thi ca - thi nhân & cảm nhận : hoài khanh / lê ngọc trác - 4
hoài khanh : từ lục bát ' nâu' đến lục bát' thiền ' 4
lê ngọc trác
' Tôi lớn lên ven bờ sông Cà Ty
Với giữa hai triền núi Cú và Tà Zôn
Lưu luyến nhìn biển cả gọi hồn
đi vào tám hướng ...
Cha tôi một nơi, mẹ tôi ngã và súng nổ
làm chúng tôi ôm nhau khóc hoài
Giữa cánh đồng mà vài tấm tranh
không làm sao che nổi
Cơn gió bấc cũng như tôi lớn lên sau này
không sao che nổi buồn đau đớn
trên gương mặt rầu rĩ của tôi ...'
Đó là những câu thơ tự sự, Hoài Khanh viết về quê hương gia đình của ông trong 1 thời ly loạn.
Hoài Khanh tên thật là Võ văn Quế, sinh ngày 13 tháng 06 năm 1933 tại Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. ( có tài liệu ghi ngày sinh Hoài Khanh là ngày 20-03 1934 ?)
Từ 1957, Hoài Khanh đã hiện diện trên bầu trời thi ca Việtnam với thi phầm Dâng rừng. Tính đến nay, Hoài Khanh đã [ cho ] xuất bản , về thơ có : Thân phận ( 1962), Lục bát
( 1968), Gió bấc- trẻ nhỏ - đóa hồng & Dế ( 1970) , Hương sắc mong manh ( 2006).
về văn : Trí nhớ hoang vu & Khói ( tập truyện, 1970 ).
Trước 1975, Hoài Khanh viết báo, làm thơ. Ông là người chủ trương và điều hành
Nhà xuất bản Ca dao, một trong những nhà xuất bản rất uy tín , có nhiều ấn phẩm giá trị, thu hút được đông đảo người đọc. Hiện nay, Hoài Khanh thường trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Từ thuở đôi mươi, Hoài Khanh đã viết những câu thơ mà khi đọc xong, nhiều người cảm nhận như có 1 cơn gió lạnh thổi qua tâm hồn mình :
... Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung ...
Khi đọc 2 câu trên trong Dâng rừng / Hoài Khanh - Bùi Giáng, nhà thơ, nhà giáo và nhà biên khảo, phải kinh ngạc, thốt :
"... Anh chưa quá 20 tuổi, anh làm những vần thơ mà Nguyễn Du , Nguyễn khắc Hiếu tái sinh nghe được, phải lạnh mình trước cái vĩ đại, hồn nhiên của một tài hoa chưa ráo máu đầu. Cái vẻ ngây thơ thăm thẳm của lời thơ, chỉ những thiên tài xuất chúng mới có được ..."
Quả thật vậy, qua thời gian, Hoài Khanh là 1 nhà thơ tài hoa. Nhưng, thơ của ông mang 1 nỗi u hoài. Phải chăng khi lớn lên, Hoài Khanh đã sớm chứng kiến những cảnh khổ đau của thời đất nước chìm trong chiến tranh, loạn lạc - nên trong thơ Hoài Khanh viết nhiều về nỗi buồn. Thơ lục bát của ông nhuần nhuyễn, mang đậm hồn dân tộc. Nhưng là những bài lục bát nâu - một mầu nâu buồn mênh mông sâu thẳm . Chúng ta bắt gặp trong thơ Hoài Khanh nỗi đau thương của 1 kiếp [ làm] người :
'Cõi nào giọng khởi nguyên vang
Nhánh khô trời muộn trôi tan mộng thầm
Súng còn vọng mãi trời căm
Rưng rưng mắt lệ nghìn tâm sự nào ?
Mộng đời nát ngọc chìm châu
Bến mê vẫn rợn mấy màu trầm luân
Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Bấy nhiêu rồi nhỉ hỡi trần gian kia ?
Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một quê nhà bao dung ?
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng
Trong cơn trường mộng vô cùng thời gian .'
LỤC BÁT, 1968
Và, còn bắt gặp nỗi buồn của thời gian, nỗi buồn mông mênh của dòng sông :
'Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian
... Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông ấy sẽ buồn với tôi '
Rất nhiều người yêu thơ mãi đến nay vẫn còn say mê bài Ngồi lại bên cầu / Hoài Khanh. Có lẽ, với bài thơ này, Hoài Khanh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền thi ca Việtnam, ở hậu bán thế kỷ XX :
'Người em xưa trở về đây một bận
Con đường câm bỗng ánh sáng diệu kỳ
Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi .
Em - thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa .
Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân đã bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy.
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ.
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu .
THÂN PHẬN
Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, chúng ta tiếp tục thưởng thức thơ Hoài Khanh- thơ ông vẫn còn nguyên hấp dẫn như thuở ban đầu. Nhưng, ta bắt gặp Hoài Khanh với những ý thơ mới hơn, trong sáng hơn. Hoài Khanh ở giai đoạn này không còn là những bài luc bát nâu , mang nỗi buồn mênh mông sâu thẳm. Ý thơ của ông khác xa với thời kỳ trước. Trong thơ, Hoài Khanh hướng tới những điều tốt đẹp, ảnh hưởng thiền Phật giáo đậm nét :
'Hiểu ngầm sen nở đầm xa
Là nhân gian hỡi Thích Ca đã về
Người về đánh thức cơn mê
Ác gian, thù hận tràn trề khổ đau
Người về với ánh nhiệm mầu
Mấy ngàn năm đã qua cầu tử sinh
Đạo vàng ôi sắc hiển linh
Muôn đời vẫn vọng câu kinh độ trì
Muôn đời ánh đạo từ bi
Sẽ xua quỷ dữ, sân si , bạo tàn
Sẽ đem trả lại nhân gian
Cuộc sinh tồn ngát hoa vàng từ tâm '
ĐIỀM TRIỆU CỦA SẮC VÀNG
Hoài Khanh đã viết những dòng lục bát, đọc xong, chúng ta tưởng chừng là tâm kinh :
'Nhớ câu' vô sớ tùng lai
Diệt vô sở khứ' trần ai nhãn tiền
Con từ sa cõi phân duyên
Nếm mùi nghiệp chướng lụy phiền não nhân
Tham sân như cát sông Hồng
Đắm mê bông sắc quên thân phận mình
Một hôm sực nhớ câu kinh :
'Không phải chỗ trụ mà sinh tâm mình '
SÁM HỐI
Qua thơ Hoài Khanh, chúng ta nhận thấy cuộc đời rất an nhiên :
' Cái gì hễ mất lại còn
Hễ không là có, hễ tròn là lăn
Ngày xưa có một dấu chân
Bước qua bãi cát sông Hồng nhẹ tênh '
Từ lục bát nâu , Hoài Khanh chuyển sang lục bát thiền. Phải chăng qua những bão giông, khổ đau, cô đơn tận cùng trong cuộc đời , Hoài Khanh hướng đến.
Và, đưa vào thơ những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
( kỳ sau : Kiên Giang - Hà Huy Hà )
lê ngọc trác
-----
* Tài liệu tham khảo:
- Thơ Hoài Khanh.
- Những nhà thơ hôm nay / Nguyễn đình Tuyến ( Saigon, 1967 )
- Hoài Khanh, người thi sĩ đi tìm lại nguồn cội của một dòng sông / Hiếu Tâm
( tập san Pháp luân, 2008)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ