Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

nhà văn tác phẩm cuộc đời /thế phong 18 -1

                   nhà văn  tác phẩm cuộc đời    
                                 tự sự kể : thế phong

                                                   7

     Chưa bao giờ nản hơn những ngày ở xóm đạo Tân sa Châu, sau  ngày Cao Mỵ Nhân đi rồi.   Căn  nhà trống trải, rộng thênh thang kia, có còn gì ngoài một chiếc giường, 2 chiếc gối màu xanh, màu đỏ,  1 chiếc khăn hồng và chồng bản thảo  cùng những chồng sách 
 chất ngổn ngang.   Trên bàn, chẳng còn gì, nhện muốn chăng tơ chứ việc chăng -  chả thiết lau , quét nhà - mà thường ra,  tôi  là người khá ngăn nắp.  Nhìn nhà bẩn là tôi không chịu được, nhưng, giờ này bụi bậm chất chống.   Nằm ngửa trên giường, lấy 2 tay làm gối, nhìn lên , nhìn nghiêng,  chán mắt bèn nhìn  ra  phía ngoài.  Chẳng còn gì đâu, tấm  chân dung 2 đứa chụp phóng lớn treo trên vách, nay, tôi hiến thấn lửa đốt cháy tiêu tan.  Chỉ còn  bức tranh Thon nhỏ của Vị Ý tặng, gọi  là quà cưới tặng trước treo trên vách.   Bức họa vẽ 1 đàn ông, một cô gái (  có thể sắp thánh  đàn bà khộng chừng ? )  đang hôn nhau , nàng đã bỏ nón ra .

    Nhìn sang phía kia,  hai cánh khép, chìa khóa lủng lẳng bên ngoài.  

     Sang nào, tôi cũng dây muộn, đấy là thói bất thường  mới xảy ra, báo hiệu nỗi chán chường sắp bủa lưới .  Và những ngày, những tháng này, liệu còn kéo dài được bao lâu nữa ?  

     Một buổi sáng bà chủ nhà sang gõ cửa, câu đầu tiên hỏi vọng   từ ngoài vào :  sao cậu buồn quá vậy ? . Đánh  đứng dậy ra mở cửa tiếp bà, cố gượng vui,  để họ không tin  tôi hiện đang buồn, đang chán.  Bà cho biết, có 1 cặp vợ chồng son- trước kia, từng mướn nửa căn nhà hiện nay tôi đang ở -   Họ trở lại, nhờ chủ nhà sang nói với tôi, nếu được,  họ mướn  lại một nửa nhà.  Bà hỏi, tôi có gặp chị ta không, cả chiều qua lại đây định sang gặp ; nhưng, tôi đang ngủ, lại thấy tôi có vẻ nghiêm nghị quá, chị ta không dám bắt chuyện.   Tôi bật cười, hỏi chủ nhà, vậy chồng chi ta làm gì,  được biết ngay là trung sĩ ngành truyền tin.  Vợ chồng hiền lành, bà chủ nói vậy.

    Thì  đành vậy, trước kia, tôi có lương 2000 đồng / tháng, căn nhà thuê 700 đồng , có gì là ngại ngần !   Bà chủ xin phép ra về, cho hay chiều nay chị vợ trở lại xin gặp.

   Hẳn rằng,  hàng xóm chung quanh lấy làm lạ về chủ căn nhà thuê , đi làm, ở nhà chẳng ai hay !  Nhớ lại, buồi đầu dọn đến, họ hỏi làm công chức thì làm ở đâu? Cán bộ là cán bộ ngành gì,  người lương hay  có đạo.  Trả lời nhát gừng,   làm ở  bộ Công dân vụ,  người lương hay có đạo có gì là quan trọng?    Vừa đi làm vừa đi học, cần nơi ở yên tĩnh.   Nhưng không  ngờ cách trả lời này,  chỉ muốn họ cho tôi sống yên thân, không hỏi han lôi thôi  mà thôi.   Không ngờ ở đầu ngõ, có một nhân viên ở bộ Công dân vụ biết tôi, kể chuyện cho hàng xóm nghe, họ không tin  tôi  vừa đi làm đi học.  Họ bảo tôi kín đáo lắm!

   Thế rồi , có  :     một ông gíám đốc vừa đến chơi với ông Phong đấy mẹ thằng cu  ạ, họ quan trọng hoá đấy thôi, có ai là giám đốc, dám xúi đâu ? . Mà chỉ là chủ sự  1 phòng   ở bộ Công dân vụ mà tôi quen từ khi làm ở bộ Thông tin.    Anh chủ sự  vốn là cán bộ trung cấp biết  , từ khi tôi làm ủy viên báo chí tổng trưởng thông tin  Phạm xuân Thái,  năng lực học,  Diplôme xưa, thỉnh thoảng lên phòng tôi mượn báo Pháp đọc, anh ta rất thích tờ Climats , đọc báo  như  duyệt lại căn bản tiếng tây,  lại còn  chứng tỏ quen ủy viên  báo chí.   Những bùa phép nhỏ nhoi của  viên công chức kia có lắm cái thật buồn cười, nhưng nó cần thiết cho  cách  sống   dân nhược tiểu hôm nay.   Sở dĩ, tôi biết chuyện này, ấy là,  buổi chủ nhà  sang sửa sân sau nhà tôi thuê, hỏi chuyện ông giám đốc kia, và cho biết ông ta sang đây hoài mà không gặp .  Nhờ chuyện này, tôi đã có uy tín ảo đối với họ rồi -   có khi chịu đôi ba tháng tiền nhà ,  chắc họ cũng cho qua.   Lần đầu, chịu tiền nhà 2 tháng, họ chỉ nhắc qua loa thôi.

   Nhưng đến 1 hôm, cái uy tín ảo của tôi khó kéo dài được nữa, vì ông giám đốc kia chẳng còn quay  lại , bởi,  tôi đã xin thôi việc -Trước, anh ta đến thường xuyên vì tin là có thể nhờ tôi nhiều  chuyện khác.  Chẳng hạn, nếu khi tiện dịp, ông bộ trưởng có nhắc tới tên chủ sự phòng ( là anh ta) , ít ra tôi cũng giúp anh đôi lời mạ kền.  

    Một lần khác, bà chủ nhà sang  tôi chơi,  không phải đòi tiền nhà, nhưng , có ý  muốn mượn  bộ com-lê xám cho con trai đi ăn cưới.   Không thể từ chối, vỉ bà đã thấy bộ com-lê  phơi nắng một đôi lần, đưa cho bà, nhưng lòng thì buồn, cảm thấy nhục nữa.  Không phân biệt giai cấp, nhưng, bộ com-lê lịch lãm của tôi bị một anh chàng lao động  dùi đọc chấm mắm cáy mặc , thân hình vạm vỡ, da đen đủi, chân to bàn cuốc, quả  khôi hài !  

    Đưa cho mượn rồi, rất tức mình, bèn đi suốt ngày mất mặt luôn, ấy là tôi ra Vũng Tàu tìm một chân  giáo sư dạy tiếng việt hoặc pháp  ngữ.  Khi  tới gặp anh bạn ,  được biết,  đã có người dạy kiêm giờ rồi - mà lý do sự kèn cựa này - từ 1 giám học cần thêm một món tiền phụ trội,  đã  gián tiếp đẩy một giáo sư đi để  dạy thêm . Thế mà tôi cứ tưởng họ cần giáo sư , nào đăng báo, nào  bắn tin mời mọc tôi nhiều lần .  Chuyện đời có muôn ngàn mánh lới xấu xa, bịp bợm, chẳng ai có thể tự hào biết hết mà chặn đầu, chặn đuôi.

   Tôi đành mua vé trở lại Saigon, ngồi trên xe muốn ứa nước mắt.  Có 1 buổi đến  nhà in hiện đang in sách của tôi, gặp Thuận, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh.    Anh  Nguyễn Thuận, một thanh niên trẻ tuổi, chủ một quán  ki-ốt sách báo ở Mỹ Tho, trước kia từng bỏ nhà đi, với 2 bàn tay trắng, đi bán sách xon, hết Cần Thơ lại về Mỹ Tho, nay có chút  tiền bèn  nhà xuất bản nhỏ, vừa in sách giáo khoa, và sách văn chương.  Chúng tôi sấp xỉ trạc tuổi, dễ thân, và nhất là , tôi thấy cần anh nhiều hơn.  

     Chúng tôi đi ăn cơn lao động tại quán cơm một bà  người  Tàu, từng là vợ một thiếu tá Trung hoa Tưởng giới Thạch  sang Việtnam , sống cho qua ngày đoạn tháng, ở trước  hãng Lambretta *  .   Món thịt bò  kho  ở đây thật tuyệt, từ nhà  thuê tới  quán ăn không mấy xa ! 
-----
*  bây giờ là ' Third Field Hospital '  của Hoa Kỳ - đối diện Bộ Tổng tham mưu quân  lực VNCH. 

     Lúc này, vợ chồng trung sĩ truyền tin đã tới   ở nhà thuê  chung với tôi rồi.  Họ dễ  thương thật, anh chồng hiền lành, Thuận tới nhà chơi khen họ hết lời và  thấy trên bàn , tôi đang viết giới thiệu Constant Virgil Gheorghiu qua Lữ hành cô độc, và Jacques Perry & thế nào là phi lý ?    Biết là lọai sách phổ thông, khoảng trên dưới 1000 trang in, Thuận bằng lòng in  trước cuốn C.V.  Gheorghiu qua Lữ hành cô đôc. *    Lần đầu in 1500 cuốn, giá bán dự trù 1500 đồng / cuốn.  
------
*  cuốn sách nhỏ bé này giới thiệu Lữ  hành đơn độc / CV Gheoghiu xuất bản 1962.
  ( 72 trang, khở 13 x 19cm ,  in xong tại nhà in Nguyễn Trọng, Gia Định ngày
 28-3-1962,  Bút Nghiên , 42 Trưng Trắc, Mỹ Tho xuất bản , sách còn đặt bán tại
 11 Trương công Định, Saigon 1.  
      thời kỳ đệ I Cộng hòa ( 1955- 1963) , tổng thống Ngô đình Diệm  trị vì, văn chương chống mác xít được hoan nghênh triệt để, vì cớ đó,  tiểu thuyết Gheorghiu nhất loạt được báo chí Saigon dịch, đĂng feuilleton , vừa câu đọc già, vừa phù hợp đường lối chinh trị chính phủ  chủ trương.  Và CV Gheorghiu còn được xuất bản thành sách ( Nxb Khai Trí , 2 tập  )  -  dịch giả , cặp vợ chồng Lê ngọc Trụ + Võ thị  Hay.
    nhắc tới Lê ngọc Trụ, một gương mặt tự học, không tốt nghiệp khoa bảng, soạn giả Việt ngử chính tả tự vị , Khai Trí tái bản, sách 14 x 20 cm, dày 706 trang, được giải Văn chương toàn quốc năm  1961 ( vnch)   bộ Văn hóa  trợ cấp 1967  ( in trên  bìa 1: LÊ NGỌC TRỤ -  Giáo sư diễn giảng Trường Đại học Văn Khoa Saigon ) . Ông còn là  bầu bạn, đồng lứa, đồng sàng  "  giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Văn Khoa"  như thi sĩ Đông  Hồ   -    điều này, chính  là  cái  gai trước mắt đồng nghiệp khoa bảng , thì phải ?  
     cùng nghe giáo sư Nguyễn đình Hòa , tốt nghiệp đại học danh tiếng ở Hoa kỳ - rắp tâm' soi mói các tay  ' giáo sư thỉnh giảng nhảy dù mới ngoi lên :

      "... vị này - ám chỉ Lê ngọc Trụ làm ở  thư viện -   con mọt  loại sách Tây
 Que sais je ? - nay là  "   đồng nghiệp đáng kính  của tôi " - cũng ở bục giảng này, từng dạy các anh chị đó ..." 
    ( theo lời kể Nguyễn thế Văn ( 1934 - )   ký bút danh Lữ quốc Văn - giáo sư trung học trường trung học Ngô Quyền,  Biên Hòa, từng là hiệu trưởng một trung học tư thục ở Biên Hòa  ( trước 1975).

       cuốn Gheorghiu  qua Lữ hành đơn độc  / Thế Phong, nơi trang 6, có ghi  tặng:

      " Gửi bà THANH MY để cảm ơn lời khích lệ, trong khi đời sống thúc bách - tôi -  định bỏ dở trang viết giới thiệu Gheorghiu này " ( tháng 4/ 1961 /  PHONG). 

       bà Thanh My, khi ấy,  nhân viên Nhà sách Portail ( Xuân Thu) ở 185 đường Tự Do, Saigon 1  từng nhận sách NỬA ĐƯỜNG ĐI XUỐNG, tự truyện THẾ PHONG, in rô-nê-ô, ảnh chân dung tác giả  chình ình, choán gần hết bìa trước, kích cỡ bìa 21 x 33 cm .  Khi  đem sách ra trưng bầy  ngoài tủ kính trông ra mặt đường Tự Do, bà kể lại:"... cũng là Nếu anh có em là vợ, thơ Thế Phong, in rô -nê- ô, bán mắc quá trời 200 đồng / cuốn , từng được đọc giả, phó tổng thống Nguyễn ngọc Thơ lấy sách trên kệ xuống, ra quầy trả tiền.  Vậy độc giả của ông  có nhiều lọai người đấy, ông 
Thế Phong ạ ...!" 
     ( chú thích sau ) 
     

    Thế là may rồi, vừa có tiền lại có sách được in ra .  Nhưng, Thuận vốn lá người keo kiệt, anh trả  tiền  công- tờ gút , lúc 2, 3,  khi nhiều nhất 4 trăm đồng / lượt.  Có khi  túng qúa, tôi mượn  trước 5, 3 chục đồng để ra quán  Tầu,  ăn cơm xong mới đủ sứ đạp  xe đạp tới nhà in .

     Từ nhà tôi đến nhà in hộp quẹt Tư Cao * ở gân Lăng Ông Gia Định khoảng  5 cây  đi, 5 cây về.   Dưới trời nóng bức như lửa đốt, đạp xe ngoài đường thật khổ tâm, nhưng chẳng  hề ta thán. 
-----
*   một máy pédal  đạp chân  cỏn con , thường ra chỉ in danh thiếp, đồ lặt vặt, nay in sách  chỉ  in  2 trang một.  Tư Cao có vóc dáng người to kềnh,  vợ cùng quê Cần Thơ.    In giá rẻ, cho chịu,   thu hút một số  tác  gi đem sách  đến in, như tập thơ đầu tay Du Tử Lê, thơ Trần tuấn Kiệt và  mấy cuốn sách  triết  Bùi Giáng , ngoài việc  in sách Gheorghiu của tôi, còn in cả thiếp  tôi cưới vợ vào 1966, in ảnh cô dâu chú rể, thiệp hồng  chỉ in 1 mầu đen . v.v... Sau   này, khoảng 1968 , Nguyễn văn Cao bị bắt giam tại khám Chí Hòa,    bị kết tội làm  địch vận CS hoạt động trong nội thành.  Sau  1975, từng là giám đốc nhà in báo Sài Gòn giải  phóng,  được cấp nhà  mặt tiền đường Lý thái Tổ. Đôi ba  lần, Thế Nguyên nhắc , Tư Cao mời lại chơi,   ghi nhận lời mời, nhưng tôi  không tới.
    ( Chú thích sau ). 

    Khi sách Gheorghiu in xong,  Thuận trả tiền rồi, tôi vẫn chưa  đủ  trả tiền thuê nhà, bèn đi xe đò  xuống Mỹ Tho gặp Thuận , hy vọng vay được tiền.  Anh cho mượn, nhưng ít thôi và tôi nhớ có 1 lần , anh cự tuyệt thật cứng dắn.   Ấy là một buổi chiều tôi xuống Mỹ Tho , tìm anh ở  quán sách ở ven sông,  hỏi vay, anh ầm ừ lấy lệ, sau đó  bảo tôi  ngủ lại, sáng mai  cùng về  Saigon  với anh cất hàng.  

     Tôi  đã dự đoán,  lần này khó vay được tiền, bời  khi ra  bến xe, anh không đi xe lô-ca-xông  đắt hơn 10 đồng mà đi xe đò lớn, để rồi cả 3 tiếng đống hồ mới tới Saigon, thay vì  xe lô mất  1 tiếng 15 phút  .  Trong khi đó, anh nói với tôi là có chuyện gấp ở Saigon, ngoài việc lấy hàng.  Tay này đã thành  công trong việc  sử dụng  đồng tiền, nhưng  theo tôi, khó thành công trên đường văn nghệ -  anh đang nhờ tôi đọc giùm ,truyện ngắn đầu tay viết về bước đầu khổ cực.   

    Tới bến Saigon, tôi  năn nỉ mượn 1, 2 trăm đồng, anh lắc đầu nhất định không thuận . Càng khẩn khoản,  càng từ chối  thẳng thừng, trong khi anh rút một  nắm tiền  cột giây thun trong túi ra, rồi lại cất vào như trêu ngươi đối với tôi.   Cảm thấy bị nhục nhã ê trề, trong túi không còn một xu đi xe buýt, tôi cũng  không hỏi.  Và anh đã  rút 2 chục đồng nhét vào túi tôi, tôi trả lại.    Và  tự nhủ,  bắt đầu từ hôm nay ,tôi phải học được anh  thói keo kiệt này, tất nhiên trong tương lai sẽ không chịu nhục vì tiền như lần  này.  

     Về đến nhà trọ, sau 2 tiếng đồng hồ lội bộ, khát nước, vừa đói , đành câm lặng.   Thì chị vợ anh trung sĩ cho biết, có mấy ông nào đi xe hơi đến tìm, một ông cho biết là thẩm phán tòa Saigon.  Tôi đoán  là Đào minh Lượng, chắc lại có chuyện về Thủy chăng ?

    Khi Saigon  thi hành lệnh bà cố vấn Ngô đình Nhu, tất cả phòng trà đều bị cấm khiêu vũ, các cô vũ nữ  chỉ được phép trà đàm.   Thủy hiện  là vũ nữ phòng trà Tự Do, và Nguyễn mạnh Cường Đào minh Lượng đều yêu Thủy  Trong số bạn bè chia làm 2 phe, một ủng hộ Cường, phe kia ủng hộ Lượng .  Tôi đứng giữa, chẳng ủng hộ thằng nào cả.  Và  thật tình mà nói,  chẳng mấy tha thiết về chuyện tình cảm riêng tư của hai phe.    Nguyễn mạnh CườngTriệu bá Thiệp trước là bạn thân, sau Thiệp đứng về phe ủng hộ Lượng, thế là 2 bạn hục hặc với nhau.   

     Chị vợ anh trung sĩ cho biết thêm, họ viết thư để lại trên bàn, thì ra thư Thiệp.  Trong thư, Thiệp cho biết thêm, mới gặp Cao thế Dung  , anh Dung là bạn chung của chúng tôi đã có lần nhắc đến.   Tôi quen Cao thế Dung khi về Rạch Giá dạy học tư ở trường Võ Văn do Cường giới  thiệu.   

     Tôi nghĩ thầm, chắc mấy bạn tôi đến thăm,bởi,  nhật báo Tiếng dân, trung tá Nguyễn văn Châu làm chủ nhiệm  lăng -xê trên tráng 1, 2 cột báo: nghệ sĩ Nam Châu và nhà văn Thế Phong bị  bắt, đưa đi trung tâm Nhân vị ở Vĩnh long cải huấn đấy thôi.

    Nhớ lại, có  1 buổi sáng, tôi sang bộ Canh nông tìm anh Phan văn Thức, một bạn  tuổi bậc anh, trước kia , gíam đốc nha Tuyên truyền / bộ Thông tin, tôi và anh quen nhau từ dạo ấy.   Cùng làm trong bộ, anh Thức mến tôi, có lẽ  vì anh thấy tôi  thẳng tính, lại bướng bỉnh, kể cả với với tổng trưởng Phạm xuân Thái,   không sợ làm mất lòng, khi phải tranh luận  chuyện  gay cấn .  Anh Thức  gốc  người tỉnh Long An, bạn học ở Collège de Cần Thơ với những người  đang nắm vận mệnh đất nước, hoặc ở bên này, hoặc bên kia giới tuyến : Bách-Việt Mai văn Bộ, Tần bửu Kiếm ,   Mã thị Chu, Nguyễn văn Hiếu v v...

     Gặp anh Phan văn Thức, tôi không quên những ngày làm ở bộ Thông tin vào cuối 1954 đến giữa năm 1955, hồi ấy các phe nhóm Cao Đài, Hòa Hảo đều có  chân  tổng, bộ thứ trưởng trong nội các đầu tiên  thủ tướng Ngô đÌnh Diệm.  Đầu tiên các phe Hòa Hảo, Cao Đài  đồng ý ra một tờ tuần báo chung, lấy tên Tổ quốc,  Phan Tùng  *,  phe  Cao Đài làm chủ bút .  Chủ bút giao tôi  viết bài , rồi tôi chẳng nhớ từ chuyện gì xích mích, chúng tôi cãi nhau kịch liệt, dọa giải quyết bằng nắm đấm.   Thách thức Phan Tùng, tôi chấp anh ta, giả thiết nếu chết tôi chỉ có 1 mình, không ai khóc, nhưng, nếu Tùng chết, vợ con anh ta sẽ ra sao,  vậy trước khi đối đầu, anh ta   nên trối trăng vợ con trước đi. 

--------
 *  tên thật Phan đình Phương, tự nhận  là cháu bộ trưởng Phan Anh ở ngoài Bắc. 

    Thì anh Phan văn Thức đứng ra hòa giải,  câu chuyện  được giải quyết êm xuôi.    Khi anh Thức đang tại chức gíam đốc nha Tuyện truyền / bộ Thông tin vẫn bị mật vụ theo dõi, bời thời kỳ ấy Cao Đài chia ra làm 3  nhóm , có phe vẫn chống chính phủ  Diệm.    Những năm về sau, khi đã mạnh, chính phủ Diệm  độc tôn giữ ghế, loại Cao Đài, Hòa Hảo ra rìa, chẳng hạn bộ Thộng tin đưa  Trần chánh Thành lên thay thế Pham xuân Thái giữa năm 1955.   Có dư luận đồn đại, Phạm xuân Thái , lá bài con thoi giữa thủ tướng Diệm và tướng  Cao Đài ly khai Trình minh Thế  .   Công lao này chắc hẳn  thủ tướng Diệm không quên Phạm xuân Thái ,  sau khi  bàn giao, Phạm xuân Thái được  nhận một tài sản khá lớn  được xuất dương đi  nhiều nước trên thế giới .  

    B6y giờ anh Phan văn Thức được thuyện chuyển sang bộ Canh nông, giữ  chức giám đốc một nha , anh thường giúp đỡ tôi tiền nong, sự ít ỏi vài trăm đồng không đáng kể; nhưng tấm lòng thật chân tình, an ủi tôi một phần lớn.  Tôi có sách quí  hiếm thường dành tặng anh, bởi, anh là một người chơi sách  , chỉ nói về sách thôi,  không hơn  cũng chẳng kém  Vương hồng Sển.  Tài liệu báo chí anh  cắt giữ rất khoa học, nhiều coupures de presse về cuộc nội chiến  giữa chính phù Diệm và  phe Bình Xuyên, Cao Đài,
 Hòa Hảo ...

    Bữa ấy, tôi tới  tìm anh tại bộ Canh nông, anh đi vắng, một  công chức phụ trách báo chí  tiếp tôi khác hẳn thường lệ.   Tôi  lấy làm lạ, thường ngày anh công chức tên Cường kia không xử sự vậy, t6i không hiểu tại sao bữa nay anh Cường nói với tôi thưa gửi lễ phép, lại có vẻ kính trọng  nữa.    Anh Cường  phụ  trách đọc, cắt báo, chắc thấy tện tôi đăng 2 cột trên trang 1 nhật báo Tiếng dân , với cái tít nhà văn Thế Phong bị bắt đưa đi trại chỉnh huấn ở Vĩnh Long.  Anh chìa tờ báo ra, cả  tập  tin tức Việtnam thông tấn xã Việtnam , bản tiếng Pháp *  .

------
* Le journal Tiếng Dân ( Le Voix du Peuple )  dévoile aujourd'hui les manoeuvres puériles de propagande d'une organisation  fantôme que les communistes viennent de créer sous la dénomination culturelle pour la liberation du Sud.   Celle ci aurait, d' après le journal, lancé la nouvelle que l'essayiste saigonnaise Thế Phong est actuellement détenu par les autorités vietnamiennes pour lavage de cerveau.    Les mensonges  des communistes ont fait long feu.   Tiếng Dân souligne que le monde peut  voir Thế Phong dans ses promenades journalières rues Lê Lợi et Tự Do .

   (  Việt Tấn Xã, bản Pháp văn buổi sáng ra ngày thứ sáu 23- 03 - 1962 - số 4049 ).

    Tôi phì cười , nhớ lại lần chủ bút tạp chí Sống, anh Lưu Hùng xin chữ ký của tôi, ký xong, tôi có cảm tưởng là kẻ sắp bị đưa lên máy chém, hoặc có thề sắp được đề cử ra làm tổng, bộ trưởng  không chừng ? .  

    Anh Cường mới tôi ngồi chơi, mời thuốc lá, uống trà nóng mới pha , rôi nhìn bộ quần áo màu xanh da trời dành riêng cho  đoàn Thanh niên Cộng hòa   của ông Cao xuân Vỹ mà anh đang mặc, thầm nghĩ, chắc anh cho tôi là nhân vật quan trọng thì báo chí, bản tin thông tấn xã, anh, việt pháp mới loan tin, theo tin từ Hànội loan báo  theo bản tham luận văn nghệ đọc tại Hội nghị Nhà văn Á Phi họp tại Le Caire năm 1962.  

                                                   ( kỳ sau tiếp ) 

       thế phong

( Nhà văn tác phẩm cuộc đời / Thế Phong -  Nxb Đại Ngã tái bản, Saigon   1970 - tr. 225- 235 )

     

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ