Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

nghêu ngao với HẠ - tạp văn : lữ quốc văn

nghêu ngao với HẠ
tạp văn: lữ quốc văn 


                                         nghêu ngao với HẠ
                                                  tạp văn : lữ quốc văn



    -   phạm quỳnh làm thơ , sao lạ vậy hề  ?!

   - ... 'thượng chi văn tập tái bản ' không in lại những bài ca tụng chế độ bảo...' 

    - phạm quỳnh tự ngôn, ' vô tựu trung vàng thau lẫn lộn, lựa chọn cho được ...

    - nàng hạ cơ  mắt phượng mày ngài, được truyền cho phép hấp tinh đạo khí, sau mỗi lần yêu đương, thì, 3 ngày sau ...

   -  khuất vu lại can công tử Trác, '  vưu vật hại người chồng chết yểu, vua bị giết, con phải phân thây, ... không nên ...

     -  thời xuân thu chiến quốc, chỉ một hạ cơ, giai nhân diễm lệ vô địch, làm say ...

      -  cũng ở thời xuân thu chiến quốc , một nam nhân , 
tên có  chữ hạ, khí tiết cao, lạnh lùng, thờ ơ với nữ sắc, đói ăn cỏ , ngồi dưới gốc liễu ..

       - nôm na, ' hạ đường là bỏ vợ chính'...


----     

Hạ là mùa hè. Dùng cho khéo, chữ nào cũng được cả. Nên, Yên Đổ viết :
           Tháng tư đầu mùa hạ
           tiết trời thật oi ả
và :
           Ai xui con cuốc gọi vào hè
           cái nắng nung người nóng nóng ghê

Những ngày đó, nóng ghê.  Nhất là ở miền bắc, ngày nóng đến chảy mỡ mà đêm cũng hâm hấp.  Cứ trằn trọc đến bã người, vừa thiu thiu ngủ được một tí, thì đàng đông, mặt trời đã đỏ ối.   Các cụ ta phải than :
        Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng.

Thời Phú lãng sa chưa sang, quạt tay là phương tiện tối ưu để tẩy nóng.  Co thế, Hồ xuân Hương mới ỡm ờ:
       Mát mặt anh hùng khi tắt gió
       Phì phạch trong lòng đã sướng chưa ?

Tai quái thế này , phải nhờ cụ Trạng Quỳnh, 'làm sương cho sáo ? '

Cái quạt tay cũng đa dạng lắm ! Quê mùa dùng quạt mo, ấm ớ là , anh quạt nam còn yểu điệu, có cô quạt giấy tím chân kim.  Buôn gánh bán bưng, cứ ngồi phệt xuống, hạ cái nón, vung tay cũng mát lòng hả dạ.

Còn nhà giàu ?  Nằm phưỡn bụng, bắt tên hầu cầm quạt lông, phẩy từng cái.  Phởn ý,  vài ba cụ chén chú chén anh, có sẵn cái quạt vải kéo , thả lơ lửng cho thằng nhỏ, đưa đi kéo lại, kể cũng thú.  Nhưng rõ là người quạt người!

Do vậy, giàu nghèo, đều mong một cơn gió.  Ông Trời chơi khăm, nổi gió tây, thì, đúng là hắt thêm lửa vào ruột. Da cứ rộp lên, trẻ nổi rôm sẩy, khóc điếc tai.

Ai từng qua Nghệ, Tĩnh hay ghé Quảng trị, vào khoảng tháng 4, tháng 5, hẳn nhớ đời ngọn gió Lào.
Cái khăn ướt sũng, vắt lên vào một loáng, khô giòn.  Nhưng gặp mội nước róc rách mà trong suốt  - mát lạnh, tắm, sướng, sướng hết biết !

Ngày hè năm 1984, người viết dừng bước ở thị trấn Kỳ anh- Hà tĩnh, thấy có một người làm ruộng từ nửa khuya, để sáng nghỉ - hầu tránh nắng và gió nung , nấu.  Ai tham công, tiếc việc, phải trốn mình trong áo tơi dày, thêm cái nón lá, khăn vải bịt mặt, mới có thể gồng mình, chống lại những tia nắng chói chang như thiêu , như đốt.
Các anh chị Ả rập, choàng áo vải kín mít, chắc chắn đã sử dụng kinh nghiệm của dân  ta ?.
Nắng cháy người, phải, ước ao ngọn gió nồm.

Gió chuyển dịu dàng mà [làm] tỉnh người, mát từ bụng bay ra. Lúc ấy, có túm vải thiều, chùm nhãn lồng, hoặc, vài  trái mận đỏ, cứ gọi là thèm đến chảy nước miếng !

Cảm giác khắc khoải, mong đợi ngọn gió lành, được Yên Đổ, viết :
        Mong được nồm nam cơn gió thổi
        Đàn ta, ta gảy khúc Nam nghe.

Khúc Nam là khúc hát  ca ngợi gió Nam. Thơ xưa, tán :
       Nam phong chi huân hề
       Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn
       Nam phong chi thời hề
       Khả dĩ phụ ngô dân chi tài
dịch:
       Gió mát từ phương nam chừ
       Có thể rũ bỏ cho dân ta nỗi ấm ức trong lòng
       Gió nam đúng thời chừ
       Có thể giúp cho dân ta thêm của thêm cải.
Vậy Nam phong là ngọn gió nồm thổi tan biến mọi nung nấu.  Một hy vọng những đổi thay tốt đẹp.

Đó là tâm trạng dân Bắc hà, vào những năm cuối đời Tây sơn Nguyễn quang Toản, mà, Gia ngô văn phái đã dẫn trong ' Hoàng lê nhất thống chí '.
     ' Mỗi khi có gió Nam nổi lên thì nhân dân các trấn lại nói với nhau,' Chúa cũ ra đấy!'
       BẢN DỊCH VĂN HỌC
Và, ca dao đương thời, cũng có câu :
        Lạy trời cho cả gió nồm
        Để cho chúa Nguyễn thuận buồm trẩy ra

Thế, Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh, chủ nhiệm + chủ bút ' xuất bản từ tháng Juillet năm 1917 đến tháng Décembre 1934, thì, đình bản - tất cả được 17 năm và 210  số '- nhiệt liệt cổ động độc giả quyên góp tiền bạc giúp nhà nước Tây: 
        Rồng Nam phun bạc
        Đánh đổ Đức tặc
trong khi, nhiều nhà ái quốc lại mong Đức thắng Pháp [trong] đệ Nhất thế chiến 1914-18, để, cơ hội thâu hồi độc lập được thuận lợi hơn, thì, mục đích tờ báo mang 2 chữ Nam phong là gì ?

Dương quảng Hàm nhấn mạnh:  ' Tạp chí ấy có 2 mục đích chính sau này :  1) Đem tư tưởng học thuật Âu, Á, diễn ra tiếng ta, cho nhưng người không biết chữ Pháp, hoặc, chữ Hán, có thể xem mà lĩnh hội được.  2) Luyện tập quốc văn, cho nền văn ấy có thể thành lập được .
   (VĂN HỌC SỬ YẾU / DƯƠNG QUẢNG HÀM )
Vũ ngọc Phan [thừa] nhận ,' Trong 16 năm chủ trương tạp chí Nam Phong, ông [ta] đã xây đắp cho nền quốc văn được vững chắc '  ,
     (NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI)
Thật đau đớn, con đường hoạn lộ đã giết chết con người văn học, ' Từ năm 1933 trở đi, tức là ngày [mà], Phạm Quỳnh thôi không chủ trương tạp chí Nam Phong nữa, tạp chí mỗi ngày một sút kém, một non nớt '.
    (VŨ NGỌC PHAN)

Vì, từ năm 1932, Phạm Quỳnh được vời làm Ngự tiền văn phòng cho vua Bảo Đại, kiêm thượng thư bộ Học, rồi, thượng thư bộ Lại ( giữ việc bổ nhiệm, bãi miễn, thuyên chuyển các quan) khiến [ông ta] ,  sinh tại Hải dương, mà , bị xử bắn tại Huế, ngày 23-87-1945, hưởng dương vừa 53 tuổi!.
( Ôi, cái hạn người xưa đã sợ, ' 49 chưa qua ,53 đã tới ', thực là tệ hại !.

  Chính những phát biểu của Phạm Quỳnh, đã đưa ông tới tử vong ,' Ai phản đối nước Pháp, tất là, người không ái quốc  , vì, làm ngăn trở cái công nước Pháp đã kinh doanh cho giống nòi An Nam được cường thịnh '. 
     ( NAM PHONG, SỐ 6 - DẪN LẠI THEO  NGUYỄN VĂN TRUNG).

Nhưng, năm 1996, tôi ra chơi Hànội, và, được anh Vũ Kiên , ( người trong thân tộc, nguyên vụ trưởng vụ Công tác chính trị bộ Y tế ) cho coi bài thơ Khóc bạn ,
       Vừa mới nghe tin vội giật mình
       thôi thôi cùng kiếp phù sinh
       trăm năm sự nghiệp bàn tay trắng
       bảy tấc tang bồng nấm cỏ xanh
       sống lại như tôi là sống nhục
       chết đi như bác thế là vinh
       suối vàng  bác có dư dòng lệ
       khai hộ cho tôi nỗi bất bình .
         PHẠM QUỶNH, 1932
Bài thơ khóc thượng thư bộ Canh nông Nguyễn gia Huy mất 1932, hưởng dương 19 tuổi, do con gái thượng thư, bà Nguyễn thị Lộc, đọc lại cho Vũ Kiên nghe tại nhà , ở đường Lê quí Đôn, Hànội, vào 1992
.
Tôi bàng hoàng, Phạm Quỳnh có một tâm sự ấp ủ,[mà] không ai hay ?

Đầu năm 2002, nhà văn Hoài Anh, nói với tôi, ' Ông để ý, trong ' Thượng chi văn tập' không in lại những bài ca tụng chế độ bảo hộ '.
Thực vậy, tôi có bộ ' Thượng chi văn tập'  ( Ed. Alexandre de Rhodes, Hà nội )Tự ngôn, mở đầu của  Hoa đường Phạm Quỳnh, đề, tháng 6 - 1943, có những câu, ' Vô tựu trung vàng thau lẫn lộn, lựa chọn cho được toàn bích, đáng để lưu truyền cũng khó lắm.. Cho nên tôi cũng vui lòng lựa lấy ít nhiều bài gọi là nghe được .'
Mở sách, bài thứ nhất , 'Nghĩa  vụ là gì ? ' - bài 2, 'Sự giáo dục đàn bà con gái - bài 3, 'Thơ ta, thơ tây '  - bài 4, ' Văn quốc ngữ  -  bài 5, 'Nghĩa vụ nhà làm báo '...

Suy tưởng mà ngậm ngùi ! Biết nhau thì dễ ! Hiểu nhau, khó vô cùng !

Trở lại những bài thơ mùa hạ của Yên Đổ, chúng luôn được gửi gấm một tâm sự,
          Nỗi ấy biết cùng ai
          Cảnh này buồn cả dạ !
hoặc:
        Đầu cành kiếm bạn oanh xao xác
        Trong tối đua bay đóm lập lòe

Riêng Tình sầu của Huyền Kiêu ( 1915-1995), mùa hạ đỏ rực rỡ và đẹp huyền ảo, với, mái tóc xõa bay trên dải tơ vàng bên suối,
       Hạ đỏ có chàng tới hỏi
       Em thơ, chị đẹp em đâu ?
      ' Chị tôi tóc xõa ngang đầu
       Đi giặt tơ vàng bên suối .'

Và, ở thời Chiến quốc, có một mỹ nhân, mang tên với chữ HẠ, mà, trái tim cũng nồng nàn, rực lửa mùa hạ,

Hạ Cơ, người nước Trịnh,' Mắt phượng mày ngài, môi son má phấn... ai trông thấy cũng  phải tâm thần mê mẩn '. ( ĐÔNG CHÂU LIỆT QUỐC/ bản dịch : Nguyễn đỗ Mục).
Năm 15 tuổi , mộng gặp thượng tiên .  Sau , hoan hỉ được truyền cho phép hấp tinh đạo khí, kỳ diệu [đến nỗi],  sau mỗi lần âu yếm, thì, chỉ 3 ngày lại rực rỡ trinh trắng.

Chưa lập gia đình, đã lén lút với công tử Man, nước Trịnh , được 3 năm, thì, công tử Man ốm quắt queo, rồi  lìa đời.
Quan Tư mã coi việc quân  nước Trần, Hạ ngự Thức cuối về, sinh con trai Hạ trung Thu được 12 năm, ông lìa đời. Hạ Cơ lại tư thông cùng một lúc với 2 quan đại phu: Khổng Ninh, Nghi hàng Phủ và cả vua nước Trần là Trần linh Công.
Hạ trung Thu 18 tuổi, giỏi bắn cung [vua] Trần linh Công muốn lấy lòng mẹ + con, liền cho Hạ trung Thu nối nghiệp cha , làm Tư mã coi binh quyền. Một chiều, cả 3 vua, tôi [cùng] đùa cợt, ' Mẹ hắn đa tình, chắc hắn là giống tạp chủng ...'.

Nghe được, Hạ trung Thu bắn chết [vua]Trần linh Công, còn 2 gã kia, trốn biệt xứ.
Sở Trang vương mang quân giết Hạ trung Thu, bắt ' Hạ Cơ đà tươi đẹp, nét mặt lại dịu dàng, Sở Trang vương trông thấy , tâm thầ cũng mê mẩn', định nạp cung, thì, đại phu Khuất Vu, can, '  Nếu lấy Hạ Cơ, thành ra người ham sắc, sao, làm bá chủ được ?!'.

Công tử Trác xin nhận, Khuất Vu lại can, ' Vưu vật hại người, chồng chết yểu, vua bị giết, con phải phân thây, nước Trần tan nát... không nên !'.
Thâm ý, Khuất Vu muốn lấy nàng .

Nhưng, vua lại gả cho Tương Lão vừa góa vợ.  Tương Lão ra trận, nàng [ở nhà] tư thông với Hắc Yêu, con trai Tương Lão.  Chưa đầy năm, Tương Lão tử trận, Hắc yêu mê muội, không đi tìm xác cha.

Khuất Vy bèn lập kế, xui Hạ Cơ xin về [nước]  Trịnh, rồi [ Khuất Vu] sang Trịnh, thành thân với Hạ Cơ. hai người sang nước Tấn ở.
Vua Sở cả giận, giết hắc Yêu, trị tội tộc đảng Khuất Vu, Khuất Vu  làm quan với nước tấn, dạy phép xa chiến cho Ngô, hại Sở.  Sau, quân Ngô hùng mạnh, nhờ chiến xa mà sang tàn phá  nước Sở.
Suốt thời Xuân thu chiến quốc ( 770-221), chỉ có một Hạ Cơ  là giai nhân xử nữ, cao tuổi mà nhan sắc vẫn diễm lệ, làm lòng người say đắm , và , tất nhiên không thể không gây nhiều hệ lụy.

Nhưng thời Chiến quốc ( 403-221) có  một nam nhân, tên có chữ HẠ, nhưng, nổi tiếng về thờ ơ nữ sắc, đó là Liễu  hạ Huệ, họ Lỗ, tên Triển Cầm .
      (CHIẾN QUỐC SÁCH/ GIẢN CHI+ NGUYỄN HIẾN LÊ).
Giới biện thuyết , khí tiết cao, lạnh lùng.  Đói, ngồi dưới gốc liễu, nhổ cỏ ăn, nên gọi Liễu Hạ Quý, ở ấp Hạ Huệ, có thêm tên Liễu hạ Huệ.
Một đêm, ông ta đang đọc sách, bạn bè cho một giai nhân, xiêm  mỏng manh,  ép ngồi trong đùi  ông ta mà nghịch ngợm -  bèn, một tay   cầm sách, tay kia ôm người đẹp vào lòng.
Sáng hôm sau, bạn bè xúm lại, hỏi, y thị thẹn thùng, ' ngồi trong lòng ông ấy, lạnh buốt như ngồi trên băng giá ...'.

Đồng âm với  hạ, nhưng khác nghĩa, có hạ, nghĩa là dưới - hán văn tượng hình bằng nét ngang, chỉ mặt đất, có thân cậy cắm xuống, rễ đâm ra.

Kinh thi có 3 bài thơ Hạ tuyền ( suối chảy xuống), phong dao của nước Tào, tình ý u hoài.
Bài thứ nhất:
        Liệt bỉ hạ tuyền 
         Tẩm bỉ bao lang
         Khái ngà ngộ than
         Niệm bỉ Chu cang ( kinh)
dịch nghĩa,
        Nước  lạnh kia, con suối chảy xuống
        Thẩm ngập kia những bụi cỏ lang
        Làm ta thức dậy mà than thở
        Nhớ đến kinh đô nhà Chu kia.
Tạ quang Phát, dịch ,
        Cứ chảy xuống lạnh tê nước suối
        Ngập ủng ngay những bụi cỏ hồng
        Thở than thao thức bàng hoàng
        Chu triều đô cũ mơ màng nhớ trông.

Chu Hi giảng, đại ý, 'thơ thể tỉ mà hứng. Suối nước lạnh chảy xuống, khiến những cỏ lang ngập nước mà thương tổn. Khác nào nhà Chu suy, khiến các nước nhỏ khốn khổ, lao đao. Than thở mà nhớ đến kinh đô nhà Chu xưa thịnh trị, mà, nay điêu tàn .

Thơ cổ cũng có nỗi niềm tâm cảm đầy những xót sa.  LIên quan với từ đó, cũng có nhiều chuyện vui vui.

Chuyện dân gian kể rằng,' có ba sư trẻ đang ngồi phơi kinh ở sân chùa, thì, có 4 cô gái nhí nhảnh lên chơi.'
Các sư ông ngẩng mặt lên, nhìn , ' thấy các cô mặt mày xinh xắn, áo tứ thân nay phất phới, thì, lòng trần vẩn động, ngây người ra mà ngắm, ngồi không yên, nhấp nhổm.'
Một cô tinh nghịch, đọc câu đối:
      Tam nhân liên toạ
      Thượng hạ lục đầu  
nghĩa:
     Ba người ngồi liền nhau
     Trên dưới có sáu đầu 
Bất ngờ, các sư lúng túng. Các cô cười khúc khích, diểu cợt. May mắm, một sư trẻ lanh trí, đáp,
     Tứ nữ đồng hành
     Tung hoang tứ khẩu
nghĩa:
     Bốn cô cùng đi
     Dọc ngang bốn miệng
Hiểu ra, các cô đỏ mặt, kéo nhau chạy mất.

Còn chàng Từ Hải  : 
      Tin lời thành hạ yêu mình
      Ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng
      Việc binh bỏ chẳng giữ giàng
      Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư
Thành hạdưới thành, xin được thề đầu hàng.
Cả tin lời du dỗ ngon ngọt của sứ giả, nhất là, những lời thỏ thẻ, như ru của nàng Kiều, anh chàng :
      Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo
đã:
       Dọc ngang nào biết trên đầu có ai? 
                  (KIM VÂN kIỀU)
mà, ' sai quân  sĩ mở rộng cửa  dinh. Còn mình thì mặc mũ áo cân đai hạng mỏng và triệt bỏ hết các đồ võ bị ... Hồ tôn Hiến đốc thúc xe ngựa tiến lên... sát khí đằng đằng...
   [KIM VÂN KIỀU- THANH TÂM TÀI TỬ /  TÔ NAM - NGUYỄN ĐÌNH DIỆM dịch )

Lúc ấy, Từ Hải tay không tất sắc tả xung hữu đột- têm cắm đầy người, hỏi lớn, ' phu nhân hại ta !'.  Rồi chết đứng, mắt mở trừng trừng.

Hỡi ôi ! Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, mà, cả hai không nhớ, ' Thành hạ mình, chư hầu sở thậm si ' - thề ở dưới thành là điều cực kỳ xấu hổ của các nước chư hầu.
   (TRÚC VIÊN chú thích )
Có lẽ, ghét con người ' trí dũng có thừa' mê muội. Thánh Thán hạ lời bình cáy độc, ' Từ minh Sơn là một tên giặc lợi hại, dùng mưu gian trá giết đi, cũng được !'.

Có một chuyện đẹp, vua Hán Quang Võ ,có người chị là Hồ Dương ,công chúa goá chồng.  Vua hỏi ý, công chúa đáp, ' Chỉ có Tống Hoàng nghi biểu khác thường'  .Vua bảo chị, ngồi sau tấm bình phong, và, cho mời Tống Hoàng.  Vua ướm lời,' Giàu đổi bạn; sang đổi vợ; có điều ấy chăng ? 
 ( Phú dịch giao, qúy dịch thể).

Tống Hoàng thưa, ' Thần nghe nói ,' bạn bè qua lại với nhau, chẳng có thể cho xuống nhà dưới !'.
  ( Thần văn : bần tiện chi giao bất khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường).

Vua quay lại, nói với chị, ' Việc không xong rồi !'.

Nói nôm na, 'hạ đường là bỏ vợ chính!' .
 Nhẫn tâm nhỉ . *


     lữ quốc văn

Lưu ý : bài này đã được tu chỉnh. [LQV]

----
*    người biên tập tạm lược  2 trang A4. (BT)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ