thi nhân - thi ca & cảm nhận : kiên giang- hà huy hà - 5
thi nhân - thi ca & cảm nhận :
kiên giang - hà huy hà : thơ mang tính tự sự ...* 5
bài : lê ngọc trác
Có những nhà thơ chinh phục người đọc bằng những ngôn từ sang trọng, ngữ nghĩa sâu sắc, đa dạng hay bằng những vần thơ tân kỳ. Cũng có những nhà thơ làm lay động tâm hồn người yêu thơ băng những vần thơ dung dị, chân thật, được viết ra từ tận đáy lòng. Và nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà * * ở trong trường phái này .
-----
* tiêu đề của tác giả: ' tiền & là: một chuyện tình đẹp '.
** trước năm 1955, những bài thơ của Kiên Giang đăng trên tuần báo Đời Mới ( chủ nhiệm: Trần văn Ân ) ký bút danh Kiên Giang. Thời gian này còn có 1 ký giả Nguyên kiên Giang làm chủ bút nhật báo
Tiếng Chuông ( chủ nhiệm: Đinh văn Khai). Có thể , tránh trùng lắp bút danh Nguyễn kiên Giang và Kiên Giang - ít năm sau, khi biên kịch tuồng cải lương, ông bắt đầu ký Kiên Giang- Hà Huy Hà cho tới nay .
( Biên tập chú thích )
Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà tên thật Trương Khương Ninh, sinh ngày 17-02- 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Kiện nay, Kiên Giang - Hà Huy Hà thường trú tại quận 2, tp. HCM. Ông còn là soạn giả cải lương nổi tiếng miền Nam. Trước 1975, ông phụ trách ban tiếng thơ Mậy Tần trên đài phát thanh Saigon - một thời từng làm say mê bao người yêu thơ trong và ngoài nước,
Về thơ, ông đã cho xuất bản Hoa trắng thôi cài trên áo tím ( 1962), Quê hương thơ ấu ( 1970) , Lúa sạ miền Nam ( 1970) ...
Ông nổi tiếng trên thi đàn qua thi phẩm Hoa trắng thôi cài trên áo tím từ thập niên 50 ( thế kỷ XX) . Hoa trắng thôi cài trên áo tím là một bài thơ trường thiên ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, đến nay vẫn còn sức hấp dẫn người yêu thơ. Bài thơ là câu chuyện tình tuổi học trò ngây thơ, thánh thiện giữa một người trai ngoại đạo với người con gái có đạo đã làm lay động tâm hồn nhiều thế hệ người yêu thơ .
Ông viết nhiều về mẹ, về quê hương đất nước, về miền châu thổ Cửu Long giang, về tình yêu lứa đôi. Thơ ông bình dị, tự nhiên, mang tính chân quê; nhưng tràn đầy tình cảm, được thể hiện với 1 tâm hồn người miền Nam đôn hậu, tạo được cảm xúc gần gũi trong người đọc. Riêng thơ tình Kiên Giang-Hà Huy Hà mang tính tự sự, như chuyện kể về tình yêu trắc trở, dang dở, buồn đau trong cuộc đời. Bài thơ Tiền và Lá của ông là 1 trong những câu chuyện kể về tình yêu :
Ngây thơ hớt tóc ' miểng rùa '
Ngây thơ, mẹ bắt đeo bùa ' cầu ông '
Đôi ta cùng học vỡ lòng
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh
Đôi nhà cùng một sắc tranh
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
Đêm vàng so bóng trăng cao
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời .
Anh moi đất 'nắn tượng người'
Em thơ thẩn nhặt' lá rơi ... làm tiền' .
Mỗi ngày chợ họp một phiên
Anh đem' người đất' đổi tiền lá rơi '
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua *
Kiếp tôi là kiếp làm thơ ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà .
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm.
Tôi gom lá đốt, khói lên tận trời !
Người mua dã bị mua rồi
Chợ đời họa một mình tôi ... vui gì !'
( 1956)
-------
* có bản chép : Lớn lên em bị người ta mua rồi ! ( BT)
Bài thơ lục bát chỉ có 24 câu âm hưởng ca dạo, ông đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện đời, chuyện tình đôi nam nữ từ thuở tóc còn để chỏm, thơ dại cho đến lúc trưởng thành. Một câu chuyện tình đẹp, tuy đoạn cuối là nỗi buồn của người con trai phải chia xa người yêu trong ngang trái cuộc đời . Qua bài thơ, tác giả đã đưa chúng ta về với hình ảnh một miền quê cách đây hơn nửa thế kỷ. Cảnh sinh hoạt một miệt vườn, cảnh vui chơi của những em bé ngây thơ rất hồn nhiên , đẹp đẽ và đáng yêu nhường nào.
Cái độc đáo của Kiên Giang- Hà Huy Hà là đưa hình ảnh những đứa trẻ hớt tóc miểng ruà, đeo bùa câu ông , cảnh moi đất nắn tượng người , nhặt tiền lá rơi , chơi buôn bán của trẻ con làng quê vào trong thơ một cách nhuần nhuyễn, gần gũi và thân thương biết bao.
Hiện tại, chúng ta đang sống trong 1 thời đại công nghiệp hóa, làng quê càng ngày cáng bị đô thị hóa . Trẻ con ngày nay không còn cảnh hớt tóc miểng rùa, đeo bùa cầu ông, chơi mua bán bằng tiền lá hay ngồi bên giếng đếm sao trên trời - mà chúng ta thường bắt gặp trẻ con bây giờ chơi trò điện tử, siêu nhân, gươm, súng điện tử ... Cảnh sinh hoạt trẻ em ở miền quê trong thơ ông đến bây giờ chỉ còn trong ký ức.
Buồn!
Tiếc thay !
Trong Tiền & lá / Kiên Giang- Hà huy Hà nhẹ nhàng nói về giai cấp, thân phận con người, về chữ tình , chữ tiền trong cuộc sống. Mãnh lực đồng tiền nhiều khi làm cho người ta gặp cảnh ngang trái, đánh mất hạnh phúc trong đời.
Phải chăng vì vậy, Kiên Giang- Hà Huy Hà đã từng viết những câu thơ đầy chua xót :
'... Trường đời là chuyến tàu xa
Tình đời là chuyến tàu qua vội vàng ...'
HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
Tôi nhớ, nếu không lầm - trước 1975, từ bài thơ Tiền & Lá / Kiên Giang- Hà Huy Hà , đã có nhiều đoàn cải lương miền Nam đã dàn dựng thành kịch bản cải lương, khi công diễn đã lấy biết bao nước mắt khán giả thời ấy.
Với thành công trong thơ, ông đã góp phần làm cho dòng chảy nền thi ca Việtnam thêm phong phú , đầy hương sắc.
lê ngọc trác
( kỳ sau : NGŨ HÀ MIÊN )
( trích Thi ca- thi nhân & Cảm nhận / lê ngọc Trác - Nxb Văn học cấp phép + Công ty Cổ phần văn hoá Đất Việt in ấn, phát hành , Hànội 2013 - tr. 36 - 40 )
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ