Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

đọc thêm: " THÀ NGƯỜI PHU TA " (bài 1) -- forwarded by Trần Thị Bông Giấy ... tới Vani , Thuong, tôi ... ( 20/ 05 / 2022 )

 

TRAN THI BONG GIAY

10:16, Th 6, 20 thg 5 (3 ngày trước)
tới VaniThuongtôi

THÀ NGƯỜI PHỤ TA (bài 1)

 

(Tâm Bút TRẨN THỊ BÔNG GIẤY)

[]

 

MỘT.

Thật khổ tâm nếu có lúc nào tôi cần phải đóng vai “bà Tùng Long gỡ rối tơ lòng”! Đó là chuyện của luật sư, của quan tòa thẳng thừng cá chất. Còn nhà văn, một với một có khi thành ba thành bốn… Trái tim là lãnh vực bất khả xâm phạm của từng người, không ai đứng ngoài phán xét rạch ròi cho được.

 

Trong tôi, thú nhận, có cái kỳ cục. Viết bộ Tài Hoa Mệnh Bạc về cuộc đời các bậc tài hoa thế giới, điều làm tôi chú trọng trên cả nghệ thuật của họ là đạo đức trái tim. Tôi luôn quan niệm: “Con người LÀM RA tác phẩm, chẳng phải tác phẩm TẠO NÊN con người.” Câu “Văn là Người” chỉ nói lên kết quả phản hồi được định giá hay-dở bởi thời gian mà thôi.

 *

* *

HAI.

Cái may lớn trong đời tôi không chỉ là được thừa hưởng từ người cha trí thức nghệ sĩ hai nguồn cảm hứng Văn chương Âm nhạc, mà còn là cá chất dứt khoát theo chuyện tình cảm (dẫu tâm hồn đau đớn cỡ nào chăng nữa):

“Thà người phụ ta chứ ta không bao giờ phụ người, mà, một khi người đã phụ ta rồi thì ta tự bóp nát trái tim mình, ngoảnh mặt, quay lưng, không níu kéo làm phiền đến người. Chấm hết!”  

 

Ngày xưa, một chiều nghe Nguyễn hỏi:

“Từ trước trong đời Măn có bao nhiêu mối tình?”

Tôi cười cợt, đáp:

“Tình bé tình con nhiều lắm, dễ phải đến 15! Nhưng tình lớn, thì cho tới lúc này, chỉ là hai: Anh Ngọc và Nguyễn.”

 

Mấy chục năm sau nhớ lại mới nhận thức ra rất rõ cái nhìn vừa trân trối vừa buồn rầu chiều hôm đó của Nguyễn.

Thật! Số Một không phải số Mười dẫu cùng nằm chung trên hàng con số. Mối tình lớn không phải mối tình con dẫu vẫn đứng chung trên hàng lớp tình yêu.

 

Ở cả hai mối tình lớn từng làm đảo điên nhau ngay khi mới gặp, lúc ngõ cụt lộ diện, cũng tự tôi quay mặt bằng lời thơ của Romain Rolland:

“Vì có những lúc anh yêu em

Em cảm ơn anh!

Và bây giờ ở nơi khác,

Em cầu mong anh sẽ được sung sướng hơn.”

 

[Note riêng: Dạo tháng 7/1974 ở Nha Trang, nếu anh Phùng Kim Ngọc KHÔNG LÀ Âm nhạc thì hai mươi năm sau tại San Jose đã không có Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau xuất hiện.

-Dạo tháng 11/1975 ở Sàigòn, nếu Nguyễn KHÔNG LÀ con người Văn chương từng ngậm ngùi theo cái NẾU đau khổ của anh Ngọc thì 26 năm sau, Trân Sa đã không được chào đời tại San Jose.]

*

* *

BA.

Tuần lễ trước, nhận thư Giang, đứa con gái nuôi ở Nha Trang:

“Nghe lời Mẹ, con bằng lòng đi hết con đường hẹp để tin một ngày Thượng đế hay Vũ trụ, hoặc chính Mẹ sẽ dẫn con ra tới con đường tương lai rộng mở. Con sẽ sống nương tựa vào những điều tầm thường để kiên trì đi tìm cái "không tầm thường" (mà Mẹ đã gieo vào tâm trí con mỗi lần gặp ở Nha Trang - Dalat thuở trước, hoặc trên từng tác phẩm Mẹ viết.)

 

Con biết, vượt qua những vụn vặt trong cuộc sống hằng ngày để thỏa thích sống trong thế giới riêng mình, cần phải có một nội tâm vững chãi. Mà, muốn có được tâm thái vừa nói thì phải tôi luyện mọi tình cảm chịu đựng qua rất nhiều năm.

 

May mắn cho con vì đã được gặp Mẹ. Một lần gặp Mẹ mà con đã lãnh hội được tất cả những điều người khác phải đánh đổi rất nhiều thời gian, tuổi trẻ, cũng chưa chắc gì có được:

-Đó là cái tâm hướng Thiện,

-đó là lòng chung thủy,

-đó là cái nhìn bao dung đối với mọi điều nhìn thấy trong cuộc sống chung quanh.

 

Nhờ vậy, mỗi lần bão táp xô vào đời con, giày xéo con hằng ngày, dù đau khổ cỡ nào con cũng "đủng đỉnh" vượt qua. Con học được từ Mẹ bản tính kiên định không gì có thể lay chuyển, ráng giữ mình nguyên vẹn tới cùng để tìm cho ra cái "không tầm thường".

 

Được gặp Mẹ, đúng là một lần gặp gỡ It's Now or Never giá trị đối với con....”

*

* *

Tuần lễ này, đọc comment NVH Hà Nội bên dưới bài Cho Tôi Lại Ngày Nào:

-Cô ơi, con hiện giờ cũng buồn rũ rượi. Con đang cố lần, mò, leo lên, để thoát ra ngoài cái bể sầu khổ. Những giòng viết của cô đã giúp con có thêm sức mạnh “vịn câu văn” mà đứng dậy. Con rất biết ơn cô.

 

Tự dưng tôi thấy như mình “có nợ” với hai người trẻ. Bài học Thà Người Phụ Ta thật không dễ nuốt! Với Giang, tôi mừng, và cũng thật ngậm ngùi theo hình ảnh “thân hình bé nhỏ, vất vả công việc hằng ngày, đêm đêm vẫn nằm chèo queo chờ chồng...” mà tôi và Lộ từng nhiều lần nhìn thấy dạo 2015-16 ngủ lại nhà Giang ở Nha Trang.

 

Còn với NVH, tôi viết:

“Thà người phụ ta chứ ta không bao giờ phụ người. Cứ nhắm mắt trả thì nghiệp quả nào cũng hết. Nhất là lương tâm mình an ổn với Chúa và với chính mình. Cô nói ít, mong con hiểu nhiều.

Trong chuyện tình yêu, cô luôn luôn làm người quay mặt, không vì phụ phàng, mà là hy sinh trái tim mình cho kẻ khác khỏi khổ. Thời gian giúp phôi pha, lúc ấy nhìn lại, con sẽ như cô bây giờ, thanh thản với lòng để không cần vịn thì văn chương âm nhạc vẫn tìm đến với trái tim lành của con.”

*

* *

Vài hôm trước, hai đứa em họ đến thăm. Nửa đêm, ngồi ngoài hiên nghe đứa em ở Indiana kể hết sự tình bế tắc gia đình; hôm sau lại nhận cú phone “vấn kế”, tôi thật sự hoảng!

Nghĩ, bài toán Đời nào cũng phải do chính mình tìm ra đáp số (mà, những mẩu chuyện tôi ghi chỉ là phương tiện nhỏ bé làm mối khai mở đầu tiên giùm cho họ).

*

* *

BỐN.

Ở chung trong khuôn viên Những-Người-Trăm-Năm-Cũ có chú nhỏ lớn hơn San một tuổi, sống nơi căn phòng cuối vườn. Chú tên Bill, dáng cao lớn, đẹp trai, vẻ trầm ngâm u uất. Hoàn cảnh gia đình: vợ và hai con, tan nát từ 10 năm trước (lần hồi từng chút tôi được nghe kể). Cá chất “Thà người phụ ta chứ ta không bao giờ phụ người” nơi chú khi nói về mái gia đình cũ, cũng biểu tỏ qua năm năm sống cô đơn ở mảnh đất này.

 

Nếu chỉ nhìn bộ dáng mỗi chiều đi làm về ngồi ngoài sân, uống hết thùng bière, xong, đi ngủ, không hề làm phiền kẻ khác, thì chắc chẳng ai ngờ chú từng có một thời “chọc trời khuấy nước” ở San Jose, trước khi lấy vợ, đầu thập niên 1980.

 

Năm năm đã đủ thời gian cho tình người nẩy nở, chú như trở thành người thân trong nhà. Chúng tôi quý chú, chú quý chúng tôi. Chú tôn trọng nỗi tan nát trong tôi; tôi nể vì sự u uất âm thầm (không một lời oán than định mệnh) của chú.

 

Trăm ngày như một, chẳng thấy người bạn nào xuất hiện, trừ ra một lần duy nhất có người mẹ già lụ khụ tìm đến đưa tôi một nồi thịt kho, nhờ trao chú Bill. Tôi thật cảm động, hỏi chú: “Sao không về ở với mẹ?” Chú đáp: “Mẹ em và cả em ai cũng chỉ thích ở một mình.”

 

Có lần chú kể:

“Hồi nhỏ ở Sàigòn, tụi trong xóm thấy em là con lai, xúm lại đánh em. Em phải gồng mình đánh trả. Từ đó mới được chúng để yên cho sống.”

 

Cũng kể:

“Qua Mỹ rồi, em nhiều lần bỏ học đi chơi, mẹ cứ đi tìm. Có lần bắt được, đem về quất tơi tả lên lưng lên cổ. Em ngồi yên chịu trận; một nhát roi trúng vào mắt, đau quá, đưa cả hai bàn tay bụm mặt. Mẹ nhận ra, ngồi xuống cạnh, khóc: ‘Sao con không la lên cho mẹ ngừng đánh?’ Xong, mẹ lấy chai dầu, kiên nhẫn thoa lên mắt và những lằn roi đã quất trên lưng em.”

 

Câu chuyện đơn giản mà thật làm trái tim tôi thắt lại. Bữa đó, hồi lâu, tôi nói với chú:

“Những ngọn roi quất lên người em chính là những ngọn đau đớn xuất phát từ lòng thương con của mẹ. Bà chỉ muốn em trở thành  người tốt.”

Chú gật:

“Em biết, nên chưa bao giờ có ý nghĩ oán trách mẹ em.”

 

Hoàn cảnh và tâm tính sống của chú Bill khác hẳn cái tôi đã và còn đang sống. Chỉ một điểm giống: “Chúng tôi đang cư ngụ CÙNG trong khuôn viên có vị thần Văn Chương Âm Nhạc che chở.” Nơi đây êm đềm, kẻ dữ cũng biến thành người hiền. Nhiều phen tôi từng chứng nghiệm điều đó.

 

Năm năm, rất sòng phẳng trong việc trả tiền phòng, không điều gì làm buồn tôi, vậy mà luôn luôn nghe chú nói: “Em cảm ơn chị đã cho em một nơi tá túc” tôi ngạc nhiên lắm!

 

Cũng còn những nhân vật “quái chiêu”, đàn ông lẫn đàn bà, với những hoàn cảnh khá ly kỳ (trên đất Mỹ), có dịp, tôi sẽ kể với bạn.

-Kể, như một lời “cảm ơn dành cho những con người từng có lần đến trú ngụ trong cái nơi mà tôi thường gọi là chốn dừng chân cho kẻ (tạm thời) thất cơ lỡ vận”.

-Kể, như một sự cảm tạ Đất Trời đã giúp những con chữ tôi tuôn trào không ngừng trong suốt nhiều năm.   

[]

 

(Xem tiếp THÀ NGƯỜI PHỤ TA... Bài 2).

[]

 

Trần Thị Bông Giấy.

(San Jose, thứ Năm May 19/2022  3:21 PM)

[]


nguồn:  mail gửi tới tôi ... (Tp)


===========



 

 


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ