đọc thêm (2) : " Thầy Từ Mẫn & Nxb Lá Bối ... "/ Du Tử Lê [ i.e. Lê Cự Phách 1942- 2019 ] -- trích : Du Tử Lê Blog (09/08/ 2020 )
Cuộc đảo chính thành công ngày 1 Tháng Mười Một, 1963 đã đem lại cho miền nam Việt Nam nhiều thay đổi lớn, từ chính trị, tôn giáo, kinh tế, xã hội, quân sự, văn hóa… Ở lãnh vực văn hóa, ngoài sự xuất hiện nhiều cơ quan ngôn luận tư nhân thì, người ta cũng ghi nhận được sự có mặt của những nhà xuất bản sách, với nhiều khuynh hướng khác nhau…
Số lượng dồi dào nhà xuất bản sách vừa kể, làm cho sinh hoạt văn hóa của miền Nam, ở lãnh vực này trở nên phong phú hơn; như những bức tranh Văn Học Nghệ Thuật lung linh màu sắc…
Trong cuộc lên đường ồ ạt mang tính “trăm hoa đua nở” này, có hai nhà xuất bản, điều hành bởi hai tu sĩ Phật giáo, được dư luận chú ý, ủng hộ. Đó là nhà An Tiêm của thầy Thanh Tuệ và, nhà Lá Bối của thầy Từ Mẫn.
Ông Lá Bối - Từ Mẫn-- (hình: Nguyễn Phan Quân)
Xuất xứ của hai nhà xuất bản có tiếng này, theo thầy Từ Mẫn, hiện cư ngụ tại miền nam California, khởi đầu vốn chung một gốc. Ông tóm tắt sự việc đó, như sau:
Đầu năm 1964, thầy Nhất Hạnh cùng một vài thầy khác ở Saigon, nhận được một khoản tiền cúng dường của một nữ Phật tử. Bà vốn là người bạn đời của bác sĩ Hiệu. Khi bác sĩ Hiệu từ trần, người con trai của họ tốt nghiệp bác sĩ tại Hoa Kỳ, muốn tránh cho bà mẹ cảnh cô độc; đã xin bà bán căn nhà ở khu Cư xá Lữ Gia và, khi xuất ngoại để đoàn tụ, người con cũng xin đừng mang theo số tiền bán nhà mà, hãy hiến tặng cho một hay nhiều cơ quan từ thiện nào đấy.
Căn bản ngôi nhà là một village khang trang, nên số tiền bán được khá lớn. Một trong những thầy nhận được tiền cúng dường của bà Hiệu, có thầy Nhất Hạnh. Số tiền thầy Nhất Hạnh nhận được là 35 ngàn đồng, theo thầy Từ Mẫn, được coi là rất lớn ở thời điểm đó. Người được thầy Nhất Hạnh trao số tiền kể trên để làm xuất bản là thầy Thanh Tuệ.
Thầy Từ Mẫn nhớ lại rằng trước khi giao số tiền có được, cho thầy Thanh Tuệ, trong một cuộc họp giới hạn, thầy Nhất Hạnh nói rằng, với số tiền này, chỉ một buổi ở nhà sách Albert Portail (tiền thân của nhà sách Xuân Thu ở đường Tự Do) thầy chở về một xe Taxi sách là hết tiền!
“Thôi, để ta làm gì cho vui. Nhà xuất bản thì được chớ?” Thầy Nhất Hạnh hỏi số người có mặt trong buổi họp. Và nhà xuất bản Lá Bối ra đời từ đó.
Tới bây giờ, dù thời gian đã qua trên nửa thế kỷ rồi, thầy Từ Mẫn vẫn nhớ thầy Nhất Hạnh giải thích rằng, ngày xưa kinh Phật được chép bằng bút sắt trên những chiếc lá to bản, gọi là “lá bối” hay “bối diệp” theo Hán tự. (1)
Trí nhớ của ông cũng cho biết, trong số những tác phẩm đầu tiên, được xuất bản với tên Lá Bối, có cuốn “Đạo Phật Hiện Đại Hóa” Và “Bông Hồng Cài Áo” mà, thầy Nhất Hạnh là tác giả.
“Cả hai tác phẩm ấy đều bán rất chạy, phải tái bản nhiều lần, nhất là cuốn Bông Hồng Cài Áo. Ông nói.
Là tu sĩ, chịu trách nhiệm số tiền thầy Nhất Hạnh giao cho, thầy Thanh Tuệ vốn là người sống rất đơn giản. Thầy không có một thú vui nào khác hơn mê sách và quảng giao với văn nghệ sĩ.
Thầy Từ Mẫn kết luận:
“Tuy là một tu sĩ, nhưng theo tôi, thầy Thanh Tuệ cũng còn là một nghệ sĩ nữa.”
Thầy Thanh Tuệ
Ông kể thời trước Tháng Tư, 1975, thầy Thanh Tuệ là khách hàng thường xuyên của nhà sách Xuân Thu, trên đường Catinat, Saigon. Đó là nhà sách gần như duy nhất, nhập cảng rất nhiều sách, báo ngoại quốc. Mỗi khi gặp được một cuốn sách trình bày đẹp, hay, lạ mắt, in trên giấy tốt thì đắt mấy, dù không đọc, thầy Thanh Tuệ cũng mua cho bằng được, đem về nghiên cứu, săm soi... Thầy Thanh Tuệ cũng được mô tả là rất thân thiết, và có thói quen chiều chuộng một số văn nghệ sĩ như nhà thơ, dịch giả Bùi Giáng, nhà văn Phạm Công Thiện…
Không biết có phải đó là những lý do khiến một năm sau, khi họp lại, báo cáo cho thầy Nhất Hạnh biết tình trạng tài chánh lỗ lã của Lá Bối, khiến thầy Nhất Hạnh phải nhấn mạnh rằng, làm thương mại nếu không có lời thì cũng không nên để thua lỗ, nợ nần như thế…! Nhất là Lá Bối có nhiều đầu sách bán chạy…
Sau buổi kiểm điểm, thầy Nhất Hạnh quyết định giao nhà xuất bản Lá Bối cho thầy Từ Mẫn trách nhiệm.
Thầy Từ Mẫn nhớ lại rằng, ngoài việc tiếp tục xuất bản sách của thầy Nhất Hạnh như cuốn “Nẻo Về Của Ý,” “Tình Người” (trong đó có truyện nổi tiếng “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài” mà, năm 1972, thay mặt thầy Nhất Hạnh (lúc đó đang ở Pháp), ông đã đưa truyện này cho nhà văn Nguyễn Đông Ngạc, (2) người thực hiện tuyển tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta” - - Với ảnh chân dung 45 tác giả của nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh. (3) Bên cạnh đấy, thầy Từ Mẫn vẫn tiếp tục xuất bản tác phẩm một số tác giả quen thuộc như Bùi Giáng, Phạm Công Thiện (với cuốn “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học”), Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Phùng Khánh, Hồ Hữu Tường, Xuân Tùng, v.v…
Thời gian này, 1966, cũng là thời gian nhà Lá Bối khởi sự in bộ tiểu thuyết “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của nhà văn Nga, Lev Tolstoy, bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê. Trước họ Nguyễn, ở miền Bắc, đã có nhiều dịch giả chuyển ngữ bộ sách này sang tiếng Việt; như các ông Hoàng Thiếu Sơn, Trường Xuyên, Cao Xuân Hạo… (4)
Ông Lá Bối, một đời bị "sách… ám?"
Nhớ lại những ngày đầu, khi quyết định sẽ in bộ tiểu thuyết nổi tiếng thế giới “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy, thầy Từ Mẫn kể, đại ý:
Khi hay tin Lá Bối sẽ in” Chiến Tranh Và Hòa Bình,” bản dịch của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn Trần Phong Giao (5), đã nói với ông Từ Mẫn rằng:
“Ngay cả khi có tiền tôi cũng sẽ không in ‘Chiến Tranh Và Hòa Bình’...”
Thầy Từ Mẫn nói, nhà văn Trần Phong Giao đâu biết, khi tiếp nhận nhà Lá Bối từ tay thầy Thanh Tuệ thì, đó là lúc tình hình tài chánh của Lá Bối đang rơi vào vòng xoáy khó khăn nhất. Nhưng vì:
“Chính tôi cũng muốn được đọc bộ tiểu thuyết này bằng tiếng Việt, nên tôi đã phải nhờ tới sự tiếp tay, vay mượn (không có lời) của một số học trò thầy Nhất Hạnh, những người đã ra trường và thành đạt…” Thầy Từ Mẫn tâm sự.
Trả lời câu hỏi duyên-khởi của việc dịch giả Nguyễn Hiến Lê (6) nhận dịch bộ tiểu thuyết và sự nhận lời in của nhà Lá Bối, người kế tục sự nghiệp xuất bản sách của nhà Lá Bối cho biết: Ông tình cờ đọc được một bài viết của học giả họ Nguyễn trên một tờ nguyệt san xuất bản ở Saigon mà bây giờ ông không nhớ tên, kể rằng, họ Nguyễn từng ngỏ ý với hai nhà xuất bản lớn nhất miền Nam thời đó là nhà sách Khai Trí và nhà xuất bản Sống Mới, về việc ông sẽ dịch bộ “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Tolstoy nếu họ nhận in… Tiếc thay cả Khai Trí lẫn Sống Mới đều im lặng.
Thầy Từ Mẫn nhấn mạnh, ông nghĩ Nhà Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương (7) dù muốn cũng không thể nhận in vì số bản thảo ông ấy đã mua, ối đọng trong kho quá nhiều, không biết tới năm nào mới có thể in cho hết. Nhưng nhà Sống Mới thì ông không hiểu lý do. Chỉ biết, chính vì hai nhà xuất bản lớn kể trên từ chối mà, ông mới có cơ hội nhận in bộ truyện dịch giá trị này.
Tưởng cũng nên nói thêm rằng, ông… “Lá Bối” không hề quen biết dịch giả Nguyễn Hiến Lê trước đó. Và, ông cũng không muốn nhờ ai giới thiệu.
Nên, một buổi sáng, ông tự tìm tới nhà riêng của họ Nguyễn, ở đường Kỳ Đồng. Người bạn đời của dịch giả ra mở cửa hỏi ông là ai? Cần gặp ông Lê cho việc gì? Ông “Lá Bối” nói, mang ít sách tặng ông Lê và nói chuyện về việc dịch bộ truyện “Chiến Tranh Và Hòa Bình.” Bà mời ông trở lại vào buổi sáng hôm sau.
Đúng hẹn, ông trở lại. Lần này, ông được họ Lê tiếp đón trong tinh thần tương kính giữa nhà xuất bản và, dịch giả…
Dù ông Nguyễn Hiến Lê, nói rõ, để hoàn tất việc chuyển ngữ, ông cần ít nhất một năm rưỡi. Tuy nhiên, thực tế, vẫn theo lời của thầy Từ Mẫn thì, chỉ sau một năm thôi, ông đã nhận được bản dịch bộ truyện “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê.
Có trong tay toàn bộ bản dịch “Chiến Tranh Và Hòa Bình,” với ông “Lá Bối” đã là một hạnh phúc. Ông còn cảm thấy hạnh phúc hơn nữa, khi biết dịch giả tuy dịch theo bản Pháp ngữ, nhưng có những đoạn cần kiểm chứng thì ông ấy dùng bản Anh ngữ, để so sánh. Điều này cho thấy họ Nguyễn rất trân trọng với tác phẩm vĩ đại “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Lev Tolstoy.
Phần thưởng lớn, bất ngờ mà ông “Lá Bối” nhận được là chỉ một thời gian sau, “Chiến Tranh Và Hòa Bình” đã được tái bản…
Sư kiện này như một thứ thuốc bồi giúp nhà Lá Bối tự tin, hăng hái với những tác phẩm lớn hoặc khó “nuốt” như bộ “Sử Ký Tư Mã Thiên” mà Lá Bối chọn để xuất bản sau đó.
Dịch giả của bộ “Sử Ký Tư Mã Thiên” vẫn là học giả Nguyễn Hiến Lê. Họ Nguyễn biết rằng, trước ông, nhà văn Nhượng Tống thời tiền chiến đã làm công việc chuyển ngữ. Nhưng khác hơn dịch giả Nhượng Tống, dịch giả Nguyễn Hiến Lê sẽ dịch những chương, đoạn trong bộ “Sử Ký” mà ông Nhượng Tống loại bỏ và, ngược lại, ông cũng sẽ lược bỏ một vài chương, đoạn mà nhà văn Nhượng Tống đã chọn dịch. Nói cách khác, tổng quát thì phần lớn nội dung tác phẩm được hai dịch giả chọn để chuyển ngữ, giống nhau, chỉ có một đôi chỗ khác nhau mà thôi, ông Lá Bối nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi trong suốt thời gian điều hành nhà Lá Bối, với khoảng trên, dưới 150 đầu sách đủ loại, đa phần kén người đọc, có cuốn sách nào khi in ra bị lỗ không? Thì ông Từ Mẫn cho biết, hầu như cuốn nào cũng có lời. Kể cả những cuốn bán không hết. Và, dù là loại sách gì thì số lượng mỗi cuốn ngay lần in thứ nhất, ở Lá Bối, căn bản vẫn là năm ngàn (5,000) ấn bản.
Về tác quyền dành cho các tác giả (trừ thượng tọa Nhất Hạnh không lấy) thì, theo ấn định của chính thầy Nhất Hạnh: Tác quyền được tính theo nguyên tắc 10% trên giá bán, trên số in; không phân biệt tên tác giả.
Thầy Từ Mẫn nói thêm:
“Tuy có lời, nhưng không bao giờ Lá Bối có dư tiền vì, tất cả tiền lời có được đều được đắp đỗi cho việc in những tác phẩm kế tiếp…”
Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn độc giả, những người có lòng tin cậy, cho Lá Bối vay tiền làm sách, không lấy lời… Luôn cả những người tiếp tay một cách cụ thể về phương diện đại diện phát hành mà, không nhận một đồng thù lao, như trường hợp nhà thơ Thành Tôn…
Ông Thành Tôn đã nhận đại diện cho nhà Lá Bối nhiều năm ở miền Trung. Đó là nơi có số lượng tiêu thụ sách cao nhất tính chung cả miền Nam, như thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam.
Nhà thơ Thành Tôn nói, ông cộng tác với tạp chí “Giữ Thơm Quê Mẹ” của Thượng tọa Thích Nhất Hạnh, tự những số đầu tiên của tờ báo này. Nên khi nhận được đề nghị của thầy Thanh Tuệ, nhờ tiếp tay với Lá Bối, ông đã nhận lời…
Hoặc những độc giả trung thành như ông Lê Phú Giáp thời còn là sinh viên, hiện cư ngụ tại quận hạt Orange County, cho biết, ngay tự những ngày đầu của Lá Bối, ông đã luôn tìm tới địa chỉ gốc của nhà xuất bản, để được bớt tới 40% mỗi đầu sách, dù mua bao nhiêu cuốn…
Trước tấm lòng quên mình, ăn ở, sống chết với sách, có người đã không ngần ngại nói rằng:
“Nếu có người một đời bị quỷ… ám thì, cũng có người một đời bị sách… ám. Trong số những người này, có thầy Từ Mẫn…”
Tiền đâu để ông Võ Thắng Tiết làm nhà xuất Văn Nghệ?
Tháng Mười Hai, 1979, khi vượt biên lần thứ 8, thành công, tới Mỹ nhờ sự giới thiệu của chị Liên, cũng ở trong giới làm sách, ông Võ Thắng Tiết hiểu rằng, ông sẽ phải đoạn tuyệt vĩnh viễn pháp danh Từ Mẫn mà ông thầy của ông đã ban cho, tự ngày còn rất nhỏ. Ông nói, ông những tưởng sẽ được sống với cái tên Từ Mẫn cho đến ngày chết! Ai ngờ…! Đó là lúc, là lần ông thấm thía vô cùng lẽ… “vô thường” của đạo Phật!
Tới Hoa Kỳ, Tháng Bảy, 1980, ông Tiết được người bảo trợ đón về, ở thành phố Los Angeles. Thời gian ấy, ông kể, những thuyền nhân, tỵ nạn tới Mỹ đều được hưởng 18 tháng học Anh ngữ. Tuy nhiên, ông không học được bao nhiêu vì tính mau quên. Sau thời gian này, ông Tiết di chuyển về thành phố Seattle, tiểu bang Washington, khi nhận được thư của vợ chồng người bạn, từng có thời gian dài ở chung với ông tại trại tỵ nạn. Thư mời ông qua Seattle ở cùng với họ và, họ sẽ lo tất cả mọi nhu cầu căn bản cho ông, như phòng ốc, ăn uống, học hành… Nhất là ông sẽ có cơ hội cập nhật tin tức xin đi làm việc cho các tàu đánh cá ở Alaska. Cực thì có cực, nhưng lương rất cao…
Di chuyển qua thành phố Seattle, ông Tiết lại có 18 tháng học Anh văn. Vài tháng sau khi hết thời gian “cắp sách tới trường,” vào khoảng Tháng Ba, 1984, công ty chuyên làm về tôm, cá cử người về Seattle, phỏng vấn những người muốn đi Alaska. Ông Tiết được phỏng vấn bởi một người Mỹ, có vợ Việt Nam, nên biết rõ bản chất người Việt Nam siêng năng, cần mẫn và họ đã tuyển ông. Đi Alaska, sống hoàn toàn trên tàu được gần một năm, thì ông Tiết xin nghỉ, trở vào đất liền. Ông kể, tiểu bang Alaska, có nguyên tắc, bất cứ ai tới Alaska làm việc, thì cuối năm sẽ được sở Xã Hội Alaska, thưởng tiền. Từ 1,000 tới 3,000$. Năm ông Tiết ở Alaska, mỗi người chỉ được tặng 1,000$.
Về lại đất liền với số tiền dành giụm được là 8,500$, khi chưa biết làm gì, thì trong một dịp về lại Cali, đến thăm ông Võ Phiến, ông được ông Võ Phiến khuyến khích nên trở lại “nghiệp” xuất bản.
Ông Tiết kể, ông Võ Phiến nói rằng, nếu chờ cho đến khi có đủ tiền rồi mới làm xuất bản thì biết đến bao giờ? Và biết thế nào là đủ? Làm ăn nghiêm chỉnh như Lá Bối trước đây, nếu thiếu tiền, mình vẫn có thể mượn tạm đâu đó cơ mà.
“Việc có một nhà xuất bản ở hải ngoại, rất cần cho người viết, cũ cũng như mới. Tôi có thể bỏ tiền in một cuốn truyện hay tùy bút… Nhưng rồi làm sao phát hành? Đại lý đâu? Chưa kể, làm sao thâu lại vốn một khi các đại lý không muốn thanh toán cho mình?” Nhà văn Võ Phiến đặt vấn đề với người đứng đầu nhà Lá Bối, Saigon cũ.
Với sự khuyến khích của tác giả “Mưa Đêm Cuối Năm,” cộng thêm sự tán đồng của các ông Lê Tất Điều và Nguyễn Mộng Giác, ông Võ Thắng Tiết quyết định trở lại với nghiệp làm sách của mình. Ông chọn share phòng với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, tiếp tay với ông Giác trong việc đóng gói, vào bao thư và đi gửi bưu điện tờ Văn Học của ông Giác.
Giải thích về việc tại sao không giữ lại tên Lá Bối mà lại chọn “Văn Nghệ?” Họ Võ giải thích, trước hết cùng với sự đổi đời của miền Nam, ông không thấy việc dùng lại “Lá Bối” thích hợp với tình cảnh tỵ nạn, lưu vong ở hải ngoại nữa! Thứ đến, ông nghĩ ông đã chôn dưới biển sâu, hai chữ “Từ Mẫn…!"
“Tôi nghĩ ở hoàn cảnh mới, giai đoạn mới, nên chọn một cái tên mới thì thích hợp hơn”, ông Tiết bộc bạch.
Vẫn theo ông Tiết thì lý do chọn hai chữ “Văn Nghệ,” xuất xứ từ tờ “Văn Học Nghệ Thuật” của hai ông Võ Phiến và Lê Tất Điều, xuất bản 1978 tại miền Nam Cali. Sau đấy, khi tờ báo được chuyển giao cho ông Nguyễn Mộng Giác quản trị thì, ông Giác đã đổi tên thành tờ “Văn Học.” Phần cá nhân mình, ông Tiết chọn 2 chữ “Văn Nghệ,” cho nhà XB của ông.
Họ Võ kể, theo trí nhớ ngày càng suy giảm của ông thì, cuốn sách đầu tiên nhà Văn Nghệ in ra, là cuốn hồi ký “Đời Viết Văn Của Tôi” của nhà văn Nguyễn Hiến Lê. (8) Cuốn Hồi Ký được nhiều độc giả đón nhận, nên ông đã phải cho tái bản, mặc dù có một vài nhà XB khác, hoặc các trang mạng đã tự tiện copy, in lại “Đời Viết Văn Của Tôi” mà không hỏi qua hay thông báo cho nhà Văn Nghệ biết!!! Những người này đã vi phạm bản quyền trí tuệ của tác giả và nhà xuất bản.
“Nhưng cuốn Hồi ký bán chạy ở mức độ kỷ lục, phải kể tới cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày” của tác giả Vũ Thư Hiên”. Họ Võ nói. (9)
Ông cho biết thêm, đầu năm 1997, trước khi nhận xuất bản hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày,” ông không hề biết nhà văn Vũ Thư Hiên. Ông cũng không có chút ý niệm gì về nhà văn miền Bắc kia, vốn là một trong những nạn nhân của vụ án “xét lại chống đảng” của chính quyền Cộng sản vào năm 1966, do các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ chủ trương. (10) Tuy nhiên sau khi thăm dò ý kiến một số thân hữu, nhà văn, cũng như mấy người làm chính trị, ông Tiết đã nhận lời xuất bản cuốn hồi ký dày 7, 8 trăm trang này.
Ông nói, không nhớ ông đã nhận được bản thảo cuốn hồi ký từ nơi ông Vũ Thư Hiên hay, một người bạn nào đó, thay mặt ông Hiên gửi tới.
Dù không nhớ rõ khởi tự duyên nghiệp nào mà ông đã in “Đêm Giữa Ban Ngày?" Nhưng ông nhớ, ông bị bất ngờ, tới ngỡ ngàng vì chỉ 15 ngày sau khi phát hành, ông Tiết đã phải cho tái bản cuốn hồi ký ấy. Ông nói, có điều đáng kể nữa là bản in đầu tiên, nhà in vẫn còn giữ chưa xóa, nên tác phẩm đã được tái bản chóng vánh, giảm nhiều tốn kém vật chất.
“Nó như một phép lạ, chưa từng xẩy ra ở hải ngoại cũng như trước đây, ở trong nước,” chủ nhân nhà xuất bản Văn Nghệ ở hải ngoại nhấn mạnh.
Ông Võ Thắng Tiết sẽ được nhớ, như một tên tuổi lớn ngành xuất bản
Như đã nói, nhà xuất bản Văn Nghệ chính thức ra đời vào năm 1997, khởi đầu, với hồi ký “Đời Viết Văn Của Tôi” của Nguyễn Hiến Lê, và sau đó là hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên.
Trước khi nhà Văn Nghệ của ông Từ Mẫn/ Võ Thắng Tiết xuất hiện trên thị trường xuất sản sách ở hải ngoại thì, lãnh vực này đã có sự hiện diện “hoành tráng” của hai nhà xuất bản Xuân Thu của ông Danh và, Đại Nam của ông Tùng, chưa kể những nhà xuất bản khác, như nhà Văn Hóa ở Houston, Làng Văn (cũng là tên của tạp chí Làng Văn) ở Canada, Nam Á, ở Paris…
Lại nữa, cộng đồng Việt ở riêng miền nam Cali không thôi, cũng đã có những tiệm bán sách báo nổi tiếng như Tú Quỳnh, Tự Lực, Quê Mẹ, Thăng Long, Văn Khoa, rồi Văn Bút v.v…
Ông Văn Nghệ cho biết, tuy ở cả hai lãnh vực xuất bản và mở tiệm bán lẻ sách báo, có phần chậm trễ hơn các đồng nghiệp khác, nhưng chẳng những ông không thấy có một bất ổn hay, kém vui nào với những người cùng nghề mà, trái lại…
Lý giải sự kiện này, họ Võ nói, về phương diện xuất bản sách, thì nhà Văn Nghệ chủ trương tích cực trong việc trao đổi sách với các nhà xuất bản bạn.
Ông kể, hầu như nhà xuất bản nào cũng vui vẻ trao đổi sách với ông. Chỉ duy nhà xuất bản Xuân Thu của ông Danh là không. Họ Võ không hiểu lý do nào khiến ông Danh chỉ đặt mua sách của nhà Văn Nghệ mà không trao đổi? (11).
Thêm một khía cạnh tích cực khác nữa là, tiệm sách bán lẻ của Văn Nghệ cũng lặng lẽ tiếp tay với một số tác giả, tuy chỉ gửi sách cho Văn Nghệ nhờ bán… Nhưng Văn Nghệ vẫn tự động gửi sách của họ cho các đại lý của Văn Nghệ, giống như Văn Nghệ đã phát hành giúp những tác giả đó vậy.
Về phần thất thoát, tức các đại lý không thanh toán tiền sách cho Văn Nghệ, theo ông Tiết, có nhiều lý do; nhưng cũng rất thấp. Chỉ khoảng 20 tới 25% mà thôi. (12)
Tuy nhiên, ngược lại cũng có những nhà sách ở các tiểu bang xa, rất tự trọng, đáng ca ngợi. Một trong những nhà sách chưa bao giờ chậm thanh toán tiền cho Văn Nghệ sau khi nhận được sách, tới nay, ông Tiết vẫn còn nhớ, là nhà sách của một cặp vợ chồng trẻ, tên Thiên Nga ở Houston, Texas. (13)
Nhân đề cập tới cơ sở xuất bản và tiệm bán sách lẻ ở miền nam Cali, họ Võ cho biết, trong thời gian hơn mười năm trở lại với đam mê xuất bản sách ở xứ người, có một lần và, đó là lần duy nhất, không do tác giả tự gửi bản thảo đến cho Văn Nghệ mà, chính ông Tiết đã đi tìm tác giả, để đề nghị xuất bản tác phẩm…
Ông kể, là người ham đọc sách, nên khoảng đầu thập niên 2000, khi tình cờ đọc được một tờ báo xuất bản ở Canada. Trong số báo đó, có bản dịch từng kỳ cuốn “Tự Do Trong Lưu Đầy,” tự truyện của Đức Lạt Mai Lạt Ma của một dịch giả xa lạ với ông. Thấy hay, ông Tiết tìm cách đọc thêm nhiều số báo nữa.
Càng đọc, càng thấy đó là cuốn sách mà Văn Nghệ nên ấn hành. Cuối cùng ông quyết định liên lạc với tòa báo, xin địa chỉ dịch giả…
Khi liên lạc được với dịch giả, ông Văn Nghệ mới vỡ nhẽ rằng, dịch giả ấy chính là bà Chân Huyền; bút danh của dược sĩ Hà Thị Dương Quyên; ở Montreal, Canada; vốn là chỗ thân tình với ông Văn Nghệ tự những ngày ở Saigon. (14)
Được biết, tác phẩm cuối cùng của nhà Văn Nghệ, trước khi ông Võ Thắng Tiết phải từ giã niềm đam mê sách hay, sách đẹp một đời của mình là năm 2003, khi ông in bộ “Sử Trung Quốc,” bản dịch Nguyễn Hiến Lê. (15)
Theo nhà báo Trần Xuân Thành thì, cũng thời gian này, họ Võ nhận được lời yêu cầu có tính cách khẩn khoản của ông Nguyễn Minh Cần ở Mạc Tư Khoa, nhờ ông ấn hành tuyển tập truyện-thơ của nhà văn Phùng Cung. (16) Vì đấy là bản thảo tâm huyết cuối cùng của Phùng Cung và, chính quyền Hà Nội dứt khoát không cho phổ biến…
Trước sự quá tha thiết của ông Nguyễn Minh Cần, đối với người bạn văn quá cố của mình, cuối cùng nhà Văn Nghệ cũng đã nhận ấn hành tuyển tập Truyện - Thơ Phùng Cung, một tác giả thời Nhân Văn Giai Phẩm, ở Hà Nội… (17)
Tuy gần như không bao giờ nói về đời mình, nhưng trong một bài viết đã lâu của nhà báo Trần Xuân Thành ở miền nam Cali, người từng có giao tình với ông Từ Mẫn/ Võ Thắng Tiết, từ những năm 1960, cho biết: Ông Võ Thắng Tiết được cha mẹ gửi vào chùa, cho đi tu từ năm ông mới 13 tuổi. Nhà báo Trần Xuân Thành kể:
“Trước khi đi tu, ông (Võ Thắng Tiết) đi chăn trâu vì lúc ấy Nhật bỏ bom làm tan nát cả trường Thạnh Mỹ Lợi ở Giồng Ông Tố, Gia Định nên không có trường học. Ông là con trai duy nhất trong nhà còn có 3 chị em gái. Một hôm đang chăn trâu, thân sinh của ông ra gọi ông về gửi lên chùa tu. Thế là ông đi tu, pháp danh là Từ Mẫn (…)
“Từ trước đến nay, thầy Từ Mẫn là một người ham mê đọc sách. Hồi còn nhỏ thầy mê đọc sách của nhà văn Nguyễn Vỹ chỉ vì thầy chỉ có sách của nhà văn này mà thôi. Sau này nhà văn Vũ Khắc Khoan lên tiếng chê Nguyễn Vỹ trong một bài báo, thầy Từ Mẫn lúc ấy bắt đầu nhìn ra được chân trời sách vở. Và từ đó thầy vừa yêu kinh vừa mê sách…” (Theo sưu tập “Một Đời Mê Sách” của Thành Tôn.
Cuộc chia tay 10 năm xuất bản sách ở xứ người với hơn 250 tựa sách giá trị của người làm văn hóa Võ Thắng Tiết, theo tôi là cuộc chia tay của một tình yêu hay, một “hôn nhân” không “đầm ấm”!
Ông cho biết, để dẹp kho sách của mình, ông đã phải thuê 1 chiếc xe 7 chỗ (chỉ có ghế ngồi dành cho tài xế), chất đầy sách, chở nhiều chuyến đi bán… “ve chai.”
“Mỗi xe sách cũ như vậy, họ trả tôi 20$/ 1xe, tương tương với khoảng 5 xu cho 1 cuốn sách.” Ông Văn Nghệ nói, giọng bình thản…(?)
Nhưng, tôi tin, rồi đây, các thế hệ sau tôi, sẽ có thêm rất nhiều người đem lòng biết ơn sự cống hiến quý báu, một đời (từ thời trước Tháng Tư, 1975) của ông Từ Mẫn/ Võ Thắng Tiết cho văn học.
Tôi muốn nói, dù với tên gọi nào, Võ Thắng Tiết hay Từ Mẫn thì tên tuổi ông cũng đã thuộc về phía rực rỡ nhất, trong lãnh vực xuất bản sách, của Việt Nam, nói chung.
(Garden Grove, Mar. 2018)
DU TỬ LÊ
( 1942- 2019 )
_______
Chú Thích:
(1) Theo thầy Từ Mẫn thì tại khu Rừng Lá, trên đường từ Saigon, Xuân Lộc đi Phan Thiết trước đây, có rất nhiều cây loại cây có lá to, từng được dùng để chép kinh, tên là cây cọ…
(2) Cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, nhà xuất bản Nam Á ở Paris, in lại Tuyển tập này;chẳng những không xin phép mà còn tự động thêm 2 tác giả, không có tên trong nguyên bản nữa!.!
(3) Theo trang mạng Bách Khoa Toàn Thư, Wikipedia thì: Trần Cao Lĩnh sinh năm 1925 tại Nam Định, ông là nhiếp ảnh gia tiền phong của miền Nam, chuyên về ảnh nghệ thuật đen trắng và kỹ thuật phòng tối. Trần Cao Lĩnh đã xuất bản 4 tuyển tập ảnh; nhiều lần thuyết trình và viết bài về kỹ thuật nhiếp ảnh. Ông di cư sang Mỹ năm 1980. Trần cao Lĩnh đã triển lãm và được nhiều giải thưởng quốc tế từ London, Torronto, Paris, đến Montreal, NewYork, Washington... Ông từ trần ngày 29 tháng 8 năm 1989 tại miền bắc, tiểu bang California.
(4) Tiểu thuyết “Chiến Tranh Và Hòa Bình” được Lev Tolstoy khởi thảo vào năm 1863 và gửi in tại nhà Russki Vestnik từ năm 1865 đến năm 1869 thì hoàn thành, không kể nhiều năm tiếp theo liên tục được chính tác giả sửa chữa trong các lần tái bản. Người ta thống kê được chừng 10 ngàn bản nháp mà Lev Tolstoy, dùng để sửa chữa tác phẩm của mình. Nhan đề của nguyên tác là “Війна и мі,” trong đó, “Мір” của văn phạm Nga thế kỷ XIX có nghĩa là “dân sự.” Sang đến thập niên 1930 khi chính quyền Soviet quyết định ấn hành tất cả trứ tác của Lev Tolstoy, nhan đề và nội dung đã được sửa lại theo văn phạm cách tân. Những bản in hiện đại bị nhiều học giả chỉ trích là không thể truyền tải nguyên vẹn ý tưởng của tác giả. “Chiến Tranh Và Hòa Bình” được liệt vào hàng danh tác các ấn phẩm thuộc trào lưu lãng mạn Nga thế kỷ XIX. (Nguồn Wikipedia-Mở)
(5) Theo trang mạng Wikipedia thì, nhà văn Trần Phong Giao Trần Phong Giao (1932-2005) tên thật: Trần Đình Tĩnh, sinh tại Nam Định, bút hiệu: Trần Phong, Thư Trung, Mõ Làng Văn. Ngoài tư cách nhà văn, ông còn là một dịch giả uy tín ở miền Nam. Năm 1954, di cư vào Nam, từ 1960 tới 1963, ông làm thư ký tòa soạn báo Tin sách do Trung tâm Văn Bút Việt Nam chủ trương. Thời gian này, ông cũng bắt đầu dịch một số tác phẩm văn chương, triết học của các nhà văn nổi tiếng thế giới, như Albert Camus, Jean-Paul Sartre, Paul Gallico…Cuối năm 1963, ông làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn. Năm 1971, thôi tạp chí Văn, ông lập nhà xuất bản và, tạp chí Giao Điểm, rồi Chính Văn; nhưng không thành công... Cuối cùng ông trở lại công việc dịch sách và làm quản thủ thư viện Đại Học Cửu Long cho tới ngày 30 ThángTư, 1975. Ông mất tại Saigon ngày ngày 13 Tháng Tư, 2005, hưởng thọ 73 tuổi.
(6) Học giả Nguyễn Hiến Lê 1912-1984, là một nhà văn, dịch giả độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, tính tới ngày từ trần. Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội, được bổ làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1952, ông bỏ nghề công chánh, về Saigon, mở nhà xuất bản, dịch sách, sáng tác và, viết báo. Những năm trước cũng như sau1975, Nguyễn Hiến Lê là một cây bút được tiếng làm việc miệt mài nghiêm túc và, là một nhân cách lớn. Ông mất ngày 22 Tháng Mười Hai, 1984 tại bệnh viện An Bình, Chợ Lớn, Saigon, hưởng thọ 72 tuổi.
(7) Ông Nguyễn Văn Trương (bút hiệu Nguyễn Hùng Trương) nhưng mọi người vẫn quen gọi là ông Khai Trí, sinh năm 1926 tại Thủ Đức. Thuở nhỏ, ông thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho để mua báo đọc… Nhờ cố gắng làm việc không mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952 ông có đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại 62 đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi), đặt tên là Nhà sách Khai Trí (sau 1975 là Nhà sách Sài Gòn). Đây là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không bị ai làm phiền… Ông Khai Trí cũng đầu tư trong lãnh vực xuất bản tất cả các loại sách, nhiều nhất là tự điển… Cùng nhà văn Nhật Tiến, ông xuất bản Tuần báo Thiếu Nhi và là soạn giả của nhiều đầu sách giá trị. Ông mất tại Saigon ngày 11 Tháng Ba, 2005, thọ 80 tuổi. (Nguồn Diễn Đàn Sách Xưa - Wikipedia – Mở)
(8) Nhà thơ Thành Tôn cho biết, sinh thời sau khi hoàn tất tác phẩm “Đời Viết Văn Của Tôi,” từ bản chính viết tay, tác giả Nguyễn Hiến Lê đã copy thêm 2 bản nữa. Một bản giao cho người con trai của tác giả ở Pháp và, bản còn lại, giao cho ông Võ Thắng Tiết, kèm giấy ủy thác bản quyền cho họ Võ.
(9) Năm 1993, Vũ Thư Hiên qua Nga với tư cách phiên dịch cho công ty xuất nhập khẩu Vũng Tàu-Côn Đảo Vieco (hợp tác với tổ hợp Minh Phụng) rồi ở lại làm đại diện cho công ty ở Moskva. Tại đây ông bắt đầu viết hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” về chín năm bị giam cầm, trong đó ông muốn chia sẻ với người đọc những điều suy ngẫm về mô hình nhà nước chuyên chính vô sản.
Cuối năm 1995, sau một vụ tấn công mà ông cho là của mật vụ VN, lấy mất của ông bản thảo hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày,” ông thấy không thể ở Moskva lâu hơn nữa, nên tìm cách qua Ba Lan. Đến cuối năm 1996, ông khởi viết trở lại “Đêm Giữa Ban Ngày.” Nhưng sau một chuyến đi Paris, trở lại Ba Lan, ông được mật báo về tình hình nguy hiểm có thể xảy ra cho ông nếu nấn ná ở lại nước này để hoàn thành cuốn hồi ký... Ông quyết định qua tỵ nạn tại Pháp. Tại đây, ông đã hoàn thành tập hồi ký mà ông gọi là “Hồi Ký Chính Trị Của Một Người Không Làm Chính Trị”. (Nguồn Wikipedia – Mở)
(10) Từ năm 1967 đến 1976, trong Vụ Án Xét Lại Chống Đảng, ông bị chính quyền CS Hà Nội bí mật bắt và giam giữ sau khi đã bắt cha ông (Vũ Đình Huỳnh) 2 tháng trước đó. Công an chìm bắt giữ ông lên ô tô, đưa thẳng vào nhà tù Hỏa Lò, trong lúc ông đang đạp xe trên phố Hà Nội. Mãi về sau gia đình ông mới hay tin. Ông bị giam 9 năm, biệt giam trong xà lim cá nhân 4 năm rưỡi, và trải qua các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt (Sơn Tây), Tân Lập (Phú Thọ), Phong Quang (Hoàng Liên Sơn). Năm 1976, chính quyền thả ông ra, không kêu án cũng như không xét xử. Nhưng vẫn bị quản thúc bằng lệnh miệng của chính quyền, mãi cho tới mùa thu năm 1980 ông mới được phép vào Nam (…) Vũ Thư Hiên từng sống ở Strassbourg (Pháp) 1 năm, Bern (Thuỵ Sĩ) 1 năm, Đức 2 năm (2000-2001) sau khi đến Pháp theo lời mời của International Parliament of Writers, German PEN Club và Uỷ ban Nhân quyền thành phố Nuremberg. Hiện ông cư ngụ tại Paris, Pháp Quốc. (Nguồn Wikipedia – Mở)
(11) Theo lý giải của một nhân vật trong ngành xuất bản thì, lý do sâu xa khiến nhà Xuân Thu không muốn trao đổi sách với nhà Văn Nghệ, có thể bởi đa số sách do Xuân Thu ấn hành là sách in tại Saigòn trước tháng 4-1975. Nhà XT chẳng những trả tác quyền cho các tác giả hay thân nhân đại diện cho các tác giả; cũng không cho sắp chữ mới mà, chỉ copy từ bản in cũ… Do đấy, gía bán một cuốn sách do XT ấn hành thường thấp hơn giá thị trường. Nếu trao đổi sách với Văn Nghệ, Xuân Thu sẽ bị nhiều thiệt thòi (?)
(12) Theo ông Võ Thắng Tiết thì, lý do những đại lý không thanh toán tiền sách cho Văn Nghệ vì họ sang tiệm mà, chủ mới không chịu trách nhiệm sách cũ; hoặc chủ tiệm phải lặng lẽ đóng cửa vì lỗ lã, không đủ sở hụi…
(13) Nhà sách Thiên Nga, địa chỉ 2929 A Milam Street, Houston, Texas, 77006. Tel.: (713) 520-8013.
(14) Ông Văn Nghệ cho biết, dịch giả là bà Chân Huyền, Chân Văn nhuận sắc. Tưởng cũng nên nói thêm: Bà Chân Huyền, hiền thê của nhà thơ Đỗ Quý Toàn. Ông bà hiện cư ngụ tại Orange County.
(15) Như vậy, cuốn sách khởi đầu cũng như khi khép lại hoạt động của nhà Văn Nghệ ở hải ngoại đều là sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê, một trong những tác giả có sách bán chạy nhất. Về tác giả trẻ cũng có sách bán chạy, theo tiết lộ của ông Văn Nghệ là nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, ở Úc Châu.
(16) Nhà văn Phùng Cung, sinh năm 1928, mất năm 1997 tại Hà Nội. Ông là thành viên của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm (1955-1957). Nổi tiếng với truyện ngắn “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh” và truyện ngắn “Dạ Ký…” Ngụ ý đả kích những văn nghệ sĩ bẻ cong ngòi bút, không dám nói thật tiếng nói của mình, bị lưu đày trong cõi tung hô... Vì thế, ông bị chính quyền Hà Nội bị bắt giam 12 năm trong các nhà tù Hỏa Lò, Bất Bạt Yên Bái, Phong Quang... Mãi tới năm 1973, ông mới được phóng thích, dù vẫn bị quản thúc và theo dõi. Sau khi được phóng thích, ông sinh sống bằng nghề làm đinh và vẫn âm thầm làm thơ. Tập thơ "Xem Đêm" của ông được nhà nước CSVN cho phép xuất bản vào năm 1995… (Nguồn Wikipedia-Mở)
(17) Theo nhà văn Thụy Khuê thì tuyển tập thơ văn Phùng Cung, do bà Lâm Thu Vân ở Canada tập hợp những sáng tác của Phùng Cung chưa bao giờ được xuất bản. Trong số này có truyện ngắn “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh” đăng trong Nhân Văn số 4, ngày 5 Tháng Mười Một, 1956 và 35 bài thơ trong tập “Trăng Ngục" viết từ năm 1961 tới 1972 tại những trại biệt giam mà họ Phùng đã trải qua…(Nđd).
===========
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 15:29 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ