Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

đôi mắt người sơn tây / thơ quang dũng - bài: hoàng như mai


                      đôi mắt người sơn tây  - thơ  quang dũng 
                                                           bài viết: hoàng như mai 


     Đọc lại Ngoại ô mùa đông 46 /  Văn Cao , hồi ức về những ngày đầu tiên tản cư , tôi nhớ đến một bài
 thơ Quang Dũng.  Sau khi các tỉnh phía Nam được giải phóng, tôi vào giảng ở đại học Văn khoa  tp. Hồ Chí Minh, nhiều sinh viên - nhất là nữ sinh viên -  cứ hỏi tôi về  bài thơ Đôi mắt người Sơn tây / Quang Dũng. Những người trẻ ấy  dành cho thi [ bản ] này  một cảm tình chân thành.  Và như thế là đúng.,  Đôi mắt người Sơn Tây mang một tình tự dân tộc trong một thời điểm lịch sử đặc biệt mà những lớp người sinh sau đẻ muộn, cỉ được đón nhận như vang bóng  một thời cũng đủ để bồi hồi xúc động :

                                           Em ở thành Sơn chạy giặc về 
                                           Tôi từ chi chiến cũng ra đi
                                                                 QUANG DŨNG 

     Hai câu thơ - mới chỉ có 2 câu thôi hiện trên màn ảnh ký ức  của những người này, trí tưởng tượng của những người khác, bao nhiêu hình ảnh của binh lửa loạn ly.   Có cái gì đồng nhất và có cái gì dị biệt giữa 2 con người, 2 thân phận, 2 nhân vật ở vị trí trung tâm của những cảnh tượng ấy.  Một cô gái và một người trai vốn là đồng hương, do sự xô đẩy chiến tranh đã phải  lìa xa quê hương và tình cờ gặp nhau trên những nẻo đường lữ thứ.  Ấy là những hoàn cảnh làm cho họ gần nhau.

    Nhưng cũng từ 2 câu thơ mở đầu ấy, ta đã thấy 2 con đường [ có ] số phận khác nhau.  Cô gái chạy giặc về, còn người trai thì ra đi.  Sau này , ta sẽ cùng thấy rõ hơn.

    Với  một dân tộc, trong suốt chiếu dài lịch sử, bao phen mắc phải họa xâm lăng, tình huống này quá quen thuộc:

                                        Thuở trời đất nổi cơn gió bụi 
                                        Khách má hồng nhiều nỗi  truân chuyên 
                                                     ..................
                                        Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
                                        Xép bút nghiên  theo việc đao cung
                                              

    Điệu đàn  thân quen ấy, cứ trổi lên là rót vào lòng người rồi.  Nỗi buồn lữ hoài bâng khuâng man mác.   Có lúc đã lắng xuống lại bị khuấy lên, vì sự kiện gặp người đồng hương :

                                        Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt 
                                        Trời xanh không thấy bóng Ba Vì 
                                                             QUANG DŨNG 

     Bởi vì ở đây là thời gian  tâm lý cho nên những dặm đường và những ngày giờ chia lìa quê hương càng vời vợi, càng đằng đẵng !   Và nỗi nhớ nhung càng da diết: quê Bất Bạt, bóng Ba Vì chìm lỉm . mất tăm trong không gian mênh mông, thời gian vô biên.   Nhưng bỗng nhiên, trên những nẻo đường không hò hẹn - trong chiến tranh có ai hẹn hò ai - vì có sự hò hẹn nào mà chắc chắn gặp lại người em quê nhà - người chiến sĩ thấy trước mặt tất cả quê hương thương nhớ :

                                         Vầng trán em vương trời quê hương
                                         Mắt em dìu dịu  buồn tây phương
                                         Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
                                         Em có bao giờ em nhớ thương !
                                                              QUANG DŨNG

    Những câu thơ thật hay, vì nó chứa đựng rất nhiều, có thể nói, nó ôm trong mấy chục từ tất cả  cái
vô cùng.  Người ta nói  những câu thơ hàm súc là thế !

    Tương truyền, đến thăm Hoàng hạc Lâu là 1 thắng tích  Trung hoa xưa, ai cũng muốn đề thơ.   Nhưng khi leo lên lầu, đọc thơ của thi sĩ Thôi Hiệu viết trên tường, thì không ai dám làm thơ nữa !  Vì cái chứa đựng của thơ Thôi Hiệu ghê gớm quá, bất kỳ 1 bài, hay nhiều bài thơ khác, đứng bên cạnh sẽ trở nên nông cạn, tầm thường :

                                        Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
                                        Bạch vân thiên tải không du du 
                                        ( Hạc vàng  một đi không trở lại  
                                         Mây trắng nghìn năm bay phất phơ ) 
                                              THÔI HIỆU

     Tôi thấy với những câu thơ viết về quê hương Sơn Tây, khó có nhà thơ nào qua mặt Quang Dũng !  Cũng quê ở Sơn Tây, thi sĩ Tản Đà, đang ngồi trên chiếu nhất trong làng thơ  - nhưng xin mạn phép ... nói rằng
xoàng quá !'

                                       Nước rợn sông Đà con cá nhảy
                                       Mây trùm non Tản cái diều bay
                                                           TẢN ĐÀ - NGUYỄN KHẮC HIẾU 
[ quả là xoàng  thật  !]

    Trời quê hương, buồn Tây phương, mây trắng lắm - lại đi cặp với - Vầng trán em vương, mắt em dìu, tôi nhớ xứ Đòai - tỏa ra một sức gợi cảm  êm đềm mãnh liệt vô cùng.  Những người  không phải quê hương Sơn Tây cũng bị thu hút, giống như 2 câu thơ :

                                        Khô héo lá gan cây đỉnh ngự 
                                        Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
                                             
        Khiến cho bất cứ ai  cũng vương vấn  , bâng khuâng với Huế ( tôi ngạc nhiên không hiểu sao vì duyên cớ gì, trong tập thơ Mây đầu ô / Quang Dũng- câu Mắt em dịu dịu buồn Tây phương lại được sửa là Mắt em như nước giếng thôn làng ).  Phải chăng để tránh  chữ buồn và e ngại Tây phương lại bị ngộ nhận là ... phương Tây.   Tất cả những ai đã có dịp đến thăm chùa Tây phương, đều cảm thấy cái buồn dìu dịu Tây phương là thế nào ? - - còn Mắt em như nước giếng thôn làng thì chẳng nói được gì cả ?)

    Người xưng Tôi đặt cho cô em gái cùng quê những câu hỏi dồn dập :

                                      Em có bao giờ  em nhớ thương ? 
                                      Từ độ thu về hoang bóng giặc
                                      Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
                                      Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
                                      Em có bao giờ lệ chứa chan ! 
                                      Mẹ tôi em có gặp đâu không ?
                                      Những xác già nua ngập cánh đồng
                                      Tôi cũng có thằng con bé nhỏ 
                                      Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông ?
                                                          QUANG DŨNG

     Những câu hỏi đặt ra  vừa mong chờ, vừa không có lời đáp.   Những ai đã trải qua cuộc loạn ly đều không lạ lùng gì với tâm trạng phức tạp này.  Không có lời đáp tốt hơn ! Bởi lẽ khi câu hỏi đặt ra là :
Em có bao giờ em nhớ thương / Em có bao giờ lệ chứa chan [ thì ] người   hỏi đã thừa biết lời đáp thế nào rồi.   Thế thì, với những câu hỏi về mẹ, về con- trong cái khung cảnh thê thảm  : Những  xác già nua ngập cánh đồng / Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông - lời đáp thà rằng không có còn hơn.

     Cho nên, trước những câu hỏi   của người trai cùng quê, người con gái không có lời đáp.  Lời-đáp-không-lời ở trong đôi mắt :

                                    Đôi mắt người Sơn Tây
                                    U uẩn chiều lưu lạc
                                    Buồn viễn xứ khôn khuây
                                          QUANG DŨNG 

     Đôi mắt vốn đã dìu dịu buồn Tây phương ấy, giờ đây phản chiếu  những cảnh tượng loạn lạc, chết chóc  càng thêm u uẩn.  Đôi mắt :  khung cửa sổ của tâm linh.

     ( Đến đây tôi lại phải thắc mắc một lần nữa với sự sửa đổi câu:   Buồn viễn xứ khôn khuây  ra  Thương vươn ruộng khôn khuây - trong tập Mây đầu ô / Quang Dũng -  Người thiếu nữ, hay thiếu phụ này đâu phải  là người nông dân :
 Em ở thành Sơn chạy giặc về kia mà ! )  .

     Trong chiến tranh chia lìa tang tóc là điều tất yếu, thì khuấy lên những niềm đau đớn làm gì nữa ?  Người trai tự thấy có trách nhiệm phải an ủi người em gái quê hương - và cũng là để an ủi chính mình - bằng viễn cảnh thái bình :

                                               Cho nhẹ niềm nhớ thương
                                               Em mơ cùng ta nhé 
                                               Bóng ngày mai quê hương
                                               Đường hoa khô ráo lệ       
                                               Bao giờ trở lại đồng  Bương Cấn
                                               Lên núi Sài Sơn  ngóng lúa vàng 
                                               Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc
                                               Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng 
                                                                          QUANG DŨNG

       Cũng như  những câu thơ đã dẫn bên trên, với những câu thơ này, thi sĩ Quang Dũng xứng đáng được ghi trong tiểu sử : thi sĩ Sơn Tây.  Nếu như cái gì  rồi cũng đổi thay, sông cũng có ngày cạn,  đá rồi cũng mòn - thì Sơn Tây  còn lại mãi với cánh đồng Bương Cấn đứng trên núi Sài  Sơn trông xuống , lúa vàng vàng óng- còn sông Đáy chầm chậm chảy qua phủ Quốc oai, tiếng sáo diều reo vui trong đêm khuya , trăng tỏ ... của thơ Quang Dũng.

    Thanh bình là điều mong ước của mọi người .   Thanh bình là điều thi sĩ Quang Dũng thiết tha nguyện cầu cho người em gái [   ]  đôi mắt u uẩn ấy.  thế, nhưng :

                                              Bao giờ  tôi gặp em lần nữa 
                                              Thuở ấy thanh bình chắc nở hoa
                                              Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
                                              Còn có bao giờ em nhớ ta ? 
                                                                     QUANG DŨNG 

    Không phải  em nhớ tôi, vì là thi sĩ tự nói với mình, lòng tự nhủ lòng.  Thanh bình nở hoa là điều chắc . Gặp lại em lần nữ là điều rất có thể.  Nhưng một khi đã hết sắc màu chinh chiến cũ, người thiếu nữ hay thiếu phụ trở về với cuộc sống ấm êm hạnh phúc, liệu có còn lưu lại trong kỷ niệm: cái hình bóng người chiến sĩ, người bạn trai cùng quệ gặp gỡ [ vào] một chiều lưu lạc kia chăng !~   Thời chiến, khi đang sống thì lâu: một ngày tưởng như cả thế kỷ, nhưng khi qua rồi, thì lướt trong ký ức như bóng dáng một con tàu ngoài khơi.   Bao nhiêu sự việc, bao nhiêu con người hợp rồi tan, gần rồi xa, tụ rồi tản  -   nếu như  cô gái không nhớ  một trong  ngàn. vạn anh bộ đội đã gặp trên những nẻo đường chạy giặc, thì cũng chẳng có chi đáng trách !

    Như vậy, bao giờ tôi gặp em lần nữa có cần không ?  Có nên  không ? Cuôc sống này: mây trôi, nước chảy.

    Khi tôi viết bài này , thì ờ Hànội, thi sĩ Quang Dũng đang bệnh..  Anh bệnh đã mấy năm nay. Lúc này, anh vẫn ú ớ  nói được vài tiếng; nhưng các bạn không hiểu được anh muốn [ nói ] gì ?

   Tôi nghĩ đến...
   Và câu thơ : Còn có bao giờ em nhớ ta  cứ vương vấn tâm trí tôi, như một sự ám ảnh , bồi hồi ! []

       hoàng như mai

(  trích THƠ MỘT THỜI  / HOÀNG NHƯ MAI  - Nxb Tiền Giang 1989 -   tr. :  13- 19)

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ