Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

đọc thêm (1) : " phỏng vấn NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH " / Lê Thị Huệ ( Mỹ ) -- source; www.gio-o.com>

 

Mười Năm 2001 – 2011

 

phỏng vấn
Nguyễn Thị Khánh Minh
tiếng thơ nữ
đương đại &
vượt trội

thực hiện: Lê Thị Huệ

 

 

Lê Thị Huệ:  Chào nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, hình như bạn viết nhiều thể loại. Đã từng soạn tự điển nữa. Bạn có thể cho độc giả Gió O biết các sinh hoạt trí thức của bạn?

Nguyễn Thị Khánh Minh: Thân chào Nhà Thơ Lê Thị Huệ. Sinh hoạt trí thức, làm tôi hơi bối rối. Thật ra, đúng, để phân biệt những sinh hoạt linh tinh khác, nhưng riêng tôi, ngoài những việc làm để duy trì cuộc sống, tôi chỉ miệt mài với Thơ, chỉ Thơ, đối với tôi đó là sinh hoạt tâm linh và tôi chỉ thật sự tồn tại để được là mình trong những giây phút ấy, đến lúc nào thời lượng đó càng nhiều thì tôi càng nhận ra ý nghĩa của sự tồn tại.


Để trả lời câu hỏi, tôi muốn nói đến việc tôi soạn tự điển (chung với ba tôi,) vào thời gian tôi gặp rất nhiều khó khăn ở Việt Nam lúc đó (1995) một đầu nậu sách giao cho ba tôi soạn một cuốn tự điển Việt- Anh- Hoa, ba tôi giao cho tôi làm và ông thì lo phần chữ Tầu, tôi mừng húm, vì lúc đó tôi đang bị bệnh về cột sống, đi lại cũng như ngồi rất khó khăn, khi soạn cuốn tự điển này tôi vẫn thường xuyên phải nằm để viết tay, lúc đó không có computer, laptop gì cả, bị bệnh mà có việc để làm, không thấy mình vô tích sự, vừa có tiền nữa, bạn ạ, hạnh phúc không phải là cái gì cao siêu khó kiếm. Từ đó đẩy đưa tôi đến những công việc như thế, soạn những tập Danh Ngôn song ngữ… tôi hài lòng, cái, lấy ngắn nuôi dài (Thơ,) nhưng tiếc là cơ hội không nhiều. Sao tôi vẫn muốn thố lộ là, cái làm thỏa mãn được những đòi hỏi sâu thẳm tâm linh tôi, là khi tôi viết những bài thơ. Thơ là chuyện dài hơi, một đời, của tôi.


Lê Thị Huệ:  Trước khi định cư ở Hoa Kỳ, bạn sinh hoạt với văn chương với trong nước thế nào ?

Nguyễn Thị Khánh Minh: Tôi tốt nghiệp Cử nhân Luật ở Sài Gòn vào tháng 12 năm 1974. Tháng 4.1975 Sài Gòn thất thủ. Bao nhiêu cái mộng về văn chương của tôi phá sản. Thời đi học tôi thường tự bảo mình để thời gian góp một ít vốn liếng đầu óc, tiền bạc để thực hiện giấc mơ khi tốt nghiệp, tôi đã từng mơ làm một tạp chí riêng về văn thơ, một nhà xuất bản, sẽ đặc biệt hỗ trợ các nhà thơ, nhất là các nhà thơ trẻ, một nhà sách, sẽ để dành ra một nơi trưng bày Thơ cho các tác giả mà không lấy một phần trăm nào trên giá bán cũng như một đồng nào gọi là phí lưu kho, tôi đã mơ như vậy đó, và đùng một cái, tháng 4.1975, giống như con kiến chăm chỉ tha từng miếng ăn về đến tổ thì thấy tổ mình đã tan hoang. Tôi ngơ ngác, đang rất hăm hở cầm một đóa hoa đi đến nơi hẹn, tới nơi thì tàu đã chạy và người yêu đã ra đi. Những ước mơ của tôi cho tới bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy nó chẳng khôi hài tí nào, nhưng bạn tôi có người đã nói thế. Mặc dù có thơ đăng báo từ năm 11 tuổi trên báo Ngàn Khơi (lúc nhà văn Chu Tử bắt đầu ra tờ báo này), tôi đã không đủ nội lực cũng như đam mê để bắt rễ được trong những sinh hoạt văn chương thời trước 1975, mà theo tôi bây giờ tìm đọc lại, thấy đó là thời kỳ thăng hoa cho các sinh hoạt văn học nghệ thuật, thời mà tôi thấy các bậc nhà thơ nhà văn đàn anh có được một không khí để sống cho những lý tưởng văn chương của mình. Họ làm nên một nền văn chương ở miền Nam cho đến 1975, gầy cho nó một chỗ đứng rực rỡ trong văn học Việt Nam.


Duyên để đến với những sinh hoạt văn chương ở trong nước, một quê nhà tôi vừa xa không bao lâu,  không mặn mòi cho lắm, có lẽ do, một phần vì bệnh tật tôi không giao thiệp nhiều, một phần tôi cảm thấy một điều gì đó giống như là lạc lõng trong bầu không khí nhộn nhịp, không phải cái nhộn nhịp long lanh của một cái kính vạn hoa, không phải cái nhộn nhịp biết chừa chỗ cho cái im lặng của không vỗ tay. Vào thời điểm này dù gì cũng đã khác rất nhiều so với thời tôi in tập thơ đầu tiên, hồi đó, 1991, chỉ với câu thơ thế này: “Những bước chân cuồng quay/Gầm lên đòi đất hứa…” đã bị đục bỏ, mà tôi không được giải thích là tại sao. Sinh hoạt văn chương của tôi chỉ là in những tập thơ, lặng lẽ, cũng có thời cộng tác với một số bằng hữu để thực hiện một tạp chí văn chương là tờ Thời Văn, nhưng nó chết yểu.



Lê Thị Huệ:  Nhưng bạn là người đã cọng tác lâu năm với nhiều tập san văn chương hải ngoại, đặc biệt là Tạp Chí Thơ. Ngòai ra bạn còn xuất hiện trên các trang web văn chương hải ngoại  từ những năm 1996, 1997, lúc mà những nhà văn trong nước còn chưa biết đến internet là gì, nếu tôi nhớ không lầm.  Kinh nghiệm "giao lưu" của bạn giữa người sáng tác trong nước và các điễn đàn văn chương hải ngoại lâu năm hơn nhiều tác giả khác trong nước. Có thể nói tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh nổi tiếng với giới cầm bút và bạn đọc ngoài nước hơn trong nước, được chăng?   Bạn có thể nói về kinh nghiệm và cảm tưởng về những gì bạn đã trải qua với nền văn chương Hải Ngoại, với một nền văn chương vượt ngòai tầm kiểm sóat của những "hội nhà văn Việt Nam" trong nước.

Nguyễn Thị Khánh Minh: Cám ơn bạn về một câu hỏi nhỏ trong câu này.


Tôi có mặt trong những trang web ở hải ngoại lúc mà tôi chưa có computer, là do tôi tặng thơ cho các bạn ở hải ngoại và họ đã post bài mình lên. Đó là lý do, khi có thể là tôi tậu ngay một cái, tôi dùng chữ tậu, để bạn biết thời đó mua một cái máy tính nó khó khăn như thế nào. Tôi không nhớ chính xác năm, nhưng cảm giác đọc bài thơ của mình trên một trang ở không gian vô hình như thế, thật là quyến rũ, cảm giác vui sướng, nó hơn nhiều một bài đăng trên báo giấy, từ đó tôi chọn cách này để phổ biến những thơ của mình vì nhanh, và… có nhiều người đọc hơn, đó là cái tham của người viết, và nhất là mình được phổ biến cùng được đọc những thơ văn mà trong nước bị kiểm duyệt. Dĩ nhiên, mới đầu thì không thể phân biệt rõ được đâu là đất lành, nhưng cái gì cũng phải có kinh nghiệm, nó mách bảo nơi nào để tiếng hót mình cất lên. Giờ thì tôi đã có mặt ở Gió-o đây, và một số trang mạng khác, ở đây muốn in sách thật thích, không phải chờ đợi để qua một cơ quan kiểm duyệt nào. Hội Nhà Văn, nếu có, theo tôi là một tập họp của những người cầm bút để trao đổi tri thức sáng tác, giúp đỡ tương trợ nhau trước những bức bách về mọi mặt trong đời sống, chứ không phải để kiểm soát, chỉ đạo hay ban bố đặc ân. Đó là cái may của nền văn chương hải ngoại, cái may đó phải đưa đến sự ra đời những tác phẩm có giá trị, phản ảnh sự thực, tôi luôn tin thế với tâm trạng thắc thỏm của người cầm viết, người đọc.



Lê Thị Huệ:  Hiện nay, nhiều nhà thơ Việt Nam không chú ý đến "nhạc chữ" của câu thơ Việt nữa. Mà hầu như phần lớn, sáng tác như là "nói chữ". Điều này theo tôi, thơ viết dễ, làm cho các tác giả sáng tác nhiều ơi là nhiều, vì "nói chữ" thì dễ hơn là "nhạc chữ". Không phải ai cũng có cái tai thính để nghe ra nhạc chữ. Nói ra như vậy tôi vẫn thấy để có được những bài thơ đọng lại với thời gian, thì dù bất cứ thể loại nào, nếu chúng là thơ, thì thơ ấy sẽ tồn tại. Theo Nguyễn Thị Khánh Minh, một bài thơ hay và đọng lại trong văn chương Việt Nam thì như thế nào ?

Nguyễn Thị Khánh Minh: Bạn có thấy như tôi, có những bài thơ đọng lại trong một thời gian dài, đôi khi là do thói quen tập thể? Thực tình tôi nói xin lỗi trước, bây giờ khi đọc lại những bài thơ được cho là hay, nổi tiếng từ lâu, tôi vẫn tự hỏi hay là mình không thấy được cái hay của nó? Theo ý riêng của tôi, một bài thơ, trước hết nó phải đúng là Thơ cái đã. Mà đúng là Thơ thì phải đáp ứng được cái, tôi cho là tối thiểu, là thẩm mỹ từ của Thơ. Cảm nhận Hay như thế nào? Đọc lên một bài thơ, phải buột miệng nói ngay, Hay! Không một sát na nào cho cái suy nghĩ lắm sự của lý trí. Là do cảm xúc của tác giả, thật, và mạnh mẽ đến nỗi nó “phát quang” đập thẳng vào từng tơ cảm xúc của người đọc để bật ra ngay như phản xạ, lời tán thưởng. Tôi có một kỷ niệm, hồi còn ở nhà, trong một buổi nói chuyện về “Làm Thơ, Đọc Thơ” với một số rất ít các nhà thơ nhiều thế hệ, tôi có nói về cảm nghĩ trên, một nhà thơ đàn anh, sau đó có đưa tôi xem một tập bản thảo của ông và nói, đọc và bài nào nói hay liền thì đánh dấu vào đó. Dĩ nhiên là một cảm giác chủ quan thôi.


Nói đến Nhạc chữ, mỗi một ngôn ngữ có một nhạc riêng của âm. Ngôn ngữ Thơ phải toát được nhạc riêng ấy, điều đó khiến bạn đọc thơ Việt Nam,Thơ của thế giới, nếu bạn không thật rành ngôn ngữ đó bạn không thấy được cái hay trọn vẹn, vì thơ, nó khác văn, đọc lên hiểu được ý rồi phải thấm được cả nhạc của chữ nữa thì mới “đã”. Tôi tôn trọng nhạc trong thơ, điều đó không có nghĩa tôi khư khư cái trầm bổng cũ mèm, tôi cổ súy và trân trọng những thử nghiệm mới trong sáng tác, hay hay dở tồn tại bao lâu, chờ thời gian, có một số nhà thơ gần đây, đã có những khởi xướng về đổi mới Thơ, chỉ mới như viên cuội ném xuống mặt hồ gợn vài vệt nước lăn tăn, vậy mà chưa chi đã có những cái quắc mắt nhướng mày bĩu môi rồi, biết, đó tạo nên không khí của sinh hoạt văn chương, nhưng phải là một không khí lành mạnh trong đó có các nhà phê bình chân chính có trình độ, nhìn xa thấy rộng. Tôi thích đọc những bài thơ, kể cả lục bát, với những cách tân mà không phá đi nhạc tính của thơ, với những thể loại thơ có vần điệu luật lệ hẳn hòi như thế, nhưng nếu có được ý mới, từ mới sẽ tạo ra du dương mới cho Thơ (tôi thích những thơ mới kiểu này, nó không theo cái nghĩ sáo mòn.)


Nói như bạn, không nhiều người có cái tai để nghe ra nhạc chữ, thì đó có phải là một trong những thứ làm nên một bài thơ hay? Ngoài ra tôi xin lập lại, sinh mệnh một bài thơ còn tùy vào, rất quan trọng, ý mới, hình ảnh mới, chữ mới và cả cảm xúc thực của người viết, nó tạo nên cái lực truyền tới người đọc.


Một người bạn hiền của tôi, một thi sĩ, thường hay cùng tôi bàn về vấn đề đúng như bạn đề cập: Nói Chữ. Thật ra, dù là “nói chữ”, đó cũng là một cách “hát chữ” theo kiểu khác, vì đặc trưng của tiếng Việt là đa âm, khi nói cũng tờ tợ như “hát” rồi, huống gì là Thơ. Bạn thấy đấy, Thơ Tự Do vẫn có chất nhạc riêng của nó, tùy theo sở thích và tài năng của từng tác giả. Chính cái âm sắc phong phú đó, thi cảnh của từng chữ biến hóa rất đa dạng, làm cho từng câu thơ đa sắc, đa nghĩa hơn. Tôi không quan trọng hóa về hình thức biểu hiện của một bài thơ, mà chú tâm nhiều về việc khám phá cái đẹp trong âm sắc của những chữ khi nó đứng cạnh nhau, bật ra âm vang, chuyên chở được những tứ muốn diễn đạt. Nhiều khi nẩy ra một ý mới, một tứ mới, nhưng nếu không nhạy cảm, không “khéo tay” trong việc xây dựng cấu trúc cho chữ, cho câu thì mình sẽ bị hụt hẫng, bắt không kịp những ý, những tứ mà mình viết xuống. Chính những điều vừa trình bày trên, khi đọc qua một câu thơ, một đoạn thơ, một bài thơ, âm vang của thơ sẽ “dội” ngay vào tâm thức của mình và để lại ấn tượng. Đây cũng là điều kỳ diệu của Thơ. “Thơ hay” còn tùy theo “gu” của mỗi người nữa. Bạn đừng lo, sáng tác nhiều ơi là nhiều, có vậy càng bật ra cái long lanh của những gì đó rất riêng.

 

 

Lê Thị Huệ:  Bạn nghĩ sao về tình trạng từ chối thơ hiện nay của độc giả Việt Nam. Rất nhiều độc giả Việt Nam giận dữ nói thơ hiện đại dở, không làm cho họ nhớ nhung và đọng lại câu thơ lên miệng như thơ lục bát trước đây. Trong bài viết “Thơ Ơi” tôi nói về cái “Trí Thơ” như một thúc hối độc giả Việt Nam nên ra khỏi cái “Tình Thơ” lục bát để bắt được tinh thần làm mới thơ của thơ hiện đại từ các tác giả Việt Nam. Phải công nhận độc giả Việt Nam hơi nản. Ở ngoại quốc lâu năm tôi thích việc họ có được một tầng lớp độc giả trí thức tốt, suy nghĩ độc lập, đông đủ để gây ảnh hưởng. Thành phần này mạnh và làm được việc là nhìn ra được những cái mới có giá trị và những tài năng mới, mới thật là mới, đáng chú ý, và dám hổ trợ cho những lớp vốn trí thức mới chưa ai biết đến ấy. Tôi nhìn thấy chúng ta thiếu một tầng lớp trí thức như thế. Nếu không muốn nói tầng lớp trí thức của chúng ta thiếu tính suy tư độc lập, có tiền lệ là vọng ngoại một cách đần độn.  Nói đi rồi tôi nói lại.  Cùng một lúc tôi cũng rất ớn mấy ông mấy bà tác giả Việt Nam na của ngoại quốc về hù và ém vào, gọi là “thơ mới, văn mới”.  Người ngoại quốc “sáng chế”, rồi các ông các bà mang về thì làm sao tôi phục được.   Giá trị của sáng tạo, đỉnh điểm của đẹp đẽ văn minh tiến bộ, nộp kho nhân loại là nhờ vào “cái thứ nhất và là tính đầu tiên” của tác phẩm. Bắt chước đối với tôi cỡ nào cũng là “bắt chước”. Tôi chỉ phục khi nào chính các nhà sáng tạo là người sáng chế đầu tiên.  Lại thêm nữa chúng ta thiếu tầng lớp phê bình sắc mạnh có khả năng chỉ trỏ ra những giá trị đi trước của thơ văn sáng tạo có tầm vóc bất hủ. Tất cả những yếu tố trên tạo ra tình trạng hiện nay là thơ đi đằng thơ, tác giả đi đằng tác giả, độc giả đi đằng độc giả. Đó là cái nhìn của tôi. Nguyễn Thị Khánh Minh nhận xét như thế nào về tình trạng này ?


Nguyễn Thị Khánh Minh: Tôi không nghĩ có một tình trạng từ chối Thơ của độc giả Việt Nam. Có chăng, là thái độ thất vọng của họ khi tìm đến Thơ. Họ không tìm được món ăn đúng với sở thích họ hay chăng? Điều này là do thiếu những nhà thơ tài năng để đưa ra những sản phẩm tinh thần nói được tiếng nói của thời đại?  Hay điều đó phản ảnh điều bạn nói, thiếu một lớp độc giả trí thức để nhận ra và hỗ trợ những tài năng, để tiếp nhận được những đổi mới để đẩy nó thành một phong trào, một khí thơ sinh động? Tôi cho rằng mọi khuynh hướng đổi mới Thơ cần thiết, trước hết, tài năng của nhà thơ, sau đó, để chở cái  phong trào  đó phải có một lớp phê bình gia trình độ, không thiên kiến, đem nó đến với độc giả, và sau cùng, nhưng quan trọng, có lớp độc giả thích ứng, tất cả những yếu tố này không riêng rẽ, không trước sau, mà gần như phải có một lúc để tác động hỗ tương nhau. Làm thế nào để có được lớp độc giả như thế? Bạn có thấy rằng đó là công việc của cả một nền giáo dục hay không, một nền giáo dục mở rộng, và phải tập cho con người ta có những suy nghĩ và ý kiến độc lập. Xem ra… Ở trên tôi có nói đến tài năng của người làm thơ. Một phần, có lẽ phải nói là thiên bẩm, còn lại, tất cả do hấp thụ từ giáo dục, học hỏi, kinh nghiệm để thăng hoa cái lộc trời cho kia, tôi không nói là học để có sự uyên bác trong Thơ, học để có một nhân cách, một thái độ đúng để hành xử với Thơ của mình, của người, một cá tính độc lập trong suy nghĩ, tất cả điều đó khiến họ sẽ cân nhắc, tôn trọng người đọc khi trình làng những tác phẩm của mình, và cả trong những khởi xướng những đổi mới, tôi đồng ý với bạn, là cái mới đúng nghĩa là của mình, đầu tiên, không vay mượn, nhưng ở vào trong thời đại mà chúng ta được giao lưu với mọi khuynh hướng trào lưu văn học thì cũng khó mà tránh ảnh hưởng, vấn đề khi ta nạp một cái gì, cái đó có biến thành của mình một cách khác lạ và đặc thù của mình hay không, tôi có vẻ không quyết liệt như bạn, phải không? Thứ nữa, khi một nhà thơ, một nhóm thơ nào đó khởi xướng hay thử nghiệm một cái gì mới, thì phải “cứng cựa” để đi cho được trong con nước ngược, kẻo không, thì, thôi, để tránh phong ba, buông chèo xuôi theo giòng cũ vậy…Tôi không nhớ một nhà phê bình văn học ngoại quốc nào, tôi đã đọc từ lâu và còn nhớ, câu thế này, nếu các nhà thơ hiện đại không có độc giả, họ có thể tạo ra độc giả. Được vậy thì hẳn là sẽ không còn, thơ đi đằng thơ tác giả đi đằng tác giả độc giả đi đằng độc giả, như bạn cảm thấy? Thật buồn nếu không khí thơ của ta còn để cho người đọc phải có cảm giác như thế.

 

Lê Thị Huệ: 


TỪ  NHỮNG  ĐIỀU  NHƯ  THẾ


Điều có thể cho tôi thoát khỏi đêm sâu

Là bước đi gần lại của vầng trăng tối

Điều có thể làm tôi trở lại

Từ lao xao phố hội

Là không khí tràn vào của bài thơ vừa mở

Là đốm lửa cô đơn một mình đối mặt

Điều có thể làm tôi tỉnh giấc

Là tiếng gọi thao thức giữa cơn mơ

Mộng du vào cõi bình an hơi thở

Điều làm tôi nguôi ngoai nỗi chờ

Là tiếng cười hối hả thời gian

Điều khiến tôi hóa đá

Là xôn xao từ ký ức một lời hẹn…

Điều làm tôi hóa bóng

Là xác thân

Nằng nặng kiếp người…

 

một bài thơ rất Nguyễn Thị Khánh Minh

 

"Từ Những Điều Như Thế" không phải là một cái nền đề gợi mở cảm xúc như phần lớn các bài thơ hay tiếng Viêt. Đây là một nền đề gợi mở một lý luận, một lý tính . Tính chất lý sự sẽ khó mở nhạc lên . Thế nhưng bài thơ đầy lý sự của Nguyễn Thị Khánh Minh lại mở đầy những nhạc ngữ của bài thơ . Tôi đọc hết bài thơ và thấy thích lẫn thấy vừa ý vì một bài thơ nói những điều khó nói, mà vẫn cô đọng, có nhạc riêng của chữ, và chuyên chở được những điều gì đó sâu thẳm của suy tư . Thơ trong giai đoạn hiện tại, tôi thấy có hai người làm được điều này là Ngu Yên và Nguyễn Thị Khánh Minh . Thơ của Ngu Yên và Nguyễn Thị Khánh Minh ưa phát biểu đến triết lý sống nhưng đủ tư cách để gọi chúng là thơ . Vì Ngu Yên tạo được nhạc ngữ của Ngu Yên và Nguyễn Thị Khánh Minh có nhạc riêng của Nguyễn Thị Khánh Minh . Điều này thì thơ hay bắt buộc phải có, cảm xúc và nhạc ngữ. Vấn đề là thơ Việt diễn tả cảm xúc thì rất nhiều thơ hay . Nhưng thơ triết lý để đạt đủ tư cách là thơ hay thì cực kỳ khó . Vì thứ nhất triết lý mà không đủ thần công lực thì rất dễ trở thành nói mép và giảng moral hạng cá kèo về đời sống . Thơ triết lý đòi hỏi trình độ trí thức của người sáng tác làm sao để thuyết phục người đọc khó tính nhất có thể chấp nhận được . Nhưng cái khó hơn nữa là đã gọi là thơ thì phải có nhạc chữ để mua cảm xúc người đọc . Tôi vốn là một người đọc rất chú ý đến nhạc chữ của mỗi bài thơ của mỗi tác giả. Tôi thấy thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đáng chú ý vì những điểm tôi vừa nêu ra . Tôi muốn hỏi là bạn có thấy khuynh hướng thơ triết lý của mình như thế không ? Và bạn có phải là người vốn chú ý về triết lý của các vấn đề đời sống ?

Nguyễn Thị Khánh Minh: Đến lúc này thì tôi thấy càng cần thiết phải có những nhà phê bình văn học, dù rằng một nhà nghiên cứu văn học ngoại quốc, rất xin lỗi là tôi lại quên tên, vì tôi nghĩ mình không bao giờ sẽ làm việc nghiên cứu văn học cả, đã nói rằng, “các nhà thơ phải quên các nhà phê bình đi”.


Tôi vẫn luôn luôn viết từ cảm xúc tức thời của mình, về những điều tôi chợt thấy, hay về những điều ám ảnh và trở đi trở lại trong ý nghĩ mình, và tôi thường diễn đạt theo một thi pháp trong sáng nhất, trong sáng với nghĩa dễ hiểu, không nhiều ẩn dụ, mặc khác, tôi cũng quyết không đánh đổi khía cạnh trí thức của Thơ để mua- tôi rất thích chữ này của bạn- những cảm xúc dễ dãi. Cho là tôi là người nhìn các vấn đề của cuộc sống dưới con mắt triết lý đi, tôi tự hỏi, có phải khi mình quá mẫn cảm đến mọi điều của cuộc sống quanh mình thì, vô hình chung, mình chạm đến mặt phải đối diện, chất vấn nó không? Mà như thế, tất “lý sự” rồi. Nhưng, tôi muốn nói nếu như theo nhận xét của bạn, nói triết lý dưới giọng được chấp nhận là Thơ như vậy, thì tôi mong là người đọc thơ tôi cảm được cái Thơ của nó không qua suy nghĩ. Một cái hiểu và cảm tức thì. Nói như học giả mà tôi quên tên ở trên, nhà thơ phải không cần đến những chữ chuyên môn của các nhà hàn lâm, chỉ cần một diễn đạt bình thường.

 

Bạn đề cập đến nhạc chữ trong thơ tôi, trên cũng có nói rồi, nhưng tới đây, tôi lại muốn nhiều lời thêm một tí, mở rộng phần trả lời câu 4.  Một ý thơ bật trong một khoảnh khắc cảm hứng nào đó, lập tức, nhạc lấp lánh trên chữ. Ý, Nhạc, Chữ, cả ba hầu như cùng lúc, theo cảm xúc mà hòa quyện một cách rất tự nhiên, đó là điều kỳ diệu của phút giây làm Thơ (không biết các Nhà Thơ có đồng ý với tôi như thế?) như tôi đã nói ở trên, đó là lúc tôi thấy mình rất là hiện hữu. Đôi khi, một câu thơ, không cần phải “hiểu” vẫn máy động được tâm can, phải chăng, âm trong mỗi con chữ chính là hồn cốt của chữ? Và khi các chữ được gắn bó với nhau một cách như là “hòa âm” thì tạo nên Thơ hay, dù theo thi pháp nào đi nữa. Đầu óc hàn lâm sẽ giết chết thơ, nhưng cái “lý sự” của nhà thơ thì khác, nó là một thứ trực-giác-hồn-nhiên (tôi mượn chữ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ) -“thấy” ngay lập tức- đó là cái gạch nối giữa Nhà Thơ và người đọc, có được điều ấy từ người đọc thì sẽ có nhiều thiện duyên cảm ứng với nhà thơ.

 

 

Lê Thị Huệ:  Thời đại chúng ta, các nhà thơ nữ tuôn ra tràn lan, và chúng ta ung dung nói về mọi vấn đề đời sống một cách thoải mái . Nhờ vận động nữ quyền của toàn thế giới nói chung, và của cơ hội do internet tạo ra . Bạn nghĩ thế nào về tiếng nói của nữ giới trong vận hội mới này ? Bạn có vận động nào riêng ?


Nguyễn Thị Khánh Minh: Những quyền mà nữ giới chúng ta đang có, những việc mà phụ nữ khắp nơi đang làm, đang chúng tỏ vị trí, cách thế của họ trong mọi mặt của đời sống, là kết quả của những phong trào tranh đấu cho nữ quyền từ trước và vẫn tiếp đến nay.Tôi làm những việc có thể của một phụ nữ bình thường, tôi biết xử dụng quyền mà những nhà tranh đấu cho nữ quyền giành được, tôi hạnh phúc với những thiên chức của phụ nữ, tôi đảm nhận nó với một ý thức hãnh diện chứ không phải cái cách mà phụ nữ xưa bị đối xử, và tôi làm thơ để ca ngợi điều đó, nếu đủ tài năng thì sự ca ngợi ấy sẽ là một vận động theo cách riêng của tôi. Những việc mà Nhà thơ Lê Thị Huệ đang làm qua trang Gió-o đây, tôi cho đó không những là một vận động nữ quyền mà còn là sự chứng tỏ ý thức đúng về Nữ quyền, là gì, hành xử nó ra sao.

 

Nhân việc bạn nhắc đến là các nhà thơ nữ, nói về mọi vấn đề một cách thoải mái, tự nhiên tôi muốn nói tới cảm giác của tôi khi đọc những bài thơ nói về “cái nữ” một cách khiến tôi cảm thấy đó là một sự sống sượng, đó không phải là cách chứng tỏ nữ quyền, mà lại biến mình thành một, chẳng khác gì con búp bê đang khoe mình. Và tôi thấy một số nhà thơ nữ đã sa đà vào đề tài đó, và cho rằng hiện đại. Chứng tỏ, không phải ở cách thế phơi bày tuốt luốt một cách không cần thiết trên một bài thơ - như vậy, theo ý của tôi, chữ nghĩa đó với Thơ như đồng sàng dị mộng- mà phải chứng tỏ bằng cách nhìn và suy nghĩ của ta trên những vấn đề đó, sao cho người đọc ý thức về những tiến bộ của nữ quyền trong những mối tương quan. Tôi không thích những bài thơ nói về “cái giống” cùng cái gọi là bản năng, một cách dung tục, và không cần thiết. Nhưng, nếu nó thật cần thiết, và dù phải động chạm đến những từ trắng trợn đi nữa, thì thơ ấy lại đem đến những cảm xúc đôi khi rất thấm thía, đau đớn, sững sờ cho người đọc. Với những bài thơ như thế, thì rất ấn tượng.


Thưa nhà thơ Lê Thị Huệ, những vấn đề mà bạn đặt ra ở những câu hỏi, nếu tôi có vốn liếng của một nhà nghiên cứu văn học, thì có lẽ tôi viết được một tiểu (hay đại) luận rồi, thế nên tôi chỉ trả lời được với tất cả những gì hiện có trong đầu của tôi với cảm nhận của một người làm thơ. Một mai, khi có thể, tôi sẽ viết chi tiết hơn với những dẫn chứng, dựa trên sườn những câu hỏi của bạn, thưa, được không?

 


 
Lê Thị Huệ:  Nguyễn Thị Khánh Minh cũng biết hiện nay Văn Chương Hải Ngoại, những người viết ngòai Việt Nam sẽ sử dụng ngôn ngữ Việt theo hoàn cảnh sinh sống của họ. Pháp, Đức, Nga, Hòa Lan, Nhật, Mỹ, Úc, Canada vvv... Dù muốn dù không, họ xài Tiếng Việt như thế và các tác phẩm của họ là như thế. Cấu trúc và tiếng Việt của họ có thể khác với người trong nước. Và nền Văn Chương Hải Ngoại hiện rất mạnh trên Internet, nếu không muốn nói là chúng "dominate" trên Interenet. Và người trong nước hiện nay viết chêm tiếng Mỹ tiếng Tàu vào một cách hồn nhiên. Trong một thế giới xóa bỏ biên cương địa lý như thế giới Internet, bạn có thể nhìn thấy viễn tượng ngôn ngữ Việt mà chúng ta đang sử dụng sẽ biến thay theo chiều hướng thế nào.?

Nguyễn Thị Khánh Minh: Đúng, người viết hải ngoại viết khác trong nước, điều đó rất thú vị đối với người đọc, Khác, là một điều cần thiết. Để thể hiện cũng như để tìm hiểu, học hỏi. Rất thích nếu đọc sáng tác của các nhà văn nhà thơ ở những nơi khác mà biết được đôi điều nơi họ sinh sống và điều đó ảnh hưởng tới họ ra sao, các bạn văn của tôi bên nhà rất thích tìm đọc những sáng tác ở hải ngoại và tôi cũng thấy ngược lại. Với internet, người viết trong, ngoài nước đọc lẫn nhau và sẽ dung hòa những khác biệt về cấu trúc cơ bản, nạp được của nhau những cái đẹp, mới. Ngôn ngữ phải phát triển và phát triển khác nhau theo thời đại, không gian. Thiết nghĩ các nhà chuyên môn nhiên cứu văn học, ngôn ngữ Việt nên bắt đầu làm, tập hợp lại một cách có hệ thống, từ bây giờ. Với lượng người làm thơ và đọc thơ Việt như hiện nay, tôi tin khi còn dùng tiếng Việt để sáng tác, tôi chỉ nói Thơ thôi, thì dù có thay đổi- chắc chắn và cần thiết phải thay đổi theo chiều hướng của thời đại tác giả đang sống- tiếng Việt vẫn giữ cái nhạc tính sắc huyền hỏi ngã nặng của nó. Việc chêm những tiếng ngoại quốc vào văn thì chấp nhận, nhưng, theo ý riêng của tôi thôi nhe, với Thơ (trừ tên, địa danh), thì sẽ làm bài thơ mang tính trào phúng, nếu không thật cần thiết thì không nên, tôi không cảm xúc khi đọc những bài thơ mang tính “thời trang” như thế.


Hạnh phúc là tôi vẫn thường được đọc những bài thơ (trên Gio-o, của một hai bạn thơ), mà khi đọc xong phải im lặng để cho cảm xúc thẩm thấu, để nghe trái tim mình rung lên, dịu dàng hay phẫn nộ theo người viết, thế thì không lý do gì tôi phải có một cái nhìn bi quan trong cái nhìn về viễn tượng Thơ ca Việt, Họ (tôi tin vậy) là những cái nhân trong mầm hạt đổi thay của ngày mai.



Lê Thị Huệ:  Bạn là một người duy nhất trong nhóm các cây viết vừa mới cọng tác với Gió O gần đây được mời để trả lời bản phỏng vấn 10 Năm Gió O này, chị có thể cho biết mục nào trên Gió O chị thích nhất.  Bạn cũng biết là Gió O rất ít nhận được sự cộng tác của các tác giả nữ. Nguyễn Thị Khánh Minh có thể cho biết cơ duyên nào đã đến với trang gio-o.com ?

Nguyễn Thị Khánh Minh: Dĩ nhiên, tôi thích Thơ, khi mở cửa, đầu tiên là lướt một mạch xem có những gì, nếu có gửi bài thì xem thử thơ mình có được chọn không, sau đó sẽ ngừng lại ở tên một nhà thơ mình thích, đọc xong hết thơ mới để ý đến cái khác, phải nhiều ngày để đọc cho hết. Nói chung là rất nể sức làm việc cùng tri thức của người chủ trương để tạo được một sắc thái như thế cho Gio-o, người ta biết có một giá trị nhất định trong các sáng tác ở đây. Tôi đến với Gio-o, muộn phải không, không sao, bây giờ cũng được đền bù  là người vừa mới cộng tác được bạn chọn để phỏng vấn kỷ niệm 10 Năm Gió-O.

Bạn dùng chữ cơ duyên tôi rất thích, con gió thổi tôi tới nhà gió-o là Thơ Nguyễn Xuân Thiệp, một người bạn gửi cho tôi cái link để đọc thơ, tản văn NXT, vậy là tôi mải miết lang thang trên trang Gió-o, tôi rất thích nội dung đa dạng, không thiên kiến, cả cái tính quyết liệt, trung thực của người chủ trương. Tôi đã tự hỏi và đã trả lời cho chính mình -có mặt ở Gió-o-. Cho đến gần đây, trong bài phỏng vấn Nhà Văn Hồ Đình Nghiêm, tôi được biết cảm nghĩ của bạn về tên gọi Nhà Văn Hải Ngoại, tôi rời VN để đoàn tụ gia đình, ở đây chưa được bao lâu, nhưng tôi rất thấm thía chia sẻ và trân trọng cảm nghĩ của bạn, và, càng thấy câu trả lời cho chính tôi là đúng.


Cảm ơn bạn, nhà thơ Lê Thị Huệ.

Lê Thị Huệ:  Cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

 

trang liên hệ: sinh hoạt Gió O Mười Năm 2001-2011

http://www.gio-o.com/GioOMuoiNamTQ.htm

 

© gio-o.com 2011


===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ