Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

cù lao phố, nơi ấy có thời ... - tạp văn hoàng vũ đông sơn - 7

Tháng 2 buồn đọc lại Lỗ tấn /  hvđs.
văn uyển xuát bản, USA, 2002

                                               cù lao phố : nơi y có thời ...
                                                          tạp văn : hoàng vũ đông sơn


     Câu Bắc kỳ ngôn xưa cực tả những mỹ phụ xuất  thân ở hang động, kiếm ăn  bằng vốn trời cho, luôn luôn là tai họa cho các đấng anh hùng khí đoản . Đại loại là :

                                                     Lấy quan, quan bị cách
                                                     Lấy khách, khách về Tàu
                                                    Lấy nhà giàu, nhà giàu hết của 

     Câu  phương ngôn trên, đọc qua,  ai cũng  hiểu,  cần gì phải bình giảng, hay giải thích lôi thôi..   Cứ tưởng là chỉ có  miền Bắc đất hẹp, làm ăn khó khăn mọi bề, anh nào vớ bở, số bọc điều thừa phụ nghiệp mới ăn chơi vung vít  rồi bị hố, mới rơi vào cảnh  bắc thang lên hỏi ông Trời.

    Không ngờ tại miền Nam đất rộng người thưa, đất của những người hào khí, khai sơn phá thạch ở giữ thế kỷ 20 này cũng có sự cố như dzậy.

    Thắc mắc của tôi được cô hàng tên Út ở bến đò An Hảo giảng giải tường tận mới hay :

   ' Chẳng qua cũng tại vua Hùng máu dê như nhau cả.' 

                                                                    ***

      Chả là , anh em tôi được mời đi ăn cỗ mừng hai thằng Bùi con.   Cu Anh tròn 7 tuổi , cu em vừa thôi nôi.  Anh Đỗ cố tình rủ tôi đi thật sớm để ghé quán bà Đốc ăn sáng.   Đàn anh tôi nhớ và khen mãi món lươn ở quán này, khi ông được nhà văn họ Hoàng chiêu đãi cùng với nhà văn quá cố  Hai Lý.   Nhưng vì đến quá sớm , quán chưa mở cửa.  Chúng tôi đi hết con đường  nhựa rồi, nối tiếp là đường đất hướng ra bến sông : bến đò An Hảo.

     Hai bên đường chưa đô -thị- hoá , nên vẫn còn ruộng đồng, vườn tược râm mát, có tiếng chim hót véo von, tiếng cu gáy, cu gù trên những tầng lá cây cao-cao bóng cả.  Phong cảnh quá hữu tình, nên chúng tôi phải kiếm một chỗ ngồi để thưởng ngoạn, và ghé vào một quán duy nhất ở giữa cánh đồng.

    Người mua, kẻ bán lai rai, gọi chị chủ quán là cô, là dì Hai Lúa.  Quán chị Hai Lúa cung ứng đủ thứ nhu cầu hàng ngày: mắm muối, bia, rượu, nước đá, thuốc lá, cà- phê ... cho người qua lại.   Chúng tôi đang ngồi, thì , có một người đàn ông trẻ bước vào quán , dáng đi chậm rãi, khuỳnh khùynh, mặt ngước cao, ra vẻ tự tin quá đáng.  Chị Hai Lúa chủ quán đon đả mời chào:
   ' Anh Năm - Suốt- Lúa , sao hôm nay  nghỉ sớm thê ? Miệng nói tay làm , chị đặt trước mặt người khách , gọi là anh Năm,  ly đá và chai bia Sàigòn đỏ. '

   Qua đối đáp của anh Năm va chị Hai chủ quán, tôi biết anh thuộc vào loại khá giả nhất cánh đồng Cù lao này, nên ngứa miệng, hỏi:

     '  Sao anh không tiến lên máy-liên-hợp vừa gặt , vừa ...'

     ' Dạ, không đâu ông Hai.  Chẳng biết miền Bắc , miền Trung ra sao, chứ ruộng đồng đất cát ở Cù Lao Phố này chỉ xài riêng từng thứ.   Máy cày là cày, máy suốt là suốt thôi.  Vì 2 lẽ : một là, ruộng nhiều bờ ngăn quá, trở thành manh mún.  Hai, thế đất  cáo, thấp, ruộng khô, ruộng nước khác nhau. Máy-liên-hợp tiện dụng với  cánh đồng thuần chủng, đỡ được bao nhiêu sức người .  Nhưng ở đây làm sao xoay trở.  Đến máy cày nhỏ, gọi là máy cày tay và máy- suốt -nhí của tôi cũng phải chờ đợi mới tới được chỗ muốn tới nữa là.  Vả lại, cánh đồng xuống giống không đều về ngày giờ và chủng loại.   Có người kinh doanh máy gặt đấy, nhưng rồi phải bỏ '.

    Chị Hai chủ quán vào chuyện:
    ' Xời ơi !  Có như dzậy người nghèo chúng tôi mới có miếng ăn là mỗi vụ đi cắt lúa mướn.   Anh Năm mà co máy gặt nữa thì anh quơ hết trọi , dân đây phải bỏ xứ mất, anh Năm ơi !'

    Chị Hai nói chi là vậy.   Tôi đang nói chuyện về khoa học kỹ thuật, về máy nông cơ với mấy  ông đây.  Sao chị xía dzô làm tôi mất hứng.   Chị phải thấy rằng chủ điền trả công suốt lúa cho tôi rẻ hơn, đỡ hao hụt hơn là đập tay rơi vãi  tứ tung .'

                                                                        ***

    Cứ quanh quẩn ở phố thị làm sao biết được sinh cảnh thiết thân quanh mình.   Nửa thế kỷ ở miển Nam, tôi thấy đã văn minh hơn quê tôi nhiều, khi thấy đồng bào ở trong này đập lúa ngay ở giữa ruộng.  Không có cảnh Gánh về! Gánh lúa về ! Gánh về ! ... như ca từ trong bài hát ngợi ca ngọc thực.

    Ngạn ngữ dạy chẳng sai :  đi một đàng học một sàng khôn.

    Anh Năm giận , vỉ chị chủ quán nhảy vào họng, vội đi , cho đệ tử kéo máy qua thửa ruộng khác , rồi ực hết chỗ bia còn  lại của chai thứ 2.  Anh dõng dạc ra lệnh cho chủ quán: Ghi vào sổ ! rồi gật đầu chào chúng tôi ra đi .

    Anh em tôi muốn  học khôn tí nữa, nên thẳng đường ra bến sông có đò ngang qua khu Công nghiệp Biên hoà.  Đoán già đoán non rằng bến đò, bến xe, thế nào cũng có hàng ăn, không lớn thì nhỏ, đến đấy ăn sáng, uống cà-phê ngắm cảnh nữa cho sướng.

    Nơi đoán định đều trật lất.  Bến  đò vắng như chùa bà Đanh, chỉ có một hàng cà-phê duy nhất, có thuốc lá và mì gói cho khách chờ đò, đói thì xài đỡ.  Anh Đỗ tức , vì không được ăn cháo lươn bà Đốc.  Tôi mừng, vì không phải nhìn thấy lươn.   Tôi đề nghị ăn mì gói, sau khi an tọa.   Anh Đỗ hờn không ăn.  Tôi cũng giận, nhịn luôn.

     Hai cái phin đen chảy rất mau, ơ cổng một ngôi nhà cổ, dưới một gốc mận cổ thụ, được cây me già xanh tốt ấp ủ, chắn nắng, che mưa, me con hào hiệp ban phát bóng mát xuống cả bờ nước cho khách qua lại bến sông được hưởng dụng một cách vô tư.

                                                                        ***

    Từ đền thờ đức Nguyễn hữu Cảnh đến bến đò An Hảo, coi như đường xuyên qua 3 làng: Nhất hòa, Nhị hòa , Tam hòa xưa.  Xã Hiệp hòa ngày nay, nhưng mọi người vẫn quen gọi là Cù lao Phố.  Khi tìm hiểu về đất này,  thấy cũng lắm ê chề, vì chiến tranh tàn phá.

    Thứ nhất là cuộc khởi loạn của Hoa kiều Lý văn Quang vào năm 1776.  Quan quân ta  ở Trấn Biên dập tắt ngay, nhưng Cù Lao Phố bị thiệt hại về người và của không ít.

   Thứ hai, trận chiến giữa chúa Tây sơnchúa Nguyễn diễn ra vào năm 1776, chiến thắng của người hùng Nguyễn Huệ  đã tàn phá Cù Lao Phố.

   Trịnh hoài Đức viết trong
Gia định thành thông chí :...' Từ đấy , chỗ này biến thành gò hoang, sau khi trung hưng, người ta tuy
có về, nhưng dân số không được  1 / 100 [ so] với lúc trước ...' .

      Đó là những điều rất xưa, chỉ nhìn thấy trong sách, chứ không phải là nhỡn tiền, mà sao vẫn buồn buồn, vẫn đau đớn lòng.   Ngay đầu bàn chúng tôi ngồi, dấu vết chiến thắng đã qua đúng 1/4 thế kỷ, vẫn còn ẩn hiện là bức rào kẽm gai và cọc sắt han rỉ, dãy ty-gôn có tới 3 màu ho: đỏ, hồng, tím đang khoe sắc rực rỡ  cùng mặt trời.   Ty-gôn xanh, dây tốt lá mà mãi chưa phủ kín, che lấp những gai nhọn làm người ta tóe máu khi vướng phải.

     Anh em tôi hỏi han có tính cách đề nghị cô hàng cà-phê , chẳng có gì :  hàng của em chai lọ xác sơ nghèo * -  vì,  lúc này chúng tôi  chưa biết là cô Út, tiểu chủ căn nhà cổ rộng thênh thang, có vườn trái cây lớn , có cả mấy chục cây cau ngay thẳng hàng lối tăm tắp,từng buồng chín đỏ trân cây'.(không ai hái )

      ' Sao cô không nhân giống cho kín những lối dọc đường ngang của kẽm gai đi cho nó đẹp ?   Chủ nhà không cho à ?'

-----
* thơ Quang Dũng.

  ' Em là chủ, đây là nhà của em mà.  Cứ vài tuần xum xuê hoa lá.  Nhưng, hễ có một đám các cô, các cậu học trò đi  dã ngoại giang hồ qua đây, ghé quán, là xác sơ !'

    ' Lý do?'

    ' Tại Hai sắc hoa ti-gôn của bà T.T.Kh.'

     Tôi liếc ngang sang người T.T.Kh. Nàng là ai? *, người tỉnh bơ cười cười hỏi cô hàng :

     ' Sao không la bọn chúng và giữ cho đẹp?'

    ' Có la, cố giữ đấy, nhưng không nổi.  Vì, tụi nó  đông quá.  Mà,  em chỉ có một mình.  Với lại,  nhất quỉ nhì ma ... Trước tiên là chúng xin, cho rồi, quay qua quay lại vẫn ngắt trộm.  Thanh toán tiền nước xong, chào hỏi, hẹn ngày tái ngộ , rồi là đứa nổ máy xe, đứa nhào vô bứt, ăn cướp. '
----
* T.T.Kh, Nàng là ai  ? /   Thế Nhật  ( Thế Phong  )

    ' Thế cô khóc hay cười ?'
    ' Cười! đó là những kỷ niệm đẹp nhất của em.'
    ' Mỗi ngày cô bán được mấy chục ly cà-phê?'
    ' Chưa ngày nào được quá chục ly.  Như hôm nay, chắc chỉ có 2 ly này thôi'.
    ' Còn đến chiều, đến tối nữa cơ mà ?'
    ' Em chỉ bán tí buổi sáng.  Gần trưa là nghỉ luôn để nấu cơm cho ba má ăn'
    ' Nhà không còn ai à ?'
    ' Không, các anh chị có gia đình  đi Sài gòn và ra Biên hòa ở hết trơn rồi.  Em là Út nên phải chịu trận.'
   ' Giàu con Út, khá con Út,  cô được quản lý cả cơ nghiệp.  Sướng rên lên được, cỏn kêu ca gì nữa.'
    ' Khó con Út chứ ! anh nói sai rồi'.
   ' Xin lỗi cô Út.  Hàng quán thế này thì thu nhập quốc dân coi như không có , vậy lấy gì để sống cho 3 người ?'
    ' Các anh chị của Út góp lại và tiền bán trái cây tại đây .  Mùa nào thức nấy cũng đủ sống'.
    ' Cô bán tại chợ Biên hoà hay bán tại đây cho khách thưởng thức luôn  .'
    ' Bán tại vườn.  Bán mão cho người ta  tự hái lấy, hơi thiệt một chút, nhưng đỡ mất công.'
    ' Còn cau sao không bán ? để làm thuốc à?
    ' Đâu có thuốc men gì, bán không ai mua.  Muốn bán, phải bẻ xuống.  Công mướn người bẻ còn mắc gấp đôi ba lần tiền bán cau.   Con nít trong xóm nhiều đứa đòi làm con mèo trè cây cau hái giùm Út.  Nhưng Út sợ chúng nó té là oan gia ngay, nên cứ  để vậy.   Trong làng, ai lấy vợ, cưới chồng - cần  - cứ việc đến, trèo lên mà bẻ mấy buồng cũng được. ' Tình cho không biếu không mà'

    ' Chúng tôi tưởng đất này còn thuần phác, còn giữ được truyền thống dân tộc : ăn trầu cau.'

    ' Các anh đi hỏi  cụ Phan châuTrinh đi -  từ  đầu thế kỷ, cụ đã hô hào để răng trắng, đàn ông cắt tóc ngắn, chứ không búi tó như anh này nữa đâu ?  Với lại, ăn trầu, phải nhuộm răng đen.  Bị coi là nhà quê, ai thích nữa !  Nghe nói có đám cưới theo lối Tây, họ còn không cả ăn trầu cau để ở mâm quả, giỗ chạp không có cả trầu cau từ lâu rồi.'

    ' Cô Út hiểu nhiều biết rộng quá! Cô phải là học giả thứ thiệt mới đúng   Cô nhớ điển tích, lý cố, chúng tôi chẳng bì kịp.'

    ' Cám ơn các anh đã quá khen, Út  biết chỉ đủ xài cho vui thôi.

    ' Phải cho bàn dân thiên hạ biết để vui chung chứ.   Sao cô ích kỷ thế !'

                                                                   ***

    Biết cô hàng cà-phê đã có chút cảm thông nào đó, với 2 anh chàng cổ quái;  quần zin áp pun , giầy không dây, không vớ ( bí tất ).   giờ ở ngoài Bắc người ta gọi là đi giầy đểu, như 2 anh đây, đi xe gắn máy không mang số đăng ký tỉnh Đồng nai . chẳng hạn vậy ?'

     ' Cô Út ơi , nghe kể chuyện biết là người thẳng tính,  biết sao nói vậy, dzậy thì    kể cho chúng tôi nghe chuyện trên trời, dưới đất, kể cà ở Cù Lao Phố từ trước 30 - 4- 75 đến từng giao đoạn cho tới bây giờ. '

       Thôi thì, việc mới việc cũ, người và ngợm... ở  Cù Lao Phố được cô hàng cà-phê , nhà địa chí học dân gian trình bày tường tận đến từng chi tiết thì còn gì hơn

      Chưa trả lời vội , đánh trống lảng , hỏi lại chúng tôi:

    ' Hai anh đi đâu nắng nôi quá đất này.  Nếu nói là đi ăn cưới, hay nhóm họ, thì không thể ăn bận như thế này. Giả thử đi ăn giỗ thì không thấy vàng, nhang, lễ vật.  Đi dự tiệc nhà hàng cũng không mấy đúng mốt. '

    ' Chẳng có gì xấu mà phải dấu giếm.  Chúng tôi đi ăn tiệc mừng 2 thằng cu, con của một nhà văn kiêm nhà giáo ở Biên hòa.  Chắc đến 72 phần dầu là ngồi đất, ăn  ở nhà .  Theo văn minh mốt mới, phải bỏ giầy, dép, trước khi  bước vào.  Chúng tôi ăn bận như thế này cho có văn hoá , đúng lô-gích rồi  , cỏn đòi hỏi  gì nữa !

    ' Thế 2 anh được mời ăn sáng hay ăn trưa ?'

    ' Ăn trưa,  nhưng ông anh tôi đây muốn đi sớm ghé quán bà Đốc để thưởng thức cháo lươn ngon
tuyệt -  riêng  tôi , lại rất kỵ lươn.  Cũng may là quán chưa mở cửa.'

    ' Quán tạm đóng cửa để sửa chữa, mở rộng thêm ra làm nhà hàng. Với lại, bà Đốc đi Mỹ chưa dzìa.'
    ' Bà ấy đi du lịch sao ?'
    '  Bà ấy là Việt kiều Mỹ,  đi, về ,như đi chợ.'
    ' Ngon  dzậy sao ? Bà ấy di tản hay vượt biên để bây giờ là Việt kiều yêu nước?'
    ' Bà đi máy bay cửa chính  đàng hoàng'.
    ' Bà chủ  này ngon quá ta !  xin cho Út cho nghe tiếp ...'

    ' Hồi còn nhỏ., 13, 14 tuổi, bả đã là nữ nhân viên ưu tú  của hệ thống bắt bạc những người đàn ông đông tiền, nhiều của ném qua cửa sổ.  Bả  được một ông Đốc già lắm rồi chuộc ra khỏi Hang Động bằng cà một gia sản., nên ở đây, người ta gọi là Đốc Chuộc.   Một thời gian rất  ngắn, ông Đốc về chầu trời sớm hơn định hạn.  Bà ta trở thành  sương phụ giàu có vào hạng nhât, nhì xứ Bưởi.   Ba má Út nói, thông thường thì phải như ca dao :

                                    Trời mưa nước chảy qua sân
                                    Em lấy ông lão qua lần thì thôi 
                                    Bao giờ ông lão qua đời
                                    Thì em sẽ lấy một người trai tơ

    Nhưng bà không thèm lấy trai tơ , bà Đốc non gá nghĩa với ông Lái buôn tuổi sồn sồn giàu có nhất tỉnh Biên hòa.  Cộng đồng tài sản thế nào  mả của chổng công vợ ,  ấy thế mà lại vào trong tay bà Đốc hết trơn ! Ông Lái buôn đã bắc thang đâu đó tới 7, 8 lần lên hởi ông Trời. Ông Trời không thèm trả lời, mà còn cho ông ta một cái đạp, té lăn cù.  Vợ con ông lái đâm đơn kiện.  Kiện củ khoai.  Út còn nghe nói: bả kinh doanh  đủ thứ.  Cái quán có tên là quán bà Đốc chỉ là cái bình phong.  Quán này  có ở đây từ ngày Út chưa ra đời.'

    ' Sao cô Út biết những chuyện xưa như trái đất, chuyện từ khi cô chưa ra đời ?'

    ' Chuyện bà Đốc chuộc , ở đây ai mà  chẳng  biết.  Bà ta nổi danh nhờ ông Đốc, nổi tiếng nhờ nhan sắc và nhiều thứ mà đàn ông các anh khoái.  Nên, chỉ một cài sự chuộc bằng nhiều tiền đã là 1 chuyện lạ, nhưng bảo đảm thiệt 100%.  Người lớn kể như chuyện cổ tích để cảnh tỉnh con, cháu  miệt Cù Lao Phố Biên Hòa này :   trai thì không nên như ông Đốc , gái càng  không nên như bà Đốc .'

    ' Thêm một nép đẹp văn hóa cho Cù Lao Phố, đúng vậy đó  !   Nhưng chúng tôi chỉ lạ một điều, thiếu gì mỹ tự, danh xưng cho thương hiệu mà lấy tên quán Bà Đốc?  Ông thương gia, chồng nhỏ của bả, chả lẽ có máu lươn hay sao mà không có ý kiến ?  Nếu bà Đốc lậm truyện  Số đỏ của Vũ trọng Phụng, thì tất phải đặt tên quán  + tên mình là Đốc-Thương hay Đốc Lái mới đúng như phong độ của bà Phó Đoan ngày xưa chứ ?  Này, cô Út, theo chúng tôi, nếu bả không lấy tên ghép  hai ông thì phải là Phong Nguyệt hay Bích Câu để có thêm Kỳ Ngộ mới phải chứ ? '

    ' Cái điều đó hay, phải chờ bà Đốc ở Mỹ về, 2 anh lên đây gặp mà tán- phó- mát ?'

    ' Trường hợp nào  mà bà Đốc được làm Mỹ da vàng một cách ngon ơ vậy ?  Bộ bả có đại công với Hiệp chủng quốc Huê Kỳ sao , như che giấu thương bệnh binh, lưu giữ hài cốt quân nhân Mỹ, nếu vậy,  tất nhiên  được đền ơn  đáp nghiã rồi '.

    ' Bả đi theo chồng nhí, anh chàng này , quan tư tàu bay ở phi trưởng Biên hòa, nôm na gọi là phi công thời chiến.  Sau khi trả nợ tội giặc lái  về,  được đi H.O,. tiêu chuẩn đàng hoàng'.

     ' Thế vợ con anh ta đâu ?  Bộ hắn ta dùng bả chuột thuốc vợ con , rối cáp với bà Đốc để rồi bồng bả đi Mỹ ngang xướng dzậy sao ?'

    '   Sao  lại  bế bồng ngang xương được, phải có hôn thú, giá thú đàng hoàng, phái đoàn phỏng vấn mới OK Salem chứ!   Út nghe được từ  3 nguồn tin về  dzụ này, chẳng biết nguồn nào trúng ?

    ' Xin cứ nói cho nghe'.

    ' Nghe, nhưng đừng vội tin.  Anh quan tư tàu bay còn độc thân. Quan ông đi học tập, quan bà ở nhà chẳng chờ được lâu,  ôm cầm sang thuyền khác.  Như vậy là no cơm lành áo hơn là vợ người thất thời, khỏi mang tiếng  vợ ngụy quân, giặc lái,  khó làm ăn với Cách mạng.  Quan tư trả nợ học tập xong, trở về mái nhà xưa,  tình cờ đến quán bà Đốc,  đôi mắt bà chủ nhìn , thì,  tình trong như đã mặt ngoài còn  e '  tí ti ! 
-----
 * thơ Nguyễn Du.

     Mong rằng mấy nguồn tin cô Út cho hay đều  là thiếu chính xác, tức  bất khả tín ?

                                                                      ***

    ' Khả tín hay bất khả tín, thì sự việc đã xảy ra nhiều vô số kể ở miền Nam sau  30- 4- 75.  Thiếu gì anh bỏ vợ con, chĩ ẵm cô nhân tình nhỏ bé của tôi ơi vượt biên .  Thiếu gì chi cho chồng con de để theo tài xế hay cận vệ  cũ của chồng để âu duyên  mới.  Trường hợp anh quan tư tàu bay và bà  Đốc , dù không có lửa thì khói ngùn ngụt bốc lên rồi !'

                                                                        ***

   Nếu cô Út  không tống khách để dẹp hàng , vào bếp nấu cơm cho ba má, thì chúng tôi đành đổ tội  cho đường xá, xe cộ , tới trễ, chỉ trao quà mừng cho 2 thằng cu họ Bùi rồi ra về.  Không ngờ, chưa trễ lắm, nên vẫn được  chờ.  Nhà-văn-nhà-giáo, ba và má 2 thằng Cu chắc phải gồng lên,  uống 7, 8 tễ thuốc liều  để đặt tiệc mừng 2 qui tử ở nhà hàng Làng Nướng Việtnam.
        (...)
                                                                      ***

     Sài gòn- Biên hòa , hay rõ hơn, Bình Quới Tây - Cù Lao Phố chỉ cách nhau chưa tới 30 km, mà sao đến bây giờ , anh em tôi mới biết nơi đó có bến đò An hảo?

     Chuyện cô Út cà phê ở bến sông kể, có đoạn nghe như có chút gì nhuốm mùi Thủy hử. An hảo chỉ an hảo ban ngày. Còn những đêm tối trời, nhà nào ở cận mép nước phải coi chừng các tân  anh hùng  Lương sơn bạc  mò về, dinh cả gà, heo, vịt, bò, bẻ cả cam, bưởi ... có nhà còn mất cả xe cộ, máy móc.
     Nếu phát hiện, la lên, các tân đại vương Trương Thuấn, Nguyễn tiểu Nhị nhảy ùm  xuống sông, chuồn êm lên ghe ra giữ dòng,  mà  chính họ lại là ngư dân, ngư phủ có đăng ký nghể nghiệp đàng hoàng.

     Trí nhớ của tôi không được tốt, nên không nhớ hết những chi tiết về người và việc do cô Út  kể lại.  Riêng chuyện chung quanh quán bà Đốc, tôi cũng chưa kịp hỏi cho ra môn , ra khoai;  bà là dân gốc ở Cù Lao Phố hay  dân ngụ cư, cùng với hành trạng của 3 đức lang quân, lần lượt ông Đốc, ông Lái và  bây giờ là ông cựu Phi công.  []
     (...)

 hoàng vũ đông sơn
 SAIGON, THÁNG 11 NĂM 2000.

                                                             


 

   

1 Nhận xét:

Tại lúc 03:23 12 tháng 10, 2013 , Blogger Unknown nói...

truyen hap dan

 

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ