đọc thêm (2) : " nhà thơ VIỆT PHƯƠNG: Uyên thâm * Dũng cảm "/ Trương Hà My ( ghi) -- trích : thethaovanhoa.vn
Nhà thơ Việt Phương: Uyên thâm và dũng cảm
(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả của tập Cửa mở - nhà thơ Việt Phương - người từng được xem là “một hiện tượng đặc biệt của thi đàn Việt thời Ta” đã tạ thế tại Hà Nội ngày 6/5/2017, hưởng thọ 89 tuổi.
Giới văn chương nước nhà không ít người đã bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của ông
.
Người thơ giản dị
Dù đã biết đến và đọc thơ của Việt Phương từ lâu nhưng nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát quen nhà thơ Việt Phương lại khá... muộn, chỉ khoảng 10 năm cuối đời.
Nhưng trong chừng một thập kỷ quen biết ấy, Việt Phương đã để lại trong tác giả tập thơ Cỏ thơm mây trắng khá nhiều kỷ niệm khó quên.
"Khoảng 10 năm quen biết nhà thơ Việt Phương, rất nhiều lần tôi cũng như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hay nhà thơ Ý Nhi được anh Việt Phương gửi thơ mới sáng tác cho đọc" - nhà thơ Hồng Ngát kể. "Mỗi lần anh gửi có khi đến mấy chục bài vì anh ấy sáng tác rất nhiều, thậm chí anh gửi mà tôi bải ra cũng không kịp đọc hết...".
Về con người nhà thơ Việt Phương, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát nhận xét, đó là một con người uyên thâm, kiến thức rộng, lịch lãm và cực kỳ nhân văn. Ông luôn lắng nghe và tôn trọng những người mình trò chuyện cùng, đặc biệt là giới văn học nghệ thuật.
"Tôi ngạc nhiên vì, lúc nào thấy anh cũng rất “lễ phép”, dù hơn tuổi nhưng khi nói chuyện luôn thêm từ “ạ”. Ví như khi anh hỏi tôi: Ngát có khỏe không ạ? Tôi nghĩ đó là do tính chất cổ của Hà Nội xưa trong con người anh ấy".
Bà Ngát kể tiếp: "Anh Việt Phương tuy là người trí thức lớn, tài năng và có một dự cảm về thời cuộc nhạy bén, là người mà nửa thế kỷ là thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, là người của Văn phòng Chính phủ nhưng gia đình anh sống lại rất giản dị. Trong phòng khách chỉ thấy toàn sách và bàn nước tiếp khách như cán bộ thời trước vậy. Anh ăn chay, riêng mặc thì hơi "trẻ trung" - áo sơ mi bỏ trong quần jeans trông rất khoẻ khoắn cho dù tuổi tác anh đã cao. Ai mà biếu sách anh rất quý. Đặc biệt, anh rất trân trọng những người trẻ mà có tài”.
"Nhà thơ Việt Phương hay viết những bài thơ mang tính dự báo, vừa gần gũi lại vừa rất triết lý " - vẫn lời bà Ngát. "Chất triết học trong thơ của anh nhiều hơn là chất thơ, triết lý nhân sinh, nhân tình thế thái, những vấn đề cao siêu mà những người làm thơ bình thường chưa nói hoặc thậm chí... không dám nói thì nhà thơ Việt Phương lại nói rất hay. Từ những năm 1969, khi còn chưa đổi mới và cởi mở mà anh "dám" viết tập Cửa mở".
Nhà thơ đổi mới
Nhà thơ Trần Quang Quý sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc Khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du cũng có dịp tiếp xúc với nhà thơ Việt Phương, ông và nhà thơ Việt Phương vẫn thường xuyên qua lại đàm đạo chuyện văn chương. Nhà thơ Việt Phương cũng chính là người đã định hướng, thậm chí viết thư cho Tổng Biên tập Báo Nông dân Việt Nam để tiến cử Trần Quang Quý về "đầu quân".
"Đặc biệt, ông là người có trí tuệ sắc sảo, nhìn nhận những vấn đề khác với người cùng thời, có thể nói là đi trước thời đại, đặc biệt là thời điểm khi tập Cửa mở ra đời. Ông nói thật, nói bản chất vấn đề chứ không phải nói theo giọng điệu cổ vũ hay một chiều. Ông bận nhiều công việc, làm Thư ký cho Thủ tướng nhưng vẫn dành thời gian cho thi ca.
Ông là một ngôi sao sáng trong nền văn học đất nước, là một tiếng nói rất khác giữa vô vàn tiếng nói văn thơ thời bấy giờ. Những tư tưởng mới được lớp trẻ khi ấy rất đón nhận. Cả đến sau này khi soi chiếu lại người ta vẫn thấy được cái uyên thâm trong thơ của ông" - nhà thơ Trần Quang Quý nói tiếp.
"Dù cho thời điểm hiện tại, cùng với sự mở cửa của đất nước, mọi thứ đã cởi ra hết rồi nhưng nhà thơ Việt Phương vẫn là một trong số ít những nhà thơ dám nói lên sự thật ở những thời điểm mang tính lịch sử. Những điều ông đã nói có tác động mạnh mẽ trong cộng đồng thi ca, kể cả đến những năm tháng cuối đời", nhà thơ Trần Quang Quý nói.
Vài nét về nhà thơ Việt Phương Nhà thơ Việt Phương (tên thật là Trần Quang Huy) sinh ngày 6/12/1928 tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Việt Phương làm thơ từ năm 1960 và tính đến nay, ông đã xuất bản hàng chục tập thơ: Cửa mở (1970), Cửa đã mở (2008), Bơ vơ đông đảo (2009), Nhặt nắng trong sương (2009), Cỏ dọc đường trần (2010), Cát dưới chân người (2011), Sống (2012), Lan (2013), Nắng (2013). Ông được xem là thư ký thâm niên nhất của Thủ tướng Chính phủ (53 năm) và là một trong những nhà thơ có tiếng nhưng xin vào Hội Nhà văn khá muộn (ngoài 80 tuổi). |
Trương Hà My (ghi)
Thể thao & Văn hóa
Thể thao & Văn hóa
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ