' tang lễ nhà thơ VƯƠNG ĐỨC LỆ [ i.e. Lê Đức Vượng 1937- 2008 ] / Tuyết Mai -- source; https://vietbao.com/author/po... .
/2022 5:36 SA
Virginia,- Nhà thơ Vương Đức Lệ đã ra đi vào lúc 13:50 trưa ngày 20 Tháng Giêng 2008 tại Virginia. Tang lễ được cử hành trong một không khí thật ấm cúng, thân thương với sự hiện diện của hầu hết văn nghệ sĩ vùng Hoa Thịnh Đốn, vào lúc 11 giờ trưa ngày 26 Tháng 1, 2008 tại Fairfax Funeral Home ở Fairfax, Virgnia.
Khoảng hai trăm bạn bè, thân hữu của Nhà thơ Vương Đức Lệ và gia đình đến thăm viếng, tiễn đưa ông lần cuối cùng, phần đông là văn nhân thi sĩ và nhà báo. Nhà văn Nguyễn Đức Nam, Chủ Nhiệm Nguyệt San Kỷ Nguyên Mới giới thiệu qua tiểu sử của Nhà thơ Vương Đức Lệ. Kế đến là phần phát biểu của những thân hữu, trong đó Nhà văn, Nhà thơ Hà Bỉnh Trung, Chủ Tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật vùng HTDD. Ông nói “Lệ là một người tri kỹ, ông ấy rất khiêm tốn, rất là tốt, phải nói là một hiền nhân ở đời này. Sự ra đi của Vương Đức Lệ là một mất mát lớn cho chính tôi và cho nền văn học VN. Thi ca VN ở hải ngoại đã mất đi một nhân tài”.
Kế đến Nhà văn Uyên Thao, vô cùng xúc động nói: “Cho tới giờ phút này tôi cảm thấy như tôi đang nằm mơ, tôi biết rõ là tôi không ngủ, tôi biết rõ những sự việc xảy ra chung quanh là sự thực, nhưng tôi không cản được mình mong mỏi mọi việc không đúng như thế. Cái tâm trạng mà tôi thấy rõ nhất là mình đang vây hãm trong một cảm giác cô đơn. Tôi biết rõ không ai có thể từ bỏ cái nghiệp của mình, không ai từ chối được thân phận, nhưng mà quả thực không dễ dàng chấp nhận sự xa vắng hoàn toàn của Vương Đức Lệ.” Nhà văn Uyên Thao nói tiếp, ông chỉ muốn gởi đến bạn lời cuối cùng “ dù ở nơi đâu thì Lệ cũng tin rằng, Lệ luôn ở trong trái tim của tôi”.
Nhà báo Phạm Trần kể lại vài kỷ niệm với Nhà Thơ Vương Đức Lệ và ông kết luận: “Lệ chung thủy với bạn, làm tất cả những gì có thể cho bạn, Lệ ra đi không những để lại sự mất mát lớn lao cho gia đình, riêng cá nhân tôi đã mất một người bạn và mất một cuốn tự điễn Việt Nam”.
Nhà văn Hoàng Hải Thủy xoay về phía quan tài để nói với Nhà thơ Vương Đức Lệ: “Lệ sang bên đó trước, chúng tôi sẽ sang sau. Như chúng tôi đã đến đây (Mỹ) trước, tôi đón Lệ. Lệ sang bên đó trước sẽ đón tôi. Chúng ta sẽ gặp nhau ở bên ấy”.
Nhà văn Hồng Thủy đã đẫm lệ khi đọc bài thơ của Nhà thơ Vi Khuê viết “Tiễn hương linh Thi sĩ Vương Đức Lệ”.
Nhà thơ Lãm Thúy ân hận vì đã có ý định viết một bài phân tích cặn kẽ những nét tài hoa trong thơ Vương Đức Lệ để tặng ông niềm vui khi có người hiểu được, cảm được thơ của mình, vậy mà bài chưa viết xong, thuyền sinh tử đã xuôi dòng, người đã ra đi rồi! Buồn làm sao!.
Ca Sĩ Anh Ngọc nhớ Nhà thơ Vương Đức Lệ là người rất hào phóng, và rất buồn khi hay tin nhà thơ Vương Đức Lệ lâm trọng bệnh, mặc dàu vậy lúc nào Vương Đức Lệ cũng hết sức thanh thản. Nay thì Nhà thơ Vương Đưc Lệ không còn nữa để viết “Chuyện nhỏ, chuyện to” cho chúng ta (mục này do Vương Quân phụ trách trong Nguyệt san Kỷ Nguyên Mới).
Nhà văn Tạ Quang Khôi nói Nhà Thơ Vương Đức Lệ là một người rất nổi tiếng nhưng không kiêu căng, xin chúc hương hồn thi sĩ sớm tiêu diêu miền cực lạc.
Trong những người phát biểu kế tiếp có Nhà Văn Sơn Tùng, Chủ Tịch Văn Bút VN Hải Ngoại, Ông ĐoànViết Hoạt, Nhà Báo Quốc Vũ…
Gia đình cho biết nhà thơ Vương Đức Lệ tên thật là Lê Đức Vượng, sinh năm 1937 tại miền Bắc, hưởng thọ 71 tuổi. Ông theo học trường Trung học Chu Văn An tại Hà Nội và sau năm 1954 học tại Saigon. Ông sinh hoạt văn nghệ từ thuở còn ở tuổi học sinh. Bắt đầu từ 1953 tại Hà Nội ông chuyên sáng tác thơ và đã đoạt Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1960-1961 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Năm 1967 ông là Quản Đốc Đài Phát thanh Long An, thuộc Cục Vô Tuyến Truyền Thanh VN. Ông đã bị thương, hư một mắt trong trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. Sau đó ông về làm việc tại Phòng Bình Luận, Đài Phát Thanh Saigon.
Năm 1989 ông tham gia nhóm Diễn Đàn Tự Do của Giáo Sư ĐoànViết Hoạt và đã bị bắt, bị kết án năm năm tù cho tới cuối năm 1995. Năm 2000 ông định cư ở Virginia, Hoa Kỳ và hoạt động văn nghệ trở lại với “Tủ Sách Quê Hương”. Nhà thơ Vương Đức Lệ có năm tác phẩm xuất bản ở Saigon, trong đó có “40 bài thơ của Mai Trung Tĩnh và Vương Đức Lệ”, tác phẩm này được trao tặng giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1960-1961.
Ba tác phẩm xuất bản ở Hoa Kỳ là Thơ Vương Đức Lệ (2000), Thơ Tình Vương Đức Lệ (2003) và Thơ Giữa Đời Thường (2005)
.
Trở lại chương trình tang lễ, sau lễ nghi tôn giáo là lễ di quan. Mặc dầu thời tiết mùa Đông ở HTDD thật lạnh lẽo với gió từng cơn buốt da, nhưng Nhà Thơ Vương Đức Lệ được rất đông bạn bè thương mến tiễn đưa và góp lời cầu nguyện ở tận huyệt mả trong nghĩa trang Fairfax, VA.
Sau đây là vài vần thơ của Nhà thơ Vương Đức Lệ
Cô Độc
“Phòng giam hai bệ ngủ
Quanh quất một mình ta
Chợt thèm hơi thở nhỏ
Dẫu tiếng thở dài xa
Mờ mờ ô cửa gió
Chân ai bước lại qua"
Trừng trừng đôi mắt đỏ
Soi mói, rợn da gà…
Xủng xẻng xâu chìa khóa
Dừng lại riêng phòng ta
Ầm ầm khuôn cửa mở
Đêm đen bỗng vở oà…”
(Vương Đức Lệ)
Nhớ Mẹ ta xưa
Thương cái cò lặn lội bờ sông
Mẹ về chợ cái tôm, cái tép
Ấm mái tranh xưa chiều hôm khói bếp
Bữa cơm nào, cơm gạo mới đưa hương…
Ánh lửa hồng reo vui nồi cám lợn
Vười sau xanh, lấm tấm dấu chân gà
Trên cành trĩu, trái na vừa mở mắt
Lời ca dao mẹ hát buổi trưa xa…
(Vương Đức Lệ)
HÌNH ẢNH TANG LỄ NHÀ THƠ VƯƠNG ĐỨC LỆ
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:40 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ