Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

' Nhân Ngày mất Tưởng Nhớ Mai Trung Tĩnh " / Vương Trùng Dương ( Mỹ ) -- source: https://www.banvannghe.com/

 Nhân Ngày Mất, Tưởng Nhớ

 Mai Trung Tĩnh 

VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG


 Nhà thơ Mai Trung Tĩnh tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng sinh năm 1937 tại Hà Nội. Mai Trung Tĩnh làm thơ từ thuở thiếu thời, năm 1953 (16 tuổi) đã gửi những bài thơ đầu tay với bút hiệu Hương Giang cho tuần báo Quê Hương tại Hà Nội, do nhà thơ Hà Bỉnh Trung (1992-2012) làm chủ nhiệm

. Năm 1954 di cư vào Nam, theo học tại trường Chu Văn An và đỗ cử nhân văn chương tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Năm 1963 động viên vào Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Anh đã từng giữ chức vụ Trưởng Ban Chương Trình của Đài Phát Thanh Quân Đội trong một thời gian dài từ năm 1965 đến năm 1972, sau đó biệt phái trở về dạy tại Trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng.

 Mai Trung Tĩnh đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc (1960-1961) về bộ môn thơ với thi phẩm 40 Bài Thơ viết chung với Vương Đức Lệ (Lê Đức Vượng 1937-2008).

 Đây là sự chọn lọc với 20 bài thơ xuôi (thơ tự do) của MTT và 20 bài thơ vần của VĐL với giải 2 đồng hạng (Đinh Hùng được giải nhất thơ).

 Sau tháng 5-1975, Mai Trung Tĩnh bị tù 7 năm. Năm 1989, anh cùng Vương Đức Lệ tham gia nhóm Diễn Đàn Tự Do (Đoàn Viết Hoạt), năm 1990 bị bắt và bị giam cho tới năm 1994. Tháng 6- 1995, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện H.O, định cư tại Baltimore, Maryland và tiếp tục công việc sáng tác nhưng chỉ được vài bài thơ thì ngã bệnh. 

Mai Trung Tĩnh đã sống những ngày bệnh tật vì chứng mù mắt trái và ung thư não phải giải phẫu. Năm 1999, anh phải vào nằm trong Nursing Home, và những ngày cuối cùng Mai Trung Tĩnh đã hôn mê cho tới lúc thở hơi cuối cùng.

 Hiền thê 2 của anh chị Vũ Thị Thảo, đã chăm lo săn sóc gia đình, thăm nuôi anh suốt ngày tháng lao tù và tận tụy lo lắng trong suốt thời gian anh nằm ở Nursing Home.

 Nhà thơ Mai Trung Tĩnh đã qua đời vào lúc 9 giờ 25 sáng ngày 20 tháng 2 năm 2002 tại Nursing Home của thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland, hưởng thọ 65 tuổi.

 Ngoài tập thơ viết chung với Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh đã cho xuất bản Ngoài Vườn Địa Đàng (1962), Những Bài Thơ Xuôi (1969) và Thơ Mai Trung Tĩnh (2001).

 Anh nhận được giải thưởng của tổ chức Human Rights dành cho những nghệ sĩ bị tù đày.

 Vương Đức Lệ viết về Mai Trung Tĩnh:

 “Chúng tôi cùng tuổi, cùng học một lớp chuyên khoa (ban C) Trung Học Chu Văn An rồi Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Tôi với anh in chung thơ, viết chung sách, diễn thuyết chung, viết báo chung, làm việc cùng ngành truyền thanh và giáo dục, cùng trình diện nhập ngũ sĩ quan trừ bị Thủ Đức khóa 16, và cùng đi tù rồi sang Mỹ định cư ở Maryland, Virginia. Bạn bè thường gọi chúng tôi là cặp bài trùng. Tôi với anh đầy ắp những kỷ niệm. Tĩnh là người bạn đáng mến. Anh rất nể bạn. Đôi khi anh cũng thích tranh luận nhưng thường khi cố gắng bảo lưu ý kiến của mình. Tranh luận đến hồi gay cấn, e bạn phiền lòng hay mất lòng, Tĩnh thường buông một câu quen thuộc có tính cam chịu “thì đã đành” để chấm dứt câu chuyện. Đối với tôi, Mai Trung Tĩnh là một người hiền, không muốn làm phiền ai và ngược lại. Kể cũng sòng phẳng và đáng quý”.


 Khi được tin Mai Trung Tĩnh lâm trọng bệnh, nằm ở Nursing Home, ở Sài Gòn, bài viết “Mai Trung Tĩnh, Nhà Thơ & Người Lính” của Văn Quang cho biết về con người và nhân cách người bạn, nhà thơ: 

“Hồi còn làm việc chung với Mai Trung Tĩnh, tôi đã nghe anh trả lời một người bạn: “Ở đây không có ai là đại úy Mai Trung Tĩnh cả, chỉ có Nguyễn Thiệu Hùng thôi”. Anh nói thật chứ không phải đùa. Và trong cuộc sống, dường như Mai Trung Tĩnh phân biệt rất rõ ràng hai chuyện này khác hẳn với nhau. Cho nên trong thơ anh dường như ít đề cập đến nhân vật lính và vì thế người ta không gọi anh là “nhà thơ quân đội” như những nhà thơ xuất thân từ trong đời sống quân ngũ… Người lính của Mai Trung Tĩnh là một thứ bổn phận phải làm của người công dân. Đó là cảm nghĩ của tôi khi còn làm chung với anh một khoảng thời gian khá dài ở đài PT QĐ. Khi tôi về đài này thì MTT đã làm từ vài năm trước với Phạm Hậu (thi sĩ Nhất Tuấn). Anh làm trưởng ban chương trình đặc biệt. Ít ai biết rằng chương trình Dạ Lan do chính anh phụ trách và nó đã gây được một tiếng vang không nhỏ. Anh mới chính là linh hồn của chương trình đặc biệt này, hàng ngày công việc của anh là soạn bài, soạn nhạc và nhận chỉ thị đưa vào cách nào đó cho tinh tế và có thể nói không ngoa rằng cần phải có “nghệ thuật”, chứ không thể “dộng” vào một mớ những lời khô cứng thô thiển như ném cục gạch vào chương trình. MTT là người chắt lọc món ăn tinh thần ấy. 3 Tôi cho rằng anh rất thích hợp với công việc tế nhị này. Chúng tôi cùng làm việc với nhau, trải qua rất nhiều thời kỳ khó khăn về đủ mọi mặt, vượt qua nhiều ngày tháng khá căng thẳng nhưng chưa hề có một va chạm nào trong công việc. Vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp, vừa là cấp trên cấp dưới nhưng giữa tôi và anh luôn có sự thông cảm sâu sắc. Anh nhìn tôi bằng con mắt thân thiện, tôi nhìn anh bằng thái độ của một người cộng tác đứng đắn.

 Chúng tôi không đòi hỏi ở nhau những gì gọi là sự “hy sinh, dũng cảm” cho một danh từ nào vĩ đại. Tôi vẫn nghĩ, sự hy sinh dũng cảm nằm trong thái độ làm việc chứ không phải ở cái bề ngoài. Anh hãy làm hết việc của anh rồi anh muốn gì bên ngoài không phải việc của tôi. Đó là cách tôi vẫn thực hiện khi làm chung với bất cứ ai. Với MTT, ngoài cái nhìn bè bạn ra tôi còn nể anh vì thái độ đàng hoàng, bản tính ít nói, thực hiện rất sát mọi yêu cầu, không cần “bảo hoàng hơn vua” như những người khác… Rồi có một ngày anh vào phòng nói với tôi, anh muốn giải ngũ trở về với cuộc đời làm thầy giáo của mình. Đây là dịp, theo quyết định của quân đội, những nhà giáo như anh hết thời hạn động viên được rời khỏi quân ngũ theo đơn xin. Đó là quyền lợi và sự lựa chọn của anh, tôi hoàn toàn đồng ý, lập tức chuyển đơn. Ít lâu sau anh giải ngũ, trở về với cuộc sống xưa kia của mình…


 Rồi bất ngờ, chúng tôi gặp lại nhau trong trại cải tạo Tân Lập miền “chín suối mười đèo” Vĩnh Phú. Anh yếu hơn xưa. Cái hình ảnh MTT vận chiếc áo “cảnh sát dã chiến” rộng thùng thình bạc phếch, rách tả tơi đi trên cánh đồng giữa khung trời rừng núi mưa bụi mịt mờ tôi chưa thể quên được. Trông anh giống hệt như con gà mái xù lông, rã cánh vì mệt mỏi. Nhưng anh vẫn lầm lũi, cất bước nặng nề trong công việc lúc nào cũng như quá sức của mình. Anh không bao giờ kêu ca, phàn nàn có lẽ anh cho rằng có kêu ca phàn nàn cũng chẳng ích lợi gì. Gặp tôi anh vẫn thản nhiên thăm hỏi và chắc cũng như nhiều người khác cứ tưởng rằng với cai vóc dáng còm nhom của tôi không tài nào chịu đựng nổi vài năm trong trại. Anh nhìn tôi đầy vẻ ái ngại, trong khi tôi cũng nhìn anh như thế. Vậy mà vẫn cứ phải thản nhiên thăm hỏi nhau về hết người bạn này đến người bạn khác. Anh nói đến những người ở nước ngoài như những người từ một hành tinh khác và chắc anh cũng có ý nghĩ như tôi là chẳng bao giờ còn có cơ hội đặt chân lên cái hành tinh xa lạ kia… Trong cuộc sống vô cùng thiếu thốn khổ cực đó, MTT vẫn giữ được vẻ thản nhiên, lầm lũi, bình thản như cuộc đời sinh ra là như thế. Anh chiụ đựng trước mọi hoàn cảnh, chưa bao giờ tôi nghe được một tiếng than van. Trong hoàn cảnh ấy, rất nhiều người, nhiều trường hợp người ta dễ nổi nóng, dễ thay đổi tính tình. Nhưng với MTT thì ngay từ khi còn làm chung với nhau, tôi chưa bao giờ anh biết anh nổi sùng, cáu gắt với bất kỳ ai. Thái độ của anh cứ như thờ ơ trước mọi biến chuyển. Chỉ có điều khác là tôi cũng khó nhận thấy ở anh một nụ cười vào thời gian này. Trước kia thỉnh thoảng anh còn hóm hỉnh hoặc cất tiếng cười rất hồn nhiên vô tư với bạn bè và đôi khi anh cũng rất hóm hỉnh với những cô xướng ngôn viên, những người đẹp luôn luôn xuất hiện trong đài phát thanh. Dù vậy tôi cũng chưa từng nghe điều tiếng nào về anh. Mọi thứ dành cho anh như nếp gấp lâu ngày đã thành thói quen đanh cứng lại, anh không muốn từ bỏ nó, không muốn làm xáo trộn nó, nhưng nếu tự nó xáo trộn, anh cũng chấp nhận như việc hết sức tự nhiên. 4 Cái nhìn của tôi về phía Mai Trung Tĩnh là như thế…”.

 Trước năm 1975, Mai Trung Tĩnh với những bài thơ tình lãng mạn, điển hình như bài thơ “Lâu Đài Tình Ái” được Trần Thiện Thanh phổ thành ca khúc cùng tên được mọi người đón nhận:

 “Anh sẽ vì em làm thơ tình ái. Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài…”. 

Nhưng sau năm 1975, trong Trại Cải Tạo Nghe Tiếng Còi Tàu Hỏa:

 “Bỗng dưng vẳng tiếng não lòng Tai nghe tàu gọi mà không thấy tàu Đến đây ngay tự buổi đầu Chỉ mong một chuyến lên tàu về thôi Ta về như trở lại đời Ta về tìm lại tiếng hơi gia đình Ta về tìm lại chính mình Ở đây chỉ gặp bóng hình của ai Đêm là đêm của thở dài Ngày là ngày của kẽm gai thân tù Tàu đi rồi, bỏ ta ư? Đời ta chắc sẽ như “Giờ Hăm Lăm” Thân tàn qua các trại giam Thương chàng Mo-Rít lầm than tháng ngày”. Hôm nay còn ở nơi này Ngày mai biết sẽ lưu đày nơi đâu! (Trại cải tạo ở Long Khánh 1976) Nhà văn Lỗ Ma Ni Virgil Gheorghiu trong tác phẩm “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” xuất bản năm 1949, mô tả Moritz, một nông dân chất phác, hiền lành cam chịu nhiều oan khiên bị đầy đọa dã man qua các trại tù. Đoàn tù bị lùa váo toa tàu như súc vật. Khi chiến tranh chấm dứt, Moritz toàn là trại giam, những hàng rào kẽm gai… Những dòng cuối của tác phẩm: “… Moritz nhớ đến mấy cây số ngàn dây kẽm gai rào quanh các trại giam. Anh nhớ đến đôi chân bị cưa của mục sư Koruga. Anh nhớ đến những gì đã xảy ra từ mười ba năm trong các trại… Hai hàng nước mắt tuôn trào. Bây giờ, người ta ra lịnh cho anh cười, làm sao anh cười được. Anh thấy sắp khóc to lên như đàn bà. Khóc vì tuyệt vọng. Thế là hết. Anh không thể đi xa hơn nữa. Không người nào có thể đi xa hơn nữa!”. Khi vào trại tù ở Long Khánh, Mai Trung Tĩnh đã nghĩ đến hình ảnh bản thân như Moritz, Và, thật vậy, chỉ một năm sau, anh trở thành con người trong bài thơ Người Rừng:

 “Chúng đưa ta khỏi ruộng đồng Lên non tìm mãi vào từng bụi sâu Em xa rồi, chẳng thấy đâu Có gần, chẳng nhận ra nhau lúc này Nhìn anh ghê gớm mặt mày Tay cầm dao, cúi, luồn cây: Người rừng Ở đây không vợ không chồng Không hơi thở ấm tình thương con người Chỉ còn xao xác lá rơi 5 Và âm u bóng núi đồi bủa vây Chợt nghe chim lạ bên tai Hoang vu tiền sử là đây khác nào!” (Yên Bái 1977)


 Rồi sau bảy năm tù lần thứ nhất, khi trở về Sài Gòn với nỗi ngậm ngùi:

 “… Những thằng bạn cũ thuở nào đâu? Biết có còn ai để gặp nhau? Kẻ dưới đại dương, người viễn xứ Đứa thân tù tội chết thương đau! … Ta đi quanh quẩn trong thành phố Nước mắt bao lần muốn đổ mưa Một nỗi nghẹn ngào dâng choáng váng Hết rồi, tất cả đã xa xưa!”.


 Trải qua hai lần trong lao tù, khi được định cư tại bến bờ tự do, như lời Văn Quang:

 “Anh nói đến những người ở nước ngoài như những người từ một hành tinh khác và chắc anh cũng có ý nghĩ như tôi là chẳng bao giờ còn có cơ hội đặt chân lên cái hành tinh xa lạ kia…”. 


Thế nhưng khi đặt chân đến hành tinh xa lạ ngoài ước mơ, Mai Trung tĩnh mong được tiếp tục công việc sáng tác nhưng rồi bị hai căn bệnh ngặt nghèo cho đến khi vĩnh biệt cõi trần.


 Little Saigon, Feb 2017 

Vương Trùng Dương

 

Nguồn: https://www.banvannghe.com/a8196/vuong-trung-duong-nhan-ngay-mat-tuong-nhomai-trung-tinh

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ