Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

gặp thế phong ở chợ tân định / duyên anh [1934 - Paris 1997]

 hồi ký duyên anh /  saigon ngày dài nhất 

                          gặp thế phong ở chợ tân định chiều  30/4/75
                                                       hồi ức :  duyên anh

      (...) 
      19 giờ 30.
      Thành phố lên đèn .  Đèn phố giúp tôi nhìn rõ một  thay đổi mới của  Sài gòn, 9 tiếng đồng ồ sau lệnh đầu hàng.  Sự sang trọng của  Sài gòn đã được giấu biến.   Dân chúng ra đường ăn mặc tiều tụy.   Đàn  bà, con gái không áo dài, không son phấn, không sớn móng tay, hoặc, đã rửa móng tay sơn.   Nhiều bà, nhiều cô sợ hãi móng tay dài nhọn hoắt là lười biếng lao động, sẽ bị dùng kìm rút đi, đã nhanh nhẹn cắt móng tay.  Đàn ông, con trai, áo bỏ ngoài quần, lê dép Nhật made in Cholon.   Xe Honda hết  lạng bay bướm.  Xe đạp chạy êm đềm.  Khu Tân định nhẫy nhụa những bài ca cách mạng, tiết ra từ những cái loa gắn chung quanh chợ.  Nhưng mà những kẻ gây khí thế cách mạng ồn ào, cách mạng hơn những kẻ cách mạng [thực sự]...   Rất lẹ,  cỏ đuôi chó đã kết hợp thành những đội ngũ vác cờ, mang khẩu hiệu diễu  hành .

    - Long, Long ...

     Tôi ngó vào tiệm mì cạnh rạp Kinh thành.  Người vừa gọi tên cúng cơm của tôi  là Thế Phong, tác giả ' Nửa đường đi xuống' , một trong những phản đồ của Văn nghệ chủ quan viễn kiến, môn phái Nguyễn đức Quỳnh.  Thế Phong vẫy tay ra dáng bí mật.  Tôi bước vô tiệm.

   - May còn tiệm chú Ba mở cửa, Thế Phong nói.

    Tôi ngồi xuống ghế.  Thế Phong mời mọc :
    - Ăn một tô nhé ?
   Tôi gật đầu .   Cần thiết ăn một tô mì trước khi bị ném vào biển máu.    Tôi cũng thấm đói rồi.
    - Mày không lọt lưới à ?  Mỹ bỏ rơi à ?
    - Ừ, còn mày ?
    - Xêm- xêm. Tao  đào ngũ từ đêm qua.  Tụi nó pháo kích khiếp quá, không vào sở
được .
    Trung sĩ văn nghệ không quân Thế Phong vẫn thích khôi hài. Tác giả Tôi đi dân vệ Mỹ nhấp ngụm bia :
    - Mày đi đâu qua đây ?
    - Xem Sài gòn đổi cờ và định ghé mua rượu về uống đợi chết.
     - Không chết đâu.
     -Tại sao ?
     - Không có biển máu, nhưng chúng ta sẽ che61td ần chết mòn, chết như cây cỏ, chết chẳng ai thèm biết .
     - Nửa đường đi xuống !
    - Đi xuống địa ngục .   - Vậy đó.   Bố Quỳnh đã không sai .
    - Nhưng mày là phản đồ 'Văn nghệ chủ quan viễn kiến '
    - Đồng ý .  Bố Quỳnh đã tiên đoán Sài gòn sẽ bị đổi thành  Hochiminhgrad.
   - Trong' Sa mạc tuổi trẻ '.
    - Đúng.  Tao đã viết, rồi sẽ có ngày, bừng mắt dậy, chúng ta thấy cờ đỏ sao vàng treo trên nóc Việt nam quốc tự, trên nóc chùa Ấn quang, trên nóc Hạ viện, trên nóc nhà thờ Đức Bà.
     - Tiếc rằng ông Quỳnh không còn sống .

    Nguyễn đức Quỳnh, nhà văn, nhà lập thuyết, kiện tướng của nhóm Hàn thuyên, đồng chí đệ tứ của Trương Tửu  Cuộc đời bôn ba hải ngoại của ông không thua gì [ ...], kiến thức của ông thì [ ...] khó mà sánh nổi.  Nhưng ông là con người thiếu may mắn với lịch sử.  Rốt cuộc, tác giả những Thằng cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình cam đành sống những ngày còn lại ở miền Nam, với bút hiệu Hoài Đồng Vọng [ tác giả  tâm bút Ai có qua cầu ] và lập đàm trường  chủ trương Văn nghệ chủ quan viễn kiến.   Những khuôn mặt văn nghệ lớn của 20 năm văn nghệ Sài gòn đều đã ghé qua đàm trường.  Ông có thiện ý giúp những người văn nghệ trẻ tiến xa.  Và ông đã cho họ mang hia 7 dặm.  Thế Phong là người được ông ví như Maxime Gorki.  Đáng lẽ, Thế Phong phải kiên nhẫn học hỏi và cố gắng sáng tạo cho bằng Gorki. Thì anh ta lại đem cái lỳ vọng của Nguyễn đức Quỳnh nơi anh ta làm một sự tự mãn.  Anh ta  công kích vung vít .  Cuối cùng, anh ta công kích luôn cả ông Nguyễn đức Quỳnh.

- Bây giờ mày mới thương ông Quỳnh ?
    Thế Phong gật đầu, đôi mắt chớp nhanh.
    - Tài của rao bất cập ý ông ấy.  Ông Quỳnh là phù thủy cự phách mà tao chỉ là âm binh hạng tồi.  Tất cả bị tẩu hỏa nhập ma .
     - Trừ một tên.
     - Đứa nào?
   - Lý Đại Nguyên.
    - A , đúng đấy.  Nó khá đủ mọi nghĩa, mọi mặt.
    Thế Phong nằng nặc đòi trả tiền mì, tiền  bia.  Lúc chia tay tôi, anh ta nói một câu buồn bã :
     - Tao và mày không biết thằng nào về đất trước.  vậy vĩnh biệt mày, Duyên Anh.

    Dứt câu, Thế Phong bước nhanh.  Anh ta khuất vào đám đông hoan hô giải phóng.   Tưởng chừng người bạn văn nghệ của tôi đi vào cõi chết, tôi nghe lòng tôi những tiếng rạn nứt hãi hùng.   Đứng ngẩn ngơ cả mấy phú tôi mới lết đi.  Tôi đi  đâu trong nỗi khôn cùng tịch mịch của đất nước tôi ?   Thế mà, tôi vẫn cứ đi, tôi cứ đi.  Đường phố đã đông nghẹt người.  Xe cộ không chạy nổi.  Người và cờ.  Tự nhiên, trời lất phất mưa.  Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Trần Dần :

                                Tôi đi không thấy phố, thấy nhà
                                 chỉ thấy mưa sa
                                 trên nền cờ đỏ

    Mấy câu thơ này rất hợp với tâm trạng của tôi chiều 30 tháng 4. Tôi đi, không thấy gì cả, ngoài cờ đỏ sao vàng, cờ  trên đỏ, dưới xanh *  giữa sao vàng, dưới ánh đèn hiu hắt và trong bụi mưa ảm đạm.  Tôi đi, không nghe thấy gì cả , ngoài tiếng hoan hô cách mạng cuồng nhiệt.   Tôi đi giữa cánh đổi đời oan nghiệt.   Ai đã đi như tôi ?  Nếu người  ta đã thấy, đã nghe như tôi, người ta sẽ thay đổi hẳn nhân sinh quan, khi người ta thoát biển máu, luân lạc phương trời nào đó, ngoài đất nước Việt nam.  Nhưng người ta không thấy, không nghe như tôi đã thấy, đã nghe.  Nên cái nhân sinh quan đáng lẽ cần phải được hủy diệt, thì nó lại rức rỡ ánh sáng bần tiện.  Và dưới ánh sáng bần tiện ấy, những người tưởng mình hạnh phúc đã trở thành những kẻ bất hạnh nhất.  bất hạnh và nhỏ bé thêm.  Đó là những con người  không dám thoát ly cái quan niệm sống ích kỷ, thủ lợi, hám hư danh, đố kỵ, 
dối ...

    Ngay cả một số người bị kẹt  lại Sài gòn, đã thấy đã nghe như tôi - những người văn nghệ và tự nhận mình là văn nghệ - cũng vẫn loay hoay trong cái nhân sinh quan cũ, thứ nhân sinh quan trải trên chiếu rách ăn mày.   Và hôm nay, trốn thoát sang Hoa Kỳ, họ vẫn thi triển nhân sinh quan hôi hám cũ và cộng thêm tính chất lưu manh[ mà] họ tiếp thu
 của [ ...] .

   Nếu Nhữ văn Úy  ** là tên đã biết khai thác  cái miệng của mình để thành dân biểu to mồm - tuy rất rỗng  và ngu dốt - của chết độ Nguyễn văn Thiệu, thì, ít ra, sau nó, khối kế hoạch đã làm  sáng danh nó nằng cái miệng lớn hơn [để] khỏa lấp thiên hạ.  Để phô diễn
 tài năng chính trị, văn hóa.  Hình như, ít ai suy nghĩ về 2 tiếng đổi đời của cộng sản. 

 Vậy thì, một mình tôi ra đi ...

                                      Không thấy phố, thấy nhà
                                      chỉ thấy mưa sa
                                      trên nển cờ đỏ ...

                       [...]
                       duyên anh

-----
 *  < VietFun Story : Sài Gòn Ngày Dài Nhất - Duyên Anh >
[...]  BiênTập  tạm lược bỏ, hoặc,  thêm chữ. 
*   cờ Mặt trận giải phóng miền Nam.
  **   nhà báo có bút danh Thanh Chiêu, từng chủ nhiệm + chủ bút  tờ tuần  báo  châm biếm xuất  bản ở Saigon trước 1975.   Sau  1975 , từ Pháp về  tp. HCM, mớ hiệu phở ở đường Nguyễn Du . quận Tân bình. Đã có lần chúng tôi: Lữ quốc Văn, nữ thi sĩ  Ý Nhi , Thanh Thương Hoàng , tôi , cùng ai nữa... tới ăn phở.  Ít  lâu sau,  Thanh Chiêu Nhữ văn Úy + vợ sang quán phở, trở về Pháp.   
                  (BT) 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ