bài đáng đọc : " Khép Một Cửa Sổ / Cao My Nhân [ 1939- / Mỹ -- trích : Vietnamese Abroad Pen Centre . ( Mỹ )
KHÉP MỘT CỬA SỔ
CAO MỴ NHÂN
Buổi trưa hôm đó, khoảng mấy năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, nữ sĩ Mộng Tuyết nhắn tôi đến biệt thự Úc Viên tọa lạc cuối đường Nguyễn Minh Chiếu để ăn cơm với bà, nhân dịp có bà nữ sĩ tiền chiến ở ngoài Bắc mới vô. Nữ sĩ tiền chiến quen biết nữ sĩ Mộng Tuyết thì nhiều lắm: Ngân Giang, Mai Đình, Anh Thơ, v.v.. Không chỉ nữ sĩ, các ông văn thi sĩ tiền chiến quen biết với ông bà từ trước 1954, đều liên tiếp từ ngoài Bắc vô thăm miền Nam cho tận mắt thấy sự văn minh, lớn mạnh ở phần đất Mỹ – Diệm, rồi Mỹ – Thiệu, tức VNCH này. Tôi từ nhà ở khu nhà thờ Ba Chuông đi lên ngã tư đường Nguyễn Minh Chiếu và Phạm Văn Hai trước 12 giờ trưa để dự bữa trưa có việc đón bà nữ sĩ nào đó mà đại tỷ Mộng Tuyết dặn đừng trễ hẹn vì rất bổ ích cho tôi, nếu như muốn có dịp tổng hợp quý vị nữ sĩ tên tuổi đã hiện diện trong văn học sử Việt Nam. Tới Úc Viên, nữ sĩ Mộng Tuyết cười thú vị: Biết ngay mà, cô em Bắc Kỳ thế nào cũng dzọt đến liền hà, đâu thử đoán coi ai sắp tới? Tôi ngẫm nghĩ: Các bà Anh Thơ, Mai Đình trong đội ngũ văn nghệ miền Bắc đã từng đến Úc viên nhiều lần. Nữ sĩ Ngân Giang không trong bộ máy bạo quyền, chuyên sáng tác thơ cổ điển, mình cũng gặp hai lần rồi. Hai bà Hằng Phương, Vân Đài chỉ gặp tên tuổi trên hình ảnh chứ cũng chưa hề đọc tác phẩm. Bà Mộng Sơn, Thuỵ An đã ở Hà Nội trước 1954, gọi là quý vị không di cư thủa ấy. Vậy là ai chứ. Tôi bèn lắc đầu: Chịu, em chả biết, vì quý bà ấy thuộc hàng cô, dì với em, ai vậy đại tỷ? Nữ sĩ Mộng Tuyết – Thất Tiểu Muội, một chỗ ngồi riêng trong các chiếu thơ Việt Nam từ thủa cuối thập niên 30 tới buổi đó năm 1983, là phu nhân thi sĩ giáo sư Hán học đại học Văn khoa Sài Gòn. Nhị vị Đông Hồ –Mộng Tuyết có cả một sự nghiệp văn chương ở Chiêu Anh Các, Hà Tiên, vân vân và vân vân. Nữ sĩ Mộng Tuyết nghiêm mặt nhưng vẫn vui vẻ: Phải biết chuyện này nghe cô em. Nữ sĩ Thuỵ An cũng bị trong vụ án Nhân Văn giai phẩm Hà Nội là người phụ nữ có lẽ duy nhất tự tay móc một con mắt, hỏi trên thế giới đã có ai vậy chưa? Tôi nghe ù cả tai, sự thực mà nói ở cả hai chế độ Nam, Bắc Việt Nam, có lẽ chưa có phụ nữ thứ hai nào uất khí đến nỗi móc mắt mình ra để gọi là phản đối bạo quyền Cộng sản độc tài, tàn bạo. Đúng lúc chuông reo, ngoài cổng đã có khách tới, nữ sĩ Mộng Tuyết ngó tôi cười: Nào, chúng ta ra đón nữ sĩ Thuỵ An. Đi dọc theo hành lang, tôi thốt một câu vườn trưa nắng chiếu nhiều ghê lắm… Nữ sĩ Mộng Tuyết cười giòn giã: Đúng là Cao Mỵ Nhân còn trẻ, hăm hở quá chớ: Đã nhiều còn lắm, nên ghê thật, chớ giỡn đâu. Tôi đã kéo một bên cánh cửa, cửa Úc Viên rộng có thể chạy xe hơi ra vô được. Nhân dáng một bậc nữ lưu trạc gần bảy chục tuổi thôi, được nữ sĩ Mộng Tuyết giới thiệu là nữ sĩ Thuỵ An, tên thật là Lưu Thị Yến (1916 – 1989), một nữ tù chính trị. Cộng sản Việt Nam đã kết án bà, bà đã tự chọc mù một mắt để phản đối chế độ vô nhân đạo đó. Viết về nữ sĩ Thuỵ An thì… dài lắm, vì bà là một người phụ nữ hội đủ mọi lãnh vực văn học, xã hội, chính trị, kể cả mặt tình cảm riêng tư, nhưng tôi chỉ kể giai đoạn sau cuộc đổi đời khốn nạn 30 – 4 – 1975. Nữ sĩ Thuỵ An mặc áo dài lụa tơ nội hoá, quần satin đen, mang đôi dép thấp, bới tóc gọn lên cao, nên chẳng khó khăn gì khi thấy trên dung nhan bà chỉ còn một con mắt thực sự, vì con mắt bà tự chọc thủng cho mù đã chỉ còn lớp da nhíu lại, trõm sâu. Tuy nhiên, tôi cũng xin ghi nhận những dấu hiệu tàn tích của cái gọi là Cộng sản Việt Nam. Chúng đã bắt bà năm 1958, kêu án 1960, tới năm 1973 mới thả ra. Nữ sĩ Thuỵ An vô Nam, thuê một căn nhà nhỏ ở trong hẻm ngay sau lưng biệt thự Úc Viên nên tôi có dịp ghé thăm bà đưa thư hay chuyển lời nhắn của nữ sĩ Mộng Tuyết thời gian sau buổi hạnh ngộ ấy. Chúng tôi ăn bữa trưa trong nghẹn ngào nước mắt. Nữ sĩ Mộng Tuyết cứ ngừng lại như chính bà đang khổ tâm lắm. Tôi thì vừa xong chuyện tù cải tạo. Đặc biệt là nữ sĩ Thuỵ An không hề tỏ ra xúc động khi ôn lại cái quá trình mà bà bị khổ nhục trong suốt thời gian bà ở lại miền Bắc sau 20 – 7 – 1954. Kể lại rồi bà lắc đầu, khinh thường bọn chính quyền ấu trĩ Hà Nội, thỉnh thoảng còn bật cười, thật là can đảm và nghị lực. Bà không hỏi tôi đi tù ra sao, khi chính bà hiểu rằng tôi vẫn có vẻ tươi tắn, hồn nhiên, xem ra tôi mới ở dưới chế độ bà gọi là khốn nạn có 8 năm, bà phải ở tới 21 năm, mà hết 15 năm trong tù, dù bà đã tự hủy hoại một con mắt. Hình ảnh nữ sĩ Thuỵ An thủa tôi được diện kiến bà lần đầu tiên ở Úc Viên tới sau này khi tôi được gặp nhà thơ ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện trong cuộc biểu tình thu nhỏ đi quanh Westminster Civic Center đầu năm 1996 thấy hao hao giống nhau. Vì hình ảnh như đang ở cõi chết, sự khô héo, cằn cỗi và rất hận thù của những người bị tước bỏ hết cả nhân cách cuối cùng khiến không còn khả dĩ một đức tin tối thiểu ở đời nữa. Chúng tôi lặng yên để nữ sĩ Thuỵ An có dịp trút hết nỗi bi thương, thù hận Cộng sản Việt Nam hay bọn cầm quyền ở Hà Nội ra… Bà vẫn giữ tư thế lịch thiệp của người làm chính trị ngoại giao, còn là vị chủ báo tên tuổi tiền chiến với những sự kiện đáng nể như chủ nhiệm báo Đàn bà mới (Sài Gòn), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Đàn bà (Hà Nội), từng làm giám đốc Việt tấn xã và phóng viên chiến trường, đủ biết có bao nhiêu… kẻ thù, cả trong và ngoài nghề nghiệp. Nghe nữ sĩ Mộng Tuyết giới thiệu tôi ở trong quân đội VNCH, hay làm thơ, v.v. bà cười rất bao dung: Vậy em có biết gì về chị không? Lại một câu hỏi như hôm trước nữ sĩ Ngân Giang cũng hỏi tôi vậy. Vì quý vị nghĩ là tôi ở thế hệ sau quý bà mấy chục năm. Tôi gật đầu, kể lại giai đoạn gia đình ba tôi còn chưa di cư vô Nam: Thưa chị, khoảng thời gian 1954, các nhật báo Tia sáng, Giang sơn, Liên hiệp ở ngoài Bắc có đăng một tin thật lớn, chiếm luôn nửa trang nhất tờ báo luôn, có lẽ chỉ sau tin Điện Biên Phủ thất thủ, tin: Ai giết Đỗ Đình Đạo, Thuỵ An Hoàng Dân? Tin đó cho rằng chị là người liên hệ tới nội vụ, thậm chí có cả hình chị luôn. Chị cười hiu hắt: Chứ ngoài ra em không tìm hiểu văn thơ chị à? Tôi nhìn chị thật lâu, có lẽ nào mọi chuyện đơn giản thế, tôi trả lời vui vẻ: Có thưa chị, em đọc qua cuốnNhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, chị làm thơ và viết tiểu thuyết. Có lẽ nữ sĩ Mộng Tuyết không thắc mắc lắm, vì trang lứa nữ sĩ Thuỵ An, nhưng tôi hơi tò mò: Chắc chị bận rộn nhiều thứ việc quá nên đôi khi chưa có dịp nói ra những sự kiện chị đã và đang làm. Nữ sĩ Thuỵ An gật đầu, vẻ xa vắng: Ồ, đã qua rồi. Cũng không quan trọng lắm. Thôi ăn đi chứ. Sao bà, nữ sĩ Mộng Tuyết, đãi tiệc mà cứ ngồi ngắm thôi à. Người Bắc xưa cứ đi ăn cơm khách gọi là tiệc cho quan trọng, và ngắm là cứ nhìn hoài. Sau đó thì chia tay, nữ sĩ Mộng Tuyết hơn nữ sĩ Thuỵ An độ vài tuổi, đã có sẵn quà tặng nữ sĩ Thuỵ An, nhưng quý vị niên trưởng lại từng khách khứa thời… phong lưu xưa nên nói tôi mang quà ấy và đưa nữ sĩ Thuỵ An về vì nhà nữ sĩ Thuỵ An đang ở rất gần nhà nữ sĩ Mộng Tuyết, như tôi trình bày trên. Chuyện qua đi theo năm tháng… Có đôi khi sự việc thật quan trọng đối với một nhân vật này nhưng lại không khiến thiên hạ lưu tâm nếu không phải bà con, họ hàng, tri âm, tri kỷ, v.v.. Còn đôi với tha nhân thì thật là khó nói, phải có một tình thương yêu ghê gớm, hay một tấm lòng tha thiết với xã hội cuộc đời, e mới thông cảm và thương cảm chân thành được. Sau này qua Mỹ rồi, nhà văn Duy Lam (gốc đảng phái… chuyên nghiệp) mới vô tình nói về nữ sĩ Thuỵ An nhưng cũng trong giới hạn. Tôi thầm tiếc là đã có dịp gặp gỡ nữ sĩ Thuỵ An mà không chịu thân hơn, để có dịp biết hơn về con người dũng cảm của bà, đồng thời bày tỏ nỗi bức bách tai nạn mà bà đã phải hy sinh một cửa sổ của tâm hồn như thế… CAO MỴ NHÂN |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ