đọc thêm (1) : " Vương Đức Lệ : Thơ sót còn lại trong trí nhớ "/ Nguyễn mạnh trinh ( Mỹ ) -- source: https://sangtao.org>
Vương Đức Lệ: Thơ sót còn trong trí nhớ
Posted: 23/01/2018 in Nguyễn Mạnh Trinh, Tùy Bút / Tản Văn / Ký SựNguyễn Mạnh Trinh
Nhà thơ Vương Đức Lệ (1937-2008)
Nhà thơ Vương Ðức Lệ rời khỏi trần thế vào ngày 20 tháng giêng năm 2008, đến hôm nay là mười năm. Thời gian qua đi, nhưng những câu nói chân tình đầy xúc động nói lời chia tay còn văng vẳng trong tâm thức những người yêu quý thơ Vương Ðức Lệ. Thí dụ như nhà văn UyênThao đã phát biểu trong buổi chia ly: “Cho tới giờ phút này tôi cảm thấy như tôi đang nằm mơ, tôi biết rõ là tôi không ngủ, tôi biết rõ những sự việc xảy ra chung quanh là sự thực, nhưng tôi không cản được mình mong mỏi mọi việc không đúng như thế. Cái tâm trạng mà tôi thấy rõ nhất là mình đang vây hãm trong một cảm giác cô đơn. Tôi biết rõ không ai có thể từ bỏ cái nghiệp của mình, không ai từ chối được thân phận nhưng mà quả thực không dễ dàng chấp nhận sự xa vắng hoàn toàn của Vương Ðức Lệ.”
Khi nhà thơ Vương Ðức Lệ còn sinh tiền, nhà văn Uyên Thao cũng đã phát biểu: “… Vương Ðức Lệ sống trong lúc làm thơ và làm thơ để sống, trong khi hướng sống của anh gắn bó không rời với tình cảm thương yêu sẵn có nơi con người từ cả ngàn đời trước. Vương Ðức Lệ không chỉ có mặt trong thiên đường riêng của Nguyễn Bính hay Vũ Hoàng Chương mà có mặt ở khắp nơi… Chính vì thế, Thơ Vương Ðức Lệ đã hợp thành bức tranh đời khơi dậy không ít ưu tư nơi người đọc. Bởi, những bài thơ đó chính là cuộc sống của con người Việt Nam bị buộc phải gánh chịu thân phận nạn nhân trong giai đoạn lịch sử suy vong của đất nước mình…”
Nhà thơ Giang Hữu Tuyên viết về chân dung thi ca Vương Ðức Lệ:
“Người đọc Vương Ðức Lệ gần như không tìm thấy nơi thơ ông một sự xốc nổi qúa đáng, một cách tân xa lạ, kiêu kỳ hay sự bùng nổ phá vỡ, xóa tan ngôn ngữ, hình tượng nào.
Mà gần như trái lại, bốn mùa thi ca, bốn mùa thơ Vương Ðức Lệ chan chứa những cảm xúc chín muồi sâu lắng mênh mang của tài thơ chìm đắm say sưa với muôn sắc màu, góc cạnh của cuộc sống.
“Cây nghiêng nắng xế lưng đồi/ vàng thu lá muộn chiều phơi bóng tà”. Hình ảnh trong thơ có gì đâu. Chỉ là những hình ảnh cũ thường nhật. Chỉ là cây nghiêng, chỉ là bóng xế, lưng đồi. Chỉ là ngày thu, chiêc 1lá rơi muộn trong buổi chiều. Vậy mà chỉ với hai chữ “chiều phơi” toàn bộ cảnh tượng trở nên có linh hồn. Thơ tràn đầy sinh lực. Hình ảnh cũ trở nên mới. Chiều mà làm sao phơi được bóng. Hay bóng làm sao phơi được chiều. Vậy mà chỉ cần trao cho danh từ trừu tượng và động từ cụ thể hai nhiệm vụ bất ngờ, họ Vương đã dựng lên sừng sững một “bóng xế” tráng lệ lấp lánh giữa thi ca.
Thơ Vương Ðức lệ không phẫn nộ, không vồ vập, không gào thét, không rên đau mà là những trăn trở của hình sông, dáng núi của những thầm lặng tưởng tiếc nhớ nhung giữa hữu hạn và vô cùng…”
Giở tập thơ cũ: Thơ Vương Ðức Lệ, Mấy vần thơ còn sót lại trong trí nhớ. Thấy những tấm ảnh ở bìa sau. Anh Mạnh Ðan năm 1967, tươi tắn mỉm cười. Nhưng những bức ký họa của Chóe, Phan Diên, Tạ Tỵ, và Ðằng Giao thì khác hơn. Những cặp kính đen nhìn đời. Những nét phác khắc khổ. Những hình tượng gợi lại một nỗi niềm nào đó. Có thể, là ảnh hưởng của chiến tranh, của vết thương trên mắt từ thuở Tết Mậu Thân ở Long An? Có một chút buồn rầu, có một chút thời thế ghé chân vào, trong cái không gian tối sậm, trong những nét vẽ như muốn hằn lên những dấu tích của đời người… Chân dung buồn và thơ như nỗi niềm man mác của những câu hỏi khó tìm được lời giải đáp về cõi nhân sinh mịt mù. Những câu thơ viết từ năm 1968, cách nay hơn bốn mươi năm vẫn còn âm vang:
“Một trăm năm trước ta nào có
thế kỷ sau này ắt cũng không
ta đến rồi đi và mất dấu
giữa trời vô tận đất mênh mông”
Thơ Vương Ðức Lệ, thơ của người không tuổi, không tên, của những nỗi niềm ẩn khuất sâu trong tâm hồn mỗi người. Dù tuổi hai mươi hay tuổi sáu mươi, cũng chỉ là chung những cảm xúc, của trời đất quanh ta, của những cõi người có khi trầm mặc nhưng cũng có lúc bão dông mãnh liệt. Những bài thơ lục bát, tưởng đã thành khuôn dấu của sáo mòn, nhưng có lúc thành một cộng hưởng của những rung động chung mang, của những âm ba mơ hồ quen nhưng thao thiết lạ…
Từ những trang giở vào bên trong, tìm đọc bất chợt một bài thơ, không chủ đích chọn, tình cờ. Như cái chết vừa đến với một người. Bài “Bóng Ngày Qua”:
“ Phân vân mở nắp quan tài
ngẩn ngơ ướm hỏi quan tài đó ư?
Ngày nào tóc biếc còn tơ
Giật mình sương điểm bạc phơ mái đầu!”
Cùng một trang, bài thứ hai, “Sân Khấu”. Cuộc đời có phải là một tấn tuồng gần đến hồi kết cuộc. Khép lại những trò chơi, xóa đi những khuôn mặt bôi vôi của vai hề nhạt nhẽo làm trò cười cho người khi giọt nước mắt thầm rơi:
“ Kìa tấm màn nhung khép lại rồi
soi gương người xóa mặt bôi vôi
ngoài kia trăm họ ai cười khóc
có xót riêng người nước mắt rơi”
Bài thứ ba, Hóa Thân, cát bụi lại trở về cát bụi, Em và ta cùng chia sớt với nhau những ngày tháng dương trần để rồi cũng phải theo lẽ sinh diệt tự nhiên của lẽ tuần hoàn;
“từ thân cát bụi ta về
cùng Em phận nhỏ ngồi chia cát lầm
dìu nhau suốt nẻo đường trần
quẩn quanh rồi cũng mộ phần chia hai
Và bài chót, trong cùng một trang, Một Ðóa Vô Thường:
“Ta đi quá nửa đường trần
qua cơn thành trụ, còn phần hoại không
Hạt tình kết quả tai ương
Hóa sinh một đóa vô thường đó thôi”
Thơ sao như nghe của người nửa bước cõi dương trần, nửa bước cõi âm cảnh. Không biết, tác giả làm những bài thơ này lúc nào mà nghe như lời trăn trối? Không biết có phải linh tính đã báo trước một chuyến đi thật gần? Hay, qua những cảnh đời biển dâu tang tóc, cái ý nghĩ của một người hiểu sự trở về của mình như vòng sinh diệt, như con đường rồi ai cũng phải ghé qua…
Những câu thơ Vương Ðức Lệ, dường như rất quen trong tiềm thức mỗi người chúng ta. Nếu nói rằng có khi chúng ta cũng có cùng hoàn cảnh, có cùng tâm tư như thế thì cũng chẳng sai. Thời thế này, cuộc sống này ai cũng đều phải làm quen với những chặng đường nhân sinh phải đi qua những hầm hố chông gai chờ sẵn. Và thế giới của thi sĩ, cũng là chung mọi người Việt Nam, của một thời đại có một không hai trong lịch sử kim cổ.
Tôi đọc thơ Vương Ðức Lệ, như chia sẻ cái liên cảm của người thơ. Hôm nay, ngẫu nhiên, trời lạnh. Và, cái khí hậu heo hắt của mùa thu ấy đã phả vào thơ nỗi niềm man mác trong tôi. Với thi sĩ họ Vương, tôi chỉ là người đọc thơ và chỉ gặp mặt một đôi lần. Nhưng, hình như tôi đã biết ông, lâu rồi, thuở còn xa xăm lắm…
Tôi nhớ, khi tôi còn là cậu học trò trung học, tôi đã biết và đọc thơ ông. Tôi cũng nhớ, tập thơ “ 40 bài thơ” mà ông in chung với nhà thơ Mai Trách, đều khác với những tập thơ cùng thời. Cái khổ thơ vuông vuông ấy làm tôi nhớ mãi đến bây giờ. Và nội dung thơ, cũng theo trí nhớ của tôi, thì rất nhiều dụng công để làm mới và theo tôi biết thìung Tĩnh có cái khác lạ cả về hình thức lẫn nội dung. Hình thức, thì từ cách trình bày đến khổ s sau này tập thơ ấy được giải thưởng văn chương toàn quốc về thơ năm 1961.
Bây giờ, khác với ấn tượng đã có, đọc lại tuyển tập “Thơ Vương Ðức Lệ” tôi lại thấy những bài thơ khá cổ điển, những bài lục bát, những bài tứ tuyệt,… Trong hơi thơ, thấy vời vợi những nỗi buồn và cái không gian thơ ấy đã lan tỏa để đi vào giác quan của người đọc. Những thi ảnh cũng có nét của bàng bạc, cảnh chỉ là nét phác thảo mờ mờ để chuyên chở tâm cảm người làm thơ.
Thơ, có khi là những dòng triết luận, của một tâm cảm nghĩ rằng đã gần đến lúc tàn cuộc. Nỗi chết, như “Bước Chân”, của khuôn cửa hẹp gần gần mỗi lúc:
“ mỗi bước chân đi, huyệt tới gần
người trăm năm níu mộng trăm năm
mới ngày mẹ dắt tay lần cửa
cửa hẹp trần gian khép lại dần”
Cũng có khi, chuyện rời dương thế chẳng phải toàn là nỗi buồn. Mà, có khi ở huyệt sâu, sẽ là nụ cười của một người thấy được cái dối gian của lời ai điếu:
“cánh cửa trần gian khép lại rồi
sầu tôi sẽ lấp, hãy chia vui
điếu tang chớ đọc lời gian dối
dưới huyệt sâu tôi sẽ bật cười”
Một chút siêu thực. Một ít trầm tư. Thơ như những tiếng gió vút qua. Nỗi buồn như quẩn bên người, những vần điệu ngân nga tận đáy lòng những vết đau nào thầm thỉ. Ngày trước, thơ Ðinh Hùng là của những thế giới nào hoang sơ của ngày khai thiên lập địa lúc trời đất chưa tượng hình cõi nhân gian. Còn bây giờ, ở thơ Vương Ðức Lệ cũng là một trần gian xa lạ, của nỗi nhớ niềm thương như gương soi thấy khác kiếp người..
“ .. Ta còn lại ngàn thu để ngủ
Em vội gì thêm nữa giấc cô miên?
Lạnh chỗ nằm nệm gối lỡ xô nghiêng
Anh thao thức viễn du miền cô độc
Giàn lửa kia ai châm mà lửa bốc
Ngút trời quên say đắm khói cay nồng
Hội chứng đêm cuồng tuyết giá mỗi mùa đông
Ðã sáng rồi ư? Lời anh cám dỗ
Ðêm ngàn thu hiển hiện giữa ban ngày
Ngất ngây tình, hồn xác thuở nào nguôi
Em vẫn đó hiện thân loài ma nữ.
Anh còn đây thuốc lú với bùa yêu
Ngoảnh mặt lại đã xa dần đất hứa
Ta trở về ôm mặt khóc vu vơ
nghe đất trời vần vũ đổ cơn mưa
Hang động cũ làm hồn nhau lạnh giá
Sóng thần dâng giữa một vùng biển lạ
Quần đảo xa ngăn cách trái tim người
Tình nồng nàn sắc tố vẫn còn tươi..”
Những hình tượng mơ hồ giữa có không, giữa bàng bạc cảm giác nguyên sơ và ngút ngàn không gian rộng khắp. Trong cái thế giới ấy, thơ chỉ làm gần hơn những con chữ, nối lại những liên tưởng và trầm mặc hơn, sâu thẳm hơn những nhận thức. Trong thế giới riêng mình thi sĩ, ảo giác và đời sống thực như nhòa nhạt vào nhau..
Ở phần đời thực, là những bài thơ về mẹ. Những câu giản dị, của những hình ảnh đã thành miên viễn không phai. Mẹ quê, của một đất trời thuở nào thơ ấu, của luống cải giàn dưa, của cái cò lặn lội bờ sông.
“cánh tay mướp vươn dài bờ dậu
mẹ nhìn ra luống cải vàng hoe
con đôi mắt tìm ong bướm đậu
tóc mẹ thơm hương bưởi bên hè
thương cái cò lặn lội bờ sông
mẹ về chợ cái tôm cái tép
ấm mái tranh xưa chiều hôm khói bếp
bữa cơm nào gạo mới đưa hương
ánh lửa hồng reo vui nồi cám lợn
vườn sau xanh lấm tấm dấu chân gà
trên cành trĩu trái na vừa mở mắt
lời ca dao mẹ hát buổi trưa xa..”
Ba bài thơ, ba không gian, ba thời gian của một nỗi niềm thương yêu về mẹ. Người mẹ sẽ lên đường đi định cư ở Mỹ để lại người con thi sĩ còn ở lại. Tử biệt, sinh ly, nỗi đau làm nghẹn lời và thơ cũng chỉ là những tiếng thầm ở trong lòng, ngân nga, đứt ruột. Bởi, ông biết, khi mẹ ra đi là sẽ không còn bao giờ gặp mặt…
Những mảnh hồn tan vỡ, trước ngày Mẹ lên đường:
“ngày mai ngày mốt Mẹ lên đường
biền biệt xa vời nẻo cố hương
năm tháng ngậm ngùi nơi xứ lạ
mắt gìa hoen lệ tóc pha sương
con biết một đi là vĩnh biệt
lòng con thổn thức khúc bi ca
hồn con dào dạt đau thương ấy
chưa khóc sao mi đã nhạt nhòa?.
Những mảnh hồn tan vỡ: ngày Mẹ lên đường:
“giữa tiếng phi cơ gào xé ruột
Mẹ nghe tiếng thét của con không?
Mẹ đi thui thủi mênh mông nắng
Xao xác thinh không nỗi bão bùng
Mẹ bước lên thang không ngoảnh lại
Mẹ ơi mắt mẹ đã tuôn trào
Ðôi dòng lệ ứa giờ tương biệt
có đớn đau nào hơn khổ đau?..”
Và những mảnh hồn tan vỡ: Sau ngày Mẹ lên đường:
“Hàng cây rét mướt buồn hiu quạnh
nhà Mẹ đây, hình bóng Mẹ đâu?
Lối chợ ai che màu áo cũ?
hồn con lãng đãng mộng xưa sau
Hỡi ơi đất rộng trời cao thẳm
hun hút ngày qua khuất nẻo về
Chợt ngước nhìn lên lầu cửa đóng
Chập chờn ai đó, dáng ai kia?
Ngõ hẹp vang câu vọng cổ buồn
Hồn con dào dạt sóng muôn phương
Bây giờ Mẹ ở nơi nào nhỉ?
Mây trắng giăng đầy mây nhớ thương..”
Với thi sĩ, thơ là tượng hình thật của cuộc sống. Bao nhiêu biến cố, bao nhiêu nỗi niềm chịu đựng, bao nhiêu nghịch cảnh để con người lớn hơn, mạnh hơn để có đủ sức đi mãi trên quãng đường trần, thì thơ, cũng chỉ là một phần đời sống. Ðể thơ tâm sự, để thơ nói về, để thơ sẻ chia, để thơ còn là ánh nắng tươi, còn là nụ cười hờng, cho cuộc đời không phải toàn tăm tối. Nhưng trong sâu lắng, thơ của thi sĩ vẫn chỉ là dằng dặc đất trời những nỗi buồn đau:
“nửa người vùi dưới đất đen
bàn tay co quắp vương lên với trời
hỏi đâu chiếc phận con người
ngàn thiên cổ lụy tiếng đời nỉ non”
Những thân phận trôi dạt, những mảnh đời tan tác lưu vong, hồn một nơi mà xác một chỗ, những lạc lõng muộn phiền, những đằn vặt triền miên của đời đã qua và kiếp dang sống, có phải là tâm sự của hơn một ai khác trong chúng ta, cũng tấm lòng của người ở Tần mà nhớ về đất Tấn, những vần thơ đã từ muôn triệu năm hiện hữu. Những chiếc lá vàng mùa thu hôm nay, có phải tượng hình nỗi sầu đã trải?
“Hồn gửi quê nhà, xác ở đây
ngàn trùng xa cách mãi Ðông Tây
nỗi sầu kim cổ ngoài vô tận
một sớm thu sang lá rụng đầy”
Viết về một nhà thơ, nếu chỉ đọc những bài thơ thì có lẽ chưa đủ. Vào giang sơn của thi sĩ, là bước vào một thời thế mà người thơ có mặt, mà ngôn ngữ thơ tượng hình từ những suy nghĩ và rung cảm của thời thế ấy. Với chiến tranh, có lẽ Vương Ðức Lệ có nhiều hệ lụy. Với thời thế, ông cũng có nhiều liên quan. Thế mà, hình như ông chỉ phớt qua những tâm tình ấy. Bị thương và mất một mắt khi làm trưởng đài phát thanh ở Long An, và bị tù khi tham gia vào Cao Trào Nhân Bản Việt Nam từ đề lao Gia Ðịnh, khám Chí Hòa, trại Z30C, có lẽ phải là những xúc cảm chính cho ngôn ngữ thi ca của ông. Nhưng trong tập “Thơ Vương Ðức Lệ, mấy vần thơ còn sót lại trong trí nhớ” chỉ có mấy bài họa hoằn. Theo nhiều người nói thì khi công an Cộng Sản đến xét nhà và bắt ông, đã tịch thu cả ngàn bài thơ. Như vậy, có thể những bài thơ ấy bị mai một chăng?
Thơ của ông, có phải là những bài thơ xưa, của những âm điệu cổ phong, của “quân bất kiến Hoàng hà chi thủy, thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi”?
Câu thơ xưa quân bất kiến Hoàng Hà
Ta bỗng dưng sầu thế kỷ qua
Tóc biếc xanh xưa giờ bạc trắng
Giữa đời địa võng với thiên la
Aùo cơm thê tử sao mà nặng
Cốt nhục thâm tình cũng ngẩn ngơ
Nghĩa cũ càng mong gì đáp trả
Mấy vần thơ úa mộng Nam Kha
Nghĩ quẩn ngày qua tháng lại qua
Bạn đồng trang lứa há riêng ta?
Thế thời ai vẽ tranh vân cẩu
Còn lại buồn hiu mấy tuổi già
Bẻ gươm quăng bút mai về đất
Tráng sĩ hành ca khúc túy ca
Chợt tỉnh hồn mê sầu cố thổ
Thơ xưa quân bất kiến Hoàng Hà…”
Có người nhận định tuy thơ của ông nói nhiều đến những nghĩa trang, đến huyệt sâu, đến phút lâm chung, đến lúc từ giã cõi đời,.. Nhưng không phải đó là một tâm trạng bi thương đầu hàng số mệnh. Trong bàng bạc cảm xúc, vẫn thấy ẩn hiện đâu đó những mầu xanh tinh khôi, những nụ mầm vươn lên từ cuộc sống. Và, ở tâm trạng của một người hiểu ra được lẽ tất nhiên của vòng sinh diệt, thì làm thơ như vậy cũng là một cách tạo ra cho riêng mình một thế giới, một vương quốc thơ mang tên Vương Ðức Lệ.
Viết về thơ một người vừa rời xa dương thế với tôi cũng chỉ là một cách thế để hiểu rõ hơn về người thơ. Ðọc những bài thơ, tưởng tượng ra những cảnh ngộ thi sĩ đã sống, tìm trong chữ nghĩa một chút gì để lại cho đời sau. Viết, chẳng phải để làm chuyện phê bình khen chê, mà, viết là để tìm lại một đời sống ẩn mật trong chữ viết.
Thời tiết mấy bữa nay âm u. Cái lạnh lẽo buổi sáng, cái mệt mỏi buổi chiều, như đánh dấu bằng những trang thơ buồn. Trên xa lộ, tôi đang tự hỏi, có phải trời đất cũng muốn “tưởng niệm” một người thơ đã rời bỏ cuộc đời.
Nguyễn Mạnh Trinh
Nguồn: Tác giả gửi
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ