Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

người đàn bà nữ sĩ dalat / truyện ngắn: thế phong - 2

thủy và t6  - 2 -   thế phong
saigon 2007.


                                    NGƯỜI ĐÀN BÀ NỮ SĨ DALAT
                     truyện ngắn: thế phong

                                                                              TẶNG TRẦN HUY BÍCH


Thành phố cao nguyên, một sáng chủ nhật.  Loại du khách như tôi, bao giờ cũng dậy muộn, đêm qua  mải miết trong  quán cà-phê , hoặc, phòng trà, sau đó lội bộ trong gió lạnh quanh hồ Xuân Hương tán phét bên người đẹp .  Ra đến phố, nhìn đồng hồ, đã quá giờ hẹn với một tên bạn  hành nghề giáo sư tư thục.  Tuy  trẻ hơn tôi ăm tuổi, nhưng , bề ngoài lại  ra vẻ  già nua, dáng đi đứng, ăn nói  khệnh khạng .

Anh ta là người của giờ giấc, đúng hẹn, và, mỗi khi phải sai hẹn với ai, anh lấy làm khổ tâm không ít. Tôi hối hả, vội vã, lòng  hơi có lo lắng. Hẳn  anh chàng này đang trách mình, rồi, nhìn đồng hồ tay, lại cho rằng nghệ sĩ  thường lề mề, chậm chạp !  Từ lâu, tôi có ý định đánh lảng thành kiến với bạn bè, về cái gọi là nghệ sĩ tính bất cần đời đó.  Phần lợi chẳng là bao , và, hại không phải  nhỏ.  Khi gặp, câu đầu tiên là xin lỗi , và , nhìn thấy bạn tôi mặc quần áo xong  , tay cầm chiếc tăm xỉa răng, đi lại  phía gương soi, chải mái tóc có nếp đường ngôi thẳng tắp.

Hình như anh chưa lấy làm hài lòng 'vẻ đẹp xấu trai ' thì phải.  Có thể, anh có mặc cảm xấu trai, dáng dấp  hơi hơi  giống triết gia-văn sĩ Giăng-Pôn-Xạc, mắt lé kim. Tôi vẫn thường đùa cợt anh một cách tế nhĩ, khi nghe thấy bạn hữu khen một cô gái đẹp nào đó, thì chêm câu " phụ nữ không đẹp thì uổng,  đàn ông đâu cần đẹp trai, chỉ cần tiền nhiều, tàidư , sức khỏe là đủ ". Dường như anh đoán được ý nghĩ, tôi đang cười thầm anh hay làm dáng, thì lên tiếng bào chữa, đại để giống bài giảng dạy học sinh ,  " ... quan niêm thường tình, làm đàn bà không cần đẹp, uổng , đàn ông cần có tài, có tiền... đúng vầy không ?  Riêng tao, rất không hài lòng về vóc dáng, nên soi vóc dáng mình trong gường , hoài hoài, vẫn chưa dám tự tin ... !".

Tôi gật đầu ngẫm nghĩ về anh chàng giáo sư này, rất ít xưng hô tao, mày, trừ khi chỉ có 2  chúng tôi, khi cảm thấy thân thiết.  Tội cũng rất ưa xử thế lối ấy, tránh được suồng sã, đôi khi đi quá trớn.   Huy bảo tôi, bây giờ thì đi uống cà-phê thôi, nhưng, tuyệt đối cấm ăn sáng .  Chắc đây là cách phạt tôi đến muộn,  thôi thì đành phải đồng ý vậy .  Trên đường đến quán cà-phê, chợt, anh dừng lại, hỏi một câu rất đột nhiên . Rằng tôi có biết tiếng nữ sĩ Vi Hằng ?  Gật đầu, thì Huy hứa,  sẽ đưa tôi đến chơi, sau khi ở quán cà-phê ra.  Và, còn có lời đe dọa, đại để, người ta có chồng con đấy nhé. Thì ra, Huy cho tôi thuộc vào loại người chuyên đi phá hạnh phúc gia cang người khác, không bằng ?  Bảo anh thế, tôi có giọng đuà cợt  " thì phải trả mạng này cho nhau chứ gì ". Huy phê, " tôi biết tính anh quá mà !". 

Vẫn chưa yên tâm, anh lại còn căn dặn thêm, " nữ sĩ chỉ biết tiếng tôi qua tác phẩm, chứ đừng làm cho người ta thất vọng, về tin đồn đời sống tôi bê bối, là đúng nhé ".  gật đầu, trả lời, " ... cuộc đời, sự nghiệp nữ sĩ nhà anh , ai còn  lạ gì ? . Vì, nàng ta đã có một thời là người tình lý tưởng của thi sĩ Quách Thoại. Và, tôi còn biết, bài thơ ' Trăng buồn của thiếu phụ  đổi ngôi ' , do chính nữ sĩ sáng tác, từ động cơ thúc đẩy của Thoại. " Nghe xong, Huy lắc đầu, không phải anh phục tài tôi biết khá nhiều về đời tư văn nhân, thi sĩ 
- mà - anh cho tôi nói dóc để 'ra cái điều' với anh.

Tôi không đính chính, hoặc cố ý biện bạch, bắt anh tin. Và, bấm bụng, sẽ làm cho anh ngạc nhiên, từ một đến hai, và nhiều nhiều nữa. 

Chỉ một lát sau,  chúng tôi ra khỏi quán, rồi, đi thẳng tới nhà vợ chồng nữ sĩ .

                                                         ***

Chiếc tắc-xi đưa chúng tôi qua ven hồ Đà lạt, sau, tiến thẳng  hướng về Sài Gòn. Tài xế tắc-xi hỏi  đi đâu ? , Huy vội vã trả lời, " ... nhà ông Phạm L..., nguyên phó tỉnh 
trưởng . "   Huy nghĩ thầm,  các bác tài ở Đà lạt này, có ai lại không biết biệt thự Ngọc Nga ?   Riêng bác tài này lắc đầu, trả lời cách ngang ngược, trái ý khách , " tôi không cần biết, chỉ đường đi...". Hài lòng về câu trả lời  ngang bướng không kém, tuy không nói ra. Còn Huy,  nhún nhường giải thích,  chủ biệt thự Ngọc Nga là người danh tiếng, từ khi ông ta giữ chức phó tỉnh trưởng hành chánh, ai ai cũng khen ông là người tốt.

Bác tài trả lời , biết sơ sơ thì có,  riêng  bác, thì lại chẳng cần biết ông ta tốt hay xấu.  Và, Huy đành phải chỉ đường cho bác tài.  Quay sang tôi, Huy kể về lai lịch gia đình này.  Như để chobiết thêm : một tiểu sử danh tiếng của một gia đình danh tiếng, tại sao bác tài này không biết ?  Bà cụ ngoại,  người thay mặt ông  thân sinh ra chồng của nữ sĩ Vi Hằng, người coi sóc tư thất của con rể.   Đại để, là bạn thân với gia đình nhà văn sĩ lãnh tụ Tự lực văn đoàn -   bà ta là người đàn bà từng có quá trình tranh đấu cho xã hội, nhân quần,  một trong những người khai thác đầu tiên mỏ than  Nông sơn bây giờ.   Từ khi về ở đây, đất rộng,  bà cho xây đền thờ Phật tại gia,  lập tức,  bị chính quyền Diệm ra lệnh  cấm .  Đó là vào thời kỳ Phật giáo đang bị nhà cầm quyền làm lôi thôi.   Có một đức Cha,  anh ruột tổng thống Diệm, ra lệnh cho địa phương phải phá điện thờ Phật, với lý do, gần kề nhà thờ Công giáo sắp xây .  Bà lên án, nguyền rủa họ dùng thế lực đàn áp tôn giáo khác phái.

Nay, thì chế độ Diệm đã lật nhào, bà cũng chẳng còn ý định  xây điện thờ Phật. cũng chẳng oán trách chế độ, một khi họ không còn  nữa. Huy dẫn giải thêm, vì vậy bà ta rất ghét  ai làm chính trị,  và, bà ta chỉ quý trọng người làm văn nghệ, vì, họ khổ nhiều, sung sướng ít, cứ trông cái gương Nhất Linh- Nguyễn tường Tam, thì rõ. Bà kể, vợ  anh Tam lam lũ, tần tảo buôn bán nuôi lũ con, để chồng tự do đeo đuổi lý tưởng, nguyện vọng ấp ủ.   Và,  Huy không chỉ khen ngợi trực tiếp người giữ tư thất này đẹp ở tâm hồn, mà cả tư tưởng lẫn thường nhật của bà.  Anh bảo tôi, sau này tôi sẻ thấy được trải nghiệm, qua lời nói của  Huy.  Tôi gật đầu, nhưng dè dặt,  kinh nghiệm sống không cho phép dễ tin, một khi chưa được trực tiếp tiếp xúc, cần  có sự trải nghiệm trước đã.

Đường đi xuống đèo, biệt thự nằm nghiêng trên sườn đồi thông. Kế bên, một khách sạn  La Savoienne nổi tiếng  Đà lạt, chi phí  1500 đồng/ ngày  / 3 bữa, theo  chế độ hoàng tử, vương tôn.   Tôi nhớ lại, bởi, con đường này đưa lên khách sạn đó.   Đưa chúng tôi tới nơi, tắc-xi trở lại Đà lạt, chúng tôi bấm chuông biệt thự Ngọc Nga. Nhìn bác tài cầm 30 đồng trên tay, vẫn  không  hài lòng, thầm nghĩ, tôi đoán không phải vấn đề tiền bạc, mà có thể vì sự thất thố cua bạn tôi khi nãy chăng ?

                                                     ***

Một bà già tóc trắng, ăn vận theo lối đẹp tiền chiến, ra tiếp chúng tôi. Anh Huy giới thiệu tôi là văn sĩ, bà cụ  niềm nở tiếp .   Câu chuyện đầu tiên, bà cụ  kể, rất nhiều người Mỹ đến đây đòi thuê nguyên căn, khước từ ngay,  sau khi mời nước, vẫn bỏ công đưa họ đi xem nhà, vườn tược.  Có một anh thông ngôn người việt rất hãnh diện,  hỏi thuê nhà, mà như  hạch hỏi, " Sao bà cụ có nhà rộng thế lại không cho thuê, chủ nhà là ai, có thể tiếp xúc thẳng với chủ, được không ? " .  Bà cụ nổi giận, nói như đập vào mặt, " Chủ là tôi và tôi không cho thuê, thế đấy .  Bây giờ tôi bận việc rồi, xin lỗi các ông ...". - tôi vừa nghe chuyện bà ta kể,  mắt vẫn phóng tầm nhìn ra vườn tược rộng thênh thang.  Sườn đồi thoa thoải, hoa đào mơn mởn nở, và năm nay,  đào nở rộ tới 2 lần, giáng sinh và  tết ta.  Âu cũng là điều lạ, vì tứ trước tới nay, hiếm xảy ra   Đẹp nhất, đồi thông đầy là khô trải, xác lá chơn nhoài, lá thông khô muốt dễ làm trượt chân khách .  Xin phép bà cụ, tôi đi ra vườn, ngắm hoa, tiện thể, óc hồi tưởng nhớ hình ảnh dĩ vãng chôn vùi có dịp trỗi dậy.   Như là, bữa nay tôi lang tháng nơi này, và, trước kia là ai, sau, tới kẻ nào ?   Ấy cứ hay nghĩ vẩn vơ, như lần nào đi bên cạnh  người yêu, nàng thề thốt 2 người có nhau mãi, không ai được xa nhau, thì đùng một cái, kẻ xa tôi, lại chính là nàng.  Phải, chính là nàng đã phụ tôi trước. , lúc này đây,  tôi đâu có trách nàn được  !  

Căn biệt thự này đã lâu đời lắm, lối xây cất từa tựa  trang trại chủ người Ý ở thế kỷ 19.  Trước ông chủ Phạm L... này, tôi đoán thế, không chỉ giàu có, họ còn là nhà nghệ sĩ có  nhiều cảm quan  sành sỏi nghệ thuật.  Gian nhà tầng trệt rộng, cuối phòng, một cầu thang bắc lên lầu.  Ở tầng trệt, nhìn xuống đường, có thể kiểm soát được cả một khúc quanh co, kể cả ngày mù sương rét đậm, khách nhàn du khoác áo lạnh, đi xuống chân đồi, nhìn ảo ảnh chập chờn diễn ra nơi khúc quanh co kia, quả thật tuyệt diệu !   Với người chủ này, tôi nghĩ thế, họ có một cuộc sống thật dài cống hiến cho luật hành chính, thế mà, họ còn  thời giờ nhàn hạ  thụ hưởng  !   Nước Tàu thời xưa, có những bậc phong lưu quân tử, làm quan,  vẫn giàu cảm quan nghệ sĩ, chứ thời này làm gì có cảnh từ quan về sống ẩn tích, mai danh nơi vắng vẻ, quạnh hiu ?

 Thì, bỗng nghe tiếng Huy gọi, tôi trở lên, và chắc giờ này nữ sĩ Vi Hằng về tới.   Nhớ lại, bà cụ là người miền bắc rặt, sao  Vi Hằng lại là người Huế ? , Thì ra, cháu ngoại cụ đã bị,
" gặp cô gái Huế bỏ đi chẳng đành" tóm mất hồn vía rồi !  Đưa tầm mắt ngước lên, xa hơn chút nữa, chiếc xe hơi Peugeot mui trần , 2 chỗ, đã đậu ở parking.  Với cặp vợ chồng son, chiều chiều 2 người  bên nhau ,  lướt  trên  khúc quanh hồ  Xuân Hương mất hút , hướng về hồ Than Thở, hoặc, dìu nhau lên đồi Cù, , quả là thơ mộng !!!  Nhưng, một khi thêm vài  đứa nhỏ, chạy đùa, nghịch ngợm, vây quanh bố mẹ, thì, cảnh thơ mộng kia không còn nữa, và càng bực rọc trước cảnh chật chội của chiếc xe mui trần . 

Huy giới thiệu tôi với vợ chồng họ.  Người đàn ông , ó vóc dáng trí thức làm dáng, nhìn kỹ hơn, trên khuôn mặt có đôi chút thông minh le lói, hay chỉ là,  một khuôn dáng bên ngoài ,  một tay trí thức hợm đời !    Chàng ta bắt tay tôi ,  bặt thiệp,   nghiêng đầu ở độ vừa phải, dáng một công tử bột, cha mẹ giàu cho ăn học, ăn nhiều, học ít, lêu lổng chơi bời, lớn lênt biết cách sửa sang ,. tạo được một diện mạo trí thức đánh bóng.

Người vợ mảnh khảnh , bốn con rồi, vẫn chịu khó giữ sắc, nếu không có đàn con bên cạnh mẹ, ai đoán chắc chỉ cho nàng là gái một con, trông mòn mắt.  Khuôn mặt khá xinh, ẩn hiện nhiều đam mê ngầm, bặt thiệp xã giao ,và, có nước da bánh mật .  Ôi thôi ! da bánh mật của thứ đàn bà đa tình, cộng thêm mác nữ sĩ, tác giả nhiều bài thơ trữ tình, chứa chan yêu đương,  lối sống hiện sinh.   Và có một đấng phu quân trí thức,  ít nghệ sĩ tính, thì quả cô vợ thật khó sống,  chồng đường đường là một giám đốc, hiệu trưởng trường.

Tôi  hình dung ra ngay, nếu chàng phu quân nữ sĩ có là chủ trường đi nữa, một giáo sư không hề lên lớp dạy, một chủ báo chăng nữa, chàng phu quân của nữ sĩ không nặn nổi đôi dòng, thôi thì , chỉ bỏ tiền làm giám đốc chính trị tờ báo , nếu chàng thích làm chính trị, còn làm giám đốc trị sự, nếu chàng ham  làm giàu , v.v. và v.v....  Thực tế giờ này,  tôi đang bị luống cuống, khi xiết tay người chồng + lời khen tặng, " nghe tiếng anh từ lâu,  bữa nay hân hạnh diện kiến ".  Nghe rồi, tôi rất muốn nịnh chàng ta một câu tương tự, tiếc thay anh ta không  là chủ báo, " cũng nghe danh anh từ lâu, và có đọc nhiều bài viết  đăng báo ...".

Không thể có câu nào đối đáp, tôi đành chịu nhận lời khen miễn cưỡng , quả là có đi mà không có lại rồi.  Quay sang phái vợ , nàng nghiêng đầu như con chim gi đá, của lần đầu đứng bên con đực ,  ngoài tổ ân ái mới xây xong.  Nàng nói với tôi, câu khen tặng nồng nàn hơn chồng, tuy ,cũng được biết từ lâu, nay mới gặp mặt - nữ sĩ nói ra không ngô nghê, sáo mép như anh chồng. Với người chồng, chỉ cái tên thôi, chắc  mới chỉ nghe lần đầu đây thôi, sao lại khen nhau là biết tiếng từ lâu ? Còn với người vợ, tôi nói ngay, có đọc nhiều thơ  - như bài Mộng tưởng và cuộc đời, chẳng hạn.  Nàng ngạc nhiên , hỏi dồn dập, có đăng nhiều thơ đâu mà tôi đọc được, hơn nữa, bài ấy là một bản thảo chưa
 đăng ?  Ngó sang Huy, bạn đang lo cho tôi , có thể đang bị hố với nữ sĩ, vì, thấy khuôn mặt anh phản ánh lo lắng. Mà thực ra, tôi đang lâm vào thế bí ,như Huy đoán thật, song, đến câu đáp liều lĩnh, được đọc qua thi sĩ Thọai cho mượn bản thảo.  nàng hạ giọng," à ra vậy ", như đã biết  rồi -  có vẻ như nàng muốn  đánh tan nghi kỵ của chồng  bao lạu nay .  Tôi cố ý vậy, bởi nhớ lại, có lần Thoại cho biết,  Trăng buồn của thiếu phụ đổi ngôi, đúng là một bài thơ nói về sự thất tình lớn lao  giữa cặp tình nhân là con cô, cậu ruột. Nghe tới đây, Vi Hằng hơi thất sắc, gượng trả lời, "  Vâng, chỉ có anh Thoại là có thơ bản thảo của tôi.  Anh và anh thoại tôi là bạn với nhau, tôi có biết, thực ra giữa tôi và anh Thoại. ngoài cương vị  là anh họ, chúng tôi còn là bạn thân, chúng tôi  thân thiết với nhau qua tình bạn nhiều hơn ".  Người chồng im lặng nghe, có sự ghen ngầm ,về chuyện ấy, tôi đoán được từ khi sắp nói ra.  Lại còn có ý định  đem câu chuyện tình của  thi sĩ Edgar Poe  làm thí dụ,  kể chuyện chàng ta yệu cô em họ ra sao, hẳn rằng sẽ làm khổ Vi hằng và anh chồng không ít .  Cũng phải nói rằng, khi ấy, tôi cố ý trả thù ,đối với những tện vô loại, chúng dùng tiền của để cướp tình nhân nghệ sĩ , chúng đâu có cần biết yêu đương là gì, thích là đem tiền ra mua, vậy thì, đây là dịp tỏ bầy quan điểm của tôi thích hợp nhất.

Chẳng  hạn, tôi kể rằng, " ...em ơ đồng tiền tuy bẩn thỉu thật, mà không có tiền sẽ vô cùng khổ, lại gặp nhiều trở ngại đấy, em !  Em cứ yêu chàng thi sĩ kia,  được lắm- nhưng - có thể  mài cái tài cán của chàng để nuôi 2 đứa, được không ?  Tốt hơn hết,  cứ cho là anh không xứng đáng như thi nhân, nghệ sĩ; hay đúng hơn, không được may mắn em ban cho tình yêu đích thực, nhưng, em cần biết là anh có dư tiền của ,để bảo đảm cho đời sống chúng ta thật dư dả. Em vẫn cứ yêu chàng thi sĩ ấy, không ai cấm, nhưng có một  điều sắp nói ra đây,  anh xin cầu hôn em, thì em phải vui vẻ gật đầu đi chứ !. Và, em biết đấy, anh hoàn toàn tôn trọng  mối tình trầm lặng ấy.  Em không thấy sao, người nghệ sĩ yêu muôn vẻ đẹp, nay yêu vẻ đẹp người nữ này, mai có thể yêu vẻ đẹp người nữ khác, có bao giờ chàng ta yêu độc nhất một ai đâu ?  Tình yêu người nghệ sĩ là tình yêu vạn vật, của cả muôn màu, muôn vẻ mỹ miều.  Và, chính  em cũng là một thi nhân, chắc  không thể quên chàng thi sĩ Minh hương Hồ Dzếnh, từng bày bỏ tâm trạng người nghệ
 sĩ " Tình chỉ đẹp khi còn dang dở / Đời hết vui khi vẹn câu thề. "  Vậy thì, em cho phép anh  cùng chung sông một chuỗi ngày dài lâu, khi em hết mang bóng hình chàng nghệ sĩ, hay trái lại, cũng vậy ..."  

Tôi không hiểu người chồng có thể nói được lời tán tỉnh giống vậy không, nhưng chắc chắn chàng phải có một tài riêng biệt nào,  để chiếm đoạt thân xác người đàn bà nữ sĩ làm vật sở hữu.  Vi Hằng không hề giấu diếm ,  "... với anh Thoại,  ngoài mối tình ấy, chúng tôi còn sống bằng tình bằng hữu nhiều hơn...". Đã ngoài 10 năm dài đằng đẵng, nhiều đau đớn ngầm hành hại nàng rồi!   Nhìn sang Huy, tôi thấy anh bắt chuyện với bà cụ, như lảng tránh tham dự câu chuyện giữa tay ba chúng tôi.

Huy là giáo sư dạy ở trường do chồng Vi Hằng làm hiệu trưởng.  Huy được  thuê dạy, được trả lương, vậy thì tránh sao được phiền hà, khi anh dẫn tôi đến chơi, khiến cho vợ chồng  xích mích ! Nếu chẳng may, có chuyện rắc rối, hẳn , tôi là kẻ gây tai họa. Linh cam ở tôi cho biết trước,  Huy đang rất lúng túng, trước câu chuyện từ tôi khơi mào, nhắc  chuyện tình xa xưa giữa Quách Thoại + Vi Hằng.   Bây giờ, Huy đã đi vào phòng khách, ngồi chung với chúng tôi. 

Người chồng mặt mày xa xầm, bực dọc, có vẻ như lại ghen tải dĩ vãng vợ mình, bằng cách đuổi lũ nhóc nghịch ngợm, đang giơ súng nhựa bắn pháo pàng pàng, làm nhức óc người lớn.  Bà cụ ngoại vẫn thao thao bất tuyệt, nói về tài  sưu tập tài liệu báo Phong hóa,  Ngày nay, Tri tân , v.v... -  nhân dịp này nhắc tới các văn sĩ tiền chiến có công tô điểm  sự nghiệp văn chương quốc âm rạng rỡ.  Rồi, bà đưa cho xem một tờ báo hàng ngày mới xuất bản đây, đăng bức tranh  hí họa: người cha đang ăn cơm, mắt không rời đọc báo.  Nhìn đồng hồ, thấy gần 1 giờ chiều, đến giờ đi làm, bảo con cất tờ báo đi, chiếu ở sở về nuốt tiếp.  Huy bình luận, cái tay công chức nào đó thật vất vả, chứ như cô  Vi Hằng đây, tuy  là công chức, vẫn thảnh thơi.  Vì ,đã có  đức lang quân  (quay sang người chồng)  đưa tới sở làm đúng giờ giấc, vừa là công chức gương mẫu, vừa là một thi sỉ nỗi tiếng ở xứ hoa đào này.  Câu chuyện  khôi hài này, Huy chỉ muốn làm tan loãng vẻ bực bội của người chồng, khi nghe tôi kể chuyện bài thơ phải gió căn răng nào đó, liên quan tới vợ anh ta,  thế thôi .

Riêng tôi lại không nghĩ vậy, vẫn tảng lờ nói chuyện với người vợ, rất bặt thiệp với người chồng -  khiến anh ta muốn bắt lỗi, lại chưa tạo được cơ hợi, trừ sự cố ý gây hấn thì không kể .  Tôi  kể  chuyện Quách Thoại và chuyện tình đau đớn,  lại còn nhắc cả chuyện bạn bè văn chương trong nhóm  Sáng tạo,  chủ nhiệm nhận viện trợ Hoa Kỳ làm  báo ,giàu xụ,  mua xe hơi vi vút lui tới  trà đình, tửu quán, bỏ bê bạn bè thiếu thốn, nghiện ngập như Thoại chẳng hạn . Khi Thoại qua đời,  họ thương vay khóc mướn, sống chẳng cho ăn, chết làm văn  tế ruồi !  Người vợ nghe chuyện, bùi ngùi nghe kể chuyện về người anh họ qua đời trong nhà thương thí Hồng Bàng,  tôi viết sách  lên án  vụ việc * ,   người anh ruột làm văn, viết báo đòi kiện tôi ra tòa. 
---
*  Hàn mặc Tử & Quách Thoại, nhà thơ siêu thoát / Đại Nam văn hiến xuất bản, Saigon 1957. 

Vi  Hằng  ăn nói kín đáo, vóc dáng son sẻ,  dễ nhìn, hẳn còn làm khổ nhiều kẻ thèm muốn. Thật ra, tôi có dụng ý, khêu lại một quá vãng thật diễm lệ, hoặc, cái tương lai, bất cứ tương lai gì, miễn làm chán nản hiện tại. Bởi, tôi  biết, không một người đàn bà Huế nào chịu yên vị với hiện tại.  Riêng tôi, cố ý hành hạ người chồng  của Vi hằng.   Chàng hiệu trưởng như đang bị thấm đòn,  nhìn vợ mình đang lo lắng, suy ngẫm một điều gì đó , không mấy vui.  Nàng được coi là vợ của mình, ngẫm ra, có vẻ mờ ảo quá,  thât ra có thể chỉ làm chủ được thân xác nàng, mà ,không có phần hồn.  Có trong tay ở thực tại, mà dường như mất, là vợ mình thật, song biết chắc tâm hồn, tư tưởng của nàng không còn tùy thuộc nơi người chồng, niềm ray rứt kia hành hạ người chồng nhiều hơn. Tôi cứ hay bi thảm hóa, thế thôi, mà ,chắc gì người chồng kia nghĩ được vậy. 

 Nhìn đồng hồ, hơn 11 giờ trưa, tôi có cái hẹn với gia đình một cô em, vì, tôi chớm để ý tới cô ta.  Xưa nay, với ai cũng thế; nhất là  đối với giai cấp bình dân lao động, tôi lại càng phải tỏ ra giữ đúng lời hứa.  Mười hai giờ trưa nay, họ mời ăn bữa cơm.  Cũng nên giã từ gia đình Vi Hằng, tôi tưởng làm anh chồng tức bực như thế , tạm đủ. Một thứ tình cảm trả thù cho nghệ si bị kẻ bình thường, như người chồng Vi Hằng dùng tiền của cướp người yêu  của Thoại đã được trả thù. Chính tôi không ngờ tôi có thể đóng tuồng tích mê đắm Vi Hằng, khiến anh chồng như tức điên lên, ghen tuông với vợ về một tình yêu xa xưa ờ Huế.  Có lẽ tôi đã đóng 2 vai kịch , đóng thật nổi, mới làm cho kẻ  ngồi nghe chuyện tin là chân thành, còn khó hơn, làm sao đạt được, khi có nguồi chồng chứng kiến.

Tôi xin phép bà cụ, lẫn vợ chồng Vi Hằng, tôi đã có cái hẹn không thể ở lại dùng bữa trưa với họ.  Không một ai giữ tôi  lại, nhất là người chồng khôn khéo cách  tiểu sảo , kẻ rất muốn tống khứ tôi,  cho  rảnh mắt.   Bây giờ , bà cụ lên tiếng, giữ tôi ở lại dùng bữa qua loa , rồi hãy đi.  Huy cũng góp ý, tôi đành ở lại, nói thẳng là dùng bữa qua loa thôi, còn để bụng trở vê nhà cô em.   Cả gia đình Vi Hằng đồng ý như thế, và, sắp chỗ ngồi, người chồng ngồi đối diễn tôi,  Vi Hằng ngồi đầu bàn. Bỗng nhiên, người chồng quạu cọ, nói với vợ, " ... em ngồi đằng này chứ, sao ngồi xa vậy  ? ".  Nhìn sang Huy, tôi ngỏ ý, báo cho biết dường như có sự xung đột tỏ lộ  công khai.  Còn Vi Hằng chiều theo ý chồng,  hơi khó chịu, sau đó quay sang bắt chuyện với tôi, " .. quyển 'Tuyển truyện Tê- Pê ' của anh in đẹp đấy, trông giống sách Pháp lắm, có điều hơi khó bán  - bởi, lối trình bày, khổ sách vuông, lối viết  lại đòi hỏi  một loại độc giả loại riêng ..."

Tôi im lặng, người chồng  khen chung ý vợ, còn tôi quay sang phía Vi Hằng,   "...thực ra,  một bạn  bỏ tiền in  . Anh ta cũng là tay văn sĩ viết truyện ngắn cừ khôi,  yêu tôi mà xuất vốn in đấy"---  "- truyện ' Người đàn bà không tóc' anh viết rất lạ"- Vi Hằng tiếp lời . Tôi hơi bị lúng túng, vì lẽ, truyện ngắn  mà Vi Hằng khen ,thuộc lọai tả chân hiện thực. Một người đàn bà làm điếm , khi yêu,  rất chung tình, m2 tệ thay,  xã hội không cho phép chị ta làm lại cuộc đời. Ẩn ý của tôi, lên án xã hội dân chủ no ấm phồn vinh giả hiệu của chế độ Diệm. Sau đó, Vi Hằng hỏi tiếp  chuyện khác,  có một nhà báo viết văn , tên là Duy Khôi , con  chu soái văn chương Đàm trường viễn kiến. Viết phê binh điểm sách rất xuất sắc,  lại nổi tiếng  háo sắc  vào lọai thượng thừa.  Rất thích rủ rê đàn  bà, con gái đi ăn chơi,  nàng nào ngồi lên chiếc xe hơi Hillman  rồi, có ngùng nguẩy, " em  ứ chịu đâu " , thì khó thoát để chàng hôn một cái .  Có một tay nhà báo lúc đầu là phóng viên báo Tự do, sau  làm thư ký toà soạn báo  Quật khởi, sửa soạn cưới vợ. Trong làng với nhau, Duy Khôi và  Quân Anh không thể không quen biết . Có một lần, nhà báo Duy Khôi đưa xe hơi tới nhà  người vợ sắp cưới của Quân Anh,  báo tin dữ, anh ta bị tai nạn , bất tỉnh đang nằm ở bệnh viện .  Nàng vội vã theo Duy Khôi,  lên xe hơi , Duy Khôi  lại đưa thẳng nàng ra xa lộ, thay vì vào bệnh viện cấp cứu...  

Tôi chỉ được  nghe kể tới đây, không hỏi thêm chuyện gì tiếp xảy ra. Và, được nghe kể lại, cô nàng khóc lóc sau chuyện  đi thăm Quân Anh ,  lại bị đưa ra xa lộ hóng gió  Chẳng ai  thèm trách cứ Duy Khôi , vì biết thói trăng hoa chàng này - hậu quả, đám cưới Quân Anh với cô bé ấy, hình như không được diễn ra.  Có thể, Quân Anh nể Khôi , chỉ là phần nhỏ, vì  nể danh văn sĩ  chủ soái Đàm trường viễn kiến, thân phụ Khôi.  Ấy là tôi đoán vậy !

Ăn xuống vội vã, rất qua loa , tôi xin phép rút lui trước. Tôi nói với Huy, " thôi bạn về sau nhé".  Biết chắc rằng, khi tôi ra đi rồi, Vi Hằng sẽ trở thành nạn nhân của chồng. Sau cùng, Huy không ở lại,  cũng đứng dậy  theo tôi.   Người vở nhắc chồng tiễn khách.   Chúng tôi  lấy cớ đi xe đó tiện hơn.  Người chồng xiết tay giã từ chúng tôi rất vui vẻ, như để che mắt, có sự nứt rạn.  Người chồng hỏi địa chỉ tôi trên cao nguyên , " anh ở nhà người quen hay khách sạn, thế nào vợ chồng tôi cũng sẽ  tới thăm anh .." Tôi có cảm tưởng như anh ta muốn gặp tôi để trả đòn thù  ?  " --- " " ...đươc anh chị lai thăm tôi, quả là hân hạnh.  Giả thử,  chủ nhà trọ nói đi văng,  xin anh chị cứ bước thẳng vào nhà. Bởi, đó là dấu hiệu cho chủ trọ biết, anh chị là khách thân. Đã có 1 lần. bọn cao bồi tới nơi tôi ở tại Đà lạt để đe dọa hành hung, bởi , một đêm nào đó, tôi mời một vũ nữ  bạn của họ,  dạo quanh hồ.  Tôi ra tiếp  họ, bị đấm xưng mặt .  Tư bữa ấy, chủ trọ trả lời =ai hỏi tôi đều  không có nhà ...". 

Ra ngoài đường rồi, tôi nói với Huy, "  ...liệu anh có sợ bị liên lụy không ? " . Anh trả lời chậm rãi, cứ làm như anh ta chỉ sống nhờ vào một trường ấy ?  Tôi làm ra vẻ lo nồi cơm cho anh, không dạy ở Đà lạt, thì về Sài gòn, thiếu gì chỗ để dạy ?  Huy  lắc đầu, chuyện   đâu có đến nỗi  to tát đến thế.  Huy trách tôi  hay gây chuyện,  biết vậy, anh không đưa tôi tới thăm nữ sĩ Vi Hằng, có phải tốt hơn  không ?


                                                         ***

Hôm sau, bà cụ ngọai hớt hải lên phố chợ Đà lạt, kể chuyện vợ chồng  cãi nhau, sau khi chúng tôi về.  Ấy là,  chuyện tình ngày cũ, người vợ nói thẳng với chồng, "  chính là mi bóc lột đời tau đến cả mười mấy  năm nay. nay, tau không còn gì mà sợ ..." . Chồng lên án vợ, giống nghệ sĩ là chúa đa tình, chưa thấy trai,  đã liếc mắt rước vào, từ nay cấm tiệt. không cho thằng  văn sĩ, thi sĩ tới gặp vợ nữa. Hành văn tục tằn còn hơn hơn nữa. 

Bà cụ lên phố báo tin cho Huy, nếu chị ta có tới tìm địa chỉ ông bạn nhà văn gì đó, thì  không cho, và  hãy khuyên ông nhà văn đừng đến tìm cháu dâu bà làm gì, bởi sẽ có chuyện chẳng lành.   Khi Huy nói vậy, tôi giả đò, như đã có hẹn tới thăm nữ sĩ,  " Ngay tối nay  cà phê Tùng, sau đó đến Tulipe hay Night club, là tùy ý nữ sĩ  ."  Huy  nghe tới đây,  giận dữ, " Không nên, không nên làm vậy  !".  Tôi cười thầm, trả lời, " không tin tôi, thì anh hỏi thẳng nữ sĩ nhé  ? ". 

Ngay sáng hôm sau, tôi ta bến xe mua về Sài Gòn .   

Lần sau, tôi  lên Đà lạt, kỳ này chẳng tới thăm một ai, kể cả Huy>  Và,  truyện Người đàn bà nữ sĩ Đà  lạt đang nhảy muá trên chiếc máy  chữ xách tay.

thế phong

      ( Sđd :  tr. 25 -  42 ) 


   






                                                                                 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ