Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

cát biển sầm sơn : hồi ức đặng anh đào ( tầm xuân/ đặng anh đào -- nxb hội nhà văn việt nam, hà nội, 2005)



                                                  cát bin sm sơn
                                                     hồi ức :  đặng anh đào


                                                đặng anh đào [1934 -     ]   (bên trái)
                                                                     một trong 4 cô con gái của nhà văn học Đặng thai Mai.               
                                                                                             (ảnh: Internet)

     Đứa bé khóc thét. Một con ong đốt vào chân có cớ để nhũng nhẽo, nó chuyển sang khóc hờn.  Ba nó đang làm việc; liền đi ra, tát  nó một cái, dấu tay hằn lên má đỏ lựng.  Đó là đòn đau nhớ đời duy nhất; mà, nó không hề hờn oán.  Mẹ nó khẽ khàng dỗ nó, [đưa] nó ra ngoài vườn.  Một vỏ hộp nằm lăn lóc; ngoài có vẽ hình quả táo tây.  Nó quên khóc, nhờ đến thứ nước ngọt mùi táo.

      Ngôi nhà xa xưa nhất ở khu vực rừng thông luôn luôn đầy trăng, đầy bóng dâm màu lục sẫm, viền sát bờ biển, cuối thị trấn.  Chỗ này bãi biển vắng người; những hoa cỏ kim
(có vùng gọi là 'hoa lông chông') giống con nhím vàng hình tròn, dứt khỏi cây, liền chạy long tong theo gió, không hề để lại dấu vết trên cát.  mặt cát trắng mịn, thật lạ lùng; vẫn xếp nếp theo đường vân, như lập lại làn sóng biển lăn tăn, nhưng đều đặn hơn.  Nơi ấy; chỉ ó những vết chân dã tràng li ti, là không bao giờ bị xóa hết. Bấy giờ, Sầm sơn hãy còn rừng.  Rừng thông, ổi, bạch đàn.

    Lúc kiếm được nhiều tiền hơn; ba nó thuê biệt thự của người bạn Huế, ông Hường Trâm, 'chủ nhà dây thép' . Thời đó; người ta gọi sếp của trạm bưu điện Sầm sơn như vậy. Biệt thự trồng toàn hoa tường vi; những chùm hoa lăn tăn lấm tấm hồng , tím nhạt xen lẫn bạch đàn mới lớn.  Mọi người đi tắm biển về, lôi từ đáy giếng  lên, những quả dừa ngâm nước ngày đêm, đập ra, uống -- có những chỗ nước đông thành giá tuyết.   Mấy chục năm sau ở Việt nam mới phổ biến tủ lạnh; cũng không thể tạo ra được những quả dừa có vị tươi mát đặc biệt như thế.  Cứ ra đến biển; là, đứa trẻ trổ nên đặc biệt háu đói.  Hồi ấy, sáng sớm; còn phải ra 'nhà dây thép' lấy thư từ.  Co khi trên đường về, đói quá, nó ngồi thụp xuống.  các chị lôi mãi; nó mới lê được về đến nhà.  Mẹ đang đợi, đĩa khoai lang ruột vàng lốm đốm đỗ trắng; loại khoai có vỏ trắng được gọi là 'khoai nữ'.

     Nắng lên.  Nó rượt theo những con bướm to sặc sỡ, đủ màu.  Mấy chục năm sau; một lần, xem 'thế giới động vật' trên ti-vi, giới thiệu các loại bướm quý hiếm, mới thấy lại những con bướm ấy.  Có một loại đặc biệt hiếm:  cánh nhọn tam giác, giống như hai cánh buồm bằng nhung, xung quanh viền đen; giữa một màu xanh nước biển.  Nó đã chụm 2 ngón tay  túm được đôi cánh run rẩy; bổng dưng rú lên bỏ chạy: từ đuôi con bướm đột ngột thò ra hai cụm lông như sâu róm nho nhỏ màu vàng.  Nó không ngờ loại bướm đẹp nhất; trong phút chốc, lại biến hóa ghê tởm đến thế.  Không bao giờ nó còn dám bắt loại bướm đó nữa.

     Ba không bao giờ có tiền để thuê biệt thưở premier rangée; biệt thự nằm ở hàng đường thứ nhất; sát biển, thường là của Tây -- hoặc, người đặc biệt giàu có.  Mỗi mùa hè; lại thuê một căn nhà, không bao giờ ở lại nhà cũ. ...  Biệt thự 'Tĩnh Gia Trang' có khu vườn râm bởi 2 cây phượng lớn.  Những con ràng rạc như con bọ hung to; cánh sọc vàng đen kêu răng rắc suốt ngày , át cả tiếng ve sầu.  Dưới cây phượng rực hoa lửa, nhà sử học Nguyễn thiệu Lâu, mắt mơ màng sau lằn kính trắng vừa kín đáo, nhìn dì Tân; vừa trả lời ba nó, " Non, non le  Việt sử est tout différent ..." (*)
  ---
  * "không, không cuốn Việt sử khác hẳn... " ( tác giả chú thích.)

   Một lần chiếu xuống; nó đứng ở cửa, thấy bên đường có chiếc ô-tô trắng đỗ lại.  Trên xe, một người đàn bà  bận áo dài, quần lụa đồng mầu thiên thanh bước xuống, mỉm cười. Hồi nó còn bé; những người đàn bà đẹp; và, mấy ông 'cẩm' Tây  gặp ngoài đường; hay mỉm cười với nó, không hiểu vì sao.  Giai nhân đứng thẩn thơ một lát bên vệ đường.  Đó là một trong những vẻ đẹp hiếm hoi, nó được thấy trong đời.  Hôm sau; nó nghe người ta nói,  'đó là vợ một ông 'bố chánh', người đàn bà đã khiến [vua] Bảo Đại bị đi khập
 khiễng (?). Ông' bố chánh' Quang đã bắn  vào chân người đàn ông, chạy ra từ buồng ngủ của bà bố chánh...'

    Ba nó luôn có những người bạn đặc biệt.  Người đặc biệt nhất đối với nó bấy giờ, có cái tên Ấn độ -- mà không cần nhớ -- bởi đơn giản , mọi người chỉ gọi là 'ông Tây đen'. Ông đen bóng; đội mũ nhưng mầu hoa 10 giờ sẫm, toàn mặc đồ trắng, giống như ông tây đen đen bán vải ở hàng Đào bấy giờ.  Một tối; ông báo tin vui :' vợ ông đã đẻ'.  Bà vợ việt nước da chỉ trắng hơn một tí, nằm giữa chăn nệm trắng toát; bà xấu xí, nhưng mặt ngời ngời hạnh phúc.

    Buổi tối, mọi người kéo nhau ra biển ngồi tới khuya.  Thuyền bè nằm ngủ san sát trên cát chờ ra khơi;  phải chăng biển hồi đó nhiều cá hơn bây giờ ?  Trăng sáng vằng vặc; vậy mà, ngay giữa khoảng cát rộng mênh mông, trẻ con chơi trốn tìm, chỉ cần ngồi thụp xuống là đã khó bị bắt.  Người lớn ngồi thành  từng nhóm, chuyện trò, đàn hát.  Những đứa bé con dân chài mí mắt, tóc vàng hoe; vì không bao giờ đội mũ, da đỏ như đồng, bưng cái khay gỗ, trên bày bánh 'patê- sô'; hoặc, bánh rơm đến mời mọc.  Bánh rơm làm bằng khoai lang thái chỉ, tẩm bột sắn; rán thành từng ổ sợi vàng ươm như tổ chim, trên có rắc đường.  Đơn giản vậy mà bánh có vị thanh, thơm.

     Giấc ngủ ở biển thật sâu và bình thản.  Nó ngủ say tới mức ; có lần giữa đêm, nó thấy nằm lùng bùng như trên võng.  Sờ quanh thấy mấy củ khoai; mới biết là mình đã rơi xuống gầm giường; mà, vẫn mắc trong màn.  Gầm giường thường để khoai lang.

     Ba nó hay thuê nhà của người quen, được giá rẻ.  Ông Nghiêm Toản cho ba nó thuê nhà .  [nhà ông ta lúc ấy mang tên đứa con trai 3 tuổi, Nghiêm Bằng.].   Nhà ở sát làng đạo, tháp chuông nhà thờ vút lên nền trời; đúng như bài tình ca  pháp đang phổ biến thời ấy:

                             " Tình yêu của ta, ta thấy lại gương mặt em
                               Một thị trấn cũ xưa, một tháp chuông làng ..."
                                                 (MON AMOUR, JE VOIS TON VISAGE)

    Bên cạnh biệt thự Nghiêm Bằng la nhà nghỉ mát, dành cho hướng đạo sinh ; bôn sói con theo đạo.  Bọn hướng đạo sinh rất ngoan; còn bọn con gái lại hay õng ẹo, làm nũng các   cố đạo Tây.  Hôm đó có một đoàn nữ tu vừa tới.  Họ ở sát ngay vườn biệt thự Nghiêm Bằng. Các cha cố Tây đến kiểm tra bữa ăn trưa.  Bọn con gái co bẻ ngoan ngoãn; trước bữa ăn, tất cả đều đứng dậy làm dấu [thánh], hát bài :

                             " Bénissez- nous, Seigneur!
                               C' est si simple repas, cette table foyante ..."
                               (Xin ban phước lành cho chúng con, Chúa ơi!
                                         chỉ là một bữa ăn đạm bạc gia đình." )
  
    Cùng buổi trưa hôm ấy, hoạ sĩ Nguyễn tường Lân, bạn của ba nó vừa xuống tàu; tới nhà chơi. [Khi các] cha cố đi khỏi; lũ hướng đạo sinh nữ bỗng thành lũ nặc nô; thò đầu qua hàng rào, hướng về phía họa sĩ -- họ 'hét' một bài hát quấy đảo rất phổ biến thời  ấy --- bài  'Úi chà là là ...', chỉ đổi lời đôi chút :

            "Móm xều là là, móm xều là là, như thế không chê được đâu !" (bis) ... " Móm xếu ..."

    Họa sĩ điên người; đứng dậy, mắng,  "Đồ mất dạy"  (cũng bister nữa!) .  Thì ra; họ đã là đồng hành với nhau từ trên chuyến tàu hòa Hà nội- Sầm sơn, sáng nay.  Và, đã gây gổ nhau ở đó; chủ yếu do cái cằm khá biếm họa của ông họa sĩ.  Còn nó; nó đứng ngắm cái miệng, cái cằm ông ta, với niềm vui vô tận,'thật đúng là 'móm xều'.

     Vào khoảng 1944; lúc nhà túng thiếu nhất, ba nó thuê biệt thự không tên của một ông phó lý -- cả nhà [cũng] đặt tên 'Biệt thự Phó Lào' (dân địa phương gọi tên ông ta, bằng tên đứa con đầu lòng.).  Biệt thự nhìn ra dãy núi 'Người đàn bà chết đuối'.   Giờ đây; đi vào đầu thị trấn Sầm sơn, vẩn thấy bà nằm với mớ tóc xõa dài khoảng mấy cây số, nét mặt cắt nghiêng in vầng trán; cái mũi, cái cằm thanh tú trên nền trời vùng biển.  Chỉ có phía bụng hơi phồng lên, do uống nhiều nước quá .  Chiều chiều, nó ra ngắm rỉa quạt xanh thẫm in trên nền trời biếc, cùng ngôi sao.  Hôm trắng xóa long lanh, một giọt nước mắt của trời đang sắp nhào sau rặng núi.

   Mẹ nó phải đi chợ Thanh bán đường phèn, đường phổi; lụa tơ tằm; [cả] vải thô dệt bằng khung cửi.  Lời lãi thế nào không biết; chỉ biết là mấy chị em suốt ngày ngậm đường phèn -- và, chị hai nó may những chiếc áo bằng tơ; và, vải thô thêu tổ ong, để mặc với quần đùi phông mầu lam rất 'mốt' thời ấy-- gọi là 'bouffant.

    Mặt ông phó Lào; đặc biêt là cái mũi bao giờ cũng đỏ lựng, vì rượu.  Thỉnh thoàng ; buổi tối, ông kéo lê tóc của một trong mấy bà vợ suốt dọc đường trước cửa ; đánh vợ, để giải tỏa cơn say.  Thằng Quế, con trai một của ông, cũng có khi bị đánh.  Ông cài 2 cành xương rồng áp sát 2 bên người  nó; và, quất.  Ai can cũng không được.  Chỉ khi ông Tây ở biệt thự trước cửa ra quát, ông phó Lào mới thôi.

    Trên bãi biển , sáng nào cũng có một người dài lêu nghêu, đen kịt, trán hói bóng lộn [như] đang ném đĩa.  Ông ta dừng tay để nói chuyện với bá nó: đó là Nguyễn đức Quỳnh, một nhân vật của Hàn Thuyên.  Dọc đường nhựa sát biển, chiếc ru lốt 'Mêly' đang lăn bánh cùng gia đình họa sĩ Hoàng lập Ngôn. ... kè đá viền đường nhựa sát biển chạy dài theo khách sạn Tây 'Reynauld'. 

    Trên kè đá ấy, một lần, nó thấy một người trắng trẻo như khẩu giò lụa; đi qua mặt ba nó, vẻ tình cờ dừng lại nói nhỏ mấy câu.  Sau; mới biết đó là ông Phan Mỹ, lãnh đạo phong trào sinh viên bị mật thám đuổi, đang tạm trốn về đây.

    Những biệt thự đẹp nhất của Pháp đang dần dần hoang vắng: Nhật đảo chính Pháp. Trước khi trường 'Lycée Albert Sarraut' rút đi; họ tổ chức buổi lửa trại cuối cùng.  Các nữ sinh Pháp xinh đẹp nhất múa điệu 'Tahitiennes' bên lửa; mặc đúng kiểu các cô gái 'Tahiti'. Những bông hoa trắng, tím 5 cánh mọc dại; (cũng được gọi là hoa 'tứ thời'.) kết lại thành váy khoác ra ngoài xi-líp, coóc-xê,, xâu thành vòng đội lên đầu, rung rinh theo điệu lắc hông, hoang dại.  Chỉ còn lại nhà 'Navaret' Tây lai nấn ná ở lại; họ mở lò bánh mì kiếm tiền.  Nhà đông con gái rất 'sexy', da luôm luôm khá xinh; nhưng, quá bỗ bã, bị cả tây lẫn ta  coi thường.  Tây đi; bãi tắm thôi không phân chia thành khu tây, khu ta.  Trước đây đi với tây, người việt nào lớ xớ đến tắm ở bãi đá, sát chân chùa Độc cước -- được gọi là'Terrasse' -- sẽ bị tây đuổi.  Rồi nhà 'Navaret' cũng phải rút đi.

      Đi tắm về; theo thường lệ --ba nó  có một người bạn nào đó đi kèm, vừa đi vừa nói  chuyện.  Nó lon ton theo sau; cố sải chân theo kịp 'vết chân chữ bát của cha'.  Người đi với ba đầu hói và trắng.  Đó là ông P.v.Giáo , chủ nhân một trong những biệt thự lớn nhất; nhưng không nằm trong bộ sưu tầm những biệt thự đẹp ở Sầm sơn của nó.  Ông [ta] đang giục ba nó nhận lời mời thành lập nội các của Trần trọng Kim.  Ba nó lắc đầu; bệnh dạ dày, cái bệnh kinh niên ... Chế độ Nhật xuất hiện ở khu nghỉ mát này có vẻ xa xôi, mơ hồ hơn ở bất cứ nơi nào; đứa bé đã thấy nó qua một khoảng cách chừng 300 mét.  Hôm ấy mọi người đều tranh cãi đi qua chợ Sầm sơn.  Nhưng trên đường lấy thư ở 'nhà dây thép' về; vừa tò mò vừa sợ hãi, nó liếc về phái chợ.  Xa xa; phía những lều chợ văng ngắt, có bóng dáng một người quỳ, đầu ngoẹo xuống, buộc vào một cây cọc.  Đó là thằng kẻ trộm bị lính Nhật bắn chế; bêu giữa chợ một ngày, một đêm -- để răn đe dân chúng.

    Trước khi rời Sầm sơn, nó lên núi ngắm tòa biệt thự 'Maiténa', biệt thự vào loại đẹp nhất Sầm sơn, của một chủ ngân hàng Pháp, vừa xây xong, chưa kịp ở.  Và, cũng không ai kịp ở; vì, sau đó nó bị phá hủy ngay trong những ngày đầu năm [19]47.  Khi phá hủy khách sạn 'Reynauld'; người ta kéo được dưới giếng  lên một thùng kẽm chưa đầy bạc Đông dương : phát hiện chậm mất chỉ ít ngày, một kho báu đã biến thành giấy lộn . ... Còn ở [một] khách sạn gần biệt thự của công sứ tỉnh Ninh bình; họ đào được một cái quan tài.  Đập ra; trong đó có một cái tiểu.  Mở cái tiểu ra; họ tìm thấy 2 thanh bạc, mỗi thanh 10 lạng. Cạo lớp bạc đi, ở trong là vàng.

      Song; ngày nó rời Sầm sơn, tất cả hãy còn nguyên vẹn. Cả những viên cát dã tràng; thủy triều xóa đi hàng ngày, vậy àm lúc nào cũng vẫn hằng hà sa số những viên tròn trịa nho nhỏ.  Nó dậy trước bình minh.  Trên nền trời đen sẫm như nhung; chợt xuất hiện những vệt đỏ thắm, hồng, vàng, xanh lá mạ, nâu ... Dường như ông Trời -- họa sĩ muốn phết bút thử màu lên cái 'palét' vĩ đại của mình, trước khi nhô ra khỏi biển.

... Giờ đây; biển Sầm sơn đông người đến nỗi mạnh hơn cả thủy triều; họ giẫm nát hết những viên cát li ti, dã tràng se không kịp.  Nhìn lại ngày tháng của mình; hoá ra, đó chỉ là những viên tròn đơn điệu , giống hệt nhau-- thủy triều không xóa đi; thì, chân người cũng giẫm lên mà không để ý.  Nhưng con dã tràng là tôi đây -- vẫn cứ vân vê; hình như không thể làm việc gì khác -- một khi sống nhờ biển. 

          16/8 -- 19/8/ 2004  
        đặng anh đào
      
                                                 (tr. 151-   160  TẦM XUÂN/  ĐẶNG ANH ĐÀO



                                         bản của Trung tâm văn hoá đông. tây in ấn, phát hành.
                                            - nxb hội Nhà văn Việt nam cấp phép năm 2005- 


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ