Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

đọ c thêm (2) : " Món Nợ / Tưởng niệm thi sĩ Vương Đức Lệ " -- Tạ Quang Khôi ( Mỹ ) -- source: https://phonhomews.com>

 

Món Nợ – Tạ Quang Khôi (Tưởng Niệm Thi Sĩ Vương Đức Lệ)


TẠ QUANG KHÔI 
Món Nợ – Tạ Quang Khôi (Tưởng Niệm Thi Sĩ Vương Đức Lệ)

Hồi còn ở Sài Gòn, tôi không có hân hạnh được quen biết Vương Ðức Lệ, dù anh là một nhà thơ nổi tiếng, đã được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1960-61, cùng Mai Trung Tĩnh với tác phẩm “40 Bài Thơ”. Nhưng tôi lại có một kỷ niệm rất sớm với hai nhà thơ này.

Vào đầu năm 1955, một số học sinh trường Chu Văn An dự tính ra một tờ báo. Tôi không nhớ rõ là báo in hay viết tay với tính cách nội bộ. Trường Chu Văn An lúc đó còn học nhờ trường sở của trường Pétrus Trương Vĩnh Ký. Một chú em họ của tôi nhờ tôi làm một bài thơ để đăng báo, dĩ nhiên ký tên chú ấy. Trong một đêm, tôi phải nặn óc làm một bài thơ ngắn để chú ấy nộp bài đúng thời hạn. Buổi chiều tan học, chú em không đợi tôi đi làm về mà ra thẳng tòa báo Tự Do để “mách” rằng bài thơ của tôi bị hai người bạn học cùng lớp sửa mấy chữ. Hai người bạn đó là “thằng Hùng” và “thằng Vượng”. Tôi mở xem bài thơ đã bị sửa, thầm công nhận hay hơn nguyên tác. Vì tự ái, tôi chỉ im lặng mà không nói gì. Ðã hơn nửa thế kỷ qua rồi, tôi không còn nhớ bài thơ đó nữa.

Vào giữa năm 1961, chú em tôi đang du học ở Canada gửi thư hỏi tôi có biết hai người bạn cũ của chú ấy vừa được giải thưởng văn chương toàn quốc về thơ không? Ðó là hai thi sĩ Mai Trung Tĩnh và Vương Ðức Lệ. Tôi đã nghe tiếng hai nhà thơ này, nhưng không ngờ lại chính là hai người đả từng sửa thơ tôi sáu năm trước. Vào dịp đó, tôi vừa đi học vừa viết báo để sống nên ít có thì giờ giao du với bạn bè hoặc tham dự các buổi họp văn nghệ nên không có dịp gặp hai thi sĩ vừa được giải thưởng.

Mãi đến khi đã ở Mỹ, tôi mới bắt đầu quen Vương Ðức Lệ qua đường dây… viễn liên. Vào giữa năm 1998, anh Văn Quang và tôi bắt đầu liên lạc với nhau bằng email. Văn Quang cho biết hàng ngày Vương Ðức Lệ đến chơi với anh để tán gẫu cho qua ngày đoạn tháng. Một hôm, tôi gửi cho Văn Quang truyện ngắn duy nhất tôi viết trong thời cộng sản chiếm Sài Gòn mà tôi đã bị kẹt lại. Người trả lời tôi lại không phải Văn Quang mà là Vương Ðức Lệ.

Mở đầu thư, anh viết như sau: “Anh Khôi ơi, tôi là Vương Ðức Lệ đây. Anh có biết tôi là độc giả trung thành của anh từ hồi anh viết cho báo Tự Do của Cụ Tam Lang Vũ Ðình Chí không?”. Tôi vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Tôi không ngờ nhà thơ nổi tiếng ấy lại là một độc giả của tôi. Thế là từ đó chúng tôi quen nhau… trong cách trở.

Vào giữa năm 2000 tôi đi dón gia đình Vương Ðức Lệ sang Mỹ. Ðây là lần đầu tiên tôi được gặp anh. Nhìn cặp kính đen của anh, tôi nhớ ngay tới anh Huy Quang Vũ Đức Vinh (nay cũng đã ra người thiên cổ). Anh thường gọi anh Vương Ðức Lệ là Moshe Dayan, tướng độc nhãn tài ba của Do Thái. Vương Ðức Lệ mất một mắt trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Hồi đó anh đang làm trưởng đài phát thanh Tân An. Việt cộng tấn công đài, Anh bị thương.

Chúng tôi bắt đầu thực sự quen biết nhau từ đấy và nhanh chóng thân nhau ngay. Vào cuối năm 2000, Tủ Sách Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao ấn hành cuốn “Thơ Vương Ðức Lệ”, cuốn thơ đầu tiên của anh ở hải ngoại. Tôi hứa với anh tôi sẽ có một bài nhận xét về cuốn thơ này. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa trả được “món nợ” đó, phần vì lười biếng, phần vì thấy nhiều người đã có bài phê bình đăng trên báo. Tôi rất sợ nói lại những điều người ta đã nói, thành nhàm chán, vô duyên…

Thật ra điều tôi muốn nói, muốn nhấn mạnh là mấy bài thơ tả nỗi buồn phải xa Mẹ. Tôi không hiểu tại sao mấy bài cảm động như vậy mà anh lại xếp vào cuối tập ? Tôi thích mấy bài thơ đó vì đúng với tâm trạng của tôi. Tôi xa Mẹ tôi gần trọn cuộc đời nên lúc nào cũng mơ ước được gặp lại Người. Nhưng giấc mơ của tôi tan vỡ vào giữa năm 1972 khi Mẹ tôi qua đời ở ngoài Bắc. Nỗi buồn nhớ Mẹ theo đuổi tôi mãi. Bây giờ được đọc mấy bài thơ của Vương Ðức Lệ, tôi không khỏi bùi ngùi thương nhớ. Nhưng thơ Vương Ðức Lệ không những chỉ đúng với tâm trạng tôi mà nghệ thuật diễn tả của anh rất cao, chân thành, dễ gây cảm xúc cho người đọc.

Cánh tay muớp vươn dài bờ giậu
Mẹ nhìn ra luống cải vàng hoe
Con dõi mắt tìm ong, bướm đậu
Tóc mẹ thơm hương bưởi bên hè…”

Thương cái cò lặn lội bờ sông
Mẹ về chợ cái tôm cái tép
Ấm mái tranh xưa chiều hôm khói bếp
Bữa cơm nào gạo mới đưa hương…”

Ngày tháng ấy đã đi làm quá khứ
Mẹ đã xa trên xứ lạ, quê người
Ta còn lại, mình ta và nỗi nhớ
Ðêm nghẹn ngào, u uất thuở nào nguôi?

(Nhớ Mẹ Ta Xưa)

Mẹ thi sĩ đi Úc đoàn tụ với người con trai lớn, anh của thi sĩ. Trong khi đó thi sĩ vẫn ở lại Sài Gòn. Từ nhỏ vẫn được ở gần Mẹ, nay phải xa cả mấy ngàn dậm, làm sao không buồn, không nhớ cho được. Khi tiễn Mẹ ở phi trường, Vương Ðức Lệ viết:

Giữa tiếng phi cơ gào xé ruột
Mẹ nghe tiếng thét của con không?
Mẹ đi thui thủi mênh mông nắng
Xao xác thinh không nổi bão bùng.

Mẹ bước lên thang không ngoảnh lại
Mẹ ơi mắt Mẹ đã tuôn trào
Ðôi dòng lệ ứa giờ tương biệt
Có đớn đau nào hơn khổ đau?

Con biết Mẹ đi chẳng trở về
Canh mờ ngơ ngác cánh sao khuya
Ðêm nghe gió lạ vờn trên gối
Lệ cũng khô dần giấc ngủ mê…”

(Những Mảnh Hồn Tan Vỡ – Ngày Mẹ Lên Đường)

Rồi khi Mẹ đã đi xa, thi sĩ vẫn lảng vảng đến ngôi nhà Mẹ ở cũ để tìm  lại dấu vết, hình bóng Mẹ:

Hỡi ơi đất rộng trời cao thẳm
Hun hút ngày qua khuất nẻo về
Chợt ngước nhìn lên… lầu cửa đóng
Chập chờn ai đó? dáng ai kia?

Ngõ hẹp vang câu vọng cổ buồn
Hồn con dào dạt sóng muôn phương
Bây giờ Mẹ ở nơi nào nhỉ?
Mây trắng giăng đầy mây viễn phương…”

Song cửa chênh vênh vành nguyệt khuyết
Nghìn thu chìm tiếng võng xa xưa
Hồn tôi xoãi cánh sầu vô tận
Tìm dấu mòn qua tuổi ấu thơ…”

(Những Mảnh Hồn Tan Vỡ – Sau Ngày Mẹ Lên Đường)

Cái khó của chúng tôi là không thể đưa cả mấy bài thơ tiễn Mẹ vào bài. Khi lựa chọn, chúng tôi rất lúng túng vì thấy đoạn nào cũng hay, cũng cảm động. Số trang có hạn, đành chỉ trích một vài đoạn. Mong các bạn đọc thông cảm. Thường thường ở đời, người nhiều tình cảm là một người dễ tha thứ nên được coi là lành. Vương Ðức Lệ rất hiền lành, dễ chấp nhận ý kiến của người khác. Có lần anh nói với tôi: “Tôi ba phải, ông ạ”. Các văn nghệ sĩ ở quanh vùng thủ đô Hoa Kỳ rất quý mến thi sĩ. Anh em chúng tôi thỉnh thoảng họp nhau ăn uống và… đấu láo. Chẳng nhân dịp gì hết, cứ nhớ nhau là gọi nhau, hẹn đến một địa điểm nào đó.

Vương Ðức Lệ chỉ có một tật là hút thuốc lá hơi nhiều, cả mấy chục điếu một ngày. Anh Hoàng Song Liêm đã nhiều lần khuyên anh hút bớt đi, nhưng làm sao bớt được khi đã nghiện! Chỉ khi ung thư phổi bắt đầu hành, anh khó thở phải đeo dây nối với bình oxy mới bỏ được thuốc lá. Bác sĩ không dám mổ vì anh yếu quá, không thể chịu đựng một cuộc giải phẫu lâu cả mấy tiếng. Khi chúng tôi đến thăm anh, tôi nói nhỏ với anh Hoàng Song Liêm: “Hỏng rồi! Tình trạng này sẽ không kéo dài”. Sở dĩ tôi nói như vậy vì tôi nhớ đến những ngày cuối cùng của anh Như Phong Lê Văn Tiến cách đây 5 năm. Như Phong cũng bị ung thư phổi, bác sĩ cũng không dám mổ, chỉ cho đeo dây oxy. Ngày cuối cùng tôi đến thăm, anh không đi được, phải bò. Ðêm hôm đó anh ra đi! Người bạn văn khác của chúng tôi là anh Thái Thủy cũng bị ung thư phổi, nhưng được giải phẫu để cắt đi chỗ phổi bị hư nên có thể trở lại cuộc sống tương đối bình thường. Anh Vương Ðức Lệ cũng giống anh Như Phong là chân yếu, không thể đi bộ quá mười bước, nhưng chưa đến nỗi phải bò.

Một ngày vào đầu tháng 12 năm 2007, anh Hoàng Song Liêm rủ tôi đến thăm anh. Trước khi đi, tôi lấy máy ảnh mang theo. Tôi nói với anh Liêm: “Biết đâu lần thăm này chả là lần cuối cùng, nên phải chụp mấy tấm hình làm kỷ niệm”. Anh Liêm cho là tôi lo hơi quá xa. Có lẽ bây giờ anh phải nhận rằng tôi đã nhìn thấy trước sự ra đi của thi sĩ. Sau cuộc viếng thăm của chúng tôi chừng nửa tháng, Vương Ðức Lệ phải vào bệnh viện cấp cứu. Các thử nghiệm cho biết bệnh đã lan rộng, tình hình trở nên gay go. Bác sĩ không thể làm gì thêm được nữa, cho anh về nhà nghỉ ngơi… Chiều ngày 20 tháng 1 năm 2008, anh Hoàng Hải Thủy gọi điện thoại báo tin thi sĩ Vương Ðức Lệ không còn nữa  Dù đã đoán biết từ trước, tôi cũng lặng người đi mà không nói một lời. Còn nói gì được nữa khi một người bạn mình hằng quý mến đã ra đi vĩnh viễn!


Tạ Quang Khôi (23-1-2008)
Blog Tạ Quang Khôi
http://taquangkhoi.blogspot.com

SHARE THIS POST


===================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ