nhà văn , tác phẩm, cuộc đời - thế phong - 4
nhà văn , tác phẩm , cuộc đời 4
tự -sự-kể : thếphong
Tôi khuyên anh nên viết truyện có hình tượng sống động của thời đại này. Anh nghe tôi một lần thôi, vì ít lâu sau, có một truyện ngắn vu anh đăng trên tạp chí Bách Khoa, chứng tỏ anh có tài. Nhưng rồi, anh vẫn buông lỏng theo đường cũ, và buộc tôi đem thiên phóng sự Những ngày hoa mộng mới viết xong lên tuần báo Văn nghệ tiền phong. Hồi ấy, một bạn quen tôi làm thư ký tòa soạn. Tôi nể bạn, đành đưa lên tòa soạn và phóng sự này có đăng thì phải ? Văn Quang chỉ thích chóng nổi danh với đàn bà, nữ sinh, trong loại văn chương ru ngủ lòng người đẹp.
Không còn cách nào khuyên anh được, nên giới thiệu anh với Thanh Nam, Thái Thủy cho Quang trong một bữa cơm tại nhà anh, để họ gặp nhau, vì cùng giuộc văn chương khuê phòng.
Một đêm, tôi đang ngủ, Văn Quang về - anh ta khóc rưng rức, đánh thức tôi dậy để nghe anh kể chuyện tình. Một chuyện tình mới xảy ra, khiến anh chán nản. Còn một chuyện nữa, hình như lúc này anh không còn thích gần tôi , kẻ hay giữ nhân cách của mình mà đời gọi là kẻ cứng đầu .
Rồi anh dính một lỗi nào đó , anh bị thuyện chuyển lên Pleiku. Anh bị mắc kẹt với 2 chuyện tình, một cô ở Quảng Ngãi * làm Ty ngân khố , còn cô kia là nữ sinh Nữ trung học Trưng Vương . **
-- - -----
* cô Mừng sau là vợ thứ nhạc sĩ Ưng Lang .
** sau là vợ anh, rồi ly dị - chồng sau là nhà ngoại giao Mỹ - hiện nay là một nữ văn sĩ có danh ở hải ngoại.
( Chú thích sau : 2013)
-------
Có một lần Văn Quang ra Quảng Ngãi thăm cô Mừng, anh thất vọng - dầu cô này là con một ông chủ có mấy chiếc xe tải vận tải đi nữa - và một lần, anh đưa cô nữ sinh Trưng Vương đến phòng sỉ quan độc thân ở Trường Quân báo Cây Mai để tâm tình và anh đã hại đời cô ta. Bây giờ, anh muốn biết ý kiến của tôi , anh nên chọn cô nào làm vợ : " Mừng ở Quảng Ngãi hay cô nữ sinh trường " Tò Vò" ?
Tôi choáng váng vời câu hỏi này của Văn Quang . Đời tôi đến nay, đã có 2 lần hại dời con gái trinh nguyên; nên tôi vẫn cho đấy là một tội trọng. Khi ấy, tôi chưa có nghề nghiệp để lấy họ làm vợ, nay ân hận còn kéo dài. Tôi khuyên anh nên cưới cô ở Saigon, bây giờ câu chuyện ấy xong rồi; tôi rất phục anh. Hình như lúc khuyên , tôi nhấn mạnh, dầu anh không yêu cô ta nhiều bằng cô khác, anh cũng phải lấy.
Văn Quang rất khinh rẻ bà mẹ đẻ , điều này , tôi lại càng thấy , tôi và anh có điểm khắc biệt nhau rất xa. Tôi vẫn cho rằng những người không quí trọng mẹ, tôi không dám gần họ lâu dài.
Cơ hội tốt nhất là anh bị đồi lên Pleiku, tôi sẽ bị bơ vơ trong cuộc sống, song lại là cơ hội tốt cho tôi và anh xa nhau. Ít lâu sau, trên tờ báo Quân đội, anh viết trong một truyện ngắn, lấy mẫu nhân vật là tôi, người thiếu thực tiễn , mang nhiều ảm ảnh, rồi chính ảo ảnh đó vây chặt đời tôi. Và đường đời thất bại là điều hiển nhiên .
Tôi thừa nhận ý kiến của anh nói về tôi xác đáng; nhưng tôi không thể hùa vơi thế lực mạnh nào đó mua chuộc để có sư sung sướng cá nhân mà phản lai lương tâm mình nghĩ. Sau này, tôi ít gặp Văn Quang. Bây giờ anh hoàn toàn đổi khác, như tôi vừa nói trên kia , bây giờ anh là nhà văn ăn khứa viết feuilleton ( còn gọi là tiểu thuyết ba xu đăng báo hàng ngày ), có sách in nhiều nhất trong 1964, có địa vị trong quân ngũ, dễ kiếm bạc, có xe hơi, nhà lầu và nhiều " bà đầm " . Tôi mừng cho Văn Quang đã đạt mục đích sống, có danh phận ,tiểu thuyết gia tâm tình có hạng, truyện được biên kịch dựng phim .
Một buổi sáng đầu năm nay, tôi ghé quán sách Kim Anh ở vỉa hè đường Lê Lợi , khi
đang trò chuyện với anh Nguyễn Thuận ( chủ một quán sách ở Mỹ Tho, có in 1 cuốn sách nhỏ của tôi ) - thì, có một khách hàng, dáng trí thức, trạc tuổi tôi đến quán hỏi cô Anh mua lịch . Cô chủ Kim Anh giới thiệu tôi với khách lạ kia, là tiểu thuyết Văn Quang rất hay mới xuất bản . Khách hàng bèn lên tiếng : " à , tiểu thuyết của thằng ăn cắp văn tây " . Cô chủ quán và anh Nguyễn Thuận biết tôi là bạn Văn Quang , rồi Nguyễn Thuận quay sang tôi , nói :
"... người ta vừa chửi xéo bạn của anh Phong đấy ! "
Tôi cúi mặt, xấu hổ, nhưng đành phải giải thích như thế này :
"... Nói như ông khách vừa rồi, tội cho anh bạn tôi - vì anh bạn tôi có thèm đọc văn tây bao giờ đâu, làm sao có văn tây trong tác phẩm của anh bạn tôi được chứ ?"
Rồi tôi từ giã 2 người, băng qua đường sang lề đường Lê Lợi bên kia .
Còn phải nói thêm về nhà văn, tác phẩm và cuộc đời . Lữ Hồ trước kia cũng đứng trong nhóm Sáng tạo, anh ta rất quí mến Thanh Tâm Tuyền lúc đầu - bây giờ, anh ta lại chê Thanh Tâm Tuyền- ở chổ, phải gọi nhập ngũ, rồi được đưa qua làm sĩ quan kiểm duyệt ở Sở Phối hợp nghệ thuật / Bộ Thông tin , cùng nơi đại úy Nguyễn Quang Tuyến
( Văn Quang) . Đâu đó vào khoảng 1964, sau kỳ tổng thống Diệm bi đảo chính cuối 1963, quân đội cử các sĩ quan sang kiểm duyệt sách. báo ở Bộ Thông tin - sĩ quan Dzư Văn Tâm ( Thanh Tâm Tuyền ) giữ kẽ, không dám trò chuyện thân mật với Nguyễn Minh Hiền (Lữ Hồ) - chẳng là chính phủ Trần Văn Hương đang đối đầu với gíao hội Phật giáo Thống Nhất - còn Lữ Hồ được Phật giáo Thống nhất giao cho anh phụ trách báo Thiện Mỹ đi xin kiểm duyệt ra báo.
Với Lữ Hồ, giáo sư chuyên khoa trung học, kiêm họa sĩ, kiêm nhà báo , tôi không cần giải thích , vì từ lâu, Lữ Hồ biết tôi không trò chuyện với Thanh Tâm Tuyền - kể từ ngày Quách Thoại qua đời. Tôi chê , vì nhiều thứ ; thứ nhất là bước khởi điểm làm thơ của anh ta - ban đầu đi mua thơ Eluard, Aragon, Breton của nhóm Surréalisme đem về , cùng Minh Đạo đọc, dịch , sau đó xé đi, lấy ý hướng ,tư tường siêu thực kia để làm khuôn mẫu sáng ttc một thứ thơ hiện sinh sau này ( Minh Đạo, một người cộng tác với báo Lửa Việt , Chuyển Hướng của nhóm sinh viên Hànội di cư vào Nam , tiến thân báo Sáng tạo . )
Vậy thì sản phẩm kia, được gọi là văn chương hiện sinh ư , siêu thực ư ? ấy là không muốn nói là " đạo ý tưởng, văn phong Surréalisme tây quăng vào thơ hiện sinh sau này của nhóm
Sáng tạo " .
Đó cũng là lối văn chương hiện sinh của Vũ Khắc Khoan ái quốc, ái cò kiểu tiểu tư sản trí thức nhòm Quan điểm mới sau này - trong văn thì phung phá, mà làm được đồng lương nào về giao cho vợ không thiếu một cắc, chơi hụi lấy lời thì hiện sinh cái quái gì ? Yêu nước, nhưng là một thứ yêu nước có điều kiện; vật chất no đủ, bề ngoài ra vẻ khinh đời ô trọc; chính ra ,sợ bị đời khinh bạc lại . Không dám chân thực với chính bản thân như Vũ Khắc Khoan , như Đỗ Quang Bình- Mặc Đỗ.
Trước kia, thì Nguyễn Đức Quỳnh thế này thế kia , cùng đứng trong Quan điểm loại mới , vì chủ soái Hàn Thuyên tiền chiến từng là giáo sư sử địa dạy học trò có tên là Bình . Chỉ vì quyền lợi sao đó, lại tách riêng ra giữa thầy Quỳnh và luật sư trưởng nhóm đài thọ tiền bạc , Nghiêm Xuân Hồng, viết báo moi móc. ( ấy là nói về Mặc Đỗ , chửi thầy, kéo thêm nhà báo hoạt đầu " Nguyễn Hoạt- Hiếu Chân" vào cuộc, lên án thầy, là " văn chương cắm cọc trong ao ".( nhật báo Tự do ).
Thái độ chê bai kiểu của họ, là điều tôi khinh Vũ Khắc Khoan không dám thẳng thắn lên án Nguyễn Đức Quỳnh, mà ngồi trong bụi rậm, suỵt Hiếu Chân -Nguyễn Hoạt chửi bới anh Quỳnh là ẩn sĩ , trong thời kỳ anh Quỳnh làm cố vấn cho Bộ trưởng Công dân vụ
Ngô Trọng Hiếu .
Riêng tôi, chẳng hiện sinh, nhưng chân thành với chính bản thân , đi chơi điếm không cần phòng bị tiền chữa bệnh lậu - còn quí vị, hiện sinh thì lại như thế sao ?!
" Ông Jean-Paul Sartre ơi ! , chúng nó làm hại ông rồi đó ! " nện tôi chẳng cần giải thích cho Lữ Hồ về bọn họ ra sao, làm gì . Thơ, văn của Thanh Tâm Tuyền được gọi là văn chương nổi loạn, nhưng chưa được chứng minh bằng hành động, có xúc động thực qua kinh nghiệm bản thân.
Kể từ ngày Thanh Tâm Tuyền in Tôi không còn cô độc, được Nguyễn Đức Quỳnh đốc thúc, khích lệ, kiểu " xui trẻ con ăn cứt gà " :
" Thơ cậu hay lắm mới lắm, quả thực là thiên tài hiêm có ..."
Và tập thơ kia được sản sinh từ nhà in Quan điểm trên đường Phạm Ngũ Lão vào năm 1956, tác giả lấy đà , kéo bè nhóm , thầy chú hỗ trợ tinh thần - bài thơ này đề
tặng ai , bài kia tặng ai, những bản đánh dấu không bán từ TTT 1 đến TTT x..., đưa tuyện ngôn trong tập thơ tự do mở đầu cho văn chương miền Nam , với tuyên ngôn " hoàng đế thơ tự do " đọc xong " hãy vứt thơ ta qua cửa sổ " - vậy là, tên lừa đảo cực kỳ thông minh đã đánh thó ý tưởng văn chương André Gide qua Les nourritures terrestres , mấy ai đã biết ?!
Hình như tác giả đã tỉnh ngộ, bài viết Nỗi buồn trong thơ hôm nay , trước hết, xì độc chính bản thân anh ta .
Nguyễn Minh Hiền ( Lữ Hồ) không phải đi linh ngày nào, ( vì được hoãn dịch ) , có thể anh ta cho rằng, trong quân đội , cấp trên ra lệnh làm gì thì phải làm ngay - thi hành trước khiếu nại sau "- nên bênh vực những sĩ quan cầm bút đỏ gạch xóa bài báo hoặc trang sách bản thảo , cũng vì thi hành lệnh cấp trên. Cũng đúng, nhưng không phải tất cả vậy.
Hãy nhìn hành động phản kháng của phi công trung úy Phạm Phú Quốc và phi công thiếu úy Nguyễn văn Cử ném bom Dinh Độc lập đầu tiên., khiến cho trung tá tư lệnh KQ kiêm văn sĩ Nguyễn Xuân Vinh- Toàn Phong khốn đốn , xập đầu cúi lạy tổng thống Diệm tha tội .
Trở lại Thanh Tâm Tuyền, lính chiến ca tụng khói lửa, nhưng từ sóng gió của tài tử đóng trên vai diễn chiếu trên màn ảnh và trong studio mà thôi. Bởi T.T.Tuyền chưa phải chú chim già đời xuất trận, chỉ là loại chim mỏ trắng ( blanc bec) ca tụng qua môi mép miệng lưỡi sự gian lao .
Muốn có Les nus et les morts , phải là tác giả Norman Mailer, đã tham gia chiếh trận Cao Ly ( Triều Tiên ) năn 1950. Muốn là Jean Lartéguy phải là quân nhân trong đoàn quân viện chinh Pháp tham trận chiến Đông dương của thập niên 50 tại Việtnam.
Con người không phải "đẹp toàn diện " không tội lỗi , như vị thánh, cũng không thể " dẫm lên tội lỗi" mà bỏ qua đi, như ma quỉ. Ni ange ni bête , tôi chưa được đọc tác phẩm của này của Aldous Huxley; nhưng ngay cái nhan đề đã có lý. nếu mình hèn phải biết mình hèn, làm quấy nhận lỗi, rồi sửa đổi tránh lội vết xe đổ trước. Hoặc nhìn vào cuộc đời riêng tư trước và sau năm 30 tuổi của thánh Saint Thomas . Trước khi đi tu, Thomas hiếp con gái giữa cánh đồng; nhưng đến lúc lộn mửa việc mình làm, đi tu , lại thánh thiện hơn bất cứ ông thánh nào.
Nên tôi cón quí Tô Thùy Yên hơn Thanh Tâm Tuyền, ở chỗ anh chàng thi sĩ này cũng được gọi nhập ngũ và được chọn ở Saigon làm ngành chiến tranh tâm lý. Chỉ vài ngày sau, tôi được tin Yên đi Ba Xuyên làm Đài phát thanh. Tôi chẳng cần hỏi lý do nào, nhưng tôi đoán chắc rằng, tư cách và thơ văn còn có thể tin được, dầu hay dở ; nhưng điều cần là chân thực với chính mình * .
Không phải nói theo kiểu này : Fait ce que je dis mais non ce que je fais .
-----
* thái độ và tư cách của Tô Thùy Yên vào 1965 đến nay đã khác nhau xa. Merde !
-----
Một bạn trẻ sinh viên khác, Hoàng Văn Giang hỏi tôi, đại để rằng : vào thời kỳ 1963 - trong tự truyện ấy tôi đã bộc lộ tất cả, không giấu diếm tính xấu, tốt- như vậy độc giả biết được hết ngọn ngành, từ lề lối sống, thủ đoạn , cảm nghĩ của tôi rồi. Vây tôi còn cái gì để làm được gậy chống ? Tôi bảo anh ta đặt một câu hỏi khá hay, nhưng tôi chỉ biết trả lời thế này ; nếu tôi không sống khác đi trong tự truyện về lề lối, cảm nghĩ; tất nhiên tôi bị tước đoạt khí giới tâm hồn, rồi sau cùng tôi chết. Như vậy, tất tôi phải đổi thay . Người bạn sinh viên gật gù, vì anh là một nhân chứng theo dõi hành trang đời sống của tôi.
Một trung úy Không quân , anh Trần Như Huỳnh đến thăm tôi trước ngày đảo chính 1963, hai chúng tôi xuống phố, tìm một quán cà phê Tàu để dễ dàng nói chuyện tự do hơn - vì thời ấy - các nơi công cộng được tăng cường cẩn mật , Huỳnh hỏi tôi sao không tham gia trực tiếp hơn nữa đ, chống đối bàng hành động cụ thể hơn đối với chính phủ Ngô Đình Diệm ? Vì anh Huỳnh biết tin nhật báo Tiếng dân, tờ báo quân đội do trung tá mật vụ Nguyễn Văn Châu điều động Nha chiến tranh tâm lý, loan tin tôi bị bắt cùng nghệ sĩ Năm Châu, rồi đưa đi Trung tâm nhân vị Vĩnh Long để tẩy não. Tin này do nguồn tin từ Hànội loan và báo chí Hànội đăng tải, cũng như thứ trưởng văn hóa Cù Huy Cận của Việtnam Dân chủ Cộng hòa , đại diện tập đoàn Mặt trận giải phóng miền Nam , đọc bản tin này tại Hội nghị họp tại Le Caire vào tháng 2 - 1962. Khi báo Saigon trích đăng, cải chính, nào người này làm cho chính phủ, người kia làm ở đài phát thanh . Còn về tôi nói rõ hơn họ vẫn thấy tôi dạo phố Lê Lợi, Tự do bình thường, chủ trương nhà xuất bản Đại Nam văn hiến .
Tôi trả lời Trần như Huỳnh, giả thử, nếu tôi bị bắt , cho rằng không tham gia chống dối bằng hành động, tôi sẽ nhận ngay , rằng, văn chương từ 1959 của tôi là văn chương nổi loạn, khích động chông đối bất công và đàn áp. Tôi không chối về dòng chữ tôi viết ra, nó chính là điều mà tôi nghĩ, tôi đã sống và chống đối.
Một số bạn bè khác hỏi tôi về những thi văn sĩ, nhà báo nào làm mật vụ, tai sao họ làm vậy ? Tôi đáp, đó là quyền của họ . Nhưng tôi chống lai sản phẩm được gọi là văn thơ của họ vào thời kỳ mà họ làm mật vụ. Không phải chỉ riêng ớ nước ta mới có bài nhạc suy tôn Ngô Tổng thống của văn sĩ Thanh Nam ( viết lời ) và nhạc sĩ Ngọc Bích *
( viết nhạc ) - mà có một anh thi sĩ có tiếng Đức quốc vào trước thế chiến thứ nhất - khi Đức gây xúc động quần chúng để giao tranh với Anh quốc - thì Lissaueur làm bài Tiếng hát căm thù chống đế quốc Anh ( bản tiếng pháp : Le chant de haine l' Angleterre) Bài thơ này được phổ nhạc, buộc 70 triệu dân Đức phải thuộc lòng . Sau Đức quốc thất bại, Lissaueur bị khinh miệt, anh em nhà văn, nhà báo tẩy chay anh ta. Nhưng ở nước ta thì không thế, mức độ tha thứ của anh em nhà văn, nhà báo dễ dãi hơn nhiều. Chứng cớ, với lần gặp gỡ họ, riêng tôi thôi vẫn không nghĩ tới vụ kia và vẫn xiết tay họ như thường.
-----
* trong một ca khúc của nhạc sĩ Ngọc Bích làm trong thời kỳ kháng chiến suy tôn 1 lãnh tụ, về Thành, bệnh nghiền á phiện thúc đẩy cách làm tiền, bằng bất cứ cách nào có thể làm được. Khi thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Bao Đại - vị tổng thống đầu tiên Việtnam Cộng hòa được suy tôn bằng mọi cách, kể cả trong rạp chiếu bóng, trước khi xem phim , khán giả phải đứng lên " suy tôn Ngô Tổng thống" - ca khúc này do văn sĩ Thanh Nam đặt lời. Số tiền thưởng rất lớn chia không đều, tựa hồ miếng xương lớn được chủ quăng xuống, hai chú chó ở hai đầu vừa gầm gừ vừa giằng xé phần lớn về mình:
" lời tao đặt hay tao phải được nhận 6, nhạc mày ăn theo lời chỉ nên nhận 4/10 mới phải đạo! ".
- lời ca khúc suy tôn, ngay câu đầu: " Ai bao năm từng lê gót nơi quê người.." - đã từng có kẻ ghen ăn, tức ở , bèn xúc xiểm , lời nhạc coi thường chính khách thuở cơ hàn , đói khát, phải lê gót như " kẻ ăn xin, ăn mày" - nên sau buộc phải đổi lời câu đầu tiên.
Bật nhớ tới bên Xô viết, có 1 lần, lãnh tụ Staline vào rạp chiếu bóng, không chịu đứng dậy suy tôn ca khúc tôn vinh đại lãnh tụ trên màn ảnh - kẻ ngồi bên cạnh thấy vậy, thúc giục:" đứng lên suy tôn đại lãnh tụ đi, anh muốn bị đi đày ở Sibérie chắc ?". Lãnh tụ ngồi im, một lát sau, tự động ra cửa , khi cuốn phim chưa chấm dứt.
Chắc tổng thống Ngô Đình Diệm của đệ I Cộng hòa không dám có kiểu vi hành " thăm dân cho biết sự tình" như lãnh tụ Staline đã làm ?" .
( Chú thích sau : 2013 / TP).
( Còn tiếp )
thếphong
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ