Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

đọc thêm (1) : " ông TRẦN VIỆT PHƯƠNG qua đời ở tuổi 89" -- trích : https://www.bbc.com > vietnamese (06/ 05/ 2017 )

 

Ông Trần Việt Phương qua đời ở tuổi 89

Ông Trần Việt Phương (trái)

NGUỒN HÌNH ẢNH,FB TRUONG HUY SAN

Chụp lại hình ảnh,

Ông Trần Việt Phương (trái), cựu thư ký và trợ lý của cố Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng, qua đời ở tuổi 89 tại Hà Nội sau một thời gian nhập viện.


Cựu thư ký của cố Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Văn Đồng, nguyên thành viên Tổ tư vấn và ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dưới thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nhà thơ Việt Phương, tức Trần Việt Phương, qua đời hôm thứ Bảy tại Hà Nội, ở tuổi 89, theo truyền thông nhà nước.

Chia sẻ với BBC hôm 06/5/2017 về cái chết của ông Việt Phương, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên thành viên Tổ tư vấn và ban nghiên cứu qua các đời Thủ tướng khác nhau của Việt Nam trước đây, nói:



"Ông Trần Việt Phương ra đi là một tổn thất to lớn cho cộng đồng những người nghiên cứu và làm thơ của Việt Nam... Với hoạt động của ông Trần Việt Phương thì ông đã được ông Phạm Văn Đồng chú ý và đã được mời làm thư ký, tức là trợ lý cho ông Phạm Văn Đồng suốt thời gian cho đến khi ông Phạm Văn Đồng từ trần.

"Ông Trần Việt Phương là một nhân cách xuất sắc, là một con người hết sức trung thực và nhân hậu và có những đóng góp vượt thời đại.

"Ông Trần Việt Phương đã viết một tập thơ và năm 1968, nhà thơ Chế Lan Viên đã trích một số thơ của ông ấy và đăng thành tập 'Cửa Mở', trong đó ông Trần Việt Phương lần đầu tiên nêu lên các nhận xét của mình như là sự ngây thơ của người Việt nam... trong khi đánh giá, nhận xét như là 'Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ'.



"Và ông cũng đã có những nhận xét trong tập thơ đó và sau đó vì tập thơ ấy, ông đã bị thất sủng và không được làm tiếp cho ông Phạm Văn Đồng, mà ra làm cho Ban Nghiên cứu cải tiến quản lý, sau này về Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế, nhưng ông đã tham gia vào Ban Nghiên cứu, tức là Tổ tư vấn cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho Thủ tướng Võ Văn Khải.

"Đặc biệt, ông là người cộng sự thân cận của Tổng bí thư Lê Duẩn trong một thời gian dài và trong công việc ấy, ông thường xuyên nêu lên những vấn đề, những nhận xét rất sắc sảo về tình hình, những yêu cầu về sự đổi mới và có những ý kiến rất thiết thực về việc cải cách ở Việt Nam," TS Lê Đăng Doanh nói với BBC.

Lưu lại audio,

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói về ông Trần Việt Phương

'Người ăn cùng mâm'

Cũng hôm thứ Bảy, trên trang Facebook cá nhân, nhà báo, blogger Huy Đức - Trương Huy San chia sẻ hồi ức của mình về ông Trần Việt Phương, dòng trạng thái với tựa đề 'Người biết cả 'hai mặt của những tấm huy chương' của blogger này viết:

"Khi chuẩn bị tư liệu cho cuốn Bên Thắng Cuộc, ông Trần Việt Phương đã giúp tôi thu xếp các cuộc phỏng vấn quan trọng nhất nhằm thu thập thông tin về các nhân vật như Tướng Giáp, Trần Xuân Bách, Lê Trọng Nghĩa...

"Biết ông là người gần như "ăn cùng mâm" với cả Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng từ 1949 cho đến khi họ lần lượt ra đi, tôi nhiều lần gặng hỏi về con người thật của họ và ông thường chỉ trả lời, "Tấm Huân chương nào cũng có hai mặt; công chúng nhìn thấy mặt trước, chúng tôi chứng kiến mặt sau. Thôi cứ để công chúng giữ hình ảnh như họ thấy".

"Vậy mà, với những gì ông tiết lộ (qua ghi âm và ghi hình) với chúng tôi đã có rất nhiều điều bây giờ tôi vẫn chưa dám nói. Và, rất nhiều khoảng khuất khác của lịch sử, hôm nay ông lại đã mang theo. Cám ơn rất nhiều về những "cánh cửa" mà ông đã "mở".

Báo Dân Trí, thuộc Diễn đàn Dân trí Việt Nam, hôm 06/5 đưa tin: "Nhà thơ Trần Việt Phương, tác giả tập thơ "Cửa mở"- người từng có 53 năm làm Thư ký cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa qua đời vào 8 giờ 50 sáng nay (6/5) tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.

"Nhà thơ Trần Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy. Ông sinh năm 1928, từng đậu tú tài thời Pháp thuộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, bị bắt giam. Khi đó, ông lấy bí danh là Việt Phương và một người bạn tù lấy tên ông là Trần Quang Huy làm bí danh.

"Được biết, nhà thơ Việt Phương làm thư ký cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 19 tuổi. Trong khoảng thời gian làm Thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một số năm trong khoảng thời gian đó ông đồng thời còn làm Thư ký cho Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn.

"Năm 65 tuổi, ông nghỉ hưu, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định cử làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng,

"Nhắc đến nhà thơ Việt Phương nhiều người không thể quên tập thơ "Cửa mở". Năm 1970, tập thơ "Cửa mở" của nhà thơ Việt Phương xuất hiện như một hiện tượng văn học. Tập thơ trở thành sách gối đầu gường của nhiều bạn yêu thơ bởi sự mới mẻ về câu từ và nội dung...

"Sau này, nhà thơ Việt Phương còn tiếp tục cho ra đời những sáng tác khác như Cửa đã mở (2008), Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2009), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013) và Nắng (2013)," tờ Dân Trí cho hay.

Ông Trần Việt Phương (đầu tiên, từ phải)

NGUỒN HÌNH ẢNH,FB TRƯƠNG HUY SAN

Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo Huy Đức (ngoài cùng, trái) trong một dịp tiếp xúc với ông Trần Việt Phương (đầu tiên, từ phải) và ông Lê Trọng Nghĩa (giữa).

Nhân dịp này, BBC Việt ngữ trân trọng giới thiệu một bài thơ của Việt Phương trích trong tập 'Cửa mở' xuất bản năm 1969, bài thơ có tựa đề "Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi"

Năm xưa ta đã nói rất nhiều "cực kỳ" và "hết sức"

Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực

Chưa biết rằng "trời" còn xanh hơn "trời xanh"

Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.

Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa

Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương

Đã chọn đường đi, chẳng ai dừng ở giữa

Mạc-tư-khoa còn hơn cả thiên đường

Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ

Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ

Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao

Một phần tư thế kỷ đã qua đi và bây giờ ta đã biết

Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết

Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao

Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao.

Sức ta tăng bội phần khi ta say đến trở thành rất tỉnh

Ta đã có thể nói với quân thù những lời bình tĩnh:

"Tất cả những gì xấu xa của tao là thuộc về mày

Tất cả những gì tốt đẹp của mày là thuộc về tao".

Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin

Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả

Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ

Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn.

Ta đã gặp những điều không hề chờ đợi gặp

Nào đâu phải chỉ là rắn phục giữa vườn hoa

Những kẻ tốt đến yếu mềm chỉ là đồ giẻ rách

Rắn còn nằm cuộn khúc giữa lòng ta.

Ta suy nghĩ tám nghìn đêm đánh giặc

Nghiền tâm tư cùng những hạt ngô bung

Giữa đạn bom ta lọc ra hạnh phúc

Tìm dần trong sáng mãi đến vô cùng

Ta đã sống những phút giờ sự thật

Tầm dân tộc ta và kích tấc loài người

Bừng vẻ đẹp chắc và bền của đất

Thung lũng đau xưa vàng rực những mùa vui...

Ta hiểu được những ai đã sai và có thể còn sai

  Và chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa

Trút vỏ thần tượng đi càng lồng lộng con người

Phía trước, đằng sau, bên ngoài và chính giữa

Như Quảng Bình, Vĩnh Linh càng yêu thương trong khói lửa

Ta nhìn hết sự xấu xa và bỗng nở nụ cười

Mở đài địch như mở toang cánh cửa

Nghe nó chửi ta mà tin ở ngày mai

Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở

Cuộc đời, thân như hơi thở ta ơi

Ta vui lắm những niềm vui cởi mở

Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi.. (*)

VIỆT PHƯƠNG


---------

(*)  Bt cho in chữ nghiêng>


==================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ