Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

đạo / phiếm luận; hoàng vũ đông sơn ( 'những mẩu rời thương nhớ/ hoàng vũ đông sơn' / văn uyển publishing company - san jose, 2015.

những mẩu rời thương nhớ 
văn uyển publishing company, 2015


                                                           đ o
                                                phiếm luận : hoàng vũ đông sơn


                                                       bìa sau NHỮNG MẨU RỜI THƯƠNG NHỚ
                                                                                (Văn Uyển Publishing Company, San Jose 2015)

Người sĩ Nho quân tử Việt nam xưa có quan điểm dứt khoát 'Tiến vi quan, Đạt vi sư'.  Trừ có vị nào dở hơi mới không 'Phù thế giáo một vài câu thanh nghị'.  Nên đã ở mức độ Tiến với Đạt rồi; thì tự cho mình phải có trách vụ dùng sở học là Văn để tải Đạo, mà đầy đủ là Văn dĩ tải đạo

    Đạo, có nghĩa đen nghĩa bóng, cáo thấp, xa gần, rộng hẹp khác nhau.  Đạo là tôn giáo kiểu 'Đạo khá đạo phi thường đạo' cao viễn quá,  tôi không dám lạm bàn.  Xin chỉ thưa thốt ở mức thấp bé, gần gần, hèm hẹp như Đạo tặc.

     Đạo tặc có nghĩa la giặc cướp, có thượng,  trung và hạ; để ích mình, hại người.


                                                                 ***

    Đạo tặc hạng bét, hạ đẳng nhất, là cướp của giết người; cổ ngạn thì hoá Đạo tặc bằng hai cặp 'chữ nghĩa', chẳng lấy chi làm thơm tho :

    " Con ơi! Nhớ lấy lời cha
    Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan."

    và ,

   " Con ơi nhớ lấy lời cha
    Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm "

    Với chữ Nho, nhất tự nhất nghĩa.  Còn nay dùng chữ quốc ngữ; thì phải chấp nhận sự đồng âm dị nghĩa.

   Theo Tây, Tàu nhố nhăng, Tam Nguyên Vị Xuyên Trần bích San dùng chữ Đạo; để đối hay đáp lại lời linh mục Trần Lục.  Chuyện vắn tắt như thế này :

   Trần Tam Nguyên vừa cư tang thân phụ xong, triều đình cử ông ra giữ chức tuần phủ Hà nội.  Trần linh mục cũng vừa được vua phong chức khâm sai tuyên phủ sứ.  Linh mục từ Phát diệm ra chào tuần phủ Hà nội.  Trong khi trò chuyện, linh mục rất ngạo nghễ, đưa ra một vế xuất, lại nói rằng người ta thách ông đối; nhưng ông bí, nên nhân tiện nhờ bậc danh nho hiển hoạn đối giùm.  Vế xuất của linh mục:
     "Bà cụ ngồi một cỗ, cụ đủ điều, cụ chẳng sợ ai."
     Tam Xuyên Vị Nguyên rất khó chịu, cố chối từ.  Nhưng linh mục cứ ép cho bằng được với câu: " Dù có khiếm nhã cũng chỉ là văn hành công khí mà thôi."
     Vì thế, nên có vế đối:
     "Một đạo há hai đường, đạo trộm cắp, đạo còn nói láo."

    Việc phải, quấy của 2 vị tiền bối, cùng một họ Trần kể trên, đã thuộc về lịch sử; cái thời tối om của dân tộc Việt nam [đã xa] rồi.

    Nhưng việc của thời nay, ngày nay; cũng nên biết một tí chơi, kêu con em, cháu chắt sau này nó cười cho là vẫn ăn cơm trời, uống nước đất mà ù- lì, việc gì cũng không nói, không nhìn, không nghe; để mít đặc, thì chuế lắm !


                                                                  ***

    Mấy chuyện ấm ương về Đạo; ngày xưa các cụ gọi theo nghĩa xấu, [để] chỉ giặc cướp, trộm cắp.  Bây giờ văn minh tiến bộ; nên có thêm chữ mới để xài, như : " Chôm, chĩa,luộc, thuốc, thuổng, cơm, chớp, giựt, bốc hơi, xơi tái, cầm nhầm, trấn lột, vồ ..."

     Đi tìm nguyên ủy chữ Đạo -- nghĩ xấu thì thấy các cụ dùng "Đạo diệc hữu đạo", nghĩa là "Kẻ giặc cướp, trộm cắp, cũng phải có phương pháp; tức là có đạo lý của giặc cướp, trộm cắp."

    Đó là quan điểm, lập trường của Liễu Đạo Chích, bào đệ của người hiền thứ thiệt Liễu hạ Huệ bên Tàu.  Ông ta đã xả vào mặt đức Vạn thế sư biểu là Khổng Tử; khi đức Thánh lấy tư cách đàn anh, bạn của Liễu Hạ Huệ la rầy Đạo Chích là vai dài sức rộng, văn võ song toàn; sao lại cứ đi đào tường, khoét vách, chôm chĩa của người ta.

    Đọc chuyện Đạo Chích bên Tàu thời Đông Chu; tôi ú ớ, chả biết Khổng Khâu hay Đạo Chích [có] là Thánh ?  Vậy đạo-diệc-hữu-đạo ở xứ ta bây giờ thế nào?

   Rất có phong độ để qua mặt đàn anh ' vĩ đại xa xa' kia.  Không cần luyện văn, tập võ; chẳng cần phải can đảm mưu lược cơ cỡ Đạo Chích; mà vẫn 'mần tốt' các công việc của Đạo Chích  thường 'mần'.  Vì thế, cái Đạo của ông Chích chỉ để 'chích' cái ngoại thân chi vật là Hạng Bét.

    Hạng Trung liên quan đến đến thân thể người ta, chia làm 3 phần; gồm: đầu, mình, chân tay, là gây 'máu lửa' nhiều nhất.

    "Tin bợm mất bò, tin bạn mất vợ; nằm co một mình."

    Tin bợm để mất bò đực hay bò cái là dại khờ.  Tin bạn để mất vợ cả hay vợ 2 là đần độn. Còn nằm co một mình; thì, chưa chắc?  Làm sao lại có cái 'của' quý hiếm để hoang hóa.  Một đấng ngang như cua bò đã luận giải rằng : Bợm là anh chị em ruột thịt với Bịp

 Bịp-Bợm hơn hẳn người ta; ở cả hình thức lẫn nội dung, tức là phong dáng bề ngoài tốt tươi, tàng chứa bề trong những cơ mưu ăn người.  Như vậy là các trự ấy không sòng phẳng với cuộc đời; nên mới có cái hành xử thiếu nhân tính.  Giá trị của các anh chị bịp bợm chi bằng một con bò?

    Nhưng, tin bạn mất vợ, hay mất chồng,  đau lắm chứ !  Không đau tí nào.  Bởi đã là bạn của nhau lại  'xơi tái' vợ bạn, chồng; một cách lén lút, hoặc 'chớp vợ', 'chôm chồng', thì không còn là bạn nữa; mà là thù.  Kẻ thù thì không thể 'khoan nhượng' được; phát 'lại quả' cho thỏa đáng. Đến bậc vương tướng, anh hùng tranh giành sơn hà xã tắc với nhau; ép nhau vào chỗ chết, vẫn kính trọng nhau. Thế nhưng, chỉ nghe thôi thì chưa chắc đã đúng. Mà đã hận thù 'trường trùng' là chuyện cha con ông Tào Tháo.  Thừa tướng nhà Hán bên Tàu xây đài Đổng Tước để hưởng lạc.  Chả mắc mớ gì đến 2 người đẹp Giang đông là Đại Kiều  và Tiểu Kiều.  Nhưng có kẻ đã ném đá giấu tay, nói, " Tào A Man xây một lầu Đổng Tước khóa xuân 2 Kiều"; khiến chủ của 2 nàng là Tôn Quyền và Chu Du quyết ăn thua đủ với họ Tào.

    Đàn bà đẹp  bao giờ cũng cao giá.  Họ là vưu vật để đời thèm thuồng tranh đoạt.  Vua tôi Đông Ngô  đem sinh mạng cả nước, dốc toàn binh lực ra để bảo quản tốt cho hai nàng Kiều là đúng .   Đàn ông con trai là thứ đồ bỏ.  Cao đức mẫu la rầy các quý tử mặt trắng:

     Văn chương chữ nghĩa bề bề
     Thần l ... ám ảnh cũng mê mẩn đời

     Cái ông Đinh Bạch Dân là  'dân bạch đinh' , nhìn thấy các công tử đẹp trai con nhà giàu, văn hoá cừ, chính trị cao, có đầy đủ phương tiện, để lả lướt, thì tự hỏi, " Các cậu có ăn cắp vặt hay không, hay là, lúc 'kẹt đạn' thì 'chà đồ nhôm' [chôm đồ nhà] để đi vi vút."  Phong dáng chịu chơi của các cậu ấy toát ra vẻ thời thượng; khiến ông Đinh bạch Đinh vui vẻ nhận định:

      Yêu nhiều thì ốm / Ôm nhiều thì yếu !

     Một danh nhân văn học nào đó, chắc là nhược sức; hay  'yếu địa' [tiền ít]; bị cho 'de', nên có cảm nhận cay cú, hằn học, than dài:

     Hỡi ôi ! Chí lớn trong thiên hạ
     Góp lại chưa bằng cái Lá Đa

     Cái đó còn 'tùy'. Ông Vị Ý, giáo chủ đạo 'Tùy' của ta về lý thuyết cũng tương đương với đạo Trung Dung của ông Mạnh[Tử], người Tàu; quan niệm rằng tất cả vấn đề của nhân sinh phải ngang bằng, sổ thẳng -- nếu để cho chếch mếch cung cầu là có chuyện.  Như anh lái buôn Lã Bất Vi thành công đại thành công trên chính trường.  Anh Lã tạo ra nước Tàu hùng mạnh, gôm thâu Lục quốc, khiêng cửu đình nhà Châu về Tần.  [Lã Bất Vi] muốn giết ai, tha ai, phong quan cấp cho ai; hay bãi chức tước của bất cứ ai, cũng được. Thế mà Lã Bất Vi lại thua 'cạn láng', bởi anh Lão Ái ngu si, dốt nát; chỉ có mỗi 'cái ấy'  đặc biệt.

    Chuyện bên Tàu dù đã xa xưa, vẫn là chuyện của nước người ta.  Đa ngôn, đa quá hóa ra xâm phạm chủ quyền, thì khốn !  Chỉ biết rằng đàn ông Việt nam ta, dù răng bựa, hôi hám tuyệt cấp; vẫn có giá trị.  Nồi nào úp vung ấy mà lị; đến chị em ruột thịt, khi  về 'sáng' --'cái ấy' đòi hỏi -- cũng không thể không đưa đề nghị,

     Của chua ai thấy chẳng thèm
     Em cho chị mượn chồng em một ngày
  
     và, cô chị bị cô em chối từ dứt khoát,

     Chồng em đâu phải trâu cày
     Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm

      Vì ngày thì có đêm, đêm dài lắm mộng.  Đó là chuyện ngày xưa; chỉ có đêm đen mới có cái sự 'xơi tái' nhau thôi.  Gan dạ như cô Kiều, vượt tường đông, sang nhà trọ với Kim Trọng, vẫn sợ ánh sáng ban ngày.  Có được chào mời, mà đêm thu trăng sáng cũng 'teo', nên mới có sự buồn phiền,
  
      Sáng trăng suông lại nghĩ tối trời
      Em ngồi em để cái Sự Đời em ra
      Sự đời như cái lá đa
      Đen như mõm chó, chém cha Sự Đời


                                                                  ***

     'Trộm đạo' cấp Thấp nhất,hạng bét là những thứ 'ngoại thân chi vật', như cái sự mất bò.  Nếu còn thích nuôi bò nữa, hãy cứ làm chuồng nhốt kỹ là xong.

      'Trộm đạo' cấp Trung liên quan đến thân thể người ta; mà lại là  'người ta'  của nhau, là 'nội thân chi bảo'; chớ mó vào mà oan gia !

      'Trộm đạo' cấp Cao tức là 'Thượng đẳng Đạo tặc', là ăn cắp, ăn cướp công trình tim óc của người khác, lấy làm của mình.  Nhẹ là 'thuổng' từng câu, 'cuốc' lấy từng đoạn, 'chôm chĩa' một vài chương khơi khơi, không ghi xuất xứ.  Việc phát giác, cứ đổ cho ấn công; nay là lỗi tại vi tính.  Còn nặng nhất là 'bê' nguyên con của người ta; rồi cứ nghiễm nhiên 'thay tên đổi họ' cho tác phẩm người biến thành của mình; thì thời nào cũng có.

    Thời tiền chiến đã xảy ra nhiều chuyện động trời, nói về vụ 'đạo thơ, đạo văn'. Mà, toàn là các danh nhân văn học, mới 'đáng nể',

    Chỉ đơn cử vài vụ về Văn;

     a) nhà văn Nguyễn công Hoan 'luộc' Đoạn tuyệt của nhà văn Nhất Linh, viết thành Cô giáo Minh.

     b) nhà văn Khái Hưng 'chôm'  Ngươc giòng'  của nhà giáo Từ Ngọc [ giáo sư Nguyễn Lân sau này] [ gửi dự thi trên báo Ngày nay]; đặt tên Thoát ly.

     c)  Nhà báo, nhà văn Hoàng trọng Miên 'thuổng'  trọn  [Lược khảo về thần thoại' của Nguyễn đổng Chi [ đổi tựa Việt nam văn học toàn thư], được 'Giài thưởng văn chương tổng thống Việt nam Cộng hòa 1957,' --   thời Đệ ! Cộng hòa]. 

      d) ông Nguyễn Nam Châu 'cầm nhầm' tài liệu giáo khoa triết học nhà trường của Pháp, để nhập nhằng như  mình là nhà tư tưởng sáng tạo.  Ông Phạm công Thiện là người phát hiện , và tố giác trên tạp chí Bách khoa.

    về Nhạc chỉ cần đổi 'lời' , đổi 'tên nhạc sĩ' là ' tác thiệt' , là có 'tác giả mới'  liền ngay thôi.  Cũng có cảnh ì xèo như kiểu 'con kiến kiện củ khoai' thôi.

    có 2 vụ đáng quan tâm:

    a)  nhạc sĩ tên tuổi Lê Thương bị một học trò hay đàn em, Tống [ngọc Hạp ['chĩa]  cả công trình bản thảo, rồi mang sang Paris cho bác sĩ Nguyễn mạnh Hà in . [nhà xuất bản Minh Tân].

    b) họa sĩ Trịnh kim Vinh , là Lưu hữu Phước phu nhân, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của phu quân, bằng một cuốn sách nói về 'công nghiệp' của ông.  Nhưng toàn bộ tài liệu đã cho ông bạn họ Trần [văn Khê] mượn để làm luận án  [ la musique traditionelle  vietnam-
ienne].  Thế là nhạc sĩ Lưu hữu Phước đã ra người thiên cổ; mà vẫn còn bị 'trấn lột'.  Họa sĩ Trịnh kim Vinh  muốn làm đẹp cho chồng và cho đời; cũng không sở cứ vào đâu mà tìm.


Về Thơ, thì bị 'vồ' vô tội vạ, ngang nhiên 'xới tái' của nhau.  Mở màn là thi sĩ Bàng bá Lân tự nhận là tác giả 2 câu:

      "Hỡi cô tát nước bên đàng
      Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"

   sản phẩm của con người để con người xài.  Mượn qua mượn lại đã thành tật; rồi thơ Tây, thơ Tàu, thơ Nhật bản ... biến thành thơ 'Ta'.  Có sao đâu. Như :

     a) Tiếng Thu có con nai vàng ngơ ngác, đạp lên lá vàng khô -- từ Nhật bản sang Tàu; rồi từ Tây sang Ta.

     b) bài thơ Nắng mới của thi sĩ Nguyễn Vỹ có 3 khổ 12 câu, in trên Hà nội báo, số 15 , ngày 15.4. 1936.  Cũng Nắng mới của thi sĩ Lưu trọng Lư 'sao lại y chang'; không thèm đổi một chữ; chỉ thêm vào 4 câu, là khổ thứ 4 -- in trong tập Tiếng thu [vào] năm 1939. Thế là, bài thơ Nắng mới có 2 tác giả thi gia :  [thơ của] ông Nguyễn Vỹ năm 1936; còn ông Lưu trọng Lư năm 1939. 

    chuyện mới tinh tính tình, cỏn nóng sốt, thơm tho như tôi phở Tàu Bay tái nạm gầu, vè, gân, sụn; có gia tăng nước béo -- sau 30. 4. 1975 -- vào những ngày lạnh lẽo. 

    Đó là chuyện:
    'BIÊN SOẠN HAY LÀ ĐẠO VĂN'

    Ông  Sơn Hoài [Hoàng Hoài Sơn] viết trên báo Pháp luật [cơ quan bộ Tư pháp] ngầy 6/ 7/ 2003, trưng ra bằng chứng. Rằng :
    Ông Quốc Đại  là ông 'Đạo' 99,9 %; vì chỉ đổi có cái tên tác phẩm gốc " Làm thế nào để giết một tổng thống?" của 2 tác giả Lương khải Minh và Cao thế Dung, Việt klều tại Mỹ, thành ' Ai giết anh em Ngô đình Diệm?" do nhà xuất bản Thanh niên in ấn phát hành. ( Giấy phép số 299/ 97- CXB, in tại Xí nghiệp in Sơn la. In xong và nộp lưu chiếu: quý năm 2003).

     bài viết của Sơn Hoài cũng cho biết cục Xuất bản đã có quyết định đình chỉ phát hành cuốn sách này. 

    Hai tiêu đề đặt ra trong bài báo:
   1) -"biên soạn + rút gọn" --  " đạo" 99, 9 %".

   ông Sơn Hoài cho độc giả biết thêm:

    " Làm thế nào để giết một tổng thống" in năm 1970 tại Sài gòn, có 11 chương, 133 tiêu đề.

    còn sách mới "Ai đã giết anh em Ngô đình Diệm"  bỏ đi 4 tiêu đề, " thay thế vài từ cho đúng ngữ cách."

    vụ việc này, ông Sơn Hoài khen ông Quốc Đại, " nghệ thuật biên soạn ... nhanh, gọn."

    2)  "Trò chuyện với nhà biên soạn Quốc Đại "

     cuôc gặp gỡ trò chuyện là cuộc vấn đáp.  Phát vấn là 7 câu mà ông Sơn Hoài hỏi -- và,  ông Quốc Đại đáp.

     nhưng cả 7 câu trả lời không làm ông Sơn Hoài thỏa mãn; sau đó, ông viết tiếp bài đăng trên báo Pháp luật [TW] để rộng đường dư luận.

   bao Pháp luật còn dẫn ra phần lý lịch của ông Quốc Đại : rất trang trọng, đóng trong khung,

   " Ông tên thật là Phan kim Thịnh, sinh năm Bính tý (1936) tại Lý nhân, Hà nam.[Bắc bộ]. Vào Nam định cư từ 1954.  Từ năm 1960-  1975 là chủ nhiệm tạp chí 'Văn học', 'Nhân văn', 'Báo Mới' tại Sài gòn.  Sau ngày Giải phóng (1975), ông hành nghề viết văn tự do; rồi viết cho các tờ 'An ninh thế giới', 'Thanh niên' ..., dưới nhiều bút danh: Lý Nhân, Vĩnh Lộc, Phan Thứ Lang, Hà Nam ... Quốc Đại là một bút danh khác; khi ông 'biên soạn' cuốn "Ai đã giết anh em Ngô đình Diệm?".


                                                                ***

     Trộm cắp đã trở thành ĐẠO để phát huy hiệu lực.  Việt nam ta đã coi Đạo Chích là đồ bỏ,, hạng bét; coi anh Lã bất Vi, lái buôn bán nước chỉ là thứ thường thường bậc trung thôi.      Vì vậy, cái Đạo mà anh Đạo Chích là tổ sư bồ đề; được anh Lã bất Vi nâng cao, phát triển thành Đạo Tặc rồi.
     Không biết cái trứng thứ mấy của Cao Quốc Tổ Mẫu Ậu Cơ sinh ra, đã truyền tử lưu tôn [cho] lớp lớp cháu con "thông minh tuấn tú tuyệt vời trên cả tuyệt vời " :

     Biết chôm chĩa, biết cầm nhầm
     Biết thuổng, biết cuốc, âm thầm bốc hơi
     Biết cơm, biết thuốc, của đời
     Biết trấn lột, biết vồ, xơi tái, liền ...

     HOÀNG VŨ ĐÔNG SƠN
           [1939- 2014]
      (BÌNH QUỚI TÂY, 8. 2003)


                      ( tr. 258 -283   NHỮNG MẨU RỜI THƯƠNG NHỚ )

      -----
      Phần' Thượng đẳng 'ĐẠO TẶC'
            gợi ý từ " Thư viết ở Sài gòn" của nhà văn Thế Phong. Tác phẩm do Văn Uyển ở San  Jose California, Hoa Kỳ, xuất bản tháng                     5. 2000. ( CHÚ THÍCH : H.V. ĐÔNG SƠN)
      




    

           

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ