Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

nhà văn tác phẩm cuộc đời - thế phong - 6



                                        nhà văn tác phẩm cuộc đời     6
                                                       tự-sự-kể : thế phong


          Ít lâu sau, vợ chồng TTHoàng dọn nhà đi.  Tôi lại bơ vơ .  Và tôi vẫn tin rằng chúng nó đói, thiếu thốn  đủ thứ , dọn nhà đi chỗ khác là đắc sách nhất.   Nhưng tôi lại không biết rằng TTHoàng giận tôi vì một chuyện nào đó, mà đây cũng  là một cách đuổi khéo .  Tôi vẫn tiếp tục ra thư viện, và vẫn chưa dám về xóm Nhà thờ Bắc Hà - nào giường, mùng, chăn chiếu, sách vở còn nằm va-li ở đằng đó.   Tôi chỉ đem theo  va-li bản thão mà thôi, tôi quí chúng như vật bất ly thân.    Buổi cơm trưa, tôi vẫn về nhà chị Mai Thị Điểu ăn, tối, lại  sang nhà anh Trần Thanh Đạm ngủ nhờ.   Anh bạn già này trên 50, nghiện thuốc phiện và tôi quen anh từ ngày còn ở Xóm Chùa Tân Định.   Chính anh Đạm đã cho tôi 100 đồng, nói là   để mua thuốc lá Philip mà hút, nhưng tôi dùng tiền ấy mua một lọ thuốc bổ Hépatrol cho chị Năm Hưởng, như  đã kể trên kia.   Bây giờ anh Đạm thuê nhà ở gần đây, cách căn nhà TTHoàng thuê   chừng trăm thước.   Tôi sang nói với anh xin ngủ nhờ ở dưới nhà bếp bỏ trống,  ngoài cái ghế bố anh không dùng vứt ờ xó bếp, tôi phủi bụi đặt lưng mỗi đêm.   

       Buổi sáng, tôi ra thư viện, như vậy chẳng có gì làm phiền anh nhiều.    Tuy vậy, tôi đoán được anh không mấy vui cho tôi ngủ nhờ.  Bây giờ tôi chẳng còn chỗ nào trú ngụ, nện đành phải lụy .   Lẽ khác, tôi không muốn ngủ nhò vợ chồng chị Mai Thị Điểu, chồng chị làm tài xế cho cơ quan , vợ  phụ trách một chương trình ca cổ nhạc trên Đài phát thanh Saigon - chị Lệ Liểu rất nổi danh.   Chỉ  ăn một bữa trưa  thôi sẽ tiện hơn, vì anh Năm, chồng chị tài xế, giai cấp lao động có nhiều mặc cảm tự ty  - nhìn tôi như một giai cấp trên.   Mỗi lần tôi đi chơi với nữ nghệ sĩ Lệ Liễu, vợ anh, ắt hẳn  có định kiến không mấy tốt đẹp.   Chi Điểu hơn tôi vài tuổi, nên hai chúng đi với nhau tựa vợ chồng .  Tôi muốn yên ổn để sống, nên rất đề phòng, tránh những điều nghi kỵ tình cảm xảy ra.  nhưng không xong, như chuyện ngủ nhờ  trên ghế bố ở  nhà anh Trần Thanh Đạm  cũng có  chuyện chẳng hay ! . 

     Ra thư viện đọc sách, dành thì giờ dịch cuốn Nửa đường đi xuống sang  pháp ngữ, đặt tựa cho nó: À mi chemin descendu , dịch xong, sẽ gửi cho  một bạn ở Pháp sửa lại và in. ( dịch dở dang , trên 100 trang viết tay rồi  bỏ  dở )   

     Lại nữa, thời gian này yêu Cao Mỵ Nhân , tôi làm rất nhiều thơ ,  mở đầu cho thi tập Nếu anh có em là vợ sau này . Cũng  có bài làm bằng tiếng pháp, người đầu tiên được đọc là văn sĩ tiền chiến , chủ soái Đàm trường viễn kiến, Nguyễn Đức Quỳnh

                                                    ***

     Không thể nào xóa bỏ trong đầu cái màn bi kịch xảy ra tại nhà bếp anh Trần Thanh Đạm

     Màn kịch thứ nhất bắt đầu :

      ( sau cánh cửa ) 

   Ánh sáng từ trong nhà Trần Thanh Đạm  tỏa ra ngoài, đem theo cả hương thơm ngào ngạt  nàng Tiên Nâu .

     - tiếng người thứ nhất, nói với người thứ hai :

     - ... tôi biên địa chỉ  mới , mời anh lên chơi.  Song, anh đừng cho  Nguyên biết. Nó biết rồi lấy cớ lên nhà, thì quả là khổ cho tôi.  Tôi sợ nó lắm rồi !  Anh biết không, khi nó với vợ chồng tôi, nó làm như nó là chủ vậy.  Chẳng hạn, vợ chồng ra khỏi nhà, mang chìa khóa theo, khi nó về phải chờ ngoài cửa, nó chửi toáng lên.   Đến khi nó đi chơi, nó cầm chià khóa theo đi, tôi chịu đựng ngồi ngoài chờ nó.

     ( sau cánh cửa )

    Nguyên nghe, biết,  tiếng nói của TTHoàng .   Thằng bạn mà anh từng đưa quần cho nó đi cầm, thằng bạn ấy nó cho ngủ nhờ, diện tích  khoảng 4 thước vuông ở dưới đất để trải chiếu ngủ, không chăn, và màn là của anh.   Anh im lặng theo dõi,  nghe rồi, chết lặng người, để ý từng thái độ cỏn con - lỗi của anh xét ra chỉ là phương tiện nhỏ và tình bạn lớn mới là cứu cánh.   Như vậy, làm sao có thể nói rằng : " dù sống chết bao giờ chúng mình cũng có nhau nhé ".  
    Nguyên đứng lảng ra phía vách kín, tránh cho TTHoàng bắt gặp.

     ( tiếng người thứ 2

     - Ai mà chả sợ  anh ấy.   Và tôi sẽ không bao giờ chỉ nhà anh cho hắn ta đâu.  Tôi chẳng biết làm thế nào, vì  có ai chịu nổi anh ấy đâu ?  Chẳng gì thì tôi cũng 50 tuổi, sở dĩ phải  chiều chuộng lấy lòng anh ta, vì tội sợ bị nói xấu.   ( lúc xưng hô bằng anh, lúc hắn ). 

     ( sau cánh cửa ) 

    Nguyên ở ngoài cười một mình.  Anh hiểu  thi sĩ Trần Thanh Đạm  đổi cách xưng hô 
 " vì  tôi sợ bị nói xấu ".  Nó tài hơn mình , ghen tị, chối bỏ.  Nhát. Đồ súc vật.  Bới Đạm, lớp người văn nghệ sĩ già phải  chơi với bọn trẻ.  Đã có lần, Đạm cao hứng, ca tụng nó, để rồi cao hứng xưng hô" tao, mày bình đẳng "  thêm thân tình.   Nó vẫn chỉ xưng hô với Đạm" anh, anh, tôi tôi " .  Không phải nó ngượng, vì nó ngại, nó nể  hơn tuổi mà thôi.   Nó quen ờ ngoài kia gọi nhau bằng  " đồng chí "  tuốt, tởm ! .

    ( tiếng nói người thứ 1 ) 

   - Cho nên anh Đạm ạ, hôm tôi dọn nhà ,  chúng tôi  nói  tạm về ở nhà bà dì.   Thực ra, tôi không muốn nó biết tôi dọn về Chí Hòa. , À dạo này anh có lên thăm anh Hai Hà *  không ?   Có một điều này lạ lắm anh Đạm ạ, anh Hai Hà chưa bao giờ lên tiếng  mạt sát nó.    Đến như Mai Thảo mà còn bị anh bấy lên án trước mặt bạn văn, và cả thằng 
Hồ Nam cũng chung số phận.  Nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy, dù là một tiếng  đả kích nó... Lạ  thật, lạ quá, lạ thật, anh ạ ?!

---- 
* ám chỉ  Nguyễn Đức Quỳnh, bới nhà văn tiền chiến từng ký bút hiệu Hà Việt Phương , tác giả  " Nhân bản mới" đăng trên tuần báo  "Đời Mới " ( chủ nhiệm: Trần Văn Ân ).

      ( tiếng nói người thứ 2 ) 

   - Đúng là vậy !  Từ ngày anh ta đưa tôi lại giới thiệu với anh Hai Hà ( Nguyễn Đức Quỳnh )   , tới nay đã hơn một năm  rồi.  Tôi lại chơi một mình cũng chưa bao giờ nghe anh Quỳnh nói xấu anh ta.   Anh có nhớ không,  một truyện của tôi có tựa " Về quê cũ  * " , tôi là thằng dám viết ca tụng nó  và Thảo ** , những người văn nghệ dám sống trong nghèo khổ theo đuổi nghiệp văn.  ( sau đó al2 tiếng cười thoải mái, bên cạnh tiếng kêu ro ro từ bàn đèn thuốc phiện ).  
   - à, phải rồi  ( sau khi Đạm thở khói, hà hơi, tu hớp nước chè đặc )  hình như anh Quỳnh sợ nó nói xấu chăng ?   Mà nó nói xấu thì ghê gớm lắm !  Nó mang tiếng xấu ấy đi rao khắp nơi còn hơn cả bộ máy tuyên truyền.   Nó vẫn  chê bai tôi,  nào là,  già mà chưa có sự nghiệp, chỉ một truyện Tàu dịch đăng dang dở " Kim cổ kỳ quan" thì ra cái mẹ gì ? 
-----
*   đăng trên tuần báo  "Nắng sớm "  , cơ quan  Phong trào cách  mạng quốc gia do Trần Chánh Thành làm chủ tịch ( 1957) .
**  ám chỉ Uyên Thao. 

    ( sau cánh cửa )

      Nguyên bực mình , nhưng thầm vui, bụm miệng cười .   Trước mặt anh, ho là những tên tốt đen, hộ to, và làm theo  kẻ nào chi tiền, hệt cừu Panurge.   Anh tự biết mình không al2 cừu, như họ đang đóng vai,  và thà để chó sói vồ còn hơn là  con mồi chết oan.   Ngoài ra, " kẻ sợ nói xấu, tất bị xấu tốt dèm pha, thích nghe khen, tất có ngày bị nịnh lợi dụng ".  Lời nhà hiền triết  Tàu có tên  Văn Trung Tử đấy !   Đôi khi Nguyên cũng cáu, bực quá độ, tập  nhịn đi, như  lời một cố vấn Phát xít Đức quốc xã phát ngôn: " khen, chê, đều là làm quảng cáo cho ta ". 

     Nguyên còn nhớ rõ câu chuyện giữa Trần  Thanh ĐạmThanh Thương Hoàng - thì TTHoàng đóng vai  con trẻ mới bước vào làm văn nghệ "  vị cô nương ". Chính nhờ tiểu
thuyết khuê phòng, TTHoàng mới dụ được con gái nuôi của viên đổng lý  Tổng trưởng thông tin , như đào được" mỏ vàng" , sau này không phải vậy, chỉ là " mỏ chì " mà thôi.   Còn  Trần Thanh Đạm 50 tuổi ,  làm văn nghệ, không được ngồi cùng chiếu với bậc trưởng thượng như Nguyễn Đức Quỳnh, mà phải chơi chung chiếu văn nghệ trẻ với Nguyên,  hoặc TTHoàng , lại coi Nguyên như tiến bối.   Nguyên muốn cưới to tiếng hơn, vì đã thấu rõ được " lòng  người " khó dò hơn" lòng sông"  của Hoàng , của Đạm  !  Nguyên còn nhớ TTHoàng nói với anh, khi anh về ở chung nhà : " bài thơ của   Trần Thanh Đạm làm tặng màyQuang Dũng, ông ta có vẻ phục mày lắm đấy ! "  

     ( tiếng nói của người thứ 2 ) 

    -  ... anh Hoàng này, ( cười thoải mái, sau phi phà hơi thuốc phiện, ngụm hớp trà đặc )  ai chịu nổi nó chứ ?  Khi nó đi dạy học ở Rạch Giá   thì đâu có được bao lâu đâu ?   Tôi biết nó xuống dưới ấy để gặp ông tỉnh trưởng, đem 2 cuốn sách chính trị mà nó là tác giả ra tặng, nói chuyện chính trị, chính em để xem ông ta có mời nó làm cố vấn không ?  Hình như ộng ta mua tặng nó một chiếc quần Dacron  và chiếc kính Rayban .   Chắc anh Hoàng  cũng biết điều này, ông tỉnh trưởng nào đó tưởng sắp được đề bạt làm bộ trưởng nên mời " ông tùy viên báo chí" về phò đấy mà!

     ( tiếng nói người thứ 3 )

    - Thế kia à ? ...
   
     ( tiếng nói người thứ 2 )

   - Các anh sợ nó chưa ?   Cũng là... ghê lắm đấy ... phù thủy cả mà !  

      ( tiếng nói người thứ 1 )

   - À ra thế  ( cười ròn , hút một hơi thuốc lá Cotab) , nhưng sao nó kể giai thoại đi dạy học  đúng với thực tế lắm kia mà !  Ra vậy, quân này giỏi thật; chính trị và văn nghệ phối hợp  thành thử ra kể chuyện như là khách quan thực tiễn vậy.

   ( tiếng nói người thứ 2 ) 

    -  Nó giỏi, chẳng qua là ăn cắp sách của anh em đọc, cóp được một vài ý, rồi tập tọng viết sách lên bậc vĩ nhân, phu tử.   Anh Hoàng này,  nhớ là nó chịu đọc sách lắm ( hì hì, với tiếng động của nạo sái nhì ) và tất nhiên  nó lại trở  về với tính xấu nhất đời: ăn cắp tiền và  mượn sách của anh em  mà không bao giờ trả.  Có` đòi, nó bào: " Các  cậu mua sách đóng gáy da chứ đọc điếc gì ?"

     ( tiếng nói người thứ 1 )

     - Anh nói cũng phải.   Nó lấy sách của thằng Vân *  mấy quyển rồi , chẳng bao giờ chiu trả.   Thằng  Tô Hà Vân  *  chửi nó, nó cười và nghe  chửi, im lặng.  Rồi 2, 3 lần đòi nó không trả, cũng đành chịu, nhưng phải thừa nhận  nó chịu đọc sách. 
-----
* ám chỉ văn sĩ  Nguyễn Đình Toàn , thời kỳ đầu viết văn lấy bút danh Tô Hà Vân .

      ( sau cánh cửa )

     Thanh Thương Hoàng nói đúng, Nguyên có mượn sách của Tô Hà Vân mà không trả. Sở dĩ cuốn En gagnant mon pain của Maxime Gorki cón mắc kẹt, vì cuốn ấy cũng như chiếc va-li còn nằm va-li ờ xóm đạo Nhà thờ  Bắc Hà .

    ( tiếng nói người thứ 2 )

    - Hắn ta ở đây, tôi luôn luôn phải khóa tủ, vì khi tôi ở Xóm Chùa Tân Định, tôi đã mất với hắn ta nhiều lắm !

     ( tiếng nói người thứ 1 )

   - Thôi, tôi xin phép anh, nay mai tôi ra một tờ báo sẽ nhờ anh dịch truyện, như anh đã dịch" Kim cổ kỳ quan"  hoặc dịch lại" Kim Bình Mai" sao cho hấp dẫn độc giả để câu khách. .  À  mà chuyện thằng  ngủ nhở ở nhà bếp của anh  ra sao rồi ?  Chẳng lẽ anh cho nó nằm ngủ mãi ở đây sao ?   Nó nói về anh với tôi thế này : "  ... thằng cha ấy thơ phú gì, họa chăng chỉ để thưởng thức khi trà dư, tửu hậu, cho nên dù có quen, nó cũng không đếm xỉa tới anh trong cuốn sách phê bình văn nghệ của nó .  Tôi thì đã đành rồi, nó bảo tác phẩm của tôi , loại văn khuê phòng tán gái ,  thừa giấy thì in ra cũng tốt, để  thí nghiệm thôi ! 

     ( tiếng nói người thứ 2 ) 

     - Tôi đã bảo hắn ta, tôi sắp dọn nhà về Dĩ An, tôi sẽ bán căn nhà này .   Chẳng hạn như thế, nếu anh ta vẫn cứ ở lì, thì tôi sẽ liệu cách đối phó.   Chứ sách vở của tôi, đồ đạc của tôi , mỗi khi tôi đi chơi , chỉ sợ bị mất cắp  ! 

     ( tiếng nói người thứ 1 )

    - Nhưng nếu nó ở lì không đi, thì anh tính sao đây ?  Chẳng hạn, như nó bảo, nó chỉ ngủ nhờ ngoài trái nhà sau, sao anh có thể xử tệ đến vậy ?   Anh phải liệu cách nào hữu hiệu để đối phó chứ ?   

     ( tiếng nói người thứ 3 )

    -Mời cụ Đạm sơi điếu nữa . 

     ( tiếng nói người thứ 2 )

     -Anh sơi  đi, tôi đủ rồi ( lau mép )  Kìa... kìa... anh sơi đi ...

     ( sau cánh cửa )

    Tiếng nói người thứ 2 im bặt. Người thứ 3 lên tiếng xin thuốc lá người thứ 1 . Còn Nguyên do dự, sau khi cánh cửa sắp mở ...

    ( cánh cửa mở )

   Khi cánh cửa còn ngăn cách giữa trong và ngoài, tiếng nói  2 người rền vang, lên xuống, trầm bổng- hệt như  hơi thuốc phiện kêu ro ro bên chiếc tẩu bàn đèn.  Mưa lất phất.  Nguyên đứng né vào mái hiên.  Suy nghĩ đã lâu, quyết định không vào nhà, nghĩa là không cần phải gõ cửa nữa.   Đợi cho Thanh Thương Hoàng ra về, anh tự lảng ra một lát, sau trở lại, coi như không  biết  chuyện gì xảy ra.  Khi Nguyên nghe thấy tiếng nói người thứ 3  nói với 2 người kia; " hình như có ai ở ngoài thì phải ?" .  Nguyên đã nung chín sự chịu đựng và cho rằng có chuyện xảy ra là không thể tránh được ?   Nguyên đi lại phía cửa.  Đưa tay gõ mạnh, thúc dồn .  

     ( tiếng hỏi từ trong vọng ra, hồi hộp, như sợ công an tới khám nhà, vây bắt kẻ hút thuốc phiện
 lậu ...)

    -  Ai ?
    -  Tôi, Nguyên đây.
    -  Sao hôm nay anh về sớm thế ?
    -   Tôi về sớm hơn kìa, đợi các anh ở ngoài này hơn tiếng đồng hồ rồi.   Không ngờ hôm nay trời lại mưa, bão. Kìa, có cả anh đến chơi nữa.   Hôm nay có cả anh Hoàng lại chơi với anh Đạm và lại  bàn dự tính  làm  báo kia à ?

   ( cửa sau mở )

    Văn sĩ Thanh Thương Hoàng đứng dậy.  Tiếng người thứ 3, một anh bạn trẻ mới, Nguyên từng biết, bởi ít lâu nay anh ta thường lại đây chơi.   Anh ta không làm văn nghệ, mà là thợ khắc dấu.   Tính tình hòa nhã, trạc tuổi 30, nghiện, nghèo, đói và chẳng bao giờ nghĩ tới  chuyện lập gia đình.   Có một lần Trần Thanh Đạm kể cho Nguyên nghe chuyện về tay thợ khắc dấu, tên Chữ, muốn xin anh Đạm ít quần áo cũ.   "... nhưng anh ạ, muốn xin thì cũng phải đem tiền đến, tôi mới bán rẻ cho ".  Còn Chữ thì nghĩ rằng, khi Chữ kiếm được bộn tiền đem đến đây phụng dưỡng hít hà , chẳng lẽ nào ông bạn già từ chối, khi anh ta xin ít quần áo cũ.  vả chăng vì lẽ ấy lại là sự thật.

     Nguyên đi lại phía Thanh Thương Hoàng.   Đưa tay lên chỉ vào mặt bạn, lớn tiếng giải thích :
     -... hôm nay tao mới hiểu bộ mặt thật của mày.   Tao phải trách tao trước hết, không chọn bạn mà chơi .  Và bất tài để huấn luyện mày từ con người thô sơ đến có trí óc.  tao đành phải đánh mày mấy cái tát để mày nhớ ... 

       ( chiếc đầu Thanh Thương  Hoàng lắc lư , nghiêng đi, nghiêng lại; chờ đợi cánh tay hộ pháp của nguyên giứ trên má  Hoàng . Cái tát  giáng mạnh như thế  làm người bạn  nổ đom đóm mắt ).

  - À mày đánh tao ?
  - Bây giờ không phải  chuyện  đánh mày là vũ phu nữa.  Bẩy năm nay, tao chưa hề  đánh một ai ?    chưa nói đến phải đánh bạn làm văn .  Nhưng, chúng mày, các con ạ, cho kẻ này được dùng thành ngữ thật hạ cấp để bộc bạch lòng tao : "... các con  không đáng mặt in danh thiếp " văn sĩ " , bởi các con thiếu thái độ sống, à mà quên, thái độ một thằng làm người bình thường thôi.    Chứ nói đến làm văn nghệ là nhục , là cao xa, mơ mộng đấy con ạ !" .

     Có tiếng đáp  :
    - Mày giả ơn tao bằng mấy cái tát này sao ?
    - Trước khi con nói câu ấy, nên nhớ rằng kẻ nói câu ấy phải là người cha.  Vì sao, con biết không ?   Con  ý muốn nói :  "  mang ơn ,  con đã nuôi kẻ này ư ? " Hơn 1 tháng trời,  kẻ này từng đưa quần áo cho con đi cầm đồ, đưa tiền cho con  mua gạo - về mặt tinh thần, con hãy nghĩ lấy đi !  từ khi con là thằng cầm bút viết văn  .   Tất nhiên, ở đây, tao không thèm  nói đến bọn côn đồ văn nghệ ( đúng nghĩa )  hoặc bọn văn nghệ chỉ điểm, ma cô, bồi bút, điếm văn nghệ, bồi văn chương ... Vì dầu sao, các con cũng đứng trên bọn đó.  Như thế, cũng không phải là thái độ đem cuộc đới đối chiếu  tác phẩm để phê bình.   Kẻ này, trước kia đem các con đến giới thiệu với một số nhà văn tiền chiến , mong các con rộng đường thảo luận  văn chương, chứ không bao giờ nghĩ rằng các con đi đây, đi đó để khoe khoang : ta đây quen, đến nhà anh này, anh nọ nói chuyện, thảo luận văn chương như cơm bữa, rồi tự cho có tài cán, đứng ngang hàng .   Hoặc thảng, các con có được một , hai lời khen, thì các con tưởng  tài mình lớn hơn cả những đại văn hào  cổ điển.   Một Raymond Radiguet nổi tiếng qua  " Le Diable du corps", không hẳn chỉ nhờ Jean Cocteau khen là " les belles lettres francaises " , hoặc " c' est un phénomène  "đâu ?    Một Auguste Comte xích mích với bậc thầy Saint Simon không hòan toàn hỏng đâu ?   Friederich  Nietzsche với Richard Wagner  cũng vậy. Các con tài tuy không lớn  , nhưng phải có nòng cốt  một tài sản tương tự của riêng Radiguet, hoặc một Marx với Hégel, hoặc Pecqueur, Kalontai, một Merleau Ponty, Trần Đức Thảo với Husserl -  một Nietzsche thực tài đáng bậc cha siêu nhân .  Kẻ này còn lạ gì, trong các con đây, đến anh  Nguyễn Đức Quỳnh  nhờ anh ta một việc đề tựa sách chẳng  hạn , nhưng nếu bị khước từ khéo léo.  Ấy thế là các con ra về, với bộ mặt bất mãn, rồi nói xấu sau lưng thầy.  Kẻ này không mong muốn các con như vậy ?

     Đáng lẽ  bữa nay, ta không đánh con làm gì ?  Thái độ ấy quả có phi-văn-nghệ, vũ phu của một bọn ít học.   Nhưng không thế, bởi con , tuy  thanh niên ngoài  đôi mươi, mà  vẫn còn con nít, buộc lòng đấng sinh thành phải đòn vọt, để lời nói ăn sâu vào tâm não con.   Đặt 1  chuyện nói xấu người khác qua một  chuyện bỉ ổi là xâm phạm tư cách người ấy.   Hơn nữa, ta không muốn ta là thánh,  thần, mẫu vô vi Lão Tử coi đời như rác, nên buộc phải hành động và phản ứng như vậy.   Vì thế, ta đánh một trong các con đây, giảng cho nghe bài học về thế nào cuộc đời đáng sống.   Một kẻ, than  ôi, đã chót mang trong mình một sứ mệnh: làm văn nghệ, biết cầm bút, đó là một lợi khí vô hình tạo lớp người mai hậu sống tốt, đẹp đời , nghệ thuật phục vụ nhân sinh .

     Ta nói thật với các con nghe nhé, ta quen thân các con, sao ta không  muốn nâng đỡ các con?   mà cũng đã từng thể hiện qua nhiều hành động rồi.   Ta không viết tên các con trong sách phê bình văn nghệ, vì ta quan niệm rằng: các con chưa tạo cho mình một
 "  mythe ", chưa khả dĩ có một bút pháp đặc biệt tối thiểu.  Nhưng nếu ta nhấm, các con vẫn " hữ sạ tự nhiên hương' cơ mà !   Chứ đâu có phải các con không được đề cập trong
sách phê bình văn nghệ, là các con phi-văn-nghệ đâu ?  

    Tiện, ta nhắc  lại các con nghe tác giả Nguyễn Du  + Đoạn Trường Tân Thanh  - dầu Phan Lập Trai , Thập Thành Thi mạt sát tác giả  bao nhiêu đi chăng nữa, thì một 
"Đoạn Trường Tân Thanh "vẫn bất tử * .  Ỷ dụ, nếu ta nhầm lẫn thật, ghi tên các con vào văn-học-sử, khi các con không có thực chất, khả năng văn nghệ, thi mai hậu các con vẫn chỉ là con số không.   Hẳn là các con hiểu, học được dăm ba chữ thánh hiền, hiểu được vài câu triết lý, đậu được mảnh bằng tú tài, cử nhân, tiến sĩ chăng nữa, khi  các con không óc sáng tạo văn chương, khả năng văn nghệ, thì  vẫn chỉ là mọt sách , hoặc loài vật nhai lại  thôi.   Bởi  lẽ, văn  hôm nay chưa  có bút pháp riêng , tư tưởng chưa hệ thống  , ... ta đành nói thực nhé: " mười , ba mươi  năm, hoặc 1 thế kỷ nữa, nếu các con không lấy ngày hôm nay làm mốc sửa chữa, nhận định đúng  lúc cho các con cải tiến, lột xác - thì các con ơi  ... các con sẽ mang vào mình  2 điều hận lớn: thứ nhất, các con sẽ khổ sở, lao đao  vật chất, không cứu vãn nổi sa đọa, đi xuống  của loài người, để rồi s khi con chết đi trong mai một, nào có ai còn nhắc đến  nữa ?!
  Ta nói vậy , đã tạm đủ ...

    Không khí im lặng như tờ .   Không một ai lên tiếng, chỉ còn tiếng thở dài người thứ 3 lầm lũi một mình rít men thuốc phiện.  Hai người kia không còn cười, nói như  khi cánh cửa còn khép trong "  vương cung ! " **
------
*  cảm tưởng  đối với Nguyễn Du ( 1957 )  nay đã khác hẳn như đã dẫn giải  trong chương này.  Tôi làm   1 bài thơ " Cho thuê Nguyễn Du "

                                    CHO THUÊ NGUYỄN DU 
                                              gửi Lữ Hồ

                            Thắt nút cà -vạt cổ cồn không thấy ghét bám phía sau
                            lên giọng thầy giảng văn chương khỏi mang tiếng học trò
                            mang sự lúng túng đền bù thuốc lá châm liên miên
                            chưa nghiện thuốc nặng sao phà hơi qua lỗ mũi
                            bảo đảm vợ con, trưa, chiều, áo cơm lên giọng
                            gõ mặt bàn tiếng văn chương Nguyễn Du
                            ba trăm năm chưa hết - còn ai khóc Tố Như ?
                            có chăng phường bất tài ám ảnh mượn danh tràn
                            thi nhân ngày xưa  hẳn mặc toàn áo gấm?
                            túi đầy tiền rủng rỉnh tay nào với tha nhân ?
                            tôi không còn hứng cảm thông Kim Vân Kiều
                            tôi nhổ bọt vào mặt tôi chót khen thi hào
                            lời khen tặng mười năm ròng không đổi mới
                            ba ngàn câu thơ chưa làm tôi xúc động
                            họa chăng đôi ba câu tả thật đời lãng mạn
                            dăm ba  điều kinh nghiệm của lần trao ái tình
                            một vài cảnh đẹp nước  chảy qua cầu tiết Thanh Minh
                            mua gương Từ Hải vì ai mà lơ láo triều đình ?
                            một lần ẩn  mặt Hồng Lĩnh tìm vần thơ ẩn chìm
                            và như thé đủ rồi: Nguyễn Du, một ghế ngồi thi sĩ
                            phủ nhận lịch sử văn chương chiều dài thơ muôn năm.

                            Tôi khinh tôi ra mặt cứ khen tràn cổ nhân
                            tôi phỉ nhổ mặt tôi thực sự phê bình kiều danh tiếng
                            văn học sử này tôi sổ toẹt thi hào vỏ
                            đại diện một góc cạnh cỏn con nhìn đời nho nhỏ 
                            cả tên làm thơ quan lại nịnh bợ danh tướng công
                            mong danh tiếng mình mãi gắn liền cùng non sông
                            ca tụng cái đẹp vẻ hay nhà trường đổi đồng tiền .

                            Tôi hi vọng học trò không bằng lòng lời khen giảng
                            áo cổ cồn thôi vòng cổ tôi đấm bóng tôi gương soi

                            Cho thuê Nguyễn Du thật cần thiết không đòi bồi thường .

                            THẾPHONG

                   ( trích  Cụm hoa tình yêu / thi tập VII / Hội thơ tài tử Việtnam hải ngoại /  Như Hoa-  Lê Quang Sinh chủ tịch - xuất bản ở Hoa kỳ, 2002  - tr.  370- 371 ).

           **            Nửa đường đi xuống -  sđd, tr. 164- 168.

------- 

               Đêm hôm ấy, tôi chờ giấc ngủ, để sáng hôm sau giải quyết vấn đề rời chỗ ở.  Buổi sáng đến thư viện, tôi ghé qua nhà Phạm Văn Rao * một sinh viên Đại học sư phạm , làm thơ  , nhờ anh tìm cho một chỗ có thể gửi chiếc va-li.  Rồi sẽ tính sau chỗ ngủ đêm nay và tiếp theo, cảm tưởng  ấy được diễn tả, qua một đoạn văn này :

     "... Chiều  hôm nay, mình tin chắc rằng sẽ ngủ dưới mái hiên.   Khi giã từ cô bạn sinh viên rồi, mình càng buồn hơn.  Với một ông già Ấn độ gác dan hay là với một Natacha của Maxime Gorki ? Mình không còn bồi hồi như đêm qua nữa .   Chiếc áo mưa này trải xuống hè, quần áo không bị nhầu nát. rửa mặt ở thư viện.
     Đường Saigon là của mình.  Song một, hai, ba con đường cấm mình, có bảng riêng.   Đường về Xóm Chùa Tân Định, Nhà thờ Bắc Hà, ấp Tây Nhì ...  Những con số: 6000, 380, ... giá biểu nhượng đất đai rẻ nhất của mỗi con đường.   Có một buổi, gặp ông già Lịch xóm Chùa Tân Định ở ngoài phố.  Mình định tâm gọi ông,  trình bày lý do, và khất tới một ngày nào đó vô hạn định sẽ trả được nợ .   Trong cuộc sống, phải có một ngày trả hết nợ đời.   Nhưng ông trông thấy mình, lại rẽ sang lối khác. Thật  cao thượng ở trong manh áo   người lao động xóm kia,  đã bán chịu cho tôi 2000 đồng thuốc lá Ruby, khi tôi   viết bộ "  Lược sử văn nghệ Việtnam  1900- 1956 ..." ** 
----
*      thi sĩ Diễm Châu bây giờ. 
 **   sđd, tr. 170. 
-------

     Đôi khi trở lại Thư viện  Quốc gia, 34  đường Gia Long, tôi nhớ lại bao nhiêu  kỷ niệm. Một lần, vì chống lại một cựu quận trưởng về làm quản thủ thư viện, tính tình khó  ưa, hách dịch, phong kiến.  Tôi chống hành động ông ta bằng đủ cách: ngồi ăn vạ ngay tại sàn thư viện để đọc sách, lẽ, ông dành một chỗ trống cho ai đó, trong khi tôi không có chỗ ngồi.   Tất cả sinh viên có mặt rất ngạc nhiên và sự vụ được đưa lên ông Phan Vô Kỵ .  Tôi tưởng  chừng phải ra nằm ngoài  Bóp * cảnh  sát, nhưng sau được thu xếp ổn thỏa.   Từ đó, ông cựu quận trưởng bớt đi một phần cái tính bè phái, nịnh bợ, quan liêu, phong kiến.  Bây giờ tôi không còn  gặp ông nữa , lại thấy nhớ khuôn mặt đáng ghét ngày xưa.   Bởi vì,  để cảm ơn những ngày rộng tháng dài đến đó, nên mỗi  khi có sách xuất bản, tôi  tặng 1 bản có chữ ký ( loại sách bản thảo Đại Nam văn hiến in rô-nê-ô không xin kiểm duyệt nên không phải nộp bản ).   Một ông công chức ngồi nhận sách biếu, bảo tôi :

------
 * từ chữ poste tiếng pháp. 

    " Trước kia, chúng tôi không hiểu giá trị  sách quí ông, giờ phải đem đóng gáy da lại, vì học đọc nhiều quá, nát tươm hết.  Tôi cảm ơn ông trong sự im lặng này ".

  Thời gian này, tôi ăn một bữa trưa tại nhà chị Lệ- Liễu  - Mai -Thị- Điểu . Một  it lâu, lại xảy ra nhiều chuyện thị phi. lôi thôi.   Chị  gọi tôi ra quán cà phê sau bữa ăn trưa, đưa vài trăm đồng, bảo tôi đi ăn cơm nơi khác, lúc thiếu, chị sẽ tiếp tế.   Vì anh Năm, chồng chị, tài xế bắt đầu ghen tuông.   Chị Điểu rủa anh chống mấy câu bâng quơ, tôi không còn nhớ.  Tôi viết thư cho Cao Mỵ Nhân, báo, đã đổi địa chỉ rồi> Và 1 thời gian sau, tôi có tiền, lại quay trở lại xóm Đạo, nhà thờ  Bắc Hà. []

                                                                                               ( còn tiếp ) 

        thế phong

( Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời / thế phong / đại ngã tái bản, saigon 1970 - tr. 72- 103).

      
                   
                             
    
                 
                        
                           

                        

        

  

        

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ