Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

[Sài gòn]: những ngày này 60 năm trước

 huỳnh ái tông



Hôm nay, bỗng dưng tôi nhớ tới những ngày này 60 năm trước, tôi một cậu thiếu niên từ một tỉnh lỵ phía Tây Nam, sát biên giới Kampuchea, lên Sàigòn học tại ngôi trường ngay trung tâm thủ đô Sàigòn, hòn ngọc Viễn Đông.


Thật ra, khi lên Sàigòn học, tôi đã từng đặt chân lên đây, từ năm 1948, 1950, một lần trú ngụ ở cuối đường Mạc Đỉnh Chi và lần khác ở tại số 36 Sabourain, sau đổi thành Tạ Thu Thâu,(nay là đường Lưu Văn Lang phía cửa Đông chợ Sàigòn). Đó là 2 lần tôi được mẹ cho đi theo, thăm người anh lớn của tôi đang làm việc ở nhà thuốc Nhành Mai, cũng là nhà thuốc dán hiệu Con Rắn, cả hai danh tiếng vào thập niên 1950.

Đến năm 1956, trước khi nhập học trường kỹ thuật Cao Thắng, tôi lên đây một lần để dự kỳ thi tuyển sinh, ngày đó thi ở Trường Gia Long. Sau đó lại đi Trại hè học sinh ở Vũng Tàu, phải tập trung ở Trường Tiểu học Lê Văn Duyệt ở đường Phan Đình Phùng, rồi hết Trại hè lại trở về trường Lê văn Duyệt ngủ một đêm, hôm sau mới ra bến xe Lục Tỉnh ở đường Petrus Ký để ra về.

Cho đến năm 1956, tôi lên Sàigòn, tòa Đại sứ Mỹ vẫn chưa cất, nơi đó là bãi đất trống, tòa Đại sứ Mỹ còn nằm ở đại lộ Hàm Nghi, cho đến năm 1963 vẫn còn nằm tại đó và thượng tọa Trí Quang đã vào đây để tỵ nạn chánh trị.

Trở lại khi tôi lên Sàigòn học năm 1956, tôi ở nhờ gia đình người quen, anh ta là trung sĩ an ninh, gia đình ở trại gia binh, trại này nằm ở khu đất phía sau trường Chu Văn An ở nhà thờ Ngã Sáu, lúc đó Trường Chu văn An, khu sinh viên nội trú vẫn chưa có.

Năm đó Trường Kỹ thuật Cao Thắng có một chi nhánh tên là Trường Kỹ Thuật Phan đình Phùng tại địa chỉ số 2 Phạm Đăng Hưng, đó là cơ sở nằm trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học vụ, địa chỉ 48 Phan Đình Phùng, gần với Phở 44, bên kia đường là Đài Phát Thanh Sàigòn. Bên kia đường Phạm đăng Hưng là hông nhà thờ dòng Francisco, vì mặt chính nhà thờ có số 50 đường Phan Đình Phùng.

Tôi đi học phải đi xe Bus đi từ Ngã Sáu, xe chạy theo đường Minh Mạng, Ngã Bảy, Phan thanh Giản, Lê văn Duyệt rồi xuống bùng binh Sàigòn, nhưng tôi xuống xe khoảng tòa Đại sứ Miên, ngày đó tòa Đại sứ chưa xây, từ đây tôi đi bộ theo đường Phan Đình Phùng, lên tới trường học cũng khá xa; buổi chiều khi về đi ngược lại.  Buổi trưa ăn cơm quán ở ngã tư Phan đình Phùng, Nguyễn bỉnh Khiêm, ngày đó có quán của chú ba Đờn, đó chỉ là cái ki-ốt bán cơm đĩa cho người bình dân.

Vì anh trung sĩ an ninh phải đổi đi, nên tôi chuyển đến nhà một người quen ở trong hẽm xéo trước cửa rạp Việt Long, trên đường Cao Thắng, ngày đó đường Trần quý Cáp chỉ tới rạp Nam Quang mà thôi.  Khi ở đây tôi đi học bằng xe đạp, ở được vài tháng tôi lại chuyển về ở đậu nhà họa sĩ Phạm Thăng số 400/40 đường Lê Văn Duyệt, hẻm bên cạnh Thiên Hương Rồng Vàng, ngày tôi về đây vẫn chưa có hiệu bánh này,  đối diện với hông chợ Hòa Hưng, vì mặt tiền chợ nằm trên đường Tô Hiến Thành.

Năm đầu đó là năm tôi học Đệ Thất E, trung học Kỹ Thuật Cao Thắng, mỗi tuần có 2 buổi học ở trường Cao Thắng, tại số 65 đường Đỗ hữu Vị, đó là học 'hội họa' với giáo sư Trần văn Đặng trên cái lầu có đồng hồ như chợ Bến Thành hay các trường khác như Gia Long, Pétrus Ký, Bác Ái, Marie Curie.


Thời đó, tôi không nhớ chắc vào ngày thứ ba hay thứ sáu có xổ số kiến thiết quốc gia, những buổi xổ số tổ chức ngay trên lầu của tòa Đô Chánh, dân chúng được tự do vào xem, xổ xố quay bằng những bánh xe, có ca nhạc giúp vui, nào là Bạch Yến, Ban hợp ca Thăng Long, ban kịch Vũ Huân – Vũ Huyến … -- về sau mới tổ chức ở rạp hát Thống Nhất và quay với những lồng cầu.


Trở về Sàigòn, thăm lại những nơi xưa, nay chỉ còn một ít lưu dấu thời gian, một ít gắn liền với tuổi trẻ của tôi không còn nữa. Sàigòn luôn đổi mới, đổi mới sau cuộc di cư năm 1954, đổi mới sau khi quân đội Mỹ vào Việt Nam, đổi mới sau khi[ Saigon mất tên]; và, nhất là đổi mới sau thời kỳ đổi mới, Sàigòn khoác một bộ mặt mới, đường sá, nhà cửa nhất là xe cộ nhộn nhịp, ùn tắc.


Ngập lụt nhiều con đường khi trời mưa xuống. Dân số Sài gòn truớc 1975 là 3,498,120 người, đến năm 2012 là 7,750,900 sống trên diện tích của thành phố là 2,095.60 km, đến năm 2015 là 8,224,000 người. Do nhà cửa [xây] thêm, không có quy hoạch tốt nên thường xuyên ngập lụt, vì những nơi chứa nước ngày xưa nay đã xây nhà cửa, nước không có chỗ chứa tạm thời, nên tràn ra đường, tràn ra những khu khác làm cho ngập nhà, ngập đường. Đường ngập nhà nước nâng cao đường thì nhà hai bên đường ngập, nhà ngập người dân nâng nền nhà lên làm cho đường lại ngập, cứ luân phiên như thế.


         chẳng những ở các con đường mà cả phi trường Tân sơn nhất cũng bị ngập lụt



Tất cả đều do sự phát triển không đồng bộ, nói khác hơn là không có kế hoạch dài hạn, không hiểu được bao nhiêu năm nữa mới khắc phục được hậu quả nghiêm trọng này. 

Thành phố đông dân cư an ninh cũng không được tốt, người ta chết vì tai nạn giao thông và cả vì nạn cướp giật thường xuyên xảy ra.

Nhớ lại những ngày này năm xưa, Sàigòn xứng danh là hòn ngọc Viễn Đông, trai thanh, gái lịch sống trong xã hội an bình. Một thời xã hội thanh bình đã qua.   []

 huỳnh ái tông 

'nhớ lại những ngày năm xưa, Sài gòn xứng danh là  hòn ngọc Á đông ...'/  HUỲNH ÁI TÔNG



-----------------------------------------------------------------------------------------------------------



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ