đọc thêm (1) : " Ông Bụt Sách ở nhà xuất bản Văn Nghệ " ( Mỹ ) / Từ Mẫn- Võ Thắng Tiết [ 1935- / Mỹ ] -- trích : VOA/ Đài Á Châu Tự Do ( 14/01/ 2010 )
Có thể nói Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, cũng như Thanh Tuệ, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, sinh ra để làm nghề xuất bản.
Võ Thắng Tiết sinh năm 1935 (trên giấy tờ khai năm 1938), xuất gia từ nhỏ. Từ năm 1965 đến 1975, ông làm giám đốc nhà xuất bản Lá Bối do Nhất Hạnh sáng lập. Trong hơn 10 năm, Lá Bối xuất bản khoảng 120 đầu sách.
Về quy mô, Lá Bối không phải là nhà xuất bản lớn, nhất là so với các nhà xuất bản thương mại như Khai Trí, Sống Mới, Trí Đăng, Trường Thi hay một nhà xuất bản khác nặng về văn nghệ hơn, như Nguyễn Đình Vượng.
Nhưng về chất lượng, Lá Bối lại được đánh giá rất cao, được xem là một trong vài nhà xuất bản có uy tín nhất thời bấy giờ. Nhiều cuốn sách, trước, đã được các nhà xuất bản khác in, nhưng rơi vào im lặng; sau, được Lá Bối in lại, trở thành một hiện tượng, được độc giả đón nhận nồng nhiệt.
Về mỹ thuật, Lá Bối, cùng với An Tiêm và Cảo Thơm, được đánh giá là những nhà xuất bản in đẹp nhất thời bấy giờ.
Đánh giá Từ Mẫn Võ Thắng Tiết thời làm giám đốc nhà Lá Bối có lẽ không có ai đủ thẩm quyền hơn Nguyễn Hiến Lê.
Trong cuốn Hồi Ký, tập 2 (Nxb Văn Nghệ, California, 1990, tr. 311-3), nhân kể lai lịch việc dịch và in bộ Chiến tranh và Hòa bình của Leon Tolstoy, Nguyễn Hiến Lê có nhắc đến Võ Thắng Tiết với những nhận xét đầy ưu ái.
“Tôi thích Chiến tranh và Hòa bình hồi ở trung học, và khoảng 1961-62 tôi đã muốn dịch, đề nghị với hai nhà xuất bản lớn ở Sài Gòn, hễ khi nào thấy có thể in được thì cho tôi hay, tôi sẽ khởi công liền.
Tới tháng 9 năm 1966, lời đề nghị đó vẫn chưa được hai nhà đó xét; họ bận quá, có lẽ họ không nhớ tới. Trong bài ‘Đả phá dễ hay xây dựng dễ’ đăng trên Tin Văn ngày 15.9.66, tôi nhắc lại đề nghị.
Bài đăng được khoảng một tháng thì một hôm một vị mà tôi chưa hề gặp mặt lại thăm tôi, tự giới thiệu là Giám đốc nhà xuất bản Lá Bối, tặng tôi ít cuốn sách và nhân đọc bài của tôi đăng trên Tin Văn mà nhờ tôi dịch cho Chiến tranh và Hoà bình.
Tôi nhận lời, hứa trong hai năm sẽ xong. […]
Ông Giám đốc nhà Lá Bối đó là Đại đức Từ Mẫn, tên thật là Võ Thắng Tiết. […]
Từ đó, chúng tôi thân với nhau. Thầy trẻ hơn tôi, vui vẻ, thành thực, làm việc cẩn thận, có tư cách, trọng chữ tín, học lực khá, kín đáo nhưng thân mật. Cả Giản Chi với tôi đều khen là đứng đắn nhất trong giới xuất bản.
Tôi khởi công dịch Chiến tranh và Hoà bình liền, dịch rất kĩ, giới thiệu tác giả và tác phẩm cũng kĩ, non một năm rưỡi thì xong. Xoay được đủ vốn, nhà Lá Bối cho in ngay, đầu năm 1969 ra được cuốn đầu khoảng 750 trang, rồi ba tháng sau ra nốt ba cuốn nữa, do hai nhà in sắp chữ. In 3.000 (hay 5.000 ?) bản, vốn khá nặng (mấy triệu đồng thời đó), nhờ báo chí giới thiệu và khen, nhà Lá Bối có sẵn một số độc giả đông, nhờ quảng cáo trên màn ảnh Sài Gòn, nên sách bán chạy, ba năm sau tái bản […].
Tôi nhớ lại trong năm sáu tháng sắp chữ bộ Chiến tranh và Hoà bình, ngày nào thầy Từ Mẫn cũng lại tôi hai lần, đưa bản vỗ để thầy và tôi cùng nhau sửa, trước khi giao cho nhà in. Mỗi ngày thầy lái xe Honda đi đi về về không biết mấy lần từ nhà xuất bản đến nhà tôi, nhà in, tính ra tới 50 cây số.
Trong số các nhà xuất bản, hợp tác với thầy tôi thấy thích nhất, và chỉ trong 4-5 năm, thầy in cho tôi được khoảng chục tác phẩm, mà hai cuốn quan trọng nữa là Chiến Quốc sách, Sử kí của Tư Mã Thiên, cả hai đều bán chạy, tái bản trong một hai năm. Giản Chi và tôi thành những nhà văn có nhiều tác phẩm nhất trong tủ sách Lá Bối. Như có duyên tiền kiếp với nhau.”
Nhận xét của tôi về Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, qua mấy lần gặp gỡ ngắn ngủi, nói chung, cũng khá giống Nguyễn Hiến Lê.
Chưa bao giờ tôi nói chuyện về văn chương nghệ thuật với ông nên không biết kiến thức thực sự của ông trong lãnh vực này như thế nào. Nhưng nhìn cách ông chọn sách in, tôi biết ông có óc cảm thụ tốt.
Trong khoảng hơn mười năm đầu, từ giữa thập niên 1980 đến khoảng giữa thập niên 1990, cuốn sách nào do nhà Văn Nghệ xuất bản cũng đều ít nhiều có giá trị. Văn Nghệ trở thành một thứ thương hiệu lớn trong sinh hoạt văn học hải ngoại dạo ấy.
Tôi biết nhiều người ở xa thường đặt mua bất cứ cuốn nào do Văn Nghệ xuất bản. Họ không cần biết tên tác giả; cũng không cần biết tác phẩm viết về đề tài gì, phong cách ra sao, chỉ cần biết là do Văn Nghệ in, thế là họ đã cảm thấy an tâm.
Trong lịch sử xuất bản Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh khá bát nháo ở hải ngoại, để tạo được sự tin cậy như vậy quả không phải là điều dễ. Làm được điều ấy không phải là điều dễ. Không dễ khi chọn sách. Càng không dễ khi từ chối lời đề nghị in sách của nhiều người, trong đó có không ít người quen biết.
Trong số các kỷ niệm tôi có với Võ Thắng Tiết, chuyện này làm tôi cảm động hơn cả: Khoảng năm 2001, tôi điện thoại đề nghị ông in cuốn Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết của Hoàng Ngọc-Tuấn. Ông đồng ý ngay tức khắc. Ông cho biết ông đã đọc Hoàng Ngọc-Tuấn và rất thích các bài viết của Tuấn.
Tôi cẩn thận, nhắc ông hai điều: Thứ nhất, cuốn sách của Hoàng Ngọc-Tuấn khá dày, hơn 600 trang, lại bàn về nhiều chuyện lý thuyết với văn phong mang tính hàn lâm nên không dễ đọc; và thứ hai, thị trường sách báo bằng tiếng Việt ở hải ngoại đã bắt đầu đi xuống. Tôi cũng nhấn mạnh: In một cuốn sách như vậy có thể sẽ lỗ. Nghe xong, ông cười hề hề, rất thoải mái: “Lỗ thì lỗ, nhưng in được một cuốn sách hay như thế thì vui rồi, lo gì!”
Thế là ông in thật. Đó là một trong những cuốn sách cuối cùng của nhà Văn Nghệ.
Sau này, đọc báo, nghe nói ông đóng cửa nhà xuất bản Văn Nghệ, rồi đóng cửa luôn cả nhà sách Văn Nghệ, tôi thấy buồn hiu hắt.
Đang lúc buồn, tôi lại chợt nhớ đến tiếng cười của ông, tiếng cười hề hề nhỏ nhẹ hiền lành và hồn nhiên vô cùng.
Tôi muốn gọi đó là tiếng cười của Ông Bụt Sách.
Chú thích:
Bức tâm thư Võ Thắng Tiết viết và in ở những trang đầu cuốn Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê (1985), cuốn sách đầu lòng của nhà Văn Nghệ, có ý nghĩa lịch sử khá lớn. Tôi xin đăng lại nguyên văn để bạn đọc tham khảo:
“Nhà xuất bản Lá Bối ở Việt Nam được thành lập vào tháng 4 năm 1964. Giữa năm sau, tôi bắt đầu trông coi Lá Bối.
Trong vòng mười một năm hoạt động, Lá Bối đã xuất bản chừng 120 nhan đề, trong đó có những nhan đề gồm nhiều cuốn lớn, có những tác phẩm được tái bản mươi lần. Cuối tháng 4 năm 1975, Lá Bối ngừng hoạt động. Tháng 7 năm 1975 nhà cầm quyền cộng sản đến tại nhà xuất bản bắt tôi giam giữ. Kho sách Lá Bối tại Tân Phú (ngoại ô Sài Gòn) bị tịch thu, xe chở đi suốt hai ngày mới hết sách; giá sách tồn kho bấy giờ độ 60 triệu đồng, tiền cũ. Ở tù ra, cách khám đường hai chục thước, tôi gặp thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, thi sĩ đứng xe đạp, kêu: “Ủa! Thầy mặc quần xà-lỏn đi ngoài phố?” Quả thật lúc ấy trên người tôi không còn gì, ngoài chiếc quần xà-lỏn.
Không thể sống dưới một chánh thể phũ phàng như thế, tôi tìm đường ra đi. Ngày tôi xuống thuyền rời xa quê hương thì trên khắp đất nước bao nhiêu công trình thành tích văn học nghệ thuật của miền Nam suốt hai mươi mốt năm qua đã bị tịch thu huỷ hoại gần hết, những văn nhân, thi sĩ bạn bè quen biết với tôi trong mười năm qua phần lớn đang bị tù tội. Lòng tôi đau buồn chán nản vô hạn. Những vị gặp tôi trước lúc lên đường đều tha thiết dặn dò: “Ra ngoài, cố mà in lại, vớt vát phần nào nền văn học bị phá huỷ trong nước”. Trong khoảng đời còn lại của đời mình, chắc chắn tôi không thể quên lời nói tâm can ấy.
Tôi sang Mỹ, nhận thấy sách miền Nam được in lại khá nhiều, cũng là điều an ủi, tuy nhiên sách tái bản được chọn lựa căn cứ trên tiêu chuẩn thương mãi, cho nên rất nhiều tác phẩm khảo luận và sáng tạo giá trị không được chú ý đến. Điều ấy không thể trách, vì đã kinh doanh thì phải tính toán lợi tức. Nhưng đáng tiếc là vì thế mà công cuộc bảo tồn thành quả văn học thời kỳ 1954-9175 của miền Nam chưa được tiến hành nghiêm chỉnh.
Ở Mỹ, xem qua các thư viện có tiếng là tàng trữ nhiều sách Việt ngữ, thấy còn thiếu sót. Có những tác giả vào hạng danh tiếng nhất của miền Nam bấy giờ mà tác phẩm hiện lưu trữ không được nửa tổng số đã xuất bản ở trong nước trước kia. Điều này cũng không trách được, bởi lẽ bảo tồn di sản văn hoá của mình là nhiệm vụ của chính mình, lẽ nào đòi hỏi, trông cậy cả ở người ngoài.
Mặt khác, lại nhận thấy từ sau 1975 càng ngày càng có nhiều tác phẩm hoặc do văn nhân học giả lưu vong viết ra, hoặc do những cây bút từ trong nước âm thầm viết gửi ra, những tác phẩm ấy tìm nơi xuất bản khó khăn: Việt kiều ít và tản mác nên sức bán rất thấp, mà in sách mới thì công xếp chữ lại quá cao, do đó nhà xuất bản chuyên nghiệp thường e ngại. Điều này lại cũng không thể trách nữa: làm sao trách được giới làm ăn tính lời tính lỗ! Tuy nhiên chỗ trở ngại này không khỏi làm mất cơ hội ra đời của một số tác phẩm giá trị. Tôi vẫn nghĩ rằng chỉ có những tác phẩm viết ngoài vòng khống chế của chế độ độc tài mới nói lên được các cảm nghĩ chân thực của dân tộc tôi.
Vì những điều nhận xét trên đây mà sau nhiều năm làm lụng vất vả tôi quyết định đem tất cả sự dành dụm bấy lâu ra để tái tục công việc in sách, điều tâm nguyện mà tôi đinh ninh từ ngày ra đi. Nhà xuất bản Văn Nghệ nhằm:
- Tái bản các tác phẩm của nền văn học miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975;
- Xuất bản các tác phẩm viết sau 1975 hoặc ở ngoài nước hoặc từ trong nước mà không chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền cộng sản.
Sự chọn lựa tác phẩm sẽ căn cứ trên giá trị văn học chứ không phải trên giá trị thương mãi.
Chắc chắn ai nấy đều thấy một nhà xuất bản như thế rất khó ‘sống’. Quả vậy. Nhưng công việc tôi tiến hành lúc này không phải là một cuộc kinh doanh. Đây là một việc làm liều lĩnh vì tấc lònng đối với văn hoá dân tộc. Liều mà lỡ ra thất bại, tôi cũng không thể nghèo hơn lúc ở tù ra sau biến cố 1.5.1975. Trái lại, nếu có được chút lợi tức nào, tôi không dám quên tác giả, dù các tác giả ấy ở nơi nào, còn sống hay đã qua đời, đã bị hãm hại. Đối với những vị vắng mặt, tác quyền được giữ vào một trương mục có sinh lợi, chờ trao lại khi có cơ hội tiếp xúc hay khi gặp người được uỷ quyền.
Thực tình mà nói, sở dĩ tôi dám liều cũng có lý do: Tôi tin ở nhiệt tình của đồng bào tôi đối với công việc văn hoá. Ngày trước, ở Sài Gòn, để in những bộ sách dày tôi đã nhiều lần gặp cảnh thiếu hụt một đôi triệu bạc, và sự xoay xở không bao giờ khó khăn, cũng là nhờ ở cái nhiệt tình nọ. Lần này, ngay tự khởi đầu tôi đã được sự giúp đỡ sốt sắng của nhiều tạp chí khắp miền Bắc Mỹ châu.
Đối với các ân nhân này, tôi xin bày tỏ nơi đây lòng biết ơn chân thành. Tôi luôn luôn tin tưởng sẽ không bị bỏ rơi, sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong công việc khó khăn của mình. Vả lại, trong tiếng ‘ủng hộ’ tôi không dám gửi những kỳ vọng xa xôi. Chỉ mong rằng Việt kiều tị nạn chúng ta không ngại bỏ tiền ra mua những tác phẩm giá trị viết bằng tiếng Việt, thế thôi.
Hoạt động trong mười năm, ngưng tắt mười năm, bây giờ lại xuất hiện để hoạt động trong một hoàn cảnh không còn thuận lợi như trước, tôi nguyện đem sức tận sức mình để mong củng cố lòng tin cậy của các độc giả và tác giả quen biết cũ, những cố tri mà lòng tôi luôn luôn tưởng nhớ, và để tranh thủ sự tin cậy của một lớp độc giả và tác giả mới, lớp người cùng cảnh ngộ cùng tâm tình với nhau
Từ Mẫn -Võ Thắng Tiết
Tustin (CA), ngày 10 tháng 10 năm 1985
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ