Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

nhà văn hậu chiến 1950- 1956 - thế phong - 7

 

                                nhà văn hậu chiến 1950 - 1956    - 7 
                                     thế phong

                                          
                                                         Tiết 6.- 
                                                     THANH HỮU 

       Tiểu sử .- 

      Tên thật Lê Trung  Hậu.  Sinh 1928 ở Hànội , qua đời ở Saigon 1994.  Trong giấy tờ tùy thân, năm sinh đề 1933.   Bắt đầu viết văn từ khi kháng chiến bùng nổ. Tác giả Vác Bom Ba càng ( trong  Tập văn Kháng chiến, 1947 ) .  Về Thành năm 1952, viết về đời sống kháng chiến, dưới bút danh Dân Tâm, và truyện ngắn đăng  tải trên các  nhật báo Tia sáng, Liên Hiệp, Nhân Quyền ..Thanh Hữu.   Năm 1954 di cư vào Nam , làm chủ bút nhật báo Thời Đại 
( cn: Nguyễn Thành Danh ),  chủ bút   tuần báo Việt Chính  (  cn: Hồ Hán Sơn ) , và bài vở đăng trên các  tạp chí Sinh lực, Văn nghệ tập san, Cải tiến ...tạp chí Sống ( cn: Ngô Trọng Hiếu )  

      2.Tác phẩm .-

      Chuyện tình người sinh viên  (  Nxb Tia sáng, Hànội 1952  ), Đợi anh về ( truyện dài đăng trên nhật báo Tia sáng, sau Nxb Hiến  Nam tái bản, Hànội 1953)... Chồng tôi muốn sống ( Nxb  Yên Sơn, Hànội 1954)v. v. ...
     Một số truyện dài khác đăng tải trên Tia sáng đặc san ( cn: Ngô Vân )  như Miếng cơm manh áo đăng trên nhật báo Thời đại , Chuyện chân thật   trên tạp chí Sinh lực.   Truyện sau cùng này vẫn tiếp tục đăng tiếp, khi chúng tôi viết về ông.  Thanh Hữu viết rất nhiều truyện ngắn, như Âm nhạc, Truyện một tâm hồn , Hoa hướng dương, Cô Mịch, Một chân tình... Viết  điểm sách ký bút hiệu Lê Công Tâm ( tạp chí Sinh lực, Saigon ).  

     3. Phân tích tác phẩm chính.

    Hầu hết những truyện của Thanh Hữu thiên về tâm tình xã hội.   Tác phẩm mang chủ đề xã hội thật sâu sắc, như tả  trong Miếng cơm manh áo  ( báo bị đình bản, ngưng nửa  chừng) .  Ông châm biếm sự lố lăng đản bà Việtnam  ở thành thị, chịu ảnh hưởng Tây phưng, trong truyện ngắn Cô Mịch.   Truyện tâm lý xã hội có hình tượng mới, không sao chép theo khuôn sáo cũ, như tiểu thuyết  thể hiện theo phong cách cảm nghĩ nhân vật  của thời tiền chiến.   Truyện dài Đợi anh về, tả một văn nghệ sĩ về Cổ Nghĩa thăm gia đình, rồi gặp Khánh, em họ của Phụng.   Khánh và Thanh quen nhau, rồi họ  thân thiết càng hơn.   Họ lấy nhau, chẳng được lâu, bởi bà Thoại âm mưu chia rẽ.   Tung tin Thanh qua đời ở mặt trận, khiến Khánh lo lắng đến trụy thai.   Rồi Thanh và Phụng gặp lại nhau, sau cả hai
 dinh tê về Hànội, rồi gặp Chí làm công chức ở Phủ Thủ hiến .  Thanh buồn bã, khi nghe tin Khánh lấy chồng, vì chính Thanh bắt gặp Khánh cùng chồng dạo phố.   Thanh cặp với vũ nữ, tên Kim, nhưng biết Thanh không thương mình -- còn chuyện tình cũ- sau Khánh bỏ di -- thì Thanh lại đeo đuổi Khánh.   Kết thúc, hai người gặp lại nhau, sắp hòa hợp thì một tin sét  đánh xảy đến, Khánh qua đời.

     Mục đích, tác giả lên án xã hội của Chính phủ Quốc gia  chỉ là bù nhìn , thân phận người dân lao đao, bị vây bủa.   Nhân vật chán kháng chiến về Thành, về rồi, cũng chẳng khá hơn, chẳng còn mục đích sống.   Nhân vật Thanh là chất liệu sống chính tác giả đưa vào truyện , một protagoniste trong truyện  Đợi anh về.   Đời sống  dân chúng trong kháng chiến và trong Thành, được tác giả tả lại thật sinh động, nhiều kinh nghiệm sống được phơi  bầy qua cảm xúc, hình tượng mới.  Tả Khánh sau khi được Thanh cứu thoát qua tai nạn máy bay  bỏ bom, Khánh thổ lộ tình yêu :

     "... Có lẽ hiểu rõ rệt không ai bằng anh, ra ngoài này anh nói chuyện :
     Phụng nói rồi đứng dậy.   Khánh đi theo.   Cả hai rẽ vào phòng trà Đống Đa, Phụng gọi:
     - Cho chúng tôi hai tách cà phê nhỏ.
     Phụng rút bao thuốc lá nội hóa hút một hơi.   Xong phút im lặng, giọng anh nhỏ dần bảo Khánh:
     - Cô  đừng  giấu anh.   Đứng bên ngoài anh biết lắm.  Cô đã cảm Thanh .
     Như một người sắp chết đuối vớ được mảnh ván, Khánh gục mặt xuống bàn :
     - Thưa Anh, thưa anh ... 
     - Đừng giấu anh làm gì, cô không giấu nổi anh đâu ?
     - Thưa anh vâng ..

     Tình cảm dân kháng chiến đối với lính thật thắm thiết, Thanh Hữu ghi lại rất chân tình; hình tượng phong thái của một thời đoạn sống:

     "... Rồi nàng sốc nách cho Thanh đứng lên.  Anh loạng choạng bước theo Khánh , người nóng như lửa đốt.  Hơi nóng ấy truyền sang da thịt Khanh làm người nàng chín rừ.   Bà hàng nước ái ngại, vội đưa ra chiếc gậy : - ủng hộ ông chiếc gậy nữa mà đi cho vững này.   Rõ trời đất  làm cơ khổ ..."
    
      Về xung đột quan nhân giữa già và trẻ :

     ".. Phụng bực quá.  Anh đưa thẳng đôi mắt sáng nhìn, khiến bà Thoại phải cúi đầu.  Nói là đập anh mới đúng :
    - Cụ bảo  cơ nghiệp ? Thế nào là cơ nghiệp ?  Thế nào là bấu víu ?   Nói cụ tha lỗi cho chứ như ý kiến nông nổi của chúng con, chỉ những hạng đàn bà bẻm mép mới nói đến bấu víu, mới nói đến cơ nghiệp.   Còn em Khánh con chắc không đời nào ?
     Bà Nam Sinh không biết nói sao dàn xếp ý kiến giữa bà bạn và một ông cháu ..."

     Quan niệm  luyến ái trên , Thanh  Hữu ghi lại  cảm nghĩ mới của thời sống mới.   ý kiến cá nhân lớp trẻ thoáng, tiến bộ hơn bảo thủ, lớp già.  Quan niệm lấy chồng bám viu vào chồng là  không tự lập, phải  tạo cho bản thân  một tư thế độc lập: như bảo thủ quan niệm, ăn sâu vào đầu óc; được tác giả lồng vào nhân vật.   Bây giờ đến lúc cô gái rượu được mời lên hỏi ý kiến :

      ".. Thưa mợ, con  có tìm ra một tính xấu nào của anh ấy để từ chối nhưng không tìm nổi.  Anh ấy gian dị, quý mọi người và được lòng tin tất cả bạn bè.  Nên thưa mợ, con bằng lòng ..." 

     Nói về tuần trăng mật một thời đoạn kháng chiến  của đôi vợ chồng mới :

    "... Trong khi đó, Thanh thuê một chiếc thuyền nhỏ đưa Khánh đi ngắm trăng trên dòng sông Vân Đình.   Cặp vợ chồng trẻ nhìn trăng, trăng trải xuống cả một dòng  nước mênh mông và gợn lên mấy viền mây trên  nền trời, Khánh sung sướng ngả đầu vào vai chồng nũng nịu :
     - Em chỉ biết nói là em sung sướng.   Ban nãy nếu anh bảo em không đóng kịch thế là còn lung ta  lung túng  to với các anh ấy ...
     Thanh cúi xuống hôn trán vợ.   Anh nhìn vầng trăng, rồi nhìn dòng nước hỏi :
     - Có nghĩ gì không em ?
    - Em đã bảo em chỉ biết nói là em sung sướng mà.   Thế anh đang nghĩ gì thế ?
    Thanh trầm ngâm :
     Anh nghĩ rằng anh sẽ viết vào nhật ký tả đêm hạnh phúc đầu tiên của chúng mình rất văn nghệ, rằng : ". Dòng nước  đêm nay lóng lánh những ngấn bạc làm dáng cho bờ tre phải thì thào yêu trộm dấu thầm ..." 

      Giai đoạn hồi cư của Khánh , tác giả tả lại thật linh động. Này nhé, cô em họ nhìn bà chị còn trẻ măng đã có chồng một lần ; khi chiến tranh từng  tưng giây phút làm người ta lo âu, đáng lý phải già đi hàng chục tuổi.  Như Hữu Loan từng thốt lời  :' Lấy chồng đời chiến chinh / Mấy người đi trở lại ".
Và  ở đây, nghe Thanh Hữu kể :

     " Khánh tát yêu má em ;
     _ Cô mong cho chị chóng chết  ư ?   Thế nào cô em gái của tôi  bao giờ cho chị đi xe hoa đấy ?
    Liên vô tình lườm chị :
    - Còn chị đấy! Bao giờ chị đi lấy chồng thì em cũng đi lấy chồng. 
     Khánh chợt buồn :
     - Liên ạ, em có bao giờ nghĩ rằng chị góa chồng rồi không ?
    Liên sửng sốt hỏi Khánh :
    -Ờ, thế mà em không biết ?
    Khánh cười cay đắng :
    - Chị lấy một chàng văn sĩ hậu phương.  Anh ta bị chết ở Chợ Chu Thái Nguyên ..."
   
     Vợ chồng Khánh Chí vào quán cà  phê  gần rạp xi- nê Ciro's  ( Hànội  để người chồng cũ bắt gặp Khánh.  Cùng đi với cô ,có Phụng ( tr. 109) , Song đến tiết 5  (  trang 112 )  Thanh Hữu lại mô tả cảnh hậu phương , mà lúc trước không giới thiệu cho đọc giả biết Thanh  và Phụng đã hồi cư.  Nếu tác giả đưa lên tiết 5 ( trang 112 trước trang 109) đọc giả dễ nhận ra , không bị ngỡ ngàng.   Hình như  tác giả cũng nhận được điều này , nên ở trang 120, tác giả nhắc lại đoạn Thanh và Phụng đã trở về Hànội :

     " ... Trời, anh Thanh .
    Vì rõ ràng Thanh còn sống .   Anh cũng uống cà phê, nhưng mắt lơ đãng để tận đâu đâu ? Mắt Phụng quay lại. Anh cũng trông thấy Khánh rồi  ..
   
      tiết 5, bắt đầu :

    " Khóa học có ba tháng thì bế mạc.    Trên đường về, đầu tiên là gặp Phụng   để hỏi thăm tin tức Khánh ..".

      Lối tả chân rất đạt, thái độ ti tiện, rắp tâm bắt chồng cũ vào tù, để mình rảnh rang cướp đoạt vợ người :

     Dạo này Chí  có vẻ nghĩ ngợi lắm và đi vắng luôn.   Ngày hai buổi phóng xe mô tô lên Phủ Thủ hiến làm việc, có khi anh đi biệt cả buổi trưa không về ...
     
    Và âm mưu của rể mới đối với mẹ vợ :

     "  Bà Nam Sinh cười lấy lòng con rể :
       - Vì  anh yêu nó chứ còn vì gì ?   Anh này đến lôi thôi .
      Nhưng Chí không cười .  Anh nói thẳng một hơi làm cho bà  choáng váng người :
      - Không mợ ạ.  Nó hư hỏng, chứ nào có trinh tuyết ( sic - trinh tiết )  gì cho cam.   Này nhé, con nói thật, có phải nhà con đã lấy thằng văn sĩ ở hậu phương ? 
     - Phải .
     - Thế mà thằng Thanh còn sống, mợ lại nói dối con là chết rồi.   Chăng cần phải dài dòng văn tự gì , con đã đến lúc nói thẳng :" chính là vì cái nhà " .
      Bà Nam Sinh giận run lên, nhổ toạt ( sic - toẹt )  bãi cốt trầu  xuống sân đá hoa mịn màng:
      - Đồ đào mỏ.
    Chí vẫn cười châm chọc :
     - Ồ đào mỏ là một tính tốt chứ sao ?   Mợ đã biết tin thăng văn sĩ Thanh" ấy đang ngồi sám hối trong Nhà Hỏa Lò Hànội".  Chính không phải vì ghen, vì yêu nhà con mà con để nó vào.   Chính vi muốn bảo vệ cái nhà này khỏi sang tay người khác nên con phải cho nó vào tù để khuất mắt.   Nhưng nhà sắp bán, tình của chúng con đã hết rồi .
     Bà cụ Nam Sinh tái sắc, nói gần như rít lên :
     -Anh khốn nạn !  Tôi không ngờ anh đểu giả đến thế ?
     Chí hừm một tiếng khinh bỉ :
     - Thế nào là đểu giả ? Mợ nhầm, ví tính chuyện" buôn vợ chồng" này, mợ và con" được lãi" mới đểu giả chứ ?
     
     Tác giả xếp đặt  nhân vật Thanh về Tề đột ngột, khiến đọc giả không biết -- lại tới đoạn cho Khánh ly dị với Chí cũng lại đột ngột.   Này, Khánh đến thăm Thanh, có một đứa bé đến nhà này cũng đột ngột nữa, vì đứa bé ấy nhận được tấm ảnh của Khánh treo trên tường là mợ ( mẹ).  Người đọc  có cảm tưởng, khi tác giả viết đến đây, muốn tạo cho đọc giả ngạc nhiên; kiểu cú đột biến  màn kịch  đang diễn ra.   Nhưng chính vậy, lại không là nghệ thuật cao trong tiểu thuyết dàn dựng:

     ".. Cậu bảo cháu  có mợ.   Mợ cháu đấy, cậu bảo cháu, mợ ở phố Hàng Cót, nhưng cháu quên rồi.  Mợ cháu đi lấy chồng nên cháu giận lắm ..."

     Đoạn tả Khánh và Thanh găp  lại nhau, tác giả dường như muốn trả thù cho  nhân vật bị thiệt thòi trong đường tình ái, ông viết với giọng thật nghiệt ngã.   Nhà văn bị vợ bỏ, đi lấy chồng mới, hồi sau hối hận, biết chồng cũ chưa qua đời, nên ly dị chồng mới, trở về tái hợp với chồng cũ.    Hãy cùng thưởng thức đoạn văn viết rất hay  của tác giả :

     "..- Kìa  bà lại đội khăn tang .   Chúng tôi được anh Phụng cho biết quá muộn, nên không kịp đến đưa đám cụ.   -Kìa bà ngạc nhiên sao ? - Không, không có gì hết.   Ở đây chúng tôi  bao giò cũng chỉ có sự  thủy chung và phải sống bằng nó.   Tôi và anh Phụng có đến hỏi thăm, nhưng không may chi có cô Liên ở nhà .   Cô ấy lại bảo bà xuống chơi nên vội về ngay để tiếp.  - Sao bà lại khóc ?  Ờ, cụ mất đi chỉ là số mệnh như chúng ta cách xa nhau chỉ vì số mệnh.   Tôi và anh Phụng đã biết.    Nhưng thưa bà không phải chỉ bây giờ mới biết mà thôi đâu.   Tôi còn biết sớm hơn kìa, biết từ ngày gặp lại nhau ở quán cà phê  " Ciro's ".  bà vẫn khóc, ô hay ..."

      Nhân vật Thanh trong  Đợi anh về   chính là tác giả, một văn sĩ từ hậu phương  hồi cư trở về, là một  " protagoniste "( chính minh đóng vai chính )  diễn tả rất sinh động, phong phú.   Rất dễ giận, lại dễ làm lành, khi tự ái được ve vuốt .   Thanh giận vợ cũ đi lấy chồng, gặp nhau, xưng hô bằng " ".  Rồi vợ cũ năn nỉ, van xin " trước khi quên em đi, anh hãy gọi " em "  một lần cuối cuối cùng "  ( trang 215) , Thanh mủi lòng  ngay, không còn gọi bằng" " nữa, mà : " Khánh em ! Em tủi và giận anh thật sao ?" ( tr. 216 ) .

      So sánh nhân vật Hồng trong Chồng tôi muốn sống  ,  nhân vật cũng là văn nghệ sĩ từ hậu phương về sống ở Hànội ( là phân thân tác giả đóng vai chính ) , nhân vật,  chàng văn sĩ cũng dễ mủi lòng, khi tự ái được vuốt ve.  Đây là đoạn văn trong vai phân thân

     "-... Vừa  nói Hồng vừa gỡ tay Hoài.   Nhưng quá tuyệt vong, Hoài níu chặt tay, một
 [ tay kia níu ]  lấy  chân  Hồng.   Không cho anh đi một bước. Nước mắt Hoài tầm tã, ướt cả quần  Hồng.   Đời em chỉ chịu quỳ dưới chân anh Hải của em.   Em không giữ nổi nữa em không tự dối lòng nữa .  Em đã quá yêu rồi ..."

     Trở lại với" Đợi anh về " , tác giả nhân mạnh: " không nên đợi anh về " , vì thời chiến " dễ mấy người đi trở lại " , như câu thơ nào đó của Hữu Loan  ở kháng chiến  nhắc các nàng phải biết đợi chờ.   Tác giả  Thanh Hữu tạo một lý do chờ đợi, như :

      "... - Không, em đừng nên nghĩ vì một lý do gì cả.   Nêu em nghĩ rằng đới trai thời loạn, sự sống, chết, chỉ là hai chữ đứng bên nhau thì em  ơi : " Em đừng đợi anh về nữa.  Em có thể đi lây chồng được rồi; nhưng dù sao, cứ nên tâm niệm rằng, trên đời này còn có một kẻ tha thiết yêu em ..."

     Nhà văn là kẻ nhiều tình cảm hơn ai hết, với tình yêu vẫn thích được đau khổ, và trong đau khổ cam chiu được  ẩn chứa  niềm sung sướng âm thầm.  Khánh ly dị chồng mới, chờ chồng yêu cũ trở lại - với Thanh, phải  cần 5 ngày nữa mời trả lời dứt khoát được.   Trong 5 hôm chờ đợi ấy, sau tác giả  kết thúc băng lá thư rất  bi đát, báo tin Khánh chết đột ngột :

      "... Mùa xuân  năm sau, Phụng lại gặp Thanh ở Hải Phòng.   Đôi bạn dắt díu nhau vào một bàn khuất tịch.   Bé Thảo không líu lo như trước nữa mà im lặng như một cái máy.   Phụng nhìn đứa bé, chợt hỏi: " - Đầu tiên tớ phải báo cho cậu biết tin buồn: cô Khánh đã chết ..." (...) 
        Thì Thanh đáp:-" Cậu này, bình tĩnh nghe tớ kể. Mà thôi kể làm gì khi sự đã rồi.  Con rắn ấy mà chưa tuyệt nọc thế nào cũng còn nhiều người khổ vì hắn. Hắn lại  bắt tớ.   Lá thư ở trong tù có nghĩa gì khác  là việc âm mưu bắt người trong cảnh phải nại ra  lá thư của mình ..." 

      Kết luận tuy   bớt sự  tàn nhẫn đột ngột , Thanh nại cớ, bị Chí bắt bỏ tù lần thư 2.  Rồi Thanh được kiện, thì Chí lại bị vào tù.   Sau khi ra tù, Thanh không hề đến tìm Khánh hoặc   Phụng, để Thanh  biết tin về Khánh .   Một năm sau,  tình cờ Thanh và Phụng gặp lại nhau ở Hải Phòng, nên Thanh mới trả lời Phụng như vậy.
   
     Khi Thanh vào tù lần đầu, có người săn sóc, lần này, giả dụ,  Thanh có bị vào tù nữa, hoặc đi Saigon ( theo một thư khác gửi cho Khánh )  mà chẳng lẽ không ai hay biết ?
    
      Thì đó là  sự cố ý  của tác giả kết luận : 
     " ... ái tình đến với Thanh thì Thanh từ chối, ái tình mất là Thanh đuổi theo ".

      Tác giả  quan niệm rằng, cuộc đời này đầy bỉ ổi, lọc lừa -- một khi hối hận -- thì có sự chết  mới đền bù được phần nào lầm lỗi. 
  
      Trong Chồng tôi muốn sống , Thanh Hữu từng phân thân, nói về  đời sống nhà văn ở Hànội đau khổ về tình yêu hạnh phúc, cũng như tình bạn như  ra sao  ?   Song, chỉ khác một điều, nhân vật Hồng ( nữ )   thật chung thủy-- không như Khánh trong Đợi anh về .   Rồi  Hồng lại chết, để trả nợ đời; bởi nhân vật không phân biệt được chung thủy của Hoài đối với nàng -- lối sống vắt tim óc của chồng để làm đẹp cuộc đời mà cuộc đời lại quên lãng !

     Kết luận.- 

     Tiểu thuyết tâm lý xã hội  tiến bộ của Thanh Hữu, qua 2 cuốn, nói về cuộc sống nhà  văn kháng chiến, điển hình cho một hình tượng mới được viết về thân phận nhà  văn
thời ly loạn.   Khác hẳn truyện của nhà văn tiền chiến viết về đời họ, cũng lấy nhân vật từ đời mình làm động lực chính cấu kết thành tác phẩm -- thì Thanh Hữu làm mới lại trong văn chương tự-sự-kể hóa tiểu thuyết  về cái mới đã sống trong thời  kháng chiến , hậu chiến .   Nghệ thuật viết, Thanh Hữu  thuộc týp nhà văn   giầu lòng nhân ái, văn chương đầy nhân bản tính, qua một bút pháp tài hoa. 

                                                             ( Còn tiếp )
    thế phong 
   ( trích  NHÀ VĂN HẬU CHIẾN 1950- 1956,  tập  3 / Lược sử văn nghệ Việtnam 1900-1956 / ThếPhong -
        Đại Nam văn hiến xb, saigfon 1959, 1973 ). 




0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ