thế phong, nhà văn, tác phẩm cuộc đời - 1
thế phong, nhà văn, tác phẩm cuộc đời 1
tự -sự-kể: thế phong
Lời dẫn.-
THẾPHONG NHÀ VĂN TÁC PHẨM CUỘC ĐỜI , bản đầu tiên in rô-nê-ô do Đại Nam văn hiến xuất bản ở Saigon 1960 -- bản tái bản in ty-pô vào 1966 -- và Nxb Đại Ngã tái bản lần 2 , Saigon 1970.
- cách đây 5, 7 năm -- Amazon com lục bản tiếng anh trong thư viện Mỹ:
THEPHONG BY THEPHONG: THE WRITER, THE WORK & THE LIFE
( bản dịch Đàm Xuân Cận )
- tự ý phổ biến trên Kindle Store , dạng ebook , không xin phép, không trả bản quyền.
- bị tước đoạt bản quyền một cách trắng trợn, tác giả viết thư ngỏ đăng trên báo Calitoday.com ( Mỹ ) gọi đích danh, đó là hành động piracy Copryright infringement .
- nay , cho POST trên THEPHONG' S BLOG bản việt ngữ THẾPHONG, NHÀ VĂN, TÁC PHẨM & CUỘC ĐỜI , căn cứ theo bản tái bản lần 2 của Nxb Đại Ngã, do nhà văn
Vũ Ngự Chiêu-Nguyên Vũ chủ biên ở Saigon vào thập niên 70.
- bìa: họa sĩ Nghiêu Đề, phụ bản: chân dung Thế Phong qua họa sĩ Tạ Tỵ, sách dầy 366 trang.
THẾPHONG
SAIGON , JAN. 12, 2013.
1
Ngồi vào bàn viết, trước chiếc máy chữ, tôi tự xác định xem rằng tôi là văn hay thi sĩ. Có người làm văn nghệ gọi tôi là thi nhân, có người viết báo gọi tôi là đại văn hào
( với ý tưởng mai mỉa , vì nước tôi là nhược tiểu, nên có ai còn sống mà được danh dự ấy đâu, cho dầu văn hào đi nữa ). Riêng với tôi, nhà văn đúng hơn, như trong căn cước và như trong cuộc đới 13 năm đeo đuổi, sống chết cho nó.
Nhà văn và tác phẩm và cuộc đời : 3 cái đó phải liên hệ mật thiết với nhau. Không thể sống bi ổi rồi tự lừa dối bằng chữ viết rằng mình cao thượng. Chỉ khi nào nhà văn dám thừa nhận cái xấu và tốt, đi trên dư luận thông thường của xã hội ấy, thêm vào sự chân thực làm đầu thì hãy nên nghĩ rằng , dòng chữ mình viết ra, làm đọc giả đầu tiên say mê với chính đọc-giả tác-giả, thì mới nói đến văn chương phục vụ cho ai và thời gian sẽ đạt được lâu dài ra sao ?
Nên khi, nhớ lại nhà văn Nhất Linh còn sống, chủ trương cái gọi là văn chương vượt không gian và thời gian, tôi chỉ mim cười , tự hỏi: Một nhà văn hào nổi tiếng như thế; chẳng lẽ lại không hiểu tí gì về lý luận văn nghệ hay sao ?
Có ghi nhận được đời sống ( không gian mà nhà văn sống) sâu sắc, như Lỗ Tấn với Ả.Q. Chính Truyện nói về đời sống đau đớn , nhục nhã, ê chề, kiếp sống chẳng còn gì được gọi là bảo đảm nhân quyền, ai muốn đánh chửi cũng được -- con-người-hòn-bi ấy, nói lên sự tước đoạt của người dân Trung Hoa khoảng đầu thế kỷ XX.
Nhưng vào thời gian ấy, nhà phê bình đương thời lên án, khiến ông phải đau đớn trả lời đại để rằng, rồi ông sẽ được gọi là học giả, nhà giáo hay trí thức côn đồ ? Lỗ Tấn có ghi nhận được những chiều sâu thống khổ của con người khi ấy, thì nay mới được cái vinh dự, là, trước cửa nhà sinh tiền, có hàng chữ Tân Trung Hoa chi Đại Thánh.
Trở lại với Nhất Linh, qua vượt không gian và thời gian, tôi tự hỏi rằng cái không gian của đời ông và xã hội mà ông có mặt, ông đã ghi nhận được cái gì gọi là mẫu mực điển hình, thì chưa nói làm chi đến vượt thời gian cho mệt thân, đau lòng những chuỗi ngày đi gió về mưa , mà chỉ là dạ tràng xe cát ?
Nên cho Lỗ Tấn sinh tiền, bị gọi là côn đồ trí thức mà sau này thế giới , cũng còn hơn là đương thời được một số người tay chân nâng ghế đại văn hào; rồi chết đi, dân tộc ấy quên lãng và văn chương thế giới chẳng buồn ngoảnh mặt hàm ơn, thì làm văn nhân, thi sĩ làm chi cho uổng !
Nhưng với Nhất Linh, tôi vẫn kính trọng ông, cảm ơn ông qua tác phẩm Đôi Bạn và cái chết vào đêm 7 tháng 7 năm 1963, chống lại độc tài Ngô Đình Diệm.
Ông còn hơn những nhà văn tiền chiến cùng lớp tuổi ông nhiều lần , sống ở bên này giới tuyến; Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu, Đỗ Đức Thu, Vũ Hoàng Chương ...
Nguyễn Đức Quỳnh, thì tôi đã nhắc đến trong một cuốn truyện ký * , Lê Văn Siêu , hình ảnh ông qua nhân vật một truyện ** mà tôi cho là kẻ sống bẩn, mà trong văn chương tòan nói truyện nghĩa nhân, sống ra sao cho đời đáng sống (?)
------
* Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh / Thế Phong , Đại Nam văn hiến xb, Saigon 952, 1964.
** Truyện người của tình phụ / Thế Phong , Đại Nam văn hiến xb ., Saigon, 1961, 1964.
------
Arthur Rimbaud lúc làm thơ , là muốn cho cuộc đời mình có nghĩa lý, muốn cho cuộc sống đồng loại tiến bộ; nhưng cho đến khi chán , bản thân bỏ làm thơ và trả thù cuộc đời nhớp nhúa, mà ông muốn nâng lên trên cao ấy, một cách bất lực; ông theo nghề buôn nô lệ. Thì ông biết vậy, thôi không làm thơ nữa, vì nếu còn tiếp tục, chính ông lừa dối ông đến cả những dòng chữ xưa kia ông viết. Như thế là khôn ngoan !
Không thể là Lê Văn Siêu, Trần Bích Lan -Nguyên Sa ... trong thời kỳ Ngô Đình Diệm. Người trên làm báo Sáng dội miền Nam, một tờ báo hình ảnh thời sự, nhưng chỉ để in ảnh Ngô Tổng thống, Ngô Đình Nhu và những bài ca tụng. Song le, Lê Văn Siêu lại không chiu nhận mình làm tay sai văn nghệ, công cụ cho một chính quyền đàn áp dân chúng, mà nhờ đó ông ta có xe , có nhà rộng rãi , đủ tiền nuôi con ăn học ...
Sau đảo chánh 1963 trên Bách Khoa thì phải , ông ta lại viết một truyện ngắn lên án chính quyền cũ và để ngày sáng tác trước ngày đảo chánh ( prédaté), để chứng tỏ rằng bản thân ông ta trong sạch lắm . Và như thành ngữ của ông hay dùng, văn hoá đứng trên chính trị, và người làm văn hóa mà lầm thì nguy hại cho cả một hậu vận dân tộc.
Lữ Hồ kể lại cho tôi nghe câu chuyện này: Ông Siêu có một con làm giáo sư trung học, khi găp bạn tôi, người kia luôn luôn nỏ miệng chửi bới chế độ cũ đã cung cấp cơm gạo cho gia đình của người kia không ít.
Cái cảnh này rất thường xảy ra sau ngày đảo chánh, những kẻ chống chế độ cũ
( thật sự ) thì lại ít lắm miệng, lèm bèm; còn nhưng kẻ làm tay sai mang mặc cảm phạm tội, nên luôn luôn biện bạch, bất cứ trường hợp nào thuận lợi cho họ phát thanh.
Còn người thứ hai ( Trần Bích Lan ) làm mật vụ, để nhờ cơ hội này-- thứ nhất là bảo vệ tài sản mà anh ta thu lợi được, một tài sản khá lớn lao. Với anh ta, còn có thể tha thứ được, không có thái độ bẩn thỉu như người thứ nhất ( Lê Văn Siêu ) đánh lừa bản thân, hoặc biện bạch một cách trâng tráo vô liêm sỉ. Từ đấy, những chuyện đề cao văn học Việtnam có 5000 năm văn hiến, một dân tộc có nền văn minh cổ kính nhất, những sách học làm người và nắm lấy tương lai trong tay v. v. ... đều trở thành trớ trêu, như là sách dạy làm cách mạng của một tác giả làm mật thám vậy.
Một lần, tôi ra thăm Thạch Trung Giả ở Nha Trang, nhân dịp hè 1964, và cũng để thảo luận về cuốn sách truyện kể-triết học Chân Giả Luận của anh, sau in trong Đại Nam văn hiến xuất bản cục. Thì tôi được biết thêm rằng: tác giả Văn Học Thời Lý kia đã mượn tạm của Thạch Trung Giả chừng vài chương ( bản thảo) . Nhưng Lê văn Siêu lại không được một lời cảm ơn, và còn làm buồn lòng anh bạn tôi không ít. Khi sách xuất bản, ông ta gửi cho anh Thạch Trung Giả một ít sách để nhờ bán giùm. Rồi ít lâu sau, viết thư đòi tiền , anh Thạch thấy rằng, nếu gửi trả tiền, là một thái độ không nên và nói cho tác giả biết về công lao mấy chương sách kia thì nhỏ nhen quá, nên anh tảng lờ đi. Song con người, tác giả Văn Minh Việt Nam kia cũng chưa chịu thua, ông ta liền cho người nhà ra ngoài ấy nằm lì ít tháng, gọi là để khấu trừ gián tiếp số tiền bác sách kia chăng ?
Một cách hợp lý hóa Taylor ? ( LVSiêu có viết một cuốn sách mỏng về vấn đề " Hợp lý hóa Taylor" thì phải ? )
Tôi thường đem câu chuyên kể này cho một số anh em bạn văn nghệ nghe, nhân dịp năm ngoái, năm kia; báo chí đăng truyện Hợp tác xã Hoa Kỳ mất ngót ba triệu đồng về khoản thuốc lá thơm ở ngoài thương cảng Saigon. Tôi thấy không gì hay hơn để kể, của sau lần nghe 2 chuyện trên đây, để bù bằng câu chuyện này :
" Khi Nhật chiếm đóng nước ta, một buổi tối, các sĩ quan Nhật cao cấp hop triều đình Việtnam lại để bàn chuyện quốc sự. Các bạn còn lạ gì các quan triều Việtnam thời bấy giờ, họ thuộc vào loại phong kiến, nên một khi được quan Nhật mời, là một lần họ khệ nệ, kề cà, kiểu cách và được dịp trưng quần, diện mũ áo đến nghênh tiếp.
" Trong buổi họp, họ rất quan trọng hóa, nét mặt nghiêm nghị, muốn cười cũng không dám cười, muốn gãi chỗ ngứa cũng không dám nhúc nhích. Các quan Nhật cũng nghiêm nghị không kém. Sau một tuần trà đạo, một sĩ quan nghiêm giọng, lên tiếng hỏi:
" Sự hiện diện của quý vị nơi đây vào một buổi họp thật quan hệ. Chính buổi họp này quyết định vận mạng thế giới. ( Các quan triều Nam măt lại càng nghiêm trang hơn lú nào hết, tai lắng nghe, sự yên lặng toàn diện, con ruồi bay qua cũng nghe tiếng động ) . Quí vị lắng tai nghe tôi trình bày câu hỏi này :
" Theo quí vị, thì nước nào trên thế giới ngày nay mạnh nhất ?"
" Các quan triều Nam ngồi thừ mặt ra, ra dáng suy ngẫm một cách quan- trọng -hóa đến phát ghét . Và ít lâu sau , các vị đều đống nhất trả lời, rằng : " Phe Trục ".
"Bạn đọc cũng chẳng ngạc nhiên gì, nếu có ngạc nhiên chỉ là đọc giả tây phương độc lập lâu đời, ít ai thèm nịnh hót và dám nói điều mất lòng trước kẻ mạnh hơn mình. Còn ở nước nhược tiểu dân tộc, hoặc quốc gia dân chủ giả hiệu thì không có điều này. nhưng bạn đọc có biết sĩ quan cao cấp Nhật trả lời sao không ?
" Tôi biết quí vị sẽ trả lời đồng nhất như thế. Đấy mới chính là điều đau đớn của chúng ta. Tôi muốn biết ý kiến thực của qui vị kia . Chứ phe Trục thí nói làm gì ? Vì chúng ta cùng ở trong đó, nếu có yếu, thì cứ quen phương pháp tuyên truyền mà tự cho rằng mính mạnh chứ ."
" Tất cả các quan triều Nam ngạc nhiên và vẫn im lìm, ra chiều suy ngẫm một thật quan-trọng-hóa hơn. Rồi mãi sau mới có một vị quan triều Nam phát biểu, và trước đó, đã biết rằng mình sẽ mất hết quyền lợi và có thể mất đầu như chơi :
" Tôi xin phát biểu ý kiến riêng của tôi. Một cách rất thật và dầu quí vị có bắt lỗi, tôi cũng xin chịu. Nước mạnh nhất thế giới mà chúng ta đương phải đối đáp là nước Mỹ. "
" Viên sĩ quan Nhật, nét mặt hoan hỉ :
" Quí vị này nói đúng. Đáng khen ! Vá chúng ta phải làm cách nào để chống Mỹ ? Với một số người rất ít, lại không cần khí giới tối tân, nói nôm na ra, rằng, chúng ta chỉ dùng nhân số một quốc gia độc nhất làm được, trong một khoảng thời gian ngắn nhất mà vẫn thâu lượm được kết quả huy hoàng mong muốn nhất. Đây là một thế đấu tranh thuộc tâm lý chiến . Quí vị suy nghĩ rồi phát biểu cho chúng tôi rõ. Tôi tin rằng quí vị mới đủ khả năng suy ngẫm, giúp cho sự thành công kia một cách tuyệt diệu ! "
" Các quan triều Nam thấy mình được quan trọng hóa, họ lại bắt đầu im lặng, ra dáng suy nghĩ lung. Rồi một tiếng đồng hồ sau cũng vẩn chưa có ai phát biểu được phương thức dùng người của nước nào tranh đấu cả. Sĩ quan Nhật Bản cho phép nghỉ giải lao, rồi họp lại.
" Khi trở vào phòng, các quan triều Nam vẫn chưa ai tìm được câu giải đáp. Sĩ quan nhật cười ngạo mạn, sau ông ta tiếp :
" Chính sự có mặt của quí vị và chính quí vị là kho tàng của phương thức đấu tranh hữu hiệu nhất để nắm phần thắng mà quí vị không biết đấy thôi. Tôi xin phép trình bày. Chỉ cầm 400 công dân quí quốc di dân lên nước Mỹ trong 1 năm thôi. Đế quốc này sẽ bị tê liệt nguồn sống mà vẫn được mệnh danh là giàu có và mạnh nhất thế giới ".
" Các quan triều Nam ngơ ngác như chưa thấm hiểu, thì viên sĩ quan Nhật cười nửa miệng, giải đáp:
" Chỉ cầm 400 công dân quí quốc di dân lên nước Mỹ, đế quốc ấy sẽ hết mạnh nhất thế giới . Không cần khi giới tối tân mà hiệu số năng xuất thu lượm vẫn chiếm đa số tối cao. Quí vị vẫn chưa chịu hiểu thật sao , chỉ cần 400 công dân quí quốc thôi, tôi nhấn mạnh một lần nữa, di dân lên nước Mỹ 1 năm, nước Mỹ sẽ nghèo và hết còn là một quốc gia giàu mạnh. Tôi xin mời quí ra chứng kiến một biệt tài của qui vị mà quí vi không hay. Như là một người giàu có nhất nằm trên kho vàng, lại không biết rằng mình nằm trên kho vàng. "
" Các quan triều Nam vẫn chưa hiểu. Khi ra đến pháp trường thì thấy cảnh này.
" Một bà già người Việtnam bị trói gập cánh khỉ, vẫn còn sống , bên chiếc cột. Trời nắng chang chang. Tuy là buổi chiều, nhưng chiều mùa hạ oi bức.
" Một con ngựa , bung bị mổ, con ngựa giống Nhật Bản , một quan triều Nam nhận thấy đúng là ngựa Nhật. Viên sĩ quan tiến gần đến bà lão, ra lệnh cho một anh lính cởi trói.
" Các quan triều Nam vẫn giơ mắt chẫu nhìn cảnh tương này. Một viên sĩ quan Nhật khác chuẩn bị đọc một bài tội trạng bằng tiếng Nhật. Sau đó, anh lính Nhật nhét bà lão vào trong bụng con ngựa chết đã phanh thây bằng dấu mổ.
" Bà lão kêu gào thảm thiết, yêu cầu các quan triều Nam cứu vớt. Nhưng không một ai lên tiếng.
" Người lính Nhật khâu bụng con ngựa lại. Tiếng bà lão yếu dần dần đi. "
" Bây giờ thì các quan triều Nam đã hiểu dần dần rồi. Nhưng có người chậm hiểu vẫn chưa thấu triệt, phải đợi đến câu giải đáp của sĩ quan Nhật ".
" Người đàn bà ấy là công dân quí quốc, chết vì tài nghệ của mình, nhưng không hợp chỗ. Bà ta đã bán cám cho ngựa chúng tôi ăn, và pha thêm mạt cưa. Giá bà ta được đề nghị đứng trong 400 công dân quí quốc mà chúng tội xin cho di dân lên nước Mỹ, bà ta sẽ là anh thư trong công cuộc làm đế quốc này nghèo đi nhanh chóng.
" Chúng tôi, người Nhật, rất ghét những tên ăn cắp."
" Cuộc họp bế mạc, xin ủi vị có thể thong thả ra về ."
" Bây giờ thì quan triều Nam nào chậm hiểu nhất đã hiểu được rồi ."
Tất có người đã cho tôi lăng mạ dân tộc Việtnam, mà tôi là một công dân trong đó. Tôi rất muốn nước Việtnam giàu mạnh và ra ngoại quốc, ngẩng mặt nhìn lên, để mỗi khi người ngoại quốc nghe thấy hai tiếng Việtnam , là kính nể; chứ không như cha, chú chúng tôi xưa kia ra nước ngoài, lại khước từ quốc tịch mình, hoặc nhận là người trung Hoa hoặc Nhật Bản (...) *
-----
* một đoạn khác bàn về Đại sứ Hoa Kỳ tại Việtnam, ngài Frederic Nolting, bị Kiểm duyệt bỏ vào năm 1966, khi xin cấp phép tái bản . Tác giả đồng ý với Hội Đồng Kiểm Duyệt tạm bỏ.(TP)
-----
Và tôi cũng đau lòng biết chừng nào, khi thấy chính vào thời kỳ Đại sứ Huê Kỳ Frédéric Nolting thân chinh phát gạo cho đồng bào chúng tôi ở các địa phương ( có thể ông nghi ngờ chính quyền bản xứ ăn cắp ( bớt) chăng ? ) . Mà ngài Nolting lúc ấy là tòng phạm với Ngô Đình Diệm để đàn áp dân tộc Việtnam chúng tôi. Chính Nolting đã làn can phạm chính trong việc tòng phạm ăn cắp tiền viện trợ, thì có ăn cắp là ăn cắp hàng tỷ đô-la, chứ không đến nỗi như chính quyền Diệm ăn chặn từng hộp bơ, gói bột ngô công dân Huê Kỳ tặng dân tộc Việtnam. Nên một khi chính ngài Nolting cất công thân chinh đến từng địa phương, dầu chỉ hơn 1 lần, là để mong rằng nhũng trận bão lớn thực phẩm, dầu mang tiếng tặng dân tộc Việtnam nghèo đói, lại không bao giờ cặp bến Việtnam -- ít ra có một lần thật hiếm hoi -- chính ngài đại sứ muốn rằng còn có một gói thực phẩm tượng trưng giỏ vào họng người dân chung tôi chăng ?
Vây tôi là ai ? từ đâu đến, sinh trưởng ở nơi nào, bây giờ cuộc sống ra sao , và những người gần nhất cũng có cảm tưởng rằng cuộc đời tôi như khó hiểu ?!
Có một nữ giáo sư từ lâu không gặp tôi, đến hôm vừa rồi gặp lại tại một Trường Nữ trung học tại Đinh Tường ( Mỹ Tho ), chị hỏi:
" Lâu lắm không gặp anh, tôi hỏi thăm nơi anh Hiền ( Lữ Hồ ) -- anh áy bảo: anh như chim biết đâu mà tìm ?"
Một sinh viên Saigon dẫn vợ lân Đàlạt vào Giáng sinh 1964, câu đầu tiên hỏi :
" Anh cho phép tôi hỏi anh một câu , dấu anh trả lời một tiếng cũng được. Một năm nay anh sống bằng nghề gỉ ?"
Tôi đành trả lời anh:
" Tôi cũng chẳng hiểu tôi sống bằng nghề gì mà sống tới hôm nay ".
Anh sinh viên Đỗ Ngọc Yến và vợ ( chị Loan ) không hài lòng, song, lại hỏi thêm:
" Cô Mỵ bây giờ ở đâu và được mấy con rồi ? "
Cao Mỵ Nhân là một trong số người tôi yêu, còn là một nữ thi sĩ khá nổi tiếng trong giới quần thoa, một người có thể nói là yêu tôi, nhưng tại sao lại dang dở ?
Những câu hỏi ấy không thể chỉ dẫn giải trong môt câu trả lời phỏng vấn cấp tốc, trong bầu không khí quán cà phê Đàlạt đây thơ mộng được ?
Nó là sự liên hệ trong một tự-sự-kể văn nghệ, vóc dáng cuộc đời tôi. Mà bây giờ đây, mỗi chi tiết liên hệ sẽ được tùy theo trường hợp thuận tiện phơi bày.
Câu hỏi của vợ chồng anh sinh viên Yến-Loan kia, là giọt nước cuối cùng của cốc nước đầy, buộc tôi phải viết thiên tự- sự- kể này.
Và trước đó là Bùi Khải Nguyên ( tên thật Bùi Bình Hiếu ), Hiệu . và một nữ sinh viên Việtnam, cô Kim Dung du học ở Ottawa, thường hay gửi thư hỏi về cuộc đời văn nghệ của tôi.
Những ngày rong chơi vào dịp Giáng sinh 1964 ờ Đàlạt, cùng với anh em sinh viên ở viện Đại học Đàlạt, như: Nguyễn Nhật Duật, Thông, Cừ, Phúc, Nhựt, Mô .. tôi không quên, đồng thời gợi lại cho tôi ý hướng đẹp. Ra về, tôi khởi sự viết. Và đây là :
Ba mươi ba năm . Tuổi tôi . Mười ba năm làm văn nghệ. Hai mươi năm sống và ngoài trường đời. Tưởng chừng như muốn giã từ nghiệp văn . Nói là chán chường thì chưa đủ độ diễn tả. Có yêu tha thiết thì mới muốn giã từ, vì cảm thấy bất lực để yêu mến nó. Một người tự vẫn vì tình không có nghĩa là chán chường yêu đương mà chỉ vì yêu mối tình của mình tới cực điểm mà tự vẫn. []
( Còn tiếp )
thế phong
( Thế Phong : nhà văn tác phẩm, cuộc đời / Đại Ngã tái bản, Saigon 1970 - tr. 11 - 28.)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ