậy được, một khi lòng mình không muốn. Khi ra về, đến đầu dốc Eo Quắn, một con rắn bò ra đường. Con rắn khá lớn và tôi bảo các nàng đi trước; còn tôi ở lại phía sau chặn nó. Kết quả, con rắn dài hơn 1 thước, đầu bị bẹp dí dưới hòn đá lớn mà tôi ném trúng. Trong đầu tôi nẩy ý định sẽ in một tập thơ Cao Mỵ Nhân trong Tủ sách Đại Nam văn hiến .
Đó là tập THƠ MỴ ( Đại Nam văn hiến, Saigon 1962 ) nói về mối tình chúng tôi qua thi ca, bài sáng tác sau khi nàng gặp con rắn, lúc đầu , tôi do dự không muốn in vào tập THƠ MỴ :
NGƯỠNG MỘ
Giá hôm nay con rắn trên đường đó
Quấn chân tôi, tôi sẽ vỗ tay cười
Hơn là đi vĩnh viễn bên cạnh người
Âm thầm sống trong hồn điều ngưỡng mộ
Tôi ao ước nên thơ tôi thổ lộ
Người chán chường nên chẳng thiết tha chi
Biết bao lần hờn dỗi tôi quay đi
Người niềm nở vẫn còn như giả dối .
( NGƯỠNG MỘ / CAO MỴ NHÂN )
hoặc :
ĐIỆP KHÚC ' LY TAO '
Sao anh cứ chuốc oan khiên vào mình
Ngàn đời em vẫn kiên trinh
Yêu anh đến đỗi chung tình cả thơ
Hôm qua bươm bướm lượn đùa
Em quên tứ mới thẫn thờ nhớ nhung
Chiều càng canh cánh ngóng trông
Buồn đưa xa tít điệp trùng mây bay
Hình anh in đậm hồn này
Trách chi em chỉ đêm ngày muốn tan *
Dù chưa chọn đá thử vàng
Cũng như giao ước sắt cầm chung đôi
' Ly tao ' ** ngưng khúc lâu rồi
Người xưa chúc tụng cuộc đời ta vui .
( ĐIỆP KHÚC LY TAO / CAO MỴ NHÂN )
------
* bài này trả lời bài LY TAO / THẾ PHONG - đăng trên tạp chí Tân Phong ( chủ nhiệm:
Nguyễn Thị Vinh ), Dinh Hùng chủ soái Tao Đàn cho ngâm trên đài, sau tôi in trong NẾU ANH CÓ EM LÀ VỢ / THẾ PHONG ( Đại Nam văn hiến, Saigon 1959).
-------
tiếp:
NGƯỠNG MỘ
Một người buột miệng hỏi han tôi
' Thần tượng hình như cách biệt rồi
Không tới thăm và không viếng hỏi
Chuyện buồn hay vẫn có tin vui ? !'
Nhủ thầm, tôi chán, chán làm sao
Cứ cúi mình đi chả dám chào
Đầu trĩu ưu tư sa xuống ngực
' Người ta vừa dạo khúc Ly tao '
Chưa tin Thần tượng bỏ ra đi
Từ chối tình yêu tuổi dậy thì
Tôi biết từ lâu tôi đã biết
Thiệt thòi đến cả lúc chia ly .
Tôi hong mắt ướt tự đêm qua
Mắt đỏ thời gian ướt lệ nhòa
Hình ảnh ngươi yêu xa diệu vợi
Buồn ơi, mộng gấm với mơ hoa
Người kia tán tỉnh bước theo chơi
' Thần tượng hình như cách biệt rồi ? '
Tôi đáp, mặc dầu tôi dối bụng
' Chúng tôi vẫn có những tin vui '
Vùng vằng tôi bước đã nhanh hơn
Phố nhỏ đèn rơi xuống vũng bùn
Bẩn thỉu con đường than hẩm phận
Hàng cây gầy guộc đứng chon von .
Tôi về phố muộn đợi chờ mưa
Nhặt nhạnh cô đơn tránh gió lùa
Ngọn trúc đầu hồi run rẩy khóc
Tủi hờn kỷ niệm lại phân bua .
( PHỐ MUỘN / CAO MỴ NHÂN )
Thật ra , chính tôi đã để mất rất nhiều cơ hội gần gũi nàng. Tâm tình của những lần đi chơi, chiều chuộng người yêu, bởi, đàn bà, con gái cần tình yêu lắm , tron đời họ sống vì nó. Và những pa-ra-sít của tinh yêu kia đối với tôi như là điều không cần thiết. Nhưng, với đàn bà, con gái luôn luôn vây chặt lấy họ. Một người đàn ông yêu ai, phải luôn miệng nói với đàn bà mình yêu; như vậy, phụ nữ mới tin cậy. Còn mối tình thật tha thiết đên đâu mà bề ngoài không tỏ lộ , tất nhiên ,họ sẽ cho mình không yêu cuồng nhiệt, thật tình ! Vậy thì, làm sao Cao Mỵ Nhân hiểu được, có lần , tặng nàng 1 chai nước hoa Chanel no 5, tôi mất bao nhiêu công lao; trong khi đó, nếu sẵn tiền, thì đâu có phải chuyện đáng nói. Hoặc, có lần nhớ nàng quá, tôi đến sân bay, đứng ở ngoài xa, trông về phía nhà nàng - đung là , sau giậu hoa tím kia , nàng đang ở đó. Tôi chờ cho trải hết độ nhớ thương nàng, rồi lủi thủi ra về. Không tiết lộ điều này với bất cứ ai, kể cả nàng.
Có 1 lần thì phải, găp cô Cao Mỹ * Nhân, chị ruột nàng cùng chồng chưa cưới gặp tôi đứng ngoài xa nhìn vào nhà nàng, sau đành thú thật : ghé vào phi trường, tiên thể qua đây, do dự, vì không biết cô Mỵ * có ở nhà không ? Thế thôi, hình như chị Mỹ Nhân không tin điều tôi thổ lộ, mà thực vậy, tôi và em của chị, nếu có duyên yêu nhau thì có mà duyên phận thì không. Không thể trách được hình như định mệnh an bài. Vậy những dòng chữ viết sau đây không có nghĩa là oán trách , hoặc viện lẽ gì, để cầu một cơ hội tốt nào khác xảy đến. Nếu có, sự đến về sau, chỉ là một tai họa cho cả hai thôi.
-----
* gia đình ông Cao Văn Phương đặt tên con cái hơi khác lạ Bởi, tên chính không ở cuối chữ mà ở giữa . Thí dụ, con gái lớn : Cao THI Nhân, tiếp Cao VĂN Nhân , Cao MỸ Nhân, Cao MỴ Nhân v. v ...
-----
Mỵ ơi, một chai Chanel no 5 kia đâu có giữ nổi hương thơm lâu dài cho mối tình cùa người . Lẽ, phải cần nhiều chai Chanel khác nữa, mà trong thời đoạn sống của tôi thì chưa bao giờ được lĩnh đồng lương 10 ngàn đồng / tháng - làm sao tình yêu chúng ta có thể bền vững đời đời ?
Đã có lần, tâm sự cùng một người đàn bà đã nói với tôi, cô ta không cần tiền. Đáp, nếu bữa ấy, tôi không sẵn tiền để phô cái hào hoa ra mắt, thì làm gì còn có cuộc gặp gỡ lần sau ? Nên , đồng tiền cũng là điều cần thiết đấy. Và tự đáy lòng , tự dạy dỗ bản thân, đừng chịu nhục vì đồng tiền mà quên nhân nghĩa !
Trong đời làm văn nghệ của tôi , rất nhiều bạn bè giúp đỡ . Nhà văn học Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn , hoặc các anh Nguyễn Minh Hiền ( Lữ Hồ ), Lê Xuân Khoa , Trịnh Hoài Đức , Phan Văn Thức ... và nhiều nhiều nữa. Mỗi lúc cần 1, 2, 3, 5 trăm, tôi thường viết giấy cho người cầm lại nhà anh Nguyễn Minh Hiền. Không phải chì 1 lần. Nhiều lần không kể xiết ," thằng bạn " gốc Huế ( dân Huế khó chơi ) chỉ dạy việt văn thôi , tiếng nổi như cồn, mở nhiêu " cua" ( cours particuler ) giàu ú xụ. Còn Nguyễn Hiến Lê, vay một số tiền và gán một số sách văn học quí hiếm trừ nợ . Thì tôi mới có tiền in sách rô-nê-ô : Fredrich Nietzsche & Chủ nghĩa đi lên con người , Người thương binh Liên khu ... v.v....Hoặc, nhà in rô-nê-ô Kỳ Đồng ( đường Kỳ Đồng, Saigon 3 ) còn là ân nhân của nhà xuất bản in rô-nê-ô Sùng Chính viện * và Đại Nam văn hiến. Trước ngày đảo chính những năm 11 / 11/ 1960 và 1/ 11 /1963, gia đình họ Ngô, chủ nhà in Kỳ Đồng, in sách cho chúng tôi , biết
" in lậu " là nguy hiểm " , nhưng họ không ngại ; đó là các anh Ngô Văn Ân, Ngô văn Á, các cô Ngô Thị Mỹ, Ngô Thị Nga , gốc người Nha Trang : " ...chúng tôi cũng là họ Ngô, nhưng nhất định không là Ngô - Đình rồi ... ( ý nói Diệm, Nhu, Cẩn v.v...)
------
* Uyên Thao chủ trương.
------ Họ cũng là tín hữu Công giáo, đồng đạo, khác chính kiến với họ Ngô- gia -đình- trị. Một số sách Sùng Chính viện in tại đây, như : Mây Hànội, thơ Nhị Thu, Vô cùng, thơ Đào Minh Lượng, Sai biệt, thơ Thế Phong v.v. .. chưa trả hết tiền nợ . Những món nợ đối với chủ nhân mà họ nghèo túng hơn chúng tôi .
Ngô Văn Ân , anh cả trong gia đình, từng theo học Trung học Yersin Đà Lạt, hiểu được văn chương chúng tôi và mến thương các tác giả nghèo yêu văn chương muốn có sách in ra. Ngô Văn Á , em trai Ân rất tài hoa, có hoa tay, trình bày ấn loát thật công phu những cuốn thơ , anh đã thực hiện in nền thơ thật tinh xảo , qua bức họa của Vị Ý. Nay Ngô Văn Á không còn nữa, anh ta chết trận ở Cần Thơ, một tân binh quân dịch từng được hưởng lương 120 đồng / tháng của trào Ngô Đình Diệm.
Còn cô Ngô Thị Mỹ chẳng hiểu cuộc đời ra sao, đời chồng vợ thế nào ? Đã có lần, một thi sĩ trẻ , Nguyễn Đức Sơn , cùng tôi đến nhà in rô-nê-ô Kỳ Đồng, bạn ấy phát biểu :
" ... hình như cô Mỹ có cảm tình với anh, thôi cưới quách cô ta đi, rồi vợ chồng cùng khuếch trương nhà xuất bản Đại Nam văn hiến lẫy lừng hơn nữa . Chồng viết, lựa bản thảo in; còn vợ đánh máy stăng-xin và điều khiển máy Gestenet ... ".
chuyện bông phèng của Sao Trên Rừng chỉ bông phèng cho vui thôi, và cùng lúc ấy, chủ nhiệm tạp chi bán nguyệt san Sống lên làm Bộ trưởng Công dân vụ , và chủ soái Đàm trường viễn kiến Nguyễn Đức Quỳnh làm cố vấn bộ trưởng. Một số anh em viết báo xưa kia được tuyển dụng vào làm công chức khế ước . Uyên Thao và họa sĩ Nguyễn Trung đi làm phát thanh, Duy Sinh , công cán ủy viên bộ Công dân vụ, họa sĩ Vị Ý và tôi làm dưới quyền giám đốc huấn luyện Lưu Hùng ( chàng này từng chủ bút tạp chí Sống ).
Tôi và họa sĩ Vị Ý làm giám học chính trị Khóa cán bộ Công dân vụ đầu tiên vào năm 1960, hứa được trả lương bổng khá, tuy chưa được lãnh , nhưng tôi hy vọng sẽ trả được nợ sách in rô-nê-ô. Nhưng thực tê, Bộ Công dân vụ chỉ tạm ứng 2000 đồng / tháng, nên việc hứa trả nợ nhà in rô-nê-ô Kỳ Đồng trở thành ảo vọng. Cô Ngô Thị Mỹ nói đùa, bây giờ tôi là công chức, giàu rồi , nhưng đừng quên tới thăm người xưa, cảnh cũ nhé. Sự hoài nghi + ngờ vực của tôi đối với một việc mà ít ai hoài nghi, không chỉ 1 lần thôi đâu, là, Bộ hẹn lần lữa , chưa được Bộ Tài chính duyệt, nên lương tạm ứng 2000 đống . Trong hạn kỳ 6 tháng làm công chức kia, bao nhiêu chuyện đáng nói đấy, song những dòng chữ tiếp , tôi vẫn dành nói về Cao Mỵ Nhân.
Nhớ lại những ngày vào giữa năm 1960, tôi sống bằng tiền được trả từ nhiều bài báo đăng trên bán nguyệt san Sống. Đêm về, chúng tôi ngồi túm tụm với nhau đánh chắn gom 2 chục đồng . Ban ngày, tôi đọc truyện L' Amour de Rien / Jacques Perry * .Phải thành thật nói ra điều này, truyện này gân với tôi nhất vào thời kỳ đó, vì, chưa bao giờ đọc cuốn nào hay tới 3 lần- nhưng tác giả Jacques Perry đã dành cho tôi điều này. Chỉ cảm thông với mối tình Martine Sandy tự vẫn, để thực hiện trót lọt điều này, nàng phải dự trù tới 3 năm. Khi qua đời, nhân vật chính kia đã là triệu phú , vẫn không tìm thấy nghĩa lý để tiếp tục sống. Nhân vật từng trải qua nhiều nghề: đi lính, buôn tranh lậu v.v... nói chung, quá từng trải sự đời và đã sống như gần hết chân lý đời sống. Tác giả lên án phi lý hiện sinh tiểu thuyết gia Jean-Paul Sartre, cho rằng Sartre chưa chịu sống cạn mọi khía cạnh nghĩa lý đời sống, sao vội gọi là hiện sinh cho được ?!
-----
* Jacques Perry & thế nào là phi lý / Thế Phong - Đại Nam văn hiến xuất bản, Saigon 1962.
-----
Giai đoạn này, tôi còn sống nhờ bắng nghề cung cấp sách rô-nê-ô cho chủ thầu bán sách cũ người Trung hoa trên đường Cao Thắng ( Saigon 3). Tôi đã có câu nói vui :" ...Tây in sách, Việtnam chứa sách, Tàu tha hương bán sách ..." Ông Vinh, chủ nhà sách Đại Hưng rất khôn ngoan, biết được sách hay; chẳng hạn cuốn Nhà văn hậu chiên 1950- 1956 và Nhà văn tiền chiến 1930-1945 * của tôi ban cho ông 30 đồng cuốn, ông Vinh lời 30 đồng khi bán ra. Vậy là ông Tàu tha hương lãi gấp đội, còn tôi, có tiền sống qua ngày. Ngoài ra, ông còn bán sách tây cũ hiếm ,quí, với giá đắt kinh khủng ! Một điều lạ lùng, ông ta không giỏi tiếng việt, tiếng tây; nhưng biết sách nào giá trị, quý hiếm thì không bán rẻ.
-----
* - trong bộ phê bình văn học Lược sử văn nghệ Việtnam 1900-1956 / Thế Phong - Nhà xuất bản Đại Ngã loan tin sẽ tái bản toàn bộ.
- thực tế, bộ sách này chỉ có 2 tập tái bản:
tập 4: Tổng luận 60 năm văn nghệ Việtnam 1900-1956 do Tủ sách Đại Nam văn hiến tái bản, Saigon 1965.
tập 1 : Nhà văn tiền chiến 1930 - 1945 , Vàng son tái bản, Saigon 1974.
------
Ngày đảo chính đầu tiên vào năm 1960 thật sôi động. Dân chúng chen nhau ra phố chen nhau để xem giao tranh giữa phe quân đội đảo chính và chính phủ Diệm. Không sợ đạn lạc, có người tò mò còn trèo lên cây, để nhìn vào Phủ tổng thống. Và, chiếm được chỗ xem đắc địa, xem xong, lại đòi bán lại 3, 4 chục đồng chỗ cho người khác . Được nghe một anh bán chỗ đó kể lại, lúc anh trèo lên nhìn khoái quá, anh ta reo hò, khiến người ở dưới đất bèn mua lại chổ . Anh bạn mua lai chỗ xem giao tranh chưa bao lâu, bỗng, mộtị viên đạn lạc vô tình bắn xuyên qua họng - thì, anh bán lại tiếp tục lấy chỗ lại. Có người còn reo hò, đòi bắt sống " con mẹ Nhu, lột quần áo nó ra, nhổ hết lông l... đi ". Thật hào hứng , sau khi đảo chính thất bại, nhiều người bị bắt vì liên lụy hoan hô đảo chính. Một cảnh sát viên đang gác chợ Bà Chiểu , nghe tin đảo chính, anh ta vội trèo lên hông chợ, gỡ hình Ngô tổng thống xuống, lấy chân đạp lên mặt, hoan hô " đảo chính muôn năm". Sau đó, anh ta bị An ninh bắt, lôt lon, đi tù , có thê bị thủ tiêu chưa chừng ?
Buổi sáng thứ bảy, ngày 12 tháng 11 năm 1960, chúng tôi ở hẻm 528 /.../ ...Trương Minh Giảng chứng kiến gia đình ông trung úy ở sát nách nghe tin đảo chính ông Diệm. Quá vui , ông ta hạ khung ảnh tổng thống treo trên tường xuống xé bỏ ném ra đầu nhà, miệng hoan hô " đảo chính muôn năm ". Rồi khi" đảo chính nằm xuống rồi ", ông ta thở dài chán nản, xin lại một tấm ảnh Ngô tổng thống lồng kính treo lên tường. Từ hôm ấy, chúng tôi thấy ông đi làm về muộn, hay tránh mặt mọi người; nhưng được xóm này đa số thù ghét chế độ Diệm, nên ông trung úy được sống yên ổn. Cũng như chúng tôi sống yên ổn , vì, một số bạn hữu là sĩ quan, không biệt động cũng nhảy dù, hoặc bộ binh thường đến nhà chơi, nên đó là một bảo chứng vững chắc.
Hồi ấy, Đào Minh Lượng * đã là thẩm phán , anh ta thường đến chơi với tôi luôn, vì cô em nuôi Uyên Thao là Trâm, một cô gái thật xinh đẹp. Trâm từng bỏ nhà đi một thời gian, vì đam mê diễn viên điện ảnh ; nhưng cũng may, sau đó ít lâu biết trở về nhà làm lại cuộc đời. Nguyễn Tường Bá hay lại thăm em Trâm, bề ngoài, luật sư lấy cơ thăm Uyên Thao. Còn Đào Minh Lượng lấy cớ thăm tôi và những bạn bè đàn ông khác thì nói tới thăm hai thằng. Chung qui là đến thăm môt người mà lại thăm một người, kể ra một gia đình có cô gái xinh đẹp là điều may mắn, vừa vui mắt, kẻ vào người ra tấp nập. Khách cuối cùng được lòng Trâm là một chú Sam gốc Ý.
-----
* sau 30 - 4- 1975, Đào Minh Lượng định cư ỏ Huê Kỳ ( San Diego) làm việc trong một cơ sở y tế, ít giao thiệp , thu mình sống ẩn dật. Khi Nguyễn Mạnh Cường ở Bolsa gửi tới tôi một " disk ", tập truyện viết bằng anh ngữ: THE CASE / LUONG MINH DAO, hiện, tôi đang cho " post " trên web" THEPHONG 'S POEMS ".
( Chú thích sau, March, 2013 - TP. ).
Bà mẹ nuôi của chúng tôi rất tần tảo, tuy có bữa không còn lấy một hột gạo, nhưng bề ngoài chẳng ai hay. Tôi thì quá quen thuộc với đói, khổ; nhưng mỗi khi nhìn thấy Trâm nhăn mặt, tôi cảm thấy đau lòng, ấy chỉ là một đứa em gái " vu vơ" , chứ nếu là tình nhân mà nhăn mặt kêu đói, hẳn tôi có thể đổi mạng để có gạo, có tiền. Trước khi về đây tá túc, tôi đã lao đao với cuộc sống biết bao ngày, nhớ lại những ngày ở xóm đạo Bắc Hà và thời gian ra Thư viện quốc gia đọc ròng rã cả năm trời, nhờ ông tòa Lượng chia sớt hàng ngày mấy chục bạc . Mỗi lần chúng tôi từ biệt nhau ở một quán cà phê nào đó, hoặc, tôi đọc sách ở thư viện, hoặc ông tòa Lượng đến tìm, giốc túi đưa bạn sô tiền còn lại, để bạn ăn cơm lao đông. Có bữa, cả hai cùng kẹt, Lượng rủ tôi về nhà anh ăn cơm.
Tôi không thể quên nhiều bữa cơn ăn ở gia đinh này trên đường Nguyễn Cảnh Chân
( Saigon 1 ) , nhất là bà cụ thân sinh ra Lượng quí tôi như con. Một chuyện nhỏ xảy ra trong gia đình cần suy nghĩ, giải quyết, bà cụ đưa ra hỏi ý kiến tôi. Như một lần, có một người tới dạm hỏi cô Liên, bà hỏi tôi có biết lý lịch , gia cảnh ông giáo sư tư thục kia không - mà làm sao tôi biết được . Nhưng bà cụ lại bảo rằng :
"... cậu Phong ạ, Lượng nó quí cậu lắm. Và tôi cũng vậy, dầu hoàn cảnh cậu nghèo, nên nó bảo tôi thế này " mợ tưởng nó không có bằng bối như con mà nó dốt sao ? Khi con đang học luật năm thứ 1 , con đã mua quyển" Muốn hiểu chính trị " * của nó để tham khảo đấy. Tôi muốn rằng cậu xem ai khá, giới thiệu cho con Liên, rồi ra, cậu và em Lượng và tôi sẽ gần nhau như người một nhà ... "
-----
* Muốn hiểu chính trị / Thế Phong / Hà Việt Phương viết tựa - Nhà xuất bản Thế giới, Saigon 1955).
-------
đó là một bà mẹ duy nhất mà tôi kính trọng, yêu quí như mẹ tôi xưa kia vậy.
Ở hẻm 528 / ... /... Trương Minh Giảng này có một cô hàng xóm tên Châu, một người đàn bà lỡ tuổi lập gia đình, xưa kia nhà giàu có nhất nhì ở Hải Phòng. Cô ta hay kén cá chọn canh nhiều lần nên bây giờ dang dở tuổi xuân. Khi tôi tới đây, hình như có cảm tình , nhìn tôi qua biệt nhãn. Từ Uyên Thao hay bè bạn chúng tôi, cô gọi họ bằng" cậu" tuồn tuột; riêng với tôi cô thường gọi bằng " anh". Những chiều đánh chắn chung vốn, nhiều lần trò chuyện, tôi rất cảm phục cô ta, nhất là cô cho tôi xem tấm ảnh thời xuân sắc thật bắt mắt, kèm lời bình: .." với anh, tôi mới cho xem đấy nhé ". Cô ta rất sùng đạo Phật, thường hay đi lễ chùa vào ngày rằm, mùng một, riêng tôi , thì chẳng còn lòng dạ đâu đáp lại. Khi dọn nhà, cô mua tặng tôi 1 chục trái na ( mãng cầu ) , những trái mãng cầu của một người đàn bà giỏi chợ búa, bếp nước , tôi nhớ mãi !
Có một lần, Cao Mỵ Nhân tới đây chơi, cô ta đã nghi ngờ, rằng tôi có tình ý với Trâm. Nàng tỏ vẻ buồn bực, tôi phải giải thích, Trâm là bạn gái luật sư Nguyễn Tường Bá, chứ đừng nghi oan như vậy. Thực ra, Trâm đối với tôi như cô em gái, còn nàng, xem tôi như anh trai nàng, Phó Minh Long. Một người con gái đẹp như thế, cảm tưởng Cao Mỵ Nhân nghi kỵ ,hẳn chẳng có gì ngạc nhiên cả. Như lần tôi đưa Trâm đi xem xi- nê, anh em văn nghệ bắt gặp, họ đã xì xào với nhau nhìn chúng tôi ở ngoài phố rồi. Ít lâu sau , Trâm lên máy bay theo chồng, một chú Sam gốc Ý bảnh trai rủng rỉnh đô la.
Với tôi, đây lần đầu tiên tránh được đàn bà cám dỗ. Cũng như lần ở hẻm 359 / 15 Trương Minh Giảng, gần rạp hát Minh Châu, tôi đã không dám nhấn mạnh một đường tơ với T..., vợ một người bạn văn đã giới thiệu tôi thuê một gác nhỏ sát cạnh nhà anh. Nhiều lần gặp gỡ vợ anh và tôi có nhiều cơ hội tốt đẹp. Sau khi thoát được, tôi viết được một truyên ngắn có tựa " Đêm dài tình ái " *. Những ngày tôi ở đây tránh được chuyện tình với T... thật là chuyện hãn hữu, và tôi nghiệm rằng, lần này nguy hiểm hơn các lần khác nhiều . Tôi cho đó, là " lần đầu trong sự vô cùng hiểm nghèo , và thời gian ở trọ tại đây khoảng chứng 1 năm rưỡi". Trong đời tôi, những " gút-mắc " , yếu tô gây tại hại nhất vẫn từ động cơ đàn bà mà đến. Phải trả giá kinh nghiệm đớn đau, nhục nhã nhiều lần vẫn không chêt, mới thấy rằng, cổ nhân nói đúng " tình là giây oan ". Những oan nghiệt tình ái thật nguy hiểm, biết vậy, sao vẫn lao đầu vào như thiêu thân phóng vào ánh sáng đèn . Còn đọc sách mua kinh nghiệm, nhờ cậy nơi kẻ khác chưa là một bằng chứng chắc chắn cho bản thân.
Ngày đảo chính đầu tiên đó , tôi còn gặp Nguyễn Hoạt, ký giả nhà văn này viết cho nhật báo Tự do, thường hay lại chơi với một người bạn của anh ở cùng trong xóm tôi. Anh Hoạt rất ghét chế đô Ngô-Đình, nhưng không thể không cộng tác với Phạm Việt Tuyền, người của mật vụ Trần Kim Tuyến ,vì sợ đói, sợ thiếu" cơm đen" (thuốc phiện ). Không có căm thù lớn, đành phải dồn căm hờn nhỏ vào mục " Nói hay đừng" chửi xỏ xiên, một lối chửi " đòn xóc 2 đầu" ( symbole équivoque ). Thứ nhất, chửi xỏ xiên , cách giải độc cho chính bản thân anh, thứ hai, đối với chính quyền cần như vậy để làm một thứ xả soupape de sure^té.
Anh bảo tôi , cách mạng đang phá tan triều đình nhà Ngô " chúng nó chết đến nơi
rồi ". Qua ngày sau, đảo chính thất bại, tôi không còn gặp lại anh nữa. Suy ngẫm ra, một người như anh, đâu đó hơn tôi một giáp tuổi ,mà con mắc nhiều sơ hở quá! Con rắn cắn chết người không kêu to, con hoãng kêu to chẳng cắn chết được ai ? Thảng, có thể anh chỉ tỏ lộ với tôi, người tin được, và tôi là kẻ cho anh xả những căm hờn uất ức từ lâu.
Cũng chưa biết chừng, đúng vậy đấy !
( còn tiếp: chương 5 )
thế phong
------
* trong tập truyện " Con chó liêm sỉ " ( Đại Nam văn hiến, Saigon 1963). năm 1964, nhà xuất bản Trình bầy / Thế Nguyên chủ trương, tái bản dưới tựa truyện" Khu rác ngoại thành ( lược bỏ 2 truyện " Con chó liêm sỉ " và " Nôi nuôi mình vợ chồng Tàu ".)
- năm 2006, nhà xuất bản Thanh Niên, trưởng chi nhánh Thái Thăng Long tại tp HCM cấp phép tái
bản , nhà sách Thành Nghĩa in ấn, phát hành " Khu rác ngoại thành / The Rubbish Tip outside the City & other stories", Đàm Xuân Cận chuyển dịch anh ngữ , in lại đầy đủ 5 truyện theo bản in của Đại Nam văn hiến xuất bản lần đầu.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ