nhà văn, nhà báo dương tử giang / bài : hoàng tấn
nhà văn, nhà báo dương tử giang
hồi ký văn học : hoàng tấn
- Trần Bạch Đằng, Rhum Bảo Việt, Sơn Nam, Nguyễn Văn Nguyễn , Đoàn Giỏi, Lương Định Của, Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Bảo Hóa , họa sĩ Tú Duyên . Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Thẩm Thệ Hà, Phi Vân, Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Anna Lê trung Cang , Thiếu Lăng Quân, Nguyễn Phan Long, Việt Quang, Đinh Văn Khai, Nam Quốc Cang, Xuân Miễn,
Đinh Xuân Hòa , Viễn Phương , Mộng Tuyết, Ái Lan, Triệu Công Minh, Ngô Công Minh,
Nguyễn Bính, Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thiếu Sơn, Lê Doãn Phương ( Hoàng Phố), Hồ Dzếnh, Phạm Thế Điển ( Trúc Khanh ), Đông Hồ, Vũ Tùng, Phạm Tường Hạnh,
Lê Tràng Kiều , Trần Tấn Quốc , Mai Văn Bộ, Huỳnh Tấn Phát , Nguyễn Ngọc Tấn
( Nguyễn Thi ) , Bùi Đức Tịnh ...
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Cuộc đảo chính chớp nhoáng có lẽ vào loại nhanh nhất thế giời. Ở Sài Gòn chỉ nghe lác đác vài loạt súng nổ ở thành Ô- Ma ( Aux Marres) và ở dinh toàn quyền trên đường Norodom. Sáng ra đã thấy hiến binh Nhật đứng gác đầy đường. Cớ Mặt Trời mọc trên khắp các công sở. Có điều, ai cũng bận tâm về cuộc đảo chính này, và hãng Domei lời đi, không đưa tin , nên không mấy ai hay. Cũng ngày 9 tháng 3 ấy, đối với con cháu Thiên Hoàng là một ngày mở đầu cho hàng loạt tấn bi thảm tiếp theo. Đó là hàng trăm, không, hàng nghìn máy bay Đồng Minh, từ tứ phía bay vào quần nát Tokyo, biến thủ đô Thiên Hoàng thành bãi chiến trường khủng khiếp, không sao tính nổi thiệt hại về người và của.
Biết chắc chắn , trước sau gì, Nhật cũng thảm bại, nên Dương Tử Giang bèn thuê môt căn nhà nhỏ, mái ngói, vách ván ở ngã tư Bình Hòa, rồi về Bến Tre đón thân mẫu, vợ con lên Sài Gòn để ổn định cuộc sống.
Dương Tử Giang có tên thật là Nguyễn Tấn Sĩ, rời bỏ quê hương lên Sài Gòn từ 1943. Anh là thư ký Sở Thương chính Bến Tre, vì không chịu để cho tên chánh văn phòng Tainguy thóa mạ , sỉ nhục anh em công chức; nên rời bỏ luôn nhiệm sở. Anh quyết tâm tự đăng ký vào làng báo, tuy rất biết
cái binh chủng này rất hay nhưng cũng rất bạc bẽo. Anh quyết mang ngòi bút ra tranh đấu để chống bất công xã hội, giành cho nước nhà nền độc lập, ngõ hầu mở mặt với năm châu. Với nhiều bút danh khác nhau, anh cộng tác với báo Dư luận của Dương Trung Thực. Sau thấy anh này không trung thực, anh
quay sang viết cho báo Sống, với Trúc Hà, rồi báo Mai của Đông Hồ. Thấy những báo này tranh đấu lờ mờ, tôn chỉ không rõ ràng, anh làm quen với Mai Văn Bộ, và được giới thiệu với Huỳnh Tấn Phát chủ trương tờ Thanh niên mà tiếng tăm vang dội. Anh rất lấy làm mãn nguyện, tha hồ vung bút. Vì viết báo không cốt nổi tiếng, chỉ cốt phơi bày được tấm lòng mình với quốc dân, đồng bào, nên anh ký nhiều bút danh khác nhau.
Dương Tử Giang gửi bài cho tờ Nước Nam và Tri Tân ở ngoài Hànội, ma anh cho là chơi được. Sau đó, anh gửi bài cho tờ Hạnh phúc ở Sài Gòn. Tờ báo này do Võ Tuấn Khanh mới mua lại măng -xết ( manchette) của lương y Nguyễn Văn Biểu ở đường Monceaux. Võ Tuấn Khanh vốn là nhà doanh nghiệp, có nhà máy giấy ở Thủ Đức, nhà máy gạch ở Khánh Hội và là một chủ kho gạo lớn do Nhật ủy nhiệm làm quản lý. Ngoài ra, còn có một nhà máy in ở Boulevard de la Somme. Võ Tuấn Khanh ra báo cốt lấy tiếng hơn là tiền bạc. Ban biên tập vỏn vẹn có 3 người, được Võ khoán trắng, muốn vẽ hươu, vẽ vượn gì cũng đươc. Lê Tràng Kiều làm chủ bút , tôi ( Hoàng Tấn) chịu trách nhiệm thư ký tòa soạn, trợ bút là Nguyễn Bính . Cộng tác viên thường xuyên đắc lực có Thiếu Sơn , Dương Tử Giang . ( thời kỳ này DTGiang ký bút hiệu Sông Trước và Trước Giang Tử ).
Lúc này, thị trường có biến động lớn, nhất là tị trường tiền tệ, tiền lẻ khan hiếm vô cùng. Dân Sài Gòn đã có một cách giải quyết độc đáo, không có nước nào trên thế giới có; đó là mọi tờ giấy bạc đều được xé làm hai. Tờ 1 đồng xé làm đôi, mỗi nửa trị giá 50 xu; tờ 45 đồng, 20 đồng cũng vậy. Xài tiền xé ra ở đâu cũng được, mọi người đều chấp nhận. Còn những đơn vị nhỏ hơn như 1 hào, 2 hào .. thì cứ chi trả cho nhau bằng tem, hoặc vé xe buýt. Ăn phở, uống cà phê trả tiền xé đôi là xong ngay. Giữa lúc nền tái chính Pháp kiệt quệ, thì quân đội Phù Tang nhân danh Ngân hàng Đông Dương cho phát hành ồ ạt giấy bạc 500 đồng ( khi ấy Pháp cho lưu hành tờ giấy bạc lớn nhất là 100 đồng). Giá sinh hoạt nhảy vọt dễ sợ ! Dân lành trăm bề điêu đứng. Sĩ quan Nhật lặn trong người từng cuộn giấy bạc 500, chúng dùng để đi chợ, mua hàng giá khoảng 400, thậm chí 300 đồng, trả giấy bạc 500 không lấy tiến thối lại, nghĩa là cho luôn. Nhất là chị em Nhà Trò ở Phú Nhuận, tiếp bọn Nhật 1 đêm, hôm sau giở cuộn giấy bạc ra, lấy kéo cắt tặng chị em 2, 3 tờ giấy 500 đồng là chuyện thường.
Dương Tử Giang thấy dân tình lầm than, khốn khổ dưới hai tròng Nhật, Pháp; bèn viết một bài báo đả kích sâu cay, kêu gọi dân chúng hãy vùng lên. Thế là tờ báo bị đóng cửa, giám đốc trị sự ( directeur-gérant) Tô Uyên phải ra hầu tòa. Chúng tôi đâm ra bị thất nghiệp.
Cuối tháng 7 năm 1945, Nhật thua trông thấy, Nguyễn Oanh, trước đó có thời gian là Bí thư thành ủy Sài Gòn -Chợ lớn hoạt động bí mật, ( nay, Xứ ủy miền Nam phụ trách Tuyên giáo) triệu tập chúng tôi lại và cho biết sẽ tài trợ cho chúng tôi làm 2 tờ báo- một tờ lấy tên Thanh niên mới do Lê Doãn Phương làm chủ nhiệm, Hoàng Tấn chủ bút kiêm thư ký tòa soạn; còn tờ kia là Ngày mai do Phạm Thế Điển chủ nhiệm, chủ bút Nguyễn Tử Anh, thư ký tòa soạn là Phương Chi.
Tòa soạn Thanh niên mới đóng đô tại 38 J.C. Bosc bên Gia Định. Còn báo Ngày mai ở 294 đường Tỉnh lộ 75 . Trung tuần tháng 8 năm ấy, tại tòa soạn Thanh niên mới tổ chức liên hoan mừng số 1 ra đời.
Tham dự có Nguyễn Oanh, Vũ Tùng, Hoàng Phố, Trúc Khanh, Nguyễn Tử Anh, Dương Tử Giang, Lê Tràng Kiều, Thiếu Sơn và một số đồng nghiệp . Đặc biệt Hồ Dzếnh mới ở Hànội vào, chân ướt chân ráo cũng có mặt. Nguyễn Oanh mang đến một lá cớ đỏ sao vàng, Dương Tử Giang sốt sắng treo ngay ở trước cửa tòa soạn, lá cờ tổ quốc đầu tiên được treo trong khu vực Sài Gòn- Chợ lớn; vì mãi 3 ngày sau, ngày 19 tháng 8 ở Hànội mới cướp chính quyền.
Nhật vừa đầu hàng, bọn hiến binh bên này cũng còn vênh váo. Trước cửa tòa soạn là một trại lính Nhật đóng quân. Thấy bên àny tụ họp đông đảo, trước cửa lại treo cờ lạ, 2 tên sĩ quan Nhật cùng gã thông ngôn chạy sang chỉ trỏ. Chúng xì xà xì xộ với nhau những gì không ai hiểu, rồi chúng chỉ trỏ vào lá cờ. Đ6i lông mày rậm của Lê Doãn Phương ( tức Hoàng Phố) tỏ vẻ bất bình nhíu lại, hiện ra một vệt đen dài chạy suốt vầng trán, nom khiếp đảm ! Dương Tử Giang vội chạy ra, giải thích rằng , lá cờ Thanh niên tiền phong. Lá cờ Thanh niên tiền phong thì bọn họ có lạ gì, đó là nền vàng, sao đỏ. Dương Tử Giang bèn nói trớ đi như vậy, vì rất may, là đêm ấy không có điện, nên thợ may may lộn màu sắc. Thấy chuyện đôi co, Hồ Dzếnh bèn chạy ra, giải thích thêm. Thấy Hồ Dzếnh đeo trên ngực một chiếc huy hiệu to đùng, chứng tỏ anh thuộc ngườicủa Đồng Minh, bọn Nhật không nói gì, bèn bỏ đi. Anh thông ngôn còn quay lại, cười, nịnh:
- Ồ, đỏ , vàng thì cũng rứa ...!
Ở trong nhà, các anh phá lên cười.
Rồi ở Hànội, ngày 19 tháng 8 diễn ra, ở Sài Gòn sau đó, với cuộc biểu tình khổng lồ xưa nay chưa từng có để mừng ngày 25 tháng 8 rồi tới ngày 2 tháng 9 .
Hơn 1 tháng, Dương Tử Giang với những bài tiểu luận sắc sảo, đấy sức thuyết phục, đã trở thành một cộng tác viên tích cực báo Thanh niên mới lẫn Ngày mai. Phạm Thế Điển ( tức Trúc Khanh ) vui lắm, khi thấy cả 2 tờ báo đều có nhiều cây bút vững vàng. Đặc biệt chủ lực là cây bút Vũ Tùng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Oanh . Vô cùng nhạy bén về chính trị, Nguyễn Oanh cho chúng tôi biết D'Argenlieu bày ra cuộc hội nghị 10 ngày với Ủy ban Hành chính lâm thời, chỉ là cái cớ cho Pháp có thời giờ viện binh. Hơn nữa, những ngày nóng bỏng này, quân Pháp lại nhảy dù lung tung xuống Tân Sơn Nhì, Thủ Thiêm, Gò Vấp, Thủ Đức, chứng tỏ âm mưu đánh chiếm Sài Gòn càng lộ rõ. Cho nên Nguyễn Oanh ra lệnh cho báo Thanh niên mới đến An Sơn xây dựng chiến khu và báo Ngày mai chuyển về An Phú Đông. Khi chúng tôi bàn về việc in ấn thì được biết : ban đầu chờ đợi tình thế diễn biến ra sao, ổn định cơ ngơi xong xuôi thì sẽ có máy in. Nguyễn Oanh nói:
- .. đã liên hệ với ông Đinh Xuân Hòa, giám đốc nhà in Nam Việt, ông Hòa đã hứa hiến cho Cách mạng máy in cùng phụ kiện. Trước mắt chưa thể in li-tô, rô-nê-ô, thì ta tạm in theo kiểu in xu-xoa như thời gian bí mật; miễn sao tiếng nói Cách mạng không bị đứt quãng. Bên cạnh tờ Cảm tử, Kèn gọi lính; nhất định vẫn có tiếng nói báo Thanh niên mới và Ngày mai .
Hoàng Phố, Lê Chãi, Huỳnh Tiến, Phạm Tường Hạnh, Tố Uyên và tôi lên chiến khu An Sơn cùng Nguyễn Oanh, Nguyễn Đức Nhàn, Nguyễn Văn Tiết, Trúc Khanh cùng Nguyễn Tử Anh và ban biên tập báo Ngày mai có Xuân Miễn tháp tùng, cùng kéo về An Phú Đông. Dương Tử Giang sau khi thu xếp gia đình yên ổn sẽ theo sau. Hồ Dzếnh lại trở ra Hànội. Còn Nguyễn Bình, Thanh Bình đã được Nguyễn Oanh phân công trước đó, về Cai Lậy ( Tiền Giang ).
Từ sau Tạm ước 14 tháng 9 năm 1946, ở Sài Gòn có phong trào báo chí thống nhất được đẩy lên thành cao trào. Phất ngọn cờ tiên phong là báo Việt bút của Nguyễn Kim Bắc, phát hành hàng ngày 1000 số để bán loanh quanh ở Sài Gòn và phụ cận, chỉ trong 1 buổi sáng đã hết vèo. Sau Việt bút là báo Lẽ Sống của Ngô Công Minh cũng được độc giả đón chào nồng nhiệt. Lúc này, tờ báo đối lập chủ trương phân ly mà cây bút chủ lực là Hiền Sĩ , báo phát không ít ai buồn đọc. Chỉ 3 tháng , sau cuộc họp vời Vũ Duy Hạnh, Bí thư tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Nguyễn Oanh quyết định cử Lê Chãi, Trần Văn Đồ, Lê Vinh, Phạm Bá Tròn và Hoàng Tấn về tham gia phong trào. Người đầu tiên mà tôi ( Hoàng Tấn) móc nối là Trúc Khanh đã về trước đó khoảng 1 tháng. Lúc này tôi tá túc ở nhà Trúc Khanh tại Xóm Lá ( Trường Đua Phú Thọ). Và mau chóng móc nới được với Vũ Tùng, Mai Văn Bộ, Lý Văn Sâm, rồi Dương Tử Giang. Lúc này Dương Tử Giang ra vẻ lắm, anh nghiễm nhiên là chủ bút báo Văn hóa , tóm được chúng tôi, Dương Tử Giang mời cộng tác ngay . Báo Văn hóa in trang nhã, khổ lớn, bài xã thuyết ở trang nhất đề cao thống nhất dân tộc cho một nền hoà bình bền vững ( une paix durable). Tờ Văn hóa là tờ duy nhất đăng thơ rất trang trọng, thơ in đóng khung dài suốt chiều dọc, ngay trên trang 1. Nếu ban biên tập tở Việt bút có Nguyễn Kim Bắc, Lý văn Sâm, Tam Ích, Việt Quang, thì ban biên tập báo Văn hoá chỉ vỏn vẹn có 4: Dương Tử Giang, Trúc Khanh, Khổng Dương và Hoàng Tấn . Các tờ báo khác có nhân sự, nói chung, đều như vậy.
Một người kiêm nhiệm cả thư ký đánh máy,dán băng, phát hành; thậm chí làm cả chân tùy phái, chứ đâu nhân sự có cồng kềnh như các báo hôm nay.
Từ sau báo Tiếng chuông của Đinh Văn Khai xuất hiện, báo chí chủ trương thống nhất nở rộ như trận mưa xuân. Có người làm báo vì dân, vì nước, nhưng khối kẻ khóc áo làm báo với chủ trương thống nhất để mưu danh, trục lợi, hốt bạc cũng không hiếm. Những tờ báo ra đời trong giai đoạn lịch sử này, nhiều đếm không xuể,. chì còn nhớ báo Văn hóa, Văn nghệ, sau đó là báo Em của Dương Tử Giang, Tin Điện / Anna Lê Trung Cang , Sàigon mới / Bút Trà - Nguyễn Đức Nhuận . các báo Dư luận, Lên đáng, Tân sanh, Trung lập của Nguyễn Phan Long, báo Đoàn kết / Nguyễn Hữu Lương, Thiếu Lăng Quân làm chủ bút . Sau khi mời các ký giả nổi tiếng như Nam Quốc Cang, Nam Đình, Trần Tấn Quốc cộng tác, báo nổi lên như diều gặp gió. Rồi báo Kiến thiết / luật sư Huỳnh Văn Chánh, báo Tân Tiến / bác sĩ Huỳnh Văn Chánh , báo Tân tiến / bác sĩ Lê Quang Trinh, Nước nhà / Trần Cửu Chấn, Việtnam / Võ Thành Cứ, Cộng đồng / Lê văn Trường, Thần chung / Nam Đình, Sao mai / Lê Văn Đệ ... báo ra nhiều đến mức không ai nhớ hết. Dương Tử Giang có làm 1 bài thơ lục bát kể tên những tờ báo trong phong trào này, tôi còn nhớ được mấy câu :
Nước nhà gặp lúc ngả nghiêng
Kêu gọi Dư luận dẹp phiền một bên
Cùng nhau Đoàn kết vững bền v.v...
Những tờ báo kể trên cứ tạm coi là báo tiến bộ cùng với tờ Lendemain bằng tiếng Pháp và tờ Justice vừa tiếng Pháp, tiếng Việt - 2 tờ này liên kết với nhóm người Pháp tiến bộ của Đảng xã hội Pháp ( SFIO) có chi nhánh ở Việtnam ( SVIO) , là những tờ báo được quần chúng hâm mộ. Còn những tờ phản động ra mặt thì bị tẩy chay , như báo Ánh sáng / Lư Khê, báo Gió mới / Nguyễn Thoại, và nhất là tờ Tiếng gọi / Phạm văn Điều.
Dương Tử Giang hăng say hoạt động, viết nhiều bài đả kích thực dân pháp + bù nhìn tay sai' được anh em phong như 1 Triệu Tử Long tại Đương Dương trường bản . ( lời anh Trương Thanh Vân báo cáo trong cuộc họp mặt truyền thống vào ngày 10- 10-1989) .
Những ký giả , nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình trong giai đoạn này- có thể khẳng định- nhờ Cách mạng đã chắp đôi cánh để họ bay cao. Dân chúng Sài Gòn ở miền Nam sống trong 1 giai đoạn cực kỳ hiểm nghèo và khó khăn vào những năm ấy hẳn không thể quên, lịch sử lại càng không thể quên những khuôn mặt sáng chói ấy!.
Bên cạnh Dương Tử Giang, phải kể đến Vũ Tùng, Bách Việt ( Mai Văn Bộ ), Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Lý Văn Sâm, Nguyễn Bảo Hóa, Nam Quốc Cang, Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Việt Quang, Phi Vân, Thanh Giang, Tú Duyên, Búi Đức Tịnh ... và 3 cây bút nữ Mộng Tuyết, Mộng Liên và
Ái Lan ( phu nhân của Triệu Công Minh ),
Có lẽ từ 2 tờ Saigon Mới và Điện tín có tòa soạn đúng nghĩa, còn hầu như toàn bộ báo chí thời kỳ này, không có tay chủ nhiệm nào thành lập được một tòa soạn có ban biên tập đấy đủ. Vậy họ làm việc và tiếp khách ở đâu, ở ngay chính nơi nhà in báo vậy. Riêng báo của Dương Tử Giang thì in ở nhiều nơi, một phần vì báo in xong chưa có tiền mặt ngay để thanh toán, rồi in tiếp số báo khác mà không có tiền chi trả nhà in, nên luôn phải đổi nhà in,. và cứ như thế, kiểu trả tiến gối đầu. Những nhà in ấn hành báo Văn hóa, Văn nghệ và Em của DTGiang in ờ nhà in Thạnh Mậu, Bảo Tồn, Nam Việt, 3 nơi quen lớn, tiền chi trả chậm cũng không sao. kế đến in ở các nhà in khác, như Đông Dương, Sông Gianh, nơi này in xong phải tiền trao cháo múc. Và Sài Gòn khi ấy rất có nhiều nhà in lắm, nào là nhà in Nguyễn Đức của Bút Trà, nhà in Thần chung / Nam Đình, nhả in Maurice / Lê Thọ Xuân v.v.. các báo tha hồ in, ký giấy trả góp.
Một điểm rất độc đáo nữa của làng báo Sài Gòn khi ấy; nếu muốn kiếm chủ nhiệm, chủ bút của tờ báo nào, muốn gặp chỉ tới các nhà hàng Thanh Thế, La Pagode, Continental hoặc ở Place Cuniac.. Gặp nhau, trước tiên là gọi cà phê, hoặc Rhum soda, có khi chẳng cần gọi gì, các tay làm báo có thể ngồi suốt ngày để viết bài, sửa mo-rát, tiếp khách thoải mái . Giàu sang và có cơ ngơi tòa soạn đàng hoàng như ông Bút Trà mà cũng nhiều ngày ngồi ở ngoài hàng ba khách sạn Continental để duyệt bài. Có lẽ, nhưng nơi ấy còn là nơi hò hẹn đồng nghiệp với vô vàn chuyện cổ kim, đông, tây đầy hấp dẫn lại có thời-sự-tính.
Nói đến báo chí công khai mà quên đi những tờ báo bí mật đã góp công to lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất là vô tình, bạc bẽo và bất công ! Tờ báo bí mật đầu tiên Chống xâm lăng, báo chỉ có 2 trang, xuất bản không định kỳ ( non périodique ) , phát không rộng rãi. Tòa soạn đặt tại Láng Le, một nơi giáp tỉnh Long An, báo do Trịnh Đình Trọng và Trần Bạch Đằng chủ biên, cùng một số cộng tác viên. kế đến là tờ Cảm tử in ngay tại Gò Vấp , hoặc An Phú Đông rồi đưa vào thành. Tờ cuối cùng là Kèn gọi lính, cơ quan đặc khu ủy sài Gòn- Chợ lớn, do ký giả Lương Ngọc phụ trách . Cả 3 tờ báo bí mật đều được đồng bào đón nhận vô cùng trọng thị; đặc biệt DTGiang đều có bài đăng trên 3 tờ báo này, với nhiều bút hiệu. Riêng bút danh Dương Tử Giang dành cho báo chí công khai, vốn cẩn trọng , nên bài viết nào
có vấn đề, anh đều tham khảo ý kiến của Vũ Tùng, Mai Văn Bộ, trước khi cho in. Khi thủ tướng Nam kỳ Nguyễn Văn Thinh thắt cổ tự tử, Pháp tìm mãi không ra ai kế vị, sau cùng bất đắc dĩ dùng tới lá bài
Lê Văn Hoạch, nên DTGiang đã có một bài báo chỉ trích, có đoạn :
Giỏi ngón mần quan
rành nghề bắt mạch
Lê gót từ thành thị tới thôn quê
thân chủ là Tây, Ta, Chà, Khách ,
Khi Nhật tới, ôm ngay chân Nhật
thỏa nguyện rồi mặc sức nghênh ngang
Khi Tây về, lại liếm gót Tây
trên sân khấu chân tay đều múa ...
Trong thời gian này, DTGiang đã cho ra mắt, 4, 5 tựa sách, do các nhà Tân Việt, Nam Việt ấn hành. Nổi nhất là 2 cuốn Một vũ trụ sụp đổ, nói về ngày tàn sát tất yếu chủ nghĩa thực dân, và Thế giới vị lai nói về viễn cảnh tươi sáng nhân loại ngày mai: không có chiến tranh, biên cương xóa bỏ, các dân tộc yêu thương nhau như anh em một nhà. Cũng trong cao trào này, hàng loạt tiểu thuyết, bút ký của Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Trúc Khanh, Nguyễn Bảo Hóa, Lý Văn Sâm, Phi Vân, Sơn Khanh ... lần lượt đua nhau ra đời, góp thêm vào giàn giao hưởng tiếng nói hoà bình , thống nhất quê hương. Riêng tôi ( Hoàng Tấn) trong thời gian này, cũng cho ra mắt 5, 6 đầu sách do Việt Bút và Nam Việt ấn hành. Đó là những cuốn bút ký, tiểu thuyết: Mẹ cũng chết vì tổ quốc, Vụ đói năm Ất dậu, Bên kia phòng tuyến Pháp .. được độc giả chú ý nhất là Cứu lấy quê hương . Cuốn sách này đã gây tranh luận nhiều năm, sau đó là giữa 2 ông Thế Phong và Nguyễn văn Sâm. *
----------------------------
* NHÀ VĂN MIỀN NAM 1945- 1950, tập 2 trong bộ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆTNAM của Thế Phong ( Saigon 1959, 1960, 1965, 1974) và VĂN CHƯƠNG TRANH ĐẤU MIỀN NAM của Nguyễn Văn Sâm . ( Saigon 1972 ) ( Chú thích của Biên tập).
-----------------------------
Bữa tiệc vui cách mấy cũng có lúc tàn, Phong trào báo chí thống nhất dần dần đi vào thoái trào. Cùng một số ký giả khác, DTGiang bị cầm tù. Sau đó, Trúc Khanh và Lý văn Sâm cũng được nếm mùi Khám Lớn Saigon..
Sau vụ tướng Chanson cùng 2 bộ trưởng trong chính quyền bù nhìn bị trừng trị, đich ra mặt khủng bố công khai. Có khoảng 20 tờ báo dính líu vào Phong trào báo chí thống nhất bị đình bản vô thời hạn. Tuy bị trừng trị thẳng cánh như vậy, nhưng thủ tướng Lê văn Hoạch vẫn run; chẳng hạn khi
" ngài thủ tướng " tuyên bố câu để đời: : ...' mỗi tờ báo chủ trương thống nhất có sức mạnh hơn mấy binh đoàn !'
Biết không yên , Mai Văn Bộ, Vũ Tùng, Triệu Công Minh, Vũ Anh Khanh, Thiếu Sơn, Hoàng Tố Nguyên .. cùng nhiều trí thức Saigon, như giáo sư Trần Văn Khỏe, luật sư Nguyễn Long v.v.. đều ra chiến khu, vì không thể chịu nổi chính sách mị dân, khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp- đến như đốc phủ sứ Phan văn Chương, từng là đô trưởng Saigon-Chợ lớn bỏ hết quyền cao, chức trọng để thoát ly vào bưng, theo tiếng gọi đại nghĩa. Trước đó, giáo sư Hoàng Xuân Nhị . kế đến tiến sĩ tóan học Lê văn Thiêm. luật sư Trần Văn Khương ( từ Pháp về) cũng tự nguyện vào bưng- hoặc cho đến hội nghị Gènève, nhà bác học nông nghiệp Lương Định Của cũng từ Nhật về nước. Chánh quyền Saigon dụ dỗ mua chuộc họ không xong, nên nhà bác học nổi tiếng kia cùng vợ đã bí mật vào bưng, sau tập kết ra Bắc.
Ít lâu sau DTGiang , Lý văn Sâm, Trúc Khanh lần lượt được trả tự do, lập tức DTGiang từ giã gia đình, đáp xe đò xuống Cần Thơ , vào Khu 9 , còn Trúc Khanh trở về miền Đông.
Riêng Lý Văn Sâm được lệnh tử thủ ở Saigon, hoạt động công khai . Và tôi ( Hoàng Tấn ) nhận lênh triệu tập của Nguyễn Oanh trờ lại miền Đông. Tiễn tôi ra tận xe đò ở ngã tư Bình Hòa, Lý Văn Sâm đọc cho nghe Tráng ca của DTGiang, đến nay còn nhớ được 2 câu :" Con đường tranh đấu con đường sống / Cùng với non sôngt rọn nghĩa tình".
Lúc này tỉnh Biên Hòa đã sát nhập Thủ Dầu Một, do đó Ty thông tin Thủ Dầu Một trở thành
Ty thông tin Thủ Biên. Lại được dịp tái ngộ Nguyễn Oanh, Vũ Duy Hanh, Hoàng Phố, Phạm Tường Hạnh, vàu quen biết thêm Nguyễn Xuân Lập, Nguyễn Ngọc Tấn ( Nguyễn Thi sau này) . Trưởng ty Vũ Duy Hanh trao cho tôi toàn quyền phụ trách tờ Thông tin Thủ Biên. Sau đó, Hoàng Phố ra mắt độc giả tờ Bò cạp lửa , tờ báo xung kích đầu tiên trong chiến khu Nam Bộ, anh có nhã ý mời tôi làm thư ký tòa soạn, với sự cộng tác của kỹ sư Phạm Đăng Khoa và cụ Đồ Nam , cùng 2 nhân sĩ trí thức ở Saigon mới vào khu tham gia kháng chiến.
Làm sao quên được những đêm cùng Nguyễn Ngọc Tấn gối đầu tay tôi, thủ thỉ :
- Anh kể cho em nghe về Iliade và Olysée đi. Có phải 2 tác phẩm vĩ đại đó, như ông
Hồ Hữu Tường nói thì không phải là của Homère, phải đúng vậy không ? và cái ông Rabelais ấy, có hận thù gì với thánh đường, lại công kích nhà thờ mãnh liệt như vậy ?. Và câu chuyện nữa, tại sao mấy trăm năm sau Victor Hugo lại ví trường học thiêng liêng như thánh đường ?
Ấy Nguyễn Ngọc Tấn , một thanh niên hiếu học đặt ra nhiều câu hỏi hiểm hóc như vậy, khiến tôi nhiều khi bị bí . Tấn còn hỏi tiếp, cái chuồng báo Hòn Ngọc Viễn Đông hoạt động ra sao để DTGiang viết bài nhốt báo Sài gòn chung một chuồng báo ? Còn các ông Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc- có phải là chí`nh khách của phe ta không- mà bình luận chính trị hăng say thế ? và còn nhiều vấn đề thới sự do Nguyễn Ngọc Tấn đặt ra, khiến anh em vào cuộc thảo luận sôi nổi. Còn nhớ lời tiên đoán của
Vũ Duy Hanh;
- Nguyễn Ngọc Tấn là một cây bút có nhiều triển vọng. hãy đọc bản thảo đầu tay Hương đồng nội của Nguyễn Ngọc Tấn, thì sẽ biết, đấy là một tập thơ rất đáng để ta trân trọng !.
Ít lâu sau, Hoàng Phố và tôi được điều về miền Tây, khu 9 công tác. Khi đi ngang Đồng Tháp Mười, ghé Thiên Hộ, gặp Vũ Tùng, Đoàn Giỏi trong một quán nước, gặp chúng tôi, 2 anh mừng lắm, Vũ Tùng cho hay, ở Saigon, tụi mật vụ đã sát hại Nam Quốc Cang và 1 ký giả nữa ngay trrước tòa soạn báo thời cuộc trên đường Frères Louis. Đoàn Gỉỏi nói:
- Ấy vậy mà tờ Phục hưng và Ánh sáng dám nói rằng 2 anh đã bị Việt Minh ám sát. Ai mà tin được tụi nó, không leẽ iệt minh lại ghét Việt Minh đến thế ?
Nói đoạn, 2 anh đưa chúng tôi coi tờ Tuần báo thứ Năm, trong đó có bài thơ DTGiang khóc Nam Quốc Cang, có đoạn :
Nam Quốc Cang ! Nam Quốc Cang !
Vinh hoa phú quý anh không màng
Vác ngòi bút sắt vào nghề khổ
Mười lăm năm chẵn cầu đoạn tràng.
Nam Quốc Cang ! Nam Quốc Cang !
Giọng văn sâu cay lời ngang tàng
Người đọc thích chí cười sảng khoái
Kẻ bị châm chích chui vô hang .
Nam Quốc Cang ! Nam Quốc Cang !
Vũ Tùng, bách Việt trên đặm tràng
Đồng bào khắp nơi còn tranh đấu
Anh vội chia tay miền dương gian
Anh chết thì được tạm tự do
Ai muốn xử Anh, mau xuống đó !
Lời thơ giản dị, mặc dầu DTGiang rất ít làm thơ, đã gây xúc động trong giới đồng bào hồi ấy !
***
Vượt Đồng Tháp xuống miền Tây, chúng tôi gặp muôn vàn nguy hiểm, khi băng qua bốt đồn chăng giăng của địch, cũng như đi qua vùng Tề. Nhưng thôi, ' kể chi những nỗi dọc đường '? Cuối cùng, chúng tôi cũng tới tòa soạn báo Cứu quốc Nam bộ- thì cũng gặp Thanh Bình, Thjiếu Sơn, DTGiang. Vui ơi là vui ! gặp nhau không ngăn nổi dòng lệ trào. Có thể nói lúc này, các anh Thiếu Sơn, Phạm Hữu Tùng, Nguyễn văn Bá, DTGiang là linh hồn của tờ báo. Nay thêm chúng tôi, như rết thêm chân.
Anh Nguyễn Văn Nguyễn , một chiến sĩ cách mạng kỳ cựu, từng giám đốc Sở thông tin Nam bộ, rất quan tâm tới tờ báo nói là Đài Tiếng nói Nam bộ và tờ báo viết là Cứu quốc Nam bộ, trong đó có bài Tháng 8 trời mạnh thu đã đi vào lịch sử.
Cùng DTGiang và Thiếu Sơn tai ngộ, nhiều đêm 2 anh em và tôi cùng nhau tâm sự. Có đêm vui quá, sáng lúc nào không hay ! Khi trở lại chiến khu miền Đông, tạm biệt Hòn Ngọc Viễn Đông, tôi sáng tác 1 bài thơ, nhan đề Ly Đô, thiên trường ca có vẻ ngông nghênh, mở đầu bằng 4 câu :
Bạn ông lũ lượt sông hồ
Mỗi thằng đi một bài thơ tiễn hành
Đến phiên ông biệt đô thành
Nào đâu ai kẻ tâm tình tặng thơ ?
Không dè 4 câu câu này lại được DTGiang thích tới thế ! Anh luôn ngâm ngợi, kể cả lúc đào đìa nuôi cá, nhũng khi đặt lọp, và cả trong bữa ăn tập thể.
DTGiang còn có khả năng trình diễn văn nghệ. Anh em phát hiện điều àny, khi tham dự lớp văn nghệ khóa Lê Trần. Mỗi khi vui nhộn, cùng với Lưu Chi Lăng, Hoàng Phố, Vũ Hoàng, anh thường làm cả lớp cười như nắc nẻ. Lạ thế, là con người của xứ dừa Bến Tre, sao DTGiang lại rành các làn điệu ca huế đến thế ! Các điệu Nam Bình, Nam Ai, Hò Mái Nhì là những điệu phổ thông, nếu ai đã học là có thể hát được. Nhưng các điệu Lý , anh ta cũng thuộc, rồi cỏn đặt lời mới. Mỗi lần DTGiang lên sân khấu trình bày, anh chị em học viên đều chăm chú lắng nghe. Với 2 chiếc muỗng lật ngược, they sinh tiền, anh vừa ca vừa nhún nhẩy; cho tới nay tôi vẫn hình dung rõ điệu bộ của anh.
Thấy khả năng văn nghê DTGiang, nên trên chỉ định anh đứng ra chiêu hiền đãi sĩ, lập ra một gánh hát bộui, đi lưu diễn khắp phân- liên- khu. Chẳng bao lâu, anh câu được Ngọc Cung , rồi Vũ Hoàng, Kim Nhụy, cùng một số anh chị em địa phương. Và anht ính móc nới với Khu 8, để mới 2 diêễn iên nổi tiếng là Tám Danh, Tư Xe gia nhập đoàn. Chả là lúc này đồng bào trong chiến khu, bao tháng năm dài chiến đấu gian khổ, nên rất đói được xem trình diễn văn nghệ.
Rừng U Minh muỗi như trấu , giờ gà lên chuồng là vợ chồng cũng lên giường. Chả thế mà nhiều chị chưa tới 30 mà đã có tới 6, 7 mụn con. Ngoài ra, mỗi chiều thứ 7, từng đoàn ghe , xuồng đi về hướng Tắc Thủ, thẳng tiến hướng Cà Mau để coi chiếu bóng hoặc cải lương. Đoàn hát bội do ông bầu Dương Tử Giang điều khiển bắt đầu lưu diễn. Hay tin có đoàn diễn ở đâu là đồng bào nườm nượp kéo nhau đi xem. Có nhiều gia đình vượt hàng 5, 6 chục cây số đến lúc trời còn chạng vạng. Đặc biệt là nhiều người ở thị trấn Cà Mau cũng vô chiến khu coi. Những vở mà Dương Tử Giang dàn dựng, đạo diễn lần lượt ra đời. , nào Quan Công phò Nhị tẩu, tới Phụng Nghi Đình, Trương Phi thủ cổ.
Cứ như vậy , ông bầu DTGiang lưu diễn cho tới Hiệp định Genève 1954.
***
Chúng tôi lần lượt tập kết ra Bắc , DTGiang rỉ tai cho tôi biết : anh cùng Thiếu Sơn và một số anh chị em khác, như Sơn Nam, Viễn Phương, Trần Bạch Đằng .. được tổ chức bô trí cho ở lại.
Thời gian trôi nhanh, ở Hànội, tôi nhớ lại năm xưa, tại Chiến khu Đ. ; Nguyễn Oanh nói với chúng tôi :
- Báo chí của Phong trào thống nhất bị thoái trào là lẽ đương nhiên, theo qui luật. và cũng theo qui luật, đấy rồi sẽ nhìn mà coi, vào một ngày nào đó, ngọn lửa âm ỉ này sẽ bùng lên thành bão lửa.
Quả thế, khi hoàn thành cuộc tập kết, ngọn lửa ấy thực sự đã bùng lên . bên cạnh những tờ báo lá cải phản động, nổi lên một phong trào báo chí mới, đòi tự so ngôn luận, thống nhất tổ quốc, đòi hiệp thương, tổng tuyển cửa. Dĩ nhiên, trong phong trào vô xùng sọi động này, có mặt Dương Tử Giang, anh lại là 1 Triệu Tử Long tả xung hữu đột công khai.
Năm 1956, chính quyền Saigon bắt giam nhiều chiến sĩ cách mạng hoạt động nội thành, trong đó có Quách Vũ, nhạc sĩ, nhà thơ Viễn Phương , họa sĩ Dũng Tiến, nhà văn Lý Văn Sâm, nhà văn, nhà báo Dương Tử Giang. Người thị bị giam ở Trại Phú Lợi, người bị đày ra Côn Đảo; một số lớn chiến sĩ, trong đó có Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang bị giải về giam tại Trung tâm huấn chính Biên Hòa. Trong tù, các anh thành lập chi bộ, tiếp tục đấu tranh, rồi bàn vượt ngục. Và giờ G. ngày N. đã tới, ngày 2 tháng 12 năm 1956, gần 500 tù nhân đã trốn thoát trong cuộc vượt ngục này. Hơn 1000 người tù bị bắt lại, 17 bị bắn chết tại chỗ, trong đó có nhà văn, nhà báo Dương Tử Giang , còn Lý Văn Sâm thoát ngục, trở ra chiến khu.
Nhớ lại, 1981, Lý Văn Sâm tới thăm tôi nghỉ hưu ở Cư xá Thanh Đa, anh kể lại cuộc vượt ngục có 1 không 2 năm ấy , cuộc vượt ngục lịch sử làm trấn động dư luận trong nước , lan tới lầu Năm Góc. Khi hỏi về gia đình DTGiang, Lý Văn Sâm cho biết đã tan lạc, mỗi người một ngả. Riêng thân mẫu DTGiang, qua đời sau 2 năm Saigon được giải phóng, ở tuổi 85.
Tôi trở lại thăm đường cũ, phố xưa, đường J.S. Bosc, nay hoàn toàn đổi khác, sau 38 năm, tòa soạn báo Thanh niên mới không còn vết tích gì của năm xưa nữa rồi ! Một loạt gia đình sống trong dãy nhà cũ, nay không còn ai, bên cạnh tòa soạn ngày xưa, chỉ còn lại một tiệm chạp-phô một gia đình người Việt gốc Hoa, nay con cháu quản lý. ...
Đường J.C. Bosc, nơi anh Vũ Tùng thường qua lại họp tòa soạn với chúng tôi, nay mang tên Vũ Tùng. Tôi cũng bồi hồi khi đi ngang qua đường, phố mang tên Nguyễn Oanh, Nam Quốc Cang , Nguyễn Trọng Tuyển, những người của ngày xưa cũ cùng tôi mộtt hời đồng cam cộng khổ, và xúc động bồi hồi nhất qua con đường mang tên Dương Tử Giang ở Chợ-lớn. Lại nhớ lại ngày tôi nằm ở Chắc Băng chờ tàu đi ra Bắc tập kết, thì DTGiang đến tìm tôi để chia tay. Anh trao cho tôi chiếc ống- vố ( pipe) , nói đó là của Thiếu Sơn gửi tặng tôi. Chả là, đã có lần tôi hỏi xin anh, nhưng khi ấy Thiếu Sơn không cho. Cái píp ấy cho tới nay ở bên tôi trên 40 năm rồi, qua bao biến thiên đất nước , tôi vẫn còn giữ, coi như một báu vật.
Thiếu Sơn ơi ! Dương Tử Giang ơi ! các anh có biết ?!
Bên sông Sài Gòn, mùa xuân 1996.
HOÀNG TẤN
( 1920 - 2003 tp. HCM )
nguồn: NGƯỜI XƯA MÌNH NHỚ / HOÀNG TẤN -
( Nxb Đồng Nai , , 2001- tr. 165 - . 189)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ