nhà văn hậu chiến 1950-1956 - thế phong - 11
nhà văn hậu chiến 1950- 1956 11
thế phong
Tiết 3
NGUYỄN QUỐC TRINH
Tiểu sử .-
Sinh 1932 tại Hải Dương, học qua Trung học chuyên khoa tư thục Hàn Thuyên
( Hànội).Bạn văn đồng lứa với Song Nhất Nữ, Nguyễn Ngọc Dương, Hoàng Phụng Tỵ, Băng Sơn ... Thi phẩm đầu tay Nhựa Mới , đồng tác giả : Nguyễn Ngọc Dương Song nhất Nữ & Hoàng Phụng Tỵ ..., có lời tựa Hoàng Công Khanh, cho đó là : " bốn vì sao mới nổi lên nền trời ".
Nguyễn Quốc Trinh, lớp nhà thơ tiếp nối thơ tự do, phát khởi từ giai đoạn kháng chiến 1945. Cũng chịu ảnh hưởng sâu xa thơ tự do Pháp, Nga như : P. Éluard, Simonov , Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến 45 ...
Tác phẩm .-
Tuyển tập thơ Nhựa Mới, gồm 4 tác giả : Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Ngọc Dương, Song Nhất Nữ & Hoàng Phụng Tỵ, xuất bản ở Hànội vào 1953. Cuối năm, Nguyễn Quốc Trinh tự xuất bản thi tập khác Ươm Đẹp. Thợ tự do trong tập này mới được thể hiện đầy đủ, với một kỹ thuật điêu luyện, tiến bộ hơn, so với thơ tự do, qua tập in chung. Thơ mang sinh khí mới, rất trẻ, khỏe ; tô đậm triết lý nhân sinh, truyền cảm. Đối với tình yêu, dầu ở giai đoạn hậu chiến, vẫn chưa thoát được chịu ảnh hưởng thơ lãng mạn cách mạng Xuân Diệu tiền chiến :
" ... Năm nay mùa được ngực em bồng
Em dậy thì em có biết không ?
Hội hè sắp sửa linh đình lắm
Ta sẽ rồi ra sẽ cốm hồng ..."
và thơ yêu đỏm dáng, như thiếu nữ tự biết có gò má ửng, đẹp :
"... Nhấm dần trái ổi đẫm men yêu
Anh nhấm tình em với mộng kiều
Dè dặt anh ăn từng chút một
Để hồn lẳng lặng bỗng phiêu phiêu ..."
hoặc :
"... Em ơi ổi ấy anh ăn rồi
Nào biết em ban một trái thôi
Dần dà xa cách càng xa cách
Oan trái đầy thơ mộng rã rời ..."
Không chỉ nói về tình yêu, Nguyễn Quốc Trinh còn đưa hình ảnh nhân sinh vào thơ, quan niệm lý luận thơ của Rimbaud: thơ phục vụ con người cũng chưa là tuyệt đối . Ngôn ngữ thơ, như vũ khí, chọc thủng giai cấp quyền uy :
"... Hoa đẹp nở vườn nào ?
Thơ bầy trong tủ kính
Con choắt vợ xanh xao
Ngựa xe người đủng đỉnh ..."
Sử dụng chữ , âm thanh, tiết tấu: Nguyễn Quốc Trinh lựa chọn ngôn từ và tâm hồn giầu cảm xúc thơ. Thơ phục vụ người ở đây là cách dấn thân tranh đấu gián tiếp qua thi ca, chống lại sự bất công quá đáng đang ung dung ngự trị .
Kết luận .-
Ngôn ngữ, cảm xúc mới, khỏe, giàu âm thanh, đầy hình tượng mới, đó là thế giới thơ Nguyễn Quốc Trinh. Thơ ông không chịu ảnh hưởng một riêng ai, thế giới hơi như tổng hợp kết tinh từ rung cảm chính bản thân dối diện cuộc sống, hơi hướng Xuân Diệu tình yêu thanh xuân, hơi thơ bị cầm tù tranh đấu Tố Hữu, nhẹ nhàng con nai vàng đẹp trên lá vàng khô Lưu Trọng Lư; một hơi thơ khỏe, trẻ, mạnh, nội lực xung thiên của Éluard, Rimbaud - mà thơ phải tuyệt đối, nhưng không riêng cho con người. Thơ truyền cảm, xúc động, như bàn tay người thợ hồ tô vữa đang chín xây cao bức tường thi ca vào những năm 1950- 1954 ở Hànội .
Trích thơ .-
1. ĐƯỢC MÙA
Sắc lúa vàng cười sắc thiên thanh
Sóng lúa vàng xố tới mây xanh
Yếm lụa em ơi
Tình đời ấm ngọt
Lời ca thánh thót
Giọt giọt pha lê
Đượm hồng khói thuốc tê mê
Đồi cao vẫy nguyệt thu về mắt thơ
Gái lành trai tơ
Sững sờ thoáng mắt
Triều yêu ngần ngật
Tay thưa nhẹ bứt lá xanh
Trán bừng thẹn
Tóc bồng bềnh
Tiếng cười pháo vỡ tan tành
Đời xưa có chuyện nghiêng thành Cô Tô
Cỏ mát chân đưa
Trời mơ gió ngát
Sóng lòng dào dạt
Nhắc gì chua chát nắng mưa
Trâu bò nghỉ nhé cày bừa
Cho hàm răng trắng cho vừa mắt xanh.
Em gái tôi không biết thị thành
Má thì mọng chín ửng tình xanh
Mắt thì say quá như men ấy
Và nữa làn môi ngọt ý lành .
Năm xưa màu đẹp ngực em bồng
Em dậy thì em có biết không ?
Hội hè sắp sửa linh đình lắm
Ta sẽ rồi ra sẽ cốm hồng .
1952
2. DỄ HIỂU
Vì mải gò lưng kéo
Cầy cho kẻ khác no
Chiều về nhai cỏ héo
Chuồng hẹp nằm co ro
Vì sống như trâu bò
Kiếp này sang kiếp khác
Cha già cha phát ho
Mẹ già xương xộc sạc
Vì đời buồn xơ sác
U ám như đêm nghèo
Mồ hôi chua rách áo
Muối măn quả cà meo
Hoa đẹp nở vườn nào ?
Thơ bầy trong tủ kính
Con choắt vợ xanh sao
Ngựa xe người đủng đỉnh
Vì tôi muốn anh muốn
Vì chúng ta cùng muốn
Đêm già xô ngã xiêu
Ngày mai cười thẳng dướn .
1953
trích " Ươm Đẹp "
thơ nguyễn quốc trinh
( còn tiếp )
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ