nhà văn tác phẩm cuộc đời / thế phong - 11
nhà văn tác phẩm cuộc đời 11
tự-sự-kể : thế phong
4
Thời kỳ này, tôi và Uyên Thao bàn nhau ra thêm một nhà xuất bản in rô-nê-ô nữa, in những tác phẩm thật gay gắt lên án tình hình chính, xã hội chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Bắt đầu là tập thơ của Nhị Thu " Mây Hànội " * , tập thơ thứ 2 " Thiết tha " * của Bùi Khải Nguyên . Tâp thơ này gồm những bài lên án chinh quyền thật dữ dội và nung nấu tinh thần cách mạng, kêu gọi xuống đường. Tập thứ ba là " Vô cùng " * / Đào Minh Lượng, luc ấy, vừa được nhập ngạch thẩm phán . Ông thân sinh ra Lượng xanh mặt, vì ông tòa mà in thơ rô-nê-ô, lại không kiểm duyệt, rồi sẽ ra sao ? Ấy là, tôi chưa cho ông biết vụ Bùi Khải Nguyên với tập thơ Thiết
-------
* Sùng chính viện xuất bản, Saigon, 1959- 1960 .
------
tha sau khi xuất bản, hứng chịu biết bao hậu quả. Hậu quả xứng đáng nhất : trung úy
Bùi Bình Hiếu ( tên thật ) đang làm tại Ủy hội quốc tế đình chiến bị thuyên chuyển ra sư đoàn tác chiến. Thi sĩ dặn vợ ráng nuôi con:" cuộc đời của anh coi như không còn ". Hậu quả
thứ 2, Nhị Thu đem 2 tác phẩm kia về bầy tại một hiệu sách ở Rạch Giá ( tỉnh Kiên Giang ) thì tỉnh đoàn trưởng Công dân vụ *, bạn chung chung tôi, bị liên lụy. Đợi cho đến khi tập sách Lược khảo về thơ * / Uyên Thao in ở dưới ấy, họ báo cáo về Bộ, thế là tỉnh đoàn trưởng Công dân vụ bị mất việc. Tiếp, Tổng nha cảnh sát quốc gia mời Uyên Thao và quản lý Trịnh Đình Thắng ra công an để trả lời vụ in sách rô-nê-ô không giấy phép. Sau, Phan Lạc Tuyên
--------
* ông Nguyễn Ngọc Lương, nay là thư ký tòa soạn báo anh ngữ " Saigon Daily News " ở Saigon.
----------
viết trên báo Trung lập ở Cao Miên ( Campuchia ) có nhắc tới vụ này vào 1961 , và đại úy thi sĩ kiai chỉ biết công an gọi một mình tôi thôi.
Tập thơ thứ 4: Sai biệt của tôi , lên án bất công , sai biệt trong xã hội chế độ gia-đình-trị Ngô Đình Diệm, đồng thời phỉ nhổ vào mặt một bọn văn nô còng lưng gánh chế độ. Nhửng bài như Hạ nhân , Gửi, đều mang ý tưởng khinh khi bọn họ : Hoàng Trọng Miên, Nguyên Sa, Mặc Đỗ, Đỗ Tấn, Nguyễn Văn Trung v. v. ...
Trường hợp giáo sư Nguyễn Văn Trung phần sau sẽ bàn tới, lúc đầu, tôi nghĩ về ông ta như vậy - ấy là lần được biết tin ông ta báo cáo về tôi - tên phá hoại nền văn hóa, văn nghệ miền Nam, đúng lúc tôi lên án Hoàng Trọng Miên đạo văn , bưng nguyên con, sách Nguyễn Đổng Chi vào Việtnam văn học toàn thư . Giáo sư Nguyễn Văn Trung bị mất chức khoa trưởng Văn khoa ở Huế ( quan hệ bất chính với phu nhân giáo sư Lê Hữu Mục ), ông Trung vào Saigon bắt đầu làm lại cuộc đời . Từ cảm hứng ấy, trong bài Hạ nhân, có những câu :
Khi vợ đẹp nệm giường còn chồng chất lên đầu cổ
khi làn tóc mượt, gìày bóng còn đeo trên hình hài
khi trí oc còn ám ảnh trong tâm kẻ đánh thuê
dầu chúng nó co trải gấm ngồi vẫn là đầy tớ ...
và trong bài Gửi ấy , tôi mang đối tượng ám chỉ giáo sư Trung :
. ... Tôi có con, thiếu vợ, mỗi chiều tối lên đèn
nên rất nuông chiều con hàng xóm bơ vơ
tôi thương yêu chúng và nói cùng ngôn ngữ
anh hiểu rằng sao tôi từ chồi xiết tay anh ?
Vợ tôi bỏ nhà về thăm giữa đêm khuya mưa
áo rách xả vai gầy, tóc xõa gái liêu trai rời mộ
ba lần vượt giây thép gai, lính gác, tường cao
ôm lấy tôi và dặn : đừng tiếp anh làm bạn
( ...)
dù các anh tự xưng mang đời sống triết nhân
vẫn chỉ là hiện thân nguyên hinh chỉ điểm
mang phù hiệu tên rao bán thuốc lậu
nơi bên tàu, nhà ga, xe lửa tốc hành ...
Anh thôi không còn hỏi tại sao tôi từ chối
làm bạn và chung ngôn ngữ với anh
là người
nhưng chúng ta thờ ơ xa lạ
chung một đường
mà anh đã bỏ rẽ ngang ,
Trở lại cảm hứng có bài Hạ nhân, là sau một buổi đi chơi tới với Cung Trầm Tưởng. Anh ta bảo tôi, đại để : " chúng nó ( Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Hoàng Trọng Miên ... ) tức tối tôi ghê lắm mà tao ( Cung Trầm Tưởng ) lại bênh vực mày ". Lúc đó, Cung Thúc Cần ( tên thật ), sĩ quan Không quân được biệt phái về làm tham vụ báo chí phủ Tổng thống . Dầu sao, Cung Thúc Cần cũng đứng hàng đầu trong những người khá nhất trong bọn văn công - hơn nữa - anh ta là thi sĩ, có tài làm thơ trữ tình, không làm hại anh em văn nghệ, biết chửi những tên văn công bẩn thỉu, đại loại, văn sĩ luật sư Nguyễn Hữu Thống bút hiệu Nhuệ Hồng. Những tên này, nếu nói thương anh em chỉ là có trên môi mép, qui trọng anh em, nhưng phải có lợi cho mình
trước đã.
Có một lần, tôi và Cung Thúc Cần đã bàn với nhau rằng ; hai chúng tôi thuê 1 chiếc xích lô lên Catinat, rồi vào Givral ( quán trải bàn ăn, có hàng chữ: un régal sans égal, c'est Givral) uống cà phê, chửi toáng lên, tất nhiên chửi chế độ no ấm , phồn vinh giả tạo của Ngô tổng thống. Phóng viên báo chí phương tây tụ tập ở quán này sẽ đăng tin, chụp ảnh ,đưa lên báo, hẳn sẽ gây một tiếng vang quốc tế.
Nhưng ít lâu sau, Cung Thúc Cần bỏ qua ý định kia, cấp trên đâu có cho phép một ông tham vụ làm như vậy ? Nhà văn Nhật Tiến cũng biết chuyện này, chẳng hiểu ai đã kể lại, nhưng đúng là một giai thoại chưa thành hình mà cả làng đều hay biết. Nhưng riêng tôi nghĩ, ch ỉ" tếu" vậy thôi, nếu việc làm thực hiện thật, hẳn tôi chẳng kể cho ai biết, trừ người sống chết với mình. Nên, trên bìa sách in ty-pô cho ruột rô-nê-ô, mà trên Thông tin còn chẳng tìm được in ở chỗ nào, huống gì chuyện khác ?
Còn tay hiệu trưởng-thi sĩ Nguyên Sa- Trần Bích Lan , một lần tôi gặp anh ta ở tòa soạn Sáng tạo. Anh ta bảo tôi rằng làm thơ có phải tra từ điển Pháp không ? Trả lời, vậy anh tưởng thơ anh hay lắm sao ? Tôi vẫn tường bảo anh em như thế` này : "... Con ông Trần Văn Chi mà làm thơ được như thế` là hay lắm rồi ! Đừng đòi hỏi gì hơn nữa ?" Ý tôi muốn nói, con nhà bán vé chợ Hà Đông bây giờ cũng đòi lên măt trưởng giả sao , khinh giai c61p của họ sao ? Nghe tơi đây, Nguyên Sa nổi giận đùng đùng,, với cái quá khứ gia đình của anh ta từ Hà Đông, đến buôn xe ở đường Gia Long Hànội, khiến anh định gây sự bằng võ lực. Tôi cười, rồi khuyên răn, ngụ ý dạy khôn anh ta đừng dại thế. Anh ta tức giận . mặt đỏ gay, khoe từng học võ tàu, noi xong câu đó , anh ta đi vào giường Mai Thảo nằm.
Đi cùng với tôi bữa ấy có Phạm Văn Rao *, sinh viên Đại học sư phạm, chuyện này được loan đi khắp trong giới sinh viên . Nguyên Sa- Trần Bích Lan khi ấy dạy triết lớp đệ nhất trường Chu Văn An, hình như tiết dạy nào, anh ta cũng nhắc tên tôi và mạt sát thậm tệ. Một học sinh cũ của Trần Bích Lan , nay đang tập sự luật sư ** tức tối thay tôi về học lại cho nghe và đòi tôi phải tìm cách đối phó. Đáp, phải cảm ơn Nguyên Sa, chứ, nếu tôi có tiền, thuê anh
--------
* thi sĩ Diễm Châu bây giờ .
** luật sư Khuất Duy Trác còn là ca sĩ Duy Trác.
------
ta 10.000 đồng / tháng chẳng hạn; chắc gì anh khen thực lòng và có hiệu lực , bằng chẳng mất đồng nào, để anh ta tự nguyện chửi bới tôi một cách rất thực lòng.
Một buổi tối, tôi đi xem phim có tài từ Gregory Peck và Win Win Than, nữ diễn viên Miến điện ( Burma ) đóng trong 1 phim chiến tranh về,i tạt vào quán cà-phê Thiên Thai trên đường Lê Lợi, lại gặp anh ta . Giáo sư Trần Bích Lan đi sang bàn tôi, nhắc lại câu chuyện ở báo Sáng tạo. Trả lời , vụ ấy tôi đã không còn nghĩ tới từ lâu rồi, thật sự vậy , chẳng cứ gì đối với riêng anh, bởi, ít khi tôi để tâm thù ai lâu, nhiều chuyện lớn còn phải quên đi mới sống nổi trong xã hội này, hàng giờ làm cho con người già khằng,. xoắn teo tóp lại. Giả thử, đối thủ còn để tâm trả thù, tội sẽ có cách đối phó, có phải chết chăng nữa thì đời người chỉ chết một lần thôi. Sống trung thực, làm điều mình thích, không thành kiến, ẩn ý; như vậy, tôi sẽ ít bè bạn, tìm sự cô đơn như chim họa mi cô đơn anh hùng hót trên khoảng trời cao vút cho chính nó nghe .
Tôi là nhà văn được dư luận văn giới xì xầm nhiều nhất, biết bao légendes và anecdotes về tôi; mỗi khi được nghe kể lại chính tôi cũng ngỡ ngàng không ít ! Nhưng rồi cho đó là một cái thú.
Câu chuyện về cựu tổng trưởng thông tin Phạm Xuân Thái nhận tiền của bác sĩ Lý Trung Dung, mở Câu lạc bộ văn hóa trên đường Tự Do vào khoảng năm 1960, ngay đêm khai mạc xảy ra một chuyện làm náo động - do tôi khơi mào - sau này tuần báo Văn nghệ tiền phong i đăng tin chế riễu tôi. Chẳng là vào 1954- 55, ông Thái khi làm tổng trưởng thông tin, tôi là
ủy viên báo chí của ổng. Vậy thì chúng tôi quen biết nhau lâu rồi, ông thái còn lạ gì tôi ? Năm trước đó, dịp Giáng sinh 1959, ông Lý Trung Dung có làm tiệc thết văn nghệ sĩ, báo chí ở trong một biệt thự ở ngã tư đường Lê Văn Duyệt + Phan Thanh Giản ( Saigon 3 ). Bác sĩ Lý Trung Dung bắt đầu vào nghề làm chính trị, được chính phủ Diệm o bế, ông ta đang nhằm chức tổng trưởng thông tin, thì phải ?
Hồi ấy, t6i và giáo sư Lê Xuân Khoa thay mặt tạp chí Văn hóa Á châu tới tham dự. Ăn mặc xuềnh xoàng, áo sơ mi, quần vải dracon xanh, tôi không ngồi chung bàn với Lê Xuân Khoa, lại sang bàn văn nghệ sĩ trẻ : nhà báo Lý Đại Nguyên, Uyên Thao ... , đến phút mở rượu xâm-banh Moet Chandon, cậu bồi bàn thấy chúng tôi trẻ tuổi, không có gì là đại quan cả, coi thường. Đã không có ly dành riêng uống xâm-banh đã đành rồi, cả không bánh bích-quy Lu như mọi bàn khác, thấy vậy, tôi gọi cậu bồi bàn - đòi hỏi những thứ như các bàn tiệc khác được hưởng - thì cậu lờ tịt. Hối thúc tới lần thứ 3, cậu bồi bàn tỏ vẻ khó chịu, tôi bảo cậu làm ơn hãy mời chủ nhân bữa tiệc cho tôi thưa chuyện. Chủ tiệc , bác sĩ Lý Trung Dung, người của tổng thống, lại rất thân cận " đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân " , suýt được bổ nhiệm làm tổng trưởng; nếu, không có tai nạn , hàng trăm người chết trện cầu Thị Nghè , khi tổ chức hội chợ . Cậu bồi luống cuống báo tin cho chủ tiệc, ông Dung không lạ gì tôi ( xưa kia ở trường trung học Phan Đình Phùng Hànội, ông ta dạy học , giảng câu văn tiếng tây sai, chúng tôi đứng ngoài nghe, cười ồ làm " cậu sinh viên Y khoa" mất mặt . Anh ruột ông ta, giáo sư Lý Văn Hoằng đưa chúng tôi ra Hội dồng Kỷ luật, nhờ hiệu trưởng Bùi QuangTời và giáo sư dạy anh văn Bùi Ý can thiệp, chúng tôi được tha ) nhờ Phạm Xuân Thái thay mặt đến ngoại giao. Nụ cười luộn luôn nở trên môi ông Thái , có từ khi gặp, cũng như khi ông đang tại chức tổng trưởng thông tin, nụ cười mở đầu cũng là kết thúc cho bất cứ câu chuyện nào. Cái tài" ngoại giao'" chủ quán xưa kia biến mất rồi ư ?
Khi ông Thái tới, thì đã quá muộn, tôi đã dùng xâm-banh cổ trắng để rửa tay, rồi lần lượt tới các nhà báo Uyên Thao, Lý Đại Nguyên và những nhà báo khác làm theo. Chẳng còn thực khách nào có mặt tại bàn dám uống nữa. Ông Phạm Xuân Thái xin lỗi chúng tôi, thay cho chủ nhân .
Năm ấy, chúng tôi ăn lễ Giáng sinh bằng bữa tiệc thật trọng đại, rửa tay bằng Moet Chandon của chủ tiệc, bác sĩ Lý Trung Dung. sau đó, chúng tôi trở về nhà bà mẹ nuôi của Uyên Thao ăn cháo gà, xôi hoa cau.
Bấy giờ ông Phạm Xuân Thái đi với Lý Trung Dung, chắc hẳn để nhận tiền bao thấu mở Câu lạc bộ văn hóa, nơi danh riêng cho ký giả, văn nhân. Nào có khác gì kiến trúc sư Võ Đức Diên mở quán ăn Anh Vũ đâu ? Xung quanh ông Diên có nhạc sĩ Phạm Duy chẳng hạn, trước hết để đánh át đi cái không khí mật vụ bao trùm - vì ông Diên tổ chức quán kia là để dò đường đi, lối tới của sinh viên và văn nghệ sĩ. Xem rằng, chúng nó ( sinh viên, học sinh, ký giả, văn nghệ sĩ ) dự tính làm loạn, thì báo cáo ngay cho ông cố vấn chính tri Ngô Đình Nhu . Thêm nữa, ông Diên lại xuất bản một tờ báo, mà kẻ bao thầu văn chương là Lê Văn Siêu. Tôi có thảo luận với chủ soái Đàm trường viễn kiến Nguyễn Đức Quỳnh về đôi việc làm bỉ ổi của Siêu: ăn chặn tiền bài, cùng nhiều mánh khóe làm tiền khác; thì, ông Quỳnh cho biết: Lê Văn Siêu và Võ Đức Diên có đến mời cộng tác, nhưng ông ta từ chối. Tôi rất phục ông Quỳnh sáng suốt, biết rằng nếu ông ta có tham dự cùng với Lê Văn Siêu ( nhóm HànThuyên tiền chiến cũ ) và Võ Đức Diên, thì sự dây máu ăn phần, đã không có miếng lại làm ông mất tiếng tăm . Từ đó, tôi đã khinh Siêu ra mặt. Đến ngày chủ báo Võ Đức Diên mất, bà vơ ông Quỳnh sửa soạn đi đưa tang,gặp tôi đến chơi, bà hỏi, có đi đưa tang ông Diên không ? Thì tôi trả lời một cách không thương sót, quen chẳng quen, kính trọng thì tiếc là không; chẳng lẽ, tôi lại đi đưa tang một tên côn đồ dây máu mật vụ văn nghệ mặc quần áo đen sao ? Hình như bà Quỳnh buồn về câu nói ấy, bèn, đánh lảng sang chuyện khác, đại để ông chủ báo kiêm kiến trúc sư Võ Đức Diên có cô con gái xinh lắm ! Thế là một chuỗi cười hòa cả làng chấm dứt câu chuyện đi đưa tang kia !
Trở lại Phạm Xuân Thái , cựu tổng trưởng về làm chủ quán có mặt thường xuyên tại đàm trường ông Quỳnh; hẳn, bác sĩ Lý Trung Dung có phải chi ra một số tiền cũng không lạ ! Ông Dung còn bỏ ra bao nhiêu tiền bạc mua văn nghệ sĩ, cả tờ Sáng tạo có một thời kỳ cũng nhân viện trợ, lại đến tờ nhật báo Tự Do do Phạm Việt Tuyền làm chủ nhiệm nữa.
Buổi khai mạc Câu lạc bộ văn hóa tại 142 đường Tự Do rất đông văn nghệ sĩ, ký giả tới dự. Khi tôi và Uyên Thao tới nơi, thì Hà Thượng Nhân đang ngôi chung bàn với nữ văn sĩ Nguyễn Thị Vinh . Câu đầu tiên, ông Phạm Xuân Ninh trách tôi ; tại sao lại in sách rô-nê-ô? Rồi chúng tôi lên lầu 1 xem sách mới trình làng. Đó là cuốn truyện Bác sĩ JIvago / Boris Pasternak của Mặt trân bảo vệ Tự do do Lý Trung Dung làm chủ tịch ra mắt, in linograph rất đẹp, trình bày trang nhã. Ông chủ quán Phạm Xuân Thái đưa ra vài chục cuốn làm mẫu cho ký giả và văn nghệ sĩ đồng lãm. Có vài ký giả trổ tài đạo sách, loáng một cái đã mất hàng chục cuốn. Chủ quán thấy vậy, mặt hầm hầm, ra lệnh thu hồi những cuốn còn lạicho vào tủ, khóa lại.
Nhìn cảnh tượng này mà buồn cho một ông cựu tổng trưởng thông tin chiến tranh tâm lý tại chẳng biết gì về tâm lý cả. Khi sách bi lấy trộm, mà đây là sách coi như tuyện truyền chống mác-xít, do Lý` Trung Dung cho in ra, tác dụng có lợi cho chính trị, thì đây là cơ hội tôt để tuyên truyền phổ biến. Văn nhân, ký giả đạo sách sẽ đọc ngấu nghiến, sau đó chỉ cần viết một đôi bài báo, hoặc đôi câu giới thiệu trên báo là có lợi cho những người bao thầu chính trị văn nghệ rồi. Nhưng ông Thái lại không biết vậy, và đau đớn thay cho ông ta, ngoài việc không biết tâm lý quần chúng lớp đông ấu chẳng hạn, do Phòng thông tin Anh quốc ở Hànội vào thập niên 50 áp dung.
Tôi nhớ lai câu chuyện xích mích giữa tôi và một bạn học rất thân mà tôi đã kể đâu đó trong tự truyện, anh ta tố cáo tôi ăn cắp sách của Phòng thông tin Anh quố và tôi bị câu lưu tại
1er Arrondissement bên bờ hồ Hoàn kiếm, một nhân viên điều tra * hoi nhân viên thư viện , xem có đúng với lời tố cáo không ? Thì Phòng thông tin Anh quốc trả lời , có câu đối thoại trong cuộc điện đàm:
" ... sách ấy là mượn chưa trả, chứ không bị mất cắp.. Chúng tôi cũng thừa biết rằng: sách mượn lâu trả coi như sách tặng. Hơn nữa, chúng tôi còn tự hào, vi đó là một cách phổ biến văn hóa Anh quốc tốt nhất đối với bạn đọc Việtnam. Bởi lẽ, nếu sách được biết không thì họ không thèm đọc ..." **
-------
* anh ta tên Quế, nay cũng di cư vào Nam. Thường ra, chúng tôi gặp nhau tại một quán cà phê của 2 chị em khá xinh, duyên dáng , không bảng hiệu, nằm trên đường Pasteur, đối diện Viện Pasteur Saigon.
** tiểu- thuyết tự - sự " Nửa đường đi xuống" / Thế Phong ( sách đã dẫn, trang 87 ).
-----
Chủ quán Phạm Xuân Thái nổi giận vì mất sách mẫu quá nhiều, nhưng ông không biết, đó là điều mà tập đoàn bao thầu Lý Trung Dung muốn vậy. Tôi muốn nhắc với ông Thái về chuyện báoThế giới tự do in đẹp, bài vở khá; nhưng , nhà báo Tam Lang viết potin trên báo Giang sơn ở Hànội hồi nào : ..." báo ấy bị ho chê, vì, dùng làm giấy đi cầu thì giấy tôt cưng quá , đau rát hậu môn ..." . Hai mươi năm sau, hoặc mười mấy năm trước, câu nói này của Tam Lang vẫn đúng. Và tôi rất bực mình về thái lỗ mãng, kém hiểu biết của chủ quán Câu lạc bộ văn hóa. Riêng tôi không lấy 1 cuốn nào, vì đã đọc bản dịch pháp văn. Một vài ký giả văn nhân ít tây học thì họ mới lấy cắp. Chủ quán xếp chúng tôi ngồi trên chiếc bàn dài ở lầu 1, đâu đó có mặt bác sĩ- nhà văn Đàm Quang Thiện, ký gỉa Lê Văn-Vũ Bắc tiến, Duy Sinh, Nguyễn Khắc Ngữ, Uyên Thao, Tuấn Giang- Hồ Bá Cao có pháp danh mới nhà sư Tuệ Giác v.v.... Nhớ lại, hình như tôi bị kẹp ngồi giữa 2 vị Đàm Quang Thiện và Lê Văn - Vũ Bắc Tiến . Trong lúc ăn uống, tôi uống 1 chai bia 33 cho mặt đỏ, bởi chưa ăn lót bụng, đây còn là cách lấy cớ say . Chờ cơ hội phá phách, nhưng chưa có, mà tiệc đã gần đến nửa chừng. Bàn chúng tôi được ưu đãi, giò lụa, xôi vò, mà hình như các bàn ở tầng dưới không có , vì đây là tiệc cocktail .
May quá ,cơ hội tới, khi Duy Sinh ( trưởng nam chủ soái Hàn Thuyên Nguyễn Đức Quỳnh) lên tiếng về chuyện gì đ, hình như , . anh ta gọi tôi một cách xấc mé ( điều này thân mật như thường ngày ) , tôi bắt đầu gây sự. Đáng thương cho Duy Sinh - Nguyễn-Đức Phúc Khôi , vì anh ta chỉ là một bouc émissaire mà thôi !
Tiếp theo, anh chàng Tuấn Giang ngứa miệng , thêm lời: "... thiên tài cao bồi văn nghệ lên tiếng đi chứ ! " . Nghe được vậy, tôi lên tiếng, hỏi : " ... ai vừa nói câu ấy?", không ai lên tiếng. Hỏi tới lần thứ 3 vẫn im lặng. Sẵn cốc bia 33 đang trên tay, tôi đứng dậy đi lại phía phát ra câu nói kia, rồi hỏi thêm một lần nữa :" .. ai vừa nói câu đó ...?" Thực khách vẫn im phăng phắc, tôi dừng lại chỗ ngồi của Tuấn Giang , đưa cốc lên hất vào mặt anh ta . Đàm Quang Thiện và Lê Văn- Vũ Bắc Tiến đứng dậy, can ngăn. Còn tôi vẫn không ngớt miệng sỉ vả thái độ chủ quán đã vô lễ đối với ký giả + văn nghệ sĩ được mời, chỉ vì mất ít cuốn truyện dịch Bác sĩ Jivago , rồi đưa số sách còn lại cất vào tủ khóa lại . Tôi lên án những tên bao thầu văn nghệ, đĩ điếm, ma - cô văn nghệ, như : Hoàng Trọng Miên, Đỗ Tấn, Nguyễn Mạnh Côn v.v. ... , rất may là Hoàng Trọng Miên không có mặt trong bữa tiệc ấy. Nếu không, chắc anh ta sẽ nhận lãnh đủ.
Tôi còn tố cáo cho thực khách biết chuyện tại sao bác sĩ Lý Trung Dung in sách
Bác sĩ Jivago / Boris Pasternak và cung cấp tiền cho Phạm XuânThái mở Câu lạc bộ văn hóa ?
sau đó chúng tôi ra về, lên tắc-xi rồi, vẫn tin là có kẻ đi sau theo dõi. Những thực khách còn ngồi lại như giáo sư dạy trung học Nguyễn Khắc Ngữ ( tác giả Mẫu hệ Chàm ) tiếp tục nổi loạn. Và sáng hôm sau, tờ tuần báo Văn nghệ tiền phong kể lại giai thoại đó, hẳn tay chủ quán Thái cũng bị mất mặt luôn với bác sĩ Lý Trung Dung không í`t ?
Gặp lại Duy Sinh ở tạp chí Sống , kể lại cho nghe lý do gây gổ trong bữa tiệc cocktail, Duy Sinh thông cảm với tôi ngay. Hồi ấy, tôi , Uyên Thao, Lý Đại Nguyên đều viết cho tạp chí Sống, chủ nhiệm: Ngô Trọng Hiếu kiêm chủ tịch Hội Nạn nhân Cộng sản Việtnam - mà ông Nguyễn Đức Quỳnh là cố vấn. Mỗi bài biên khảo được trả 4 trăm đồng, sáng tác 3, thơ thì 1/2 của 3 , hình như thơ Lý Đại Nguyên ( ký Trang Anh) có đôi bài hay ra phết. Chúng tôi lại có tiền nhuận bút , cầm cự sống lai rai và có tiền in sách rô-nê-ô.
Cho tới 1 buổi , chủ bút tạp chí Sống, ông Lưu Hùng, còn là tổng thư ký Hội Nạn nhân CSVN mời chúng tôi đi uống cà phê, chìa bút ra, xin chữ ký 2 chúng tôi ký vào tập sách rô-nê-ô mới in xong. Chúng tôi vui vẻ ký tặng, khi ra về vẫn quay lại nhìn phái sau xem có ai theo dõi không ? Tôi bảo Uyên Thao:
" ...thế là mình sắp vào tù không chừng hoặc bị thủ tiêu tới nơi rồi ! cái lối xin chữ ký như" điềm gở" , báo hiệu không mấy tốt đẹp đáng cho mình lạc quan ?"
Chúng tôi tiêu hết số tiền nhuận bút mới được trả, cảm tưởng của kẻ sắp bị tử hình với bữa cơm cuối cùng thịnh soạn .
( còn tiếp )
thế phong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ