Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

nhà văn tác phẩm cuộc đời - thếphong - 2



                    nhà văn tác phẩm cuộc đời     2
                                                          thếphong

                        
                                                              2

     !6 tháng 10 năm 1952, Quân đội  Viễn chinh  Pháp thất trận toàn diện ở Nghĩa Lộ.  Từ ngày đó, tôi mất liên lạc với mẹ tôi ở nông trại Làng Bữu.  Trước đó 2 năm, tôi về Hànội học, vì một lý do suýt bị mất đầu.   Tôi viết chi tiết này, cũng như nhiều chi tiết khác nữa trong cuốn tự truyện Nửa Đường Đi Xuống.   Năm ấy, tôi học đệ tứ và cũng năm ấy tôi bắt đầu viết văn.   Sau một buổi ghé qua  Nhà Thờ Lớn Hànội, để nhỉn chiếc quan tài của thiếu tá Giradin tư trận ở Nghĩa Lộ, đem về quàn tại đây.    Chẳng phải là thương tiếc Giradin, nhưng tôi đến đây để như  tìm thấy  quê hương Nghĩa Lộ, qua chiếc quan tài tại chỗ kia.   Tôi nhớ đến một giai thoại về đời sống viên thiếu tá Pháp.  Hắn là con một một vị Giám binh trước kia từng đóng đồn ở Nghĩa Lộ.   Mẹ hắn là người Thái . Vài chục năm sau, hắn trở lại đây, mẹ con gặp nhau; nhưng nhất định hắn không nhận mẹ.  Khi hắn chết, nhưng người Nghĩa Lộ đều cho hắn là  xứng đáng đời !  Vì hắn bất hiếu.   Còn tôi, tôi rất quí mẹ tôi, khi mất liên lạc với Người rồi, tôi buồn như chính hình hài mình thiếu thốn  , như cụt mất đi một cái gì quen thuộc có gần nhất.   Ngày còn nhỏ, ba tôi đánh đòn chi tử, mẹ tôi bênh, vì Người thường kể lại rằng :
     " Con cầu tự chùa Quan Thánh Yên  Bái ( một ngôi chùa cách noi xử 13 liệt sĩ  Yên Bái chừng dăm trăm thươc )  co tật, tôi là  đứa thứ ba còn sống sót trong  5 mụn con. "

      Thuở nhỏ, tôi rất nghich ngợm, về nông  trại là đuổi gà, đuổi vịt.  Rồi bị gai góc cào xé khắp chân tay, mình mẩy.  Mẹ tôi liền gọi về, đe dọa , vì biết tôi rạn đòn, nên chỉ còn cách này, nếu tôi không nghe lời, người dọa sẽ chết.   Thương mẹ thì thương nhiều, song tôi vẫn không thể thôi nghịch.  Thế là mẹ tôi khóc.  Tội hối hận, lên giường nằm chung với Người.   Cơm chiều hôm ấy bỏ, cho đến hôm sau mới dậy.  Khi lớn lên rồi mà tôi  vẫn có cảm tưởng rằng: không bao giờ tôi có thể xa mẹ tôi được ! 

      Cho tới  ngày 9 / 3/  1945,  Quân đội Viễn chinh Pháp  thất trận , bị quân đội Nhật xua đuồi , tràn về Làng Bữu * , rồi lần qua  Nghĩa Lộ  ngược lên Lào Cai để  trốn chạy sang Tàu,  tướng Pháp Alexandrie gặp ba tôi trò chuyện bằng  tiếng Pháp - vì thế -  ba tôi bị VM bắt đi an trí , vì họ sơ rằng ba tôi ở lại có thể sẽ theo Pháp, nếu họ trở về.    Nên nhớ rằng, đoàn quân của  tướng Alexandrie sang Tàu vào  lần bị Nhật đảo chính 9 - 3- 1845, nay họ  trở lại  xứ Thái  làm bàn đạp, trước  khi trlại   tái chiếm Hànội..  Đoàn quân này  được mệnh danh là 
 Troupe Francaise en Chine .
------
*   THƯỢNG BẰNG LA : 1 ở h. Văn Chấn , t. Yên Bái, sau thuộc t. Nghĩa Lộ, rồi thuộc t. Hoàng Liên Sơn, nay trở lại thuộc t. Yên Bái ( tr. 528  Sổ tay Địa Danh Việtnam / Đinh Xuân Vịnh -   Nxb Lao động, 1996.  
      -  một cuốn sách rất giá trị về địa danh  Việtnam ,
      -   Đinh Xuân Vịnh  sinh  1915 ở Hà Tĩnh, từng công tác ở Phòng Hành chính Ủy ban Hành kháng tỉnh Nghệ An. Nghỉ hưu từ 1974, sống ở  Hànội, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việtnam
   ( Chú thích: 2013). 
---------

      Những ngày tháng này  , tôi tập cầy ruộng, nhổ mạ, cấy lúa .  Một thời gain sau, vì thấy tôi khá  Pháp văn, nên tôi được bổ nhiệm làm thông ngôn cho viên   quan Pháp  chỉ huy.   
     Không hiểu vào t hời trung úy Logier hay Defoly, nhưng sĩ  quan Pháp mến tôi, song, chỉ có trung úy Henri Guilleminot, người đã giúp tôi nhiều cho sự trưởng thành sau này.   Khi ông ta về Pháp nghỉ phép, ông xin mẹ tôi cho tôi theo qua Paris , ông có nhà ở 22 Boulevard Flandin , để  tiếp tục học hành .  Nhưng tôi là con một, nên không khi nào mẹ tôi chấp thuận.  Khi ông trở lại Việtnam lần 2, Henri Guilleminot  thăng lon đại úy  và đến thăm tôi ở Hànội.   Thường ra, ông vẫn viết thư khuyên tôi chịu khó học hành, để sau này trở thành một công dân tốt của  Việtnam .  Ông còn gửi tiền cho tôi thường xuyên, không bằng bưu phiếu mà gửi  tiền trong thư thường. Khi 2 ngàn, lúc 1 , cứ như vậy trong 2, 3 năm liền.  Cho  đến ngày  tôi vào Saigon,  tôi bị mất liên lạc với ông ở Điện Biên Phủ. 

      Tôi còn nhớ, trong 1 lá  thư sau cùng, ông có nhắc tới thiếu úy Raymond Maikowack, anh chàng thượng sĩ người dân đảo Corse, có mặt ở 3ème Compagnie, Ier Bataillon Thái  với cng tôi ở Làng Bữu, nay cũng đang chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ.  

     Sau chiến trận  Điện Biên Phủ, Guilleminot được  chuyển sang Quân đội Quốc gia Việtnam, chỉ huy CID *  ở Sông Lũy ( Phan Rang)  vào những năm 1955- 56.  Tôi có lên  Sông Lũy thăm ông ta, rồi đọc cuốn Les Rescapés de L'Enfer, trong đó  tác giả Bornet nhắc tới đại uy  Henri Guilleminot và cả viên  thiếu úy dảo Corse, Raymond Maikowack.
-----
*  Centre D' Instruction Divisionnaire / Trung tâm Huấn luyện cấp Sư đoàn. . 

    Thời kỳ này tôi mang theo người bản thảo đang viết dở dang, Người thương binh Liên khu .     Hàng ngày, tôi mang bản thảo ra một ngôi chùa Chàm, đặt khẩu Carbine  bên cạnh ngổi viết.   Chiều về, ra Sông Lũy tắm.  Tôi  rong chơi khoảng 2 tuần rồi về lại Saigon.

      Năm 1957, Henri Guilleminot về Paris ,. rồi từ đó, tôi  không còn nhận được tin tức gì nữa. nên có một  truyện ngắn nói về quân đội, tôi đề tặng ông ta là để kỷ niệm thời gian chúng tôi ở   3ème   Cie-- đó là truyện ngắn Người lính Casablanca.

     Những ngày tiếp theo, tôi về Hànội học.  Rồi mất liên lạc gia đình.   Bơ vơ.   Kiếm sống.   Nhịn đói của lần đầu cảm thấy nhục nhã trong đời, vì điều này càng khổ hơn, khi xung quanh minh, họ đều no đủ  cà.   Những cuốn truyện dài chưa đặt tên sắp hàng trong đầu óc.  Một số bạn bè phản bội.  Sự ô nhục chất chồng lên đầu cổ, không thể sống được nữa; tôi dự tính đi Saigon.   Hàng ngày, chỉ còn chơi được với một người bạn thân, Nguyễn Thế Hiển.   Và nhà Hát Lớn Thành Phố có mái hiên rộng, tôi nghĩ đến chỗ ngủ nhờ, sau những đêm lang thang.   Để rồi, Hiển  nói đùa rằng : "  mày sẽ có triết lý mái hiên rồi đấy  nhỉ ? "  Một vài người khác  nữa giúp toi tiền nong để làm lộ phí vào Nam-- như Khải, con chủ hiệu Tân Vinh ở Hàng Đào. 

     Hành trang vào Saigon trước cuộc di cư 1954.   Trong túi tôi chỉ có 1000 đồng.  và một tấm lòng ưa mạo hiểm của tuổi trẻ.  Vậy nếu có khổ sở, đừng nên  ta thán !   Tuy vậy, kinh nghiệm cua đại-học-đường-cuộc-đời không dễ quên , nên những dòng chữ con kiến nối đuôi nhau  kéo dài như đường quốc lộ Nam Bắc, đã hợp lại thành tự truyện " Nửa Đường Đi Xuống". mà ngay  trên đầu trang, tôi đã ghi câu này :
     " Ngày xưa, Kropotkine cho rằng :  " Di sản độc nhất riêng tôi có là tôi " .  Anh hài lòng về câu nói ấy, đặt câu này trong truyện đời mình để tặng 2 người thân yêu MẸ ANH & EM ". 

    Tôi  được sinh ra vào ngày 10 tháng 7 năm 1932.    Nơi sinh  Nhà thương Yên Thái, tỉnh Yên Bái -- mẹ tôi kể lại rằng -- từ nhỏ đã rắn mặt, bà cụ nằm dài hàng 3 tuần lễ ở nhà  thương yên Thái .   Khi sinh tôi ra, chưa bao giờ nước lũ lớn như vậy, ngập cả thành phố.   Lớn lên, tôi đã được nuôi nấng với sự nuông chiều hết mức.  Chỉ trừ có ba tôi là hay đánh đập, mà tôi cho rằng người ghét bỏ  tôi.   Tôi theo ba tôi đi dạy học ở nhiều nơi, từ  trường Động Lâm,
 Hiền Lương ( huyện  Hạ Hòa, tỉnh  Phú Thọ )  trường Đại Lịch ( huyện Trấn Yên, tỉnh  Yên Bái )...

     Tôi thi đậu thủ khoa Tiểu học năm 11 tuổi ở  Nghĩa Lộ.   Ở giai đoạn này, tôi đã biết yêu, dâm tính nẩy nở rất sớm.  Kể ra, bây giờ tôi không nhớ được có bao nhiêu mối tình: tình đầu, tình  bây giờ...  cuộc tình nào cũng tha thiết như mối tình đầu.  Chỉ có thời gian và độ của tuổi yêu trưởng thành vào thời đoạn nào, mới có thể cho rằng giai đoạn ấy yêu ai nhất mà thôi.

     Khi còn ở nông trại Làng Bữu (xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái  ), bắt tình với sơn nữ Hoàng Thị Hải .   Những buổi chiều đi học về cùng trên một đường.    Tôi hãy còn nhớ,  một lần kỷ niệm đưa thư tình.   Tôi sắp đặt trên một đoan đường, vì tôi không  đủ can đảm đưa tận tay cho Hải.  Tôi bèn núp trong bụi, vứt lá thư trên con đường ấy, để  chờ khi nàng đi tới là nhặt lấy.   Nhưng bất đồ, giữa khoảng ấy có nhà, một thiếu niên khác lượm mất, và chúng tôi gây  gổ với nhau.   Sau này, tôi viết vào trong vở của nàng  một câu " Je vous aime ".   Hải học dưới tôi 2 lớp  , nên không biết  tôi viết gì, rồi đưa tập vở lên mách ông giáo.   Ông giáo ấy còn trẻ, sẵn có mối thù với tôi, nên ông ta chuyển  lên ông hiệu trưởng ,  ba tôi định đoạt.   Tôi bị nọc ra ăn roi và bị quì hai tiếng đồng hồ.    Sau này, khi chúng tôi yêu nhau rồi, nhắc lại chuyện xưa; Hải chỉ cười và bảo tôi:  " sao không viết bằng tiếng Thái hay  tiếng Việt ?

     Những buổi chiều vàng Viêt Bắc, chúng tôi đi bên nhau, có khi nàng đi  nhặt rêu, xúc cá; có khi nằm bên nhau trong túp lều nương giữ trâu.   Của không bao quên những lần bị mắt bắt dê ở trong căn  nhà bỏ trống ở bản Khe Phưa .   Căn nhà trống này  của đôi vợ chồng trẻ có con chết, rồi họ tin ngay rằng có ma quỉ ám ảnh, nên không ở nữa.   Cho đến Ngày Lớn 1945 khởi sự, chúng tôi vẫn sống bên nhau, thời kỳ Quân đội Pháp tái chiếm Làng Bữu, tôi mất nàng từ đó.
     Tiếp theo, đến thời kỳ Pháp đóng quân ở Làng Bữu , tôi  bắt tình với cô Quán .  Người con gái Thái có chồng  là lính.  Nàng bị ép buộc gả chồng,  anh lính partisan . Anh lính này  hành
quân tảo  tảo thanh bắt gặp, thấy Quán đẹp, nên buộc  phải hứa lấy hắn, thì hắn dẽ bảo đảm  nàng không phải  là Việt Minh .   Khi về đồn, gặp nàng, tôi  say mê nàng cho tới khi phải giã từ Làng Bữu về Hànội học, vì biến cố đó, tôi suýt bị mất đầu.  

      Tôi không còn đủ thời gian ít ỏi nhất gặp từ biệt nàng, chỉ còn cách tim bãi cát ướt, hoặc chỗ đất mềm, in bàn chân  trần trụi lên đó , mà hy vọng nàng bắt gặp ,để nhận ra vết tích  người yêu  dành cho người yêu.  

     Trải qua bao nhiêu hiểm nguy, khi lên máy bay ở phi trường Nghĩa Lộ về Hànội , tôi  chợt nhìn thấy hình ảnh Quán ở  phía dưới, ôi chao thật buồn !  Chị nuôi và mẹ tôi hết sức giận, vì mối tình này, cho rằng chẳng thiếu gì con gái, sao lại phải yêu một người đàn bà đã có chồng?  Nhưng tôi đâu có nghĩ vậy ?

    Về Hànội học, tôi lại mê một  cô bạn  học, cô Đặng Thị Ngọc Oanh .  Nàng và  tôi là 2 học sinh giỏi Pháp văn nhất lớp, vì vậy, mối tình này kéo dài đến gần 10 năm:  Hànội 1950 , Saigon 1954, 1955, 1956,1957, 1958, 1959, 1960 .  

     Dạo ấy, vì nhiều lý do xúc xiểm, nhất là luân lý xã hội còn vây chặt -- tôi cho rằng -- Oanh   là con một bà chủ bán bar ở Hànội,  nên lững lờ, lúc yêu  thật lòng, lúc lại  muốn  quên .   Oanh lấy chồng, sau đó ít lâu nghe tin nàng tự tử hụt, rồi chúng tôi lại gặp nhau  một lần nữa ở Saigon. Khi ấy nàng là  y tá Bệnh viện Chợ Rẫy, còn tôi, tên viết báo , lúc có việc lúc không, thuê nhà ở sau Nhà thờ Bắc  Hà  ( Saigon 10).  Chúng tôi không cần lễ lạt, hôn nhân, vì  sự trở lại cửa hai  quá muộn để chung hợp.

    Chính lần  gặp  Oanh sau , tôi dự định cắt đứt mối tình với Cao Mỵ Nhân .  Trước mối tinh với Cao Mỵ Nhân là Linh Bảo.   Những mối tình đáng nhớ nhất đấy thôi.   Còn nhiều, nhiều nữa, nhưng bạn đọc cho phép tôi gác, bỏ qua một bên , hoặc  đã kể trong tiểu- thuyết- tự- sự- hóa khác. . 

      Linh Bảo, một nữ văn sĩ, hơn tôi 6 tuổi.   Phải nói rằng mối tình này say đắm tôi không ít.  Hàng ngày, tôi đánh máy cuốn sách phê bình văn học Lược sử văn nghệ Việtnam   và mong thư Diệu Viên  tên thật Linh Bảo )  từ Hong Kong  gửi về.   

     Dạo ấy, tôi sống chung với Văn Quang, một trung úy văn sĩ gọi tôi về ở, anh  nuôi cơm  .  Nếu lần ấy, tôi không gặp Diệu Viên , chắc tôi đã muốn buông cuộc đới ra khỏi tầm tay rồi.   Cũng cần nhắc lại thời đoạn sống đau đớn ấy của tôi, được nếm cay đắng cuộc sống mật đắng văn nghệ.   Tôi  ăn chịu 6 tháng tiền ăn, gần 2000 đồng tiền thuốc lá ở Xóm Chùa - Tân Định, để ngồi lì ở nhà viết bộ sách phê bình văn nghệ chết tiệt   kia !   Rồi chủ nhà  thúc giục trả nợ, hai vợ chồng Hai Nụ  cho  thuê nhà 150 / tháng, cơm 200 đồng / tháng, họ  đều là  thợ thêu chuyên nghiệp, chị vợ báo cho biết là hết  vốn để nấu cơm cho tôi ăn  tiếp .   Ý nghĩ lóe trong đấu, thôi đành phải cuốn gói ra đi trốn nợ .   Nhưng còn khoảng 2000 cuốn sách đủ loại phải bỏ lại, mà trước ngày  dự tính ra đi , tôi  sẽ  xé vụn rồi chất chồng lên giường nằm đầy ngút ngọn.   Tuy khổ sở đã nhiều, từ ngày bỏ nhà bà cô ở Hànội ra   đi, làm phóng viên  báo Thân Dân, Dân Chủ + những ngày lang thang đói khát  ở Hànội; tôi chưa bị xáo động mạnh bằng lần này. 

       Đem bản thảo đi bán, một nhà xuất bản bằng lòng in, trả tập đầu 10 ngàn đồng, in lần thứ nhất 3000 cuốn -- khi ký giao kèo, tôi nhận trước 5000 đồng. *   Nhưng không hiểu sao anh  Lê Văn Thoan, chủ nhà xuất bản Bông Lau  lại bỏ dở, không in.  Nên tôi không còn biết bấu víu vào đâu để có tiền trả nợ  vợ chồng Hai Nụ . 
 -----
*  Nhà văn hậu chiến 1950- 1956  (  tập 4 trong bộ Lược sử văn nghệ Việtnam 1900-1956 )
.
      Tôi có tật,  đặt mình xuống ngủ ngay, sáng dậy rất sớm.  Nhưng khoảng thời gian dự tính sắp bỏ của chạy lấy người , tôi ngủ  lì,  dậy rất muộn.  

      Lại một lần nhớ đến ba tôi, chẳng là người  thường bắt tôi dậy sớm tập thể dục.   Xưa, tôi oán người, vào tuổi 11. 12, sáng dậy muộn mà trưa lại đánh một giấc  ngủ  dài, tối ngủ sớm, sao vẫn còn thèm ngủ, ngáp văt liên hồi.   Lúc lớn khôn, mới cảm thấy rằng ích lợi của sự nuôi dưỡng sức khỏe, và muốn tỏ bấy lời cảm ơn, thì  làm gì người còn sống nữa !

       Nhớ đến người, tôi nhờ 2 điều :  thứ1, nét chữ người viết rất đẹp và  hình như ba tôi còn là một văn-sĩ-thiếu-hụt thì  phải ?  Tôi còn nhớ bút hiệu  VỊ NGUYÊN , ký  sau mỗi trang  nhật ký của người ..  Và không ngờ rằng sự thiếu hụt kia, để sau này đứa con là tôi, tiếp nối một cách hiển hách.    Thứ 2, điều mà tôi nhớ lâu nhất về người, bằng 1 kỷ niệm thật đắt giá , dự chi  đánh đổi cả mạng sống. 

     Ở nông trại Làng Bữu  có 1 con suối, mỗi lần nước lũ, nước chảy xiết và cực kỳ nguy hiểm. Thì lần ấy, ba tôi sai đi mua thuốc phiện.  Nhà tôi  chẳng thiếu gì người làm, song cưỡi ngựa giỏi và biết chỗ mua thuốc phiện tốt, chỉ có tôi thôi.  ( ông vẫn tin  cậy tài coi thường nguy hiểm và biết cách đối phó để vượt trở ngại, nghĩa là, tin rằng đi đến nơi về đến chốn của tôi ).

     Tôi phải  cưỡi ngựa lội qua con suối lũ kia, nước đỏ ngầu, sóng cuộn trông  rất khiếp !     Khi tôi cho ngựa băng qua suối; ngựa bị đuối sức khi sắp tới gần bờ bên kia, nước chảy xiết như muốn cuốn nó xuống vực.  Tôi nhẩy ra bơi, rồi tay nắm được ngọn cây lả bên bờ; chứ không,  cũng rơi xuống vực , rồi bị trầm mình trong hầm thác.
     Mẹ tôi chứng kiến  cảnh chết hụt này. 

     Khi tôi đem  thuốc phiện về nhà, câu đầu tiên  mong rằng  cha sẽ thăm hỏi tới sự nguy hiểm của tôi vừa trải qua, để hả lòng hả dạ đôi chút.  Nhưng không phải thế :
     " Con có lấy được thuốc cho ba không ?" 

    Tôi buồn, nên chỉ gật đầu.  ba tôi mừng   rỡ cầm thuốc đi vào phòng, không hỏi han thêm một lời nào.  Mẹ tôi khóc, ôm lấy trôi, miệng cảm ơn Trời Phật độ trì .  Lúc lớn lện rồi, tôi vẫn không quên kinh nghiệm này.   Tôi lại lao đầu vào làm văn nghệ. bị nhiều sự bội phản, do những người văn nghệ nghiện thuốc phiện,  nên thường nói chuyện với Hiệu, cũng như anh em bạn trẻ khác.
        Rằng :
     " Tất cả tội lỗi, gọi là có tội, tôi đều tha thứ hết; nhưng trừ một điều, đó là con nghiện ".

     Những lúc lên cơn nghiện thuốc phiện, cho là bố của  họ, mẹ họ ư, vợ con họ  yêu quí ư , kể cả người yêu của họ nữa ... hoặc cái gì mà họ yêu nhất cũng là đồ bỏ, nếu không có thuốc phiện, khi  lên cơn ghiền.  Nghĩa nhân, tình phụ tử, thê thiếp, bạn bè .. có đáng giá một cắc đâu ; họ dám nói dối cả bố họ; thì, nếu bạn có bị họ đánh lừa, hoặc gì gì đi nữa, nên  nhớ tới :      ba tôi với câu chuyện kể trên  đây.    Câu đầu tiên,  hỏi về thuốc, chứ không phải cái chết hụt của đứa con, con cầu tự duy nhất  !

     Ôi  chao !  có ai lên thăm rừng Việt Bắc vào mùa thu, hoặc đã qua  bên Lào để trông, ngắm đồi hoa trồng hoa Phù dung.     Một rừng hoa muôn mầu sắc, cùng trên môt cành.  Xanh, đỏ, tím, vàng nhạt, đậm xẫm, nhung, tím đủ  mầu hết  -- mà thi nhân chưa một ai đặt tên   mầu cho nó cả
  .  Hoa đẹp lắm, nhưng sớm nở tươi tốt, chiều tàn rũ cành.  Chỉ cây thuốc phiện mới có cành hoa láo mắt muôn mầu, đủ sắc hương kia,  nhựa  vê thành thuốc thủ, nấu thành thuốc 
nước , đủ sức tàn phá kinh khủng  không kém bom nguyên tử, bom khinh khí, bom hơi,  hạt nhân ... gì gì đó.   

      Như là đối với cả một dân tộc lớn  Trung Hoa vào thế kỷ  XIX, thời kỳ chiến tranh nha  phiến do ngoại nhân  thổi vào  lục địa, dân chúng mắc nghiền, yếu ớt thể xác, lung lay tinh thần ,  làm tôi mọi cho đế  quốc Anh , chứ nói chi đến một người !

     Thường ra, người nghiện có mặc cảm nhiều, nửa hạ mình khi không thuốc, nửa làm cao, khi có thuốc rồi, nghĩa là týp người vừa  hạ mình vừa làm cao  chỉ trong nháy mắt . Cứ như thế đó !   Chồng nghiện sẽ ráng tập cho vợ nghiện,  dễ bề thông cảm.   Nhưng tôi quí mến me tôi nhất, còn ở điểm này, mẹ tôi không nghiền thuốc phiện  -- mặc dầu tôi biết rằng hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó khá giả. 

      Những sáng ngủ muộn, bao giờ tôi cũng trùm chăn kín đầu, để làm gì ư,  không muốn trông thấy những khuôn mặt thân thuộc rất đáng ghét; lẽ rằng, tôi thiếu nợ họ.  Tôi là người không muốn thấy người khác khó chiu về mình, lại phải thốt bằng lời; mỗi khi anh chị Nụ ( chủ nhà và nấu cơm trọ cho tôi ở xóm Chùa )  hởi tiền là một lần tôi muốn độn thổ . Tôi đành khăn gói ra  bến xe về Bà Rịa, nơi nhà bà cô.   Khi  ở trên đường , tôi nhất định nói với mình , phải  rất bạo dạn hỏi vay tiền.  Song lúc đến nhà , tôi  định mở miệng hỏi vay tiền  thì ấp úng, lưỡi tôi như muốn rụt vào, khó ăn khó nói làm sao ! .  Ý định cuối cùng, bởi lẽ, cô tôi khuyên nên thực tế hơn, làm văn nghệ không thể  nuôi sống nổi thân, tự làm khổ mình; trong khi cô chú` sung sướng.   
  
      Tất nhiên, khi trở về Saigon , chỉ còn cách trốn về nhà trọ cũ.  Tôi bèn lang thang ra  đường Lê Lợi , tạt vào quán  Kim Sơn ngồi uống cà phê, trải rộng nỗi sầu  vào nhịp  đời rong ruổi.   Lúc này , tôi thường gặp Quách Thoại .  Nhà thơ mà tôi gọi là  le poète maudit  cũng khổ sở, đau đớn không kém tôi . 

       Sau khi chết sầu thảm tại Nhà thương lao Hồng Bàng ở Chơ Lớn, xác vô thừa nhận, làm thí vật cho sinh viên Y khoa mổ  xẻ thí nghiệm bài thực hành.   Rồi tôi cũng không chịu nổi bệnh đạo đức giả  anh em ruột thịt của anh ta cùng bạn hữu văn nghệ nhóm Sáng tạo :  " lúc sống chẳng cho ăn, chết là văn tê ruồi"  -- tôi viết ngay môt cuốn sách  nhận định về thân thế nhà thơ kia * Gia đình thoại ở Huế cho rằng tôi vu cáo, lẽ, anh ruột của Thoại là Lý Hoàng Phong ở Saigon  - sao  nỡ để  cho tôi viết, đứa em ruột chết không ai chôn cất?.   Họ  định kiện tôi, sau chuyện này được bỏ qua.   Một bài báo từ Huế gửi   nhật báo Tự Do đăng,, báo này không đăng, một  bạn tôi làm ở báo ấy cho biết vậy. 
-----
*   HÀN MẶC TỬ + QUÁCH THOẠI, NHÀ THƠ SIÊU THOÁT / THẾ PHONG -  Đại Nam văn hiến xuất bản, in ro-nê-ô, giá 100 đ / cuốn , tái bản in ty-pô vào 1965. 
-------
     Còn tôi ,  sau ngày trốn nợ, cũng phải lấy can đảm về nhà trọ, cố mà chịu trận, nhìn nét mặt vặt ra đau khổ kia, như tự hành hạ lẫn nhau, chứ biết làm gì bây giờ ?!

     Có đêm thật khuya, tôi mới về nhà trọ.  Lúc vào buồng, tôi thấy buồn vô hạn và nhận thấy cô ruột nói có lý.  Khi nghĩ đến chị Năm Hưởng, một người  đàn bà miền Bắc vào Nam đã lâu  làm lẽ,  thuê buồng nhỏ bên cạnh, lên tiếng hỏi han tôi --     có  oản, chè, xôi chị để  dành cho  tôi để ở trong trạn .   Tôi được an ủi, cảm thấy đỡ đau đớn , trống trải tình thương, từ nơi chị Năm Hưởng  truyền sang tôi như mảnh đất khô cằn thấm nước, sau lần hạn  hán.   Rồi sau này, tôi đã để lại giọt máu của tôi trong bào thai của  chị.

     Một đêm, chán chường quá, tôi đã lần mò sang giường chị.  Lúc đầu, chị phản đối , từ chối và cho biết có một người nằm cạnh đang ngủ say.  Tôi lấy cớ, sang bên chị, để chi kể cho nghe cuộc đời bão táp kia, sau tôi sẽ viết thành truyện.   Chị Năm Hưởng dọa rằng sẽ mách anh ấy, vì tôi vẫn sang nhà chị chơi, gọi  chồng chị  bằng anh ngọt sớt.  Anh làm ở xa, lâu lâu mới về nhà một đôi lần.  Và anh ta xưng hô , gọi tôi  chú em. 

      Lần này, tôi nhất định không chịu nghe chi,cứ lăn ra giường chị, nằm cạnh bên .  Lúc đầu, chị từ chối, sau dần dần , chị cởi áo cánh, ty ôm lấy thằng em   ngỗ nghịch.  

    Sáng hôm sau, khoảng  3, 4 giờ đêm, tôi trở về buồng tôi .  Nằm thiêm thiếp trong chăn ru giấc ngủ muộn,  đã nghe  tiếng  lao xao  chị Năm Hưởng phân bua với chị Hai Nụ , chu nhà tôi cũng  chủ nhà chị.  Rằng đêm qua, có con mẹ đến  ngủ nhờ,  giận chồng sao đó, đến chơi rồi nằm lì  ngủ  lại.   Chị Năm Hưởng kể, đã đuổi đi rồi, ai lại lười như quỉ ấy, chồng  chê là đáng đời !  Riêng tôi, cười một mình trong chăn, nghĩ ra ẩn ý  đàn bà rất  lắm chiêu lạ  thật khó
 lường !  Như là bãi cát rất muốn được sóng biển ùa tràn lên mặt cát phẳng lì , mà lại rất muốn sóng biển rút nhanh xóa dấu tích .

     Từ đêm sau, chị không chối từ nữa,  đêm nào chưa  qua, chị lại hẹn, phải qua đấy nhé., chị chờ: 
      " Nhớ cẩn thận  nhé, cậu em đáng yêu của chị. "

      Tôi lại phải ra Bà Rịa lần nữa để  hy vọng vay tiền bà cô , vì chẳng còn chỗ nào nữa  .  Lần  này, tôi ra VũngTầu trước, vì có một đọc giả mời ra ngoài ấy chơi, như thư viết,  sau khi đọc tập truyện ngắn in chung *. Anh ta tự khai, quen họa sĩ trình bày bìa ,  nay bắt đầu viết văn và hiện nay làm chủ một  iệm thịt bò trên đường Phan Thanh Giản .   Tôi  ra ngoài ấy chơi, đổi gió xem sao; khi tìm đến nhà Trần Tĩnh. anh ta đang  mổ bò và bảo tôi về nhà  anh ngồi đợi.   Nhưng tới chiều tối, anh lại cho biết, phải về Saigon dự tiệc cưới-- và tôi tự nhiên   ngủ  lại một đêm , sáng mai anh trở về .  Trần Tĩnh có chiếc máy chữ xách tay Triumph  mới toanh, trông thấy mà thèm !   
-------
* tuyển tập truyện ngắn, thơ LÀM LẠI CUỘC ĐỜI ,  bìa Tạ Tỵ, Tuấn Giang chủ trương, gồm truyện ngắn của tôi làm  tựa sách, một hai bài thơ của  Tuấn Giang- Hồ Bá Cao , xuất ban ở  Sài Gòn năm 1956. 
------
      Hồi này tôi đang tập đánh máy chữ nên mải mê mổ cò.  Chẳng biết đánh máy cái gì, ngoài tờ khai sinh có trong người ra.   Thế là tôi gõ suốt buổi chiều hôm ấy.   Khi mở ngăn kéo, tôi thấy một gói lớn dán kín, ngoài phong bì đề :   " của nhà  triệu phú Trần Hoài ". Tò mò, tôi mở ra xem, thì trong đó một xệp giấy  500 đ.  Tôi đang cần tiền và đây là tiền, lại là tiền để dành của nhà triệu phú tương lai.  Ấy thế là tôi nảy sinh cái kế : cứ lấy đại đi -- tôi nghĩ đến chị Hai Nụ - đã có lần chồng chị nghi ngờ có tình ý với  tôi ,  chị không chịu thúc giục đò tôi  trả tiền cơm, tiền nhà.   

      Bật nhớ tời tôi còn  chịu nợ  2000 đ , tiến ghi sổ cà phê ở quán Văn Sửu trên đường Nguyễn Văn Sâm, mà hôm nọ ông chủ đã đòi khéo - khi thấy một anh Tây thực khách, từng  nạn nhân   quán  Văn Sửu  - vì  cho ghi sổ ăn, uống thiếu.   Chính ông Tây thực khách kia bị chủ quán kiện, anh ta bị bắt , giam tại Nha  Cảnh Sát Đô Thành .
    Tôi  quyết định về Saigon ngay với số tiền kia, rồi ra sao hãy hay !

     Khi trả nợ xong rồi, tôi bắt đầu lo sợ.  Những 10 ngàn đồng của triệu phú Trần Hoài chứ đâu có ít ?  Tôi bèn cắt tóc thật ngắn, điều này tự nhận ra ngay sự khôi hài đáng cười nhất, vì cho rằng, Trần Tĩnh sẽ không thể nhận nổi diện mạo tôi,    kể cả  cơ quan công lực có truy nã đi nữa. Bởi tôi tin thế nào Trần Tĩnh cũng sẽ trình báo -- ít lâu sau ở tòa soạn tuần báo Bông Lúa , nơi tôi   gửi bài , họ trả tiền theo bài đăng, nhận được lá thư  Trần Tĩnh.  Nội dung thư, nửa đe dọa nửa thương tình,  anh bảo đó là món tiền bạn anh gửi.  Tôi  đã mua máy chữ mới rồi chứ gì, anh khẳng định vậy, vì  anh có lý  khi anh thấy tôi nhìn cách say mê chiếc máy chữ Triumph của anh.  Trần Tĩnh khuyên tôi nên bán chiếc máy chữ ấy đi rồi gửi tiền trả anh, đồng thời viết tờ giấy vay nợ.    Tôi cười thầm , viết thư,  nhận có mượn của anh một số tiền, nhưng không nói bao giờ trả, hoặc đề cập chuyện có  mua máy chữ mới  hay không?   Làm sao anh có thể nghi ngờ, vì đang viết bộ Lược sử văn  nghệ Việtnam 1900-1956 mà tôi nợ nần nhiều đến thế.   Giọng văn trong thư lại pha  lối viết văn trinh thám  Kỳ Phát của Phạm Cao Củng  -- nào anh sẽ tìm ra thủ phạm ngay, qua vết tay tôi lưu tích.  Tôi rất lo mà cũng phải  thêm một lần bật cười .  Tôi trốn tránh anh, cho đến một  buổi chiều vài năm sau, tôi gặp lại anh, dáng người yếu ốm, mặt tái xanh, đi đứng thất thểu  từ trong  nhà hàng  Thanh Thế  bước ra.   .Anh cho biết, hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện Saint Paul.  Hỏi món nợ năm xưa, tôi chìa ra tờ hợp đồng ký bán tác phẩm cho nhà xuất bản Phạm Văn Tươi về cuốn Nhà văn tiến chiến 1930- 1945 ( tập 1 trong bộ Lược sử  văn nghệ Việtnam ) . Hợp đồng ký kết, tôi được hưởng 10 % trên  số lượng sách + giá trên bìa.  Tôi bảo anh, sách chưa được  phát hành, khi nào nhận tiền, tôi sẽ tim anh.  Và  tôi hứa đầu  tuần sau,  sẽ gặp anh ở bệnh viên Saint Paul -  ghi  dãy, số phòng, giường  vào sổ tay cẩn thận.  Nhưng rồi không có tiền,  nên tôi đành thất hẹn. Và truyện in sách không xuôio chèo, mát mái - tôi càng tức cười hơn khi nghe  Phạm Văn Tươi , sau khi đã đọc xong toàn bộ phê bình,  ông tươi klhông thấy tôi đề cập  một nhà văn dịch thuật in t rong loại sách 
" Học Làm Người  " của Phạm Cao Tùng là sao ?  * . Và  Phạm văn Tươi hoàn trả tôi bản thảo bộ sách phê bình, và  hủy giao kèo in  Nhà văn  tiền chiến 1930- 1945, đồng thời tặng tôi bộ sách dịch ra tiếng việt của  Philippe Giradet  -   nếu tôi viết bổ sung nhà văn Phạm  Cao Tùng, thì sẽ  gặp  nhau  bàn chuyện in ấn  sau.

-------
* Phạm Cao Tùng là biệt hiệu chủ nhà xuất bản Phạm văn Tươi . 
----- 
     Trở lại câu chuyện nhà  triệu phú Trần Hoài * , nay cũng là một tác giả cuốn tiểu thuyết 
Ngồi lại bên cầu, một vài cuốn  sách dịch, hiện thư ký tòa soạn tạp chí Văn .   
     Có đôi lần  gặp anh rất tình cờ ở một tòa soạn nọ, anh lờ tịt như không quen biết nhau, khiến Lê Ngộ Châu  giới thiệu :
      " .. đây là anh Thế Phong và đây là  anh Trần Phong Giao ".
-----
*  Trần Tĩnh, tên thật Trần Phong Giao .
---- 

      Cả 2 chúng tôi xiết tay nhau, không một ai nói với nhau một lời nào.  Và hẳn là  anh không thể quên tôi, dầu tôi cắt tóc cua ở bây giờ vì đó là tự ý muốn vậy.   Lê Ngộ Châu nhìn cảnh 2 người lơi là với nhau, anh bạn kia nhấn mạnh :
      "  Anh Trần Phong Giao là nhà văn có tiếng,  bây giờ là chủ bút tạp chí" Văn " đấy anh Thế Phong ạ ! "
     Nhưng hẳn rằng ,  anh bạn kia  không thể nói , không quen biết tôi,  thực ra giận hờn  tôi  chưa trả anh món nợ 10 ngàn đồng đấy thôi!
     
     Lại nhắc chuyện 10 ngàn đồng của nhà triệu phú Trần Hoài ở Vũng  Tàu.   Tôi dùng nó để trả nợ sòng phẳng và hào hoa biết mấy, vì toàn giấy 500 đ mới tinh,  chủ nhà thấy vậy,  lại tiếp tục   nấu ăn,  cho tôi ở chịu liền thêm 6 tháng nữa.  Tôi lại yên tâm ở nhà tiếp tục  hoàn tất bộ sách phê bình văn học chết tiệt kia !
   
      Sáu  tháng trôi qua mau, họ lại phải giục nợ, lần này tôi đành bó tay, ra đi trốn nợ, chỉ đem bản thảo đi, bằng cách chuyển nhiều lần; còn chăn, màn, va  li, quần áo để lại. 

     Trước đó, một cô vợ lính làm bé, bị bỏ rơi, cũng là người thuê nhà anh chị Hai Nụ., đó là Cô Năm Châu Đốc.   Cô thường kích dục tình ái nơi tôi, song tôi đành từ chối. Vì tôi hối hận  trải qua mối tình vụng trộm vói chị Năm Hưởng,  có thai, dọn nhà đi trước tôi.   Sau này, tôi đi tìm chị đôi lần đều không gặp, không  tin tức  gì về chị.  Bào thai mang  giọt máu của tôi, thì tôi chỉ có thể mua nổi cho mẹ con chị một chai Hépatrol duy nhất, bằng số tiến mà anh bạn đưa cho, bảo mua  thuốc lá Philip  mà hút .  

     Những lần có tiền muốn đến thăm chi Năm Hưởng,  ít ra để nhìn thấy bóng dáng đứa con, mà đành thất bạ, chẳng biết chị ở đâu hoặc , lưu lạc tới phương nào ?!.

    Tôi buồn, như chính mình bị cụt tay, hoặc chân.  bây giờ, đứa con kia, khi đọc tới dòng chữ này, bố nhắn :  " con nên đến gặp bố nhé !".   [] 

thế phong
  
   ( Nhà văn, tác phẩm cuộc đời / thế phong -
 Nxb Đại  Ngã tái bản, Saigon 1970 - tr. 29 -  49 ). 
       
      

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ