đọc thêm (3) : " Ông VÕ THẮNG TIẾT sẽ được nhớ, như một tên tuổi lớn ngành xuất bản "/ Du Tử Lê ( chết) -- tr1ich: www.nguoi-viet.com>
Wednesday, May 25, 2022
Ông Võ Thắng Tiết sẽ được nhớ, như một tên tuổi lớn ngành xuất bản
Du Tử Lê/ Người Việt
Nhà xuất bản Văn Nghệ chính thức ra đời vào năm 1997, khởi đầu, với hồi ký “Đời Viết Văn Của Tôi” của Nguyễn Hiến Lê, và sau đó là hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên.
Trước khi nhà Văn Nghệ của ông Từ Mẫn/ Võ Thắng Tiết xuất hiện trên thị trường xuất bản sách ở hải ngoại, thì lãnh vực này đã có sự hiện diện “hoành tráng” của hai nhà xuất bản Xuân Thu của ông Danh và Đại Nam của ông Tùng, chưa kể những nhà xuất bản khác, như nhà Văn Hóa ở Houston, Làng Văn (cũng là tên của tạp chí Làng Văn) ở Canada, Nam Á ở Paris…
Lại nữa, cộng đồng Việt ở riêng miền Nam California không thôi, cũng đã có những tiệm bán sách báo nổi tiếng như Tú Quỳnh, Tự Lực, Quê Mẹ, Thăng Long, Văn Khoa, rồi Văn Bút…
Ông Văn Nghệ cho biết, tuy ở cả hai lãnh vực xuất bản và mở tiệm bán lẻ sách báo, có phần chậm trễ hơn các đồng nghiệp khác, nhưng chẳng những ông không thấy có một bất ổn, hay kém vui nào với những người cùng nghề mà, trái lại.
Giải thích sự kiện này, ông nói, về phương diện xuất bản sách, thì nhà Văn Nghệ chủ trương tích cực trong việc trao đổi sách với các nhà xuất bản bạn. Ông kể, hầu như nhà xuất bản nào cũng vui vẻ trao đổi sách với ông. Chỉ duy nhà xuất bản Xuân Thu của ông Danh là không. Ông Tiết không hiểu lý do nào khiến ông Danh chỉ đặt mua sách của nhà Văn Nghệ mà không trao đổi (1).
Thêm một khía cạnh tích cực khác nữa là, tiệm sách bán lẻ của Văn Nghệ cũng lặng lẽ tiếp tay với một số tác giả, tuy chỉ gửi sách cho Văn Nghệ nhờ bán. Nhưng Văn Nghệ vẫn tự động gửi sách của họ cho các đại lý của Văn Nghệ, giống như Văn Nghệ đã phát hành giúp những tác giả đó vậy.
Về phần thất thoát, tức các đại lý không thanh toán tiền sách cho Văn Nghệ, theo ông Tiết, có nhiều lý do; nhưng cũng rất thấp. Chỉ khoảng 20% tới 25% mà thôi. (2)
Tuy nhiên, ngược lại cũng có những nhà sách ở các tiểu bang xa, rất tự trọng, đáng ca ngợi. Một trong những nhà sách chưa bao giờ chậm thanh toán tiền cho Văn Nghệ sau khi nhận được sách, tới nay, ông Tiết vẫn còn nhớ, là nhà sách của một cặp vợ chồng trẻ, tên Thiên Nga ở Houston, Texas. (3)
Nhân đề cập tới cơ sở xuất bản và tiệm bán sách lẻ ở miền Nam California, ông cho biết, trong thời gian hơn mười năm trở lại với đam mê xuất bản sách ở xứ người, có một lần và đó là lần duy nhất, không do tác giả tự gửi bản thảo đến cho Văn Nghệ mà, chính ông Tiết đã đi tìm tác giả, để đề nghị xuất bản tác phẩm…
Ông kể, là người ham đọc sách, nên khoảng đầu thập niên 2000, khi tình cờ đọc được một tờ báo xuất bản ở Canada. Trong số báo đó, có bản dịch từng kỳ cuốn “Tự Do Trong Lưu Đầy,” tự truyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma của một dịch giả xa lạ với ông. Thấy hay, ông Tiết tìm cách đọc thêm nhiều số báo nữa. Càng đọc, càng thấy đó là cuốn sách mà Văn Nghệ nên ấn hành. Cuối cùng ông quyết định liên lạc với tòa báo, xin địa chỉ dịch giả.
Khi liên lạc được với dịch giả, ông Văn Nghệ mới vỡ nhẽ rằng, dịch giả ấy chính là bà Chân Huyền, bút danh của Dược Sĩ Hà Dương Thị Quyên, ở Montreal, Canada. Vợ chồng bà vốn là chỗ thân tình với ông Văn Nghệ tự những ngày ở Sài Gòn. (4)
Được biết, tác phẩm cuối cùng của nhà Văn Nghệ, trước khi ông Võ Thắng Tiết phải từ giã niềm đam mê sách hay, sách đẹp một đời của mình là năm 2003, khi ông in bộ “Sử Trung Quốc,” bản dịch Nguyễn Hiến Lê. (5)
Theo nhà báo Trần Xuân Thành thì, cũng thời gian này, ông Tiết nhận được lời yêu cầu có tính cách khẩn khoản của ông Nguyễn Minh Cần ở Mạc Tư Khoa, nhờ ông ấn hành tuyển tập truyện-thơ của nhà văn Phùng Cung. (6) Vì đấy là bản thảo tâm huyết cuối cùng của Phùng Cung và chính quyền Hà Nội dứt khoát không cho phổ biến…
Trước sự quá tha thiết của ông Nguyễn Minh Cần, đối với người bạn văn quá cố của mình, cuối cùng nhà Văn Nghệ cũng đã nhận ấn hành tuyển tập Truyện-Thơ Phùng Cung, một tác giả thời Nhân Văn Giai Phẩm, ở Hà Nội… (7)
Tuy gần như không bao giờ nói về đời mình, nhưng trong một bài viết đã lâu của nhà báo Trần Xuân Thành ở miền Nam California, người từng có giao tình với ông Từ Mẫn/ Võ Thắng Tiết, từ những năm 1960, cho biết: Ông Võ Thắng Tiết được cha mẹ gửi vào chùa, cho đi tu từ năm ông mới 13 tuổi.
Nhà báo Trần Xuân Thành kể: “Trước khi đi tu, ông (Võ Thắng Tiết) đi chăn trâu vì lúc ấy Nhật bỏ bom làm tan nát cả trường Thạnh Mỹ Lợi ở Giồng Ông Tố, Gia Định nên không có trường học. Ông là con trai duy nhất trong nhà còn có ba chị em gái. Một hôm đang chăn trâu, thân sinh của ông ra gọi ông về gửi lên chùa tu. Thế là ông đi tu, pháp danh là Từ Mẫn (…)
“Từ trước đến nay, thầy Từ Mẫn là một người ham mê đọc sách. Hồi còn nhỏ thầy mê đọc sách của nhà văn Nguyễn Vỹ chỉ vì thầy chỉ có sách của nhà văn này mà thôi. Sau này nhà văn Vũ Khắc Khoan lên tiếng chê Nguyễn Vỹ trong một bài báo, thầy Từ Mẫn lúc ấy bắt đầu nhìn ra được chân trời sách vở. Và từ đó thầy vừa yêu kinh vừa mê sách…” (Theo sưu tập “Một Đời Mê Sách” của Thành Tôn).
***
Cuộc chia tay 10 năm xuất bản sách ở xứ người với hơn 250 tựa sách giá trị của người làm văn hóa Võ Thắng Tiết, theo tôi là cuộc chia tay của một tình yêu hay, một “hôn nhân” không “đầm ấm!”
Ông cho biết, để dẹp kho sách của mình, ông phải thuê một chiếc xe bảy chỗ (chỉ có ghế ngồi dành cho tài xế), chất đầy sách, chở nhiều chuyến đi bán… “ve chai.”
“Mỗi xe sách cũ như vậy, họ trả tôi $20, tương tương với khoảng 5 xu cho một cuốn sách,” ông Văn Nghệ nói, giọng bình thản… (?).
Nhưng, tôi tin, rồi đây, các thế hệ sau tôi, sẽ có thêm rất nhiều người đem lòng biết ơn sự cống hiến quý báu, một đời (từ thời trước Tháng Tư, 1975) của ông Từ Mẫn/ Võ Thắng Tiết cho văn học.
Tôi muốn nói, dù với tên gọi nào, Võ Thắng Tiết hay Từ Mẫn thì tên tuổi ông cũng đã thuộc về phía rực rỡ nhất, trong lãnh vực xuất bản sách, của Việt Nam, nói chung. (Du Tử Lê)
Chú thích:
(1) Theo giải thích của một nhân vật trong ngành xuất bản thì lý do sâu xa khiến nhà Xuân Thu không muốn trao đổi sách với nhà Văn Nghệ, có thể bởi đa số sách do Xuân Thu ấn hành là sách in tại Sài Gòn trước Tháng Tư, 1975. Nhà Xuân Thu chẳng những trả tác quyền cho các tác giả hay thân nhân đại diện cho các tác giả; cũng không cho sắp chữ mới mà chỉ copy từ bản in cũ… Do đấy, giá bán một cuốn sách do Xuân Thu ấn hành thường thấp hơn giá thị trường. Nếu trao đổi sách với Văn Nghệ, Xuân Thu sẽ bị nhiều thiệt thòi.
(2) Theo ông Võ Thắng Tiết thì lý do những đại lý không thanh toán tiền sách cho Văn Nghệ vì họ sang tiệm, mà chủ mới không chịu trách nhiệm sách cũ; hoặc chủ tiệm phải lặng lẽ đóng cửa vì lỗ lã, không đủ sở hụi…
(3) Nhà sách Thiên Nga, địa chỉ 2929 A Milam Street, Houston, Texas, 77006. Điện thoại: (713) 520-8013.
(4) Ông Văn Nghệ cho biết, dịch giả là bà Chân Huyền, Chân Văn nhuận sắc. Tưởng cũng nên nói thêm: Bà Chân Huyền, hiền thê của nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Ông bà hiện cư ngụ tại Orange County.
(5) Như vậy, cuốn sách khởi đầu cũng như khi khép lại hoạt động của nhà Văn Nghệ ở hải ngoại đều là sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, một trong những tác giả có sách bán chạy nhất. Về tác giả trẻ cũng có sách bán chạy, theo tiết lộ của ông Văn Nghệ là nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, ở Úc Châu.
(6) Nhà văn Phùng Cung, sinh năm 1928, mất năm 1997 tại Hà Nội. Ông là thành viên của nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm (1955-1957). Nổi tiếng với truyện ngắn “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh” và truyện ngắn “Dạ Ký”… Ngụ ý đả kích những văn nghệ sĩ bẻ cong ngòi bút, không dám nói thật tiếng nói của mình, bị lưu đày trong cõi tung hô… Vì thế, ông bị chính quyền Hà Nội bị bắt giam 12 năm trong các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt, Yên Bái, Phong Quang… Mãi tới năm 1973, ông mới được phóng thích, dù vẫn bị quản thúc và theo dõi. Sau khi được phóng thích, ông sinh sống bằng nghề làm đinh và vẫn âm thầm làm thơ. Tập thơ “Xem Đêm” của ông được nhà nước CSVN cho phép xuất bản vào năm 1995… (Nguồn Wikipedia-Mở)
(7) Theo nhà văn Thụy Khuê thì tuyển tập thơ văn Phùng Cung, do bà Lâm Thu Vân ở Canada tập hợp những sáng tác của Phùng Cung chưa bao giờ được xuất bản. Trong số này có truyện ngắn “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh” đăng trong Nhân Văn số 4, Tháng Mười, 1956, và 35 bài thơ trong tập “Trăng Ngục,” viết từ năm 1961 tới 1972 tại những trại biệt giam mà họ Phùng đã trải qua…
=============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ